Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

CHỊ LÀ CÁI CHI

Đi Cần Thơ tham gia Hội thao, tranh thủ buổi tối cuối  cùng đi nhậu với mấy người bạn cũ tại Cần Thơ. Tình cờ, gặp mấy cu cậu nhóc cùng đoàn ĐN thế nào mà cũng đang nhậu ở bàn bên cạnh. Chúng nó mang bia đến mời. Mình chỉ các bạn tự hào giới thiệu:
- Anh đây là Vụ trưởng vụ điạ phương, Ban chỉ đạo ... Trung ương, chị đây là Phó chủ tịch huyện, chị đây là Trưởng phòng công chứng nhà nước, còn một anh nữa là thư ký đoàn ĐB Quốc hội đang đến.
Các cu con nghe vậy cười tít mắt, ngưỡng mộ bà chị quá đi chứ. Mà không phải ở đất này đâu nhé, mấy năm rồi đi đâu bà chị cũng có bạn bè mà toàn "thứ dữ" không hà.
Bỗng dưng, một cu con hỏi (quả này phải về kiểm điểm nó mới được):
- Bạn bè chị vậy, rứa còn chị, chị là cái chi?
Ngập ngừng một lúc rồi ...nhanh trí cười bảo:
- Chị mày là cái chi đ.. cần biết. Chị chả là cái chi mà hôm nay được ngồi đây cùng các bạn ăn uống, nói cười thoải mái là được rồi.
Tuần trước vừa đi họp lớp, thấy bạn bè mình nhiều người thành đạt, chức tước các kiểu, tiền bạc rủng rỉnh, kể cũng hơi chạnh lòng. Nhưng bạn bè đối với mình rất vui vẻ, xả láng, chả có gì là phân biệt đối xử nên cũng chả sao. Đôi khi lại thấy hơi oai. Mình "phọt phẹt"thế này mà vẫn sánh vai cùng chúng nó...
"Chị là cái chi?" Câu hỏi của thằng cu em không hề là ác ý, (thậm chí còn có ý thể hiện sự quí mến của nó đối với "bà chị già vui tính") dù sao cũng để mình thoáng chút chạnh lòng. Cuộc sống là cuộc sống mà em ơi, Chức quyền có khi (mà có khi luôn là) không đồng biến theo chiều với năng lực, trình độ.
"Chị là cái chi?" câu hỏi nhỏ nếu là của người khác sẽ mang ý nghĩa khác, nhưng ở em, chị ngầm hiểu đó là một mong muốn chân thành. Chị phải là cái gì đó để thể hiện cho mọi người biết, mà có khi chả cần để cho mọi người biết mà chỉ là để cho chị, cho em cảm thấy vui hơn, thoải mái hơn thôi.
"Chị là cái chi?" cũng vừa là một lời nhắc nhở. Sao chị cứ mãi dung dăng dung dẻ, sao chị cứ mãi đứng khoanh tay bên ngoài để ngắm thiên hạ bon chen... Mà có phải như thế đã là yên đâu, chị lại bị đá qua đá lại như trái banh      
"Chị là cái chi?" là một lời trách móc. Trình độ chị như thế..., đạo đức, phẩm chất chị như thế..., quan hệ của chị như thế..., thế sao chị vẫn mãi như thế... lẽ ra chị phải thế này, lẽ ra chị phải làm gì đó cho xứng tầm với mình.  
"Chị là cái chi?" Câu hỏi vừa khó lại vừa không khó trả lời. Có thể chị  chả là cái chi giữa bộn bề bon chen chức tước, nhưng chị lại là chị ngẩng cao đầu bước tới. Có thể chị không là cái chi đối với người khác nhưng chị là một người con của ba má chị, một người vợ của chồng chị, một người mẹ của các con chị,... và cả là một người chị đối với em theo đúng nghĩa của từng danh từ một.
Như thế chị đã là cái chi đó chưa em?

