Lịch sử Trung Quốc (dù có thể bị chửi vì biết sử “nó” nhiều hơn sử “ta”, nhưng kệ) triều đại nhà Thanh có hai vị vua có tiếng là minh trị là Khang Hy và Càn Long (lão Càn Long này xua quân sang nước Việt ta bị Nguyễn Huệ oánh cho “chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn” nhưng mà dân TQ thì khoái lắm). Giữa hai triều đại này là triều của Ung Chính, một vị vua có vẻ mờ nhạt, thậm chí là tai tiếng nhất trong số 13 vị hoàng triều nhà Thanh. Tai tiếng lớn nhất là việc cướp ngôi vua của hoàng tử thứ 14 (thập tứ a ca) người được vua Khang Hy ưu ái nhất và theo đồn đoán sẽ được nối ngôi vua này. Tiếp đó, sau khi Ung Chính lên ngôi lại là nhiều việc động chạm đến quyền lợi của các vị quan quyền, công thần …
Cách nay đã lâu, hơn chục năm, có bộ phim truyền hình Vương triều Ung chính với một cách tiếp cận về nhân vật này khác hơn so với lịch sử. Trong đó Ung Chính vương được xây dựng là một nhân vật có một vai trò quan trọng trong việc củng cố triều đại nhà Thanh.
Về việc soán ngôi vua: theo lịch sử Ung Chính đã sửa trong di chiếu của vua Khang Hy từ chữ “thập tứ” (14) thành “đệ tứ” (thứ 4) để tự đưa mình lên ngôi. Tuy nhiên theo bộ phim thì việc lựa chọn Ung chính là sự chủ định của chính Khang Hy trong bối cảnh nhiều người con của ông ta đã không từ các thủ đoạn nào để đấu đá lẫn nhau cho chiếc ngai vàng quyền lực.
Nhưng thôi, thực hư chuyện soán ngôi này ra sao cũng khó mà biết được.
Phần còn lại bàn về chuyện điều hành của Ung Chính (trong phim).
Sau khi Ung chính lên ngôi, ông phải đối diện với rất nhiều những vấn đề khó khăn (thời chừ người ta gọi là khủng hoảng) . Ngân khố trống rỗng, đời sống nhân dân khổ cực, nội bộ triều thần hỗn loạn, nhiều kẻ bất tuân (do nghi ngờ sự quang minh của vua), lũ lụt hoành hành …
Việc làm gần như đầu tiên của Ung chính vương sau khi lên ngôi là triệu tập quần thần và …đòi nợ. Số là các quan quân (nhất là đám công thần) trước đó đã được vua Khang Hy dành cho nhiều đặc ân, cho vay tiền của ngân khố (không hoàn lại), nhiều kẻ tác oai tác quái, nhơn nhơn tự đắc, coi mình bậc công thần khai quốc không ai dám động vào. Bây giờ nghe vua đòi nợ người thì khóc, kẻ thì la, chửi ầm ĩ, có kẻ lại cậy thế công khai thách thức với vua, rồi không ít kẻ ngấm ngầm tụ tập binh mã mong có ngày lật đổ…. Dân tình nghe thấy chủ trương của nhà vua như vậy thì mừng lắm nhưng cũng không tin là vua có thể làm được. Đám sĩ phu có học thì khoanh tay đứng nhìn xem vua làm ăn thế nào. Như vậy thực chất một mình Ung chính vương phải đối mặt với hầu hết quần thần và dân chúng.
Thế nhưng bằng nhiều biện pháp kiên quyết khôn khéo, “đánh” thẳng từ trên xuống, buộc các vị đại lão công thần phải “nôn” hết của cải ra trả nợ, các quan địa phương phải chấp hành lệnh trưng thu tài sản không từ một ai … Có chi tiết thế này: đối với một số vị quan tham, dỗ dành dọa nạt không xong, vua sai người viết vè rồi tung ra cho dân chúng nghêu ngao đầu làng cuối xóm, thế là dân hả dạ, quan tím mặt nhưng chẳng làm được gì vì đã có vua “bật đèn xanh”. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, Ung chính Vương đã thu hồi được hầu hết số nợ, có tiền để chi tiêu cho việc hộ đê chống lụt, cứu dân, nhờ thế đã thu phục được lòng dân chúng và được họ tin tưởng ủng hộ . Riêng các quan lại bị nhà vua dồn ép đòi nợ nên không tránh khỏi việc bất bình và do vậy trong sử sách Trung Quốc, Ung Chính Vương đã bị đám này đặt điều nói xấu, coi như hôn quân bạo chúa(thời nay gọi là một nhà độc tài).
Nhờ có sự quyết đoán mạnh dạn, kiên quyết (có phần độc tài) của Ung Chính Vương mà Càn Long (con của Ung Chính) sau đó lên nối ngôi đã được thừa hưởng một nền kinh tế ổn định vững vàng hơn, đời sống dân tình được cải thiện hơn nên dễ dàng thành công với chính sách trị quốc nhẹ nhàng, thanh tao hơn hẳn cha mình.
Vậy đó, lịch sử có những lúc thăng trầm, trong một triều đại trị vì không tránh khỏi lúc thịnh lúc suy, cho nên tất sẽ có những gạch nối của minh trị như thời Ung Chính Vương để người ta có thể nhìn lại những gì mình làm cho đất nước để đất nước sau thời khủng hoảng lại có thể giữ được sự cân bằng mà tiến lên phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét