Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

BẠN BÈ MÌNH

Nói chung từ bé đến lớn mình có rất nhiều bạn bè. Rất vui là trong cuộc sống, có khi toàn bị sếp ghét chứ hầu như bạn bè chả ai ghét gì mình (làm sao ghét  được cái đứa vui tính, tốt bụng như mình cơ chứ).
Hồi nhỏ chơi thoải mái với chúng nó, đúng là trẻ con, chả cần biết chúng nó là con nhà ngụy quân ngụy quyền hay là con cô hiệu trưởng hiệu phó. (đã có lần nói về chuyện bảo vệ bênh vực cho thằng con ngụy chống lại con cô hiệu phó rồi)
Trong đám bạn bè chơi từ nhỏ đến lớn, đám bạn Đại học có lẽ để lại nhiều dấu ấn nhất và cũng làm cho mình có nhiều cảm xúc nhất. Chả gì cũng cùng ăn cùng ở với chúng nó những 4 năm. Cũng chả cần đến 4 năm mới hiểu nhau, chỉ cần vài 3 tháng đầu là đã biết nhau quá rồi.
Mấy năm gần đây toàn choáng vì bạn. Bạn bè cùng khóa đại học, lại là đại học luật nữa nên đến  là lắm chuyện.
Đầu tiên là cô bạn cũ học làng nhàng, chơi làng nhàng, nếu đưa cả khóa biểu quyết thì chắc là phiếu chống nhiều hơn phiếu thuận bỗng dưng  được trúng cái rẹc vào Quốc hội. Lần này cũng tiếp tục trúng cử tiếp mới hay.
Một thằng bạn khác quê Cần Thơ, con liệt sĩ, có óc hài hước vui vẻ, anh em bạn bè chắc chắn sẽ bỏ phiếu trúng nhưng cuối cùng thì chỉ được vinh dự đứng trong hàng ngũ ứng cử viên. Bạn bè thì chèm chẹp tiếc và an ủi nhưng hắn tỉnh bơ nói với giọng hài hước: "chờ năm nữa để làm ông nghị. Còn giờ thì vẫn đi vào hội trường Ba Đình mà không cần giấy tờ vì bao nhiêu năm nay cha bảo vệ nhẵn mặt tui rồi".
Cách nay hơn năm thì thằng Định ngáo làm cả lũ bạn cãi nhau ỳ xèo về quan điểm này nọ nhưng cuối cùng thống nhất chung ở chỗ: "thấy nó thú tội tao còn ghét hơn là khi nó bị truy cứu". Có một hay vài bài báo khi viết về thằng bạn này nêu cái tên của khóa mình ra, thành ra khóa mình cũng nổi tiếng. Đôi khi cũng thấy hơi hơi oai khi bảo : "à cái thằng Định ấy học cùng khóa với tớ đấy"       
Mấy ngày nay lại cảm thấy chút tự hào vì thằng bạn cùng nhóm với mình ngồi chủ tọa phiên tòa xử vụ "kỳ án vườn mít" ở Bình Phước và điều hắn làm mình thấy vui không chỉ vì đã vững vàng vượt qua mọi áp lực để giải quyết 1 vụ án phức tạp kéo dài hơn 7 năm, trả lại tự do ngay tại phiên tòa cho một bị cáo đã hai lần đối diện với bản án tử hình, lại còn "nhắc nhở" về thái độ của đại diện VKS tại phiên tòa nữa chứ. Mình bảo "thì ra pháp luật còn có chỗ để mà tin" thì thằng bạn ở Qui Nhơn lên tiếng: Cậu phải bảo là "Pháp luật còn nhiều chỗ để mà tin chứ". Gì thì gì mình phải tin bạn mình là cái chắc. Hoan hô bạn mình, hoan hô pháp luật.
Nói thế rồi quay lại với ...mình. Hôm qua, chị bạn ở Ninh Thuận gọi ĐT buôn gần 1 tiếng đồng hồ than thở chuyện con cái, lại nhờ cô Mèo tư vấn hộ cho cu con, đòi bỏ ngang ĐH này để đi thi ĐH khác. Đúng là già khác trẻ khác. Điều này thể hiện nhiều vấn đề: Thứ nhất là bạn bè tin tưởng, quí mến, nhớ nhau, thương nhau mới thế. Thứ hai cũng tin tưởng cô Mèo có nhiều mối quan hệ, được người khác quí mến nên nếu có gì thì gửi gắm con mình cũng dễ.
Đang viết dở thì thàng bạn TPHCM kêu đi uống cà phê. Ngồi nói chuyện với nó và 2 con bạn giờ làm quận ủy viên hẳn hòi. Nói một lúc thì mình đưa kết luận đểu: "Đảng ta vững mạnh nhờ có được mấy quận ủy viên như chúng mày." Con bạn bảo: "Mày thì chỉ suốt đời làm giám đốc thôi con ạ. biết nhiều quá". " Chức giám dốc còn là may đấy. Bây giờ các cụ mới thở phào may là tao đã không chịu ứng cử. Tao mà lỡ ứng cử có khi rắc rối."
 Cuộc sống là cuộc sống mà. Đứng ra ngoài  mới thấy  đám đông nó nhí nhố thế nào. Sáng nay vừa bảo với thằng nhóc trên sân cầu lông: "Tao ở ngoài tao thấy rõ lắm, thế mà mày trong sân không đỡ được quả đấy." He he    