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

HỌC LỊCH SỬ

Trưa nay cu Tít mở mục “Ai là triệu phú” trong iphone của ba nó ra chơi. Nó hỏi: Mẹ ơi, năm Nguyên Phong là năm mấy? “1258”. mình trả lời ngay. “Thế Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm nào?” . “938”.  Cu Tít bấm bấm rồi gật gù “mẹ siêu thật đấy. Đúng phóc”
Buổi chiều đọc bản tin về 95% thí sinh thi đại học có điểm môn sử dưới 5, rồi nghe bộ trưởng Bộ giáo  dục phán:“đó là chuyện bình thường”…chỉ biết thở dài cười buồn.
 Mình là dân học chuyên toán trường. Dù không phải là dân khối C, chúa ghét các bài học thuộc lòng, nhưng lại rất khoái môn lịch sử. Cái này có gốc là do ông già mình truyền lại cho mình. Cụ là bộ đội, đi nhiều nơi, oánh nhau ác liệt, sau nhờ có trình độ lại được bồi dưỡng tổng hợp văn nên về làm Tổng cục Chính trị, chuyên gia nghiên cứu tổng kết các chiến dịch, viết thành sách hẳn hoi. Sau ngày đất nước thống nhất, trên đường ra bắc vào nam, mình được cụ chỉ cho chỗ nọ, chỗ kia, đánh nhau thế nào, ông nào làm tướng,  sự tích ra sao …cứ thế nhập tâm.
Mình mê đọc sách, đặc biệt là sách sử Việt Nam. Ba mình biết mình thích nên cũng hay tìm mua cho mình đọc. Hồi bé thì đọc sách, thích nhất cuốn “Những vì sao đất nước”, lớn tí thì mê tít truyện “Ba lần đánh giặc Nguyên”, không nhớ tên tác giả nhưng hồi ấy gần như thuộc lòng câu mở đầu cuốn sách “ Gần như cùng một lúc khi trên thảo nguyên bao la cậu bé Khu-bi-lai cất tiếng khóc chào đời thì …. cậu bé Trần Quốc Tuấn cũng vừa nhìn thấy những tia nắng đầu tiên của cuộc sống Việt Nam”.
Mình thích những cuốn sách lịch sử vì ở đó mình học được nhiều điều. Không đâuu như ở sách sử là cái cách người ta tổng hợp đúc kết vấn đề, nguyên nhân, kết quả rất rõ ràng. Có những điều rất hữu ích để mình có thể vận dụng khi vào học đại học Luật và ngay cả trong cuộc sống sau này.
 Hồi năm nhất Đại học, học triết học, môn đầu tiên đi thi vấn đáp, mình gặp “cụ thầy” cực kỳ nghiêm khắc, lại bốc trúng câu hỏi hóc búa “Vai trò của quần chúng và cá nhân trong cách mạng. Lấy lịch sử Việt Nam làm dẫn chứng?” Trả lời lý thuyết khá trôi, mình lại đọc một đoạn trong Bình Ngô đại cáo (nhờ trời có trí nhớ tốt): “Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời xây nên độc lập, cùng Hán, Đường, Tống Nguyên Minh Thanh mỗi bên hùng cứ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” …
Ông thầy “quần” mình gần 30 phút, hai bên nói qua nói lại (trong khi chúng nó chỉ nhiều nhất là 10 phút), thầy bẻ mình mấy chỗ, mình cũng không chịu thua lại dẫn ra cái khác để chứng minh. Sau này nghe mấy đứa nói lại bảo lúc ấy mình cãi nhau với thầy hăng lắm, làm các thầy cô bàn khác cũng phải dừng hỏi thi để quay sang lắng nghe. Cuối cùng thầy phán “cô chỉ biết ngọn mà không biết gốc” làm mình gần khóc vì tức. Cứ tưởng thầy cho chỉ 4,5 điểm là cùng. Ai dè mình là một trong số rất ít oi được 8 điểm môn ấy.
Mấy năm trước, thấy quyển truyện tranh “Thần đồng đất Việt” tuy là truyện tranh nhưng có nhiều giai thoại hay liên quan đến những nhân vật lịch sử nên mua gần cả trăm cuốn cho mấy đứa nhỏ đọc. Nhưng sau nhận ra chúng nó chỉ chăm chăm đọc phần tranh còn phần nói thêm, kể thêm về nhân vật lịch sử thì chúng nó bỏ qua. Với lại ngôn từ, sự kiện nhiều phần nhố nhăng quá, lại cố gượng ép những chuyện, từ ngữ hiện tại vào nên thôi …không mua nữa
Mình cũng tự nhận ra khả năng “tăm” đề thi môn lịch sử. Thì có khó gì đâu, cứ thấy báo chí ầm ầm vụ gì là biết ngay cần phải học thứ ấy. Chẳng hạn năm 2011 này kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, thì sống chết gì cũng có câu hỏi về vấn đề này.
Học lịch sử đối với mình khá dễ dàng. Chỉ cần xác định theo các dàn bài kiểu như: Nguyên nhân-Diễn biến-ý nghĩa-bài học…là xong. Các  con số thì hơi khó nhớ nhưng mình đã gắn nó với những ngày tháng năm sinh của những người trong gia đình. Ví dụ ông Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm 967 thì trước năm mình sinh đúng 1000 năm...
Áp dụng cách học lịch sử của mình cho các cu con thì … trở thành tai họa cho nó. Đã từng có bài về “bắt đền” giáo sư sử học Dương Trung Quốc, “bắt” ổng phải “xin lỗi” cu Bống về chuyện đem “nhồi nhét” ngôn ngữ hàn lâm vào sách giáo khoa tiểu học rồi nên không nói thêm nữa. Nay lại gặp những suy tư của chính những vị cao niên đúng ý như mình đã viết. Cách dạy và học lịch sử hiện nay không tạo nên hứng thú cho người đọc, thầy cô thì đánh đố, học trò thì "đánh vật"...
Sự yếu kém của học sinh về môn này đã được các nhà giáo dục mổ xẻ nguyên nhân trên nhiều phương diện, báo động trên nhiều mặt của xã hội nhưng riêng mình thấy thật tiếc cho một thế hệ không thích học sử, không biết học sử. Thì rồi đây thế hệ ấy có hơn gì những bộ máy vi tính đã được nạp sẵn những phần mềm với những dãy số trơ khấc, một tư  duy sáo mòn ...Mình khoái cái câu ngâm nga của một thèn cu cơ quan:
Dân ta phải biết sử ta
Cái nào chưa biết thì tra... Gú gồ (google)
Hay là người ta muốn làm ra như thế nhỉ? Ừ có lẽ vậy ông bộ trưởng giáo dục mới coi đó là chuyện thường ngày...      
Chán quá...