Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

CHÍNH SÁCH THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT -CẦN MỘT SỰ THAY ĐỔI CĂN BẢN



Cũng như các loại thuế khác, Thuế sử dụng đất là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Đây cũng là một loại thuế quan trọng, không chỉ vì nó chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu tổng thu của ngân sách mà còn vì thuế nhà đất gắn liền với quyền sử dụng nhà đất, nghĩa là đụng đến quyền lợi của đại đa số nhân dân. Đối với ngân sách địa phương, nhất là  ở cấp quận, huyện xã, phường, đây là nguồn thu được điều tiết cao nhất và ổn định nhất. Có thể nói chính sách Thuế sử dụng đất nói chung và thuế nhà đất nói riêng những năm qua đã bộc lộ nhiều mặt bất hợp lý và cần có một sự thay đổi căn bản. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin đi sâu vào phân tích chính sách thuế nhà đất, nhất là nhà đất ở đô thị. 

Những bất hợp lý từ chính sách thuế sử dụng đất hiện hành
Hiện nay việc thu thuế, nộp thuế nhà đất được thực hiện căn cứ vào Pháp lệnh về Thuế nhà, đất được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 31/7/1992 và Pháp lệnh  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về Thuế Nhà, đất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 19/5/1994. Tuy tên gọi là Pháp lệnh về Thuế nhà, đất nhưng thực ra chỉ qui định thuế đất, còn thuế nhà thì chưa thu. Thuộc diện điều chỉnh của luật này là diện tích đất ở, đất xây dựng công trình. Đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Căn cứ tính thuế nhà, đất là diện tích đất, hạng đất và mức thuế sử dụng đất của từng hạng đất tính bằng kg thóc. Hạng đất để xác định số lần số thuế sử dụng đất nông nghiệp căn cứ vào các yếu tố loại đô thị, loại đường phố, khu phố, vị trí đất. Giá tính thuế căn cứ vào giá thóc được qui định hàng năm để tính thuế được qui ra bằng tiền mặt.
Mới đọc như vậy chúng ta đã  thấy ngay về mặt hình thức, những qui định trên đây quá rắc rối, khó khăn cho công tác thu thuế, dễ bị viện dẫn tuỳ tiện không phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đó là chưa nói đến những hệ luỵ của nó là mất công bằng xã hội, tạo điều kiện đầu cơ đất, góp phần kìm hãm sự phát triển  và điều quan trọng chính là việc quản lý và sử dụng đất không tiết kiệm, không hiệu quả.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề thuế nhà đất, Quốc hội, Chính phủ đã có dự án xây dựng Luật Thuế sử dụng đất thay thế cho Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Pháp lệnh Thuế nhà đất. Theo Dự thảo Luật Thuế sử dụng đất thì căn cứ tính thuế là diện tích, giá đất và thuế suất. Trong đó giá tính thuế được được xác định theo giá các loại đất do UBND cấp tỉnh qui định sát với giá chuyển nhượng trên thị trường được công bố hàng năm theo qui định của Luật Đất đai 2003.

Những lợi ích đem lại từ các căn cứ tính thuế mới
Qui định theo như trên đây sẽ đem lại được những vấn đề cốt yếu sau:
Thứ nhất: Về mặt hình thức, qui định về thuế và cách tính thuế rất rõ ràng dễ hiểu. Người dân, người sử dụng đất và cơ quan thuế dễ dàng tính ngay được mức thuế phải đóng hàng năm. Qui định rõ ràng sẽ hạn chế được những tiêu cực nếu có từ nhân viên thu thuế. Điều này khác hẳn với qui định cũ về hạng đất và do mức thuế chênh lệch giữa các hạng đất (không được xác định rõ ràng) dễ dẫn đến tiêu cực trong đóng thuế và thu thuế bởi đa số người dân không biết đất mình đang sử dụng  thuộc hạng đất nào; chỉ biết được số thuế phải đóng theo Thông báo mà “ông Phường, Xã” đưa tới.
Thứ hai: Giải quyết được những bất hợp lý về trong động viên thuế  và đảm bảo công bằng xã hội trong việc sử dụng đất và đóng thuế sử dụng đất. Đất đang sử dụng ở vị trí thuận lợi sẽ có giá cao hơn và do đó mức thuế sử dụng đất cũng sẽ cao hơn những nơi khác có vị trí không thuận lợi. Sự công bằng này cũng được thể hiện ngay trong quá trình giải toả đền bù, đô thị hoá. Ví dụ như trước khi giải toả, khu đất này nằm trong kiệt hẻm được xác định giá là 200.000đồng/m2. Nhưng sau đó, khi giải toả xong, khu đất đó được ra mặt tiền với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, giá đất được xác định lại là 2.000.000đồng/m2. Như vậy mức thuế đóng hàng năm của khu đất đó sẽ tăng lên 10 lần tương ứng với mức tăng giá đất. Nhà nước thu thuế đất hàng năm có điều kiện trang trải cho những đầu tư trước đây về mở đường và xây dựng hạ tầng.
Thứ ba: Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn; hạn chế tình trạng đầu cơ đất.
Hiện nay, người ta thường nói vui: “có đất, cất đó” Tình trạng đầu cơ đất đã trở nên phổ biến. Tại các đô thị, rất nhiều người đổ xô đi mua đất tích trữ trong khi nhu cầu sử dụng đất thực sự không có. Các đại gia, các đầu nậu cò đất cũng tranh thủ làm ăn. Giá đất lên xuống thất thường. Sốt đất, đóng băng đất trở thành đề tài bàn luận thường xuyên trên báo chí. Kéo theo đó là tình trạng đất tuy có chủ mà bỏ hoang, tình trạng sử dụng đất không hiệu quả. Qui hoạch đô thị trở nên bát nháo; phổ biến là nhà chia lô, ai cũng muốn nhà mình ra mặt tiền để dễ kinh doanh, buôn bán; vào chung cư chỉ là chuyện cùng đường bất đắc dĩ. Các nhà đầu tư dự án thấy mảnh đất nào thuận lợi một chút là chăm chăm vào việc phân lô bán nền nhà. Đất dành cho sinh hoạt công cộng, công viên, cây xanh…bị “gặm nhấm” không thương tiếc.   
Nếu chúng ta áp dụng cách tính thuế, theo đó tăng mức thu thuế gấp nhiều lần mức thuế cơ bản thông thường đối với phần diện tích đất để hoang, không sử dụng; sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ đất, nắm giữ đất đai trái pháp luật; xác định được kế hoạch sử dụng đất phù hợp với nhu cầu thực chất xã hội; chấn chỉnh tình trạng sốt đất “ảo”, “đóng băng ảo”. Đồng thời, qui định như vậy sẽ khuyến khích được việc xây dựng nhà cao tầng, tiết kiệm diện tích đất, tăng diện  tích thông thoáng công cộng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị.
Thứ tư: Cách  tính thuế mới phù hợp với luật pháp quốc tế; ổn định nguồn thu, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội. Trên quan điểm thu thuế để phục vụ phát triển đất nước, thuế sử dụng đất là một nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước mà hiện nay đang còn “bỏ ngỏ”.
Chúng tôi xin mạn phép dẫn ra một con số theo cách tính “chay” đơn giản như sau: Theo kế hoạch sử dụng đất mà Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất, diện tích đất ở đô thị đến 2010 chỉ chiếm 0,03% đất tự nhiên quốc gia (tương đương 110.000ha). (dẫn theo nguồn http:/www.vietnamnet.com). Nếu bình quân giá đất đô thị là 500.000đồng/m2 (rất khiêm tốn so với thực tế), với mức thuế suất 0,3% (tương đương khoảng 1.500đồng/m2/tháng) thì mỗi tháng Nhà nước sẽ thu khoảng 1500 tỷ đồng, mỗi năm là 18.000 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất ở tại đô thị; nghĩa là gấp gần 45 lần mức thu thuế nhà đất trong một năm như hiện nay. (Hiện nay số thu về thuế nhà đất hiện nay trong cả nước chỉ vào khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm và số thu năm sau so với năm trước tăng khoảng 1%. (dẫn theo  nguồn Diễn đàn doanh nghiệp http:/www.dddn.com.vn) Đó là chưa kể đến các nguồn thu từ thuế sử dụng các loại đất khác.

Với những lợi ích như trên, thiết nghĩ Nhà nước ta cần sớm ban hành Luật Thuế sử  dụng đất với những thay đổi căn bản so với chính sách thuế Nhà đất hiện nay.
 

