Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Bà Ba Sương và danh hiệu Anh hùng

Mấy ngày nay đọc về bà Ba Sương (mình thích gọi là cô Ba Sương hơn là bằng bà) cảm thấy thật thất vọng.
Có phải đây tiếp tục là một vụ Kim Ngọc mới ?. Một vụ Kim Ngọc trong thời đất nước đã đổi mới, dân trí và cả quan trí đã được nâng cao, dân chủ đã được cỏi mở, đường hướng phát triển đã được thông thoáng? Tại phiên toà nghiệt ngã hôm nay, cô Ba Sương đã phải chịu mức án tù 8 năm, lẽ dĩ nhiên cái danh hiệu Anh Hùng của Nhà nước trao tặng cô cũng sẽ phải trả lại cho Nhà nước. Có thế sự nghiệt ngã ấy một ngày nào đó sẽ được phán xét trở lại và biết đâu lại được dựng lại thành phim như ông Kim Ngọc với những lời có cánh nhưng mình tin chắc chắn một điều là cô Ba Sương vẫn là một ANH HÙNG đích thực trong lòng những người nông dân Nông trường Sông Hậu với nhiều năm trước, trong và sau khi cô được phong tặng và bị tước đi danh hiệu này.    
Mình thì mình cho rằng những người đưa đến bản án cho cô Ba Sương cũng là những "anh hùng", những người "anh hùng" phải được đặt trong ngoặc kép với nhiều hàm ý.
Đôi khi  cứ day dứt mãi về những câu hỏi:
Chúng ta có cần thêm một vụ Kim Ngọc như thế nữa chăng?
Phải chăng vì bà Ba Sương chỉ "rót xuống dưới" mà không chịu "rót lên trên" nên mới ra nông nỗi này?   
Chúng ta có cần thêm một  bất công trong xã hội mà chúng ta luôn nói rằng đang hướng đến sự công bằng?
Chúng ta có cần thêm một sự nhẫn tâm trong một xã hội đang hướng đến văn minh?
Chúng ta cần hơn những anh hùng như cô Ba Sương hay cần hơn những anh hùng trong ngoặc kép.
Tản mạn một chút.
Sáng nay đưa cu Tít đi học bảo nó: con cố học kha khá, đến năm 12 ba mẹ cho con đi du học New Zealand.
Tít hỏi:
- sao không qua Singapore cho gần hả mẹ?
- Vì ở New Zealand thanh bình hơn, có nhiều nơi đẹp, tiếp cận được nhiều nguồn học tập hơn và điều quan trọng là sau khi học xong con có thể ở lại làm việc bên đó với mức lương cao.
- Nhưng sao lại ở bên đó mà không về nước hả mẹ?
Mình chưa kịp trả lời thì Tít đã hi hi cười và bảo:
- Nếu học xong con không ở lại đó mà về nước làm việc thì cũng sẽ có nhiều người đến phỏng vấn. (Tít nhại lại giọng một phóng viên) : sao anh lại quyết định về nước làm việc? sao anh ngu thế? he he...
Mình không nhịn được cười. Cũng may vừa đến trường nên Tít vô tư nhảy xuống xe đi vào.
Đem chuyện này ra kể tại quán cà phê sau chuyện cô Ba Sương, mọi người cười ầm lên, anh V. gật gù bảo: "thằng con mày khá đấy" 

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

TÒ MÒ VÀ DỐI TRÁ

Hôm nay mở mắt ra đã thấy nhiều tin chả tốt lành, mẹ của anh H mất, rồi mấy câu hỏi vớ vẩn của các đồng chí dân kính mến... Tức mình viết blog cho thư giãn...Viết cái gì nhỉ? không phải không có chuyện để viết mà thực quá nhiều chuyện nên chả biết viết cái gì trước cái gì sau. Thôi mình viết về một nhân vật T. vậy
T. là con bạn cùng học với mình hồi Đại học Pháp lý. Nhà nó nghèo, ở vùng quê của "gà đi dép cao su" (vùng cát) cũng nghèo xơ xác. T. xét về phía mặt mũi thì không xinh lắm nhưng thân hình thì trắng trẻo, đầy đặn...Nó học hành cũng vào loại thường thường, có điểm cao và cũng bị thi lại như đa số sinh viên. Nói chung, T. không có gì nổi bật nếu không có cái chuyện ấy...
Về mặt yêu đương nhăng nhít trong trường thì cũng là chuyện thường tình . Nên chuyện T. hết yêu anh C., lại sang anh khác cũng chả phải vấn đề khiến mọi người quan tâm. Chỉ hơi lạ là T. hầu như chả chơi được với mấy đứa con gái trong khoá mình (ngay cả bọn con trai cũng ít quan hệ với nó) thì nó có vẻ được lòng cánh con trai khoá khác. Sau đấy, T. được giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng ở huyện uỷ Thủ Đức (trường mình do huyện quản lý), cái này cũng không phải giỏi dang, hay ho gì mà chỉ là có điều kiện (có xe đạp, có thời gian...) thì đi theo giới thiệu thôi. Hai tuần sau khi học xong, T. dẫn về một anh tên là Kh.  nghe nói là ở Ban Tuyên giáo huyện uỷ, là thầy dạy ở lớp cảm tình Đảng của nó. Bọn mình nghe xong, biết vậy, cũng chả lạ khi nhớ đến chuyện mới mấy hôm trước T. khóc lóc dậm chân dậm tay khi đưa tiễn anh C. lên tàu về Nha Trang để chuẩn bị đi nước ngoài.
T. đưa thầy Kh. đến phòng ký túc xá chơi cũng không ai để ý gì, phòng nó có hai người mà chị kia lại hay đi về quê Long An nên hầu như  chỉ có mình nó ở phòng ấy. Nhưng hôm ấy T. dẫn Kh. đến lại nhanh nhảu nói với mọi người là "anh Kh dạy nhảy, anh ấy nhảy giỏi lắm" rồi T. đóng cửa phòng lại.
Cái khoe của T. đã đánh thức tật tò mò bẩm sinh của các nàng sinh viên nhà mình và rồi sau đó lan ra đến các chàng sinh viên như một tất yếu (xuất phát là do lão Ng. sang ăn cơm bên người yêu về thông báo cho lũ con trai đến xem) . Gần hết khoá mình xúm nhau lại chỗ lỗ khoá để được chiêm ngưỡng T. và thầy Kh. đang "nhảy" như thế nào (đại khái là nhảy trên giường).
Mấy ngày hôm sau, cả trường đều biết chuyện, nhiều tên toang toác kể những tư thế nhảy của T. và Kh.
Hội bọn mình có 5 tên, ngồi tán chuyện với nhau thế nào lại dẫn sang chuyện ấy. Mình bảo:
- Tớ không xem. Xem làm gì cái thứ ấy, kinh bỏ mẹ.
Đúng là mình không hề xem thật. Hôm ấy mình có đi ngang qua, thấy chúng nó xùm xít quanh  chỗ cửa phòng rồi rủ mình xem nhưng mình không xem mà chạy xuống tầng dưới xem Ti vi.
Thằng TA nhìn mình bảo:
- Thế nếu để một mình tên này trong 1 phòng với một cái Ti vi chiếu toàn những thứ ấy thì tên này có xem không?
- Cũng không xem. Kinh lắm.
- Tên này nói thế là không đúng.
- Sao lại không?
- Thật ra tên này không là điều ấy chỉ vì sợ mọi người biết được là mình tò mò chứ gì. nhưng tên này phải hiểu TÒ MÒ là một đặc tính cố hữu của con gái và rất dễ được tha thứ. Cho dù tên này không tò mò thì cũng không phải vì thế mà người ta đánh giá tên này cao thượng hơn, tốt đẹp hơn những đứa con gái khác đâu.
 Mình nhớ là mình cãi nhau với nó, cãi nhau hăng lắm, hội mình lại chia thành hai phe, đứa bảo vệ mình và bảo vệ thằng TA.
Có lẽ nhờ sự cãi nhau ấy nên mình mới nhớ chuyện T. học nhảy, nhớ chuyện T. ăn vụng cá của con N. lùn bị nó bắt quả tang thế nào... N. lùn và H. "muối" trước đây ở cùng phòng với T. Hôm ấy tình cờ đi về bắt gặp T. đang giở nắp vung nồi cá kho của chúng nó ra ăn vụng. Hai đứa thấy vậy làm lơ bỏ đi cũng không nói gì.. Nhưng chính T. lại đi thanh minh với con H. "mốc" rằng hôm ấy T. cởi áo, rơi cái nút áo nên phải chui xuống gậm giường để tìm lại bị bọn N. H. nghi oan nói này nói nọ. T. là thế đấy, hình như chả có gì mà nó nói thật cả. Có lẽ vậy nên bọn con gái đặt cho nó cái biệt danh là "con Tắc kè" với hàm ý thay đổi màu sắc theo môi trường.
Ra trường đi làm, T. có lấy chồng nhưng hình như chả cưới xin gì. Kẻ được gọi là chồng T. nghe đâu là một tên du thủ du thực nên đến khi nhìn thấy T. sinh ra một đứa bé có hơi dị dạng thì quất ngựa truy phong. Tội nghiệp T. một mình nuôi con. Sau đấy mình còn nghe nhiều chuyện khác về T. cũng tương tự như chuyện "học nhảy" nhưng nghe thế thì biết thế chứ nói đi nói lại làm gì. Với lại nó độc thân thì quan hệ với ai, như thế nào là quyền của nó. Cũng không rảnh mà đi buôn dưa lê
Bây giờ T. là đại biểu Quốc hội. Con gái của T. hơi dị dạng nhưng chắc là con của ĐBQH nên được đưa vào diện Nạn nhân chất độc da cam.
Hôm họp lớp, (tất nhiên là chả bao giờ có T. đi dự) khoá mình lại xôn xao bàn tán với nhau. Lại chửi rủa, lại lôi những chuyện ngày xưa của T. ra kể. Mình bảo, ngày trước khác, bây giờ khác. Chúng mày học luật biết rồi, đừng có mà nói xấu lãnh đạo nhé. "Tao cứ nói thật chứ nói xấu gì nó". "Chúng mày có nói thật thì ai tin? bây giờ họ là ông này bà nọ, chúng mày nói thì làm sao bằng người đại diện cho 86 triệu dân này nói.  Bây giờ chúng mày biết khôn thì phải vỗ ngực nói: "chúng tôi rất tự hào vì được học chung khoá với ĐBQH T."  Thậm chí thì cứ xưng hẳn: "Hồi ấy ĐBQH T. thân với tôi lắm".
Con H nghe vậy bĩu cái môi dài ra như mỏ vạc buông một câu: "Vậy thì tao nói tao là người yêu của Lê Công Định có khi còn oai hơn là nhận làm bạn thân của ĐBQH này"
Ngồi nghĩ ngợi cười thầm. cười khẩy...lại nhớ lời thằng TA. Không dám nói ra. Nói ra lại mang tiếng nhiều chuyện, buôn dưa lê, dưa chuột, là chuyên nói xấu người khác  
Xét cho cùng tò mò là thuộc tính của phái nữ, nhiều chuyện, hay nói xấu cũng là thuộc tính của phái nữ. Cái đấy cũng dễ tha thứ và nếu giả thử mình không có cái đấy thì cũng chả ai bảo mình tốt hơn
 Hủ hoá và dối lừa có phải là thuộc tính của phái nữ không nhỉ? hay chỉ là thuộc tỉnh của một số người, kể cả là lãnh đạo?
Ôi dào, có ai là thánh cả đâu. Nhưng mình nghĩ là mình không đến nỗi nào để nếu có lỡ làm to thì cũng không bị bọn bạn nói xấu đủ điều như ĐBQH T. và tất nhiên vì vậy mà là được cái hồn nhiên hăng hái xung phong đi họp lớp, không vắng buổi nào.
Thế là được.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

