Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

THỜI GIAN, THỜI GIAN

Cảm thấy bất ổn, cứ phải giật mình thon thót khi ngồi sau lưng ông chồng vừa vui vẻ vài ba ly bia chúc Tết (tửu lượng lão này vào loại thần sầu, vài ba ly bia chỉ là muỗi)
Cảm thấy thờ ơ với những tin tức mà người khác nói ra như là một lời chúc mừng. Ừ thì sao, lên chức biết đâu lại là cái chuyện chẳng hay ho gì, nhiều tiền - ừ thì biết đâu lại là cái để nuôi dưỡng mầm mống của tai hoạ và cái tai hoạ lớn nhất là sự ỷ lại của hai chú nhóc.
Như hồi trước lẽ ra đã có thể nhảy nhót phản ứng ngay lên nếu ai đó có nhận xét không đúng về mình. Nhưng giờ thì chỉ cười buồn và im lặng khi thấy bạn cho mình tệ đến thế.
Cảm nhận sâu sắc thời gian là thuốc chữa hiệu nghiệm nhất cho mọi thứ tổn thương. Qua thời gian, sự chông chênh sẽ được chèn chống như những hạt bụi nhỏ dần dần khoả lấp những ô trống cuộc đời…
Từ bao giờ, từ bao giờ nhỉ? Có lẽ không xa lắm, đã cảm thấy “trầm ngâm” hơn với những tin tức thời sự được cho là nóng hổi; đã không còn nhanh nhẩu “phát” ra những câu nói đầy cảm tính về một vấn đề thời sự nào đó; lạ thay, đã lại còn khyên lũ em út thôi hãy bình tĩnh chờ đợi chớ đừng vội tung ra những kết luận này nọ; bởi đã thấy cuộc sống hình như đã không còn tuân theo những quy luật nữa rồi; đã thấy ở kẻ khùng cũng có những điều có lý và ở người cao sang quyền quý những sự rất dở hơi. Những thứ tưởng như rõ ràng là thế, hay ho là thế giờ đã có thể hoài nghi. Ngược lại, những thứ tưởng chừng như bỏ đi lại thấy cần nhặt nhạnh thu gom trở lại …
 Không cãi nhau, chán tranh luận, thôi bàn bạc chuyện thế sự này nọ, có nghe nói thì chỉ buông ra một tiếng thở dài hoặc một thái độ khiến người đối diện … muốn hiểu ra sao thì hiểu …
Chỉ có một cách giải thích cho tất cả những điều này …không còn nghi ngờ gì nữa.
Ấy là … ta đã già rồi …

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

GÓP Ý HIẾN PHÁP

Trong khi chưa trở thành tài sản tập thể thì mềnh pot lên đặng giành quyền sở hữu cá nhân cái đã

Nhà nước- quốc gia - đất nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam
Qua nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp, với tư cách công dân, trong bài viết này chúng tôi xin được đi sâu phân tích, góp ý và đề nghị cân nhắc về cách sử dụng một số từ ngữ trong dự thảo. Cụ thể đó là các từ: “quốc gia” “đất nước” “nhà nước”