TẢN MẠN NHỮNG CÁI BIỆT DANH THỜI SINH VIÊN

Học cùng nhau, chơi cùng nhau, ở cùng nhau trong ký túc xá những hơn 4 năm, những tên sinh viên nào không có biệt danh mới coi là sự lạ. Hai mươi năm rồi gặp lại, gọi tên nhau toàn bằng biệt danh hồi ở trường có lẽ là niềm vui hiếm có, phải không mọi người ?.
Chẳng hạn như tớ đây, tên đầy đủ của tớ, đố đứa nào nhớ được? Hầu như chỉ nhớ tớ tên là Mèo, khi yêu quí thì gọi là Mèo Con, khi hơi ghét ghét thì gọi là Con Mèo. Có thể nói, tớ là người được hân hạnh có biệt danh đầu tiên của khoá mình và người đặt cho tớ chính là cậu Nam “xích lô”. Sự tích là hồi đó, tớ cao hứng làm “em xi” cho một chương trình văn nghệ của “các cháu mẫu giáo 18 tuổi trở lên” tại Hội trường C, mời các đấng mày râu là Hải “Bọ ngựa”, Minh “Nhí”, Hải “Đuôi”, Châu “Bờm”… đến chơi. Và thế là tớ “chết” cái tên Mèo con từ đó. Đến nỗi sau này, khi thi vấn đáp, con Bình Hối còn nhầm rằng tên tớ vần M mới chết chứ. Tớ cũng dám cá là bây giờ trên danh bạ điện thoại di động của khá nhiều bạn đều để tớ ở vần M. Nói thật, đến bây giờ dù thân hình đã trở thành Voi con rồi nhưng tớ vẫn khoái cái biệt danh dễ ghét này lắm đó.
Đã có Mèo rồi, y như rằng sau đó có ngay một chú Cún con ra đời là biệt danh của Hoàng Anh. Không chỉ thế mà Xuân Hoà cũng nghiễm nhiên mang luôn cái danh Hoà Mốc để phân biệt cùng Hoà Muối tiêu và Hoà Mít. Rồi thì cái Thị Hà cũng nhanh chóng có tên Hà Chuột bạch, Ngọc Hà là Đà Điểu, Kim Thương là Bọ gậy. Bên con trai có tên Tuấn Anh “Bò con” với đôi mắt giống y chang … mắt bò. Vì thế đến trường Pháp lý, nghe dân K10 mình xưng hô với nhau, chắc chắn mọi người sẽ ngỡ rằng đã lạc vào vườn…cổ tích, hay đơn giản hơn là vườn…thú (!).
Có thú rồi thì cũng có thức ăn, thức uống và thức hút (thuốc lá). Qui tắc đơn giản là người nào thích ăn gì thì gán luôn cái biệt danh đó. Cánh con gái có Khổng Dung khoái Zăm bông liên mang ngay tên Zămbông, khỏi bàn cãi, Thuý Hoà là Muối tiêu, Thanh Hương là Hương Chanh muối; cánh con trai có Dũng Ba số phân biệt với Dũng La Dalat,
Dựa vào hình thức, phong cách thường là yếu tố cấu thành… những cái biệt danh. Anh Thanh Hải cao kều, hồi đó gầy giơ xương nên dĩ nhiên có tên là Bọ Ngựa, Hải Bọ ngựa yêu và lấy Hà Đà điểu rất chi là vừa đôi phải lứa. Lão Phi Hùng nhà ta nom rất chi là “chí thức” với “bốn mắt thường trực” nên có tên là Biết Tuốt. Còn “cụ”  Hoài Nam với bộ ria con kiến (hồi đó mới lún phún) đành đau lòng nhận biệt danh “Nam Xích lô”. Lê Công Định được gọi là Định Ngáo vì trông hắn ta cứ ngáo ngáo (tớ đây chẳng thể giải thích ngáo là như thế nào, chỉ biết là rất ngáo). Đứa nào chơi ác đặt cho Quốc Anh mình cái tên “xì thẩu” nghe sao mà … đúng thế. Bây giờ trông còn được được chứ lúc ấy cậu đen thui, mập ịch, xấu ơi là xấu đó Quốc Anh à (!). Cũng như Đắc Minh bây giờ trông  cao to, “đẹp chai” chứ hồi ấy bé như kẹo kéo nên mới bị mang tên là Minh Nhí (bọn nó vẫn quen gọi là Nhí ơi, Nhí hỡi, quên luôn chữ Minh). Phong Nhom thì đương nhiên là còm nhỏm còm nhom và bây chừ vẫn như rứa (!)như Ngọc Lùn muôn kiếp vẫn lùn. Hoài Sơn không tự ái khi được gọi “yêu” là Hanuman (vì đây là một nhân vật hơi bị … được trong vở ca kịch nàng Si ta). Bột là biệt danh của Thanh Sơn chắc là vì mập mạp nhưng nhão …như bột. Do tình trạng chị em có vẻ phì nhiêu hơn anh em nên cánh con gái chúng tớ có hẳn hai quả mít là Mít lớn (Hiệp Hoà) và Mít nhỏ (Thanh Huyền), thêm hột mít (Xuân Nhuệ), thiếu … mít ướt bởi vì chúng tớ hiếm khi khóc nhè lắm. “Má” Thanh Cò bé nhỏ nhưng chúa… nói bậy. Là con gái mà cứ đòi làm chủ thể của điều 112 Bộ luật hình sự 1985 (tội hiếp dâm). Bình Hít (tên đầy đủ là Bình Hít le) là biệt danh của Thanh Bình (nam), bây giờ là Tiến sĩ Luật nhưng trông vẫn giống Hít le dễ sợ. Các bạn còn nhớ đến một đấng nam nhi nhà mình có một cái tên nghe rất khả ái là Liễu Minh Hoài, người thì cao mà thân hình ốm nhom ốm nhách đến nỗi có cảm tưởng như “làn gió biết mặc áo” không ? Vậy nên  “tiên sinh họ Liễu” nhà ta được mệnh danh là “Liễu tiểu thư” và thường bị cánh con gái chúng tớ mượn tên để viết thư làm quen với các chàng trai có ý định dòm dỏ mà chúng tớ thì muốn chối phắt hậu quả. Ngược lại với “Liễu Tiểu thư” là tên Bình Trọng với vòng 3 khá phì nhiêu, (lại thêm một cái quần ống loe màu kem phủ lên trên đôi giày bata xanh khá đặc trưng) nên bọn con gái chúng tớ cứ lén gọi cậu là Trọng ‘sồ sề”. Còn tên Hiệp “Pi-e”nữa, tên này có bộ tóc quăn rất tây nhưng là “chăm phần chăm” là dân miền …Tây cá “gô” bỏ zdô “gổ”.

Tính cách tạo nên số phận và tính cách cũng tạo nên …biệt danh. Có những biệt danh nghe như chửi nhau nhưng chủ sở hữu nó thì không thấy thế làm buồn, còn người gọi thì cũng quen đi, lâu dần thấy bình thường, có lúc còn thấy hay hay. Mọi người chắc nhớ ngay đến Hà Ngố và Vân Điên. Hà Ngố toàn xưng là Ngố, “Ngố thế này, Ngố thế nọ” (bây giờ 20 năm rồi mà gặp bạn cũ vẫn xưng hô thế mới ngại chứ). Khi cao hứng Ngố còn thêm vào chữ lót Diễm Ngố nghe cho oai (!). Mọi người cũng quen lâu rồi cũng thấy Ngố không ngố nữa, chứ người ngoài nghe được không khéo “lăn đùng ngã ngửa”. Sẽ không mấy ai nhớ đến Hồ Tuấn Anh mà sẽ chỉ nhớ đến Nhắng, hay ca sĩ Kiều Nhắng với bài hát “bèo dạt mây trôi” bất hủ. Bích Hằng có tên là Hằng “vấn đề” bởi vì lúc nào, ở đâu, cái gì nó cũng hay quan trọng “vấn đề”. Cũng như Tân “bôn” là người luôn luôn nghiêm túc, nghiêm chỉnh, nghiêm nghị đúng kiểu … bôn sê vích. Minh đểu thì đã được chứng minh là đểu thật chứ không phải đểu …giả. Thanh Bình (nữ) vốn hay lo lắng, hay hối thúc mọi người nên có ngay tên là Bình Hối. Thi thoảng được lót thêm chữ Mộng thành Mộng Hối để sánh vai cùng Diễm Ngố và Kiều Nhắng. Thanh (Đồng Tháp) như một chú gà con suốt ngày than “khiếp khiếp” nên được gọi là Thanh “Khủng khiếp” mặc dù nó hiền như đất; Vi được gọi là Vi “cau có” (bây giờ thì hình như đã hết cau có rồi). Tuyết “điều” lẽ ra phải đầy đủ là Tuyết “điều điệu” vì chị chàng trông yểu điệu thục nữ như mấy cô đào trên sân khấu Kinh kịch. Quốc Trung có khiếu hài hước, thường tham gia viết báo nên mang tiếng là Hai Cù Nèo- “rất hợp với dáng em”.
Địa danh, quê quán cũng được coi là căn cứ để đặt tên cho các “đương sự”: Loan Tây Ninh (vì quê ở Tây Ninh), Minh Đặc khu (vì hắn ở đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo). Minh Hải được gán thêm chữ Bọ vì có quê ở Quảng Bình.
Một số biệt danh khác vô cùng đơn giản như đang … giỡn. Minh Giặc bởi vì nó như giặc Minh; Tờ rúc thì do cách “chiết tự” tên hắn là Trúc mà; “bà Biện” là ghi nhớ đến cái họ không giống ai của Biện Thị Hoa, không gọi tên Hoa vì sợ trùng tên, cả khoá có 4 đứa tên Hoa; bà Biện trở thành phu nhân của Thạch “sùng” (vì hay nổi sùng hay là hay tiếc của, hay là quen miệng thì tớ không rõ). Anh Đỗ Đức Chín, nhiều tuổi, chưa vợ, có nguy cơ bị ế, nên mấy đứa ranh con gọi lén anh là Chín “lũn” (chín quá nên lũn mất); Anh Mận chỉ còn có 7 ngón tay nên gọi là anh Bảy (không biết có đúng không). Một số tên khác thì phức tạp hơn do gắn với những kỷ niệm đáng nhớ. Liệu “cờ mo” là kết quả của việc hắn ta toàn đọc tiếng Nga bằng tiếng …Việt. Còn Dương “nói lố” là cách phiên âm tiếng Quảng của chữ “nói láo” mà Dương hay sử dụng để chỉ trích một đứa nào đó. Hà “âm” là tên gọi lén của mấy đứa con gái đối với Trần Thanh Hà vì nhân này có vẻ ngoài như con gấu nhưng tâm hồn thì lại rất … “âm lịch”. (Hắn ta nghe được biệt danh này tức lên cho một chưởng chết liền.)
Có những biệt danh nghe qua thì đơn giản nhưng để giải nghĩa lại là cả một quá trình tinh vi, phức tạp; có những biệt danh ai cũng biết nhưng không ai dám giải nghĩa. Ví dụ như đố ai giải nghĩa được chữ “đuôi” trong biệt danh Hải “đuôi”? Tớ biết đấy nhưng tớ không nói đâu, hi hi…
Có những biệt danh hay, có những biệt danh dở; có những biệt danh dễ thương  nên đương sự rất lấy làm khoái chí, có cái biệt danh biến chủ sở hữu trở thành… “khổ chủ”; nhưng tất cả nó đều rất dí dỏm, mang đậm chất sinh viên, xứng đáng đứng hàng thứ ba sau… quỉ và ma.  
Hơn 20 năm đã trôi qua nhanh như một giấc mơ. Có dịp gặp lại nhau, nhớ lại những năm tháng cùng nhau dưới mái trường đại học, nhắc lại những kỷ niệm khó quên của thời sinh viên, gọi nhau bằng những cái biệt danh dí dỏm, ngộ nghĩnh là hạnh phúc vô cùng đó bạn. Ví dụ như Quốc Anh đang đường đường là Chánh Văn phòng SaigonTourist, đố đứa nào dám kêu hắn là “xì thẩu”?, Đại gia Tuấn Anh  đứa nào gọi “ê bò con (!)” chết liền? thì chỉ có bạn bè và bạn bè thôi, đúng không? 
    Tác giả : Mèo con
(đố ai nhớ tên thật của tớ)

