Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Cha mẹ chúng ta muốn chúng ta sống tốt

Đầu năm 2013, má mình đã về cõi vĩnh hằng sau 3 năm rưỡi ngày ba mình ra đi.
Năm 2009, khi ba mình ra đi, mình phải mất gần 2 năm mới ra khỏi tình trạng vật vờ, lạng quạng như trong một màn sương mờ đục đầy những ám ảnh tồi tệ. Cùng với đó, trạng thái bất an đã khiến những hành động, lời nói thiếu kiểm soát. Người trong nhà thì thông cảm, nhưng người khác thì không. Nên hậu quả kéo theo là sự lao đao trong công việc, bị kiểm điểm và hàng loạt những hệ lụy khác.
Trong thời gian đó cũng khiến mình suy nghĩ nhiều hơn, viết hay hơn (sau này đọc lại thấy ngạc nhiên hồi đó sao viết hay đến thế).
Má mất đi, buồn lắm chứ. Ước gì mình có thể chết thay má.
Nhưng lạ một điều, không như khi ba mất, mình đã nhanh chóng lấy lại cân bằng, lao vào công việc, các mối quan hệ bạn bè anh em với một tâm thế thanh thản, thoải mái hơn.
Lẽ tất nhiên không phải vì mình không yêu má bằng ba. Nhưng hình như đã có cách nghĩ khác.
Sinh tử là chuyện không tránh khỏi, huống chi các cụ đã vượt quá ngưỡng Thượng Thượng Thọ
Dù có muốn, ta cũng không thể đi thay các cụ được.
Vậy thì khi các cụ còn sống, ta hãy làm tất cả những gì cho các cụ bằng tất cả sự hiếu lễ, kính yêu, cho các cụ được hưởng tất cả những gì mà các cụ xứng đáng được hưởng, làm cho các cụ luôn tự hào về ta như chính chúng ta đã từng tự hào vì các cụ.
Và khi chúng ta sống, hãy sống tiếp cuộc đời của các cụ, nhìn tiếp cuộc sống này cho các cụ, làm tiếp những điều mà các cụ đã tâm huyết, đã trăn trở, đã đam mê …
Ở trên trời cao,ba mẹ chúng ta không muốn chúng ta khổ, không muốn chúng ta buồn, không muốn chúng ta sống cô độc …
Vậy thì sao chúng ta không để cho các cụ thấy con cháu các cụ đang sống an lành, đang bước đi mạnh mẽ với một tâm thế vững vàng, sẵn sàng đối diện với khó khăn thách thức

Dẫu còn nhiều thứ trong cuộc sống khiến ta chạnh lòng, khiến ta xót xa, đau đớn… Nhưng dù sao thì hãy sống tốt vì Ba mẹ ta đã mong ta như vậy. 

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

RAU SẠCH

Cô bạn bác sĩ của mình thật là một người thật thà đến mức ngờ nghệch.
Nói cô bác sĩ, bác sĩ chính quy thì chắc hẳn mọi người đã biết là trình độ học vấn của cô đến đâu.
Hôm qua đi Hội An viếng đám tang (thân phụ thầy giáo cũ) lúc về cô nằng nặc đòi đưa xuống thăm làng rau Trà Quế. Ban đầu mình tưởng cô muốn đi tham quan để biết, sau mới biết cô muốn đến đó để …mua rau sạch. Cô bảo: rau mình mua ở Đà Nẵng không thể nào ăn được vì nó cay quá, lại nghe nói không thơm bằng rau Trà Quế nên lần này đi nhất định phải lùng mua bằng được