VÀO ĐẢNG

Thằng em con cậu mình năm nay gần 50 tuổi  làm công nhân Công ty cấp nước. Nó là con liệt sĩ, 15 năm liền là chiến sĩ thi đua các cấp, 3 lần được đưa đi học lớp cảm tình Đảng và nguyện vọng bản thân là tha thiết được vào Đảng. Rốt cục ... đến nay Đảng vẫn chưa cho nó vào.
Hôm đám tang nhà mình, ngồi uống rượu với nhau, có ông anh mình ở Ban Dân vận thàng uỷ, với 1 ông anh nữa là trung tá quân đội cứ "mặt tròn mắt dẹt", hết "Ơ!" với "A!", thắc mắc sao lại thế nhỉ.
Mình mới hỏi:
- Cậu mày vào Đảng thì có được lên chức không ?
Nó gãi đầu gãi tai, nhăn nhó khổ sở 
- Dạ đâu có được chị, vẫn là công nhân quèn thôi. Mà tại tụi nó nghĩ nếu em vào Đảng được em lên chức nên tui nó kèn cựa vậy đó chớ. Mà em có mong vào Đảng để mà lên chức đâu chị, có lên thì em cũng là thằng công nhân quèn thôi chớ có hơn gì đâu. Em muốn vào Đảng để cho 2 thằng con em nó có chút hãnh diện, không lẽ bố nó con liệt sĩ  mà lại không được vô Đảng.
- Thế cậu mày sống trong công ty có mất lòng ai không?
- Thì làm răng mà mình được lòng hết mọi người chị. Nhưng mà em cũng được nhiều người quí mến lắm Dễ chi được bầu là chiến sĩ thi đua 15 năm liền đâu chị.
- Ờ vậy thì để chị nói cho nghe. Về phía cậu không cần vào Đảng để lên chức lên quyền, để tăng  thu nhập chi đúng không. Vậy là một. Thứ hai, cậu mi vào Đảng để con cái nó hãnh diện vậy chị hỏi con cậu sẽ hãnh diện  nếu ba nó là Đảng viên hơn hay là hãnh diện khi ba nó là CSTĐ 15 năm liền hơn? Cậu có thấy đứa trẻ con nào vỗ ngực khoe ba tao là Đảng viên không ? trong khi đó sẽ có nhiều đứa khoe ba tao là CSTĐ 15 năm liền đó nghe! Đó là thứ Hai. Thứ Ba là dù cậu có vô Đảng hay không vô Đảng thì cậu cũng vẫn là cậu, là một công nhân tay nghề giỏi, nhiều sáng kiến, được yêu mến và bình chọn là CSTĐ. Chưa chừng, cậu ở ngoài Đảng mà nói những điều ấy lại oai hơn bởi không bị áp lực về trách nhiệm, về phấn đấu, về đủ thứ bình xét năng lực, quá trình ...Còn về phía Đảng, cậu mà được vô Đảng tất nhiên sẽ kéo theo đủ thứ phiền toái cần giải quyết: sẽ có người kèn cựa ganh tị vì cứ tưởng cậu vào Đảng rồi sẽ lên làm sếp họ nên sẽ điều này tiếng nọ; rồi đến cuối năm bình xét cậu làm tốt quá thì cũng chả ai khen cậu,  lại bảo Đảng viên phải thế, nếu cậu có dở dở một chút xíu cũng bị dòm dỏ rằng "Đảng viên mà thế à", nên chưa chắc cậu đã được CSTĐ, mà rút cục cậu cũng chỉ là một công nhân quèn, cũng chẳng ảnh hưởng được đến ai mà cũng chẳng phiền luỵ cho tổ chức. Lại thêm, vì chỉ là công nhân quèn là cậu lỡ có chuyện chi thì người ta cũng chả "nắm đầu" hạ cấp, với giáng chức cậu được. Thế cho nên bao nhiêu năm nay họ không hề kết nạp ai ở xí nghiệp cậu là vì rứa đó 
Cậu em mình nghe xong ngồi thừ người ra, 2 ông anh Đảng viên của mình nghe xong ngồi thần mặt ra... chả biết có "thủng" không...

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

MÓN MÌ QUẢNG QUÊ MÌNH

Mặc dù là người Quảng chính cống mình không thích ăn mì Quảng bằng ăn Phở Hà Nội. Điều này ngược hẳn với bà chị mình ở Hà Nội mà vô cùng khoái mì Quảng. Bởi vậy mình mới sẵn sàng giơ cả hai tay nếu đưa Phở vào diện đề nghị UNESCO công nhận là loại di sản văn hoá ẩm thực của Việt Nam. Chứ còn mì Quảng thì ... phải đặt lên đặt xuống bàn cỡ khoảng chục lần trước khi ... dẹp nó sang một bên.
Thật ra thì mình cũng không phải là ghét mì Quảng nhưng nếu mấy cụ bô lão nhà mình mà cứ xơm xơm đòi đưa mì Quảng trở thành "quốc hồn quốc tuý", lại gán cho nó đủ thứ kiểu : "thấm đẫm chất văn hoá", "vô cùng nhân văn, "vô cùng tinh tế"... thì  mình sẽ quay ra ngoài cười khẩy. Cười khẩy thôi chứ không dám nói, bởi mình đã một phen bị cả chục cụ bô lão phản đối ầm ầm về cái phát biểu không giống ai về món mì Quảng mà các cụ đang tâng bốc ấy. Theo mình hiểu thì thế này (cái này chỉ là sự suy diễn của cá nhân chứ không có  nghiên cứu gì đâu nhé ch nên nghe xong để đấy đừng có phản bác) 
Món Mì Quảng là món ăn dân dã của nhà quê mình. Nó là cái thứ mà mấy bà hay gánh gồng đem ra ruộng để đãi thợ cày cấy ăn vào lúc nghỉ giải lao giữa khi lao động, quê mình gọi là "nước nửa buổi". Cái này nghe có lý bởi vì:
- Các chất liệu nấu mì rất đơn giản, dễ kiếm: rau trong vườn, gà trong chuồng, mắm muối trong hũ, bánh tráng cũng dễ kiếm...
- Phương thức chế biến đơn giản, nhanh gọn: Ướp thịt, xào lên, đổ thêm tí nước. (Trong  khi đó thì nồi nước dùng của phở phải được hầm đến mấy ngày đêm, lọc qua lọc lại cầu kỳ)
- Phải gánh gồng từ nhà ra ruộng nên chỉ cần ít nước lèo thôi . Nhiều nước như phở thì làm sao mà gánh được.
Lâu ngày rồi cái món mì này được các quí cô, quí bà tiểu tư sản cho thêm dăm ba cái thứ tiểu tiết để cố tình nâng cấp cho cái  thứ quà dân dã này thành ra đài các kỉểu quí sờ tộc: nào là thêm trứng, nào là thêm tôm...
Mình thì mình nghĩ, giá cứ để nó dân dã , nhà quê như thế lại hay hơn, nó thấm hơn cái chất Người xứ Quảng. Không đài các, hoa mỹ. Nói thì cục mịch, làm thì chắc chắn, ăn thì phải no, đủ chất để cày sâu bừa kỹ. Nói khó nghe một chút cũng được, làm thì xấu xấu một chút cũng không sao, ăn thì không cầu kỳ kiểu cách, đòi hỏi cái nọ cái kia...
Như cái món bánh xèo, cứ tưởng nó được đi Mỹ trình diễn là oai lắm. Thực chất chỉ là do mấy cô mấy chị quê mình, đến mùa nước lụt, ở nhà rảnh quá, chả biết làm gì hè nhau xay bột rồi tôm tép đó, dầu mè đó, rau rác đó, củi lửa đó mà "xèo, xèo". Văn hoá là ở chỗ đó chứ ở mô xa.  
 Mình mang tinh thần của món Mì Quảng, bánh xèo ( dù không khoái lắm) để xung phong vào đời sống dân Quảng và ... bị phản đối ầm ầm.   
 Ôi dân Quảng quê mình. Nhiều khi nghĩ không ra

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Mèo, Chó và Vịt Cồ

Lâu rồi chắc mọi người tưởng chuyện Mèo và Chó đã đến hồi kết. Nhưng không, đây chính là thời điểm mà cuộc chiến “ai thắng ai” trở nên gay cấn nhất, cũng là lúc mà giới cá cược tầm cỡ quốc tế đánh hơi nhảy vào trước là để cá cược sau đó là để … tranh thủ nếu bên nào có nguy cơ thắng thì “theo đóm ăn tàn”. Nhưng thôi, cuộc chiến ni còn dài, mình chỉ viết để nói về một nhân vật mang đúng bản chất của một tên “lẹo lưỡi”, cơ hội. Đó là Vịt cồ, Chủ bút báo Con Vịt. Tại mới nhìn thấy hắn đi họp báo hôm qua, lại hăng hái phát biểu đâm ghét quá mà nói.
Chuyện là khi Chó tố Mèo ăn vụng và Người ra tay “chưởng” cho Mèo mấy cú đá. Báo Con Vịt liền tương ngay một bài báo có cái “tít”  rất sốc “ Nguyễn Văn Mèo phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình”. Cái tít to đùng, ngay trang nhất (nhưng nội dung thì ở trang 8,9) khiến bà con nhanh nhảu đi mua báo, truyền tay nhau đọc. Đọc rồi mới biết bài báo nói Nguyễn Văn Mèo là con mèo hoang ở cồn mả đêm đêm về bắt trộm gà con chớ không phải Nguyễn Văn Mèo hiện đang là công dân chính thức tại gia hiện đang là nghi can số 1. Trời ạ, Mèo ta ngậm đắng nuốt cay, biết ngay thằng Vịt nhân thể mượn gió bẻ măng nhưng chỉ chửi đổng được nó chứ làm gì nó bây giờ. Cũng cần nói thêm là Báo Con Vịt khi ấy được Chó “bảo trợ” cả thông tin và không thông tin nên đọc thế thì biết ngay là cái này là do có sự chỉ đạo của Chó.  
Thế rồi chuyện Chó và Mèo bị thay đổi vị thế 180 độ, Chó bị đuổi ra đường và Mèo nằm cọ má dưới chân chủ. Báo Con Vịt với chủ bút Vịt Cồ cũng len lén từng bước xoay chiều theo bằng những bài đấm bóp, xoa dịu Mèo. Đỉnh cao của cái sự xoa bóp ấy là bài viết mới đây nhân dịp Mèo ta được chủ ban cho con cá mới. Trong bài này Vịt viết nhiều điều nhưng cái đoạn sau đây là đỉnh cao của sự nịnh hót không biết ngượng: “ là người quen biết anh Mèo đã lâu, tôi đã thầm ngưỡng mộ anh về lối sống giản dị, thanh bạch, không màng danh lợi, có cái tâm lo cho đại gia đình nhà chúng ta. Những việc anh làm đều là vì dân, lo cho dân …”
Trong các cuộc họp hành xóm gia súc gia cầm, không có cuộc họp nào là Vịt không lên tiếng khen Mèo bằng những lời có cánh khiến Mèo cũng phát ngượng. Anh Bò quay đít lại “hừm …bò…” rõ dài,  chị gà mái tranh thủ quang quác quát bầy con đang bu quanh mình, Gà Trống thì vốn luôn tỏ ra kẻ cả, tưởng mình quan trọng lắm, Lợn thì “mũ ni che tai” ai nói chi đó thì nói…. Diễn đàn ấy coi như dành riêng cho Vịt Cồ tha hồ nịnh hót.
Nhưng nghe đâu nhờ vậy mà Vịt Cồ vẫn giữ nguyên chức Chủ bút, lại có thêm mấy con cá tươi để ăn mỗi ngày.
“Ò …o… , đời chỉ cần thế mà thôi !”  Gà trống tức khí ra đống rơm gáy cho bõ tức.          

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

NAM TÍNH

Mình là một đứa con gái được bảo là ...giống cái thằng .
Điều này có lúc làm cho mình hơi buồn một chút nhưng hầu hết mình đều cho đó là lời khen, mà khen thì trẻ con cũng sướng.
Đúng là mình có vẻ giống cái thằng, hay gọi cho mĩ miều là ... nhiều nam tính. Mình hay đổ lỗi cho ông bà già cái tội đẻ mỗi con gái.
Nhiều nam tính nên dĩ nhiên là vô cùng hậu đậu, chả có tí gì gọi là khéo tay. Nhà cửa cứ thế bừa bộn, con cái đẻ ra cứ thế mà lớn lên (may mà đẻ toàn con trai và ông xã thì cũng chỉ biết thở dài)
Nhưng mà hình như mọi người đã quen với cái sự ấy ở mình, họ cũng chả hề trách móc phê phán gì cái sự ấy, có lẽ bởi mình đi đâu cũng "khoe": em không biết nấu nướng gì đâu, em chả khéo tay đâu. Ối sao mà các chị khéo tay thế, giỏi thế, em chịu thôi...và thế là các chị ta sướng rơn tha hồ mà nấu nướng, chăm bẵm, phục vụ mình... he he.
Có lẽ cũng tại mình khoái ba cái việc của đàn ông: sửa xe này, lái xe này, nhậu nhẹt này. Cũng chả để ý mua son, mua phấn, quần áo thì kiểu gì cũng được.
Mình thì tự thấy mình như thế cho nó dễ sống. Việc gì phải tự làm khổ mình bằng ba cái thứ lặt vặt ấy.
Nhưng biết đâu mình lại tự làm khổ mình bằng kiểu nam tính như: Cãi lại sếp, bướng bỉnh, không biết điều, không thích chiều chuộng...
Ôi dào, hơi đâu mà để ý. Mình là MÌNH, không phải người khác. Mình làm điều mình muốn, không làm điều người khác muốn. 