ĐOẠN TRƯỜNG THI NÂNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN CHÍNH

ản mạn từ cuộc thi nâng ngạch công chức?
Cuộc thi được nói trong bài viết này là kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính do Bộ Nội vụ tổ chức hàng năm. Mục đích của kỳ thi theo Ban tổ chức là để sát hạch trình độ chuyên môn của cán bộ công chức, làm cơ sở để đánh giá chất lượng công chức, sắp xếp công chức theo trình độ, đồng thời cũng đảm bảo về chế độ chính sách cho anh em thông qua thang bậc lương được hưởng sau khi nâng ngạch. Tham gia cuộc thi có gần 500 công chức từ các tỉnh thành phía nam về thành phố Hồ Chí Minh. Để đến với cuộc thi, các thí sinh đều đã có thâm niên hàng chục năm trở lên “lăn lộn” trên “chiến trường bàn giấy” với đủ các điều kiện bằng cấp về ngoại ngữ, tin học… sẵn sàng ứng thí. Đến cuộc thi mới thấy, số thí sinh U40 chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần là những người tuổi cao, “da mồi tóc bạc”, “chức sắc đầy mình”. Cũng không hiếm người thi xong, có kết quả cũng là lúc “nhận sổ nghỉ hưu”. Chính vì vậy, việc đi thi chuyên viên chính với “các cụ” trớ trêu thay lại trở thành những câu chuyện “dở khóc dở cười”.
Thôi thì được tỉnh xếp cho đi thi đợt này đã là quá may mắn, khối người bằng cấp, trình độ có kém cạnh gì nhưng đâu phải ai cũng được đi thi. Tuy rằng ở cuộc thi này, tính cạnh tranh, đua chen, tỷ lệ đậu rớt, “chọi nhau” không được đặt ra nhưng chính nó lại ngấm ngầm trở thành một áp lực tâm lý nặng nề cho thí sinh khi buộc phải đậu chứ không còn con đường nào khác. Chưa kể đến những thông tin về việc thi cử ở nơi này, nơi kia, về sự khắt khe trong việc ra đề, coi thi … cũng khiến cho đa số thí sinh-công chức nhà ta “đổ mồ hôi hột”.    
Và thế là các “chiêu bài” nhằm đạt điểm đỗ được phát huy tối đa. Đầu tiên là các máy photocopy phía trước cổng trường (địa điểm dự thi) phát huy hết công suất mà vẫn không kịp in sao những bài học trong sách thành những quyển nho nhỏ nằm gọn lòng bàn tay, chữ thì li ti để bán cho các công chức thí sinh nhà ta. Thí sinh tỉnh này “ngó nghiêng” qua tỉnh khác để xem có “thông tin” gì mới và khác không. Chắc vì vậy mà mấy bài topic tiếng Anh của tỉnh này soạn với đặc thù của riêng tỉnh họ thì chẳng mấy chốc đã trở thành đại trà cho thí sinh nhiều tỉnh khác có trong tay. Chưa đủ, thỉnh thoảng trong khu vực nội trú lại có từng nhóm túm năm, tụm ba để bàn bạc, nghe đâu có người quen với ông này, bà nọ trong Hội đồng thi được người ta tiết lộ cho đề thi năm nay sẽ là thế này, thế này… Nhưng có lẽ sôi nổi nhất vẫn là những cuộc thảo luận làm sao đối phó với tình trạng coi thi ngặt nghèo của các giám thị. Có tỉnh lợi dụng chiêu quen biết giáo viên trong trường để đặt vấn đề “bồi dưỡng”, có nơi bàn phương án “điệu hổ li sơn” trong phòng thi hoặc phương án “thả mồi bắt bóng” bằng điện thoại di động… thôi thì đủ kiểu. Có thể nói 100% thí sinh làm “phao” để đem vào phòng thi (còn việc đem vào mà có sử dụng không thì là chuyện khác). Có người làm hai, ba “phao” để dự phòng, mất cái này có ngay cái khác. Tội nghiệp nhất là các bác già, làm “phao” nhỏ, chữ nhỏ quá làm sao đọc. Vậy nên có chuyện cười khi một thí sinh nói: “Tui mà là giám thị, tui cho mang tài liệu vào thoải mái nhưng… không cho mang kiếng”. “Thế thì bó tay luôn. He he”. Đã làm “phao” rồi, lại làm nhiều “phao” thành ra cũng phải nhớ thuộc lòng sơ đồ bố trí “phao” theo kiểu: “công văn túi áo, thông báo túi quần, lý luận chung túi trước, quản lý nhà nước túi sau…”. Cho nên nhiều thí sinh trông như bị thần kinh khi vào đến phòng thi rồi mà còn vừa đi vừa lẩm nhẩm bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau…Cô bạn tôi thật thà thú nhận: “trong đời đi học của mình tôi chưa bao giờ phải giở tài liệu như lần này. Thật xấu hổ quá”. Thôi thì dù sao đi nữa cũng còn có người nhận ra và xấu hổ với hành vi tệ hại của mình.
    
Cuối cùng ngày thi cũng đến. Các thí sinh trật tự và “nghiêm trọng” bước vào phòng thi. Ẩn chứa đằng sau các khuôn mặt là sự căng thẳng (không hẳn là do lo sợ nội dung bài thi khó mà là sợ không giở được tài liệu mà chép) đến cực độ. Bài đầu tiên thi viết hành chính. Sau 3 tiếng đồng hồ, bước ra ngoài, là nổi ngay những tiếng lao xao bàn cãi về nội dung đề thi. Phàm đã là đề thi, nội dung tất phải chuẩn mực, nghĩa là phải đem đến cho hầu hết thí sinh cách hiểu giống nhau về một vấn đề. Nhưng đề thi lần này khác hẳn. Cả người giỏi, người dở, 500 người là 500 cách hiểu khác nhau về đề thi nhưng nhận định chung của hầu hết thí sinh là những người ra đề này là những người không trải qua thực tế làm việc. Chính vì vậy nội dung đề thi không chỉ rất dở, không thực tế, mà thậm chí còn sai cả về ngữ nghĩa trong cách thể hiện. Nội dung đề không hợp lý, người ra đề phải chịu trách nhiệm đã đành, nhưng có thể nói người kiểm tra đề cũng tắc trách, quan liêu…Và hậu quả là những thí sinh phải gánh chịu. Phần thi trắc nghiệm hành chính và tin học thì được Chủ tịch Hội đồng thi (khi đi giám sát) ví với “lớp bình dân học vụ” . Ví như thế đã là nhẹ vì nó nháo nhác, hỗn độn chả khác gì cái chợ. Đấy là chưa kể đến yêu cầu về kỹ thuật làm bài thi. Bài thì bảo đánh chéo vào phương án được chọn, khoanh tròn lại là bỏ. Bài thì bảo khoanh tròn lại là chọn, đánh chéo là bỏ. Bài Anh văn, đề bài yêu cầu khoanh tròn (circle) nhưng giám thị lại yêu cầu đánh chéo. Vậy là thí sinh cứ hoang mang chẳng biết đường nào mà lần và chính nó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thí sinh.
  
Không phủ nhận rằng có những người đã vượt qua kỳ thi bằng chính khả năng của mình, nhưng với cuộc thi này số người nói trên thuộc diện hàng hiếm và có thể khẳng định rằng kết quả của họ không cao lắm. Phần lớn những người thi đậu được nhờ sự may mắn (xem được “phao” hoặc có người bên cạnh làm bài được cho chép). Số ít làm bài không được là do kém may mắn. Như vậy cuộc thi chuyển ngạch công chức như trên rốt cục đã đạt được cái gì? Phải chăng đó là kỹ năng thực hành “công nghệ copy” tài liệu hay nói một cách đau xót đó là thói dối trá, là căn bệnh thành tích, thói đạo đức giả mà các công chức thí sinh kia dù biết là xấu nhưng đã không thể không làm. Đó là thói “đi đêm” chạy chọt như một tất yếu để gỡ gạc cho sự dốt nát của mình.  Có cả những thông tin về sự tệ hại của một vài người trong Ban tổ chức kỳ thi khi lên giọng yêu cầu thí sinh phải thế này, thế nọ gây áp lực căng thẳng cho thí sinh với mục đích vụ lợi. Đó là sự luộm thuộm trong tổ chức, gây tốn kém cho nhà nước và xã hội. Vì chỉ tính sơ sơ gần 500 người đi thi, chi phí ăn ở, sinh hoạt trong 10 ngày  không dưới 4 triệu đồng/người thì tính ra đã hàng tỷ. Và kết quả phản ánh có  thực chất không khi người giỏi chuyên môn mà không giỏi chép tài liệu thì có nguy cơ bị rớt và ngược lại người dốt mà chép được tài liệu thì đỗ mà có khi lại đỗ điểm cao. 

Tất nhiên, có rất nhiều cách làm để thực hiện được mục đích kỳ thi đề ra ít tốn kém mà hiệu quả. Hiện nay công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi hầu khắp các công sở và trong nhân dân. Chúng ta có thể giao lưu với cả thế giới qua mạng internet thì hà tất phải lôi hàng trăm người từ hàng trăm, hàng ngàn cây số đến tập trung thi tại một điểm duy nhất, hà tất phải vào đến nơi mới hệ thống hoá, phát đề cương ôn thi, hà tất phải ra một đề thi trắc nghiệm tin học với những câu hỏi về những phím nóng, bật tắt máy… nhiều khi trở thành ngớ ngẩn. Cũng như cách ra đề, chẳng  lẽ bao nhiêu chuyên gia của Bộ Nội vụ lại không đủ sức ra một đề thi tổng hợp kiến thức để anh em khỏi cần phải trình diễn “công nghệ copy” mà vẫn đánh giá được trình độ một cách thực chất.
Băn khoăn trăn trở về những kỳ thi nâng ngạch công chức không chỉ là tâm lý của những thí sinh công chức tham dự đợt này mà của cả những người đã thi và trở thành chuyên viên chính từ nhiều năm trước. Bức xúc, viết rồi nhưng mãi mới gửi đăng không phải vì chúng tôi lo bị soi mói, bị thù dai, đánh rớt mà vì lời nhắn nhủ của các công chức khác: “thôi xin các ông bà đừng có viết nữa, viết họ làm khó, chết chúng tôi đi thi năm sau đó”. Xin lỗi các anh em thi sau. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng sau bài báo này, anh em thí sinh đợt sau không phải gánh chịu những “đoạn trường ấm ức” như những đợt thi trước mà vẫn đảm bảo đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực công chức theo mục đích đẹp đẽ mà kỳ thi đặt ra cũng như mong muốn của người viết bài này là được góp phần làm trong sạch nâng cao chất lượng công chức trong bối cảnh chung của đất nước.   
(Viết sau kỳ thi chuyên viên chính năm 2007)

ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI

Kính tặng: Thầy Nguyễn Văn Thông
Giáo viên Văn học trường THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng 
 
