Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

THÔI ĐỪNG LÀM TO NỮA!

Cu Bống càng lớn lại càng hay hỏi nhiều câu …cắc cớ. Nhiều câu mẹ nó không trả lời được nhưng con số ấy thì rất ít bởi mẹ nó cũng là một nhà …cắc cớ (có khi còn hơn nó) và cũng biết cách để trả lời cho những câu … cắc cớ của nó.
Hôm trước đi lên mộ ông, Bống hỏi: “Mẹ này, sao con thấy có nhiều người khi họ khổ thì họ hiền lành dễ chịu lắm, nhưng tới khi họ có chức có quyền thì con thấy họ ác ác thế nào ấy. Sao thế hả mẹ? Có phải chức quyền làm cho họ ác lên hả mẹ?”
Phải suy nghĩ, tất nhiên là phải suy nghĩ một lúc để trả lời cho Bống. Câu trả lời thế này.
Ví dụ như mẹ nhé. Mẹ bây giờ đang rất bình thường nhé, không ác nhé, rất vui vẻ nhé. Thế rồi tự nhiên mẹ được làm một chức to to, ví dụ như Tổng Giám đốc một công ty lớn chẳng hạn. Cu Bống con mẹ học hành thì lôm côm, lại còn ham chơi đua đòi nhé. (Bống xịu mặt rồi kìa – đây là ví dụ cơ mà, ví dụ như thế chứ ai chả biết Bống ngoan ngoãn, học khá). Mẹ làm lớn, chả nhẽ để Bống nhà mình đi lang thang, nghề ngỗng không có, thế thì mất mặt mẹ quá. Thế là mẹ mới bảo một chú nào đó cấp dưới của mẹ “Chú lo hộ chị 1 chỗ làm vớ vẩn gì đó cho cu Bống cái”. Ấy là mẹ nói thế thôi, chứ cái chú cấp dưới kia “dám”  tìm chỗ vớ vẩn cho Bồng à. Tất nhiên, chú ấy sẽ bố trí cho Bống vào làm một chỗ “thơm tho” (nghĩa là vừa có chức lại vừa có tiền). Rồi thời gian, Bống lại tự cho mình là có quyền (vì là con bà Tổng Giám đốc mà) trong khi Bống vừa dốt lại vừa hư, lại đối xử với người khác không ra gì. Ban đầu họ cũng dễ bỏ qua cho Bống nhưng sau đó thì một số người có ý kiến phản ứng, kiện cáo lên cấp trên. Lúc ấy mẹ phải làm thế nào? Dẹp cu Bống đi, không cho làm chỗ ấy nữa? quá dễ. Nhưng mà như rứa thì mất mặt mẹ quá, chả nhẽ mẹ quyền lực thế này mà thằng con mẹ không có chỗ mà chui à? Mà đâu chỉ mình mẹ mất mặt mà cái người đưa Bống vào làm cũng bị lây chứ. Thế là mẹ phải bảo chú kia (mà có khi chưa kịp bảo chú ấy đã tự làm rồi) giải quyết việc ấy. Giải quyết thế nào? Thì có nhiều cách ví dụ như cho mấy người nào “to mồm” phản ứng ấy ít tiền bảo họ im nếu họ không im thì buộc họ phải “lên bờ xuống ruộng”, hành hạ  ra bã …
- Thế thì thành ra ác hả mẹ?
- Thế nếu không ác với họ thì cu Bống làm sao mà được này được nọ, có chức có quyền, có tiền hở?
 Nghe đến đây, cu Bống ngồi im lặng. Một lúc sau Bống thở dài nói
- Thôi, mẹ ạ. Mẹ làm thế được rồi, đừng làm to nữa mẹ nhé.
Buồn cười thật, rõ là đồ trẻ con. Bống làm như mẹ nó dễ làm to lắm ấy.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

ĐÁM CƯỚI CHỊ

Chiều qua nhận được thiệp mời cưới của bà chị họ (bằng tuổi mình).Nhận xong rồi, cứ ngồi nghĩ mãi về chuyện của chị. 
Chị đang là một người vào loại có chức quyền của tỉnh, là một phó ban quan trọng của Tỉnh ủy. Cỡ mình chưa là cái đinh gì so với chức vụ của chị. 44 tuổi, có 1 con gái đã hai mươi, ông chồng hiền lành...cuộc sống của chị được coi là ổn định, đàng hoàng.
Thú thật, mình không hiểu rõ về cuộc sống gia đình của chị, chỉ nghe loáng thoáng chị với chồng không hợp nhau. Anh N. không những không phải là một người chồng vũ phu, tệ nạn mà trái lại theo đánh giá của mình anh là một người hiền đến mức ...đụt. Có lẽ vì vậy, mà chị chán anh chăng. Mình nghe con em kể lại " Hôm trước, em gặp anh N. thấy ảnh thiệt tội. Ảnh cứ đi theo em, biểu em năn nỉ chị đừng ly dị anh".  
Người chị định lấy làm chồng bây giờ thì mình cũng có biết cách nay vài năm. Anh ta là một người đàn ông lanh lẹ, hoạt bát có dáng của một người làm ăn khá giả. Nhưng nói chuyện với anh thú thật mình có cảm giác kém tin tưởng vì những lời nói của anh cứ trơn trượt, nhầy nhẫy...        
Nhận được thiệp cưới của chị, cảm thấy kỳ kỳ. Tuổi này, lại cưới tập 2 rồi chứ có phải trẻ nỏ gì nữa mà bày đặt ...Tất nhiên chuyện gia đình riêng của chị chả nên bình luận này nọ, nhưng cũng thấy không đồng tình và có phần gì đó lo lắng cho chị. Ông chồng mình thấy mình ngồi thần người ra thì bảo: "em ạ, anh nghĩ rằng rồi chị ấy cũng sẽ thêm một lần hối hận nữa cho mà xem." "sao anh nói thế?" Mình hỏi.  "Chị ấy là người có chức vụ, lại làm công tác tổ chức mà chính ngay cuộc sống của gia đình mình chị ấy còn không tổ chức nổi thì còn nói làm gì. Nếu chị ấy biết cách thì đã lựa chọn đúng người chồng cho mình. Hoặc giả cho dù anh chồng cũ có kém cỏi thì cũng biết cách mà vực người ta lên chứ không phải cái kiểu thất vọng về chồng cũ để lấy một ông chồng khác với những tiêu chuẩn ngược hẳn 180 độ. Như thế anh đoán trước rằng chị ấy sẽ lại thêm 1 lần thất vọng nữa mà thôi."
Dù rất biết là ông chồng mình có lý nhưng mình cũng thầm mong chị đừng sớm thất vọng.
Ngồi chơi nói chuyện, con bạn mình bảo: " đến tuổi này rồi mà còn cưới xin làm gì. Nếu nói giải thoát với chồng cũ thì cứ đi chơi cho nó thoải mái. Dại gì mà đâm đầu vào cưới chồng khác làm gì cho mệt. Lại thêm một lần hầu hạ chồng chứ được ích gì."
Lòng lại lo lo cho chị. Chả biết hạnh phúc là gì...   

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

A! Ô! VÀ ÔI!

Hồi còn nhỏ đọc truyện "Ông Tướng về hưu" của nhà văn Nga mình nhớ mãi cái đoạn tả về hai ông cháu vị tướng vừa xoay trần ra dọn dẹp, lau nhà vừa hát đi hát lại đoạn điệp khúc vui vẻ (cái đoạn này phải thán phục người dịch sang tiếng Việt):
"A!, chúng ta là những tên cướp, những tên cướp, những tên cướp"
"Ô!, chúng ta là những tên cướp, những tên cướp, những tên cướp"
"Ôi!, chúng ta là những tên cướp, những tên cướp, những tên cướp"
Nội dung các câu hát hoàn toàn như nhau, chỉ thay đổi bằng những thán từ A!, Ô! và Ôi! nhưng nó đặc biệt thể hiện được tâm trạng, thái độ của "những tên cướp biển" trong bài hát. Từ sự phấn khởi, hãnh diện khoe khoang về bản thân (A!) đã chuyển dần sang thái độ ngạc nhiên, đầy tự ti  (Ô!) và cuối cùng là sự thất vọng, chán nản cho thân phận mình (Ôi!).
Rảnh rảnh, ngồi nghĩ linh tinh thấy có lẽ các công chức nhà mình cũng nên hát bài ca vui vẻ (hay không vui vẻ nhỉ) ấy. "A! chúng ta là những công chức những công chức những công chức..." rồi đến "Ô!, chúng ta là..." và cuối cùng là "Ôi, chúng ta là ..." cho từng giai đoạn trong đời công chức của mình.  
Ví dụ như mình, hiện nay đang ở giai đoạn cuối của thán từ "Ô !..." và lẽ dĩ nhiên là sắp chuyển sang "Ôi!..." hay có thể nói là đang bắt đầu giai đoạn "Ôi !" thì cũng thế...    