1/ Từ “Quốc gia” và “đất nước”
Từ quốc gia là từ Hán -Việt, dịch nghĩa tiếng Việt là nước - nhà hoặc có thể là nhà - nước. Trong dự thảo Hiến pháp từ “quốc gia” có 34 lượt sử dụng
a/ Với nghĩa là nước - nhà đồng nghĩa với đất nước: là chỉ phần lãnh thổ, dân số, pháp luật, chế độ chính trị … . Phần lớn từ “quốc gia” được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp mang ý nghĩa này. Cụ thể là
Lời nói đầu: chủ quyền quốc gia
Điều  5: Nước CHXHCNVN là quốc gia độc lập , ngôn ngữ quốc gia
Điều 17, 47, 70, 71,73, 76, 102: an ninh quốc gia,
Điều 16, 57, 59, 65: lợi ích quốc gia
Các điều 76, 102, 123: Tài chính tiền tệ quốc gia, nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia   
Điều 123: nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia
Và với ý nghĩa nước nhà hay đất nước, chúng ta có thể thay thế từ “Quốc gia” bằng từ “Đất nước” trong một số câu, cụm từ thì phù hợp hơn. Mặt khác, thể hiện được ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và tạo nên sự gần gũi thân thiết đối với người dân
Ví dụ như tại điều 5:
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một đất nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Điều 5 qui định như vậy hoàn toàn phù hợp với qui định tại điều 1 “ Nước CHXHCNVN là một nước độc lập dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.”
Tại điều 56: cụm từ “….hợp tác kinh tế với các quốc gia khác” có thể thay bằng: “với các nước khác” . Điều này phù hợp với qui định tại điều 12 “… hợp tác và phát triển với tất cả các nước trên thế giới…”
Tương tự như vậy tại một số điều khoản khác có thể thay thế: lơị ích của đất nước, an ninh của đất nước, nguồn lực tài chính và tài sản của đất nước, đất đai là nguồn tài nguyên của đất nước (điều 59)
Tuy vậy, một số cụm từ khác vẫn có thể sử dụng từ “quốc gia” như:  quốc phòng và an ninh quốc gia (điều 76); dự trữ quốc gia, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (điều 102). Sở dĩ chúng tôi đề nghị giữ lại từ “quốc gia” vì muốn tạo nên hiệu quả tâm lý về sự uy nghiêm tôn trọng đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời chữ “quốc gia” ở đây cũng bao hàm ý nghĩa là có sự quản lý của nhà nước.

b/ “Quốc gia” theo nghĩa Nhà nước: Nhà nước là một bộ máy, công cụ được đặt ra nhằm điều hành đất nước và xã hội.
Với nghĩa này, thể hiện trong dự thảo Hiến pháp tại một số điều khoản như sau: nền hành chính quốc gia (điều 8) Bí mật quốc gia (điều 47), Hội đồng bầu cử quốc gia (điều 76, 102, 121, 122).
Những cụm từ này có thể thay chữ quốc gia bằng chữ Nhà nước để trở thành: nền hành chính nhà nước, bí mật nhà nước
Riêng Hội đồng bầu cử quốc gia thì đề nghị có thể vẫn giữ nguyên tên gọi  với ý nghĩa đây là cơ quan bầu cử cao nhất ở cấp trung ương. Tuy nhiên, các cơ quan khác được thành lập ở cấp trung ương, có sự quản lý của nhà nước cũng nên đặt tên gọi theo hình thức tương tự: như Kiểm toán Nhà nước đổi thành Kiểm toán quốc gia, Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng quốc gia, kho bạc nhà nước thành Kho bạc quốc gia.  
Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đề nghị nên chuyển đổi cụm từ “ngân sách nhà nước” thành “ngân sách quốc gia” vì bao hàm ý nghĩa ngân sách chung của cả đất nước do nhà nước là người đại diện quản lý. 