Cách nay hơn 20 năm, trong một tiết giảng văn, thầy tôi nói:
- Ông bà ta có câu ca dao rất hay :
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Chúng ta ai mà chẳng biết câu ca dao ấy nói về tình nghĩa vợ chồng, sự đồng thuận trong gia đình. Thế nhưng lũ học sinh chúng tôi rất ngạc nhiên và thú vị khi thầy nói tiếp:
- Câu ca dao ấy rất hay và giàu ý nghĩa. Tuy vậy, có một dị bản mà  thầy thấy hay hơn nếu câu thứ hai được viết là:
Chồng chan vợ húp lắc đầu khen ngon
Câu này hay ở chỗ: vốn dĩ râu tôm và ruột bầu là hai thứ mà người ta gần như bỏ đi. Của bỏ đi mà hai vợ chồng đem về nấu thì làm sao ngon cho được. Cái lắc đầu ở đây là ngầm ý chê món ăn dở, nhưng vì tình nghĩa vợ chồng, sự đồng cam cộng khổ nên cả hai vợ chồng đều vui vẻ chan húp, khen ngon. Chính do cái không ngon của bát canh mà cái tình cái nghĩa được tô đậm nét hơn cả. Chính cái không ngon của bát canh (tượng trưng cho cái vật chất tầm thường) lại làm cho hạnh phúc (tượng trưng cho vẻ đẹp tinh thần) của gia đình người nông dân xưa được khắc họa một cách trọn vẹn hơn cả.   
Khi còn nhỏ, tôi chỉ cảm thấy lời thầy có gì đó khác khác với cách người ta hay nói mà lại hay, mà lại thú vị vì chứa đựng một điều tưởng chừng như nghịch lý mà lại không hề là nghịch lý. Càng ngày, tôi càng thấm thía cái câu thầy tôi đã dạy chúng tôi năm ấy. Lớn lên rồi, nhìn ra rộng hơn lại thấy nhiều điều mang ý nghĩa tương tự. Ấy là tôi muốn đề cập đến sự đồng thuận xã hội.
Sự đồng thuận xã hội được hiểu như là sự nhất trí cao trong tư tưởng, sự hưởng ứng nhiệt tình trong hành động tạo nên sức mạnh thực hiện một mục đích chung. Sự đồng thuận trong xã hội vốn là yếu tố căn bản, yếu tố gốc cho sự ổn định xã hội.
Sự đồng thuận phải được khởi nguồn từ tư tưởng và bằng tư tưởng. “Tư tưởng chưa thông vác bình không cũng nặng”. Thế nên, đồng thuận không phải và không hề là sự tuân thủ một cách duy ý chí những mệnh lệnh được ban ra càng không thể là sự thống nhất dưới ngọn roi của bạo lực, cường quyền. Cái hành động “lắc đầu khen ngon” của câu ca dao trên phải chăng nhắc nhở cho chúng ta sự nhận thức đúng đắn vấn đề cần được giải quyết chứ không nên mù quáng, ảo tưởng. Hai vợ chồng người nông dân vẫn sáng suốt để nhận ra được cái sự không ngon của bát canh nấu bằng râu tôm, ruột bầu. Cái lắc đầu của vợ chồng người nông dân cũng đồng thời thể hiện cho việc hiểu và chấp nhận thực trạng “râu tôm ruột bầu” khi chưa thể thay đổi ngay được cái thực tế khó khăn ấy. Phải chăng sự đồng thuận trong xã hội cũng phải đi từ sự hiểu biết rõ thực trạng, những khó khăn, những thử thách từ thực tế đời sống để xây dựng một mục tiêu phấn đấu đi lên, để có biện pháp khắc phục các khó khăn tạm thời, để đời sau không còn cảnh “ruột bầu râu tôm” như cha ông ngày trước.
Nhiều chủ trương, chính sách mới ban hành thường không thể có ngay sự đồng thuận kể cả khi nó không đụng chạm đến quyền lợi của một ai trong xã hội. Cũng có những chủ trương đưa ra nhưng việc thực hiện không hề giản đơn dẫu có được sự nhất trí của đa số người trong xã hội.
Cần phải có sự tỉnh táo để nhận thức cái được, cái mất, cái hay, cái dở,…Cần nhận thức được đằng sau những cánh tay giơ lên biểu quyết đó là gì? Phải chăng là sự thống nhất toàn tâm toàn ý? hay là thói a dua xu nịnh? hay tệ hơn là có người đã nhận ra những bất cập, bất hợp lý thậm chí là sai trái nữa trong chủ trương nhưng đã thờ ơ, vô trách nhiệm với đất nước, với chính cuộc sống này bằng việc giơ tay như những người xung quanh?  Trên thực tế cũng không phải là không có những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trung thực lại bị đánh giá là trái chiều, là cản bước tiến của xã hội. Có những sự phản ứng trước những điều nghịch lý lại bị qui chụp bằng đủ thứ mũ. Có những sự đánh giá vô cùng chủ quan về sự đồng thuận mà không hề đồng thuận để rồi cuối cùng phải nhận lãnh những hậu quả đáng tiếc từ sự chủ quan ấy. Đó là tôi chưa nói đến việc lạm dụng đồng thuận hoặc trá hình đồng thuận cho những mục đích vụ lợi; dùng một lợi ích chung để hấp dẫn sự biểu quyết của đa số và sau đó lại thực hiện những việc làm sai trái dưới danh nghĩa “đồng thuận”.
Nếu chúng ta nhận biết được khó khăn, nếu chúng ta nhận thức rõ được những bất hợp lý cần phải cải tạo, nếu chúng ta nhận thức được mục tiêu lý tưỏng chung thì sự đồng thuận thực chất sẽ đến mà không cần phải được yêu cầu giơ tay biểu quyết.
...Tôi lại nhớ thầy tôi. Không biết có phải thầy đã tự “sáng tác” cái “lắc đầu khen ngon” thay cho “gật đầu khen ngon” ấy hay không, nhưng điều đó đã làm cho cô học trò của thầy dạo ấy là tôi thấm thía đến bây giờ cái chất nhân văn sâu thẳm từ cái “lắc đầu” ấy. Và có lẽ thầy tôi cũng không biết được rằng cái câu ca dao dị bản của thầy thuở ấy đã gieo cho tôi cái tính thích tiếp cận và nhìn nhận những vấn đề từ những góc cạnh khác với đa số người. Đôi khi điều ấy cũng gây cho tôi ít nhiều phiền toái nhưng tôi lại cảm giác thật thoải mái và chả bao giờ phải hối hận. Trong khi đó, nhiều lần tôi đã tự mình xấu hổ khi cứ bị cuốn đi và giơ tay đồng ý cho những điều mà mình chưa nhất trí.

CHUYỆN MÈO VÀ CHÓ

Ỏ một nhà nọ, chó và mèo cùng chung sống. Hàng ngày chúng cùng nhau sưởi nắng ngoài hiên nhà. Chuyện chả có gì đáng nói nếu không có một ngày …không đẹp trời, chó nằm nhìn sang chỗ mèo đang nhâm nhi một con cá ăn vụng được. Á à, bắt được quả tang nhé. Chó sủa gâu gâu, chủ nhà tưởng khách chạy ra và …dĩ nhiên mèo bị lộ tẩy và bị quất cho một roi. Điều đáng buồn là chả vì chuyện đó mà chó được khen, trong khi mèo thấy thế vô cùng ấm ức. Chả gì mèo cũng bắt được chuột, còn chó thì chỉ biết … sủa gâu gâu báo tin khách đến mà thôi. Mèo nghĩ, nếu chó còn ở đây thì thể nào mình cũng  bị phát giác chuyện ăn vụng. Ấm ức khiến mèo ta quyết tâm “chơi” lại chó cho bằng được. Vốn có năng khiếu trèo cao, chả khó khăn gì khi mèo trèo lên chạn tha một cục xương thịt to đùng để ngay chỗ chó đang ngủ. Và thế rồi trong khi chủ quát nạt đòi đuổi chó ra đường thì mèo ta lại đến ôm lấy chân chủ mà vuốt ve nũng nịu. Thế nên chủ lấy ngay mèo làm gương mắng chó sa sả : “Mày không bằng một góc con mèo này”. Đạt được mục đích, mèo từ đó an nhàn sung sướng, tha hồ ăn vụng mà chả ai hay. Lâu lâu, mèo cũng khôn đến nhảy vào lòng chủ nằm co ro, đưa cái mõm ướt cọ cọ vào tay chủ để lấy lòng.
 Phần chó, tức mà không thể thanh minh được, lại bị đuổi ra đường. Đang lơ ngơ chợt thấy chuột đi qua…Phải nói chuột trước đây vốn là kẻ thù  của cả chó và mèo. Mèo ghét chuột vốn là “thiên địch”, nhưng chó cũng ghét chuột vì cái tính tắt mắt, bẩn thỉu, hôi hám của chuột. Nhưng bây giờ thì, chậc, kệ nó, cứ thử gọi nó xem sao. Chuột hơi sững sờ khi nghe chó gọi, nhưng nó nhận thấy chó có vẻ rất thiện chí nên thử lại gần. Hai bên hỏi han tình hình rồi cuối cùng chó cũng đã trút hết tâm tư của mình cho chuột và …nhờ chuột giúp đỡ. Chả bao giờ nghĩ lại được có ngày chó nhờ vả đến mình nên chuột sốt sắng nhận lời. Chó và chuột cùng bàn bạc phương thức nhằm … hạ bệ mèo. Vốn con nhà võ, có tài đánh hơi, chó bày luôn cho chuột mấy chiêu thức tránh đòn của mèo. Nhờ vậy, chuột đã khiến cho mèo vất vả tối ngày rình rập, ăn không ngon ngủ không yên mà vẫn không bắt được chuột. Có lần, chuột còn nhử mèo, gài thế để mèo nhảy lên làm rơi vỡ lọ hoa quí, bị nhà chủ đánh cho một trận.  Vốn tính láu cá con buôn, ban đầu chuột chỉ giúp chó “quậy” mèo cho bõ tư thù cá nhân. Khi được chó khen ngợi, lại úy lạo thêm mấy khoanh bánh ngọt ăn chán chê, thì bỗng nảy ra thêm một ý đồ mới. Chuột nghĩ cũng có lý. Đằng nào mình cũng là chuột, có bẩn hơn hay sạch hơn thì cũng có ai coi cái tư cách mình hơn là con chuột đâu. Thế nên khi cảm thấy chó có vẻ mệt mỏi vì việc “cung phụng” mình thì chuột lập tức nghĩ cách tiếp cận mèo. Chuyện ấy cũng chả khó khăn gì và ngay sau đó chuột được mèo giả lơ cho tha hồ mà khuấy đảo nồi niêu, soong chảo. Mèo còn hứa nếu giúp làm cho chó phải thân bại danh liệt thì muốn gì mèo cũng chiều. Hai bên thì thầm, kế hoạch là mèo sẽ giả vờ bắt được chuột, đưa chuột đến trước “bàn dân thiên hạ” (ở đây là lũ  gà vịt, trâu bò) để chuột “thành thật khai báo” rằng mình đã bị chó dụ dỗ thế nào, thực hiện ra làm sao. Gì chứ mấy khoản ấy qua “hãng thông tấn” của vịt được thổi lên thành những tin “hot” nhất.  Mèo được thể làm già, tấn tới đòi phải lôi chó về để xử cho ra nhẽ.         
Một lũ gà vịt thi nhau quang quác trên sân có khiến chủ nhà để ý. Bực mình vì mất giấc ngủ trưa, chủ nhà lấy cán chổi ra sân, gặp con nào là phang con ấy.
Cách xử sự của chủ nhà chỉ làm cho chó mèo thêm thù nhau mà thôi. Mà chuyện ấy cũng có gì lạ đâu. Xưa nay đã có câu “thân nhau như chó với mèo mà”.

