Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

TRONG ÂM THẦM NẮNG GIÓ LÝ SƠN


Tôi muốn mở đầu bài viết của mình về Lý Sơn bằng cái mùi vị mằn mặn, tanh tao xộc vào mũi ngay khi con tầu cập cảng hòn đảo nhỏ này. Với tôi, một người  sống ở biển đã lâu, cũng không dễ làm quen với cái mùi đó. Huống chi là các chị bạn tôi ở Bắc mới đến đây lần đầu, lại vừa trải qua một sự vật vã kinh hoàng trên chuyến tàu cao tốc ra đảo. “Đi xe (ô tô) ngồi đầu, đi tầu (thủy) ngồi cuối”, bài học kinh nghiệm  đầu tiên chúng tôi học được từ cô bạn “thổ dân” dù hơi muộn màng nhưng thật thấm thía.


Tôi chưa từng đặt chân đến Lũng Cú (Hà Giang) đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng nơi địa đầu Tổ Quốc, nhưng ngay ở Lý Sơn, ngắm lá cờ đỏ đang phần phật tung bay  trên nền biển và cả nền trời xanh ngắt, trong mênh mang gió cát, bỗng nghe trong mình trào lên một niềm xúc động tự hào vô bờ bến. Khi đăng tấm hình chụp này lên facebook, lập tức  đã có nhiều lời bình cảm thán: exciting Vietnam! Tự hào quá Việt Nam!
Lý Sơn quả nhiên không phụ sự háo hức mong đợi của chúng tôi trong chuyển tác nghiệp này. Ở đây hình như tồn tại song hành cả những điều xưa cũ và những mới mẻ, mà chả hề có sự va chạm hay mâu thuẫn với nhau. Bên cạnh một khách sạn mới xây là cảng cá, mỗi sớm đều có những chuyến tàu về, những mẹt cá mực tươi rói lấp lánh và cả cái mùi nằng nặng đặc trưng của biển. Dân cư xung quanh khu trung tâm đảo dường như ít quan tâm đến những ông bà khách du lịch ngó nghiêng khắp nơi mà chỉ chăm chú làm công việc của mình. Chân chất, dung dị, không đon đả chào mời, không níu tay chèo kéo mà chỉ bằng nụ cười, ánh mắt họ đã kéo chúng tôi lê la xem và ăn những đặc sản quê mình với giá bình dân.

 Đang vào mùa, hành tỏi chất đống và rẻ bằng nửa giá mọi khi. Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Nguyên, với 300 ha trồng hành tỏi, hàng năm huyện đảo cung cấp 2000tấn hành tỏi chothị trường. Tỏi Lý Sơn là đặc sản nổi tiếng có lẽ nhờ hương vị thơm dịu chứ không phải cay nồng như nhiều người nghĩ. Điều làm nên thương hiệu tỏi Lý Sơn chính là nhờ loại đất trồng đặc biệt. Đó là loại đất đỏ từ miệng núi lửa cũ cách nay hàng nghìn năm, được phủ lên lớp đất bồi trộn giữa cát và san hô. Dường như  núi và biển, nước và lửa lại cùng nhau kết tinh thành một sản phẩm đôc đáo, dịu dàng như thế đấy. Nhìn những thửa ruộng hành tỏi trên đảo, chợt liên tưởng đến những thửa ruộng bậc thang ở vùng cao Tây bắc. Tất cả được tạo nên nhờ sự nhẫn nại nhiều đời nhặt đá, xếp đá ... mà thành. Từ tháng 9/2014, nguồn điện cáp ngầm dẫn từ đất liền ra đã làm đổi thay khá nhiều đời sống của cư dân trên đảo. Nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm sức người và cũng để tiết kiệm nước. Nước ngọt trên đảo quý hiếm lắm bởi cả đảo rộng chừng trên 10km2 không có rừng che phủ, chỉ toàn núi đá trơ trọi là di tích của núi lửa còn lại sau hàng ngàn năm. Nghe nói hiện nay, đảo đã có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt với công suất chừng 200m3/ngày đêm  nhưng cũng không thấm gì so với nhu cầu sử dụng nước của người dân chứ chưa nói đến chuyện tưới tiêu. Những ngày này, hạn nặng, những cái giếng càng ngày phải càng được đào sâu hơn, rộng hơn nhưng hình như chỉ là để khoét sâu thêm nỗi lo thiếu nước mà thôi.
Đến Lý Sơn, bạn sẽ được giới thiệu rất nhiều sản vật địa phương độc đáo. Nhưng cho đến khi rời đảo, đọng lại trong tôi vấn là loại ốc biển có tên Ốc Cừ (hay là Ốc Xà Cừ). Ban đầu, khi được giới thiệu về loài ốc này trên mâm thức ăn, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy thịt ốc được gắn với một vật nhỏ hình tròn, nhỏ xinh và dày như một chiếc cúc áo mà chả hề thấy vỏ ốc bên ngoài. Mãi sau mới biết, Ốc Cừ là loại ốc  to cỡ như con ốc bươu, vỏ xù xì nâu sẫm có gai. Cái “cúc áo” thực ra chính là phần nắp đậy mồm ốc. À thì ra … ngẫm lại mới thấy, hình như có một sự tương đồng nào đó giữa những con ốc Cừ với phẩm chất của người dân Lý Sơn. Không màu mè, khoa trương nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp huyền ảo của bảy sắc cầu vồng phía bên trong lớp vỏ xù xì. Sự thầm lặng, dung dị, tự thân vận động, tự thân bảo vệ song hành cùng sự can trường quả cảm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy …

Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn. Chúng tôi đã ngạc nhiên và dường như có chút gì cảm thấy chưa được thoả đáng khi những ngôi mộ của các chiến binh ngày xưa đi bảo vệ Hoàng Sa dù có được chăm sóc, đắp điếm khá chu đáo  nhưng vẫn chỉ là những những nấm mồ đất, không được xây cất như chúng tôi tưởng. Sau này mới vỡ lẽ, thực ra đây chỉ là những ngôi mộ gió mà người dân đảo đắp lên để tưởng nhớ ông bà , những người trong đội hùng binh năm xưa đã ra đi giữ đất và gửi lại nắm xương mình đâu đó ngoài trùng khơi xa tít. Có lẽ những ngôi mộ gió mộc mạc ở quê nhà, khi không xây bằng xi măng, gạch đá, không tô trát phượng rồng lại có sức cuốn hút nhiều hơn với linh hồn người đã khuất, và nhân lên bội phần niềm cảm phục của những người đang sống đối với cha ông mình.


Ôi Lý Sơn. Nếu nói về hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc này, chúng tôi không thể nào viết nhiều hơn những khúc tráng ca của những đội hùng binh ngày xưa vượt biển bảo vệ Hoàng Sa, mãi mãi không trở về; không thể viết hơn những dòng tư liệu lịch sử như những bằng chứng hùng  hùng hồn về  chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc đối với quần  đảo Hoàng Sa xa hàng trăm hải lý
Vậy nên, chỉ là những cảm nhận loanh quanh, những cảm xúc chợt ùa đến nhưng đã ở lại rất lâu trong chúng tôi.
Dù là đã hơn ba tuần kể từ khi rời đó ….