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

NGÀY 30.4 CỦA BA

Lẽ ra phải viết bài này vào ngày hôm qua, 304/2011  nhưng quá bận cho cuộc thi pháo hoa Quốc tế nên hôm nay mới dành thời gian cho bài viết.
30.4.1975 đây là thời khắc đánh dấu một sự kiện quan trọng nhất cho cuộc đời của hàng triệu người trên dải đất hình chữ S này.  Hồi ấy mình chỉ có 8 tuổi, bé như cái kẹo, chả cảm nhận được cái gì to lớn nhưng có lẽ với những người như ba má mình thì thực sự là một thời khắc vô cùng trọng đại. Với ba và những người trong quân đội như ba thì chiến thắng đó mang giá trị của những máu xương đồng chí đồng đội, là ngày được trở về với quê hương sau hơn 20 năm xa cách, với má và những người phụ nữ là chấm dứt những năm  tháng đằng đẵng ngóng trông chồng cho con, nỗi phập phồng vì bất cứ lúc nào cũng có thể nhận được tờ giấy báo tử của họ...   
30/4/1975 xe tăng ta tiến vào Dinh Độc Lập. Sáng ngày 1/5/1975 Ba mình lấy ba lô bảo đi vào Sài Gòn gấp để tổng kết chiến dịch, rồi buổi chiều ông lại vác ba lô về vì ... sân bay Tân Sơn Nhất chưa được dọn xong nên máy bay chưa đáp xuống được. Ngày hôm sau, mùng 2/5/1975 ba mới đi thật và ông phấn khởi thông báo ông là người đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong chuyến máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay này. Sau này ba mình kể lại, khi ông xuống đến nơi, sân bay TSN vẫn ngổn ngang hàng đống những chiếc va ly bị bỏ lại mà ông biết chắc chắn trong đó có vô số vàng bạc châu báu của những kẻ tháo chạy. Hơn một tháng sau, mình nhận được quà của ba là một ...hộp bút chì màu mà "ba thấy nó còn dùng tốt nên gửi cho con". Ao ước của mình là một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, đã nhiều lần viết thư, gửi cả mấy điểm 10 cho ba để đề nghị " ba mua cho con nhé"  thì sau này được ba kể lại : "đã mua cho con 1 con búp bê to lắm, còn đi được và chào bằng tiếng Anh nữa cơ, nhưng bác B. thấy thích quá, bác ấy lại có 2 đứa con gái nên ba nhường lại cho bác ấy. Thôi ba mua đền cho con con búp bê nhựa nhỏ này cũng được" . Sau đó, mình tình cờ nghe ba nói với má "Kể ra ông B. cứ nài mà mình không để lại thì cũng được, nhưng mà mình là trưởng đoàn, con búp bê thì to, lại hiện đại quá, không khéo anh em lại nhỏ to nói mình làm bậy thì cũng không hay. Nên thôi thì đành nhường lại cho ổng. Chừ nhìn thấy con Hoa nó chơi với con búp bê xấu này thấy cũng tội nó, nhưng lỡ rồi".
Hơn hai tháng sau, ba ra lại Hà Nội với một chiếc quạt máy Sanyo, món quà mà má thích nhất sau bao nhiêu năm dùng chiếc quạt tai voi phành phạch. Chiếc quạt này là quà tặng của bác Tám, mà ba phải bắt bác ra UBND phường để xác nhận rằng chiếc quạt này do chính bác mua tặng chứ không phải là ba mua hoặc lấy ở đâu. Ngoài chiếc ba lô và chiếc quạt điện, ba còn mang về ...1 túi ni lông trong đó có 1 đống ...vỏ quả chôm chôm. Vì sao?  khi nhìn thấy 2 chị em tụi mình cố lục để moi ra trong đống vỏ ấy vài quả chôm chôm còn sót lại thì ba cười buồn bảo: " thôi rồi, cái này là 2 ký chôm chôm bà V. gửi ba đem ra cho má với các con ăn cho biết, nhưng trong lúc ba đi liên hệ làm thủ tục máy bay, mấy chú ở cơ quan đã ngồi ăn hết rồi. Tệ thiệt đó. Nhưng mà mình nói sao được."         
