Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Phải bìn tĩn, bìn tĩn

Ông anh chồng mềnh định cư, lấy vợ là một chị quê Tây nguyên. Thỉnh thoảng đưa vợ về nhà nội dưới này. Chị dâu có vẻ thân thiện, hoạt bát, không đến nỗi nào trừ cái tội hơi hơi đồng bóng. Thế nhưng nghe anh chồng có hôm vui miệng kể, chị về nhà nói chuyện với anh, chê suốt lượt cả nhà chồng. Mềnh hỏi ông anh, chắc chị không chê gì em đúng không?
Ông anh cười bảo:
- Ồi, nó cũng chê cả mày. Nó bảo mày học Đại học mà …ngu
- ???
- Hôm đến nhà mày đám giỗ, nó về bảo với tao “con ấy ngu thế ai đời lại đem cà chua để lên bàn thờ cúng”
Cả nhà cười vật, mềnh chả biết nên cười hay khóc. Số là hôm đó người ta đem mấy quả hồng đỏ Đà Lạt đến thắp hương cụ nhà mình.(trông giống quả cà chua thật)  
Nhìn ra bên ngoài, âu cũng không ít người như bà chị dâu mình trên đây. Học hành làng nhàng, hiểu biết không đến đầu đến đũa, ấy thế nhưng thích thể hiện, thích hơn người, và tai hại thay là khi không thể hiện được mình giỏi, mình tài hơn người ta thì lại dùng biện pháp “dìm hàng”, nói xấu, chê bai người khác.
Thời bây giờ, mạng mẽo đầy đủ, thông tin cao tốc, người ta càng có điều kiện để cập nhật kiến thức thì lại càng dễ sa vào chuyện “chỉ biết (thậm chí biết rất nhiều) mà không hiểu”. Cái này cũng chả kể mấy anh học hành trường làng (như bà chị mình) mà ngay cả các anh học hàm học vị rổn rẻng cũng không ít người làng nhàng kiến thức, phát vài cái biểu kiểu “trên thế giới cũng chưa từng bao giờ có chuyện zdư lày” hoặc “tôi đọc nhiều, nghe nhiều nhưng chưa bao giờ thấy chuyện vô lý zdư lày” … Cứ như thể các boác ý là biết hết tất tật chuyện thiên hạ.   
Tệ nhất là nhiều vị cứ căn cứ vào thái độ, vào hiện tượng, thậm chí cắt cúp hiện tượng để quy thành bản chất rồi lu loa đủ thứ. (Như kiểu bà chị dâu mềnh là một loại.)
Mềnh mần ziệc văn phòng, thuộc diện “ăn theo nói leo” cũng biết mấy chuyện đại loại thế này: Một anh A được cấp dưới trình lên cụ sếp trên đề nghị bổ nhiệm, tài liệu đã được đặt ngay ngắn trên bàn cụ. Anh B (văn phòng) đi lên, ngó qua vai cụ thấy cái hồ sơ anh A, lại để ý thấy cụ cầm cái bút gõ cạch  cạch trên bàn, mặt suy tư lắm lắm …Thế rồi, chả mấy chốc cái anh A kia sẽ nghe được thông tin “cụ đang “căng” vụ của ông lắm đấy, lo mà “xử” đi nhé. Phải đến gặp ngay anh B, C, D … văn phòng đi”.
Lão A kia không toát mồ hôi hột, sợ đến sun d… mới lạ, lại líu ríu nghe theo lời chỉ bảo này nọ. Nếu được, thì công anh B, C, D quá lớn, giải quyết được chuyện khó thế.
Ai biết, “cụ” gõ bút cành cạch trên bàn là đang tư duy chuyện khác kia. Mặt nhăn nhó thì có khi là cụ đang … đau bụng.
 Nói thật, hồi trước mình thỉnh thoảng cũng hay bị hoang mang ngả bên nọ, vẹo bên kia vì hoa mắt với những thông tin được bảo chứng từ bằng cấp học hàm học vị của các boác “chí thức”. Sau biết là nên chờ thêm một thời gian nữa để lắng nghe thông tin từ phía khác, tốt nhất việc mềnh mình mần, chả xỏ xen gì chuyện thiên hạ.    
He he, thế nên mọi việc cứ phải là bìn tĩn, bìn tĩn nhóa

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

12 ngày đêm ...

Mình ở Hà Nội trọn đủ  12  ngày đêm ác liệt năm 1972.
Lẽ ra mình cũng đi sơ tán ở Nhổn như bà chị mình nhưng rồi má thương mình bé quá nên đưa mình về ở Hà Nội với bà. Không ngờ “ăn” đủ 12 ngày đêm …Ờ nhà được 2 hôm đầu, hôm thứ 3 thì phải dạt sang nhà bà chị họ vì khu vực nhà mình gần ngay Tổng cục chính trị của quân đội.
Đêm nào cũng thế, có hôm chạy xuống hầm báo động  đến mười mấy lần. Chắc tại còn nhỏ nên mình chả thấy khiếp, chả thấy sợ gì , chỉ bực vì đang nằm lơ mơ cứ thấy má khi thì xốc nách khi thì bồng mình chạy báo động. Đến khoảng 7,8 lượt gì đấy thì cả nhà (tuyền phụ nữ trẻ em) mệt phờ rồi nên muốn ra sao thì ra, trải chiếu luôn xuống gầm giường mà ngủ chứ không chịu chạy nữa.
Dấu ấn của chiến tranh đối với mình nói chung cũng như 12 ngày đêm năm ấy có lẽ chỉ còn là tiếng còi báo động và tiếng loa phóng thanh: “đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách xa Hà Nội 20 cây số, các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu…”. Còn việc đi sơ tán, vẫn được chăm lo đầy đủ từng miếng cơm manh áo (tuy có khó khăn hơn bình thường chút),  nên cũng coi như cuộc đi chơi dài ngày mà thôi. Chiến tranh chạm vào thế hệ bọn mình thoảng qua như thế. Hai cụ nhà mình thì khổ thật, nhưng nhờ trời cũng còn nguyên vẹn trở về. Đối với gia đình mình, sự vẹn toàn đó  như thế đã là sự may mắn. Và may mắn lớn hơn chính là việc bởi sự an toàn đó đã giúp cho mình không nặng lòng với những hận thù tương tàn sau cuộc chiến.
Cũng có lẽ vì vậy, và có lẽ vì là trẻ con nên khi trở về quê là miền Nam sau giải phóng mình dễ dàng hòa nhập với bọn trẻ con trong này. Cái khoảng cách xung đột ta-ngụy này nọ cũng chỉ một thời gian đầu rồi lắng xuống. Bọn bạn trong này, kể cả những đứa sau này đã đi Mỹ diện HO giờ mỗi khi về nước vẫn đến thăm lớp trưởng cũ (là mình).
Nhưng …
Ông anh bạn mình có mẹ bị bom Mỹ giết hại năm 1972. Thằng bạn mình có bố là chiến sĩ tự vệ hy sinh bên bệ pháo 12 ly 7 vào năm 1972. Một thằng khác có bố hy sinh tại chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. …
Chiến tranh đã gieo cho họ nỗi đau thương và cùng với đó là nỗi uất hận khó có thể diễn tả bằng lời, khó có thể nguôi ngoai.
Mình biết họ đã rất khó khăn trong cuộc sống kể từ khi mất đi người thân và cũng vì thế không trách họ giờ cũng rất khó khăn khi buộc phải bắt tay với những kẻ trước đây từng ở phía đối phương và đã từng biến họ thành kẻ mồ côi.
Sự tha thứ, không dễ dàng như người ta mong tưởng. Sự hòa hợp không dễ dàng như người ta mong tưởng …
Mình có lúc đã nghĩ mọi người nên quên đi quá khứ, quên đi chiến tranh và thù hận, nhưng có lúc lại tự phê bình mình là đứa mau quên.
Cho nên mình thấy thật khâm phục cho những con người có thể gác lại một bên những hận thù cá nhân để vượt lên trên,  đĩnh đạc đối mặt với cuộc sống với sự vị tha phi thường
 

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Vụn vặt linh tinh theo lời đồn tận thế

           Lẽ dĩ nhiên mình đã biết và biết rất rõ rằng chẳng hề có ngày tận thế như người ta đồn đoán trên cơ sở lịch của người cổ xưa Maya hay là của vị tiên tri nào đó. Đó chẳng qua là một trò đùa như thể năm 2000 đã từng được tiên đoán sẽ là ngày tận thế thôi mà. Nhưng có lẽ cái mình nghĩ không phải là có hay không có ngày tận thế.
      Tự dưng lại nghĩ hay là  mọi người nên tin vào ngày tận thế, tin rằng ngày mai đây mình sẽ không còn có thể làm được những điều  mà mình ước mong sẽ được làm nhất và những ước muốn đó sẽ được đáp ứng một cách miễn phí (nghĩa là chỉ trừ phi họ đã quá yếu để không thể làm được).
         Giả định nếu ngày mai tận thế, các chuyển bay sẽ miễn phí nên ai muốn đi đâu thoải mái. Mai tận thế, các bà vợ không cần phải giữ những ông chồng của mình tại nhà vì bản thân bà còn phải đi thăm tình nhân cũ. Có lẽ người ta cũng sẽ sẵn sàng cho nhau những chiếc iphone 5,6 7, những hòm đựng đầy tiền vàng, những vì ngày mai sẽ không còn cơ hội dùng đến nữa; không có cướp bóc bởi tài sản cướp được chả để làm gì ; không có chuyện  tranh giành cướp ngôi, đoạt vị vì cũng chả có ai còn cần đến chiếc ngai vàng quyền lực khi tất cả cùng hùa nhau ra đường, uống bia say mèm, khoác vai nhau hát nghêu ngao những bài hát mà mình thích. Sách báo, bằng cấp sẽ được chất đống để đốt lửa và người ta sẽ nhảy múa xung quanh để mong ước những thứ đó được gửi lên và xếp gọn vào giá sách thư viện thiên đường trước khi họ lên đến nơi.
     Nhưng nếu giả định có ngày trước ngày tận thế như thế thì rồi cũng sẽ có những bi kịch. Sẽ có cùng một lúc nhiều chàng trai đến cầu hôn một cô gái (hoặc chỉ là thổ lộ tình yêu với cô) và cũng như thể nhiều cô gái cũng sẽ tìm đến  một chàng trai với lý do tương tự. Và gia đình, gia đình của họ bỗng dưng đổ ra những bi kịch được xới lên từ những vết thương đã liền sẹo từ quá khứ.  Biết đâu có người vợ sẽ ném vào mặt ông chồng những cục vàng và đổ lỗi rằng ông ta đã dùng nó để chiếm đoạt mình, còn những ông chồng thì cười khẩy bỏ đi . Biết đâu không phải ngân hàng mà kho vũ khí sẽ bị cướp vì người ta cần nó để  kết thúc cuộc đời kẻ khác và chính cuộc đời mình bởi không chịu đựng nổi những mất mát khi ngày tận thế đến
Bởi cái gì người ta cần, người ta lụy, người ta hận, người ta buồn … cũng sẽ không còn là cái gì cho ngày tận thế
Hạnh phúc, khổ đau, niềm luyến tiếc, tình yêu, bất hạnh… cũng vậy.
    Người ta liệu có nhận ra thực trạng phù du của số phận mình, của thế giới xung quanh mình hay không? có thực sự ngộ ra được những tham vọng trước đây của mình đều chỉ là ảo tưởng?     
   Và nếu có ngày như thế thì … liệu có ai đến tìm mình không nhỉ? Còn mình sẽ đi tìm ai bây giờ ?   