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

TẠI CHỨC VÀ CHÍNH QUY

Hồi còn học ở trường Đại học (ĐH luật hệ chính qui tập trung nhé), mỗi lần nhìn thấy các anh chị Chuyên tu (Tại chức tập trung), tụi "Chính qui" bọn mình ngân nga câu hát:
Nếu không có bác chuyên tu
Lấy đâu ra kẻ ...học ngu hơn mình
Sau này ra trường đi làm, thấy họ đi học mình cũng le te đi học thêm cái bằng Đại học tại chức Kinh tế và mấy cái bằng trung cấp rồi cao cấp ngoại ngữ những mong khi trưng ra mấy cái bằng ấy thì có thể làm bậc thang để bước đến chỗ nọ, chỗ kia cao hơn. Cuối cùng, sau 20 năm làm việc, kết luận có ý nghĩa nhất cho cái mớ bằng cấp ấy là..."để khi nào các bác kiểm tra, lòi ra cái bằng giả, còn lại cái bằng thật...he he". Cái bằng lớn nhất mình thiếu đó là ...bằng ...lòng. Cũng do nhận thức đầy đủ vấn đề bằng cấp như vậy nên kiên quyết không đi học thêm cái bằng cao cấp chính trị bởi như ông xã mình nói vô cùng chí lý: " thôi em ơi, nếu người ta đã không muốn cho em lên chức thì dù em có học mấy cái bằng cao cấp người ta cũng chẳng cho em lên. Còn nếu người ta đã muốn cho em lên chức thì dù em chả học cái gì thì người ta cũng đưa em lên được..."
 Mấy ngày nay dư luận tốn nhiều giấy mực (và cả đất trên mạng) để phê phán vấn đề tại chức với chính qui. Từ chuyện mấy bác ĐN mình có vi phạm luật khi "cấm cửa" Đại học tại chức không? đến chuyện chất lượng đào tạo tại chức "ốt dột" ...Có bà (hay ông) nhà báo "bênh" ĐN thì bảo " Đặt lên bàn cân, cái lợi là có được toàn người tài và loại bỏ những kẻ tiêu cực với một bên là có thể “bỏ sót người tài” học tại chức thì lựa chọn của Đà Nẵng là đúng đắn. Đó mới là hành động coi trọng thực tài chứ không phải chạy theo bệnh thành tích, chạy theo cái vỏ tri thức" Mình nghe mà ... buồn cười quá...
Thứ nhất, cái ĐH chính qui thực ra cũng chả phải "toàn người tài". Bằng chứng là một số trong số những "nhân tài" sinh viên khá giỏi được về làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố những năm qua sau một thời gian làm việc, được hưởng đủ thứ ưu tiên, ưu đãi ... thì bị không ít đơn vị la làng về chất lượng làm việc, kỹ năng sống và tệ hơn là nhân cách sống...Trong khi đó không thiếu những người tuy chỉ Đại học tại chức nhưng kỹ năng làm việc lại hơn hẳn, thật may cho đơn vị khi tiếp nhận những người như vậy. 
Thứ hai, mọi người nghe ĐN nói rứa chớ không phải rứa đâu mà ... nhảy nhót, ì xèo. ĐN tui vẫn vô cùng "trọng dụng"  tại chức đó chớ. Bằng chứng là trong Đại hội Đảng bộ thành phố vừa qua, Đại hội đề ra điều kiện vào Ban chấp hành khóa mới phải là các cán bộ được đào tạo Đại học chính qui. Kết quả cuối cùng cho thấy nhiều đồng chí BCH khóa mới nhà ta dù cố gắng "vận động" cũng không kiếm nổi cái bằng Chính qui trong số "1 rổ" bằng tại chức "loại 1". Đó là chưa kể "chính quy" ngành khác liệu có bằng "tại chức" đúng chuyên ngành hay không.
Thứ Ba, thiên hạ cũng chẳng nên nhảy nhót ỳ xèo mà làm gì bởi vì cơ quan nhà nước cũng không phải là cái chỗ 'thượng đẳng" để mọi người phải "mơ ước, ngước nhìn" mà nuốt nước bọt. Bằng chứng là nhiều người đã bỏ chân nhà nước để ra ngoài làm và hầu hết họ đều là những người giàu bản lĩnh và có thực tài. Những người "nhà nước" (kể cả mình) thật ra chỉ là những người "chả biết đi đâu, làm gì" mà thôi. Khi nói chuyện với anh cu con , mình đã mượn chủ trương này để làm cớ "đe dọa"  về thái độ học tập "nếu không học chính qui con đừng hòng vào cơ quan nhà nước làm việc nhé". Anh cu Tít hồn nhiên trả lời : "Con đâu có cần làm nhà nước như mẹ đâu. Mẹ thấy không, ông Bill Gate ổng đâu có bằng Đại học đâu, ổng toàn thuê tiến sĩ về làm cho ổng thôi đấy chứ". Cu Tít làm mẹ  nó cụt hết cả hứng nhưng nhận ra vấn đề: biết đâu sau này "tại chức" cũng chẳng thèm về làm cho Nhà nước chứ ở đó mà "chảnh"
Cuối cùng vấn đề ở đây là gì, đừng nói về việc "cấm cửa", "mở cửa" gì cả mà lẽ ra nên có một chế đô thi tuyển nghiêm túc, công bằng, công khai cho tất cả mọi đối tượng, trong đó mình đề nghị loại bỏ các điểm ưu tiên (thường có).  
Nhưng mà các "cụ", những người đưa ra  chủ trương và thực hiện chủ trương, có bằng loại gì nhỉ? Tại chức hay chính qui? Liệu có đủ sức đưa ra được cách sàng lọc tuyển dụng đàng hoàng không? Mình e, nếu đã đàng hoàng hẳn không có cái vụ tuyên bố gây ì xèo mấy ngày ni. Cho nên không khéo, cái vụ này lại là một "dẫn chứng hùng hồn" để bộc lộ và xác định rõ ràng trình độ thực tế của chính các "cụ" nhà ta.

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

BẠN VÀ TA

Đi Sài Gòn công tác, tranh thủ “quả” cuối tuần (suy nghĩ chắc mọi người được nghỉ)  để gặp bạn bè, anh em, bà con. Cuối cùng bị “bể show” gần hết. Con Cún thì đi ra Bắc lo việc đại sự cho chồng, hai ông anh, ông thì đi làm, ông thì đi xuống Cần Thơ, bọn bạn hồi phổ thông hẹn hò cố mạng, đến lúc ta vào thì “thuê bao quí khách vừa gọi…”. Nhưng không sao, bể “show” này thì có  “show”khác và nhờ vậy ta khám phá bao nhiều điều từ bạn, từ ta, từ cuộc sống.
Ta mong bạn có được chút rảnh rang cuối tuần để vi vu lên Bình Phước nhưng bạn bận. Bạn nói như thanh minh nhưng ta cảm thấy (chắc chỉ mình ta cảm thấy) như có gì trách móc: “Tên này nghĩ mình rảnh rỗi lắm à?. Tên này phải biết, chỉ cần bằng một phần 10 chúng nó thôi thì mình đã phải làm việc cật lực gấp 10 lần chúng nó”. Tất nhiên ta hiểu và vô cùng thông cảm với bạn. Cuộc sống ở Sài Gòn đâu có giản đơn, đủng đỉnh “thích thì làm” như cuộc sống của ta…Bạn ví mình như người đạp xe lên dốc, nếu ngừng đạp cũng có nghĩa là tuột dốc
May mắn cho ta khi đang chả biết làm gì thì kiếm được một “nàng xe ôm bất đắc dĩ” sẵn sàng dành cho ta cả một ngày để hai đứa cùng vi vu khắp Sài Gòn. Nàng nhất định “hành hạ, tra tấn” ta, đòi làm “một cuộc cách mạng nhung” để thay đổi thói ăn mặc xuề xòa, vụng về bẩm sinh của ta bằng cách “lôi xềnh xệch” ta đến những cửa hàng thời trang thượng thặng. Ở đó ta “mắt tròn, mắt dẹt” nhìn nàng rút ra những đồng tiền mệnh giá to đùng với một vẻ thản nhiên như ta mua bó rau ngoài chợ. Buổi chiều, hai đứa cùng mấy đứa bạn khác đến nhà con bạn cùng khóa để khen nhà mới của nó, và để chê bà chủ nhà (trước mặt chồng nó) không thương tiếc khiến chủ nhà chỉ biết chửi đổng mà không dám “tiễn khách”.
Ngủ tại nhà bạn, căn nhà thênh thang thiếu bóng dáng một người đàn ông trụ cột, ta hiểu hơn những hẫng hụt của một góa phụ và chỉ biết khuyên bạn “hãy sống cho mình” (chứ không phải sống vì mình)
Khi lên máy bay trở về ta thấy mình còn nợ bạn những lời cảm ơn không thể nói (bởi vì nếu ta nói ra điều đó có lẽ bạn sẽ hiểu khác đi)
Ta cám ơn bạn không chỉ vì những bộ quần áo đắt tiền mà bạn đã mua tặng, không chỉ vì những bữa ăn đắt tiền mà bạn đã thanh toán… mà còn bởi vì bạn đã cho ta những bài học từ cuộc sống của chính bạn (điều này có lẽ bạn cũng không nghĩ rằng nó có thể gây ấn tượng với ta sâu đến thế. Ta thấy bạn (có lẽ không chỉ mình ta thấy bạn) giờ tiêu tiền thoải mái, mở mồm là nỏi đến tiền tỷ,  nhưng có mấy ai được như ta nghe bạn kể về cái mái tôn lỗ chỗ trong căn chòi nhỏ nơi vợ chồng bạn khi mới cưới đêm đêm nhìn trời và hỏi nhau “liệu đến bao giờ mình có một mái nhà không dột nát?”. Ta tự hỏi và tự trả lời: “Không. Không. Chắc chắn là ta không bao giờ có thể chịu bó mình chui rúc trong những căn chòi như thế cho dù ngày sau có thể như bạn bây giờ.” Cuộc sống của ta dù không là nhung lụa bạc vàng nhưng luôn được trải thảm, luôn được bao bọc và có thể nói là thuận lợi. Bởi vậy ta sống nhởn nhơ, sung sướng, quen được yêu thương chiều chuộng nên cũng sẽ không thể chịu khó lăn lưng ra để “cày bừa” như bạn và giờ đây đang bằng lòng với chính mình. Như người đã no nê không phải nuốt nước bọt trước mâm cơm của người khác, ta chưa hề cố gắng, chưa hề có khái niệm về sự nỗ lực, ta không có những khát khao, những quyết tâm để đạt được cái này, cái nọ bởi mọi thứ hầu như đã được “lập trình” rồi mà. Tất nhiên, vì vậy ta chưa hề nếm trải vị đắng của thất bại và cũng không tự hào, hãnh diện với thành công (ờ mà ta có thành công không nhỉ). Đã vậy, ta lại chảnh chọt tự phong cho mình “sự thượng đẳng” để sẵn sàng nhìn người khác bằng nửa con mắt  (điều này không phải ai cũng biết bởi ai ai cũng thấy ta rất vui vẻ dễ gần).
Cảm ơn bạn đã cho ta hiểu thêm mỗi chúng ta đều có những cuộc đời riêng, những ngả đường riêng, những hạnh phúc và bất hạnh riêng không ai có thể sẻ chia cho ai. Cảm ơn bạn đã cho ta hiểu rằng ta được quí mến thế nào, và điều này chính là niềm tự hào của ta đó bạn. Ta vui khi đã đem lại cho bạn những tiếng cười đùa, những ký ức vụn vặt, những câu chuyện không đầu không cuối ...Ta vui khi được bạn chăm sóc, mắng mỏ và được mắng mỏ lại bạn một cách đầy yêu thương…
Hình như ông Trời cũng phú cho ta cái khả năng diễn đạt được suy nghĩ của mình một cách tương đối …tốt , nên ta đã sử dụng nó để nói lời cảm ơn chân thành với bạn, với các bạn…