Ngày 19/5/1975, má nhận được một bức thư rất dài của ba kể về phút giây ông đã gặp lại những người bà con sau hơn 20 năm xa cách. Chuyện thật ly kỳ và xúc động. Ông bảo má rút tiết kiệm gửi cho ông ít tiền để "cho mỗi đứa chút ít, chứ con cháu mình đứa nào cũng nghèo quá má nó à". Má rút tiết kiệm, lại chạy đổi ra tiền 10 đồng có hình Bác Hồ màu đỏ gửi vào cho ba. Đến tháng 9/1975, ba đưa gia đình vào Nam thăm quê, lại thấy mấy tờ giấy 10 đồng của má được nhà ông anh "trân trọng" ... đem dán vào sau tấm kính của cái tủ buýpphê. Ba má bảo 10 đồng hồi ấy đổi hơn 20.000 tiền ngụy, có thể mua được đủ thứ ....Ba má mình ngã ngửa vì thực sự không thể hiểu nổi những đồng tiền cấp ca cấp củm dành dụm hàng nhiều năm trời thì giờ cháu con lại chỉ coi đó là thứ đồ để mà ... trang trí.   
Sau này ba bảo, hồi ấy ngoài Bắc có câu: "Miền Nam tìm họ, miền Bắc tìm ... hàng"  là để nói chuyện ngày giải phóng, những cán bộ tập kết như ba, má chỉ lo tìm kiếm bà con anh em mình, trong khi cánh những cán bộ miền Bắc thì chỉ chong chóng mua sắm này nọ để đem ra Bắc. Ba cũng kể, khi trở về Hà Nội, ba có dặn chú lái xe (người Bắc) làm thủ tục trả lại cho hậu cần 1 thùng phi xăng dùng không hết. Vậy mà vài bữa sau thấy chú ấy khuân ra Bắc đủ thứ ti vi tủ lạnh, nghe đâu là từ việc bán xăng đi.
Vừa rồi, cu Bống về bảo mẹ tìm cho những bức ảnh chiến tranh chống Mỹ để lấy điểm sưu tầm. Đưa cho Bống tập báo ảnh Việt Nam đấu tranh mà ông ngoại để lại. Giở đến trang có ảnh bọn Mỹ-Diệm mổ bụng người, Bống hoảng hốt kêu lên: " Mẹ ơi, con sém nữa thì ọe, Mấy cái ảnh này làm con sợ quá." Quả là đáng sợ, Bống không thể biết đã đành, sợ rằng cô giáo của Bống cũng không biết nốt...
10 năm sau ngày giải phóng, mình bước chân vào Sài Gòn với tư cách một cô sinh viên trường Luật. Sài Gòn hồi đó đẹp và dễ thương lắm. Có lần mình nói chuyện với một anh chàng khóa trên và được anh ta kể: " Bây giờ cứ mỗi ngày 30.4, tụi mình lại họp nhau lại, hơn một chục thằng phóng xe máy ầm ầm trên đường 30.4 (hồi đó chưa đổi tên là đường Lê Duẩn) về phía Dinh Độc Lập. Bọn mình muốn sống lại cái cảm giác khi quân ta tiến vào giải phóng". Mình nghe xong cười ngất, nhưng cũng ngạc nhiên vì bên trong cái con người có vẻ bặm trợn kia là một tâm hồn lãng mạn đến bất ngờ và cái cách anh chàng này thể hiện cái niềm lãng mạn ấy cũng thật độc đáo...Không biết sau hơn 20 năm kể từ ngày ấy, Đức (tên anh chàng) vẫn còn giữ được niềm lãng mạn ấy hay lại sợ đua xe bị ... công an bắt?
Ngày hôm qua, anh Bình đã gọi điện báo mời ngày 1.5 đi đám giỗ anh Tân. Anh Tân hy sinh đúng ngày 1.5.1970 (hay 1971 gì đó) ở Quảng Bình. Mình được nghe kể lại (chứ hồi đó mới 4, 5 tuổi biết gì đâu), anh Tân là sĩ quan và là kỹ sư máy đã được học tập ở Trung Quốc. Ngày Quốc tế Lao động 1.5 lẽ ra được nghỉ nhưng vì có một chi tiết máy đang làm dở nên anh đã đi làm cho xong và gặp pháo địch  nên hy sinh  trên chính quê vợ mình. Bây giờ gia đình làm đám giỗ anh cứ đúng theo ngày dương lịch là mùng 1.5. Giá như anh ráng sống thêm vài năm nữa thì tốt biết mấy.