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Giấc mơ "Bà Thủ tướng Ớt"

Em gái  ông Thạc -sỉn, bà  Din - luc sinh ngày 21/6/1967, sau mình đúng ... 4 ngày. Thế mà bả đã là Thủ tướng một nước to đùng là Thái Lan. Hôm trước, nghe tin bả trúng cử,  rảnh rảnh tự nhiên ngồi nghĩ thấy ... tức bà già quá. Hồi ấy đẻ chậm mình 4 ngày, biết đâu bi chừ mình cũng là Din-luc của Việt Nam nhỉ.
Dưng mà chừ nhìn cảnh nước ngập lụt lội ở Băng cốc, thấy bả Din-luc xắn quần lội nước, chỉ đạo cái nọ, quyết định cái kia, lại nghĩ … cám ơn bà già và thấy tội cho bà Din – luc.   
Nhớ lại ngày trước, ông già mình nói vui với moi người: "phải đào tạo con nhỏ này thành như bà INDIRA GANDI , thủ tướng Ấn Độ".  Hồi mới lên 5, "bà Thủ tướng  dỏm" (là mình, gọi tắt là bà TTg) được theo ba đi uống bia hơi (nhà gần trạm bán bia mà), ba 1 vại bia, khách 1 vại bia thì "bà TTg" đây cũng ... 1 vại bia ngang ngửa, không kém. "Bà TTg" từ nhỏ cũng được ngồi hóng hớt đủ thứ chuyện chính trị, chính em của các bậc tiền bối. Lớn hơn tí thì được tham gia "phát vài cái biểu" khiến nhiều người cũng mắt tròn mắt dẹt, khen lấy khen để. Chẳng hạn hồi 5 tuổi, đúng hôm giao thừa, tức tối vì phải đứng bên ngoài không vào được đền Ngọc Sơn, trong khi các ông Tây được công an bảo vệ cho vào thoải mái, "bà TTg" đã phát biểu: "ba này,  đây là nước Việt Nam, Đền Ngọc Sơn là của Việt Nam, cầu Thê Húc cũng là của Việt Nam mà tại sao các chú Công an lại không cho người VN vào mà lại chỉ cho người nước ngoài vào?" . Ông già ngớ người ra vì con bé hỏi câu “già đắng” quá đi mất.
Năm 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3 xong, có lần nghe ông già ngồi nói chuyện với các bác nhớn, mềnh góp chuyện bằng một câu: “Họ nói, dân phương tây là dân duy lý (cứ cái gì có lý là hắn theo), dân Tàu là dân duy ý chí (bắt buộc làm theo ý chí của lãnh đạo bất kể đúng sai); Dân Ấn độ là dân duy linh (chỉ tin vào thánh thần tôn giáo), còn dân Việt ta là … duy tình (chỉ tin vào tình cảm của mình). Các cụ nghe thế gật gù, con bé này ngon đó, ông già mình sướng ra mặt ….
Vào Đại học Luật. Một hôm nghe con bé bạn dân miền Tây trả lời câu hỏi vì sao em chọn học luật, nó trả lời thế này: “em thấy đời bất công quá nên em chọn học ngành này”. Mình bĩu môi buông một câu: sáo, vớ vẩn. Người kia hỏi lại: Thế sao em lại chọn học luật. Mình bảo ngay: Em học để biết luật, để biết luật có kẽ hở nào là em … lách. He he
Đặt giả sử nếu mình là bà TTG thật thì báo chí ta sẽ viết về mềnh thế này: “đồng chí Ớt được sinh ra lớn lên trong một  gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng; được giáo dục  một cách cơ bản và toàn diện (có nhận học bổng) trong nhà trường XHCN, được tiếp cận những nền giáo dục KHKT tiên tiến mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.  Đ/c Ớt cũng đã từng sống những năm tháng chiến tranh ác liệt, những năm đất nước còn nhiều khó khăn nên đ/c đã hun đúc nên ý chí kiên cường, quyết tâm xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phát huy truyền thống gia đình(3 đời củ chuối), đ/c Ớt nhận thức hết sức đúng đắn về tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng….”
Tất nhiên nghe những lời như vậy bà Ớt sẽ rất sung sướng, tự hào, thấy mình cao hơn thiên hạ, thấy mình giỏi hơn thiên hạ, thấy cấp trên quá sáng suốt khi lựa chọn mình làm TTg và tin rằng mình hoàn toàn xứng đáng với vị trí ngất ngưởng ấy.
Nếu mình không được làm Thủ tướng và bị “lợi dụng” thì chắc hẳn các bài báo “lạ” sẽ đưa tin thế này: "Bà Ớt, một người đã từng được nuôi dưỡng và giáo dục trong một gia đình có truyền thống, được học hành bài bản, được đào tạo để có thể nắm giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy. Tuy nhiên bà Ớt đã không được chế độ tôn trọng lựa chọn vì vướng phải những tư tưởng cấp tiến chưa phù hợp với thời đại của nước bà …"
Tất nhiên nghe những lời như vậy bà Ớt sẽ cảm thấy chạnh lòng, sẽ cảm thấy tức tưởi biết bao. Rồi bà Ớt sẽ tự nhủ phải đấu tranh để giành cho được những gì (mà bà tự sướng) cho rằng nó thuộc về mình và phải thuộc về mình.
Nhưng thực ra bà Ớt vẫn chỉ là bà Ớt. May thay, bà Ớt vẫn nhận ra được là mình đang ở chỗ nào, mình là ai và biết bằng lòng với những gì mình đã có. Cho dù, đến nay, bà Ớt vẫn “nuôi dưỡng” giấc mơ thành TTg thì bà biết đó cũng chỉ là giấc mơ mà ai sống trên đời thì cũng nên có. Bà cũng biết nếu  bà ở phương Tây duy lý thì cái  giấc mơ ấy bà có thể nói toang toác ra mà không bị chửi thẳng vào mặt là “đồ con điên” mà thôi

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

GẠCH NỐI CỦA MINH TRỊ

Lịch sử Trung Quốc (dù có thể bị chửi vì biết sử “nó” nhiều hơn sử “ta”, nhưng kệ) triều đại nhà Thanh có hai vị vua có tiếng là minh trị là Khang Hy và Càn Long (lão Càn Long này xua quân sang nước Việt ta bị Nguyễn Huệ oánh cho “chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn” nhưng mà dân TQ thì khoái lắm). Giữa hai triều đại này là triều của Ung Chính, một  vị vua có vẻ mờ nhạt, thậm chí là tai tiếng nhất trong số 13 vị hoàng triều nhà Thanh. Tai tiếng lớn nhất là việc cướp ngôi vua của hoàng tử thứ 14 (thập tứ a ca) người được vua Khang Hy ưu ái nhất và theo đồn đoán sẽ được nối ngôi vua này. Tiếp đó, sau khi Ung Chính lên ngôi lại là nhiều việc động chạm đến quyền lợi của các vị quan quyền, công thần …
Cách nay đã lâu, hơn chục năm, có bộ phim truyền hình Vương triều Ung chính với một cách tiếp cận về nhân vật này khác hơn so với lịch sử. Trong đó Ung Chính vương được xây dựng là một nhân vật có một vai trò quan trọng trong việc củng cố triều đại nhà Thanh.
Về việc soán ngôi vua: theo lịch sử Ung Chính đã sửa trong di chiếu của vua Khang Hy từ chữ “thập tứ” (14) thành “đệ tứ” (thứ 4) để tự đưa mình lên ngôi. Tuy nhiên theo bộ phim thì việc lựa chọn Ung chính là sự chủ định của chính Khang Hy trong bối cảnh nhiều người con của ông ta đã không từ các thủ đoạn nào để đấu đá lẫn nhau cho chiếc ngai vàng quyền lực.
Nhưng thôi, thực hư chuyện soán ngôi này ra sao cũng khó mà biết được.
Phần còn lại bàn về chuyện điều hành của Ung Chính (trong phim).
Sau khi Ung chính lên ngôi, ông phải đối diện với rất nhiều những vấn đề khó khăn (thời chừ người ta gọi là khủng hoảng) . Ngân khố trống rỗng, đời sống nhân dân khổ cực, nội bộ triều thần hỗn loạn, nhiều kẻ bất tuân (do nghi ngờ sự quang minh của vua),  lũ lụt hoành hành …
Việc làm gần như đầu tiên của Ung chính vương sau khi lên ngôi là triệu tập quần thần và …đòi nợ. Số là các quan quân (nhất là đám công thần) trước đó đã được vua Khang Hy dành cho nhiều đặc ân,  cho vay tiền của ngân khố (không hoàn lại), nhiều kẻ tác oai tác quái, nhơn nhơn tự đắc, coi mình bậc công thần khai quốc không ai dám động vào. Bây giờ nghe vua đòi nợ người thì khóc, kẻ thì la, chửi ầm ĩ, có kẻ lại cậy thế công khai thách thức với vua, rồi không ít kẻ ngấm ngầm tụ tập binh mã mong có ngày lật đổ…. Dân tình nghe thấy chủ trương của nhà vua như vậy thì mừng lắm nhưng cũng không tin là vua có thể làm được. Đám sĩ phu có học thì khoanh tay đứng nhìn xem vua làm ăn thế nào. Như vậy thực chất một mình Ung chính vương phải đối mặt với hầu hết quần thần và dân chúng.
Thế nhưng bằng nhiều biện pháp kiên quyết khôn khéo, “đánh” thẳng từ trên xuống, buộc các vị đại lão công thần phải “nôn” hết của cải ra trả nợ, các quan địa phương phải chấp hành lệnh trưng thu tài sản không từ một ai … Có chi tiết thế này: đối với một số vị quan tham, dỗ dành dọa nạt không xong, vua sai người viết vè rồi tung ra cho dân chúng nghêu ngao đầu làng cuối xóm, thế là dân hả dạ, quan tím mặt nhưng chẳng làm được gì vì đã có vua “bật đèn xanh”. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, Ung chính Vương đã thu hồi được hầu hết số nợ, có tiền để chi tiêu cho việc hộ đê chống lụt, cứu dân, nhờ thế đã thu phục được lòng dân chúng và được họ tin tưởng ủng hộ . Riêng các quan lại bị nhà vua dồn ép đòi nợ nên không tránh khỏi việc bất bình và do vậy trong sử sách Trung Quốc, Ung Chính Vương đã bị đám này đặt điều nói xấu, coi như hôn quân bạo chúa(thời nay gọi là một nhà độc tài).
Nhờ có sự quyết đoán mạnh dạn, kiên quyết (có phần độc tài) của Ung Chính Vương mà Càn Long (con của Ung Chính) sau đó lên nối ngôi đã được thừa hưởng một nền kinh tế ổn định vững vàng hơn, đời sống dân tình được cải thiện hơn nên dễ dàng thành công với chính sách trị quốc nhẹ nhàng, thanh tao hơn hẳn cha mình.
Vậy đó, lịch sử có những lúc thăng trầm, trong một triều đại trị vì không tránh khỏi lúc thịnh lúc suy, cho nên tất sẽ có những gạch nối của minh trị như thời Ung Chính Vương để người ta có thể nhìn lại những gì mình làm cho đất nước để đất nước sau thời khủng hoảng lại có thể giữ được sự cân bằng mà tiến lên phía trước.   