TẢN MẠN THẾ HỆ 6X

Không hiểu sao mỗi khi đọc sách, báo, xem truyền hình, về những tấm gương tiêu biểu, những người nổi tiếng, những thế hệ 7x, 8x… tôi cứ có một cảm giác thật tủi tủi vì hình như những người thuộc lứa tuổi 6x chúng tôi (tức là những người sinh vào thập kỷ 60) kém cỏi quá chăng.  Tôi cũng tự tủi thân đến mức không dám viết lũ chúng tôi là “thế hệ 6x” vì e gọi như vậy quá to tát so với những gì chúng tôi đáng nói. Tôi đã nhiều lần gợi ý cho các bạn tôi là cánh nhà báo, viết văn bảo hãy viết một cái gì đó đi về thế hệ tụi mình nhưng họ đều lắc đầu bảo khó quá. Thôi thì tôi cũng cứ mạnh dạn mà viết, không đại diện cho tất cả những người 6x thì khả dĩ cũng để cho mọi người biết thêm một chút về tôi và các bạn tôi,
Quả tình tôi cũng nghĩ là khó thật. Nói chuyện với các đàn anh, đàn chị chúng tôi đều nhận được những lời nửa thật, nửa đùa: “Chúng mày thì có cái gì mà nói. Nứt mắt ra đã hết chiến tranh rồi. Chỉ việc hưởng thụ hoà bình, học tập, làm việc. Ngay cả đến chuyện xin việc chúng mày cũng có khó khăn như bọn trẻ 7x, 8x bây giờ đâu”.(!)
Dường như người ta cũng cố tình không nhắc nhiều đến những năm 60 ngoài việc giảng văn bài “Bài ca xuân 61” của Tố Hữu. Có lẽ bởi những năm 60 gắn liền với những trang bi hùng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Những năm 60, chiến tranh Việt Nam đang trong tình trạng ác liệt nhất. Năm 1964, xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Năm 1965, Mỹ đem quân ồ ạt vào Việt Nam . Bom đạn dội xuống miền Bắc mỗi ngày hàng chục trận. Miền Bắc cũng huy động hầu hết lực lượng quân đội cho miền Nam . Má tôi bảo Hà Nội hồi ấy hầu như không có đàn ông. Tôi đã sinh ra trong hầm trú ẩn, giữa hai trận không kích tại Hà Nội và ba tôi thì đã vào Nam đi chiến trường B từ khi tôi còn nằm trong bụng. Năm 1968, cuộc Tổng tiến công tại miền Nam đã thu được những thắng lợi nhất định nhưng chúng ta cũng tổn thất lực lượng khá nhiều. Năm 1969, Bác Hồ qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam . Tôi nghĩ sở  dĩ chúng tôi ít được nói đến cũng bởi một phần là do những người sinh vào thập kỷ 60 hình như ít hơn so với số lượng người sinh ra trước và sau đó.
Có thể nói chúng tôi là một “lớp người bình yên”bởi vì khi chúng tôi đã biết biết một chút thì đất nước đã được hoàn toàn độc lập.  Tất cả những gì tôi còn nhớ về chiến tranh chỉ còn là tiếng còi báo động và tiếng nói trên đài phát thanh năm 1972: “đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách xa Hà Nội 20 kilômét, các lực lượng phòng không chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”. (hôm rồi nghe anh bạn cài đặt cái thông báo ấy trong điện thoại di động, mỗi khi có ai gọi đến thì phát lên làm mọi người được những trận cười  vui vẻ. Tôi chợt nhớ ngày xưa mà nổi hết gai ốc). Tôi cũng đã được chứng kiến cảnh cha tôi, nước mắt đầm đìa, bế bổng tôi lên mà quay vòng khi nghe được từ chiếc đài bán dẫn bản tin về chiến thắng Đà Nẵng, thành phố quê hương ông. Rồi đêm pháo hoa mừng chiến thắng tại Hà Nội với bài hát “Em bay trong đêm pháo hoa” rộn ràng, lâng lâng cảm xúc…
Sau năm 1975, chúng tôi theo cha mẹ về miền Nam . Vào thời cuối những năm 70, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cùng gia đình đã trải qua những tháng ngày cực nhọc với những bữa bo bo và mỳ sợi thay cho gạo. Bo bo là loại ngũ cốc chủ yếu để đánh lừa dạ dày chứ “đầu vào và đầu ra như nhau”. Điện thì hai tắt một đỏ. Một chiếc ti vi trắng đen cho cả xóm xem nhờ, chương trình quanh quẩn với mấy vở cải lương “Bên cầu dệt lụa” hay “Làm lại cuộc đời”. (buồn cười nhất là có ông Mỹ hát cải lương lơ lớ, lơ lớ). Mặc dù còn một số đứa vẫn mang nặng mặc cảm là con em những gia đình sĩ quan chế độ cũ, chúng tôi sống với nhau thật hồn nhiên. Tôi được phân làm lớp trưởng từ năm lớp 5 đến năm lớp 9. Những năm đầu, bọn bạn còn kỳ thị, phân biệt “bắc, nam”, lũ con trai có lần còn hăm doạ đánh tôi. Thế nhưng, đến năm lớp 8, 9 thì cả lớp chúng tôi trở thành một tập thể đoàn kết, vui nhộn và học giỏi. Đến nay mà chúng vẫn còn tìm thăm tôi mỗi kỳ tết đến, kể cả những đứa đã đi nước ngoài. Thời bao cấp, lũ trẻ chúng tôi sớm tinh ranh hơn bây giờ. Vào sáng Chủ nhật, mấy đứa cùng khu tập thể hò nhau dậy từ 3, 4 giờ  đến cửa hàng thực phẩm, hàng gạo, hàng củi… phân công nhau xếp hàng, đến 8, 9 giờ sáng là chúng tôi đã có một xe cải tiến nào thịt, cá, gạo, củi… đem về cho bố mẹ.  
Nhưng cũng không thể nói chúng tôi không giáp mặt với chiến tranh. Khi chúng tôi còn học phổ thông thì chiến tranh biên giới nổ ra. “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” Nhiều anh chị khóa trước tôi đang học cấp 3 tình nguyện vào bộ đội. Một số bạn tôi sau này cũng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Lũ con gái chúng tôi được phát động thêu khăn tay gửi tặng, viết thư cho bộ đội, phân công nhau đến thăm nom gia đình bạn…
Năm chúng tôi thi đại học là những năm đầu đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới. Các trường đại học chỉ nhận rất ít sinh viên mỗi khoá. Vào được đại học là cả một niềm vinh dự không chỉ của cá nhân mà của cả bà con, thậm chí cả khu phố. Đề thi đại học của chúng tôi vào hàng khó nhất từ trước đến nay (điều này được lũ em tôi xác nhận). Những năm chúng học đại học cũng là những năm khó khăn hết sức. Việc xoá bỏ bao cấp tuy đã được khởi xướng nhưng việc thực hiện chưa triệt để. Biểu hiện rõ nhất là ở trường chúng tôi, vẫn còn chế độ mua gạo theo tiêu chuẩn, ăn nhà ăn tập thể, “cơm toàn cục, canh toàn quốc, nước mắm đại dương”. Hầu như cánh sinh viên nam đều mặc quần âu có hai bên mông là hai miếng vá hình vuông mà chúng tôi gọi đùa là 2 chiếc “ti vi”  to tướng. Tôi nhớ đội bóng lớp tôi đá giao hữu mà hai đội được phân biệt bằng cách cho một bên mặc áo, còn bên kia cởi trần vì không đủ áo mặc. Thằng Sơn “bột” bạn tôi suýt nữa bị liệt vì ăn không đủ chất. Thằng Trung, thằng Tuấn lớp tôi bị kỷ luật, buộc ở lại lớp vì xúc trộm gạo của đứa lớp khác. Chuyện này bây giờ kể lại, nhiều đứa chúng tôi không nén nổi tiếng thở dài xót xa.
Đồng thời, sinh viên chúng tôi thời ấy cũng là trùm của những trò nghịch ngợm, tai quái. Ăn cắp điện của trường để nấu ăn, ăn trộm gạo của nhà bếp, trèo tường, trốn trường ra ngoài chơi, đi xe buýt không mất tiền, cá độ ăn, uống… là “chuyện  nhỏ như con thỏ”. “Cao thủ võ lâm” nhất phải là chuyện cả một đoàn hơn 10 đứa sinh viên chúng tôi đi “cọp vé" tàu Thống Nhất từ thành phố HCM ra Nha Trang chơi không tốn một xu. Cánh con trai đi từ đầu đến cuối tàu rồi ngược lại. Cánh con gái ngồi ngay trong phòng nhân viên để tán tỉnh…mấy anh “nhà tàu”. (Sau này chúng tôi cũng vỡ lẽ ra rằng hồi ấy thực ra “ông Nhà nước” cũng không nỡ làm căng với sinh viên chúng tôi, chỉ doạ dẫm là chủ yếu vì biết chúng tôi có tiền đâu mà đòi…)
Chúng tôi học luật trong thời kỳ Nhà nước ta mới bắt đầu có câu khẩu hiệu “quản lý nhà nước bằng pháp luật”, các văn bản luật thiếu, giáo trình thiếu, giáo viên cũng thiếu nốt. Chúng tôi hầu như học “chay” trong điều kiện như thế. Nhưng tôi có cảm nghĩ rằng dường như ngày ấy chúng tôi bị buộc phải học chay nên kiến thức ăn sâu vào óc hơn, đến bây giờ tôi còn nhớ như in nhiều vấn đề lý thuyết từ hồi ấy.
Phần nhiều các bạn thời phổ thông không được may mắn vào đại học như tôi. Chúng tản mác mỗi đứa một phương. Đứa vào trung cấp, đứa đi học nghề, đứa làm lơ xe… và không ít đứa đã đi vượt biên ra nước ngoài. 
 Nhiều bạn tôi cũng đã thành đạt, thành danh. Nhưng để đến với điều đó là cả một sự cố gắng vượt bậc.  Trong nhà trường chúng tôi chỉ tiếp thu những vấn đề lý luận mang nặng lý thuyết thậm chí giáo điều. Nền kinh tế lúc chúng tôi ra trường vẫn là nền kinh tế lấy kế hoạch hoá làm chủ đạo. Dân chủ chưa được mở rộng như bây giờ. Việc đánh giá con người chủ yếu dựa vào yếu tố dòng dõi gia đình truyền thống “3 đời củ chuối”. Ăn mặc, đi đứng, nói năng phải nhìn trước nhìn sau. Nói điều gì hơi khác lạ là bị e hèm nhắc nhở “coi chừng sai quan điểm đó”.Quả thật chúng tôi rất ngại khi tiếp xúc với các chú, các anh có quá trình công tác lâu năm hoặc “trên núi xuống” mặc dù luôn kính trọng họ. Chúng tôi cảm thấy họ luôn có cái nhìn xét nét, hiếm người có được sự cởi mở chân thành. Tính tôi hơi ngang. Có lần tôi đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trong cuộc họp Đoàn khi yêu cầu Đảng uỷ thay đổi lại cách nhìn nhận đánh giá đối với chúng tôi.  Tôi cho rằng nên bỏ cái khẩu hiệu “phấn đấu vào Đảng” đi. Bởi vì nếu chỉ coi đấy là mục đích thì khi đạt được mục đích tôi sẽ không thèm cố gắng nữa. Phải  đánh giá con người bằng chính bản chất của họ. Tôi sẵn sàng chia xẻ gánh nặng cho một người khác bởi vì tôi thương họ thực sự chứ không phải tôi làm việc đó để được người khác đánh giá khen ngợi, để lót đường cho tôi vào Đảng. Cũng như thể tôi học giỏi, tôi thi tốt, tôi vào đại học vì tôi xứng đáng được như thế, vì tôi muốn tiếp thu kiến thức để làm việc chứ không phải tôi cố gắng học, cố gắng nhồi nhét để vào đại học, vào đại học xong rồi thì chẳng thèm học nữa, lại chơi dài dài…Tôi nói như thế, tụi bạn tôi tán thưởng vỗ tay nhưng Bí thư Đảng uỷ lại trầm ngâm, nhíu mày. Mấy đứa bạn tôi sau đó bảo may là mày con ông Đại tá quân đội ta đấy (!). Cứ như vậy, chúng tôi học tập và bắt đầu  làm việc trong thời buổi giao thời. Học thì bao cấp nhưng làm thì kinh tế thị trường. Mọi thứ hầu như không có tiền lệ. Một vài đứa bạn tôi sau khi học đại học, ở lại thành phố Hồ Chí Minh nhờ vào cái thời buổi giao thời ấy mà phất lên nhanh chóng. Với các mác Luật sư, cử nhân luật đang là hàng hiếm lúc bấy giờ, chúng tham gia làm công tác tư vấn, bào chữa mà hốt bạc. Còn tôi về làm việc tại một cơ quan hành chính “tội nghiệp”, lương ba cọc ba đồng, sống chỉn chu, ổn định, chỉ được cái tiếng đàng hoàng lấy uy khi về nhà chồng (!). Nhưng tại đấy tôi cũng lại chứng kiến những nghịch cảnh thật trớ trêu. Số là cô bạn Hoàng Anh của tôi vốn học rất giỏi, thi Đại học được điểm cao nên được đi Liên Xô (cũ).  Hoàng Anh về nước năm 1991 khi Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ. Với bằng đỏ Kỹ sư Thuỷ âm học- một môn học mà nói đến cái tên người ta cũng không rõ nó là cái gì (tôi thì hiểu nôm na có nghĩa là dùng sóng âm thanh để xác định vị trí, độ lớn, tình trạng… của một vật ở dưới nước)- cô phải mất hai năm đi bán cà phê thuê trước khi cạy cục xin được vào cơ quan chúng tôi làm chân đánh máy (!).Tôi học xoàng hơn nên chỉ đỗ đại học trong nước ra trường năm 1989. Nhưng vào làm việc trước, lại ở chức vụ chuyên viên nên tôi đương nhiên làm “sếp” Hoàng Anh. Mặc dù có bằng kỹ sư nhưng Hoàng Anh phải chấp nhận mức lương kỹ thuật viên đánh máy.  Tôi rất quí trọng Hoàng Anh vì kiến thức uyên bác của cô nhưng nhiều người khác lại chỉ coi cô như là một nhân viên đánh máy thường, thậm chí có người nặng lời với cô nữa. Sau này, Hoàng Anh đã thành lập một doanh nghiệp nhỏ và khá thành công. Gặp lại tôi, cô cười nhắc lại chuyện trước đây và nói đùa: “Giá như sếp của tớ hồi ấy là cậu thì tớ đã không quyết tâm bỏ ra ngoài làm ăn như thế này. Thật là ơn kẻ dữ hơn ơn người lành” 
Ngẫm ra, tuổi chúng tôi bây giờ, người ta gọi là trung niên, trên dưới 40 tuổi, là ông là bà thì chưa xứng nhưng cũng chẳng còn làm anh làm chị nữa rồi. Ở lứa tuổi này, người ta đang bảo là đang sung sức, có kinh nghiệm, từng trải, có thể cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho xã hội. Tôi cũng như phần nhiều bạn bè khác, bây giờ đều chấp nhận sự “bình yên” trong cuộc sống cũng như trong công việc, bắt đầu ngại sự thay đổi bứt phá mặc dầu tự nhận thấy mình hoàn toàn có khả năng làm điều đó. Chúng tôi khó có thể chấp nhận sự mạo hiểm trong công cuộc kinh doanh hay những đổi thay địa vị bởi lẽ chúng tôi không còn trẻ để có thể làm lại từ đầu. Trong khi ấy, chúng tôi gần như phải làm sứ mạng của một lớp người giao thời, thay mặt cho những người trẻ tuổi tuyên chiến với những gì xơ cứng, bảo thủ và trì trệ… của lớp người đi trước và nhanh chóng nhập cuộc với thế hệ 7x, 8x đi sau. Tôi cứ hình dung là chúng tôi mang nặng trên vai cái ba lô chứa đựng những ký ức chiến tranh dắt tay một lũ em nhỏ bước vào máy bay chuẩn bị cất cánh.
Dù sao những người 6x chúng tôi cũng là một thế hệ may mắn và bình yên. 