2/ Từ “Nhà nước”
Khái niệm về nhà  nước được hiểu theo hai dạng. Nói về bản chất thì Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một công cụ nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và duy trì trật tự XH trong XH có giai cấp đối kháng. Đây là cách hiểu trừu tượng.
Với cách hiểu cụ thể: nhà nước là một bộ máy thực hiện chức năng quản lý đất nước và xã hội theo pháp luật.
 Từ “nhà nước” được sử dụng 140 lượt trong dự thảo. So sánh với các từ khác trong cùng một tập hợp các khái niệm có liên quan (quốc gia, đất nước,  nhà nước, công dân…) thì từ này được sử dụng với tần suất lớn nhất. Về mặt hình thức cũng như nội dung, việc sử dụng từ “Nhà nước” với tần suất nhiều như trong dự thảo dễ làm người ta hình dung rằng Nhà nước là chủ thể nắm giữ và sử dụng quyền lực của mình điều hành hầu hết các vấn đề xã hội và như thế có thể  tạo nên sự bất lợi trong quan hệ quốc tế và tâm lý của người dân, nhất là trong các vấn đề liên quan đến tự do dân chủ.  Trong khi đó chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một đất nước dân chủ, các quyền con người được tôn trọng và mở rộng hơn. Hơn nữa, trong một số điều khoản việc sử dụng từ này không cần thiết và không chính xác 
Ví dụ:  
Tại điều 15 của dự thảo viết “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Câu này có thể sửa lại như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (bỏ cụm từ “nhà nước và xã hội”).  
Tại Điều 26 khoản 2 của dự thảo viết “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Nếu bỏ từ “nhà nước” ở đầu khoản và sửa lại như sau: “Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của công dân được tôn trọng và bảo đảm” thì sẽ chính xác hơn với  lý do:  không chỉ riêng nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do này của công dân mà quyền này phải được tất cả mọi người, mọi tổ chức, đoàn thể xã hội tôn trọng và thực hiện. Điều này phù hợp với qui định tại điều 15 của Dự thảo: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”
Tương tự: tại khoản 3, điều 57: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” (bỏ từ “nhà nước”)
Cũng trong một số điều như điều 35, 36, 40, 42… nên cân nhắc lại việc sử dụng  từ “nhà nước” tránh tâm lý cho rằng dồn hết trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý cho nhà nước, không phát huy được sự tham gia của toàn xã hội, vẫn còn nặng cơ chế bao cấp, tâm lý ỷ lại trông chờ vào nhà nước.
   Và với sự cân nhắc thận trọng trong cách dùng từ theo đề nghị như trên, sẽ có thể thấy rõ hơn tính dân chủ của chế độ, tính  pháp quyền của Nhà nước ta và sự thượng tôn pháp luật của xã hội. Đặc biệt, trong một số quan hệ pháp lụât thì người dân và nhà nước xuất hiện với tư cách là hai chủ thể bình đẳng trước pháp luật.


Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

CHUYỆN "CƯỚP" HOA


Cô gái này đang "cướp" giỏ hoa trên tay anh cảnh sát cơ động sáng ngày 17/2/2013 tại đường hoa ĐN