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

THƯ GỬI BẠN HB

Ban HB thân mến,
Phải nói ngay là mình rất quý bạn và biết bạn cũng thế. Vậy nên bạn cũng đừng (giả vờ) ngạc nhiên hỏi tại sao mình biết bạn thích nọ hay ghét kia. Những người bạn của bạn tất nhiên trong phạm vi nào đó (ví dụ như trên mạng chẳng hạn) mình tin rằng họ nếu biết thì cũng sẽ dễ dàng làm bạn với mình. Nói vậy để bạn khỏi “lăn tăn” vì những gì mình viết dưới đây nhá.
Hôm rồi, có việc đi vắng, về nhà thấy bạn đã vào xem và xin “bưng” entry của mình về nhà bạn. Tất nhiên, mình biết trước tiên là do bạn quý mình, sau là bạn có đồng tình với (một hoặc một vài) suy nghĩ của mình trên đó.
Sau đó thì mình có xem những còm của các bạn của bạn về entry của mình trên nhà bạn. Ban đầu quả thật mình cũng  có “tối tăm mặt mũi” khi bị nhiều sự chê bai của các bạn (mình quen được người ta khen rùi mà). Sau đó bình tâm lại mình cũng thấy là cái sự chê đó cũng có nhiều điều khiến mình phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và thật may là họ chỉ chê trên blog của bạn chứ không phải trên blog của mình. Hi hi
Bạn HB thân mến,
Bạn biết đấy, thành phố của mình rất gần Quảng Ngãi và do vậy mình đã không dưới 3 lần được đến thăm quan Sơn Mỹ, nơi mà cách nay gần 45  năm đã xảy ra cuộc tàn sát của Mỹ, giết chết gần 500 người dân ở đó. Mình đã đứng rất lâu, đã lạnh người, đã rơi nước mắt trước những tấm ảnh chụp lại những khoảnh khắc khủng khiếp và man rợ mà lính Mỹ đã giáng xuống đầu những người dân vô tội. Âu đó cũng là những “sản phẩm” phải có của mỗi cuộc chiến (mình tự an ủi mình như thế để xua đi trong đầu sự khủng khiếp do tác động của những hình ảnh mang lại)
Nói đến sự thật. Còn có sự thật nào rõ ràng và khủng khiếp hơn sự thật được mô tả trong những bức ảnh chiến tranh như ở Sơn Mỹ không bạn nhỉ? Nhưng nói thật với bạn là những bức ảnh mô tả sự thật  đó chỉ tạo nên trong mình sự ghê rợn, đau lòng …
Còn những sự thật trong những ví dụ mà mình đã dẫn tại entry đó lại làm mình ghê tởm.
Mình biết bạn và các bạn của bạn (một vài người mà mình biết) là những  người cầm bút  hoặc có liên quan đến nghề cầm bút nên cũng không tránh khỏi sự tự ái nghề nghiệp khi bị chỉ trích. Nhưng chắc các bạn cũng đồng ý với mình rằng sự ghê tởm là cấp độ cao hơn (nếu không nói là cao nhất) của thái độ ghét, sợ, khủng khiếp, căm phẫn …
Ví dụ (lại ví dụ) thế này: Nếu một người trong phút giây nóng giận, rút dao ra và lụi cho đối phương một nhát chết tươi: điều ấy khiến ai cũng căm giận. Thế nhưng nếu có ai mô tả lại thêm thắt vào đó những chi tiết để tăng độ giật gân của sự việc thì điều đó sẽ dần trở thành sự ghê tớm hơn cái bản chất ban đầu của sự việc phải không bạn?
Dạo này mình nghĩ nhiều đến tính nhân văn của vấn đề, cố gắng phân tích ý nghĩa nhân văn của từng câu chuyện mà mình đã đọc và thực sự có bị ảnh hưởng bởi tư tưởng nhân đạo của … nhà Phật. (Hi Hi). Còn về “hơi hướng tuyên giáo” như bạn Thuyền đã bảo thì chính bạn ấy cũng đã cười hi hi với mình và thú nhận “chúng mình cùng 1 lò như nhau, em cũng có khác chi chị đâu” dù thực lòng chính mình không muốn liên quan "lọ chai" đến mấy anh tuyên giáo đó.    
Cuối cùng, bạn bảo mình hiền (mừng quá) nhưng thực ra là mình không hiền đâu bạn. Mình đã tốt nghiệp Đại học luật và hiện đang nhăm nhe xung vào lực lượng Hội thẩm nhân dân của tòa án nhân dân thành phố đây (nói trước là sẵn sàng xử tù những tên mình ghét và xử tử hình những tên khiến mình ghê tởm nhá).
Vài dòng “trình bày hoàn cảnh” với bạn và các bạn như vậy với sự cầu thị chân thành.
Chúc các bạn vui vẻ.   

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

NGƯỜI CẦM BÚT VÀ SỰ THẬT

Mình không cực đoan đến mức phải chửi bới um sùm cái đám nhà báo, nhà văn giờ nhiều người đã quẳng vào xó lương tâm nghề nghiệp của bản thân và sổ toẹt những thành tựu mà giới này (gọi chung là giới cầm bút) đã từng làm được.
Mềnh cũng đã từng nghe ai đó (hình như Nguyễn Ngọc Tư) ví cái đám nhà báo giờ chẳng khác gì những con chim kền kền chuyên rình mò và bươi móc những xác chết của xã hội (cụ thể như đám xô-bít).
Cách đây nửa tháng chính chúng mình bị đám nhà báo kia “chộp” lấy 1 câu trong bài viết có đá động đến chuyện chậm lương và “tương” nó thành 1 bài với cái tít “nhà nước hết tiền trả lương cán bộ”. Hết nói nổi…luôn. Nghe chuyện, cô bạn mềnh cười ngất bảo "chị ui, “tai nạn” như rứa e còn nhẹ, quá nhẹ đó chị."
Mềnh không dám tự nhận mình là nhà báo, càng không dám nhận là nhà văn (mặc dù đó vẫn là mơ ước từ hồi bé tí) mà chỉ dám coi viết lách là một thú vui và tạm đủ ngôn từ để diễn đạt những gì mình thích, mình muốn …
Theo mình (chắc không chỉ riêng mình) 1 cá nhân bình thường nếu gây hại thì chỉ cho họ và cho vài người khác nhưng phàm đã là người cầm bút thì trách nhiệm xã hội với họ là rất lớn vì khả năng gây hại quá nhiều. Đừng nói là chuyện “nhà báo nói láo ăn tiền” nhưng cũng đừng cho rằng là  nhà báo thì được quyền nói lên tất tần tật, tuốt tuồn tuột sự thật. Bởi có thể điều họ viết là sự thật 100%  nhưng nếu cái điều đó là sự dã man, đốn mạt thì khi cứ phơi bày sự thật ấy ra để cho nhiều người biết thì lại là sự dã man và đốn mạt gấp nhiều lần.
Mềnh lấy mấy ví dụ này để cho dễ thấy:
Có 1 quyển tập truyện ngắn do NXB của TP mình xuất bản và bị cấm. Mềnh đành đọc thử trên mạng coi nội dung hắn ra răng mà bị cấm. Câu chuyện, cách viết, kỹ thuật văn chương … thôi thì không dám lạm bàn. Nhưng có 1 truyện ngắn kể về cuộc chiến tranh biên giới phía bắc hồi 79 và mình bị ám ảnh bởi chi tiết kể về những người bên ta bắt được 1 tóan nam nữ nghi là thám báo đối phương. Sau khi giết (một cách man rợ) đám đàn ông, người phụ nữ đối phương bị căng người ra trên mấy cái cọc và mấy anh bên ta cắm 1 cái cọc vào chỗ kín của cô ta…(không dám kể nữa)
  Không hiểu sự man rợ, tàn độc (dù là của ta, hay của địch) được tác giả viết ra như thế để làm gì, để nói lên cái gì, để giáo dục cho ai, có nghĩ đến tính hướng thiện thế nào?. Và không hiểu họ có biết rằng  sự thật ấy sẽ đem đến cho bạn đọc những cảm nghĩ tồi tệ và tồi tệ hơn khi sẽ coi tội ác như là một chuyện bình thường …
Cho nên tập truyện ấy, theo mình cấm là phải…
- Một báo kia, (báo lớn hẳn hòi) mềnh nhớ là hồi vụ MPU 18, có bài viết kể về sự ăn chơi sa đọa của đám quan chức. Đại khái kể là chúng hắn cho 1 cô trần truồng ngồi vào cái lu có chứa đầy bia rồi đánh bài hễ ai thua thì phải uống bia đó… (mềnh không dám kể cụ thể hơn nữa).
Sau nghe nói mấy anh viết bài nớ bị kiểm điểm kỷ luật tơi bời...
Mềnh thực tình vô cùng căm ghét cái lũ người chuyên coi người khác là đồ chơi của mình, càng căm ghét cái lũ nhân danh cán bộ mà  sa đọa khốn kiếp đến thế. Thế nhưng phơi bày sự trác táng đó ra lại sẽ gieo cho người đọc (hàng triệu người đọc) những hệ lụy thế nào thì thứ hỏi đám nhà báo và biên tập kia có biết hay không, có hiểu đó là sự đốn mạt trong lương tâm nghề nghiệp hay không.
Cô bạn mình có lần đã chửi, chửi bằng một giọng nanh độc cái đám nhà báo đang xô vào tung hô môt chàng hiệp sĩ do nhào vô bắt cướp mà bị bắn trọng thương. Dĩ nhiên thì cô không nói chàng hiệp sĩ kia là xấu nhưng cô phê phán hành động của anh ta là liều lĩnh, dốt nát và coi thường tính mạng bản thân, cái tính mạng do bố mẹ anh sinh ra và bao khó nhọc nuôi dưỡng anh thành người. Và cái đám báo chí kia môt khi đã không biết trân trọng mạng sống của con người thì hà tất phải cổ vũ cho một hành động coi thường tính mạng mình để đổi lấy những lời khen hoặc danh hiệu phù du.
Ban đầu mình quả thật có dị ứng với những lời phê phán nặng nề của cô bạn nhưng sau lại thấy cô nói đúng. Giả thử mấy cu con nhà mình mà cũng có máu iêng hùng liều lĩnh kiểu thế thì mình … (không dám nghĩ tới nữa)
Cho nên ở câu chuyện này theo mình đánh giá cô bạn mình còn nhân văn gấp nhiều lần cái đám nhà báo chỉ biết nói leo, ăn theo a dua vào rỉa rói vào thói hiếu kỳ của thiên hạ.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

"ĐONG GIAI"