TÔI ĐI LUYỆN CHỮ

Nghe tôi tuyên bố đi học viết chữ, viết chữ a, b, c bình thường, chứ không phải luyện thư pháp lằng nhằng đâu nhé, cánh chuyên viên văn phòng chỗ tôi công tác trố mắt nhìn tôi như nhìn “một vật thể lạ”. Có người còn “khẩn trương” sờ tay lên trán xem tôi có “vấn đề” gì không (!). Thế mới biết, cái sự đi học viết chữ  có vẻ như trở nên quá xa lạ đối với hàng ngũ những “kẻ sĩ U40” thời @ như chúng tôi.

Nhập môn
Họ ngạc nhiên cũng phải thôi. Người có vẻ thông cảm, khuyến khích kiểu “Thôi em cứ học viết chữ cho đẹp để viết bằng khen hộ anh”. Bây giờ bằng khen có viết tay đâu (!). Người buông một câu gọn lỏn mà hàm chứa đầy sự mai mỉa, nghe tức anh ách : “rảnh quá hả?”. Không phải nói dóc, chứ chữ tôi viết bình thường cũng vào hàng “hoa hậu” cơ quan này. Công việc của cơ quan nhiều, tốn tiền, tốn công để đi học viết chữ quả thật là xa xỉ.
Thú thật, tôi cũng  sẽ không mấy quan tâm đến việc phải đi học viết chữ cho đến khi nhìn thấy chữ của 2 cậu con quí tử. Không thể gọi là xấu mà là xấu khủng khiếp. Càng lên lớp trên chữ càng tệ hại. Nhiều bài kiểm tra của cậu  bị trừ điểm vì chữ xấu quá. Cuối cùng, tôi đành “áp tải” hai cậu con trai đến lớp học viết chữ và ngồi “làm gương” cho 2 cậu con. Chính ở đây tôi đã học được nhiều điều thú vị.

Phải học mới biết
Hướng dẫn chúng tôi là một cô gái khoảng 25 tuổi. Cô đã tốt nghiệp Đại học sư phạm và học thêm về viết chữ tại Hà Nội. Ngay khi vào lớp cô nói: “Khả năng viết chữ đẹp của mọi người là như nhau và hoàn toàn có thể viết chữ đẹp được. Không nên tự ti rằng chữ mình xấu, không thể sửa chữa được. Ngay cả những người lớn tuổi cũng có thể học để thay đổi cách viết chữ cho đúng và đẹp. Ở đây em đã hướng dẫn cho nhiều người, không chỉ là các em nhỏ lứa tuổi tiểu học, trung học mà còn nhiều người lớn như các anh chị.”
Bài đầu tiên, chúng tôi viết vào vở bài thơ của Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...” để lưu lại nét chữ ban đầu trước khi học, đồng thời cũng là lời tâm niệm cho việc quyết tâm luyện chữ.
Quả thật, cách viết chữ là quan trọng nhất, chứ không phải chữ đẹp hay chữ xấu là do có “hoa tay”. Chúng tôi nghe cô hướng dẫn về cách đặt bút, độ nghiêng của từng chữ cái, các nét móc, nét nhọn và căm cụi làm theo. Tôi cũng dần khám phá ra nhiều điều thú vị. Thì ra, trước đây mình chỉ viết chữ theo bản năng, nhiều chữ vung lên, hạ xuống, đặt bút  tùy tiện. Chữ cái o, chữ cái c đơn giản là thế mà nếu đặt bút không chuẩn sẽ bị lệch cả  các chữ cái dính liền. Chị H. vốn hay hất đuôi chữ g, chữ a lên “để thể hiện ý chí tiến thủ”, giờ phải gò lại cho chuẩn. Chị Th. loay hoay viết đoạn móc của chữ k sao cho song song với nét cao, thay vì chân choãi ra “để đứng tấn cho vững vàng” như trước đây. Anh T. chăm chỉ căng mắt, mím môi để chữ r, chữ s không bị lỗ ở phần móc, hai cậu con trai tôi nghiêng đầu, vặn người như thể làm như vậy thì chữ sẽ nghiêng theo... Nhìn mọi người luyện chữ mới thấy viết chữ không đơn giản chút nào. Trong 2 tiếng đồng hồ chúng tôi luyện khoảng 2 trang giấy. Cuối buổi học, cô giáo giao bài tập về luyện chữ ở nhà khoảng 5 trang, hôm sau sẽ có nhận xét về những nhược điểm trong bài tập của từng người.