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

BA TÔI MỘT CON NGƯỜI NHÂN HẬU

Ba đã ra đi vào lúc 14 giờ ngày 18/9/2009 (tức ngày 30 tháng 7 năm Kỷ Sửu)
Tính từ lúc Ba nhập viện lúc 16 giờ ngày 15/9  cho đến lúc ra đi, ông đã nằm trên giường bệnh đúng 3 ngày 3 đêm. Hạnh phúc thay, tôi là người được ở trọn vẹn với ông hầu hết những ngày cuối cùng ấy để đến giờ không phải ân hận vì đã không lo được cho ba chu đáo.
Ba là một người tốt. Một người tốt đôi khi có những xử sự tưởng chừng như không phải là tốt. Ví dụ như câu chuyện dưới đây về ông.
Hồi ấy, cách nay chừng hơn 10 năm, khi ba chưa bị tai biến và bị lãng.
Hôm ấy cả nhà đang ngồi ăn cơm thì có một người to cao đến trước cửa và xin một bát cơm. Ba nhìn ra cửa và mắng té tát:
- Xin cái chi mà xin. Thanh niên to cao vậy lo làm ăn đi chứ đi xin làm chi. Nhà tau không dư cơm cho cái thứ lười lao động đó. Đi mau.
Người thanh niên làu bàu chi đó trong miệng rồi lủi thủi bước ra. Thấy ba la dữ quá nên mọi người cũng im thin thít, không ai dám nói. Cuối cùng mình đành thẽ thọt lên tiếng:
- Ba ơi, cái ông đó không phải là to béo đâu, ổng bị bệnh phù thũng đó ba. Con thấy ổng đang nằm viện đa khoa lâu ni rồi đi lang thang xin ăn đó.
Tưởng ba sẽ mắng thêm, nhưng không, ông ngồi bật dậy và trách:
- Rứa à, sao con không nói sớm. Làm ba mắng oan nó tội chưa.
Nói rồi ông xăm xăm bước ra ngoài, đuổi theo kịp người đàn ông kia và dúi vào tay tờ 2000 (2000 hồi đớ chắc bằng 20000 bây giờ) với lời nói đầy ân hận:
- Thôi, tau không biết mi bị bệnh nên lỡ mắng mi oan uổng. Cho tau xin lỗi nghe. Nhà chú có khách mà giờ chừ hết cơm mất rồi, mi cầm tạm 2000 này mua cơm mà ăn nghe.
Câu chuyện đến đây tưởng là xong nhưng vẫn còn hồi sau nữa:
Mấy ngày hôm sau, ba và anh Phú đi đâu về.  Mặt ông hằm hằm tức giận, đi thẳng vào nhà chẳng them hỏi ai. Anh Phú giải thích:
-Trời ơi, sáng ni chú làm tui một phen đứng tim. Tui chở ổng đi ngang qua khách sạn Phương Đông, đang đi thì ông biểu tui dừng xe. Ổng chạy vào núm ngay cổ áo thằng bảo vệ mắng sa sả: " Chớ mi không thấy họ đang ốm đau bệnh tật đây hay răng mà mi nỡ lòng nào mi xô họ ngã rứa. Đồ vô lương tâm". Thì ra thằng bảo vệ khách sạn này vừa xô té cái ông phù thũng bữa nớ đó cô. Tui sợ quá phải chạy vô can chớ không thì mấy thằng bảo vệ đó nó a lại đánh ổng thì chết. Ai lại đi làm cái chuyện dông dông vậy không biết nữa.
Cả nhà tôi đã quen cái nết của ông rồi nên chỉ biết thở dài. Cái tính nóng nảy của ông đã bao phen làm cả nhà lo sốt vó.
      Vậy nhưng con cháu lại hiểu ông là một con người nhân hậu 

THẤY, BIẾT VÀ HIỂU

Ba đã ra đi về một thế giới khác. Một thế giới chỉ có ông mới thấy, mới biết và mới hiểu.
 Ba ra đi để lại những tiếc thương, để lại những điều mà ông thấy, đã biết và đã hiểu nhưng không phải ai cũng thấy biết và hiểu.
Xét về mặt sinh học, Ba đã không thể thấy, biết và hiểu được nữa...
Nhưng đối với mình thì khác...
Khi còn sống, những năm gần đây ông trở nên lẫn lộn, khó tính. Có lẽ vì di chứng của cơn tai biến mạch máu não năm 2001. Ông chửi mắng mình và thậm chí còn lấy chổi đánh mình. Gần 1 năm nay, mình liên tục bị mắng chửi, đấm đạp, cào cấu... Ông luôn hô hoán: " Trời ơi! con này nó giết tui !" mỗi khi mình thay đồ và lau rửa cho ông. 
Nhưng 3 ngày, 3 đêm cuối cùng ở trong bệnh viện với ông, mình liên tục phải lấy khăn lau nước mắt cho ông. Mình hiểu ông thương mình. Những giọt nước mắt của ông đã rửa trôi tất cả những lời mắng mỏ của ông đối với mình. Có lẽ ông mắng mình nhiều như vậy để đến khi ông ra đi mình đừng thương tiếc quá mà thôi.
Mình biết: Ba đã thấy trước được nhiều chuyện, kể cả việc ông quyết định ra đi vào ngày nào, quyết định mình sẽ được chôn ở đâu, biết được lúc nào nắng mưa...
Chẳng thế mà sáng hôm đưa tang, 5 giờ - 7 giờ sáng trời mưa to lốc xoáy, nhưng đến lúc truy điệu lại nắng vàng ươm, thời tiết mát dịu. Hôm mở cửa mả cũng vậy. Đến trưa trời còn mưa to nhưng đến chiều lại tạnh ráo không ngờ.
Đến đây chợt nhớ ba đến nhói lòng...

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

BÀ NỘI TRỢ

Hôm nay vào BBC, nghe Mẹ Nấm trả lời phỏng vấn về việc bị bắt và bị ... thả.
Mẹ Nấm nói bằng một giọng rất tự hào rằng " Tôi chỉ thể hiện lòng yêu nước của mình dưới góc độ của một bà nội trợ".
" BÀ NỘI TRỢ" ấy chắc chắn đã làm cho hàng triệu người Việt Nam phải xấu hổ. Trong đó chắc chắn có mình.
Bà nội trợ Mẹ Nấm chắn chắn không bị bắt và ... không bị thả chỉ vì là một bà nội trợ.
Hôm qua đây mình chợt có ý nghĩ rằng: cuối năm nay, trong bản kiểm điểm Đảng viên mình sẽ viết như sau: "Tôi thấy là tôi chỉ làm theo những điều mà tôi nghĩ là đúng nhưng những điều ấy có khi không đúng với đường lối của Đảng, mặc dù Đảng chưa bao giờ bảo tôi "không được làm những điều ấy". Đó là những điều:
- Ký tên vào bản danh sách những người phản đối dự án Bô xít -Tây nguyên với đầy đủ tên tuổi, trình độ học vấn, chức danh (cái này mình rõ ràng hơn Trương Duy Nhất)     
- Thể hiện sự tức tối và qua đó đã tuyên truyền và phát động cho (mới được) một số ít những người thân chống lại sự bành trướng của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nói thật là họ không bán những áo thun mang dòng chữ phán đối dự án Bô xít và "Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam, chứ nếu có bán tôi sẵn sàng mặc nó và có thể vì đó mà ... ăn cơm trại giam.
- Tư tưởng của mình cũng rất tức tối khi nghe tin những Người buôn gió, Mẹ Nấm, ... bị bắt và bị thả với những bắt buộc cam kết không được viết Blog nữa. Mình đánh giá đó là một trò ... rẻ tiền Cái trò này sẽ ...làm tăng thêm những mẹ Nấm như mình mà thôi
Nếu mình viết thế thì không biết sẽ như thế nào nhỉ? Cái này hay đấy. Một cú sốc cho chi bộ đấy. Mà có lẽ chả phải là chỉ cho riêng chi bộ.
Viết như thế thì mình cũng kèm theo cái đơn ... cho em về nhà làm nội trợ.  
Từ trước đến nay mình luôn chắc chắn không phải là một bà nội trợ dù cả với nghĩa đen và nghĩa bóng. Mình cũng không bào giờ muốn người ta coi mình là một bà nội trợ. Nhưng bây giờ thì mình mong mình được là một bà nội trợ biết bao.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

ZÔ ZIÊN

Càng nghĩ mình càng thấy mình zô ziên không chịu được
Zô Ziên như mình hiểu là hành động chả có mục đích gì, chả để làm gì, hoặc có mục đích thì cái mục đích ấy lại chẳng thiết thực bằng  các mục đích khác.
Ví dụ như tự nhiên ngồi cười hơ hớ một mình --> là một kiểu zô ziên
Ví dụ như nói những điều mình hiểu biết với những người chả hiểu biết gì ---> là một kiểu zô ziên cao cấp hơn
Ví dụ như mình làm việc ở cơ quan này:
Mục đích:  có thu nhập : chả cần đến 3 đồng bạc bọ của Nhà nước mình vẫn sống vô tư, thoải mái, quí ...sờ ...tộc
Mục đích: Lên chức lên quyền: mình biết thừa đó là hàng xa xỉ đối với cả mình lẫn người ta. Đời nào một đứa "nhăng nhố" (Nhăng nhố trong mắt những kẻ ...) như mình lại được hạ cố ban cho cái chức vụ gì đó "thơm tho" theo cái nghĩa ít tiền nhưng nhiều quyền hoặc ngược lại hoặc nhiều cả hai thứ. Người ta sẵn sàng đưa một thằng con nguỵ quân nguỵ quyền vào làm một cái chức vụ cao trong tổ chức với nhiều đặc quyền để rồi cho phép nó lên mặt phán xét đối với những đứa "ba đời củ chuối", được đào tạo cơ bản, nói chung là sạch sẽ. Đôi lúc mình nghĩ chả hiểu sao mình lại chịu đựng được cái điều này mặc dù mình cũng không phải là đứa dị ứng với những đứa con nguỵ quân nguỵ quyền.
Mục đích cống hiến cho xã hội/ cho đất nước: ừ đúng, cái này có vẻ như hơi có lý. Nhưng sau gần 20 năm làm việc thì cũng là quãng thời gian để cả Nhà nước và mình cùng thấy chả có gì để phải đòi hỏi về nhau, hối hận về nhau, thậm chí ghét bỏ về nhau. Mình cũng có những điều làm được cho nhà nước và lẽ dĩ nhiên cũng được ban cho tí ti ân huệ từ nhà nước.
Mục đích: là một "tấm phông màn" cho lão chồng và 2 đứa con: cái này có vẻ có lý hơn cả. Nhưng mà cũng chỉ là xin cho ông bố, bà mẹ chồng được yên nghỉ mồ yên mả đẹp. Chứ còn 2 thằng con thì mình đã xác định là nó phải biết tự sống lấy chứ không cần đến cái uy danh hão của ba mẹ.
Mục đích cuối cùng: để cho ông bà già nhà mình yên lòng: cái này đúng. Nhiều lần mình đã dùng dằng muốn rời bỏ tất cả về nghỉ nhưng cứ nghĩ rằng điều này làm cho ba má mình buồn. Dù sao ông bà cũng có mỗi cô con gái.
Nhưng chả nhẽ vì những mục đích linh tinh như thế mà mình cứ phải ngày ngày vác mặt lên đây, ngồi nghe lải nhải đủ thứ chán ngắt, nghe những lời sáo nghĩa từ ....
 Chán thật, zô ziên thật
Giá mà già thêm chút nữa để về hưu sớm cho họ khỏi nói : con ấy bị điên
Chả biết ở đây mới điên hay về nhà là điên
Nói chung gọi nó là zô ziên cho nó dễ chịu. Hừm
Ôi cái cuộc đời này
Cái bài này pót lên thì cũng lắm chuyện đây.
thì kệ, chán lắm rồi

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

EM BIẾT

 
Em biết,
rồi một ngày điều ấy sẽ ra đi
Những khát khao về anh không dày vò em nữa
Em sẽ trở lại bình yên
Như đám mây trôi ngoài ô cửa
Hoá cơn mưa về với cội nguồn
Nhưng,
em sẽ bớt bông đùa và sẽ ít khóc hơn
Thôi thao thức và bớt phần mơ mộng
Không hát câu ca dao mê hoặc hoàng hôn xuống
Ru thời gian à ơi đong đưa
Và em sẽ không còn hoá đá giữa cơn mưa
Chết khát trao anh những vần thơ đẫm ướt
Vô tâm thế, làm sao anh biết được
Tắt nắng rồi!
Làm sao hong cho khô...
Thì cũng vậy thôi, ôi trái tim dại khờ
Cứ thao thức những điều không định trước
Cứ cháy khát những điều không có được
Cứ tìm anh hư vô hư vô
Là trăm năm cũng là chẳng bao giờ
Anh hiểu được những lời yêu câm nín
Chớm thu rồi, đơn côi con đường hẹn
Chỉ em là lẻ loi, lẻ loi...
 