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

CHÚNG TA LÀ PHỤ NỮ


Có lần đã đọc được một câu nói của ai đó (chắc là phụ nữ) bàn về vấn đề Giới và phát triển như sau: "Phụ nữ không chỉ muốn được chia phần miếng bánh mà còn muốn được tham gia vào việc làm bánh nữa".
Vậy nhưng hình hiện nay là các nhân tài nữ hiếm như sao buổi sớm nhưng… rụng nhiều như lá mùa thu, bằng chứng là cả BCH đảng bộ tỉnh chỉ loe ngoe vài mống, rõ là không đạt chỉ tiêu về số lượng và cả chất lượng (cái “chất lượng” này là do cánh nữ nhà báo thở dài mà nói với nhau khi nhìn thấy mấy TUV nữ nhà ta súng sính áo dài áo ngắn lên ra mắt Ban chấp hành). Những chị em vinh dự được đứng trong hàng ngũ Uỷ viên thật ra thì vào dạng “không thể không vào được”. Ví dụ như đố anh trai nào “dám” thay mặt Hội liên hiệp phụ nữ để đại diện cho 50% dân số nói lên tiếng nói của chị em trong hàng ngũ ? Và cũng có lý khi người ta nói: "Chị em như mấy cái bình hoa di động để trên  bàn. Nếu có hoa thì ra bàn tiệc, còn không có thì thành ... bàn nhậu"
Tất nhiên chưa đạt chỉ tiêu thì trách nhiệm trước tiên thuộc về cụ Bí và cụ cũng “vui vẻ” nhận: “chưa làm tròn trách nhiệm, không thể cầm tay từng đại biểu để bảo họ phải bỏ phiếu cho ai”. Cụ “thành khẩn” như rứa thì ai nỡ lòng nào dám “nặng lời” trách móc. Kinh nghiệm để đời để vượt qua các kỳ kiểm điểm ĐV là thành khẩn khai nhận hết những khuyết điểm nho nhỏ của mình để tránh bị bươi móc những khuyết điểm lớn hơn. Nghĩa là “nói thật một ít để nói dối tất cả” còn hơn là “nói dối một ít rồi phải phun hết tất cả”
Và rồi, sau khi cụ Bí đã thành khẩn nhận khuyết điểm nho nhỏ như vậy  thì cái khuyết điểm lớn nhất thuộc về…chị em.
Công bằng mà nói, khi chị em ta không có nhiều người đứng trong hàng ngũ lãnh đạo thì chứng tỏ rằng chị em quá… kém. Chữ “kém” ở đây bao gồm nhiều hàm ý : trình độ năng lực kém, quan hệ kém, thân thế kém, …    
Nếu có dịp “thực mục sở thị”   “thực nhĩ sở thính” những bài ca của chị em trên diễn đàn Đại hội thì nhiều người sẽ cho rằng con số mấy mống uỷ viên  ấy thực ra là còn nhiều, quá nhiều là đằng khác. Bởi lẽ giá trị của những bài “diễn thuyết” ấy rốt cục được đánh dấu bằng …giọng nói ỏn ẻn của chị em chứ không phải là nội dung.  Nói thật, đôi khi cảm thấy hơi xấu hổ khi mình là thành viên của cái Hội liên hiệp chiếm 50% dân số này (nói đến đây mới chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ làm đơn xin vào hội này thì phải. Chỉ thấy được nhận hoa nhân ngày 8/3 hay 20/10 thì nhớ à ra mình là phụ nữ). Của đáng tội. Cái Hội liên hiệp này thực ra gần đây cũng làm được mấy việc được coi là  việc “lớn” như: việc thứ nhất là cho chị em vay xoá đói giảm nghèo, việc thứ hai là xây chuồng xí, việc thứ ba là nhờ bề trên “dằn mặt” hộ mấy ông chồng đánh vợ. Nghĩ đi nghĩ lại thấy mấy việc ấy rất thiết thực, rất hữu ích và tựu trung là đã “tuyên truyền giáo dục” được cho chị em những việc làm để …lo sao cho “đầu vô, đầu ra” của mấy ông chồng được suôn sẻ và để khỏi bị mấy ổng đánh.  Chấm hết.
Thật lòng cảm thấy buồn khi đại diện lãnh đạo của phái nữ là những con số “hẻo” như thế. Nhưng càng buồn hơn khi để lên chức lên quyền, lên làm lãnh đạo, để sánh vai cùng các ông, các chú các anh phái kia thì có những chị em mình đã nếu không phải kê khai (nửa kín nửa hở) cái lý lịch với mối quan hệ thân thiết dày đặc con ông A cháu B, họ hàng nhà anh C cũng đã làm cái chuyện mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói.   
Cũng thật lòng mà nói, cảm thấy tự ái khi nghe những câu đại loại như “nỗ lực phấn đấu để tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan đoàn thể”. Cảm thấy như được ban ơn, như được bố thí. Sao người ta không nói “phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”. Nhưng ai phát hiện? ai đào tạo? đào tạo cho ai? Hay tiếp tục cho những gương mặt đại diện chị em tiếp tục phô diễn giọng nói ỏn ẻn trên diễn đàn với những điệp khúc "nhà xí, xoá đói giảm nghèo"  ?
Hồi xưa đi học, chúa ghét chuyện thua kém bọn con trai. Học để cho chúng nó biết, chơi cho chúng nó biết. Chính vì vậy bị coi là nhiều nam tính. Chả sao, dễ sống. Chứ nếu mình là nam mà bị coi là nhiều nữ tính thì mới ...ẹ  
Cuối cùng, lại thấy mình ngớ ngẩn. Đã chả quan tâm gì cái chuyện làm lãnh đạo  thì thắc mắc làm gì cái chuyện ban ơn của người khác. Không khéo lại mang tiếng “con cáo và chùm nho”.
Dưng mà nhìn mấy mống "ỏn ẻn" lại thấy ngứa mắt.    

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

HÀ NỘI ƠI


Phố cổ đỏ xanh cho đại lễ. Mỗi hộ phải nộp 70.000đ cho 1 cây cờ (có cán). Có người bảo: "bố mẹ muốn con đẹp thì phải may áo cho con chứ ai lại bắt con nộp tiền mua áo thế này"
 
Xanh đỏ trong buổi hội tại sân Mỹ Đình, nơi có đến hàng trăm ngàn người đến để... đứng bên ngoài chen nhau xem pháo hoa ...dở ẹc . ( "Phải gọi pháo hoá Đà Nẵng bằng...cụ)

Nhân đại lễ, mấy cụ già rủ nhau ra ... vỉa hè kể chuyện ngày xưa

 Nhân đó mấy thế hệ sau cũng ...ra vỉa hè tán dóc

Một chút hoài niệm về Hà Nội của  ngày xưa

Ước mong về một Hà Nội lặng lẽ bình yên như thế này

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

"ĐỒNG BÀO CHÚ Ý"

Chiến tranh kết thúc lúc mình chưa tròn 10 tuổi. Cái dư âm cuối cùng (nói chính xác hơn là nỗi ám ảnh) của chiến tranh còn đọng lại trong mình là tiếng còi báo động và tiếng loa phát thanh gấp gáp : " Đồng bào chú ý... đồng bào chú ý... máy bay địch cách xa Hà Nội hai mươi cây số....các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu..."  
Mới đây, thằng bạn mình chả biết moi ở đâu ra, cài đặt cái chuông điện thoại di động của nó đúng ngay cái câu phát thanh ấy, làm mọi người (toàn những đứa tuổi mình) chợt sững sờ một chút rồi cười nghiêng cười ngả khi nghe nó giải thích: "Vợ tao gọi đấy"
 Vừa đi Đại lễ về, đang hẫng hụt về những gì nhìn thấy. Bỗng chợt nghĩ ra một ý tưởng. Ý ấy thế này: sẽ cho phát thanh một đoạn như sau:
" Đồng bào chú ý... đồng bào chú ý..., một cơn bão văn hoá lai căng, nô dịch, một lối sống thực dụng, vị kỷ ...đã và đang quét qua Hà Nội của chúng ta, gây những thiệt hại nghiêm trọng cả về thể chất và tình thần của thủ đô văn hiến. Những địa phương khác chuẩn bị ... sẵn sàng chiến đấu"
He he...
Dưng mà phát rứa thì "đồng bào" mình có chịu nghe không? mà "nghe" rùi thì có chịu "sẵn sàng chiến đấu" không hè ?

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

HÀ NỘI VÀ MÌNH

Sáng nay rời Hà Nội vào sáng sớm. Có lẽ thành phố đang vùi sâu trong giấc ngủ vùi mệt mỏi sau những xôn xao của đại lễ. Và cũng có lẽ nhờ vậy mà vớt vát lại phần nào trong mình cái nỗi lo Hà Nội đang dần dần tuột dài theo những sự xôn xao đỏ xanh để không còn là Hà Nội nữa.
Không biết những người là dân Hà Nội gốc, những người có thời gian dài hàng chục năm ở Hà Nội  (gọi chung họ là những người Hà Nội cũ) nghĩ gì trong những ngày này nhưng quả thật “đại lễ” chỉ   “để lại” trong mình những tiếng thở dài tiếc nuối.
Có thể mình chỉ là đứa dù sinh ra ở Hà Nội nhưng xa Hà Nội đã quá lâu, nên Hà Nội đọng lại trong mình toàn những hoài niệm giờ đã trở thành quá vãng. Mình ví nó như tiếng leng keng của tàu điện hầu như chỉ còn lại trong tâm thức của người Hà Nội cũ, chỉ được nhắc đến (hoặc cố tình nhắc đến) mỗi khi người ta nói về Hà Nội xưa và sẽ lạc lõng giữa những tiếng còi của đủ thứ loại xe thời hiện tại. Nó cũng như làn sương mù đặc quánh những sớm mùa thu giờ bị bạt đi bởi những làn khói xe dày đặc. Nó cũng như mùi hoa sữa đặc trưng nồng nàn, mùi cốm vỉa hè hay quả hồng, quả thị, hàng hoa,  giờ đã bị phủ lấp bằng vô số mùi nồng nặc. Còn giọng nói Hà Nội thì giờ đây bị lấm bẩn bằng thứ tiếng nói “ngong níu ngọng no” của đám tuổi teen đang chửi bậy.        
Cả đêm qua cứ nghĩ, có ngớ ngẩn không nhỉ khi mình rủ hai chị em chị Hương và anh Cường đi lang thang Hà Nội nguyên một buổi đêm để tìm lại Hà Nội của chúng mình. Có thể anh chị cũng chiều mình, bởi chị Hương là người của khu tập thể ở Hà Nội đã 50 năm, còn anh Cường hiện đang sống tại nước ngoài và tất nhiên vì cả hai cũng như mình mong tìm về với Hà Nội xưa giờ chỉ còn phảng phất trong đêm vắng.   
Trong mình lảng vảng những câu thơ:
             “Hà Nội thật hơn trong đêm khuya
            Phố cổ nghiêng nghiêng cổ tích
            Cây bàng chìm trong trầm mặc
            Nhớ tiếng còi tàu xa xăm ...
            Thành phố của  một ngàn năm
            cờ hoa, đèn lồng xanh đỏ…
            Ta mải miết tìm hoài trong rêu phong phố cũ
           đâu rồi tàu điện leng keng ?
           đâu rồi em ? Hà Nội ? ”
           Đã hứa sẽ chụp nhiều bức ảnh Hà Nội trong đại lễ nhưng cuối cùng chỉ ưng ý nhất bức ảnh của má mình chụp vào buổi chiều muộn tại vườn hoa Hàng Đậu bởi không thể tìm đâu ra một chỗ vắng người để chụp ảnh.  

Trưa nay về lại Đà Nẵng, trong lúc chờ đón cu Bống, bỗng phát hiện ra một điều thú vị: Nắng Đà Nẵng sáng trắng không thể là thứ nắng vàng ươm sóng sánh màu mật ong rót lên những cây cơm nguội vàng như ở Hà Nội.
Thì ra, Hà Nội vẫn luôn là nắng vàng trong tâm hồn mình.  

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

VỀ LẠI PHỐ XƯA NGÀY ĐẠI LỄ

Thật ra mình về lại Hà Nội không phải vì Đại lễ nghìn năm nhưng dù sao đây cũng là cái cớ cho sự có mặt của mình tại Hà Nội.
Nhà mình ngày xưa ở khu tập thể quân đội phố Cửa Đông, ngay khu phố cổ Hà Nội. Nói đến điều này mình cũng có chút tự hào dẫu chỉ ở đó từ khi còn bé tí, 10 tuổi đã đi vào Đà Nẵng rồi. Thế nhưng những xúc cảm về con phố cổ, về những sớm mùa thu heo may, về những tiếng rao hàng, về hương hoa sữa...hay chỉ đơn giản (và hơi tệ) một chút về cái mùi bếp dầu hoả ... cứ tràn vào tâm khảm mình mỗi khi có dịp trở về Hà Nội. Cho nên với mình cái xôn xao xanh đỏ ngày đại lễ 1000 năm hay không phải là đại lễ cũng vẫn vậy thôi.
Các anh chị thuộc thế hệ thứ 2 của khu tập thể (toàn thế hệ 6X ) dù đã ở xa có sáng kiến mời mọi người đã từng ở đây đến họp mặt. Ôi cái khu tập thể bé nhỏ gần 30 gia đình ngày trước, như một cái xã hội thu nhỏ của thủ đô,  nghĩa là đủ mọi thành phần xã .hội. Công chức có, buôn bán có, đi nước ngoài có, giàu nghèo sang hèn đủ cả. Nếu là nhà văn, mình sẽ viết  những câu chuyện về những nhân vật của khu tập thể nhỏ bé này. Họ xứng đáng là những đại diện của cả một thời đầy gian lao và thách thức. Trong những câu chuyện của bữa gặp mặt, mình cảm động nhận ra những tình cảm ấm áp và chân thành của họ. Có vài anh thuộc loại "rách giời rơi xuống", tù đày đủ cả, cứ hồn nhiên kể lại những chuyện phá phách ngày trước. Có những người ngày trước ghét nhau cay đắng, giờ lại bô lô ba la cậu tớ như không. Cũng có thể hầu như đã biết quá rõ về đời sống của nhau, chả cần phải giấu diếm, che đậy làm gì nên cũng  cứ thế hồn nhiên mà nói . Nhưng cũng có thể đây chính là cái "chất" Hà Nội thẳng thắn, hồn hậu, tự nhiên... như người Hà Nội.
Khu tập thể nhà mình vẫn chen chúc, bí ri như ngày trước. Vẫn còn 2 cái bể nước to đùng hơn 40 năm (lớn tuổi hơn cả mình) nằm chình ình giữa sân mà không ai dám đập đi dù 2 cái bể này đã không còn giá trị sử dụng mà chỉ còn giá trị ... di tích của một thời bao cấp. Không ai dám đập đi, nói đúng hơn là không ai đứng ra để vận động đập nó đi bởi không biết sẽ có những rắc rối nào sẽ xảy ra sau đấy.  Giữa lòng Hà Nội tấc đất tấc kim cương, ai biết được việc đập cái bể nước ấy đi biết đâu sẽ làm phát sinh thêm ... mấy cái nhà nữa. Đây cũng chính là một tâm lý chung tồn tại như một thứ "kinh điển" đến mức khó hiểu, nhưng có lẽ đó cũng là một nét tính cách của Người Hà Nội (phố cổ) chăng?
Tất nhiên, mình sẽ chẳng tìm về Hà nội trong những đỏ xanh của đại lễ nghìn năm, nên sẽ lang thang tìm những vẻ lặng thầm khuất sau đó vậy. Hôm nọ đi qua con đường PHan Đình Phùng thấy lá rụng đầy vỉa hè, tiếc là không mang máy ảnh theo. Thôi,  còn mấy ngày nữa sẽ có những bức ảnh riêng về HN của mình.