Viết chữ - đừng coi là chuyện nhỏ
Trong thời công nghệ thông tin, máy tính trở thành phương tiện chủ yếu trong soạn thảo văn bản, thư tín. Nhiều người cho rằng viết chữ đẹp hay xấu không quan trọng nữa. Cơ quan chúng tôi làm công tác văn phòng, việc viết lách, soạn thảo công văn giấy tờ hầu hết đều dùng máy tính và cũng đồng thời rằng chữ viết của nhiều người, trong đó có không ít chuyên viên, bằng cấp đầy mình, quá xấu, quá cẩu thả và cực kỳ khó đọc. Viết chữ xấu mà dễ đọc còn đỡ, viết chữ vừa xấu vừa khó đọc thì thật là “đại họa”. Dù chỉ là vài chữ “đề nghị anh phê duyệt”, “chuyển anh A, chị B”, “xem lại chỗ này” cũng gây khó chịu cho người đọc. Có câu chuyện dở khóc, dở cười như sau. Khi sếp ghi ý kiến sửa trong văn bản, cánh chuyên viên “luận” mãi không ra chữ,  không hiểu ý, đành phải hỏi lại sếp. Sếp gắt um lên. nhưng khi xem lại chỗ sửa, sếp cũng vò đầu bứt tai vì không biết mình đã viết cái gì. Rồi lính lác cứ truyền miệng nhau nói mỗi lần đọc chữ anh C. là phải mượn cho được quyền “từ điển C. -Việt” để tra chữ của anh. 
Ông bà mình nói rất đúng “nét chữ, nết người”. Nếu tôi là lãnh đạo một cơ quan nào đó thì khi tuyển nhân viên hoặc giảm biên chế tôi sẽ cho viết một bài để khảo sát kỹ năng viết và trình bày văn bản, từ đó sẽ đánh giá được trình độ, tính cách của từng người và xem xét quyết định chọn người. (Nói trộm, nếu sếp tôi làm kiểu đó chắc chắn  giảm biên chế ngay được khoảng hơn nửa cán bộ nhân viên cơ quan tôi). Nhưng hình như không ở đâu tuyển nhân viên kiểu đó cả. Ngay cả cái đơn xin việc cũng được in sẵn rồi mà. Có việc gì quan trọng thì thuê đánh máy vi tính, cần thiết thì thuê người thảo đơn từ, văn bản, viết thư làm gì cho mệt khi đã có e-mail. Có phải vậy không mà chữ viết của chúng ta ngày càng xấu và khó đọc.
Điều khiến tôi băn khoăn nhất là tại các trường học, nhất là các trường cấp trung học trở lên dường như đã không còn coi trọng đến uốn nắn chữ viết của các học sinh hay là bài học quá nhiều, sách bài tập đã in sẵn nên không cần đến học sinh phải động bút nữa. Kiểu chữ viết cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Cậu con lớn của tôi học lớp 8 thì viết chữ theo kiểu cải cách cũ, chữ ngắn tun hủn, nhưng cũng còn may là chưa phải chữ “mì tôm cua” như đợt cải cách năm 1981. Đến cậu thứ hai năm nay học lớp 6, đúng vào năm đầu tiên của cải cách đợt mới đây, chữ viết lại kéo dài hơn theo kiểu chữ truyền thống ngày xưa chúng tôi đã học. Nhờ vậy, tôi có dịp so sánh để biết kiểu chữ của cậu lớp 6 đẹp hơn kiểu chữ của cậu lớp 8.
Vẫn biết đời sống hiện đại, nhiều việc phải lo toan, bận rộn, lại có nhiều phương tiện hỗ trợ nhưng không thể vì thế mà coi nhẹ việc học viết chữ. Như thể chúng ta đã có các phương tiện hiện đại để đun nấu như bếp ga, lò vi sóng nhưng những bữa ăn tốc hành không thể ngon bằng bữa cơm quê bếp củi, gạo quê, cá bống kho mặn. Viết chữ đẹp là gìn giữ một nét văn hóa truyền thống, là biểu hiện rõ ràng nhất của một người có văn hóa, biết tôn trọng cái đẹp. Tôi không tin một người viết chữ xấu, cẩu thả, lại thành đạt và được mọi người kính trọng. Một khi chúng ta viết chữ như gà bới thì  sẽ dạy con em mình như thế nào đây?
Là người lớn, chúng ta đừng tự ti khi đi học viết chữ; đừng chủ quan cho rằng chữ viết của mình đã ổn rồi, không cần trau dồi thêm làm gì. Cũng đừng đổ lỗi cho công việc bận rộn, thời gian không có để không luyện chữ viết.

TIẾT MỤC CỦA ANH BỒ CÂU

Nộp bài cho toà soạn xong, tôi tong tả đi về. Gần ra đến cổng, một tấm biển thông báo, (hình như thông báo nội bộ) đập vào mắt tôi : “ Công đoàn Báo Thanh niên tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ nhân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kính mời các anh chị em công tác tại báo và các cộng tác viên tham gia và cổ vũ cho chương trình.”
À, thì ra Công đoàn Báo Thanh niên cũng hoạt động phong trào ra phết. Nhưng công việc ở đây bận rộn thế này chắc chương trình cũng dăm ba tiết mục hát hò, múa may sơ sơ. Ba cái vụ văn nghệ công đoàn này tôi rành lắm. Năm nào cũng tổ chức cho có chứ chất lượng thì ‘phọt phẹt” thôi. Giữa cái thành phố to đùng, hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp ầm ĩ 24/24 giờ với hàng đàn “sao” nổi tiếng, thì mấy cái phong trào văn nghệ của công đoàn “cây nhà lá vườn” thế này đâm ra “lọt thỏm”, chẳng ma nào thèm ngó ngàng ngoài mấy anh nội bộ đơn vị “con hát mẹ khen hay”. Nghĩ đến đấy, đã định dắt xe đi nhưng cái dòng chữ cuối cùng đã khiến tôi chú ý “Đặc biệt, có sự tham gia của anh Bồ Câu”.
Ôi trời ơi, anh Bồ Câu của tôi! Anh Bồ Câu mà chỉ nhắc đến tên thôi lòng tôi đã dạt dào biết bao cảm xúc. Anh Bồ Câu, người đã làm cho bao nhiêu con tim độc giả phải thổn thức (trong đó có tôi) vì những câu trả lời hóm hỉnh mà sâu sắc của anh. Là công tác viên của Báo Thanh niên đã lâu, cũng đã nhiều phen lân la dò hỏi nhưng tôi chưa một lần gặp mặt anh. Văn nghệ lần này, hẳn anh Bồ Câu của tôi sẽ thể hiện vai trò như là một người lĩnh xướng trong dàn đồng ca ?. Không, không, chắc là anh sẽ đơn ca một bài hát thật hay. Giọng hát của anh chắc chắn phải mượt mà, sâu lắng, sẽ làm rung lên từng nơ-ron thần kinh khán giả. Anh sẽ mặc trang phục thế nào nhỉ?. À tất nhiên là comple trắng muốt, một chiếc nơ đỏ ở cổ. Mà sao tôi không nghĩ đến chuyện anh Bồ Câu độc tấu đàn nhỉ? Có thể lắm chứ. Với một chiếc đàn dương cầm bóng loáng, một bộ áo đuôi tôm cổ điển, đầu tiên anh sẽ ngồi trầm tư, sâu lắng. Rồi bỗng nhiên, những ngón tay dài, trắng trẻo loang loáng múa điêu luyện trên phím đàn và dòng thác âm thanh cứ thế tuôn trào… Dù sao thì tôi vẫn thích anh Bồ Câu với cây đàn violon hơn. Anh sẽ đứng trên sân khấu, nâng nhẹ cây vĩ cầm trên vai và âm thanh réo rắt bắt đầu chinh phục mọi người…
Dù anh Bồ Câu có đơn ca, song ca hay độc tấu gì gì đi nữa thì tiết mục của anh chắc phải hay lắm và tôi nhất định phải có mặt để xem anh biểu diễn cho thoả lòng ngưỡng mộ anh bấy lâu nay.
Tối ấy tôi đến thật sớm, lại mua một bó hoa thật rực rỡ để tặng anh Bồ Câu. Tôi còn dự định sẽ là người đầu tiên bước lên sân khấu để tặng hoa cho anh,(hơi băn khoăn là có nên hôn nhẹ vào má của anh không, thôi không nên, vì nhỡ bạn bè đồng nghiệp và … bà xã anh hiểu nhầm thì chết). Khi đến toà soạn Báo Thanh niên tôi không ngờ lại đông người đến thế. Hội trường không đủ chỗ, Ban Tổ chức xin cáo lỗi và chuyển sân khấu ra phía ngoài sân nên buổi biểu diễn bắt đầu muộn một chút. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi ngồi tán chuyện với nhau. Thì ra, mọi người cũng háo hức xem anh Bồ Câu biểu diễn không kém gì tôi. Chúng tôi thi nhau đoán già đoán non xem anh biểu diễn tiết mục gì đây. Tuy cãi nhau về tiết mục nhưng cả lũ chúng tôi đều nhất trí rằng tiết mục của anh đặc sắc nhất nên chắc chắn phải để diễn sau cùng và vì vậy chúng tôi phải xem cho hết buổi.             
Công bằng mà nói, tuy chỉ chăm chăm vào tiết mục cuối cùng nhưng chúng tôi cũng phải thừa nhận những tiết mục văn nghệ của các cán bộ nhân viên “nhà Báo”  rất “được”, nội dung và hình thức thể hiện phong phú. Nhiều tiết mục biểu diễn rất ấn tượng. Không có ai biểu diễn dương cầm hay vĩ cầm nhưng lại có độc tấu đàn ghi ta nghe không kém gì nghệ sĩ chuyên nghiệp. Một số tiết mục hát múa với phong cách hiện đại được mọi người tán thưởng. Chương trình thêm phong phú với một tiết mục ảo thuật-hề vui vẻ, sống động làm nổ ra những trận cười sảng khoái. Người dẫn chương trình lại là một nghệ sĩ nổi tiếng cũng góp vào chương trình nét hài hước, duyên dáng…  Cứ thế, chúng tôi bị cuốn hút với những tiết mục văn nghệ của “nhà Báo” cho đến khi bất ngờ nghe người dẫn chương trình tuyên bố: “tiết mục tốp ca… đã khép lại chương trình liên hoan văn nghệ của công đoàn Báo Thanh niên hôm nay, xin chân thành cảm ơn…”
Chúng tôi không tin vào tai mình nữa. Một khoảng sân rộng nổi lên những tiếng lao xao lớn dần. “Thế còn tiết mục của anh Bồ Câu?…. Anh Bồ Câu đâu rồi?... sao không để anh Bồ Câu biểu diễn?...Hay là anh Bồ Câu bị ốm? …”
Với một nụ cười đầy ý nhị, người dẫn chương trình giải đáp thắc mắc của chúng tôi:
- Thưa các bạn, chúng tôi biết hầu hết các bạn đến đây với mong muốn được  xem anh Bồ Câu biểu diễn. Anh Bồ Câu đã nhờ tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến với các bạn đã nhiệt tình cổ vũ cho tiết mục biểu diễn của ảnh.
- Đâu? anh Bồ Câu biểu diễn tiết mục nào? Sao chúng tôi không thấy.?
- Anh Bồ Câu đã tham gia biểu diễn tiết mục Ảo thuật biến hình, một chú khỉ xấu xí biến thành một cô gái đẹp trong chớp mắt. Và anh Bồ Câu chính là người đóng vai chú khỉ đó đó các bạn à(!)
Trước khi ngất xỉu đi tôi còn thấy được xung quanh mình những hàng người tự nhiên ngã rạp xuống như người ta chặt mía vậy.
(Bài này viết gửi mấy lần mà Báo không đăng (chắc sợ nói xấu anh Bồ câu giống ...khỉ). Tức mình "phọt" lên blog cho cả làng xem miễn phí.)