 
Hồi trước mình  đọc bài này thấy đề tác giả là Kim Khánh, nhưng nay trên nhiều trang trên web lại không thấy đề tên tác giả. Dù là ai nhưng chắc chắn chẳng phải của mình. Chỉ thấy hay và ... không bị đòi tiền bản quyền là được. he he

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

GIÁO SƯ SỬ HỌC XIN LỖI CU BỐNG

Chuyện xảy ra từ mùa hè năm ngoái nhưng bây giờ mẹ cu Bống mới dám kể.
Hôm ấy mẹ cu Bống đi ... nhậu vỉa hè ngoài bờ biển với mấy đứa bạn. Nhậu sương sương rồi (chắc sương sương nên mới có gan thế) thì thấy bóng nhà sử học Dương Trung Quốc (với mái tóc bạc và bộ ria bạc đặc trưng nhìn là biết ngay) cũng đang ngồi nhậu ở bàn gần đấy. Thế là mẹ Bống xách ngay một ly bia đầy sang ... gây sự. Cũng may là mấy người bạn của Giáo sư cũng biết qua "tai tiếng" của mẹ Bống nên vui vẻ mời vào bàn. Mẹ Bống nói:
- Hôm nay em đến đây mời  Giáo sư uống với em 1 ly bia. Uống xong thì em sẽ nói một chuyện.
GS DTQ cười vui vẻ và uống liền (hay thế chứ !).
Uống xong mẹ Bống nói tiếp:
- GS là một người rất nổi tiếng, nhiều người trong đó có em  rất ngưỡng mộ giáo sư. Nhưng hôm nay em đến đây không phải nói điều ấy mà là đến để... kiện giáo sư. Nói đúng hơn là em thay mặt thằng cu con em đến để kiện giáo sư và những nhà sử học nước ta.
Giáo sư có vẻ ... choáng khi nghe câu đó. Nhưng chắc với bản lĩnh giáo sư nên ông chỉ mỉm cười độ lượng và chăm chú lắng nghe. Chỉ chờ có thế, me Bống tấn công tiếp:
- Thằng cu con nhà em học lớp 4, trong sách GK lịch sử của nó có 1 câu nguyên văn thế này: " Kỹ thuật chế tạo nỏ bắn được nhiều mũi tên và việc xây dựng thành Cổ Loa là những thành tựu đặc sắc về quốc phòng của nhân dân Âu Lạc". Nó hỏi em thế nào là "thành tựu"? thế nào là "đặc sắc"? thế nào là "quốc phòng"? Em giải thích kiểu gì nó cũng không hiểu. Thấy nó đánh vật với cái câu ấy hàng tiếng đồng hồ, em bảo nó học câu thế này cho dễ: " để bảo vệ đất nước, nhân dân Âu Lạc đã biết xây dựng thành Cổ Loa và chế tạo ra nỏ bắn được nhiều mũi tên" thế nhưng nó cứ giãy đành đạch đòi phải học đúng y như trong sách. Nó đọc mà nó không hiểu thì học lâu là phải. Hôm nay gặp giáo sư đây em xin kiện GS và những nhà sử học sao lại đem cái ngôn ngữ hàn lâm bậc tiến sĩ ấy ra bắt thằng con lớp 4 của em học hả GS?
Nghe xong "đơn kiện" của mẹ Bống, mọi người trong bàn cười nghiêng ngả, GS Dương TRung Quốc cũng cười. Sau đấy ông ... rót đầy 1 ly bia và bảo với mẹ Bống:
- Tôi xin uống với em ly bia này và thay mặt cho ngành sử học Việt Nam tôi xin lỗi thẳng cu con lớp 4 của em.
Vâng, đúng là một người rất có văn hoá, rất đàng hoàng, dẫu rằng đang ở cuộc nhậu nhẹt vỉa hè ngoài bãi biển. Cho dù chả biết GS có nhớ không, chả biết GS có kiến nghị để thay đổi được tí tị nào trong sách GK không,  mẹ Bống vẫn rất chi là khoái chí với lời xin lỗi này của GS. Và tuy rằng Cu Bống còn quá nhỏ để truyền đạt lại cái lời xin lỗi này với nó nhưng mẹ nó thì cảm thấy rất tự hào vì đã "kiện" được GS đầu ngành sử học nước nhà và thầm hứa sẽ tiếp tục gửi đơn kiện đến các nhà khoa học khác nếu có dịp nhậu nhẹt kiểu này. Nhưng không biết các GS khác có xử sự được như GS Dương Trung Quốc không nhỉ?  

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009

CHAT VỚI CU CƯỜNG

Đầu tiên là "Cương cù" ở mãi tận ... phía nam bán cầu chat chit (nó biết mình khoái ba cái chiện cười bậy bạ mà"
What is the difference between girls aged 8, 18, 28, 38, 48, 58, 68?
(có gì khác giữa những cô gái 8 tuổi, 18, 28, 38,48, 58, 68?
 At 8 - You take her to bed and tell her a story.
 8 tuổi: đặt cô ấy vào giường và kể chuyện cho cô bé nghe
At 18 - You tell her a story and take her to bed.
18 tuổi: kể cho cô ấy nghe 1 câu chuyện và ... đưa cô ấy lên giường
 At 28 - You don't need to tell her a story to take her to bed.
 28 tuổi: Không cần kể chuyện để đưa cô ấy lên giường nữa
At 38 - She tells you a story and takes you to bed.
 38 tuổi: Cô ấy kể chuyện và đặt bạn lên giường
At 48 - You tell her a story to avoid going to bed.
48 tuổi: Bạn phải kể chuyện để tránh khỏi phải lên giường
 At 58 - You stay in bed to avoid her story.
58 tuổi: Bạn nằm trên giường để khỏi nghe câu chuyện của bà ta
 At 68 - If you take her to bed, that'll be a story!! 
 68 tuổi: nếu bạn đưa cô ấy lên giường thì đó chính là một câu chuyện
Cương cù chat tiếp
Cuong dinhquang: it's true to you?
Mecubong: seem like
mecubong: so you have to tell a story
Đúng là thằng cu này "không biết phân biết thận"
Mecubong: You have told me that story and What will You want next?
cuong dinhquang: !!!
mecubong: take me to bed?
cuong dinhquang: I tell You a story to avoid going to bed.
mecubong: You don't do it yet
cuongdinhquang:
Mình cũng khá Anh văn đấy chứ nhỉ. He he "lại lấy đuôi ra ngửi"

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

RỒI MÙA THU SẼ VỀ

Có lẽ nào mùa thu không đến? Dù tiếng ve trưa nay vẫn khắc khoải bồn chồn. Phưọng vẫn cháy một khoảng trời xao xuyến. Em vẫn đi về nắng rát bỏng chiều hôm.

Mùa thu còn gì cho em mà em đợi em chờ. Gió tĩnh lặng mà sao thừa thãi nắng. Bầy sâm cầm ngác ngơ đi về đâu giữa những bức tường bê tông màu trắng. Những quả bưởi, quả hồng bốn mùa cười nhạo em trên những sạp hàng?

Giá như nỗi buồn cũng có thể hoà tan. Hay nhốt vào bình pha lê nút kín. Em sẽ chẳng một mình lang thang. Tìm một quả thị vàng cho nàng tiên - cô Tấm.

Chỉ khi nhìn thật sâu trong mắt anh chiều nay. Em mới tin điều này là có thật

Rồi mùa thu sẽ về.  

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

ĐẢM ĐANG



Nếu ai đó thấy nàng vào quán và nhoay nhoáy kêu món ăn không cần đến menu mà tưởng rằng nàng là bà nội tướng đảm đang thì hãy nghĩ ...ngược lại. Không những không hề có tí ti của sự khéo léo, chỉn chu mà nàng lại là bà chúa của sự hậu đậu. Nếu chiếu theo tiêu chí của các cụ ta ngày xưa "tề gia trị quốc..." hoặc "công dung..." thì nàng bị rớt ngay từ vòng gửi xe. Nhưng thời nay, nàng có thể hoàn toàn yên tâm. Đảm đang mà làm gì khi người ta có một cái mỏ dẻo quẹo, luôn được đi ăn nhà hàng không mất tiền và tất nhiên được chồng iu quí bởi rất nhiều thứ khác trừ sự đảm đang.  
Nàng chưa bao giờ dám tự hào về khoản đảm đang nhưng cũng chưa bao giờ phải giấu diếm cái khoản hậu đậu, vụng về ấy của mình làm gì. (Giấu làm gì khi nó cứ lồ lộ hơ hớ ra đấy). Hơn thế, người có tí chất xám như nàng thì phải biết biến cái nhược điểm ấy thành ưu điểm bằng cách chuyển nó thành sự hài hước. Ví dụ như khi mọi người bàn chuyện nên ăn uống gì vào cái mùa hè nóng bức này thì nàng đưa ra ngay 1 lời khuyên: Luộc trứng rồi sau đó lấy nước ấy nấu canh cho ngọt (!). Tất nhiên, ai cũng cho là nàng vô cùng dí dỏm, chứ ai mà lại dám nghĩ rằng nàng nói đúng sự thật mà nàng đang nghĩ. Thấy chưa?  
  Mới đây, khi sếp đến phòng làm việc của nàng, sếp lấy nhón tay trỏ quẹt lên máy vi tính của nàng rồi dí vào mặt nàng cái ngón tay đã bị nhuộm đen xì vì bụi. Lẽ ra khi ấy, nàng phải cúi mặt xuống xấu hổ như tất cả những cô nàng hậu đậu khác. Nhưng nàng lại nhìn sếp với một ánh mắt nửa thương hại, nửa kẻ cả (như thể con mèo nằm giàn bếp lim dim nhìn một con  chuột lượn lờ trước mặt) và buông ra một câu lạnh lùng:
- Ối giời, thế mà kể vô. Sếp thử lấy ngón tay mà quệt vào người em xem, còn nhiều bụi hơn thế nữa ấy chứ.
Đến nước này, sếp chỉ còn biết giơ hai tay lên trời và đi ra khỏi phòng, không nói được câu nào.
Thật ra cái bài này là đúng theo kiểu ... gì gì đấy của Binh pháp tầm bậy tử mà nàng đã áp dụng nhiều lần mà lạ là lần nào cũng thành công. Đang thế thua chuyển thành thế thắng một cách ngon ơ. hà hà  Chả thế mà lũ nhóc con cứ bảo nàng là "bắt nạt" sếp như ngoé.
Nói về sự đảm đang của nàng thì còn dài tập lắm. hẹn kỳ sau. 