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

THU MUỘN

Gửi thằng bạn "lưu vong"
Bài này tớ viết lâu rồi, tự nhiên hôm nay lục ra, thấy có vẻ hợp với ... hôm nay. Gửi cho cậu đọc chơi. Ê này, cảnh báo trước là đừng "tưởng bở" mà nhận lầm "anh, em" ở trong bài thơ ni nghe chửa?  
Thu muộn
Anh đến cùng em
chiều mưa quán vắng...
xao xác hơi may...
Bến sông triều dâng nước đầy
Xám bầm bầu trời sũng nước

Lặng lẽ mùa thu đến muộn
Thì thầm trên tóc em

Con gió nào gợi nỗi niềm riêng
Làn gió nào lùa khát khao hy vọng
Ta muốn để lòng mình chùng xuống
thả nỗi buồn trong gió…
thả nỗi khao khát trong mưa…
thả nỗi mong chờ …
vào bình minh ngày mới …

Mùa thu đến và đi rất vội
Chẳng đủ đầy một khoảnh khắc cùng nhau
Anh theo những chuyến bay về đâu
Em sang sông...
chuyến phà đầy chông chênh sóng nước
Ta đã biết mùa thu đến muộn
Nhưng chẳng thể chờ để đón mùa thu…
                                                          1998

Và đây là bài của cô bé đệ tử của tớ
Nhìn lại em

Chiều bất ngờ từ đó…
em soi mình qua gương
chợt già nua hằn rõ

hồn nhiên xưa đâu rồi
mỏng manh gầy trăm mối

nơi mẹ gieo hạt sương
là nụ cười em nhỏ
nơi tim về gieo ngỏ
là đôi mắt to tròn

ngày thơ ngây thon thon
tóc rẽ đôi thắt bím
trắng tinh như bông gòn
chiều tháng ba khoe gió

đêm bắt đầu từ đó…
em cuộn mình vào tim
tóc ngày xưa thắt bím
tự nhiên buông ướt mềm...

SINH NHẬT O40

Y mời sinh nhật nó vào buổi tối sau khi vừa làm xong đám giáp năm cho ông già. Mệt bã cả người nhưng cảm thấy thật thoải mái để đến cùng nó cho dù có một chút chạnh lòng, một chút bâng khuâng khi cùng một ngày mà mình lại chạm đến 2 cái kỷ niệm: 1 cái sống và một cái ...chết.  Nếu nói theo kiểu triết lý thì "cuộc đời là sống và chết luôn song hành. Chết không phải là không sống mà chính là một mặt khác của sự sống. "
Đám sinh nhật lẽ ra toàn lũ con gái nếu B. -kẻ "lưu vong" từ Ukraina trở về và "không mời tao cũng cứ đến" với một bó hoa hồng tươi và sau đó là mấy tên mày râu trong đó có cả chồng Y. cũng lục tục kéo tới. Thật ra sự có mặt của mấy tên này cũng có làm cho không khí SN hơi gượng gạo một chút (vì các chị đâu có thể tranh thủ lúc vắng chồng để kể tội chồng) nhưng cũng có thể nói là không đến nỗi nào.
Đến lúc L. mở bánh kem ra và đề nghị thắp nến, mới bắt đầu có nhiều ý kiến. Hà hà, nếu mà thắp hết cho đủ bốn mấy cây nến thì con Y. này có lẽ phải thổi đến ...sáng mai. Mà thắp làm gì nhiều thế, "lộ hàng" hết, chỉ thắp 4 cây dài (tượng trưng mỗi chục năm/cây) hay thắp 8 cây (tượng trưng mỗi 5 năm/cây) thôi, còn lại cứ để thiên hạ hiểu sao thì hiểu. Thế mấy cái năm lẻ thì sao? ờ thì bẻ ngắn nến đi. Hi hi ...
L. bảo " tao đi mua bánh SN, lúc đầu tính lấy chữ U nhưng mà chữ U thì lại phải thêm số 50 tao thấy "ốt dột" quá nên không lấy nữa. Cái bánh này toàn nụ hoa không, cũng đẹp đấy chứ". " Mày nói lại đi, tao thấy thế này, cái bánh thì đẹp nhưng mày bảo nụ hoa thì không đúng, tao thấy toàn hoa nở toè loe thế kia mà mày bảo nụ. he he" "ờ thì nở toè loe, nhưng cũng có tí nụ đấy chứ." "theo tao nếu lấy chữ U không được thì lấy chữ O. O là over cũng được chứ ". "thôi thôi mấy mẹ ơi, trên  40 tuổi còn có đứa mời sinh nhật rồi có đứa đến dự sinh nhật thế này là nhất rồi đó, lại còn đòi O với U"
Thế là cãi nhau, chí choé, vui vẻ tinh nghịch như ngày xưa. Các em gái mắt tròn mắt dẹt nhìn các anh chị già đang như "mới nhớn".
"Ê, B. !" mình ghé tai B. nói nhỏ " tao với mày kiếm chai rượu uống đi" Thằng bạn "lưu vong" như chỉ chờ có thế gật đầu ok liền. Tất nhiên là rượu vang, nhẹ nhàng, chếnh choáng đủ để nhìn thấy mọi người vui vẻ, trẻ trung và đẹp hơn cho một tuổi O 40.  
   Chúc mừng sinh nhật Y. chúc mừng sinh nhật của những đứa U 40, À quên U 50 chứ nhỉ. Ờ mà 40 hay 50 thì có quan trọng gì khi chúng ta luôn là chính mình và luôn có những đứa bằng mình ở bên để mà "mày tao" để mà chí choé ...                

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

CHUYỆN ĐỜI ĐƯỢC VÀ MẤT

Sưu tầm từ Blog Việt)

Bỏ lại sau lưng những xô bồ của cuộc sống, tìm giây phút thư giãn hiếm hoi cho tâm hồn… Đặt nhẹ nhàng cơ thể mệt rã sau một ngày rong ruổi… bỗng dưng ta xót xa chợt vấn lòng mình, tại sao ta không thể vui niềm vui của ngày trước?

Thời gian vốn chẳng biết chờ đợi, ta thấy già nhanh hơn cả sự tiến bộ đến chóng mặt của những công nghệ ngày càng hiện đại, nhưng đổi ngược lại ta được gì khi những phiền não cũng theo đó tỉ lệ thuận với nó….

Ta miệt mài, cố gắng để không bị cuộc sống bỏ rớt, nhưng hình như cuộc sống chẳng bao giờ biết đến sự cố gắng của ta hay thậm chí còn có lúc nó nhẫn tâm quay lưng vô tình đến khắc nghiệt.

Ta thấy nhiều hơn những tòa nhà cao ngất ngưởng thi nhau mọc lên…giống như những cánh tay của con người đang không ngừng vươn tới những chân trời mới… Nhưng, có ai đó đã kịp nhận ra rằng hình như lâu lắm rồi ta không còn biết đến vẻ tròn trĩnh của những ánh trăng đêm rằm căng đầy trong lành đến thuần khiết. Thèm một đêm yên bình, thèm một lần được làm thi sĩ uống ánh trăng…

Ta miệt mài đi tìm những ngả tri thức, có nhiều hơn những định luật được chứng minh, bảng danh sách những nhà khoa học ngày càng chồng chéo nhưng ta vẫn phải chép miệng khi phát hiện sao lại có nhiều những phán đoán sai lầm đến vậy?

Người ta có thể tìm ra lọai thuốc kéo dài sự sống cho con người ngay cả khi họ đang chơi với đứng bên bờ vực thẳm của cái chết cận kề….Y học mang lại nhiều hơn niềm tin vào cuộc sống, đổi lại cho đến một ngày bỗng dưng ta bắt gặp những ánh mắt nheo nhúm, những cái chép miệng vội vàng, những cái lắc đầu thất vọng… những chiếc khăn tang màu trắng… những giọt nước mắt li biệt…
 
 
Ảnh minh họa: vi.sualize

Ta nắm bắt cơ hội và biến nó thành những khoản lợi nhuận khổng lồ, có không ít những ánh mắt ngưỡng mộ soi vào ta không ít những lời ca tụng, hay cả những xu nịnh làm ta thấy lạnh buốt cả xương sống đứng trên bục vinh quang, hai tay vỗ ngực. Ta tưởng tượng mình giống như một con kinh kông đang ăn mừng chiến thắng… nhưng những giá trị nhân sinh đích thực lại chẳng khác nào mũi tên đâm vào ngực làm ta chảy máu… Vậy rốt cuộc có phải ta đang đau cùng chiến thắng…

Con người bắt đầu biết dùng nhiều hơn một thứ ngôn ngữ để thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu giao tiếp…những nền văn hóa cũng từ đó có thể tìm đến nhau, giao lưu, hòa nhập tạo nên một cộng đồng phong phú với đầy đủ những sắc màu thế giới sinh động hơn, rộng mở hơn, thông thoáng hơn. Nhưng cái gọi là tình yêu lại trở nên nhỏ bé và lọt thỏm trước sự rộng lớn bao la ấy và thay vào đó là sự dè chừng, đề phòng lẫn nhau, sự chân thành không còn không gian để sinh sôi nảy nở và những nghi ngờ được thể phát sinh. Ta có thể tin vào ai khi ngay cả bản thân mình ta còn thấy những mâu thuẫn ngày càng dày hơn.

Những cái đầu siêu phàm chụm lại, những niềm đam mê khoa học được quy tụ loài người có thể dễ dàng chạm tới mặt trăng, một miền đất mới đầy hứa hẹn. Ta mơ nhiều hơn những giấc mơ ngọt ngào, thoảng nghe bên tai giọng hát ai đó cất lên “Đường vào tim ai ôi băng giá” chợt thấy xót xa khi cái khôn cùng ta cũng có thể chinh phục được mà gõ cửa lòng người sao mà khó khăn đến vậy? Ai biết sự nhỏ bé của trái tim lại mênh mang khó nắm bắt? Những yêu thương thật mong manh dễ vỡ? Một khoảng trống đối lập biết khi nào có thể khỏa lấp được?