Mấy ngày này, Đà Nẵng "sôi sục" phản ứng với các bài viết trên một  số báo như vnexpress, Người lao động, Thanh Niên khi đưa tin về việc "cướp" hoa, "tranh giành" hoa tại đường hoa Bạch Đằng, Đà Nẵng. Trên mạng xã hội  cũng đã xuất hiện những lời kêu gọi đòi "tẩy chay" các báo này vì cho rằng đã xúc phạm đến danh dự cùa người Đà Nẵng. Thậm chí có cả mẫu đơn gửi Tòa án để khiếu nại việc các báo này sử dụng hình ảnh của các cá nhân, cho rằng họ đã "cướp" hoa trong sự "bất lực" của lực lượng bảo vệ. 
Sự thật cũng đã khá rõ ràng. Bởi ngày 17/2 là ngày thu dọn để trả lại mặt bằng cho thành phố. Các loại hoa đã được Ban tổ chức thu dọn, phân loại để từng khu vực riêng biệt, Một số loại hoa quý được để riêng để đem cho các chùa, đình, trường học... theo kế hoạch. Số còn lại  sẽ cho xe của công ty Môi trường đô thị đem đi đổ. Cùng lúc ấy, nhiều người dân đi qua thấy vậy liền xin một vài chậu đem về nhà. Lực lượng bảo vệ khi ấy chỉ làm nhiệm vụ trông coi để tránh trường hợp người dân lấy các vật dụng trang trí khác. Đám đông hồn nhiên xúm vào một chỗ tất không tránh khỏi những lộn xộn ngoài ý muốn, không đáng có. 
Sự hồn nhiên của người dân, sự "dễ dãi" thiếu lường trước  của Ban tổ chức, và sự ẩu tả của phóng viên trong bài viết ... dẫn đến sự phản ứng của người dân Đà Nẵng
Người Đà Nẵng phản ứng, coi việc báo chí đưa tin như vậy là một sự xúc phạm, một sự sỉ nhục cũng là điều dễ hiểu. Bởi ngoài việc sử dụng từ "cướp", "tranh giành" một cách tùy tiện, cẩu thả, một vài bài đã còn có ý mỉa mai khi "chua" thêm mấy chữ "ở thành phố đáng sống" gây nên sự hiểu lầm, chê bai, thất vọng của bạn đọc cả nước, vốn trước đây đã hết lời khen ngợi cho nếp sống văn mình ở thành phố chúng mình.
Mọi sự rồi cũng sẽ qua mau, sự thật rõ ràng và thực ra sự việc này cũng chẳng phải là chuyện to tát gì và nếu nó ở nơi khác thì chắc cũng chẳng mang lại sự giận dữ như thế. Ở đây, giới truyền thông, nhất là mấy tờ báo nọ có lẽ cũng đã nhận được một bài học đắt giá cho thói ẩu tả của mình.
Nhưng qua đây mới thấy người Đà Nẵng yêu thành phố của mình thế nào. Họ không cho phép sự bôi nhọ (dù nhỏ) đến danh dự của mình và quyết tâm bảo vệ thanh danh của người Đà Nẵng. 
Trong chuyện này, có khi mình chưa hẳn đã đồng tình với các bạn, các anh em về cách phản ứng khá thái quá của họ đối với báo chí nhưng ở mặt khác lại có niềm hơi hơi tự hào khi bằng hành động ấy đã nói lên cái tình yêu của họ đối với thành phố này. Một thông điệp khá thẳng thắn, quyết liệt đưa ra cho bất cứ ai "động" đến Đà Nẵng sẽ phải hối hận về việc làm của mình.
Tại sao vậy? bởi Đà Nẵng đã được xây dựng đàng hoàng, đẹp đẽ như  hôm nay là sự đóng góp chung của mỗi người dân và rõ ràng là mỗi người dân thành phố đều ý thức điều đó. Mình nói không ngoa khi cho rằng, người dân đã cảm thấy trách nhiệm của mình gắn với từng viên gạch lát đường. Còn nhớ  vài năm sau khi cây cầu Sông Hàn được xây dựng xong (năm 2000), một cụ ông khi thể dục qua đây đã gọi điện cho Chủ tịch báo tin việc người ta tháo dỡ 1 đoạn lan can sắt trên cầu. Cuối cùng, họ yên lòng khi nghe giải thích rằng việc này là để sửa chữa lại đoạn lan can đó. 
Chúng mình làm việc ở đây cũng thường xuyên nhận được ý kiến của người dân gọi đến phản ảnh và yêu cầu nhiều việc đôi khi vượt qua chức trách, thẩm quyền của chính quyền. Có người gọi đến để phản ảnh, nói đúng hơn là gọi đến để giãi bày chuyện 1 quán bún bán với giá cắt cổ và ông chủ quán thì thiếu nhã nhặn với khách ... Ông này không bằng lòng với lý do "tôi vừa giới thiệu với bạn tôi về thành phố mình văn minh lịch sự, vậy mà ông chủ quán ăn nói khiếm nhã thế khiến tôi xấu hổ quá"  
Lan man nhiều lại quay sang chuyện "cướp" hoa.
 Tấm hình trên bài viết này có lẽ cũng đã nói lên nhiều điều về sự thật "cướp" hoa ở đường hoa Đà Nẵng, và chắc nó cũng đã xoa dịu được mấy cái đầu nóng hầm hập đòi xử lý mấy tay phóng viên ẩu tả kia.
Thế này thì ai lại không muốn làm "kẻ cướp" nhỉ