Mềnh khoái cái câu của cô bạn mềnh: “áo váy xông xênh rồi. Nào đi đong giai thôi !”.
Cái câu vừa hài hước vừa ngạo nghễ của người đàn bà chưa hết xuân sắc …
Giai của cô là những ai?
Trước hết và trên hết là một giai trẻ to vật cao lêu khêu vậy mà luôn được cô chở che, và luôn ôm cô, chúc cô ngủ ngon những buổi tối và biết thừa rằng nếu chàng ta mà không ngủ ngon thì cô cũng thế.
Có một anh mà cô không ngần ngại bảo là "anh đẹp giai" của mình. Anh này thì luôn "vây hãm" cô bằng hàng đống những loại thuốc cái uống, cái tiêm kèm theo những lời hăm dọa và quy định rằng thì là mà mà cô luôn phải lắng nghe với thái độ thành khẩn của một kẻ có lỗi nhưng lại sẵn sàng vi phạm những quy định đó bởi một ý thích bất chợt nảy ra trong cái đầu có quá nhiều những ý muốn và đam mê. Hic
Mấy giai khác, người thì luôn cằn nhằn cửi nhửi cô vì cái “tội” hành hạ, bắt lùng cho bằng được mấy quyển sách hàng hiếm mà cô nhờ mua. Kẻ khác thì hoảng hồn khi mấy ngày liền không thấy cô tung tảy, đánh đu trên facebook. Kẻ khác nữa nếu “tóm” được thì thể nào cũng “lôi xềnh xệch” cô đến bệnh viện và kiên nhẫn ngồi hàng tiếng đồng hồ để chờ cô khám bệnh. Tất nhiên sau đó thì không tiếc lời  “mắng nhiếc” cô thậm tệ vì sự coi thường sức khỏe, tính mạng của mình. Hờ hờ …
Đong được những giai ấy thì coi như đời cô đã có đủ mãn nguyện …
Còn những kẻ mày râu đủ đầy nhưng âm tính, thì với cô, không đáng gọi là giai …

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

MÙA ĐI CÙNG THÁNG NĂM

Nàng thật đáng ghét y như một mụ trung niên đỏng đảnh, kiêu ngạo,lắm nuối tiếc và nhiều đam mê …
Nàng không chỉ nuối tiếc cái thời xuân sắc hừng hực, đỏ lửa chói gắt đầy đam mê, cứ như muốn đốt cháy người khác bằng cái nhìn nồng nàn đắm đuối …
Thật ra là nàng đang rất khát khao cái lạnh lẽo của mùa đông, nơi mà nàng có thể cuộn mình vào lòng một ai đó, hé ánh mắt nũng nịu … chờ một sự chở che ấm áp…
Bởi vậy dễ hiểu là nàng đỏng đảnh thất thường lúc mưa lúc nắng như để trêu ngươi, như hồi xưa đã từng làm để biến một gã trai lơ nào đó thành kẻ ngốc ngếch trong mắt người khác
Nàng kiêu ngạo thích bắt mọi người phải đợi chờ mình …và thường đến thì rất nhanh nhưng lại vội vã đi ngay. Sao thế nhỉ? Hay là nàng đang sợ người ta phát hiện ra những sợ tóc bạc đang lờ phờ xuất hiện? Hay là nàng không đủ sức chịu đựng được cái nhìn thương hại cho sự xuống cấp của mình. Có lẽ cả hai …
Rồi bỗng dưng nàng cảm thấy phải trút cơn giận dữ,  sự tức tưởi của mình lên một ai đó. Thế là bão tố, mưa dầm lê thê nổi lên …
Phấn son trôi hết, người đàn bà đẹp xuân sắc khi xưa bỗng trở nên tàn tạ  thảm hại …
Nàng cần lắm sự thủy chung son sắt, một cánh tay ân cần sẵn sàng chìa ra và dìu nàng đi tiếp quãng đường cuối cùng …
Hờ hờ, Nàng thật đáng thương …
Ôi mùa thu của tôi …

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

GIẤC MƠ TAM GIÁC MẠCH

Đoạn sau đây là của cô bé cùng phòng vừa "phượt" ở Hà Giang về.
Đi thôi, em sẽ chạm được vào giấc mơ của mình....

Giấc mơ Tam giác mạch

Em không dám ví nơi ấy là người tình của mình, bởi chỉ có em phải lòng người thôi, chứ dấu chân của em có lẽ gió đã xoá nhoà đi từ lâu lắm rồi. Nơi ấy đã cho em biết thế nào là sự sâu thẳm, thế nào là sự vững chãi, thế nào là phóng khoáng và cả thế nào là sự dịu dàng. Nơi ấy đón em bằng những ánh mắt sắc lạnh của đá, vậy mà ...
làm em ngẩn ngơ.
Rồi em bắt đầu yêu khi chạm vào ánh mắt sắc lạnh ấy...

Không gì là không thể...

Em yêu tất cả những gì thuộc về người, những người bạn của người, những người còn say đắm người còn hơn cả em nữa. Em lục tung cả thế giới ảo chỉ vì bất chợt em bắt gặp những địa danh quen thuộc về người.

Thỉnh thoảng, em lại nhận được những cuộc điện thoại gọi về từ trên ấy, thỉnh thoảng, em lại tìm thấy những tấm ảnh có gương mặt người, thỉnh thoảng em lại đọc được một vài mẩu tin ngắn có tên của người, em lại dội lên nỗi nhớ pha lẫn dư vị của sự ghen tị. Em lại miên man nghĩ về những ngày mùa xuân, khi núi đồi phủ kín màu hồng phấn của những cánh đào, em nghĩ về những bản nép sâu trong lòng núi, những gương mặt trẻ thơ lấm lem, nghĩ về những con đường ngoằn ngoèo, đầy đá nhọn đi sâu vào tim người...

Người có nhiều điều bí mật mà em nghĩ cả cuộc đời này sẽ chẳng thể nào khám phá hết. Mỗi ngày, em tìm hiểu về người là lại có thêm những điều thú vị mới. Em có cảm giác mình chỉ mới chạm vào một chút trong tâm hồn người. Cứ thế, người dẫn em đi qua hết những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hết điều thú vị này đến điều thú vị khác.. Và em biết được rằng, đi cho đến cạn kiệt hơi thở vẫn còn cháy bỏng đam mê về người...

Vậy mà người vẫn còn giấu em một điều bí mật. Đó là những cánh đồng hoa Tam giác mạch. Em đã phải sững sờ một lúc lâu trước tấm ảnh về loài hoa ấy. Lúc đó em đã tự nhủ "Em sẽ say mê người đến chết mất thôi!". Sau đó là những giờ em ngồi thiền trước màn hình máy tính để tìm những tấm ảnh về loài hoa ấy... đẹp miên man... Chúng lại gieo vào lòng em những ước mơ mơ hồ về ngày gặp lại. Chao ôi là thèm được lang thang vào những cánh đồng hoa ấy, thèm được gối đầu lên những cánh hoa li ti và nhìn lên bầu trời mùa thu xanh biếc... thèm được nằm trong sự dịu dàng tuyệt đối của người....

Này người, có nhớ em không?

Bạn em rên rỉ, mày hâm à, mùa khác đi.

Không, nhất định em sẽ về kịp, trước khi những cánh Tam giác mạch cuối cùng tan đi trong gió.....

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

CHỈ CÓ BIỂN MUÔN ĐỜI VẪN THẾ

Bạn bảo sao mình không viết về thành phố của mình nhỉ
Không phải mình không yêu thành phố, không phải mình chưa  từng viết về thành phố nhưng đúng là  mình rất hiếm khi viết về thành phố của mình trên blog.
Mà bạn thì thích đọc blog về nơi mình ở bởi theo bạn là nó chân thật hơn báo chí.
Nhưng với tính cách của mình những điều về thành phố (trên blog) sẽ không hề là sự lãng mạn kiểu tả cảnh “biển xanh cát trắng”, cũng không thể là chính luận (mềnh gọi đó là bài kiếm cơm) kiểu “một thành phố giàu tiềm năng, năng động đang trên đà phát triển…” như một mớ những bài viết của chính mình trên trang tin chính quyền…
Mình thì thích những gì của Đà Nẵng ngày trước như tất cả những ông bà già một buổi tối trung thu nào đó, ngồi dưới bóng tre bỏm bẻm nhai trầu, nhẩn nha kể chuyện, hồi nẳm …Hoài niệm thời tuổi trẻ bao giờ cũng giúp cho những người già cảm thấy cái gì ngày xưa cũng đẹp hơn bây giờ là vì vậy.
Chúng mình đã quen với biển, đã thân thiết với biển, đi đâu xa nhớ cái vị mặn nồng tanh tanh của biển từ khi biển chỉ là bãi cát choi loi, đâu đó nhô lên những xác xe ô tô được vứt lại (chắc là tàn tích thời trước hoặc sau những chuyến vượt biên), hàng dương lao xao ru giấc ngủ trưa và những người đàn bà quẩn quanh với một vài đứa trẻ quét thu gom lá dương về làm củi). Lớn lên, biển cho mình sự thênh thang, rộng dài, thấy mình cần phải vượt xa hơn cái giới hạn là bờ cát cả về hai phía biển – bờ.
Chúng mình quen cái cảm giác được biển ôm vào lòng, để cảm thấy mình và mọi người đều như nhau khi hòa vào biển. Chúng mình thấy bình thường nhưng như thế lại thấy tiếc cho ai đó khi chưa một lần nhận được sự ôm ấp bao dung của biển.
Chúng mình quen với Sông Hàn, tất nhiên không phải từ khi dòng sông đã được trang trí bằng những cây cầu, những tòa nhà cao vút, và lấp lánh tráng lệ với những dòng sáng điện hàng đêm, cũng không phải từ khi sông Hàn đã trở thành một sân khấu khổng lồ trong sự huyền diệu của những chùm pháo hoa rực rỡ đêm lễ hội …Chúng mình quen sông từ khi đó chỉ là một “cô bé” gầy gò đen nhẻm, tóc tai khô cháy mà nụ cười thì tinh khôi không thể tả.


