Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Cho con ngày 18 tuổi


Ngày hôm qua là sinh nhật con tròn 18 tuổi. Sinh vào tháng 6, đúng ngày hạ chí, cái nóng bức gay gắt của ngày nóng nhất của mùa hè cộng với  kỳ thi Đại học đang cận kề khiến ngày sinh nhật của con có vẻ như hơi sơ sài quá .Cuối ngày mới có một cái bánh sinh nhật tí tẹo, một lẵng hoa mẹ cắm, 1 ký kem. Đó cũng là thiệt thòi chút chút của con và hình như con cũng đã dần quen với những sự thiệt thòi chút chút kiểu này nhỉ.
Cu Bống cưng, dù chỉ là đơn giản nhưng có lẽ con cũng cảm nhận được sự quan tâm, ấm áp của cả gia đình đối với mình, và điều đó lớn hơn tất cả. Sau này, đến chừng như tuổi của ba mẹ, con sẽ thấy rõ gia đình mới thực sự là nền tảng cho mọi thành công và thành công lớn nhất là có một gia đình yên ấm. Những thứ vật chất, những danh hiệu, chức vụ … là những thứ không thuộc về mình nên chả đáng phải quan tâm con ạ.
Mẹ và cả Ba nữa không phải không mong các con trở thành những nhân tài, những người nổi tiếng, nhưng thực tế đều nuôi dạy các con theo những “tiêu chuẩn” của người …bình thường, thậm chí còn có phần “khắt khe” hơn người thường. Với phương châm “ba mẹ cho con những thứ con cần chứ không phải cho con những thứ con muốn” nên các con từ nhỏ đã không nhõng nhẽo, đòi hỏi cho kỳ được những món đồ mình thích, vì biết ba mẹ không chiều theo mọi đòi hỏi của mình khi điều ấy không cần thiết. Ba mẹ nào lại không muốn con mình được đạt các danh hiệu học sinh giỏi này nọ, nhưng ba mẹ không cố ép các con phải đạt được bằng mọi giá, càng không bao giờ phải chạy chọt, nhờ vả để cho các con có được những thứ phù du đó. Và sau này tương lai của các con cũng chính do con quyết định. 
Ở nhà ta, mỗi người đều tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Đấy là cách nói hơi cao xa nhưng thực ra rất gần gũi. Thế này nhé, ví dụ như việc học đó là việc của con. Học như thế nào là do con quyết định. Ba mẹ chỉ là người hỗ trợ tối đa cho con về vật chất tinh thần để có thế học tốt hơn nhưng không thể học thay con được. Con phải học bằng chính thực lực của mình. Bài học mà ba mẹ dạy các con là việc các con phải tự “trả giá” cho mỗi sai lầm của mình. Sai lầm của con bây giờ nếu có thì chỉ là  nhỏ, cái giá phải trả còn rất thấp nhưng thà như thế để sau này con đỡ phải trả những cái giá đắt hơn.
Con đã 18 tuổi. Hôm qua con đăng fb rằng sẽ làm những gì mà 18 năm qua chưa dám làm và 1 bạn nào đó đã hài hước bảo: “đắng lòng thanh niên quyết tâm vào …tù”. Chỉ là hài hước thôi nhưng thực sự ba mẹ cần nhắc con là khoảng cách giữa trong và ngoài song sắt cũng không phải là quá lớn. Cho nên, quay lại câu chuyện “trả giá” bên trên, hãy cẩn trọng con nhé.
Chỉ 10 ngày nữa con sẽ tham dự kỳ thi đại học. Đó sẽ là một trong những thử thách lớn nhất đời của con, rất khó khăn và hầu như chả có gì chắc chắn cả. Hãy cố gắng hết mình dù kết quả có là thế nào đi nữa con nhé. Khi ta làm hết mình thì chẳng có gì phải hối tiếc cả. 
18 tuổi, nói thế đủ rồi  con nhỉ. 

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

TÔI THƯƠNG BẠN MÌNH

Tôi là người rất … cảm tính.
Cảm tính nên tôi thương và ghét ai đó thì thường bằng một hoặc một vài lý do rất đơn giản, đôi khi là vớ vẩn.
Mấy hôm nay ngồi đọc trên mạng, tự dưng tui thấy thương mấy ông bà bạn tôi, những người đang mần tòa án.
Ngày xưa tôi đi học luật cùng họ nhưng đã tự rẽ ngang để không mần việc ở tòa. Bạn tôi, nhiều người làm ở đó.
Tôi đã đọc, đã biết, đã đắng đót, đã cười nhạo biết bao lần cho những phiên tòa phải hoặc không phải bạn tôi làm chủ tọa.
Tôi đã nhiều lần nghe kể chuyện ông/bà tòa nọ/kia nhận tiền đương sự công khai, trắng trợn ra sao, phải chung chi thế nào để có được bản án có lợi hơn …
Tôi đã từng tự hào khi bạn tôi đã dám xử vô tội cho một bị can 5 lần trước đó bị kết án tử hình
Tôi cũng đã không dám nhận mình là bạn của bà thẩm phán khi bà ta ấm ớ, ậm ừ trong phiên tòa mà bị cáo cao giọng hơn chủ tọa.
Hôm nay tôi chợt thương ông bạn mình, đang phải gánh những búa rìu dư luận, vì không thể nói và làm khác, vì vẫn thiệt thà chân chất khi trả lời báo chí rằng ông không thể nói và làm khác đi.
Tôi biết những ông bạn, bà bạn thẩm phán, chánh án này
Cũng như tôi, nếu ngoài đời họ sẵn sàng ném giày vào mõm những thằng nhân danh pháp luật đã dùng nhục hình cướp đi mạng sống người dân, giờ đang nở nụ cười trước vành móng ngựa. (cái vụ cười này bạn tôi đã nói, có khi chả phải hắn coi thường luật pháp hay công đường, mà đơn giản có khi đang gặp người thân đến thăm)
Cũng như tôi, ông chánh án bạn tôi có thể sẽ xót lòng khi thấy em bé (con nạn nhân) hồn nhiên đến ôm hôn di ảnh bố mình. Có khi lại ngẩn ngơ nghĩ đến con mình đang ở nhà bị lên cơn sốt.
Lẽ tất nhiên, nếu là tôi, nếu là bạn tôi chỉ là ông ấy thôi chứ không phải là chánh án, sẽ đưa hết lũ nhục hình kia lên giá treo cổ, hoặc nếu không thì cho chịu lại những vết thương để cảm nhận được nỗi đớn đau trên thể xác nạn nhân …
5 năm, 10 năm … là quá nhẹ, là tát vào dư luận, là gây thêm những nát chém trong lòng gia đình nạn nhân, những nhát chém không phải là sẹo trên cơ thể…
Phiên tòa kết thúc rồi, dư luận gào lên tức tưởi: công lý thế à? Lương tâm thẩm phán vứt cho chó tha rồi chắc ?
Có thể sau phiên tòa, bạn tôi cúi gục mặt, trước câu tự vấn: Lương tâm mày để ở đâu?
Tôi, thản nhiên, ơ hờ, đi làm những chuyện hay ho, không chút bận tâm rằng ai chết, ai tù, ai buồn ai khóc…
Nếu có biết, có được đọc ở đâu đó những phiên tòa đắng đót thế này thì cũng tự cho là mình khôn ngoan khi đã không chọn tòa án để làm việc.
Nếu phải đối diện với những chuyện thế này, e rằng tôi phải nhập viện tâm thần

Vì vậy tôi thương bạn mình …