TOP 10 LÝ DO VUI ĐỂ GẶP LẠI BẠN BÈ

1/ Được xả “xì trét” bằng cách nói chuyện tếu và… văng tục. (bây giờ đứa nào cũng có chức sắc hết, ở cơ quan hay ở nhà mà văng  tục…chết liền, làm sao làm gương cho sắp nhỏ)
2/ Được dịp kể chuyện, nhắc lại những kỷ niệm và …nói xấu đứa nọ, đứa kia hồi ở trường một cách vô tư, không sợ chúng nó giận.
3/ Được gọi tên nhau bằng mấy cái biệt danh cũ (lâu nay đâu có dịp để gọi). Ngay cả cách gọi bạn bè bằng “thằng này, con nọ” cũng đủ làm cho mọi người khoái.
4/ Để nhận ra sự thật rằng sao ngày xưa mình lại có thể yêu “thằng này” (hoặc “con này”) mà mình không yêu “thằng kia” (hoặc “con kia”) nhỉ?
5/ Để được thấy mình cũng rất …VIP khi sánh vai, nhậu nhẹt và… quậy cùng với mấy “thằng cha, con mẹ” bạn cũ giờ đã làm ông này, bà nọ. 
6/ Để mấy “đại gia” có dịp “rửa tiền” trúng mánh một cách … tình thương mến thương nhất.
7/ Chị em được dịp khoe quần áo và …số đo các vòng.(Bà nào bà nấy giờ bự chảng như cái thùng tô nô); để tự hào rằng mình tuy đã “xuống cấp” nhưng cũng còn có đứa “xuống cấp” hơn mình.
8/ Anh em được dịp khoe … khả năng nhậu nhẹt xả láng. (Ở nhà mà nhậu vậy là bị mấy bà vợ cho ra vỉa hè nằm liền)
9/ Để cho mấy bà vợ, hoặc ông chồng mình ở nhà ghen lồng, ghen lộn, tức tối vì không được đi. Có như vậy mình mới… lấy lại được phong độ và giá trị bản thân sau những tháng năm thường xuyên bị các bả, ổng “hành hạ”.
10/ Tụi nó đi hết mà mình không đi thì … tiếc lắm.

HUYỆN TUI CHỐNG KHỦNG BỐ

Trước tình hình khủng bố năm 2001 xảy ra tận ở Mỹ, đang có nguy cơ cao độ xảy ra đến tận… nước ta; trước tình hình thế giới đang nhao nhao chống khủng bố; trước tình hình yêu cầu hội nhập với toàn cầu trong việc chống khủng bố, lãnh đạo huyện tui thấy cần phải làm ngay một cái gì đó để thể hiện… quyết tâm chống khủng bố của huyện nhà.
Sau bao lần họp hành “điều nghiên cụ tỷ” (điều tra nghiên cứu một cách cụ thể và tỷ mỷ), lãnh đạo huyện yêu cầu phòng Tài chính huyện xuất ngay 27.000 đô la để rước về một cái máy … dò bom thư. Chắc khi duyệt chi vào phiếu đề xuất ông Huyện Trưởng đọc lộn, tưởng nhầm số tiền là 27.000 đồng Việt Nam nên ông nhanh chóng ký cái rẹc.
Chẳng phải đợi lâu la gì, ngay ngày hôm sau, trong sân cơ quan tui xuất hiện ngay mấy cái thùng to, thùng nhỏ, rồi từ trong đó các máy móc thiết bị, dây nhợ lằng nhằng, màn hình máy tính ào ào tuôn ra đến chóng cả mặt. Nhận thức đây là cái máy “cực kỳ hiện đại”, Huyện Trưởng chỉ đạo Chánh Văn phòng lập tức bố trí ngay một phòng kín và điều ngay mấy chuyên viên tin học (phải qua phòng tổ chức để kiểm tra soi rọi lý lịch cụ thể, đảm bảo “ba đời củ chuối”) đến để học cách sử dụng máy. Sau khoảng 10 ngày loay hoay, lúng túng gì không biết trong cái phòng kín đó, các chuyên gia lắp đặt máy hồ hởi báo tin cho lãnh đạo là: “các chuyên viên Văn phòng ta vô cùng thông minh nên thời gian tìm hiểu máy vận hành máy đã hoàn thành vượt mức trước thời hạn, những nơi khác phải đến cả tháng ấy ạ”. Cũng theo đề nghị của các chuyên gia, chiếc máy này cần phải được bảo quản ở phòng kín, có máy điều hoà nhiệt độ, có nhân viên trực 24/24 giờ …và những đề nghị này nhanh chóng được đáp ứng.
Dù chả bao giờ được thực mục sở thị chiếc máy vận hành như thế nào, nhưng tất cả nhân viên huyện tui đều nhận thức được tầm quan trọng của nó và đều thực hiện “đi bộ, nói khẽ” khi lỡ có dịp đi ngang qua căn phòng đặt máy.
Trong không khí háo hức, tò mò của toàn thể mọi người, dù không nói ra, tụi tui cũng thầm ghen tị với cô em văn thư trẻ trung duyên dáng (mới được tuyển dụng về cơ quan từ khi có chiếc máy) vì cứ độ 2, 3 tiếng đồng hồ cô lại õng ẹo lướt qua phòng tụi tui với một chồng tài liệu, bưu kiện trên tay đến phòng đặt máy để … dò bom thư. Cánh chuyên viên văn phòng dù biết chắc rằng văn bản sẽ bị xử lý chậm đi ít nhiều nhưng cũng cảm thấy thật an tâm vì chắc chắn tài liệu mình không có …khủng bố. Nếu chẳng may lỡ có đi chăng nữa thì người chịu hậu quả đầu tiên sẽ là cô văn thư đỏng đảnh kia, tiếp sau sẽ là “cha” Thư ký huyện Trưởng vốn huênh hoang, láo toét mà ai cũng ghét nhưng không ai dám nói.


Sự thể cứ bình yên cho đến một ngày kia thì một quả bom phát nổ. Oái ăm thay, quả bom này không phải được kiểm tra phát hiện từ máy dò bom nọ mà lại phát nổ một cách thật hy hữu và đầy kịch tính.
Ấy là đầu tiên, một bưu kiện được gửi đến cho ngài huyện trưởng và khi ngài vui vẻ mở nó ra (sau khi biết chắc là nó đã được dò bom thư rồi) trước mặt một số anh em. Đột nhiên mặt ngài bỗng tái dại, lắp bắp vài tiếng rồi lăn đùng ngã ngửa. Anh em nhân viên theo quán tính nhao đến đỡ sếp và liếc mắt nhìn lên gói giấy. Không ai dám nêu cụ thể mà chỉ mô tả nó trông giống như chất thải của mấy chú cẩu. Hẳn có kẻ chơi xấu, đã “khủng bố” sếp bằng mấy thứ bẩn thỉu kinh người thế kia. Người ta đặt vấn đề: Tại sao máy dò bom thư hiện đại thế mà không phát hiện ra? Cuối cùng sếp ra tay xem xét việc vận hành máy ra sao, nhờ vậy mà nhiều anh em trong cơ quan có dịp chiêm ngưỡng cái máy này. Khi bỏ một gói hàng vào băng chuyền, bật công tắc lên, lần lượt các đồ vật trong gói hiện ra cụ thể bằng một đống đen đen, xam xám, dây nhợ lằng nhằng như nùi giẻ xơ mướp. Thỉnh thoảng có vài thứ như kim găm, kẹp giấy bằng sắt thì ta có thể “đoán” ra được nhờ hình dáng của chúng hiện rõ trên màn hình. Thế còn cái “của cẩu” (mà sếp tui nhận được) đem bỏ vào máy thì không hiện ra thành cái gì cả. Rõ ràng,  không thể trách oan cho anh chàng canh máy. 
Nhìn quanh phòng đặt máy, sếp tui tá hoả thấy: nào là chai rượu vứt lỏng chỏng, khô cá rải rác, tàn thuốc lá vung vãi khắp nơi, đôi ba bộ bài lung tung …Thì ra, từ lâu căn phòng này đã biến thành ổ bài bạc, hú hí của “cục cưng” canh máy và cô em văn thư đỏng đảnh(!).
Không thể tả sếp tui đã bừng bừng tức giận thế nào khi ấy, chỉ thấy chiếc máy “tối tân” kia được khiêng ra vứt ngoài hành lang đã mấy mùa mưa rồi. Nghe đâu cũng định tống khứ nó cho ông Hai Hải quan, anh Ba Công an  gì đó nhưng chẳng ai thèm lấy vì giờ đây nó không hơn gì cái cục sắt gỉ, “rước vào thêm mang hoạ à”.
Bốn năm qua, trong báo cáo của cơ quan huyện tui bao giờ cũng có một câu: “Trong năm qua, cơ quan huyện đã thực hiện giảm sử dụng hàng trăm ki-lô-oát giờ điện, tiết kiệm cho ngân sách hàng chục triệu đồng”.
Ai cũng biết, việc tiết kiệm điện này là do không sử dụng cái máy bom thư ấy nữa, nhưng … không ai dám nói (!).