Mình có sự may mắn tuyệt vời để cách nay mười mấy năm đã leo lên và thận trọng đặt những bước chân chông chênh trên đỉnh Bà Nà. Khi ấy không có đường, không có tuyến cáp treo với 2 Guines  thế giới, không có các công trình xây dựng, vui chơi hoành tráng … nhưng Bà Nà đã làm mình mê đắm bởi sự khám phá tươi mới và vì ở đó có rất nhiều hoa địa lan. Mình và cô bạn tha thẩn rủ nhau lạc vào những biệt thự đổ nát, những vườn địa lan chi chít, lấp lánh những ngôi sao trắng tím xinh xẻo, tha thiết … Bây giờ chẳng hiểu sao không còn thấy những cây hoa địa lan ấy nữa, thay vào đó là những chùm hoa cẩm tú cầu trông rất chi là…thực dụng
Với tất cả sự xét nét của người già chúng mình sẽ bảo cái Nhà hát Trưng Vương xây mới này nom chẳng khác gì cái … cây xăng khổng lồ trong khi lũ trẻ thì trề môi cãi lại rằng cái nhà hát ngày xưa của bác thì là một hình khối dị kỳ, bệ vệ, ục ịch … y như bác bây giờ …Có gì hay ho cơ chứ. Hừm
 
Chẳng lâu nữa, gần chỗ mình ngồi bây giờ sẽ mọc lên một “quả bắp” khổng lồ, hàng đêm thắp sáng một góc thành phố bằng ánh đèn hắt ra từ các hạt bắp (là các căn phòng làm việc của Trung tâm hành chính mới). Cũng như những tòa cao ốc AZURA,  SUNGROUP, Dầu khí … đã và đang cải thiện tầm cao của thành phố …

  
Những con đường thênh thang, sạch sẽ, một bãi biển đẹp nhất hành tinh, những cây cầu lung linh nối đôi bờ sông Hàn, một Bà Nà hấp dẫn hiện đại … xuất hiện nhan nhản gần như hàng ngày trên đủ loại phương tiện truyền thông. Thiết nghĩ chẳng cần phải nói thêm ....
 Vài chục năm sau, lũ trẻ bây giờ sẽ lại ngồi và kể cho lũ trẻ hơn về những cái "quả bắp" ấy đã được xây thế nào, đã từng chơi mấy trò mạo hiểm thế nào ...để rồi lại nhận những cái trề môi ...
Còn giờ chúng mình sẽ trở thành những con người cổ hủ đang cố thủ bằng sự bảo thủ trì trệ, khiến bọn trẻ phát ngán khi cứ suốt ngày ca những bài ca vọng cổ về những cái ngày xửa ngày xưa thực ra chỉ cách nay chưa đầy hai chục năm.  
Hãy đi ra biển, dầm chân dưới biển, thấy từng dòng cát theo con sóng rút chạy dưới chân mình nhồn nhột để cho 1 dòng cát khác chạy ào vào chiếm chỗ.
Ừ có lẽ chỉ có biển muôn đời vẫn thế …

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

LẠI "LÓC" VẬY

Mềnh đang tính thôi chơi blog, bởi tự cảm  thấy đã nhận được gọi là đủ cho một cuộc chơi ...
Bạn còm men bảo mình "Nếu còn "ngẩn ngơ, hụt hẫng" thì chắc là nên viết tiếp đi bạn,"
Chị chat bảo: nếu  cần lời khuyên thì chị bảo nhỏ hãy đi tiếp đi đừng ngừng lại
Cô em rồi cũng sẽ ca cẩm rằng: boác làm em mất hứng quá răng không đi cùng với em cho có chị có em
Có thể ai đó sẽ thở phào: ừ thôi từ nay đỡ mất công thấp thỏm vì nó ...
Bạn nói khiến mình nhận ra, đúng là mình rất hiếm khi nói về thành phố của chính mình. 
Văn của mình thiên về "ní nuận, chính chị, xã hội ..." nhiều hơn là những sự lãng mạn êm đềm, nữ tính. Nên chả trách bạn đã nhắc khéo mình rằng hình như mình không yêu TP của mình bằng người khác.
Văn của mình có vẻ hay gầm gào, đầu gấu, đanh đá khiến chị phải nhắc nhở rằng  hãy thận trọng, đừng để  bị đánh giá là không khôn ngoan
Văn của mình có lúc tí tửng, láu cá khiến cô em cười rũ rồi lại  chọt chẹt bắt đền; miệng thì cười mà mắt rân rấn nước ...bẩu chị em mềnh đâu có phải giỏi dang chi mô, dưng mà răng chúng hắn tuyền cà rốt và cà chớn.
Hôm qua vừa viết xong entry về vụ thôi chơi blog thì sáng  nay lại thấy có vấn đề đủ để chanh chua chuối chat trên blog và lẽ ra mình sẽ bắt đầu trở lại bằng  việc ấy nhưng thấy cần phải viết về một cái gì đó về thành phố mình thì hay hơn, để "trả lễ" cho bạn Hòa Bình vì bạn ấy yêu thành phố của mình và để nói với bạn ấy là mình cũng yêu nó không kém. He he
Vậy lại "lóc" nhé, còn "phay" thì sẽ chỉ quẳng lên những slogan đúng phong cách phay thôi

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

KHÔNG "LÓC" THÌ "PHAY"

Cô bé trong phòng bảo: “ơ em thôi chơi blog lâu rồi chị ạ…phiền toái lắm”
Đã có lần mềnh bỏ blog đúng là vì phiền toái và lại khôi phục lại vì còn nhiều điều muốn xả lên đó …
Bây giờ có vẻ như xả đã đủ …
Bây giờ có vẻ như bạn bè được quen mình, biết mình yêu quý (hoặc không yêu quý) mình do cái việc chơi blog này cũng đã đủ. Mềnh cũng đã kết bạn được với nhiều người bạn với nhiều cấp độ thân sơ khác nhau và nhận ra  điều giống nhau ở chỗ họ thích thì chơi với mình và ngược lại chứ không “bị quen” nhau như những người đã biết mình hoặc mình đã biết họ từ trước  
Blog chỉ để nói những điều linh tinh nhăng cuội, iêu đương vớ vỉn thì e không hợp với tuổi mình
Blog chuyên về những suy nghĩ kiểu “nổi loạn” hoặc khác biệt do họ không muốn thì tất sẽ dẫn đến những hệ lụy như đã từng có.  
Blog là nơi lưu giữ những suy nghĩ riêng tư … ồi đã riêng tư hà tất tung lên blog.
Blog là viết cho con (như đã có lần từng viết) thế thì cũng là quá viển vông bởi chưa chắc chúng đã muốn đọc và đọc thì chưa chắc đã hiểu những gì mẹ nó muốn gửi cho chúng . Không trách chúng bởi cũng giống như mình thôi, mình thừa hưởng rất nhiều từ các cụ nhưng chắc mình không thể sống như cuộc đời của các cụ đã sống. Bây giờ nếu muốn biết hồi đó các cụ sống thể nào thì … rảnh thì lại …bảo tàng, vậy thôi …
Blog như người ta dịch ra tiếng Việt là “nhật ký trên mạng”. Òi, theo đúng nghĩa đen của nó thì hàng ngày mềnh sẽ tung lên blog đại loại như:
- Ôi, hôm nay chán như con gián …
- Hôm qua lão chồng đi nhậu về ngủ say quên trời đất…
- Vừa chửi cho lão kia một trận về chuyện …
- Mấy đứa trẻ ranh, vừa nứt mắt đã mất dạy …
Và blog của mình như thế sẽ được trang trí bằng những gam màu xám xịt của rủa xả, tức tối …
Nhưng blog viết toàn những lời ca ngợi “ôi cuộc sống mến thương…có chú chim non nho nhỏ, …líu lo như muốn ngỏ…” thì  mình ớn đến tận cổ...
Mềnh cũng  không đủ trình để như chị kia chửi người nọ, chê người kia, dạy đời người khác ...tung lên cho người khác nữa kẻ bàn người tán ì xèo

Cho nên tìm một lý do để tồn tại blog e khó quá…
Thôi, để khi nào tìm được lý do chính đáng hơn cho sự tồn tại này mềnh sẽ mở lại blog…
Còn tạm thời chia tay vậy nhóa, blog nhóa …
Và để tránh sự ngẩn ngơ, hẫng hụt khi không chơi blog, tạm  thời mềnh sẽ lên face
Không “lóc” thì “phay” vậy  

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

MỘT THOÁNG BA


Người nổi tiếng và người không nổi tiếng
Đều gặp nhau lặng lẽ tại nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong cơn gió heo may

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

SAU BÃO

Nói ra không khéo sẽ bị mắng là đồ vô hậu nhưng mà sao mềnh thích cái khoảng lặng bình yên sau bão thế này lắm lắm. Không khí nhẹ tênh, mưa hết, nắng hửng lên, đường xá vắng hẳn tiếng máy xe, sạch sẽ quang đãng ... Tất nhiên cơn bão vừa rồi không đổ vào Đà Nẵng, nên không có cây đổ, nhà tốc mái, lũ lụt …nên coi như còn chút lãng mạn khùng khùng …
Năm 2006, năm 2009, bão ập vào Đà Nẵng, mình ở trong nhà cố thủ, chả biết chi ngoài trời. Điện tắt toàn thành phố, di động không có sóng, tivi cũng ngỏm…mấy ngày. Sau thấy bao nhiêu cuộc gọi nhỡ của anh em bạn bè hỏi thăm có thiệt hại chi không? Té ra sau này mới biết bão vào ĐN rất khủng …thiên hạ xem TV biết hết trừ người ĐN
Sau cơn bão ra đường cây đổ ngổn ngang, trẻ con kéo hang đàn hàng lũ ra …nghịch nước, người lớn hối hả dọn dẹp, lượm lặt và cả …hôi của.
Ngày hết bão, mất điện, lại nhân lúc chủ trương “khắc phục hậu quả bão lụt” nên tự cho mình lượn lờ phố xá, hoặc ở nhà thư giãn quên công việc, quên cả những sự gầm gừ của sếp hay cú liếc xéo của đồng nghiệp, con người như trỏ về với những bản thể hồn nhiên, thậm chí cả khoảng cách giàu - nghèo, sang- hèn cũng như ngắn lại, điều hay xảy ra khi người ta có chung một nỗi lo, hay một cái gì đó cần chung sức để mà đối phó. Và nếu nỗi lo, điều bận tâm ấy lại đến từ phía thiên nhiên chứ không phải là từ phía con người thì sợi dây đoàn kết sẽ kéo họ lại gần nhau hơn. Cho nên bão, (bão thiên nhiên hay bão xã hội) biết đâu ngoài là kẻ tội đồ phá hoại thì cũng đồng thời là người tái sinh, như vị thần Siva mà người Chăm tôn thờ với cái triết lý đây là vị thần hủy diệt và tái sinh.
Thật bất nhẫn khi ai đó nói ra cái mong ước có bão bởi ở phía đa số chí biết bão là phá hoại. Nhưng nếu coi bão là hiện tượng bất khả kháng, không phụ thuộc vào ý muốn của người ta, nói cách khác là ta buộc phải chấp nhận nó. Nếu muốn khỏi bị thiệt hại  thì buộc phải chằng chống nhà cửa, phải cắt cành tỉa ngọn cho cây, phải gia cố lại các công trình… Nếu bão quá mạnh mà nhà mình quá yếu, lại không chịu chằng chống thì sập cũng là lẽ tất nhiên …
Ờ lại nói lung tung nữa rồi…
Dù sao đa số vẫn không thích bão, lo sợ bão đổ về với những ước đoán thiệt hại,
Và rồi bão vẫn cứ về, vẫn cứ phá, vẫn thiệt hại, không chỗ này thì chỗ khác …
Mình thì ơn trời, không phải vật lộn chằng chéo để chống bão, và vẫn còn cảm xúc để lắng lòng cảm nhận những bình yên sau mỗi mùa bão đi qua. 
 Nói gì thì nói cũng không ngu đến mức nói ra cái ý điên rồ là mong có bão dù mong hay không nó vẫn cứ đến. he he 