Có không ít những cái cười báng nhạo khi thấy ai đó vẫn miệt mài đi tìm “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” mà chẳng thể hay nói đúng hơn là chẳng bao giờ hiểu cuộc hành trình ấy mang tên “cuộc hành trình hạnh phúc” – một hành trình có không ít những giọt nước mắt, không ít những khổ đau… và thậm chí có cả những sự đánh đổi…

Ta chiến đấu, đổ máu để đổi lấy sự tự do, sư hi sinh sẽ luôn còn nguyên vẹn với thời gian như những những mốc son để nhớ về một thời hùng tráng, như những khúc tình ca còn vang vọng mãi trong trái tim những con người yêu hòa bình…

Ta vùng vẫy trong khoảng không bao la của chính mình nhưng ai biết được đâu đó vẫn có những tâm hồn vẫn khát khao lắm những khoảng lặng siêu thoát, những giây phút phóng túng… Hãy biết san sẻ những yêu thương để cuộc sống này có thêm nhiều hơn những yên bình cho nhân loại…

Ta biết đến nhiều hơn những cao lương mỹ vị khi cuộc sống bắt đầu nhận thức rõ được tầm quan trọng của sự hưởng thụ, hàng loạt những thực phẩm mới ra đời để đáp ứng những nhu cầu khôn cùng của con người nhưng rồi cũng từ đó kéo theo nhiều hơn những sự hoang mang khi mà cái gọi là chất lượng chưa được những nhà sản xuất thực sự coi trọng.

Thay vì những chồng sách cao hơn cả đầu người, tri thức được gói gọn nhẹ hơn trên những bàn phím, thay vì cặm cụi lật tìm trên dãy dài mục lục ta chỉ cần gõ những chữ cái đầu, một loạt dây chuyền hiện đại, ta có thể ngốn hàng giờ ngồi trước màn hình vi tính thay vì ngâm nghi những trang sách hay những chén trà đặc và giây phút sôi nổi luận bàn văn thơ thật thi vị.

Thời đại tự do hôn nhân, con người thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được giải phóng khỏi cái thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, tình yêu có nhiều những cơ hội tìm đến với nhau và những yêu thương đong đầy hơn nhưng ai biết được rằng những chồng đơn li hôn ngày càng dày hơn người ta ngày càng thấy dễ dàng hơn khi nói đến hai từ “li dị” để rồi trách nhiệm với tình yêu không còn là cái gì cao cả nữa…

Đối thủ lớn nhất của con người là chính mình, khi ta thấy những đấu tranh trong con người mình ngày càng nhiều hơn thì cũng có nghĩa ta đang cố gắng để hoàn thiện mình, để những giá trị nhân sinh trở nên thiêng liêng cao đẹp hơn với đúng vị thế của nó và tất nhiên thế giới này sẽ trở nên vô cùng tươi đẹp.
 
Ảnh minh họa: vi.sualize

Vậy tại sao chúng ta không…

Giục trái tim biết yêu thương nhiều hơn những hận thù mù quáng…

Giục lòng mình biết xót xa hơn trước những mảnh đời ngang trái…

Và biết nói nhiều hơn những lời ngọt ngào để những tâm hồn xích lại gần nhau hơn.

Dặn bàn tay biết nâng đỡ những sự yếu ớt của cuộc đời để hơi ấm có thể có cơ hội tìm đến với biết bao những giá lạnh ngoài kia….

Dặn đôi mắt biết hướng về phía những chân trời của cái thiện

Hãy biết tích góp những giá trị đạo đức của cuộc đời thay vì để mình cuốn theo những nghiệt ngã vô thường…

Thêm một chút dằn lòng để những cố ý không còn có cơ hội làm ai đó tổn thương…

Thêm một chút khoan dung thay vì những trách móc để những sai lầm còn biết tìm đến với con đường sửa chữa…

Thêm một chút sẻ chia, một chút kiên nhẫn để lắng nghe những tâm sự của đồng loại thêm một bàn tay trợ giúp để hàng nghìn những khó khăn nhỏ bé hơn…

Thêm một ánh mắt đong đầy những ấm áp, bớt đi một chút những cái lạnh nhạt không cần thiết để cuộc sống này chẳng còn biết đến sự sợ hãi trước cơn gió mùa bất chợt…

Thêm một chút dũng cảm trước những thử thách, bớt một chút những cái chau mày để con đường phía trước san vợi những chông gai…

Thêm một chút thời gian để lắng nghe những bất an của cõi lòng, đừng vội vàng đốt thêm những ngọn lửa ưu phiền thay vì hãy thêm một chút lí trí xem như mọi chuyện có thể giải quyết…
 
Ảnh minh họa: vi.sualize

Khi người khác lên tiếng, hãy biết tập trung hai tai, con tim và khối óc… để những tích cực xua đi những hiểu lầm không đáng có.

Đừng vội vàng để mình cuốn theo những tiếng vỗ tay, những tiếng cười tán thưởng, hãy biết để những niềm vui ngấm dần… khi đó những tự kiêu sẽ tự khắc rút lui….

Sự phân tích suy ngẫm rất cần cho những lời phê bình, đừng vội vàng cắt ngang bằng những quan điểm chưa chín…để không còn những tự ái không đâu…

Biết tìm ra những mâu thuẫn trong con người mình cũng đồng nghĩa với chiến thắng đang ở rất gần ta.
Biết nghiêm hơn với mình và độ lượng với người.

Thêm một chút tự tin, bớt một chút tự ti, học cách biết tự trọng nhưng hãy khoan để cái tôi kiểm soát bản thân mình.

Thêm một chút cần cù đẩy cao hơn vị thế của những ý chí phấn đấu không ngừng… đừng để những ỷ lại lấn áp biến ta thành kẻ thừa trong xã hội…

Đừng để lòng tham trong tích tắc lên ngôi và rồi ta lại một lần phải rơi những giọt nước mắt …khi ấy sẽ chẳng có sự thông cảm hay xót thương nào ngoài những cái lắc đầu chán ngán…

Hãy biết yêu những sự mộc mạc, chân chất bởi chỉ có ở đó ta mới tìm thấy sự chân thành trong cuộc sống… những biểu hiện bên ngoài đôi khi làm ta choáng váng nhưng chẳng bao giờ nó có được những sự sâu xa cần thiết… thậm chí nó còn khiến ta lầm đường lạc lối hay biến thành con người hoàn toàn khác…

Hãy biết chăm sóc hơn đến bản thân mình…biết cười nhiều hơn để những phiền muộn tiêu tan

Trong khó khăn hãy biết nhiều hơn đến những nghị lực cần thiết, đừng vội vàng lùi bước, đừng vội vàng để ý chí lại phía sau….

Cuộc sống bớt đi một chút những nhọc nhằn… thêm nhiều hơn những hạnh phúc

Bớt đi nhiều hơn những hoài nghi để những cảm thông tìm đến với những cảm thông….

Bớt đi những lo âu muộn phiền để những niềm vui được thay thế….

Đừng để những buồn bực khiến những nếp nhăn làm bớt đi sự tươi trẻ yêu đời trên khuôn mặt đáng yêu… hãy để những niềm vui còn mãi với sự trẻ trung yêu đời… để ta biết rằng cuộc sống này đáng sống biết nhường nào…

Cuộc sống có muôn vàn những cung bậc mỗi trái tim sẽ góp phần làm nên những âm thanh trầm bổng… Hãy mở lòng mình để tâm hồn hứng lấy những yêu thương và sẻ chia… sẽ có vô vàn những bản nhạc, những vũ khúc cất lên và mang đến những ngọt ngào đong đầy…

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

VU LAN NHỚ CHA

Vẫn biết ngày rằm tháng 7 là ngày Vu lan, ngày xá tội vong nhân, ngày mà những người mất mẹ sẽ đến chùa với một bông hoa trắng trên ngực, ngày mà những bài hát sẽ là những giai điệu êm đềm mang nỗi niềm hoài niệm sâu sắc "mẹ là... như gió như mây bay qua đời con ..."
Nhưng mình lại mất ba chứ không mất mẹ...
Chị bán cà phê buổi sáng ngày 13 nhắc ..."mai cô về làm mâm cơm cúng cho cụ, mua cho ông bộ quần áo mới...". Buổi chiều, cô em chồng bảo: "em đã đặt mâm cơm chay và mua đồ cúng cho ba (chồng) trưa nay rồi, anh chị về thắp hương hoá vàng cho ba nhé" ...Buổi tối chồng bảo: "em xem thế nào làm cho ông ngoại mâm cơm cúng. chứ ai người ta cũng làm, mình không làm họ nói"
Lòng chợt thấy rưng rưng muốn khóc...
Sinh thời, ba không ưa chuyện bày vẽ, cúng kính. Càng kỵ nhất là chuyện đốt tiền giấy vàng mã. Ông bảo: "trẻ con không có sách vở mà học, mắc mớ chi mà đem đốt bao nhiêu giấy uổng rứa. Mà cái thứ đó nó có sạch sẽ gì đâu. Mấy bà bán hàng cũng đặt dưới sạp rồi ngồi lên mà mắc chi mình đem đặt lên bàn thờ ông bà mình."
Lại nhớ Đông ki rét viết: "Mua hoa về cúng Phật, người cho là quá sang. Không mua hoa cúng Phật. Ta thành kẻ hoang đàn. Vậy mua hoa cúng Phật. Hay cúng miệng thế gian ?".
Nực cười chuyện nhiều người. Nói ra thì bảo là kẻ vô đạo, báng bổ nhưng đôi lúc lại chẳng hiểu nổi sự đời. Có cô nọ có tiếng là lừa đảo, cơ quan phải cho nghỉ việc (nói trắng ra là đuổi việc), nhưng vô cùng thành kính ăn chay niệm Phật, rằm nào cũng mua bó hoa to đùng, cả đống hoa quả về để bàn thờ trên bàn thờ dưới. Bà chị mình cũng thế, sống chả ra sao, nhưng có đến mấy bàn thờ to đùng, hương khói suốt ngày. Nhưng thôi, cô ấy mê tín, làm ăn tự do, chả ai trách gì, biết đâu đấy lại là một kiểu ...câu khách, nhử mồi. Chán nhất là có những người có đến 50 năm, 60 năm tuổi Đảng, cả đời không bước chân đến cửa chùa, mỉa mai hơn nữa là khi sống toàn làm chuyện ác đức, đến khi chết, người ta lại đặt trước ảnh thờ một bức tượng Phật rồi buộc lòng những người đến viếng phải lạy cả hai. Khi thắc mắc người ta giải thích: để cho ấm cúng, hoặc ai cũng làm thì mình làm theo thôi chớ không người ta nói.      
Thế mới biết ở đời, người ta cúng miệng thế gian hơi bị nhiều. Như thể người ta nói dối quá nhiều đến lúc chính bản thân họ lại cũng tưởng những điều nói dối ấy là thật.
Mình biết ba mình không thế. Ông là người cương trực, nhân hậu, ghét thói phù phiếm, rẻ tiền, nói gì, làm gì phải đúng mục đích, đúng bản chất vấn đề, tác phong quân sự, một là một, hai là hai. Ông sẵn sàng chấp nhận sự thật, dù sự thật ấy có khi trái với tính cách, nếp sống của ông. Ví dụ, ông rất ghét việc con trai mà để tóc dài. Con cháu ông bao giờ cũng ca rê 3 phân. Thế nhưng ông phải gật gù, cười vang, chấp nhận khi nghe ông anh họ mình phân trần "cậu bảo, cháu đi buôn trên tàu, luôn gặp bọn cô hồn lưu manh, cháu mà để tóc 3 phân như cậu thì làm sao làm ăn được?"
Với ba mình, mình tự tin cho rằng bây giờ, cho dù có làm cơm cúng hay không làm, có lên chùa hay không lên chùa, có cài hoa trắng hay không ... thì cũng chằng vì thế mà mình không thương ông nhớ ông. Chỉ thế thôi, và mình cũng không sợ rằng nếu thiếu mâm cơm cúng, thế gian sẽ bảo mình là đứa con bất hiếu.
Nói vậy nhưng ngày qua lên mộ ông, vẫn mua ít giấy tiền để thắp hương. Tất nhiên phải khấn " con biết ba không ưa chuyện giấy tiền vàng bạc, con cũng không sợ thiên hạ nói nọ, nói kia, nhưng con sợ ở dưới đó ba thiếu thốn thì lòng con không yên. Thôi thì con cứ đốt cho ba ít tiền, ba cần thì tiêu, không thì cho người khác để lòng con thanh thản bớt.  
 Mình biết ba hiểu con gái nhất.