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

CHẢ CÁ

15000 một kg cá mối. Làm sạch, xay ra, ướp tiêu hành ớt,tỏi, mắm... viên lại dẹp dẹp bằng cái bánh bích qui, được một đĩa to đùng hơn 20 cái bánh như thế...
30.000 một con cá thu nặng chưa đến nửa ký. Hì hụi lọc lấy phi lê, dùng thìa nạo cho hết chỗ nạc cá. Chưa yên tâm, lại phải lấy cối ra xay cho nhuyễn. Cũng tiêu hành ớt tỏi, mắm muối, bột ngọt. Cũng viên thành bánh bích qui. Thành quả là gần chục chiếc bánh nằm gọn trong lòng đĩa nhỏ xíu.
Dọn cơm lên, cu Bống nhìn thấy ... thở dài thườn thượt : "...LẠI CHẢ CÁ NỮA RỒI..."
Giải thích rằng hôm trước cá khác, giờ cá khác đắt hơn, chế biến kỳ công hơn, Bống mới rón rén gắp một cái bánh, nhai xong thì bảo: "con thấy cũng rứa... mà hình như còn dai hơn chứ không giòn như chả cá bữa trước"
Thế này thì mọi người bảo có lộn ruột không cơ chứ. Dù rằng bao giờ mình cũng tự nhận mình là kẻ kém nhất trong cái khoản nấu nướng, chỉn chu. Và dù nó, cái thằng cu Bống kia, còn quá nhỏ để thưởng thức cho ra cái ngon cái dở hay để nhận thức ra được cái tấm lòng của mẹ nó dành cho cả nhà qua cái bữa cơm này ... nhưng mà vẫn tức anh ách.
Nghĩ lại xã hội, cơ quan ... cũng vậy. Con người nếu cứ bị xay ra, nhào nặn, ướp đủ thứ gia vị vào ... thì cũng chả dễ phân biệt được xấu tốt, giỏi, dở .... Mà ngay cả đôi  khi, mình thực sự cảm thấy mình đang bị xay ra, và ướp gia vị. ... Nhưng nói cho cùng, khi ấy chính bản thân mình cũng còn không hiểu được mình là cá mối hay cá thu nữa thì làm sao những người vô tư thì như cu Bống, (không vô tư thì như ...)  lại có thể nhận ra được điều đó. Tất cả lại nhìn vào mâm cơm, thấy những cái bánh chả cá như cái bánh bích qui (xấu hơn cái bánh bích qui) và thở dài thườn thượt: ..."LẠI CHẢ CÁ NỮA RỒI..."       

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Những tưởng là nó không đến nữa. Mới hôm qua mà vẫn hầm hập khiến lòng dạ cứ bồn chồn, khó chịu. Cứ phải ngóng chờ, băn khoăn, lẽ ra giờ ấy, ngày ấy thì nó phải có mặt rồi chứ. Mà ngóng chờ, băn khoăn là một cái tâm trạng rất chênh vênh, nó chứa đựng những hy vọng nhưng đồng thời  là sự lo lắng, thấp thỏm. Từ lâu, mình luôn có cách để giải quyết cái sự đợi  chờ thấp thỏm này bằng việc tự bảo : thôi thì cứ chấp nhận cái điều tệ hại nhất có thể đến, nghĩa là cái sẽ đến chỉ có thể tốt hơn cái tệ nhất đó thôi. Suy cho cùng đây là kiểu giải quyết tình huống của ...AQ. Nhưng nó sẽ làm cho mình gạt bỏ được những bất an. Giống như thể mình chuẩn bị đi gặp một người nào đó quyết định đến sinh mạng của mình. Mình đã đến cổng, thậm chí là đến cửa phòng của họ rồi nhưng không dám vào. Thế là mình dừng lại, hít thật sâu và với suy nghĩ "ông ấy(hoặc bà ấy)  không ăn thịt mình thì việc gì phải sợ" thế là xung phong ... gõ cửa. (Nếu người ấy không có trong phòng thì mình mừng rú lên, mừng có khi còn hơn cả việc mà mình mong đợi họ sẽ giải quyết cho mình). hehe
Thế nên mới hôm qua, mình cứ phải cố quen với cái tệ hại nhất là không khí nóng ran, ngột ngạt, là mùi mồ hôi người cứ lẩn khuất gần đâu đây; cố cho mình giữ bình tĩnh để khỏi cãi lại những lời chỉ trích của "sếp", để khỏi phải mắng thằng nhóc Tít về tội này, tội nọ; rồi lại lắng nghe tin tức phiên tòa với những lời luận tội cho cả hai bên bị can và người được coi là bị hại. Nói chung là chán....
Thế nên hôm nay mở cửa, chợt thấy mặt đường loáng nước, chợt thấy hình như cái cây xà cừ  bên kia đường hình như xanh hơn, thấy gánh mì Quảng vỉa hè trước nhà đông mà lại có vẻ ít lao xao hơn...
Thế nên mình mới hiểu. Cuộc đời này có những điều mà dù mình có mong mỏi thế nào mà nó không đến thì không đến, dù mình có cố chặn lại thế nào thì nó cũng cứ đến.
Như sáng thu này vậy.       

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

CHUYỆN KỂ CỦA BỌ NGỰA

Hôm vừa rồi K10 miền Nam họp mặt ở Qui Nhơn. Mẹ cu Bống (nick name là Mèo) được anh Hải Bọ ngựa cho đi ké xe và thế là được một bữa cười gần chết về mấy câu chuyện thời sinh viên. Sau đây xin kể lại cho bà con mình nghe chơi.
Chuyện thứ nhất: Đi bắt cá
Đói quá đâm ra cánh SV nam  nghĩ ra cải thiện đời sống bằng việc đi bắt trộm ... cá tra. Cá tra thì mọi người biết rồi, chỉ ăn toàn những thứ ...đầu ra của con người thôi. Hải Bọ ngựa "chủ mưu" hy sinh cái màn, hì hụi khâu vá thành 1 cái vó, lại lấy hai thanh tre nẹp lại thành cái cán. Xong xuôi cả lũ kéo nhau vào làng, tìm đến 1 cái ao vắng và bắt đấu...thực hiện hành vi ...
Bọ ngựa sai Châu Bờm xung phong ra nhà VS giữa hồ cá tra kết hợp vừa giải quyết bầu tâm sự vừa lấy đó làm mồi cho cá, năm sáu tên còn lại tay vợt sẵn sàng chỉ chực chờ cá ngoi lên đớp là xúc luôn.
Quả nhiên khi anh cu Bờm nhà ta vừa trút bầu xuống thì một đàn cá đói nhao nhao lên đớp, cá đớp nhiều quá, nước văng tung tóe khiến anh Bờm nhảy dựng lên quên cả kéo quần. Mà nhà VS cầu cá thì chỉ được cho 1 tấm ván mỏng cao khoảng 20cm, chỉ đủ che phần dưới thôi, vậy nên anh Bờm ta bị "lộ hàng nóng" luôn. Nhưng thôi, lộ hàng không quan trọng, quan trọng nhất là phía dưới hồ, các đáng nam nhi khác đã ì ạch khiêng cái vó tự tạo chứa gần chục chú cá tra bự lên bờ. Rủi thay, lên gần đến nơi thì cái nẹp tre bị gãy khiến cái vó rớt ạch xuống nước, thế là công cốc.
Tiếc của giời, Bọ ngựa yêu cầu Châu Bờm phải thực hiện phi vụ này lần nữa, rút kinh nghiệm thay cái nẹp tre và giữ cho chắc chắn. Tất cả sẵn sàng, chờ mãi chờ mãi vẫn không thấy ...mồi. Bọ ngựa tức quá quát Bờm :sao lâu thế mày" Bờm ta mếu máo: "anh tính, em ăn cơm tập thể, có được tí nào nó đã ra sạch sẽ ngay từ lần đầu, chừ có cố mấy cũng không được anh ơi"
Cuối cùng cả bọn đành lếch thếch bê cái vó cùng cái bụng trống không về lại KTX. Toi mất cái màn.

Chuyện thứ hai: Bốc xăm (thăm)
Dương tồ than thở với Bọ ngựa: em thèm chè quá anh ơi, mà chừ hết tiền rồi, làm răng hè? À nè, em thấy lão Chín "lũn"có người nhà mới gửi tiền lên đó, anh em mình sang vận động lão bao mình chè đi.
Bọ ngựa bảo: ờ nhưng mà lão ấy kiết lắm, không chắc chịu bao mình đâu. vậy phải làm thế này...thế này...
Bàn bạc xong, 2 tên sang phòng Chín lũn. Quả nhiển, anh Chín lũn mới nghe xong cái vụ rủ đi ăn chè là chối phắt. Dương ra vẻ kẻ cả bảo : Vậy chừ mình chơi trò bốc "xăm" (thăm), em làm 3 cái xăm, 2 cái không, 1 cái có, hễ ai bốc trúng chữ "có thì phải bao chè hai người kia.
Chín lũn nghe xong, thấy cũng có lý, xác suất 1/3 thì chắc chi chữ "có" trúng vô mình nên đồng ý. Nào ngờ thằng Dương xung phong viết 3 cái xăm đều mang chữ có, lại kính lão đắc thọ mời bác Chín bốc trước. Chín ta bốc trúng ngay chữ "có", mặt dài như cái bơm xe than thở : chết cha, tau trúng chữ "có" rồi.
Thế là, chỉ chờ có vậy, Hải bọ ngựa và Dương cùng đồng thanh: May quá anh Chín trúng chữ "có" rồi thì tụi em 2 đứa là chữ "không" chớ chi, thôi mình đi ăn chè anh Chín bao hè.
Đã lừa được ông Chín lũn rồi, khi đi ăn chè, hai tên bợm Bọ Ngựa và Dương lại còn cười rúc rích với nhau nên bác Chín sinh nghi. Khi phát hiện ra sự thật đau lòng ấy, bác Chín mới chửi cho 2 bợm kia một phen, nhưng cũng đã muộn rồi.
Còn nhiều chuyện nữa nhưng để kể sau

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

HỌP LỚP

Đi họp lớp ở Qui Nhơn về, mệt mà vui. Lớp năm nay họp ít hơn năm trước, do cúm heo, do đến phút chót có vấn đề đột xuất, do ốm dọc đường và nhiều lý do khác nữa. Đi họp lớp sau 20 năm để thấy mình và ...nhiều người khác đã hiện lên những vết chân ... khủng long, con cái thì đã lớn lên, học đại học hoặc mới thi đại học (nghĩa là chúng nó bằng chúng mình hồi trước).  Mình già là phải...
Ngạc nhiên vì lần này xuất hiện mấy nhân vật chưa từng có mặt tại các cuộc họp lớp trước đây.
Thứ nhất là Ngọc lùn đi cùng chồng, một anh chàng cao ráo, khá đẹp "chai" (quá đẹp so với nó). Lão Hải Bọ ngựa giả vờ ngây thơ bảo chồng Ngọc: "Ông mà lấy được con Ngọc lùn khoá 10 của tụi tui là ông phải bao cà phê cho cánh con trai tụi tui đó nghe". Con mèo nghe thấy thế lanh chanh chen ngang: "Ối giời ơi, có mà cả con trai K10 này phải bao ông Học uống cà phê mới đúng chứ" . Nói xong thấy hối hận ngay vì bọn con trai toe ra cười làm bố cu Học hơi bị sường sượng. Lão Bọ ngựa cũng nhanh trí tương thêm 1 câu mắng té tát vào mặt con Mèo: "Cái con này, cả khoá này phải mời lão Tiến nhà mày một chầu nhậu vì lão rước dùm cái bản mặt của mày thì có. Ăn với chả nói". Bọn con trai và Mèo nhe răng ra cười trừ lần nữa.
Nhân vật thứ hai là Trung Rôbe. Nhân này biệt tăm biệt tích ở đâu mà 20 năm nay mới gặp lại. Cứ ngỡ hắn ta thù K10 lắm vì K10 hồi ấy như mọt lũ "tiểu tướng hồng vệ binh" biểu quyết cho hắn ở lại lớp 1 năm vì tội xúc trộm mấy lon gạo. Hắn ta cũng đã từng bị lũ con gái tẩy chay vì hồi ấy dám bỏ Bình Hối để chạy theo một em sv khoá dưới. Nhưng thôi hắn đã đến đây họp lớp, đã tham gia sinh hoạt chung với lớp và tâm sự với Mèo rằng : Dù các bạn có ghét mình đến mấy K10 vẫn là khoá của mình, mình vẫn là người của K10 chứ không bao giờ là của khoá khác. Tốt tốt, thế là tốt
Nhiều chuyện lung tung lang tang hay ho nữa nhưng sẽ kể ở blog của khoá
Nói chung, mình rất được mọi người iu quí dù rằng 4 năm học trong trường chả được thằng ch... nào để ý