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

ÔI ĐÁM CƯỚI

Bây giờ nhận được cái thiệp mời dự đám cưới với tư cách “phụ huynh” nghe ớn tận óc. Là bạn, là đồng nghiệp của bố mẹ cô dâu chú rể, đành rằng thì là thân thiết người ta mới mời, dưng mà cứ thấy sao sao ấy, không đi thì ngại trách mắng, đi thì ngại nắng ngại mưa. Tên cô dâu, chú rể có trên thiệp mời nhưng mấy ai để ý, đến nơi tổ chức thì một nơi có mấy sảnh, mấy đám, cứ lúng ta lúng túng không biết đám nào là của đám nào, có người bỏ nhầm phong bì đám này vào đám khác , nhiều cảnh trớ trêu, vô duyên hết chỗ nói …
Đám cưới con nhà sếp, mâm cao cỗ đầy, rượu xịn . Đám cưới con nhà bình dân làng nhàng, rượu nút lá chuối cũng có. Các nghi lễ nào thì rót rượu, nào thì cắt bánh, hát hò hú hét, khách khứa chờ đến lượt nâng ly, chúc mừng hai nhà, phong bì phong bao mừng cháu…đám nào cũng giống đám nào. Có ngày chạy hai ba sô, hai vợ chồng phân công nhau mỗi người đi mấy đám, mệt chết. Nói thì bẩu quá đáng chứ dân tình bảo mấy cái thiệp mời là “giấy báo nợ”, cỗ cưới là “cơm bụi giá cao” cũng chả oan.
Theo mình, đám cưới chỉ nên mời bà con họ hàng thân thiết, để giới thiệu rằng cháu này là con dâu, con rể nhà tôi đấy cô dì chú bác ạ. Xong rồi, cho chúng ít tiền, chúng mày thích thì mời bạn bè anh em, đồng nghiệp của chúng mày, ở đâu, khi nào, bao giờ… là việc của chúng mày. Xong phim. Bởi cuộc đời là của chúng nó, công ăn việc làm, quan hệ là của chúng nó chứ liên quan gì đến bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ. Mình nói cái này bị chúng nó phản đối rầm rầm…Hờ hờ… bẩu rằng “boác chỉ ní nuận nà rỏi, để chúng em chờ xem boác cứi cho cu Tít ra răng”.
Vậy nên mình là mình ủng hộ ông Hà Nội dù rằng ổng có phần áp đặt khi đưa ra qui định cưới là chỉ được 50 mâm (nghe đâu mới bỏ vụ này rồi) và 300 khách. Ờ chẳng thà qui định mẹ nó thế đi cho đỡ rách việc, để có cớ nà trả lời trả vốn với những người không mời thì trách mà mời thì ngại đi, không muốn đi nhưng gặp thì trách “ơ sao nhà bác không mời cháu” …
Sao mấy boác Hà Nội dát thế nhể, “vừa ấy vừa giun” là thế lào. Boác nên nhớ là hầu hết những người phản đối các boác ý tuyền là các cụ tai to mặt nhớn, đám cưới người ta kinh doanh thu tuyền tiền Ô-bá- mà nên giờ boác cấm thì là làm mất đi cái cơ hội mần giàu của họ nên họ la làng là phải. Còn những đứa chân đất mắt toét như chúng em, thì ủng hộ boác cơ mà mắc mớ chi bóac sợ … Cứ mần tới đi boác. Biết đâu nhân dịp kiểm điểm cuối năm nhờ vụ ni mà loại được nhiều thèn xưa nay thị tiền, đám con buôn -chính - sách, các “đại da”, xê – ô – xê –xê …
 Nói rứa chớ mấy bác mời đám cưới con, em vưỡn phải đi vậy (vì ĐN chúng em chưa bị cấm)

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

QUẢ BÁO

"Hôm nay ôsin đi Trung thu, chồng thì chết cũng phải đi đá bóng (không đá bóng bố nó chết) mình ở nhà làm ôsin cho 2 đứa con, đứa ăn đứa ỉa, đứa đái dầm, đúng là không có từ nào tả được....."
Trên đây là nguyên si đoạn văn của cô cháu dâu (tức là con dâu của bà chị mình) ở Hà Nội viết trên Facebook.
Nhiều người  đọc thì e cũng ngạc nhiên và không thế chấp nhận được cách ăn nói hỗn láo như thế, cho dù như sau này nó đã thanh minh rằng chỉ viết cho bạn bè đọc chơi mà thôi.
Và nhiều người cũng sẽ càng ngạc nhiên hơn về những suy nghĩ của cả hai vợ chồng nhà nó  
Ban đầu thấy nó viết vậy, mềnh điên tiết canh lên mới còm cho nó một đoạn rằng đừng ăn  nói vô hậu như thế bởi không khéo sau này chính con nó lại chửi lại nó như thế.
Cũng hy vọng nó là đứa có ăn học (đã tốt nghiệp đại học) nghe thế thì biết nhận lỗi. Nào ngờ nó lại cho một tràng rằng thì là bố mẹ chồng (tức bà chị và ông anh rể mình) đối xử không công bằng, chỉ lo cho con của thằng anh, con nó không được gì, sau này có chết cũng chẳng thèm đeo tang và có chết cũng không liên quan gì đến nó, rằng chồng  nó làm công ở cửa hàng của bố nó thì bố nó trả lương rẻ mạt …
Ngạc nhiên hơn là thằng chồng nó (tức con anh chị mình) chắc về nhà nghe vợ nói thế cũng nhảy vào bảo: “cháu với thằng C. (anh nó) nhà cháu ko học hành đến nơi đến chốn thì cái người mà sinh ra & nuôi chúng cháu ấy cũng phải tạo điều kiện cho nó có cái vốn ban đầu để mà làm ăn kiếm cái đút vào mồm chứ”.
Đến đây thì mình quá ngán ngẩm nên không thèm viết còm lại cho chúng nó nữa.(nhưng thể nào nó cũng tưởng là nó lý luận thắng mình nên mình tịt. Hờ hờ)
Nhà chúng nó đang ở là của ba má mình để lại cho chị mình, chị mình cho nó ở riêng. Nó làm cửa hàng gương kính với ông anh mình, tiền thuê cửa hàng, thuế má, điện nước ở cửa hàng cũng như ở nhà nó vợ chồng anh chị phải trả … Có đi làm thuê ở đâu mà nằm ngủ đến trưa mới  lè phè ra cửa hàng, thích đi đâu thì đi, khi có việc mới kêu về làm. Lại bảo bán sức lao động để bố trả công cho con rẻ mạt …
Hàng loạt những chuyện khác không kể ra đây làm gì để nói về sự ngu dốt và ích kỷ của chúng nó và có thể là của cả một thế hệ những người như chúng nó. Tâm lý hưởng thụ, ỷ lại, thích chơi trội, luôn muốn thể hiện đẳng cấp của mình, coi thường người khác, kể cả bố mẹ đẻ ra mình, luôn đổ vấy trách nhiệm cho người khác mà quên mất trách nhiệm của chính mình … hình như đang phổ biến trong giới trẻ chúng nó …cả những đứa có học và những đứa vô học.
Mình bảo nó: dì biết mẹ cháu, đúng là không ra gì nên bây giờ đang nhận quả báo từ cháu và dì biết sau này cháu cũng sẽ nhận quả báo từ đâu.
Ngẫm lại cô bạn mình nói thật chí lý: chị ơi, bây giờ người ngoài kia đang phải nhận quả báo từ hồi trước do phá đình chùa miếu mạo, do không còn biết sợ vào cái gì cả . Ai đời đi chùa mà chỉ biết khấn vái rằng phải cho con lên chức lên quyền, nhiều tiền nhiều của … rồi dẫm đạp lên nhau để tranh giành những thứ đó. Thế nên chả trách những chuyện đâm chém, giết nhau, tha hoá, bệnh hoạn và kể cả những căn bệnh xã hội mà bây giờ đang rộ lên ngoài đó là  bệnh tự kỷ ...
Cách nay gần 20 năm, tình cờ một lần gặp chú Nguyễn Chính -nguyên Trưởng ban Tôn giáo chính phủ . Trong lúc chú ngồi ở phòng mình chờ sếp đi họp về, chú cháu ngồi nói chuyện chơi, mềnh hồi nớ mới lơ ngơ ra trường hỏi chú một câu: Chú nè, cháu nghĩ là rất cần có tôn giáo để con người ta tin vào một điều gì đó và để cho con người ta còn biết sợ khi người ta đã không còn biết tin và biết sợ những cái khác. có đúng không chú? " Chú Nguyễn Chính gật gù bảo cháu còn trẻ mà đã nhận thức được thế là rất tốt.

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

BUỔI SÁNG HÁI ĐẬU

Sáng nay dậy sớm thấy chồng ngoắc tay bảo ra vườn chơi.
Vườn là  khoảnh đất trống bên cạnh nhà mình (đất này của người khác nhưng người ta chưa nhận thì “bị” chồng và ông anh tận dụng tý toáy trồng đủ thứ) ngập màu xanh. Giàn đậu được khoanh thành một ô um tùm. Nhìn ngoài rất khó phát hiện những quả đậu lẩn khuất trong đám lá. Thế là mình và chồng rúc đầu vào đám đậu từ hai phía để …chỉ trỏ cho nhau hái những quả đậu phía bên kia. Thành ra trò ú tim y như thuở chanh cốm.  Vui phết.
Bỗng dưng thấy mình quá sung sướng. Và bỗng dưng thấy bạn bè mình … khổ
Con bạn mình chắc chắn không khổ về vật chất. Tiền bạc rủng rỉnh, nhà cửa xe cộ chả thiếu gì. Nó chuyên môn mắng mình về “tội” lôi thôi luộm thuộm, bảo mềnh phải cố làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo nó cuộc sống phải tiện nghi hơn, phải sang trọng hơn, phải thuê người để làm việc nọ việc kia cho mình đỡ vất vả . Nó thấy mình tất tả chuyện cha mẹ, chuyện chồng con, gia đình, lại thêm chuyện cơ quan nên thương mình, xót ruột vì mình, mong cho mình được hưởng thụ sung sướng như nó.
Nhưng con này dứt khoát không là kẻ cảm nhận được sự sung sướng khi ú tim hái đậu như mình sáng nay. Tim nó nghe đâu thủng đến mấy lỗ, đi đâu xa xa đã thấy mệt. Nó lại sống ở một nơi quá xô bồ, quá náo nhiệt, mọi sự lãng mạn đều là xa xỉ nên nếu giả thử mình có kể cho nó nghe chuyện này thì chắc chắn sẽ bị mắng là “đồ dở hơi, vớ vẩn”
Một cô bạn khác ở tận cao nguyên Langbiang, rất coi trọng sự lãng mạn, cô sẽ là người có thể cảm nhận được sự sung sướng của khoảnh khắc này một cách đầy đủ nhất …Quả nhiên nghe mình chat kể về chuyện này cô đã cười hi hi rất vui. Nhưng có lẽ điều mình kể lại trở thành bất nhẫn đối với cô vì nó đã chạm đến những điều cô mong ước mà không thể có. Cô làm gì có thời gian cho những câu chuyện hay chỉ là tí ti của lãng mạn dù cô không hề coi nó là “đồ dở hơi vớ vẩn”. Cuộc sống của cô tất bật với bao lo toan cho con  cái và cho … bác sĩ.
 Bà chị mình liếc nhìn rổ đậu mới hái buông 1 câu gọn lỏn: ừ đủ để chiều luộc đấy. Xong om .
Ô hô, sáng nay hái đậu mới biết mình vẫn còn lãng mạn và cũng biết mình đã già thế nào.  