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

TRƯỚC SÀI GÒN

Từ khi tốt nghiệp đại học, xa Sài Gòn đến nay đã hơn 20 năm, có vài lần đi công tác tại thành phố này. Mỗi lần đến SG mình luôn mang cái cảm giác của con bé nhà quê tỉnh lẻ, không khác gì cái ngày đầu tiên vào Sài Gòn đi học. Mình bị ngợp bởi những căn nhà chọc trời, bởi những dòng tàu xe cứ lao đi vun vút, bởi tiếng ồn ào náo nhiệt mãi đến 2, 3 giờ  sáng…Sau này thì đỡ hơn nhưng Sài Gòn luôn khiến mình cảm thấy bớt đi sự tự tin vốn có, thay vào đó là sự cô đơn, bé nhỏ, hèn kém đến… tội nghiệp   
          Cách nay khoảng hơn 10 năm, khi mới cưới, có lần mình đã hỏi ông xã : “có khi nào anh nghĩ chúng ta sẽ rời ĐN để vào Sài Gòn sống không?”. Lẽ tất nhiên, anh từ chối, nhưng sự từ chối của anh lúc ấy bao hàm nhiều ý nghĩa, bởi anh biết,  SG với mình không chỉ có sự khao khát lợi lộc và công danh.
          Tuần rồi mới đi SG thi đấu giao lưu. Buổi tối thứ Bảy đứng chờ bạn ngay góc ngã tư Võ Văn Tần –Pasteur mình mới có dịp ngắm và cảm nhận một cách bình thản. SG đêm cuối tuần cũng vẫn những dòng xe lao vun vút, cũng những tiếng lao xao, náo nhiệt của cuộc sống thường trực nhưng lạ là mình không còn cảm thấy lạ lẫm và kém cỏi chút nào. Trái lại, đứng một lúc lại nghĩ tội nghiệp…cho người Sài Gòn khi hàng ngày, hàng giờ bị “tra tấn” bởi những thanh âm ầm ĩ, rồi lụt lội, rồi khói bụi, rồi lô cốt …
          Đến nhà bạn, ngồi nói chuyện với hai ông bà già lại buồn cười khi hai cụ cứ nghĩ Đà Nẵng mình như cái tỉnh nhà quê, “chân đất mắt toét”. Say sưa, mình mới tranh thủ “quảng bá” cho các cụ, cũng là cho hai vợ chồng chúng nó về Đà Nẵng. Cũng đáng nói lắm chứ, Đà Nẵng mình không có các “đặc sản” như kẹt xe, lụt lội, bụi bặm, ô nhiễm như ở Sài Gòn. Đà Nẵng mình có biển xanh, cát trắng, những con đường sạch sẽ thoáng mát, thoải mái vô tư mà sống. Gặp lại tui bạn gái, ngồi uống cà phê lại đem chuyện Đà Nẵng ra kể, thành phố tao thế này, thành phố tao thế kia (bây giờ nói lại thì thấy buồn cười nhưng hồi ấy say sưa lắm). Lẽ dĩ nhiên là tụi bạn rất là ngưỡng mộ (thông qua ánh mắt chúng nó) và kết luận: Mày là đứa sướng nhất!  và mình bồi thêm: chúng mày là những đứa khổ nhất! (Đấy là chưa cần nói đến việc chúng nó dù đã ở SG 20 năm nhưng hình như cũng vẫn còn mang mặc cảm là những người tỉnh lẻ)   
Chưa bao giờ trước Sài Gòn mình tự tin đến thế, hãnh diện đến thế. Nhưng về nhà nghĩ lại, nếu mình đang ở độ tuổi 20-30, nếu mình đang chưa hề có gì ngoài bằng cấp và đang khao khát kiếm tiền, hoặc đang cần có một chút công danh, sự nghiệp, hoặc giả như (nói một cách rất Bôn sê vích) là đang “khát khao đem cái tri thức của mình ra mà cống hiến cho đất nước…” thì khi ấy mình có chọn SG là chốn đi về không?
Có ai biết mình đã từng chọn Sài Gòn nhưng cũng chính mình lại rời bỏ nó vì một lý do riêng tư, đứng ngoài tất cả những cái “hoặc là” … trên đây. Dù sao hồi đó và bây giờ, Sài gòn chưa bao giờ là của mình và mình đã làm cái điều mình muốn để bây giờ không có gì phải hối tiếc.    
Có tiếc là tiếc cho một người bây giờ không được cùng mình dạo chân trần trên bãi biển Đà Nẵng, nghe sóng vỗ về đêm…

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

CHUYỆN CON MÈO


Sau một thời gian ăn chơi sa đọa, con mèo đã trở thành ... con voi

Để lấy lại vóc dáng, Mèo quyết tâm nghiên cứu các bí kíp làm đẹp

Gồng mình chịu đau...

Ra sức làm đẹp bằng mọi chiêu

Cũng như cố gắng tỏ ra lãng mạn (điều mà trước đây chưa hề có)

Sau một thời gian, kết quả ...voi vẫn... hoàn voi

Tức khí, Mèo trở lại vẻ hiếu chiến thuở nào và sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết các mối hận thù...

Và làm tất cả những gì nó muốn, cho dù điều đó là rất ngớ ngẩn...

cho dù điều đó có thể khiến nó trở nên kinh dị
Nhưng có 1 điều nó biết chắc...

Trong mắt bạn bè, nó luôn là một con mèo quậy phá nhưng đáng yêu 

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN

Cơ quan có mấy người được công nhận là công chức tiêu biểu, điển hình tiên tiến. Ai công nhận? dựa trên cơ sở nào để công nhận? Ai phản đối? dưa trên cái gì để phản đối?,  cái đấy có vẻ thuộc phạm trù …”trừu tượng” nên chả ai bày tỏ quan điểm rõ ràng công khai gì, cứ có giấy triệu tập của lãnh đạo rằng ngày ấy,  giờ ấy… đến dự Hội nghị điển hình tiên tiến thì đi đến đúng giờ để ngồi hội trường máy lạnh, để …đọc báo và buôn dưa lê.... Nói tóm lại anh A, chị B là những điển hình tiên tiến như thế nào, cần phải học tập ở họ cái gì, họ có xứng đáng không, có còn ai xứng đáng hơn họ không …hình như chả được ai quan tâm. Ôi dào, thời buổi bây giờ còn bao nhiêu là chuyện đáng lo, hơi đâu mà quan tâm những chuyện của thiên hạ. Với lại bao nhiêu điển hình, là “người đương thời” hẳn hoi mà còn bị te  tua xơ xác mướp nữa là mấy cái “điển hình phọt phẹt” cấp …cơ quan. Ai cũng hiểu nên chả có đứa ngu nào ganh tị rằng anh ấy (chị ấy) được mà sao tui không được. Có người tỏ ra khôn ngoan, hiểu đời thì bảo, mình thế nào cứ thế nấy, không việc gì mà phải đưa lên cho người ta “nâng lên với đặt xuống”, vặn vẹo đủ thứ mà chắc gì những người nâng lên hạ xuống ấy lại hơn mình, rồi lại phải viết báo cáo báo chồn, nặn óc để kể ra vô khối thứ gọi là thành tích với những lời lẽ rập khuôn nghe hoài phát chán …     
Những cái trên đây chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn rắc rối hơn sẽ sớm đến với những điển hình tiêu biểu này. Bởi vì thà không là “tiêu biểu” thì không sao nhưng đã lỡ mà dính vào 2 chữ “tiêu biểu” thì anh sẽ trở thành mục tiêu đàm tiếu của đủ thứ miệng lưỡi thế gian; từ giờ trở đi anh sẽ bị “dội bom” từ hàng núi công việc mà cái chữ “tiêu biểu” không cho phép anh thoái thác;  là từ giờ trở đi anh đừng hòng  có được những phút giây thư giãn để nhâm nhi cùng bạn bè  tách cà phê sáng nên đến cơ quan chậm hơn vài phút đồng hồ; là anh sẽ đừng hòng dám bộc lộ cái cảm xúc tức giận của anh mỗi khi bị đám ranh con sai phái hoặc các sếp la mắng cho cái lỗi có khi không là của mình; là anh sẽ không có dịp hoặc không thể thanh minh, thanh nga gì với ai về những điều mà thiên hạ đồn thổi về mình đôi khi rất vô lý…; từ giờ trở đi anh phải học cách để tránh mẫn cảm với những ánh mắt và cái nhìn soi mói, những câu nói đầy hàm ý,     
Nói cho cùng, chỉ tội nghiệp cho những “điển hình tiêu biểu”. Mà có khi chính họ cũng biết và đâu muốn trở thành tiêu biểu để phải nghiến răng chịu đựng những điều do cái tiêu biểu ấy đem lại. Lợi lộc đâu chả thấy… 
Quả thật, công bằng mà nói, so với mình thì anh A, chị B tiêu biểu ấy xứng đáng gấp 10 lần.
Nhưng mà tội nghiệp…
Bởi vạy, dù có gặp ác mộng đi nữa nhưng chưa bao giờ mình dám nghĩ sẽ được là ... "tiêu biểu"

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

NHÂN CÁCH NGƯỜI ĐIÊN

Hình như sáng nào cũng thấy hắn. Hắn lang thang đi từ phía sông Hàn xuôi xuống đường Lê Duẩn. Hắn, tóc dài, quần áo cũ kỹ nhưng sạch và không rách rưới.  Dáng đi nhanh, nhưng không có cái vẻ tất tưởi vội vã, cũng chẳng như người nhàn tản hay người đi bộ tập thể dụng mỗi sáng. Hắn bước đi, mắt không nhìn ai, không cúi mặt, cũng chẳng ngẩng đầu. Mặt hắn góc cạnh, sống mũi cao, nếu nước da không quá đen đủi thì có thể coi không đến nỗi nào, thậm chí hơn khối anh trung niên thời nay.  
Thật ra không mấy khó khăn lắm để nhận ra hắn là một người bị bệnh tâm thần. Một lần, lúc đang chờ đón Bống tan học, mình thấy hắn ngồi trên vỉa hè chỉ chỏ ngón tay như đang viết gì đó vào không trung. Thấy mình nhìn chăm chú, Cô bán bánh tráng nướng vỉa hè chép miệng: "thằng ấy tội lắm. Đi bộ đội về rồi không biết sao mà bị điên. Điên rứa chớ nhưng không có quậy ai hết. Sáng nào nó cũng lại chỗ con chị nó bán cà phê trước bệnh viện lấy 5000 đồng  ăn sáng rồi đi cả ngày, tối mới về"
Hôm nọ đi ăn sáng với Bống thì thấy hắn cũng ngồi ăn bún bàn bên cạnh. Hắn ăn uống từ tốn, bình thản như tất cả những người bình thường khác. Ăn xong, hắn đi lại chỗ bà bán hàng đưa ra 5000 đồng để trả. Bà bán hàng nói:
- Thôi hôm nay không phải trả tiền đâu. Mày cầm lấy đi. Hồi nãy có ông khách ổng trả luôn cho mày rồi.
Hắn cau mày, trợn mắt (lúc ấy thấy hắn cũng hơi dữ dằn) và ...nạt bà bán bún:
- Ai trả? mắc chi bà để họ trả cho tui. Tui có quen biết chi họ mà họ trả cho tui?. Tui ăn tui trả tiền chớ tui không có đi xin của ai hết.
Nói xong, hắn ném 5000 đồng tiền xu vào cái bát trước mặt bà bán hàng rồi quay đi, vẻ mặt hầm hầm...
Bà bán bún cười nói như phân bua:
- Cái thằng ni kỳ thiệt, điên điên khùng khùng vậy chớ sòng phằng dễ sợ. Không bao giờ nó nhận của ai cái gì. Tội thiệt...
 Sáng nào gặp hắn lại cũng nhớ chuyện ở quán bún. Ờ, chỉ có thằng điên mới không nhận đồ người ta cho. Chớ người thường thì người ta không cho phải làm sao gợi ý này nọ để họ cho, người ta cho ít thì chảnh chọt đòi hỏi cho nhiều hơn. Có tí tiền là sẵn sàng bán rẻ đi nhân cách.
Đôi lúc thấy cái anh chàng điên kia lại giàu nhân cách hơn cả. vì vậy không dám gọi hắn là thằng điên mà gọi là "người điên" . Có thể hắn điên mà hắn "người" hơn rất nhiều người không điên. Kể cả mình     