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

GÀI ĐỘ

Hôm qua, được nghe Bí Thư Thành ủy nói chuyện với các cán bộ xã phường. Nói chuyện với các CB xã phường nên cách nói cũng rất... xã phường. Bí thư đề nghị các chủ tịch xã, phường phải nâng cao trách nhiệm, bằng nhiều biện pháp sáng tạo tạo điều kiện cho nhân dân xóa đói giảm nghèo. Cao hứng (mà Bí thư thì hay cao hứng lắm) Bí thư kể chuyện ông đã làm "cò", "gài độ" để một đại gia mê cờ tướng ngoài Hà Nội vào đánh cờ tướng với một Kiện tướng quốc gia, trưởng bộ môn cờ tướng của Sở TDTT. Tất nhiên vị đại gia kia thua te tua và Kiện tướng nhà ta có được mấy triệu bạc để dẫn quân ra Hà Nội thi đấu giải cơ tướng toàn quốc. Câu chuyện khiến cả hội trường cười ngả nghiêng, lòng ai nấy đều thấy BT thật quả thương dân, lo cho dân. Thấy xã hội chúng ta thật ưu việt...vì có những BT như thế. 
Nói chuyện vui vậy nhưng mấy ai làm được như vậy. Mấy ông Bí thư, chủ tịch xã phường có cố mấy đi nữa thì cũng đừng hòng mon men đến chỗ phòng của mấy đại gia kia chứ nói gì đến chuyện "gài độ", và tên đại gia kia chắc cũng là "thua trên thế thắng" mà thôi. Bỏ mấy triệu bạc để "mua" cái danh "thua BTTU" cũng sướng chứ. Nếu là mẹ cu Bống thì cũng sẽ không làm khác. He he.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

NHỮNG VÌ SAO ĐẤT NƯỚC

Chiều hôm qua chở cu Bống đi lên cơ quan làm việc. Có lẽ tại trời nắng quá nên Bống mình ngắm sông Hàn rồi tự dưng tức cảnh ngâm nga: " Nước trong leo lẻo cá đớp cá. Trời nắng chang chang người trói người". mẹ Bống hỏi: Con có biết câu ấy của ai không? Bống ta hồn nhiên trả lời: Của Trạng Tí. - Trạng Tí nào? - Thì của Trạng Tí trong truyện tranh Thần đồng Đất Việt ấy mà. Bống trả lời đầy vẻ hiểu biết.
Nghe xong, Mẹ Bống không biết nên khóc hay nên cười. Tất nhiên phải giảng giải cho Bống hiểu câu ấy là của Cao Bá Quát, một nhà chính trị văn hóa, một con người tài hoa, một ý chí mạnh mẽ ...cùng bối cảnh khi Cao Bá Quát làm đôi câu đối ấy. Cao hứng, mẹ còn kể cho Bống nghe những giai thoại về Lương Thế Vinh, Mạc Đĩnh Chi...
Bống có vẻ khoái khi nghe chuyện của mẹ. Nghe xong Bống hỏi: mẹ ơi, sao mẹ biết nhiều thế?- À tại hồi còn nhỏ hơn con bây giờ mẹ đã đọc tập truyện Những vì sao đất nước, một tập truyện rất hay về các danh nhân văn hóa, lịch sử nước ta. Sau này, để phù hợp với thị hiếu của các độc giả nên người ta đã chuyển thể nó thành những dạng sách như truyện tranh Thần Đồng Đất Việt mà mẹ mua cho Bống đọc. Người ta đã đem những cái hay ho của các danh nhân  gán cho nhân vật chính như Trạng Tí  làm đại diện và  tạo sự hấp dẫn, sinh động thôi. Cho nên đọc xong cái phần tranh thì Bống phải chịu khó đọc cái phần sau giải thích đầy đủ về những giai thoại về nhân vật lịch sử, văn hóa. 
- Mẹ mua cái quyển những Vì sao đất nước cho con đi.
- Ừ, nhất định rồi.
Sáng hôm nay lên mạng tìm xem ở đâu bán quyển sách này để tìm mua cho Bống. Không gặp sách lại gặp ngay một người cũng đang băn khoăn giống y chang mẹ Bống rằng : Hồi nhỏ tôi có đọc quyển sách này nhưng bây giờ tìm không thấy. Có ai biết sách được bán ở đâu không chỉ cho tôi với.? Không có ai chỉ, không có ai biết sách này được bán ở đâu. Trên website của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch có bài viết về việc thiếu những hình tượng văn học cho thiếu nhi (http://www.cinet.gov.vn/?ctl=usc_NewsViewsdetail&zoneid=58&rootId=4&newsid=21310) trong đó có dẫn ra ví dụ về cuốn sách này với sự khen ngợi rằng đây là những tác phẩm có "những hình tượng văn học đẹp đẽ làm rung động tâm hồn thiếu nhi Việt Nam qua nhiều thế hệ của các lớp nhà văn đi trước".
  Biết là hay, biết là đúng, biết là cái chúng ta cần thì sao không tái bản đi, còn nói làm gì. Hay là các nhà văn ngày xưa sẵn sàng viết chung quyển sách hay ho ấy bây giờ thấy cần phải tách ra để viết những thứ mà mình cho là hay ho nhỉ. Biết là hỏi chả ai trả lởi nhưng cứ hỏi cho nó đỡ tức.  
Mẹ Bống cũng như nhiều vị làm cha làm mẹ khác đang rất cần những quyển sách như Những vì sao đất nước. .

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

ĂN THỊT CHÓ

A lô, mày ở đâu đấy? - Tao đang ở quán thịt chó. – Với ai ? Mấy đứa cơ quan. - Thế tao đến đấy có được không? – Ok, đến đi   
Thế là 5 phút sau nó có mặt chỗ chúng tôi với một vẻ tí tửng rất đáng “ghét”.
Chả bao giờ tôi nghĩ rằng có cái ngày mà tôi với nó cùng ngồi ăn thịt chó và tán đủ thứ chuyện thế này.
Ăn thịt chó là cái chuyện quá thường, (Thậm chí là tầm thường nữa) nhưng về nghĩ lại thấy cũng chả thường tí nào, nhất là ngồi cùng nó thế này.
Thứ nhất, cái sự ăn thịt chó là phải đi với những người thích thịt chó, cùng coi chó là món khoái khẩu. Lại phải đi với những người bạn bè thân hữu “chí tử” với nhau, yêu quí nhau lắm mới mời nhau đi ăn thịt chó. Ấy thế nhưng một khi đã đặt mông xuống quán thịt chó rồi thì chả ai đem cái chuyện yêu đương tình cảm gì ra bàn ở đấy cả. Nhưng đến quán thịt chó thì cứ vô tư mà tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với tất cả những ái ố hỷ nộ cứ phơi bày lồ lộ như mấy lát thịt chó luộc trên đĩa. Tôi cũng đồ chừng rằng ở nơi ấy hầu như chả có gì giấu nhau được, chả có gì giả dối với nhau được như cái  mùi mắm tôm đặc trưng 3 ngày sau vẫn còn ngửi thấy.
Thứ hai, là nó. Nó là thằng bạn học phổ thông với tôi, ngồi bàn trên tôi. Nó là cái thằng mà hồi ấy tôi liệt vào dạng ghét không chịu được và đã có lần suýt cầm cái thanh ghế gãy để choảng nhau với nó. Mà đâu chỉ mình tôi, nó cũng là đứa chuyên gây sự với những đứa khác trong lớp. Nó còn “hành hạ”, “ tra tấn” các thầy cô, làm cháy giáo án của họ bằng những câu hỏi liên tục không ngớt, những câu hỏi hình như nó đã biết câu trả lời rồi nhưng vẫn hỏi, đã được trả lời rồi nhưng nó lại dẫn ngay ra một câu khác để chứng minh cái câu trả lời ấy không đúng. Không ít lần nó làm cho các thầy cô điên tiết cấm cửa nó vào tiết mình. Lẽ tất nhiên chúng tôi cũng về phía thầy cô mà lên án nó trong các cuộc họp lớp, họp tổ nhưng có lúc cũng thầm cám ơn nó vì nhờ nó hỏi nên mình thoát được nạn dò bài.
Dù ghét chúng tôi cũng phải công nhận là nó thông minh.( Thông minh nên mới “quay” được các thầy cô đấy chứ). Nên chẳng ai ngạc nhiên khi nó thi đại học được điểm cao và đi học Liên Xô ngay trong năm đầu tiên. Sau đó nó lấy ngay cô bạn cùng lớp và ở lại Ukraina, rồi trở thành một “đại gia”. (nghe nói thế chứ tôi cũng chả quan tâm chuyện nó kinh doanh cái gì, gặp lại thì tay bắt mặt mừng, bô lô ba la nhắc lại chuyện ngày xưa tao ghét mày thế nào, hồi ấy mà  biết thế này thì …)
Bây giờ thì nó, một Việt Kiều, một đại gia đang ngồi đây, gắp lấy gắp để, miệng vừa nhai nhồm nhoàm, vừa khen: "sướng, sướng thế, lần sau tao về mày lại rủ tao đi nữa nhé". Không biết nó có biết không chứ lúc ấy tôi cũng cảm thấy sướng khi lén nhìn sang mấy em cơ quan đang mắt chữ A, mồm chữ O đầy vẻ thán phục "sếp có ông bạn thế chứ lị !". Hà hà. 
Thứ ba, ăn thịt chó thì phải nói toàn chuyện linh tinh, lang tang trên trời dưới bể, hổ lốn tả pí lù … Ấy nên tôi không bất ngờ khi nó chuyển sang chủ đề chả liên quan gì đến thịt chó. Nó bảo: sao chúng mày chả có một động thái gì về Hoàng Sa thế ?. Nó đánh mình như thế mà chúng mày ở đây cũng ngồi yên. Ở bên ấy con gái tao mới học lớp 10 cũng có hẳn mấy bài về Hoàng Sa đấy. Tao mà ở đây như mày tao biểu tình ấy chứ.
- Ôi ôi, tao xin mày, tao muốn yên thân, không muốn “ủ tờ” đâu.
- Cái lớp mình chỉ được mỗi cái học giỏi. Rồi bây giờ đứa nào cũng là công dân kiểu mẫu. Nhưng nói thật tao thấy bọn mày nhạt như nước ốc. Chúng mày chả dám nói điều chúng mày nghĩ là đúng. Chúng mày chả dám hỏi những điều chúng mày chưa hiểu. Chúng mày chỉ làm theo những điều người ta muốn. Đến bao giờ chúng mày mới làm những điều chúng mày muốn.? Nói thật, chúng mày đ… ra làm sao.
Thế rồi chí chóe, rồi cãi nhau, rồi cười ha hả ngả nghiêng. Chấp làm gì cái lũ ăn thịt chó, ăn thịt chó uống rượu có tí men vào nên nói khoác, nói bậy.
Lúc ấy rồi về sau, tôi phải “viện dẫn” những cái đáng ghét ngày xưa của nó ra để cố làm giảm cái sự quí mến nó đang mỗi lúc một tăng lên, để cảm ơn nó vì đã … ăn thịt chó với mình. 