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

VỢ NGU NGU

Hôm trước ngồi nói chuyện với thằng bạn ở nước ngoài về. Nói chuyện cuộc sống gia đình. Nó thở dài bảo đã ly hôn (con vợ hắn cũng là bạn mình). Nói đến chuyện sẽ lấy vợ khác như thế nào đây, mềnh nghiêm mặt bảo nó:
- Tao bảo thật, bây giờ mày muốn lấy vợ nữa thì lấy cái con nào ngu ngu ấy. đừng lựa con giỏi mà lấy nhé
 Nó trợn mắt ý hỏi sao lại thế?
- Thứ nhất, là đàn bà thì không nên thông minh quá. Thông minh quá thì cũng chả làm được cái gì vì có làm được cái gì thì cũng chỉ là …đàn bà mà thôi. Như kiểu người ta vẫn bảo “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”, thì dù bây giờ có leo lên cây dừa đái xuống (như chị Út Tịch)  thì người ta cũng vẫn cười bảo: “cái con đàn bà đái không qua ngọn có kia nó đang leo cây dừa đái xuống kìa”
 Thứ hai, đàn bà thì chỉ nên quanh quẩn lo cho chồng con, gia đình. Người đàn bà xông pha trên chính trường thì chưa chắc đã là giỏi và vì thế người đàn bà lo cho gia đình thì cũng chưa chắc là ngu. Bởi chính trường không có đàn bà (và nên không có đàn bà) thì chính trường vẫn có những thằng đàn ông (ngu và không ngu) làm, dở hay thì thiên hạ cứ nhè đó mà chê khen. Còn công việc gia đình nếu không có tay đàn bà thì khó có thằng đàn ông nào kham cho hết. Cho nên nói chuyện ‘thiên chức” này nọ là cách nói cho oai lấy lòng của mấy cha đàn ông bẻm mép được vợ hầu cho tận miệng, chứ dù muốn hay không, dù hay hay dở thì đám đàn bà vẫn cứ phải quần quật lo thu vén với nhà cửa chồng con và miệng thì vẫn phải nở nụ cười nói như kiểu mấy chị giám đốc thành đạt nọ kia rằng “tui coi được làm công việc nhà là  hạnh phúc”. Hờ hờ…
Thứ ba, mày là đứa thông minh, giỏi dang và …gia trưởng,  nên con vợ mày cần ngu ngu đi để cho nó … dễ bảo, dễ tin. Giống như sếp có thằng lính ngu ngu sai đâu đánh đó thì dễ chịu hơn là gặp thằng lính có học (bằng cấp đôi khi hơn sếp) cứng đầu cứng cổ hay cãi …
Thứ tư là… he he… nói  riêng với mày là nếu mày lấy con vợ ngu thì chúng tao (bạn của mày) mới có cách giải thích với người khác rằng thì là: “ ờ thì chỉ có con ấy ngu nó mới lấy thằng ấy thôi”
Thằng bạn cười cười nhìn mình bảo:
- Thế còn tình yêu, mày không tin vào chuyện tình yêu à?
- Ờ hơ, Tất nhiên là tao tin  có tình yêu chứ, nhưng  tao lại không tin là bằng tuổi này rồi lại có thể lấy nhau vì tình yêu. Bởi vì dù cho có những người đã từng yêu nhau thời trẻ đi nữa mà không lấy được nhau thì đến lứa tuổi này lại càng không thể phá vỡ cuộc sống gia đình mà người kia đã có để có thể đến với nhau được. Số còn lại bập vào nhau thì chỉ là lợi dụng nhau không cái này thì cái khác mà thôi.
- À mà cái này cũng cần nhắc thêm là “ngu ngu” thì khác với ngu nhá
Nó trợn mắt hỏi khác sao?
- Thì cái này là đúng kiểu ngữ pháp Việt Nam . Tính từ là từ láy thì nghĩa của nó sẽ nhẹ hơn từ không láy. Ví dụ Hồng hồng thì màu nhẹ hơn là hồng hẳn. nên nói “ngu ngu” thì nó sẽ không ngu như là ngu hẳn, nghĩa là nó có phải tí khôn để biết khi nào cần ngu.
- Giá mà mày ngu ngu một tí nhỉ? Nó nheo mắt cười cười bảo mình
- Tao mà có ngu ngu thì tao cũng không lấy mấy đứa như mày đâu, đừng có mơ. Mềnh nổi cáu, trả đũa  
Thằng bạn trầm ngâm một chút (hiếm hoi lắm mới thấy nó như thế) phá vỡ sự im lặng bằng 1 câu nói chả biết đùa hay thật:
- Hồi trước  giá mà mày đừng vác chân ghế oánh tao thì có khi tao cũng yêu mày  đấy .
Hờ hờ, đúng là ngày trước, có lần  nó đem đổi cái chân ghế gãy từ chỗ của nó xuống chỗ mình làm 3 đứa chúng mình bị ngã chổng vó thế nên mình mới điên tiết canh cầm chân ghế gãy dọa nó (chứ chưa đánh). Cũng may, nhờ đó mang tiếng dữ dằn để bây giờ còn ngồi tám mày tao với nó. He he

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

CÁI BỂ NƯỚC

Sáng nay ngồi cà phê (lại cà phê, hầu như bao giờ cũng khởi nguồn từ cà phê) lại nói chuyện những khu tập thể ngoài bắc thời bao cấp. Ấn tượng nhiều, nhớ nhiều điều, vui buồn đủ thứ, song tự dưng ngồi nói một chặp thì loanh quanh thế nào lại ra cái bể nước khu tập thể.
Chả biết cái bể nước khu tập thể ngoài Hà Nội của mình được xây dựng từ hồi nảo, hồi nào, có nhẽ nó nhiều tuổi hơn cả mình nữa. Khi mình biết biết đã thấy nó chình ình hình chữ L ngay giữa khu tập thể. Lẽ tất nhiên nó được xây dựng để đáp ứng nhu cầu chứa và cung cấp nước cho trên 30 gia đình nhưng cái tính năng ấy được phát huy mạnh mẽ khoảng chừng 5 năm đầu tiên sau khi xây xong. Còn lại thì ...
Bên cạnh bể nước ban đầu là một nhà cấp 4  dài gần 15 mét. rộng chừng 2 mét  rưỡi là nhà bếp tập thể. Buổi sáng sớm đã náo nhiệt người lớn tất bật đun nấu, bỏ cặp lồng mang đi làm việc, bỏ cặp lồng cho trẻ ở nhà ăn trưa. Buổi chiều muộn thì xủng xoảng xoong nồi bát đĩa, hàng chục người già trẻ xúm quanh bể nước chủ yếu là để rửa rau, vo gạo (thịt cá thì hiếm lắm), giặt giũ. Chủ nhật thì vui hơn vì gấp đôi gấp ba số người cùng xúm lại đó giải quyết đủ các nhu cầu cá nhân. Ngày ấy nhà ai ăn cái gì cả xóm đều biết. Tối tối, lũ trẻ con bày trò trốn tìm, trận giả. Mình bé quá không biết chứ mấy anh chị lớn hơn thì cũng chọn bể nước là "nơi hò hẹn của đôi ta". Trên mặt bể nước thì là chỗ lý tưởng cho các bà các cô phơi đủ thứ, , củ cải, cà rốt, cá khô, gạo mốc... linh tinh lang tang. Mấy nhà gần đó thì chiếm cứ không gian bên trên cho việc giăng mắc quần áo, màn rèm...
Sau gần 40 năm trở lại khu tập thể xưa, vẫn thấy còn đó cái bể nước cũ. Đường đi vào dã hẹp hơn nhiều vì người ta làm nhà lấn ra. Khu tập thể bí rì rì, độ đạc, áo quần vẫn giăng mắc khắp nơi, mảnh sân chung bị lấn dần từng  tấc. Vậy mà cái bể nước vẫn còn, sừng sững, chiếm cứ một khoảng đất quí hơn vàng giữa phố cổ Thủ đô. Cái bể nước cũ tồn tại đó không chỉ với tư cách như một chứng nhân của thời bao cấp khốn khó, mà còn là đại diện cho một tư duy cũ kỹ tiểu nông, cá nhân bủn xỉn ...
Và điều quan trọng không phải là những cư dân của khu tập thể không biết những điều đó mà họ biết rất rõ rằng nếu đập vỡ cái bể nước đó đi thì cũng đồng thời là đập vỡ luôn "trật tự" của khu tập thể này. Một thứ trật tự trong hỗn loạn nhưng đã được mọi người ở đây chấp nhận dù cả người ngoài, người trong đều không tiếc lời chê bai, chửi rủa . Nhưng thà thế còn hơn là không biết điều gì sẽ xảy ra nếu phá bỏ nó.
 Tiền đồ của cái bể nước dù tối hơn của chị Dậu nhưng sẽ là lâu dài (nói theo tiếng Hán cho sang là trường tồn)   