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

GỬI BẠN LÀ THƯ KÝ ĐOÀN ĐB QUỐC HỘI

Tớ biết cậu là thư ký đoàn Đại biểu Quốc hội của một thành phố trực thuộc trung ương nghe rất chi là oai, nhưng trong chuyện mà tớ sắp nói với cậu sau đây thì tớ mong cậu vui lòng tự nhận là hạng điếu đóm, ăn theo nói leo mấy ông bà là Đại biểu QH của cái xứ sở xa lắc xa lơ nơi miệt vườn, quen ăn trái cây, uống nước sông Hậu.
Nói vậy vì nếu làm chân điếu đóm, ăn theo nói leo, là cái anh nhà quê chân đất mắt toét, thì cậu và cả những đại biểu QH của cậu đỡ phải chịu “cái trách nhiệm” nặng nề trước chúng tớ (với tư cách là 1 phần của những người đóng thuế nuôi các cậu)  khi lỡ quyết định đồng ý cho những vấn đề như mở rộng Hà Nội, trục Thăng Long và dĩ nhiên là cả cái dự án đường sắt cao tốc đang gây sốt mấy ngày nay.
Nếu là đứa điếu đóm, nhà quê (nói nhanh cho nó vuông) thì cậu cũng đỡ phải ra công nghiên cứu để tham mưu cho các ĐBQH của cậu về vấn để chỉ số IQ liên quan thế nào đến đường sắt cao tốc, về chỉ số GDP và những món nợ nước ngoài mà sau này đến đời con cháu nội ngoại của chúng mình chưa chắc đã trả nổi để cho một dự án mà sau này hình như chỉ để cho mấy đứa ăn lương nhà nước (được đóng thuế từ chúng tớ) như cậu đi họp Hà Nội rồi tranh thủ chuồn về cuối tuần với vợ con cho nó nhanh.
Nếu tự xưng “em là dân nhà quê” thì cậu (và các ông bà Quốc hội của cậu) sẽ dễ dàng vượt qua những lời chỉ trích nặng nề từ bà con cử tri mà trước tiên là chúng tớ, những đứa bạn vốn biết cậu từ hồi ở truồng tắm tập thể.
Nếu cứ tự nhận như rứa thì nếu cậu tham mưu cho mấy ông bà Quốc hội của cậu nhấn nút NO với mấy dự án tào lao nêu trên thì cũng không bị mất lòng mấy thủ trưởng Chính phủ, Bộ ngành đang ra sức kỳ kèo cho dự án “trên trời” của họ được thông qua trong khi dân chúng đang đánh giá nó chả khác nào cái cảnh dân mình đang đu dây cáp qua sông Pôkô.
Cái này viết mấy bữa nay rồi, chỉ chờ khi Quốc hội nhấn nút với đa số phiếu YES cho dự án tàu cao tốc là “chửi” ngay thằng bạn khoá mình. May quá, tàu cao tốc bị phanh kịp thời, nhưng cũng post lên cho cậu coi đó mà rút kinh nghiệm, lần sau có dự án nào đưa ra thì biết đường tham mưu cho “chuẩn” để khỏi bị “chỉnh” nghe chửa.
Cậu hiểu cho rằng tớ viết những điều này trên tinh thần vô cùng quí mến cậu đấy dù cậu chỉ là tên “điếu đóm” mà thôi bởi vậy nên khoá mình cũng có Đại biểu Quốc hội đó nhưng không nhắn nhủ, cũng không chỉ trích gì . Vì sao thì chắc “điếu đóm” cũng hiểu      

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

ĐI KÉO GHẾ

Sinh nhật mẹ Bống. Mẹ rủ Bống và bà: “Hôm nay cả nhà mình đừng ăn cơm nhà nữa mà đi kéo ghế đi”. Bống ngơ ngác hỏi: “đi kéo ghế là gì hả mẹ?”   
Bà không đi, hai mẹ con rủ nhau đi ăn phở. Mẹ ngồi ăn và kể cho Bống về chuyện đi kéo ghế.
Hồi còn ở Hà Nội, khoảng đầu những năm 70 thế kỷ trước, (khi ấy mẹ chừng 5,6 tuổi) chiến tranh ác liệt lắm, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng ông bà vẫn có lệ, hễ đến sinh nhật của một người trong gia đình là cả nhà lại rủ nhau “đi kéo ghế”. Đi kéo ghế là cách nói vui của ông bà để chỉ việc cùng nhau đi đến cửa hàng ăn uống mậu dịch để ăn phở.  Mẹ nhớ hồi ấy, ở ngay góc ngã tư gần chợ Hàng Da, Hà Nội có một cửa hàng ăn uống. Thời bao cấp, lại chiến tranh, ở nhà chả mấy khi được ăn thịt, cá nên mỗi khi được “đi kéo ghế” là mừng lắm, ăn cái gì cũng ngon. Kể lại hơi buồn cười, chứ hồi ấy tiếng là đi ăn phở cửa hàng nhưng bao giờ bà ngoại cũng mang theo một cặp lồng đựng …cơm nguội để tận dụng cái nước phở còn thừa sau khi đã ăn hết bánh phở và thịt. Mẹ nhớ như in cái cảm giác vui sướng háo hức khi thấy bà ngoại bê bát phở nóng hổi nghi ngút khói từ trong quầy hàng ra. Mẹ sung sướng, mắt sáng lên khi nhìn vào cái váng mỡ vàng vàng trên bát phở, rồi lại nhắm mắt hít hà cái mùi thịt quyện với mùi hoa hồi thảo quả thơm lừng. Thấy mẹ ăn ngon lành, ông bà ngoại sẻ thêm phở vào bát cho mẹ, chỉ chừa chút nước để ăn với cơm nguội mang theo.
Bát phở hôm nay ăn cùng với Bống, nghĩ lại chuyện xưa vừa ăn vừa buồn, thấy nước phở sao mà đăng đắng. Từ khi rời Hà Nội vào Đà Nẵng, cả nhà không còn cái lệ “đi kéo ghế” như trước, cũng không ai nhắc đến 3 chữ “đi kéo ghế” để gợi nhớ lại chuyện xưa.     

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

SÂU

Mặc dù có vẻ ngoài và tính cách mạnh mẽ như đàn ông nhưng  mình chúa sợ một thứ. Đó là ....sâu. Eo ôi, những con sâu xanh lè to bằng ngón chân cái, dương đôi mắt tròn như hạt đậu đen...nghĩ mà phát kinh. Nhưng kinh nhất phải kể đến là sâu róm. mới nghĩ đến đã nổi da gà... tởm quá. Rồi có một thứ cũng là sâu, nhưng nó là sự pha trộn giữa sâu xanh to to và sâu róm. Co này gọi là con nái. Con nái này ai vô phúc đụng vào thì ngứa lắm. Nái thường làm tổ trên cây dừa, mình xanh lè, lông xanh lè... 
Ấy vậy mà có lần mình thấy ông bố của con bạn trèo lên cây dừa bắt nái. Lâu lâu, ông lại ném xuống đất một con cho thằng cu con dùng dép đập bẹp bẹp. Mình ngạc nhiên hỏi sao bá không sợ ngứa à. Ông già cười khà khà bảo. cái giống này nếu bu vào người, vào lớp da bên ngoài thì ngứa lắm nhưng nếu dùng tay bắt,  cái lớp da bên trong lòng bàn tay thì không sao cả.
Ái chà. Hay thật đấy. Cái lòng bàn tay con người lại là cái vũ khí lợi hại nhất để chế ngự cái giống vật kinh tởm và quái dị kia. Hay thật nhưng chả bao giờ dám dùng để bắt sâu cả.
Lớn lên đi làm mới hay. Sâu bọ nhung nhúc, chả thấy ai bắt, hay chả ai biết dùng lòng bànn tay để bắt hoặc như mình biết dùng lòng bàn tay để bắt nhưng lại ... kinh quá nên không dám bắt.         
   

CHỌN GIÀY, GIỮ GIÀY

Đang làm việc rất chăm chú, mà khi làm việc chăm chú thì chân thường để …lên ghế. Đến khi, có khách, phải thò chân xuống mang giày vào thì mới không thấy giày đâu. Nhìn quanh thấy đôi giày nào lạ lạ, mới mới, chợt nhớ sực ra mình mới mua nó ngày hôm qua.
Bao lâu nay mình ít khi quan tâm đến chuyện quần áo, giày dép lại càng không để ý. Hầu hết quần áo, giày dép đều được bà chị ngoài Hà Nội trang bị cho sau khi bả đã …thải ra. Hãn hữu lắm, chỉ khi bị rách giày mà bà chị chưa kịp gửi vào thì mới đành phải đi mua cái khác. May mà  không bị “khiêm tốn chiều cao” nên đỡ phải đi mấy đôi giày cao gót  chớ đi vào là … chết liền. Mình cũng không có tính giữ gìn bởi đơn giản cứ nghĩ “nó là cái phục vụ cho mình. Chăm chút, giữ gìn quá đâm ra thành mình đi phục vụ nó” . Thế nên, bà chị và bà già cứ ca cẩm mình mặc quần áo và đi giày dép như …phá. Đôi giày vừa rồi chị cho chắc loại tốt nên đi cũng hơi lâu lâu (vài tháng) đến nay đã rộng và bị trầy xước, bong tróc xấu xí hẳn. Mấy cha cơ quan nhìn thấy kiếm cớ chê lên chê xuống. Mình cười cười và nghĩ bụng: “Thì chả có gì chê nên chê cái chuyện giày dép chớ chi. Cho chê thoải mái luôn”.
Mình bị chê chuyện ăn mặc, giày dép thì cũng là chuyện thường. Chê hoài, chê hoài rồi người ta cũng …chán. Nhưng nói đến chuyện này lại nhớ đến ngày xưa mình mượn chuyện giày dép để phê bình “thẳng cẳng” một ông bạn lớn tuổi khiến ông này nhớ mãi.
Hồi đại học, lão tổ trưởng tổ mình vốn là một anh chàng nhà quê, chân chỉ hạt bột. Anh học hành cũng khá, lại chăm chỉ “điều nghiên” nên được anh em tín nhiệm, sau có lần được bầu thành lớp trưởng  Riêng mình thấy anh chỉn chu một cách thái quá khiến một đứa thích thoải mái như mình đôi khi khó chịu vì cái cách anh cứ hay ý kiến phê bình xét na xét nét, rồi có lúc lại khen lấy khen để làm mình phát ngượng. Thế rồi năm cuối, chả hiểu ma xui quỉ khiến thế nào, anh “bập” ngay vào yêu một chị cùng khoá với những đặc điểm trái ngược hẳn với tiêu chuẩn “người yêu lý tưởng’ mà anh thường kể. Cũng từ ấy, anh thay đổi hẳn tâm tính 180 độ. Anh không thèm tham gia các hoạt động của lớp. Anh trở nên khoái uống rượu, uống rồi lại về quậy ký túc xã chỗ phòng chị em. Nhìn anh lè nhè ngồi phệt dưới đất chỗ phòng “bà xã tương lai”, ai nấy đều ngán ngẩm. Vài đứa con gái phát biểu rằng anh đã làm mất trong nó hình ảnh một người mà nó đã coi là “thần tượng”. Chúng đặt cho anh cái tên Giang Minh Sài (nhân vật trong Thời xa vắng cúa Lê Lựu), ban đầu anh không biết, nhưng sau hiểu ra anh chửi bới, đòi đánh gần hết lũ con gái. Có điều, đối với mình, anh lại có vẻ tử tế. Không bao giờ anh xỉa xói, nói xấu gì mình nên mình cũng không khích bác gì anh, chỉ không nói chuyện với anh vui vẻ như trước nữa.
Đến lúc gần ra trường, tình cờ mình gặp anh trong khuôn viên trường và anh vui vẻ rủ mình đi uống nước. Trong câu chuyện, anh thật thà bày tỏ rằng anh rất quí mến mình và mong mình cho anh những nhận xét thật khách quan về bản thân. Anh hỏi:
- Anh biết em cũng như cả lớp mình bây giờ ghét anh lắm. Mấy đứa kia thì anh không ngại, nó thương ghét anh thì anh cũng không quan tâm. Nhưng dạo này anh thấy em không nói chuyện gì với anh cả nên anh nghĩ chắc giờ đây em khinh ghét em lắm.
Nghe anh nói thế mình cũng thấy tồi tội, không muốn nặng lời với anh. Nhưng nghĩ anh đã nói thế thì mình cũng nên thẳng thắn, hơn nữa gần ra trường rồi, có nói gì thì nói luôn chớ để lại thì hồi nào mời nói. Thế là mình bảo anh:
- Mấy đứa con gái lớp mình coi anh là thần tượng, mẫu người chỉn chu nên khi thấy anh như vậy, chúng nó bị “sốc” thì cũng là chuyện thường. Riêng em thì hồi đó tới giờ chưa bao giờ anh là “thần tượng” của em cả nên chẳng có chuyện sụp đổ thần tượng như tụi nó. Em nhìn anh và nhận ra một điều rằng anh đang giữ cái đạo đức phẩm chất của anh như người ta giữ giày vậy.
Anh trố mắt hỏi:
- giữ giày là sao? Anh không hiểu.
- Thì là như vầy. Ban đầu khi anh có một đôi giày mới mua, anh cẩn thận giữ gìn, đặt từng bước chân, chỉ sợ bẩn giày. Chỉ một vệt bẩn đã khiến anh phải lo lắng, giặt giũ, tẩy rửa cẩn thận. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, khi đôi giày đã cũ cũ chút ít thì anh không ngại ngần mà dẫm đạp thoải mái, thậm chí cho nó vào bùn đất, anh cũng chả quan tâm. Vậy đấy…
Nghe xong, anh không nói gì, chỉ lẳng lặng ngồi yên.