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

ĐỪNG BUỒN HOA XUYẾN CHI

Hầu như ai được tôi hỏi đều lắc đầu không biết hoa Xuyến Chi. Có người nghe tên hình dung ấy hẳn là một loài hoa có vẻ đẹp lộng lẫy như hoa hồng, cao sang như hoa Liz hay đài các như hoa kèn. Không ai tin rằng cái tên xinh xẻo ấy lại thuộc về một loài hoa cúc dại, màu trắng, cỡ bằng đồng xu mọc đầy tại hai bên đường sắt, bên hàng rào, bên vệ đường hoặc những khu đất bỏ hoang hoá lâu ngày. Hoa Xuyến Chi sáng nở, chiều tàn nên chẳng bao giờ được người ta hái chứ nói chi đến mang về cắm vào lọ để chưng. Và loài hoa này đương nhiên cũng không có tên trong những bài hát hay câu thơ nào cả…
Ở Đà Nẵng, hoa Xuyến Chi mọc nhiều lắm. Ngay cả trên những vùng đất trồng hoa như Phước Mỹ, Hoà Cường…khi những bông hoa hồng, hoa cúc trong vườn được trồng theo luống theo hàng, được người chăm sóc cẩn thận đang nở rộ khoe hương thắm sắc thì xung quanh những vạt đất ấy, hoa Xuyến Chi vẫn cứ thầm lặng như biết thân biết phận mình chỉ khiêm tốn điểm những đốm trắng trên nền lá xanh; trên những bãi đất trống ở Khuê Trung, Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, Hoà Khánh …hoa Xuyến Chi vô tư ngập tràn tạo thành một vùng hoa đồng nội dù không ngút ngàn như trong phim nước ngoài nhưng cũng đủ làm nao lòng người có tâm hồn nhạy cảm… Có những khi đứng trên dốc Hoà Cầm, nhìn xuống cánh đồng toàn hoa xuyến chi, lại cảm giác như một giấc mơ nào đó vừa xa xôi, vừa mong manh như thể hàng triệu ngôi sao trắng tan vụn vào mênh mông…
Còn bây giờ…
Những vạt hoa Xuyến Chi lặng thầm ấy đang dần dần nhỏ đi, nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng thoắt thoắt hiện ra như từ những giấc mơ. Chẳng ai cần để ý nơi cánh đồng hoa Xuyến Chi ngày đó giờ đã thành một siêu thị hiện đại hay một khách sạn tráng lệ. Làm sao còn ai nhớ đến những đốm trắng li ti nổi bật trên nền lá xanh mướt khi giờ đây những chùm đèn trang trí đang lung linh mời gọi. Hoa Xuyến Chi mơ màng đang lùi dần… lùi dần…để nhường chỗ những khu dân cư mới, những công trình hiện đại, những công viên đầy hoa ... Giấc mơ hoa Xuyến Chi cứ thế lặng
thầm và dịu dàng dâng hiến cho những hiện thực kỳ vĩ, sinh động.
Tôi ngồi bên vệ đường, có thể đây là nơi cánh đồng hoa Xuyến Chi ngày trước. Dịu dàng đậu vào tay tôi một cánh hoa trắng mong manh. Không biết có phải là Xuyến Chi đang an ủi tôi về sự nuối tiếc cho những giấc mơ vì đã trở thành hiện thực? Vậy mà tôi lại muốn an ủi : Xuyến Chi ơi đừng buồn. 

TRẦN PHÚ HAY TÔN THẤT TÙNG

Chả có gì khập khiễng hơn khi  so sánh giữa một đồng chí Cố Tổng Bí thư Đảng năm 1930 (TBT) với một ông giáo sư bác sĩ mổ tim (GSMT) nhưng mấy ngày qua 2 cái tên ấy cứ ám ảnh mẹ cu Bống mãi.
Chả là cu Tít thi lớp 10, nguyện vọng 1 vào trường của TBT, rớt chỏng vó với 38 điểm (trong khi TBT “đòi” 40,5 điểm), nhưng với số điểm ấy thì “dư xăng” đến với GSMT dù là nguyện vọng 2 dành cho những đứa vào loại học hành thì ít chơi game thì nhiều.
Nếu là con nhà đi biển thì cu Tít chả còn vấn vương tư tưởng, tiếc nuối gì mà đương nhiên yên tâm xung phong tiến thẳng vào với BSMT với niềm phấn khởi vì dù sao mình cũng đỡ …dốt hơn những đưá khác (thi đột biến anh văn đến 9 điểm cơ mà) và biết đâu lại được may mắn vào hắn lớp chọn. Mà hình như hắn cũng yên tâm thật, thi xong, biết điểm, cười hi hi, đi… chơi game tiếp.
Chỉ có mẹ nó là vấn vương mãi, thở dài, than ngắn, tức tối, hy vọng…vì nghe đâu mấy năm trước con anh nọ chị kia cơ quan thiếu vài ba điểm cũng xin được vào trường TBT. Đã thế, đi ra ngoài thì mấy người quen lại bảo Mẹ cu Tít làm thế nọ thế kia mà không xin được cho Tít vào trường TBT à? Sốt hết cả ruột, đau hết cả đầu. Đúng lúc ấy, ba Tít lại nhận lệnh đi công tác Hà Nội. Trách nhiệm rõ ràng thuộc về …mẹ Tít.
Nói cho đúng, mẹ cu Tít cũng có thể có được cái diễm phúc là mon men đến phòng làm việc của Giám đốc Sở giáo dục để mà thỏ thẻ cái nguyện vọng vô cùng chính đáng là xin cho cậu quí tử vào trường TBT mà không bị bảo vệ đuổi ra khỏi cổng và Giám đốc Sở thì cũng thẽ thọt mà khuyên răn chứ không mắng mỏ gì. Cũng chả phải xấu hổ gì thêm vì lâu nay thì mẹ cũng đã quá xấu hổ với cái thành tích học tập tại trường của cu Tít rồi.
Có lẽ bây giờ cu Tít mới chỉ thấm hiểu sơ sơ rằng chỉ cần cố gắng một chút thôi trong quá trình học hành thì giờ đâu đến nỗi phải đi học ở trường … “sơ tán” của GSMT thế này. (mẹ nghe Tít than thở với Cún rằng “tao mà được học sinh tiên tiến mấy năm như mi thì tao dư điểm vào TP rồi” còn thằng Cún thì bảo “mi tưởng tao suốt ngày game gủng, ăn chơi như mi mà được HSTT à. Tao cũng phải học mửa mật ra đấy chứ”). Nhưng để cu Tít thấm hơn cái vị đắng  khi bị rớt chỏng vó NV1 thế này và cũng như trong cuộc đời sau này khi bản thân không chịu cố gắng thì có vẻ như hơi …xa vời quá. Trong khi ấy mẹ Tít sẽ phải ngậm đắng nhiều hơn trước những lời chỉ trích rằng không biết lo cho con, chỉ nói thánh nói tướng là giỏi, toàn đi làm chuyện “vãi mèo” giúp cho thiên hạ mà không giúp được cho chính con mình. 
Nhưng thôi, mẹ Tít quyết tâm, nghiến răng, ngậm đắng nộp hồ sơ cho Tít “tuyển thẳng” vào GSMT với một niềm hy vọng (dù hơi mong manh) rằng sau này Tít sẽ hiểu mẹ làm thế vì không muốn Tít cho rằng có thể dựa vào ba mẹ suốt cuộc đời này. Tit như một cái cây mà ba mẹ chỉ là người chăm ươm khi còn ở trong bọc ni lông mà thôi. Bây giờ cái cây ấy được bứng ra ngoài đất trồng rồi đấy nhé, phải tự mình vươn lên thôi.

CHỬI

Tổ cha tụi bay. Chớ mi ác chi mà ác rứa. Anh em với nhau mà mi làm rứa à. Đánh cho hắn lên bờ xuống ruộng phải trốn chui chạy nhủi rồi mà mi còn lôi hắn về mà đánh, mà trụt quần, trụt áo trước mặt bà con thiên hạ ra rứa trời. Chớ mi tưởng mi là anh mi ưng hành hạ hắn răng thì mi hành hả?. Ờ thì hắn ngu, hắn sai . Mi tưởng mi làm rứa cho lòi cái sai của hắn ra là mi đúng hả  Hắn sai, mi đúng ở đâu không thấy, tau đây hàng xóm chỉ thấy mi làm rứa là quá đáng.  Mi có biết mi làm rứa thì người ta nói mi là đồ dã man không? Ờ mà cái mặt mi dày như mặt thớt rứa thì họ có nói rứa chứ nói nữa cũng không ngứa chi mà. Lạ thiệt, ba má tụi hắn đâu mà để anh em cật ruột nhà hắn đánh nhau tơi tả chổi cùn ra rứa mà cũng không thèm nói năng chi. Tau hàng xóm còn thấy nhức mắt không nói không được, mà nói thì bay ghét chớ cái lũ tụi bay anh em với nhau mà còn như rứa thì rồi đây tui bay đối xử với người khác ra răng?. Sau này rồi tụi bay cũng lo mà tìm đường đi khỏi cái đất này đi chớ ở đây cũng mang tiếng cho làng mình sinh ra mấy cái thằng mất dạy, lưu manh, vô đạo, ăn cướp, phá làng phá xóm mà thôi. Còn mấy cái thằng ranh con kia, tụi bay còn đứng đó chống mắt vỗ tay coi hai anh em hắn đánh nhau hả? Mau cút ngay không tao cho mấy cán chổi bây chừ. Hừm, tổ cha cái lũ hậu sinh khả ố.      

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

CẢM TÍNH

Trong một bộ phim truyền hình. Một chàng luật sư trẻ không tên tuổi được chỉ định bào chữa cho một bị cáo bị cáo buộc là giết người. Hầu như mọi người trong phiên toàn đều biết bị cáo bởi đó là một tay giang hồ có tiếng, đã có nhiều tiền án, tiền sự và mới được mãn hạn tù trước khi vụ trọng án diễn ra vài hôm. Bị cáo đưa ra những chứng cứ ngoại phạm rất thiếu thuyết phục và hầu như ai cũng tin rằng bị cáo chính là hung thủ.
Thay vì bài bào chữa với những lời lẽ thống thiết, dài lê thê, những lời năn nỉ viện dẫn về những điểm tốt của bị cáo hòng mong sự mủi lòng của Hội đồng xét xử, chàng luật sư trẻ tuổi đã chỉ thẳng tay vào bị cáo và nói dõng dạc, đanh thép :
- Thưa các ông các bà. Đứng trước mặt chúng ta là một tên côn đồ bất hảo, một tên đã từng có gần 10 tiền án, tiền sự, một tên lưu manh đã phải bỏ gần hết đời mình trong nhà tù, giá như hắn có thể ở luôn trong đó hoặc chết đi thì tất cả chúng ta ngồi đây đều thở phảo nhẹ nhõm. Để cho hắn sống, là một vết nhơ cho cuộc sống tươi đẹp của chúng ta.
Hội đồng xét xử ngơ ngác, những người dự phiên tòa nhìn nhau, luật sự bào chữa cho nguyên đơn lắc đầu … Mắt bị cáo vằn lên những tia giận dữ, nếu không có những người cảnh sát giữ lại luật sự đã bị một quả đấm vào mặt. Xin mở ngoặc một chút để nói thêm. Về nguyên tắc nghề nghiệp không cho phép luật sư được nói những điều làm trầm trọng hơn tình trạng của bị cáo. Vậy mà…
Dừng lại một chút, nhìn xung quanh, chàng luật sư trẻ mỉm cười và nói tiếp:
- Nhưng thưa quí vị, sự căm ghét của quí vị cũng như của tôi, sự hận thù của gia đình người bị hại ngồi đây chúng như của hàng chục những nạn nhân đối với hắn không phải là căn cứ để buộc bị cáo đây phải ngồi tù. Bởi vì đó chỉ là cảm tính mà pháp luật thì đòi hỏi những chứng cớ cụ thể. Tôi xin lưu ý với cơ quan điều tra rằng bị can bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình phạm tội mà trách nhiệm này thuộc về cơ quan điều tra. Một khi cơ quan điều tra chưa đưa ra được những bằng chứng thuyết phục về việc thân chủ của tôi phạm tội thì thân chủ của tôi phải được tuyên là vô tội. Phần bào chữa của tôi chỉ có vậy thôi
Lần này, cả khán phòng tiếp tục … ngơ ngác nhìn nhau,  riêng bị cáo thì chắc chỉ muốn nhảy cẫng lên, nếu không có mấy cảnh sát giữ lại thì hắn đã nhảy bổ đến mà hôn vị luật sư trẻ kia.
Sau khi nghị án, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố bị cáo không phạm tội (hay nói đúng hơn là không đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo) và như vậy bị cáo đã được trả tự do tại phiên tòa.
Câu chuyện trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể … ở bên Tây cho thấy tầm quan trọng của chứng cớ theo đúng kiểu “án tại hồ sơ”, Luật pháp là luật pháp”.
Ở xứ mình hình như chưa bao giờ có tiền lệ như vậy....
(Bài này sẽ viết tiếp cho đúng tiêu đề, nhưng để hồi nào rảnh đã...)