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2013


















Năm nay mình phá lệ nhắn tin cho mọi người để chúc tết. Mọi năm thấy nhắn tin nó sến sến sao ấy nên quyết định không nhắn nữa mặc dù năm nào cũng nhận không ít tin nhắn.
Chúc năm mới lẽ dĩ nhiên toàn những điều tốt đẹp và mong muốn những điều tốt đẹp. Nhưng cũng có những sự trớ trêu  khi nhắn hạnh phúc cho một gia đình đang có trục  trặc; chúc mạnh khỏe cho ông đang điều trị ung thư; chúc phát tài phát lộc cho đám công chức như mình thì chả nhẽ mong cho họ … tham nhũng; chúc lên chức lên quyền thì chả hóa ra là xúi họ … đi đêm …Ai cũng phát lộc phát tài, ai cũng lên chức hết thì … như ông Trần Tiến gào lên cái điệp khúc: "Còn ai nữa, còn ai nữa để nghe tôi hát bài ca ngợi loài người …. Trái đất này chỉ còn có hai loài  … vịt và … dê"
Năm Quý Tỵ này sẽ là một năm khó khăn đây. Ấy là mình nghĩ thế ngay khi nhìn bà bạn đem mấy chục triệu tiền mới toanh đổi cho mọi người. Chợ Tết người bán nhiều bằng người mua, ai cũng than ế. Chợ hoa năm nay hoa đẹp, rẻ mà đêm 29 cũng còn đầy. Nhà mình, nhà bạn bè anh  em ai nấy đều bảo nhau kiệm kiệm, chỉ mua những thứ cần thiết. Nói  thì ra là đồ vô hậu bất hiếu chứ có người còn bảo ; anh rước ông bà về vài hôm thôi rồi tiễn các cụ đi sớm hơn mọi năm, chứ ở lại cơm nước ba bữa, toàn phải đồ mới thì lãng phí quá…
Nhiều gia đình không có sự đầy đủ như mình, đi chợ nhìn nhiều cảnh đời cứ thấy chạnh lòng. Hoa cúc năm nay nhiều và rẻ chưa từng thấy. Sáng mùng Hai, ngồi cà phê nghe nói hoa cúc đổ đống, đầy những khu đất trống.  Hỏi ra mới biết nhiều khu vực giải tỏa, đất trống được người ta tận dụng để ươm hoa cúc. Gặp năm nay thời tiêt thuận lợi nên hoa nở đẹp nhưng người trồng hoa cũng méo mặt vì ế hàng
Vậy cho nên năm nay, chúc như bà chị bạn mình về 1 chữ “đủ”
Đủ hạnh phúc để tâm luôn ngọt ngào
Đủ ồn ào để thấy đời không lặng lẽ
Đủ sức khỏe để có thể rong chơi
Đủ thảnh thơi để thấy mình thật sự sống
Đủ hy vọng để giữ được niềm tin
Vừa đủ tự tin và hài hước để thấy đời đáng sống…
Nói vậy chứ không dễ để có một chữ “đủ” nói đúng  hơn là ý thức về chữ “đủ”. Bởi cuộc đời mỗi người luôn ở trạng thái chông chênh, luôn tìm kiếm và khát khao những thứ …không thuộc về mình.
Tiếp xúc với  rất nhiều người, mình nhận ra rằng hầu hết đều không nhận thức được mình là ai, mình ở đâu, mình cần cái gì... Có lúc mình ngồi nhìn và cảm thấy thật tội nghiệp cho 1 anh (hay 1 chị) nào đó đang kể lể về “thành tích” của mình, có khi cái thành tích ấy rất vớ vẩn (ví như chạy mấy chục triệu để con vô trường tiểu học xịn) , hay là “ném” cho thằng phường mấy vé để nó lơ cái vụ lấn chiếm đất công…)
Nhớ xưa ông cụ nhà mình luôn giữ cho mình cái tâm thế độc lập tự chủ. Tuy uống bia rất tốt nhưng trong các cuộc liên hoan cụ rất chừng mực, không bao giờ bị cuốn theo những tiếng cố vũ “zô, zô” của đám đông, càng không bao giờ bị khích bác này nọ dẫn đến những hành vi bốc đồng thiếu kiểm soát.
Mình giờ tự nhủ cũng phải giữ lấy những gì thuộc về bản thân mình, không lệ thuộc vào những thứ không phải của mình. Giả sử như chức quyền, tiền bạc, bằng khen… Chuẩn bị cho mình (và ca gia đình mình nữa) cái tâm thế, cái nền tảng về đạo đức, lối sống, để có thể sẵn sang thích nghi với các thay đổi hoàn cảnh nếu có. Thì ví như nếu có tiền nhiều, ừ thì ta sắm xe máy đi, nếu ít thì mình đi xe đạp hoặc đi bộ, không thành vấn đề…
Và như thế có thể đã là đủ chưa nhỉ ?
Nói vậy chứ năm 2013, cũng đã kịp mua mấy bộ cánh mới, làm lại đầu tóc để đón Tết ...Ờ dù sao cái đó vẫn thuộc về mình mà...