Mươi năm sau gặp lại anh ở Đà Nẵng. Anh lúc này là Thạc sĩ, giảng viên Đại học ra đây dạy lớp tại chức. Anh mời (nói đúng hơn là biểu lớp trưởng tại chức mời) cho bằng được mình ra tiếp. Sai lầm lớn nhất là hôm ấy mình lại bảo ông chồng mình đi cùng bởi hôm đó anh làm mình nhiều lúc thấy quá xấu hổ vì cách cư xử ăn nói của anh. Anh đổ đốn quá. Đổ đốn bê tha một cách không thể tưởng tượng được.
Vài năm sau nghe lũ bạn nói anh ngày càng tệ hơn. Vợ chồng thì chằng chuộc, con cái hư hỏng, bản thân anh cũng bệnh tật. Lại nghe nói anh đi đâu cũng bắt học sinh phải chiều chuộng cung phụng anh cái khoản gái gú. Nghe chỉ muốn lộn mửa….

Mà riêng gì anh, bao nhiêu người xung quanh mình đây, áo quần xông xênh, giày dép hàng tá, suốt ngày chỉ soi gương ngắm vuốt, chỉ sợ người khác chê mình ...ăn mặc xấu, chứ chả sợ người ta nói mình tệ. Ông bà mình bảo đấy là phường "giá áo túi cơm" cũng chả oan tí nào.   
Cũng may, đến giờ mình vẫn chưa bị ai mắng cho là “em giữ gìn cái đạo đức của em như giữ … giày em” mà chỉ bị chê “Người zậy mà sao quần áo giày dép gì mà xấu thế”

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

MÌNH ĐÃ TỪNG LÀM LỚP TRƯỞNG

Hồi ấy (năm 1977), mình mới lơ ngơ từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Hồi ấy miền Nam học hệ 12 còn miền bắc học hệ 10 nên khi tốt nghiệp lớp 3 Hà Nội, mình suýt bị bắt học lớp 4. Rất may với thành tích học tập vào loại xịn của trường xin Hà Nội mình đã được nhảy cóc lên học lớp 5 với cam kết của ba với cô hiệu trưởng rằng "cho cháu học thử 1 tháng nếu không tiếp thu được thì xuống lớp 4 học". Rứa rồi tháng đầu tiên, mình đứng nhất lớp nên nghiễm nhiên không bị xuống lớp 4 nữa. Sau này nghe con Th. kể lại, hồi năm trước thằng H. luôn đứng đầu lớp. Đến khi con Th. cũng ngoài bắc vào đứng nhất lớp thì thằng H. khóc te tua. Năm sau thì con Th. lại là đứa khóc sướt mướt vì bị mình cướp ngôi. He he
Mình vào lớp sau, lại nhỏ tuổi hơn nhiều đứa, chả quen đứa nào, cũng không nói chuyện gì với ai (hồi ấy rụt rè lắm chứ không lắm mồm, mẹ Đốp như chừ) nhưng chả hiểu sao thầy giáo lại chọn ngay mình làm lớp trưởng. Hồi ấy nhận nhiệm vụ lớp trưởng gần như là do thầy bảo phải răm rắp làm theo chứ chẳng được vặn vẹo từ chối gì. Lớp mình hồi ấy gần 40 đứa, đa số là mấy đứa ở trong Nam, mà trong Nam thì hầu như là con em nhà nguỵ quân, nguỵ quyền trước giải phóng. Cho dù tất cả chúng mình đều còn nhỏ, chưa hiểu mấy về chế độ này chế độ nọ nhưng những đứa ngoài Bắc vào như mình (bọn trong này gọi là con cán bộ, Bắc cầy) thì thường ăn mặc lùi xùi hơn, lại hay nói những chuyện cao xa hơn và lẽ dĩ nhiên là ...viết văn hay hơn. Ngược lại bọn miền Nam thì đời sống khá hơn, ăn mặc chải chuốt hơn và giỏi toán với Anh văn hơn. Mình nhớ hồi ấy mình cứ bị chúng nó trêu chọc vì nói toàn tiếng Bắc khi hô cả lớp xếp hàng.
Mình làm lớp trưởng từ năm lớp 5 đến năm lớp 9. Năm nào cũng xin cô thầy thôi không làm lớp trưởng nữa nhưng rồi lại bị cả lớp bỏ phiếu nhất trí bầu lại làm lớp trưởng. Hồi đầu thì cũng nhiều đứa ghét, thậm chí còn bị oánh nhưng  từ năm lớp 8 thì cả lớp đã trở thành một tập thể khá thân thiện và lớp trưởng thì cực kỳ uy tín nhất là với tụi con trai. Lớp trưởng cũng không ít lần phải gánh chịu những trò đùa tai quái của lũ bạn. Khi thì cả một xô giấy vụn được kê hờ lên cánh cửa để khi lớp trưởng mở ra thì .... đổ ụp xuống đầu 
Đến năm lớp 9 có một chuyện khiến cho uy tín lớp trưởng tăng nhanh trong đám ... con trai. Chuyện là con Th là con cô giáo hiệu phó nhà trường. Nhà nó ở gần nhà thằng H. Chả biết ở nhà chúng nó gây chuyện gì với nhau mà hai đứa luôn xung khắc lên lớp mắng chửi nhau suốt ngày. Một hôm thằng H. và mấy đứa con trai chặn đường oánh cho con Th. một trận. Dễ hiểu là sau đó Hội đồng kỷ luật nhà trường họp có mời lớp trưởng đến dự. Buổi họp khá căng thẳng. Thằng H. thì cũng là con cán bộ nhưng mấy đứa cùng nó đánh con Th. thì lại là con nguỵ quân, nguỵ quyền, công giáo ... đủ cả. Trong cuộc họp lẽ dĩ nhiên có ý kiến đuổi học những thành phần quậy phá, gây rối... Cuối cùng, họ mời lớp trưởng có ý kiến (dân chủ ra phết). Mình mới phát biểu rằng: Thứ nhất bạn H là con trai mà đánh bạn Th. con gái là sai. Nhưng bạn Th. cũng rất sai khi mắng bạn H. là "đồ chó đẻ". như vậy bạn Th. không chỉ xúc phạm đến bạn H mà còn xúc phạm đến mẹ bạn H. nữa. Cho nên việc xử phạt theo em là nên công bằng đối với cả hai bạn chứ không chỉ riêng bạn H.
Hình như cả Hội đồng hơi... ngớ người ra vì cái tình tiết mới này, vì hình như chưa ai nghĩ đến điều rằng con của cô hiệu phó có lỗi, hoặc nếu biết thì cũng chẳng ai dám nói.
Sau khi "phát biểu" xong, lớp trưởng được cho về lớp để Hội đồng tiếp tục bàn bạc. Rồi sau đó, chả thấy kỷ luật đứa nào nhưng nghe đâu con Th. về bị ăn một trận đòn nên thân...
Thằng H và cả lũ con trai kể từ đó nể lớp trưởng hẳn (không biết ai nói cho nó biết). Bố mẹ nó thì cứ bảo mình đến nhà chơi. Mẹ nó làm nhà máy nhựa, hôm mình đến nhà với đôi dép Sông Hàn rách (đã được má mình khâu lại) nên hôm sau đã gửi ngay cho thằng H. mang lên "biếu" lớp trưởng một đôi dép Sông Hàn mới tinh.
Hình như đó là món quà "nhận hối lộ" đầu tiên của mình và làm mình nhớ mãi... 
Hơn 30 năm sau đi học lớp ...lái xe ô tô. Ông thầy chủ nhiệm cũng có lần tình cờ gặp biết mình nên "dùi" cho  đám học viên đề nghị mình làm ban cán sự lớp. Mình liền phát biểu:
- Tui không từ chối chuyện làm cán bộ lớp nhưng thú thật với lớp là tui chỉ quen làm lớp trưởng thôi. Làm từ hồi còn học tiểu học cơ.  Mà cũng nói thiệt tuy tui là phụ nữ nhưng ba chuyện cơm áo gạo tiền là tui ... ẹ lắm. Nên nếu lớp mình muốn có sự khác biệt mà đồng ý bầu tôi làm thì tui hứa làm tới nơi. Còn nếu bầu tui làm lớp phó cơm áo gạo tiền thì đề nghị bầu người khác.
Nghe xong, cả lớp ... choáng. Thầy chủ nhiệm càng choáng nhưng không còn cách nào khác vì cả lớp biểu quyết rầm rầm. Thầy bảo lần đầu tiên có lớp trưởng trường này là nữ. Cuối khoá học, lớp mình thi phát một đậu trên 95%.
Riêng cả lớp biết ơn lớp trưởng vì không phải đóng thêm 750.000 đồng và cũng không nhậu nhẹt linh tinh như những khoá khác (lớp trưởng là nữ nên không sử chuyện nhậu nhẹt). Chi phí học lái xe vì thế giảm hẳn. Đi ra đường thỉnh thoảng lại thấy mấy cánh tay giơ lên vẫy vẫy: a... chào lớp trưởng! Không biết là đứa nào... chỉ thấy vui.