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

XUI DẠI

Hôm qua mềnh đã mần một việc mà mềnh vốn dĩ rất ghét, cực ghét là xui một cu con đi kiếm cái …bằng giả. Hờ hờ …
Vốn hay tự trào rằng “ Nhà cháu có một rổ bằng, bằng thật, bằng giả lẫn lộn. Khi nào ông Nhà nước rảnh rảnh cho kiểm 1 phát tra lòi chành té bứa ra mấy cái bằng giả, còn lại là bằng thiệt”. Nhưng ti tỉ phần chăm cái bằng cấp của mềnh từ cái bằng quân sự học nhõn 10 ngày, cái bằng lái xe mô tô 1 tuần, ô tô 3 tháng rưỡi đều là học thật, bằng thật …
Vậy mà hôm qua bảo với thèn cu cháu: mày xem ở đâu người ta bán thì mày mua mẹ nó cái bằng giả đi, hồi trước tao thấy chúng nó bán đầy, còn tao thì chưa mua nhưng đã có lần đi thi hộ bằng A cho đứa bạn. Thế chó nào mà đến khi vào thi gặp đúng ông thầy dạy C mềnh hồi trước, lại phải bỏ nhỏ ổng để ổng đừng phát giác vụ thi hộ ni vì con bạn cần bằng A để được tuyển vào làm công nhân cho công ty nước ngoài.
Còn cu này, sở dĩ khuyên nó thế chính vì là nó giỏi, quá giỏi và lại mong muốn rất chân thành là xin được đi dạy trường công lập. Nó đã từng tốt nghiệp Đại học sư phạm loại khá, từng đoạt giải ô limpic toán toàn quốc, hiện đang học thạc sĩ . Mà tiêu chuẩn đầu vào thạc sĩ là anh phải đủ kiến thức bằng B anh văn trở lên, thi khó như tinh. Cu con này giỏi nhưng chính vì nó giỏi nên nó chả để ý gì đến chuyện bằng  A tiếng Anh thì nó quan trọng thế nào. Thế nhưng mà bi chừ khi đâm đơn xin việc làm giáo viên quèn trường công lập, lương ba cọc ba đồng theo ý chỉ của gia đình thì người ta lại đòi phải có bằng A tiếng Anh. “Không chỉ mình con, mà hàng loạt người khác cũng tiu nghỉu ôm hồ sơ ra về vì không có bằng ni cô ạ”. Ngày 20/8 là hết hạn nộp hồ sơ nhưng con tìm hiểu thì mãi tới ngày 3/9 mới có đợt thi, chớ con thi thì có khó chi đâu cô. Nó buồn bã nói thêm.
Mềnh cũng cười buồn theo hắn bởi cứ nghĩ có khi đây cũng là “chiêu” của mấy cụ nhằm loại bỏ các đối thủ đáng gờm trong cuộc đua tuyển dụng.
Mềnh không dám nói mềnh là đứa  “yêu Tổ quốc yêu đồng bào…” nhưng cái việc bẩu cu con mần một việc đểu giả đáng ghét như ri cũng chỉ nhằm một mục đích vô cùng lương thiện vì mình tiếc nhà nước nếu để vuột mất một đứa giỏi như hắn. Và thứ hai mềnh làm vì muốn giữ cho hắn còn niềm tin vẫn có những người giúp hắn thật lòng không vì vụ lợi để sau này hắn còn đàng hoàng đứng trên bục dạy cho đám trẻ con. Đó mới "là đạo đức. là văn minh" mềnh quan niệm rứa.
Rứa rùi về nhà, nói chiện với cu em, cu em bẩu: cái ni em lo được, bằng thiệt đàng hoàng luôn chớ không thèm giả. Rồi hắn loanh quanh chạy đâu đó, rồi gọi lại: "boác nì, em mần được dưng mà em ngại là ngại chính hắn không ưng. Rằng hắn là dân sư phạm vốn dĩ trân trọng cái thiệt, giờ chừ mần cho hắn ri rùi thì lương tâm nhà giáo của hắn có cho hắn đường hoàng trên bục không bóac hè?"
Tới đây, mềnh đành giơ tay đầu hàng... 

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

TRẬN CHIỂN GIỮA BIỂN VÀ NÚI

Ở mãi dưới biển cũng chán, Mẹ Biển quyết định tập hợp lực lượng, dẫn đại quân đi xâm lược Núi. Đại quân bao gồm Mẹ Biển và 4 binh đoàn Biển con
Biết tin, Mẹ Núi cũng đem 1 Núi con ra ngênh chiến.
Hai bên xáp lá cà. Mẹ Biển hất mặt nhìn Mẹ con nhà Núi, (lúc này Núi con thấy lực lượng Mẹ Biển hùng hậu quá nên hãi nấp sau lưng Mẹ). Mẹ Biển quát:
- Bớ quân nhà Núi nhát chết kia, mau mau lại đây mà rinh quà của ta là mấy cân mực một nắng, rồi đến đây nộp mạng, nhanh lên  không thì ta cho một chưởng bây chừ.
Núi con nghe thế cười toe, xung phong bước lên nhận quà, cảm ơn rối rít.
Mẹ Núi thấy con quy phục ngoại bang nhanh như thế thì cũng lấy làm bực tức, chỉ mặt đám quân binh nhà Mẹ Biển quát  lớn:
- Á à, các ngươi dám dở quẻ hử. Đây là xứ sở của ta, ta quyết không để cho các ngươi dễ dàng xâm lấn. Sau đây, các ngươi phải theo ta đi ăn sáng gấp, nếu không lấy đâu sức lực mà xâm chiếm hử.
Chỉ cần nhõn một câu quát như thế,  đại quân binh hùng tướng mạnh nhà Biển nhìn nhau, chấp nhận lủi thủi buông vũ khí đầu hàng vô điều kiện.
Sau khi được nhà Núi dẫn đi tham quan khắp nơi, thấy chỗ nào cũng đẹp đẽ tươi vui, dân tình dễ mến, cơm no rượu say, đại quân nhà Biển bảo nhau thôi thì trở về, không xâm lược nhà Núi nữa. Từ đó hai nhà trở nên thân thiết.   

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

NGAO NGÁN CHO NGƯỜI HÀ NỘI

Đang ngồi cà phê với cô bạn ở Đà Lạt, một toán khách bước vào. Ồn ào, ầm ĩ và …phách tướng. Cô bạn ngừng câu chuyện, nhìn đám người mới đến với vẻ khinh khi và buông một câu:
- Chị này, em cực ghét người Hà Nội chị ạ.
Câu nói này nếu ở một người khác có khi mình đã nghĩ cách trả đũa. Nhưng người nói câu ấy lại là cô bạn mình, quan trọng hơn cô ấy lại là người gốc gác Bắc Ninh, (gần Hà Nội), đã bao năm xa xứ, tuốt tuột lên Tây Nguyên này mà tiếng Bắc cứ trong veo. Mình tuy quê hai cụ đều xứ Quảng, sinh ra lớn lên ở Hà nội đến 10 tuổi thì vào Nam nhưng ai gặp cũng khen tiếng Hà Nội của mình lắm lắm.
Mình cũng không nghĩ mình sẽ ghét người Hà Nội dù đã có lần viết entry buồn cho Hà Nội. Buồn cả cho cảnh vật, thiên nhiên và con người Hà Nội.
Tuy vậy, bây chừ nghe cô bạn nói thế, rồi trước thực tế với những con người Hà Nội đang kéo vào du lịch ở Đà Lạt này, rồi điểm lại những gì mình cũng đã từng gặp từng nghe người Hà Nội ở Đà Nẵng thì mình không thể không đồng tình với cô bạn được. Mình yếu ớt chống chế với cô:
- Ô, cậu ghét thế là ghét cả tớ à, tớ dân Hà Nội chính hiệu đây.
Cô bạn không hề tỏ ra bối rối gì khi nghe mình nói vậy mà lại thẳng thắn bảo:
- Chị thì không thể kể là người Hà Nội được vì nhờ vào nam sớm rồi, tiếp thu toàn cái văn hóa miền Nam kết hợp với cái văn hóa bắc kỳ hồi xưa. Chứ chị nhìn đi, người HN bây giờ tuyền một lũ nếu không hợm hĩnh ngang ngược thì cũng kiểu cách trịch thượng không chịu được. Bọn họ rất thị tiền, đến đây mà cũng cứ đem tiền ra để dọa thiên hạ.
Ngừng một lát cô lại bảo:
- Vừa rồi có đứa ông ổng chửi “dân ngoại tỉnh về làm hỏng Hà Nội”. Nếu Hà Nội nghìn năm văn hiến, nếu người Hà Nội có cái văn hóa vững bền thì làm sao mà bị ngoại lai về làm hỏng được mà đổ thừa cho họ. Người Hà Nội chứ có phải người ngoại tỉnh đâu đi xem hoa thì cướp hoa, ăn nói thì du côn bạt mạng, đụng gì cũng chửi … Em cực chán
Mình nghe cô nói, thấy đúng y rứa. Ở Đà Nẵng cũng khối người Hà Nội vào du lịch,  ăn uống thì vãi rác đầy đường, mình cũng cực ghét những người kêu “ê, tính tiền!” mà đa phần họ là người Hà Nội, ngồi nói chuyện một lúc thì viện dẫn con ông nọ cháu bà kia …
Công bằng mà nói, mình cũng nhiều lần về Hà Nội, đến chơi nhà những người Hà Nội gốc, cũng nói chuyện với những người lớn tuổi ở thủ đô thì thấy rất tử tế lịch sự nhẹ nhàng chứ không băm bổ, trịch thượng. Bây giờ thì chỉ riêng cung cách nói năng, nhất là của đám choai choai đã không chấp nhận nổi. Còn người lớn, tầm thế hệ 6x, 7x hình như luôn thích thể hiện mình hơn người khác bằng đủ thứ ngôn từ bắng nhắng có, hợm hĩnh có … tóm lại là như vãi vào mặt người khác…
Thôi thì còn dính tí sĩ diện là tiếng Hà Nội, chỉ biết thở dài ngao ngán …  

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

HỒI NỚ MỀNH MẦN PHIÊN DỊCH

Năm 2005, tự dưng trên trời vãi  xuống 1 bãi phân chim, rứa là mềnh được  1 xuất đi Trung Quốc học tập 10 ngày về CCHC. Trước khi đi, mềnh nhờ mấy anh chị bày cho mấy câu nói quen thuộc như "xia xìa" (cám ơn), "Tây pu sỉ" (xin lỗi) và học đếm từ 1 đến  10 " i, ơ san, sư, ủ, liu, chi, ba, chiểu sự". Nói chung, nhờ đó mềnh chỉ đứng sau cô phiên dịch  về khoản tiếng Trung mà thôi. À mà nói thêm trong đoàn có mấy chị gái sắp hiu nữa
Ngày cuối cùng, dành cho việc đi chợ, tham quan, mua sắm. Cả ngày đi khắp nơi, tối về mệt đứ đừ. Thế nhưng mấy bà chị vẫn còn tiếc vì chưa mua đủ quà về nhà nên năn nỉ chúng mình (tức là mình và cô phiên dịch). Cô phiên dịch cả ngày đi dịch oải quá nên cáo  ốm chối, thế là mềnh đành lãnh ấn xung phong.
 Đến 1 cửa hàng bán áo, 1 chị chọn 1 chiếc áo cho đứa cháu nhờ mình hỏi giá: Người ta bảo "chiểu sự" tức là 90 đồng nhân dân tệ. Mình nghe thế thì dịch lại cho bà chị. Bà bảo. Mày trả nó tám mươi đi. Mềnh quay sang cô bán hàng  dõng dạc: "Ba sự". Nghe thế, bà chị mình vội kéo mình sang một chỗ bảo: " chị bảo mày trả nó 80, sao mày lại trả có ba xị? Nó lại chửi cho thì chết"
Mềnh buồn cười quá mới lườm bà 1 phát bảo: Nó chửi thì nó nghe chớ mắc chi mà bác phải sợ. Với lại em nói Ba sự là 80 chứ có phải 30 đâu. Tiếng Trung, Ba là Bát, Bát là 8 đó má. Má nghe thế nào lại tưởng em nói tiếng Việt với chúng nó à"
Bà chị hồi này mới giãn mặt ra, toét miệng cười ừ nhỉ, thôi mày quay lại trả giá nữa đi.
Mình quay lại nói: "Ba sự"
Cô bán hàng nói 1 tràng tiếng Trung, chắc ý nói là hàng tốt hàng xịn gì gì đó...thế là mình quay sang kéo mấy bà chị  quay đi và ghé tai nói nhỏ, giọng nghiêm nghị đúng kiểu phát thanh viên: " chương trình phiên dịch của chúng tôi đến đây là hết. Thân ái chào quí vị và các bạn"
Chắc là mấy cô bán hàng tưởng chúng mình bỏ đi, không thèm mua nữa nên gọi lại và bán cho bà  chị cái áo với giá 80 đồng.
Cả lũ ra khỏi cửa hàng cúi gập người  cười rũ rượi