Từ lâu, rau thơm Trà Quế (Hội An) đã nổi tiếng về chất lượng thơm ngon. Mà thơm thật, mới bước vào khu ruộng rau đã ngửi thấy ngay mùi hăng hăng, thơm nồng của rau quyện với mùi hương đất. Theo lời những người dân đang lúi húi trồng, rau Trà Quế chỉ đủ dùng trong khu vực Hội An, rau nơi khác dù có mang tiếng Trà Quế nhưng thực ra là rau nơi khác hoặc trộn lẫn, chứ không phải nguyên gốc.
Cô bạn mình xuýt xoa khen rau ngon, rau thơm, lại chê rau thường dùng là hôi, cay và…không thể ăn được. Kết quả, cô cạy cục xin và được họ cắt bán 10.000 đồng rau răm, lại xuýt xoa khen rẻ, trong khi chỗ ấy theo mình (và 1 cô bạn khác) đánh giá chỉ khoảng 2000 đồng nếu mua ở chợ.
Trên đường về, ngồi xe, dường như  vẫn rất hứng khởi với kết quả thu mua, cô bạn mình lại tiếp tục xuýt xoa ca ngợi rau Trà Quế, và chê rau thường. Tới chừng khi có người bảo rằng rau này được bón bằng phân bò thì cô mắt tròn, mắt dẹt kêu lên: ơ sao bảo đây là rau sạch mà.
Có người giải thích với cô về khái niệm rau sạch. Sạch không có nghĩa là không bón phân mà chỉ là việc không  sử dụng quá nhiều thuốc sâu và hóa chất mà thôi. Cô nghe, gật gù ra chiều hiểu biết, sau đó lại tung ra 1 câu …trên trời: Nhưng chắc khi tưới người ta phải tưới dưới gốc thôi chớ hè?
Chả muốn nói xấu bạn bè nhưng cô bạn mình thiệt tình ngờ nghệch hết chỗ nói (có lẽ đây cũng là điểm đáng yêu của cổ). Hình như trình độ học vấn, sự sành sỏi trong tiêu dùng, những đòi hỏi cao và cầu toàn của cổ không có gì là tương đồng với những hiểu biết thực tế xã hội mà cổ có.
Ôi bà bạn của tôi, tôi nghĩ cô không chỉ không thể hiểu được cái khái niệm về rau sạch vốn đơn giản dễ hiểu trên đây đã đành mà chắc sẽ không bao giờ biết được rằng hiện nay từ “rau sạch” còn để chỉ theo nghĩa đen những thứ khác. Ví dụ như chỉ những phụ nữ đã có chồng con, hiện đang làm việc tại văn phòng và đang có mối quan hệ “đặc biệt” với sếp. 
Nhưng ít ra may mắn là cô cũng có thể hiểu được điều đơn giản nhất: sạch không phải là không bẩn.
Cũng may, sự ngây thơ của cô cho đến giờ cũng chưa bắt cô phải trả cái giá nào quá đắt.
Và xã hội thôi thì cũng cần có nhiều sự ngây thơ ấy thì phải, ít ra nó cũng dễ chịu hơn những thứ tệ hại khác, những thứ nhẽ ra phải sạch, tưởng là sạch nhưng lại không hề là sạch. 



Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Hố Sây- ma



Hổm rồi, đi ra Hà Nội, theo ông xã lên tham quan Làng văn hóa  các dân tộc Việt. Điểm đến là ngôi chùa Khơ me mới được khánh thành hôm 23/11. Ngôi chùa rực rỡ, sáng choang nổi bật giữa khung cảnh có vẻ đìu hiu và những ngôi nhà sàn cũ kỹ.
Đứng bên ngoài, chợt nghe lỏm một cô hướng dẫn viên đang thuyết minh với  một nhóm các bác già đi du lịch về một cái gọi là “hố Sây ma”. Ghi lại lời cô thuyết minh như sau:
“ Các bác vào trong chùa sẽ thấy có những nơi mặt sàn gạch lồi lõm, hoặc chưa được lát hết. Đấy không phải là lỗi kỹ thuật đâu ạ, mà đó chính là những cái hố mà người ta gọi là hố Sây ma. Những cái hố này, theo phong tục của người Khơ me, là nơi để ta gửi gắm những ước nguyện của mình. Ví dụ như ai mong muốn có tri thức thì thả vào đó bút mực, ai muốn có sắc đẹp thì gửi gương, lược; ai mong giàu có thì gửi giấy tiền vàng bạc… Cái hố này sẽ được lấp lại vĩnh viễn ngay vào hôm khi khánh thành ngôi chùa”.
Mình đứng nghe (lỏm) ban đầu thấy hay hay. Sau ngẫm nghĩ càng thấy có điều gì đó không ổn lắm. Nghĩ nữa lại càng thấy nhiều điều không ổn.
Này nhé: Con người có ai lại mong chôn chặt những mơ ước, mong muốn của mình vĩnh viễn. 
Hai là người Khơ me rất thật thà chất phác, họ chắc chắn không có chuyện đi lễ để cầu mong tài lộc cho mình một cách thô thiển và thực dụng như người Kinh ta
Vậy nên việc bỏ các thứ vào hố Sây-ma có thể thực sự không phải là để cầu mong, ước muốn cho mình mà thực chất chính là thể hiện tấm lòng thành kính, cúng Phật, thờ Phật, kính dâng lên Phật vậy thôi.
Nếu thế thì việc thuyết minh như nêu trên có phải như đang “bóp méo” văn hóa của đồng bào Khơ me không nhỉ? Cái này thắc mắc quá, không biết hỏi ai. Bạn nào quen các chuyên gia khảo cổ, văn hóa hỏi giùm tui với.

Còn nữa, mình lại nghĩ: ừ thì cứ cho là người ta gửi gắm mơ ước của mình đi nhưng nếu như ta mơ ước đến tình yêu thương và hạnh phúc thì ta sẽ thả xuống hố Sây-ma cái gì nhỉ.
Thiệt là “gắc gối” quá đi đó mà. Hay tại mình cứ nghĩ lung tung nhỉ.