TRÁI ỚT XANH XỨ QUẢNG

Đừng nói là tôi thuộc phường nhàn tản, quanh năm trà dư tửu hậu khi đưa ra cái kết luận về mối liên hệ ngỡ như chẳng có gì gọi là liên hệ giữa trái ớt xanh và người xứ Quảng. Nhưng quả thực càng ngẫm nghĩ càng thấy có lý.
Trái ớt xanh mà tôi muốn nói ở đây là loại ớt to bằng ngón tay, thon dài vốn chẳng phải là hàng hiếm, hàng độc gì ở xứ Quảng này nhưng tôi thấy lạ là hình như chỉ ở xứ Quảng mình mới có. Loại ớt này không cay lắm, vị hơi nồng, vỏ giòn, ít hạt, ai không quen ban đầu thấy hăng hăng, nhưng ăn quen rồi đâm nghiện. Khi mà nước mắm được coi là một loại “quốc hồn quốc túy” xứ ta thì chả ai dám bạo gan để đưa trái ớt xanh quê tôi lên hàng đặc sản. Nhưng tôi dám nói rằng nếu thiếu cái quả ớt xanh thì sẽ giảm đi một nửa cái sự ngon miệng khi ăn những thức quà xứ Quảng. Trên những sợi mì Quảng trắng nổi bật vài lát thịt và con tôm màu đỏ, dường như không thể thiếu được một nửa trái ớt xanh. Còn phải nói, cái nước kho cá ngừ, thêm vào vài quả ớt xanh, rồi tô bánh canh thêm mấy khúc ớt xanh dầm chỉ mới nói đến đã nuốt nước miếng ừng ực. Cái cảnh thực khách lùa mấy cọng mì, cọng bún lại cầm trái ớt xanh cắn cái rụp nghe đã hết xiết. Rồi canh cá bã trầu, canh cá khoai, cá giò, chỉ cần đập dập trái ớt xanh thả vào đã thấy ngon hơn hẳn.   Tôi đã từng chứng kiến bao nhiêu khách đến gánh mì Quảng vỉa hè nhăn nhó bà bán hàng vì sao hôm nay không có ớt xanh, còn bà bán hàng thì nửa như thanh minh, nửa như xin lỗi vì đã không mua được ớt nên không đáp ứng được cái nhu cầu “nhỏ mà không nhỏ” kia của các vị khách sành ăn. Tôi cũng đã từng được mấy người đồng hương giờ sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhờ gửi máy bay đem vào cho họ vài ba ký để ăn dần cho đỡ ghiền.  
Tôi không phải là một người xứ Quảng có cái may mắn được sống lâu đời trên mảnh đất này. Nhưng qua cảm nhận của mình, càng ngẫm lại càng thấy có cái gì đó na ná giữa hai thứ một thứ cụ thể như trái ớt xanh mới nói trên kia, một thứ lại trừu tượng như nét tính cách và văn hóa người xứ Quảng. Người xứ Quảng quê tôi ít coi trọng cái vẻ ngoài hình thức, nên trái ớt xanh cũng không bắt mắt bằng cái màu đỏ chói chang hấp dẫn vốn có của đa số họ hàng nhà ớt. Người xứ Quảng vốn tính cách thật thà, bộc trực, ăn nói thẳng thắn, dễ mất lòng,  chẳng khác gì cái vị hăng nồng như vị ớt xanh. Thế nhưng người xứ Quảng thân thiện, không quá xét nét, không đỏng đảnh, hầu như dễ thích ứng với môi trường, hoàn cảnh, dễ làm bạn với những người cả Nam –Trung –Bắc (kiểu như cực khổ đã quen, giờ sống ở đâu cũng được). Trái ớt xanh vì vậy cũng chẳng cay xè, cay xé họng và cứ thản nhiên, dung dị giữa những bóng bẩy, tỉa tót đời thường.  Người xứ Quảng không kiểu cách như người xứ Bắc và cũng chẳng xề xòa như người miền Nam . Nói kiểu quê tôi là “dễ cũng dễ mà khó thì cũng khó”. Ví dụ như cách ăn uống, họ cũng không sành ăn, kén ăn như món phở Hà Nội nước trong vắt mà “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, họ ăn món mì Quảng với thập cẩm thịt gà, thịt heo, tôm, trứng rau… nhưng lại đòi hỏi phải có quả ớt xanh và món rau thì phải thật nhiều rau bắp chuối hoặc cây cải con.   Nói đến đây, hẳn người đọc nếu có lòng cảm mến cũng sẽ ban cho tôi một nụ cười cảm thông, kiểu “ừ thì chẳng qua, rằng… thì là… tôi cứ muốn cường điệu hóa cái hay cái đẹp của người Quảng quê mình” chứ biết đâu cái chất nhà quê, thật thà thẳng thắn ấy cũng chính là cái thua thiệt mà người Quảng thường gặp phải. Quả nhiên không sai. Người Quảng xứ tôi như những bức tượng đá muối trong bảo tàng Chàm, cứ phơi mình trần thô mộc, qua bao sóng gió bão dông, hết triều đại này đến triều đại khác, chẳng sơn son thếp vàng, và có lẽ vì vậy mà cũng chẳng cần … phục chế.
Khi đưa bài này cho một cô bạn thân đọc chơi. Tôi ngay lập tức nhận được phản hồi qua chát: “Ớt xanh ơi, được đấy”. Lòng chợt vui vì đã có người đồng cảm, lại mừng hơn vì được bạn đặt cho cái biệt danh “Ớt xanh” rất hợp với tính cách của tôi. Như vậy bạn cũng đã nghĩ rằng tôi thấm đẫm chất xứ Quảng nồng nàn mà dung dị. Chắc không có cái biệt danh nào hay hơn thế.

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

CHÍNH SÁCH THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT -CẦN MỘT SỰ THAY ĐỔI CĂN BẢN



Cũng như các loại thuế khác, Thuế sử dụng đất là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Đây cũng là một loại thuế quan trọng, không chỉ vì nó chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu tổng thu của ngân sách mà còn vì thuế nhà đất gắn liền với quyền sử dụng nhà đất, nghĩa là đụng đến quyền lợi của đại đa số nhân dân. Đối với ngân sách địa phương, nhất là  ở cấp quận, huyện xã, phường, đây là nguồn thu được điều tiết cao nhất và ổn định nhất. Có thể nói chính sách Thuế sử dụng đất nói chung và thuế nhà đất nói riêng những năm qua đã bộc lộ nhiều mặt bất hợp lý và cần có một sự thay đổi căn bản. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin đi sâu vào phân tích chính sách thuế nhà đất, nhất là nhà đất ở đô thị. 

Những bất hợp lý từ chính sách thuế sử dụng đất hiện hành
Hiện nay việc thu thuế, nộp thuế nhà đất được thực hiện căn cứ vào Pháp lệnh về Thuế nhà, đất được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 31/7/1992 và Pháp lệnh  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về Thuế Nhà, đất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 19/5/1994. Tuy tên gọi là Pháp lệnh về Thuế nhà, đất nhưng thực ra chỉ qui định thuế đất, còn thuế nhà thì chưa thu. Thuộc diện điều chỉnh của luật này là diện tích đất ở, đất xây dựng công trình. Đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Căn cứ tính thuế nhà, đất là diện tích đất, hạng đất và mức thuế sử dụng đất của từng hạng đất tính bằng kg thóc. Hạng đất để xác định số lần số thuế sử dụng đất nông nghiệp căn cứ vào các yếu tố loại đô thị, loại đường phố, khu phố, vị trí đất. Giá tính thuế căn cứ vào giá thóc được qui định hàng năm để tính thuế được qui ra bằng tiền mặt.
Mới đọc như vậy chúng ta đã  thấy ngay về mặt hình thức, những qui định trên đây quá rắc rối, khó khăn cho công tác thu thuế, dễ bị viện dẫn tuỳ tiện không phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đó là chưa nói đến những hệ luỵ của nó là mất công bằng xã hội, tạo điều kiện đầu cơ đất, góp phần kìm hãm sự phát triển  và điều quan trọng chính là việc quản lý và sử dụng đất không tiết kiệm, không hiệu quả.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề thuế nhà đất, Quốc hội, Chính phủ đã có dự án xây dựng Luật Thuế sử dụng đất thay thế cho Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Pháp lệnh Thuế nhà đất. Theo Dự thảo Luật Thuế sử dụng đất thì căn cứ tính thuế là diện tích, giá đất và thuế suất. Trong đó giá tính thuế được được xác định theo giá các loại đất do UBND cấp tỉnh qui định sát với giá chuyển nhượng trên thị trường được công bố hàng năm theo qui định của Luật Đất đai 2003.

Những lợi ích đem lại từ các căn cứ tính thuế mới
Qui định theo như trên đây sẽ đem lại được những vấn đề cốt yếu sau:
Thứ nhất: Về mặt hình thức, qui định về thuế và cách tính thuế rất rõ ràng dễ hiểu. Người dân, người sử dụng đất và cơ quan thuế dễ dàng tính ngay được mức thuế phải đóng hàng năm. Qui định rõ ràng sẽ hạn chế được những tiêu cực nếu có từ nhân viên thu thuế. Điều này khác hẳn với qui định cũ về hạng đất và do mức thuế chênh lệch giữa các hạng đất (không được xác định rõ ràng) dễ dẫn đến tiêu cực trong đóng thuế và thu thuế bởi đa số người dân không biết đất mình đang sử dụng  thuộc hạng đất nào; chỉ biết được số thuế phải đóng theo Thông báo mà “ông Phường, Xã” đưa tới.
Thứ hai: Giải quyết được những bất hợp lý về trong động viên thuế  và đảm bảo công bằng xã hội trong việc sử dụng đất và đóng thuế sử dụng đất. Đất đang sử dụng ở vị trí thuận lợi sẽ có giá cao hơn và do đó mức thuế sử dụng đất cũng sẽ cao hơn những nơi khác có vị trí không thuận lợi. Sự công bằng này cũng được thể hiện ngay trong quá trình giải toả đền bù, đô thị hoá. Ví dụ như trước khi giải toả, khu đất này nằm trong kiệt hẻm được xác định giá là 200.000đồng/m2. Nhưng sau đó, khi giải toả xong, khu đất đó được ra mặt tiền với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, giá đất được xác định lại là 2.000.000đồng/m2. Như vậy mức thuế đóng hàng năm của khu đất đó sẽ tăng lên 10 lần tương ứng với mức tăng giá đất. Nhà nước thu thuế đất hàng năm có điều kiện trang trải cho những đầu tư trước đây về mở đường và xây dựng hạ tầng.
Thứ ba: Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn; hạn chế tình trạng đầu cơ đất.
Hiện nay, người ta thường nói vui: “có đất, cất đó” Tình trạng đầu cơ đất đã trở nên phổ biến. Tại các đô thị, rất nhiều người đổ xô đi mua đất tích trữ trong khi nhu cầu sử dụng đất thực sự không có. Các đại gia, các đầu nậu cò đất cũng tranh thủ làm ăn. Giá đất lên xuống thất thường. Sốt đất, đóng băng đất trở thành đề tài bàn luận thường xuyên trên báo chí. Kéo theo đó là tình trạng đất tuy có chủ mà bỏ hoang, tình trạng sử dụng đất không hiệu quả. Qui hoạch đô thị trở nên bát nháo; phổ biến là nhà chia lô, ai cũng muốn nhà mình ra mặt tiền để dễ kinh doanh, buôn bán; vào chung cư chỉ là chuyện cùng đường bất đắc dĩ. Các nhà đầu tư dự án thấy mảnh đất nào thuận lợi một chút là chăm chăm vào việc phân lô bán nền nhà. Đất dành cho sinh hoạt công cộng, công viên, cây xanh…bị “gặm nhấm” không thương tiếc.   
Nếu chúng ta áp dụng cách tính thuế, theo đó tăng mức thu thuế gấp nhiều lần mức thuế cơ bản thông thường đối với phần diện tích đất để hoang, không sử dụng; sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ đất, nắm giữ đất đai trái pháp luật; xác định được kế hoạch sử dụng đất phù hợp với nhu cầu thực chất xã hội; chấn chỉnh tình trạng sốt đất “ảo”, “đóng băng ảo”. Đồng thời, qui định như vậy sẽ khuyến khích được việc xây dựng nhà cao tầng, tiết kiệm diện tích đất, tăng diện  tích thông thoáng công cộng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị.
Thứ tư: Cách  tính thuế mới phù hợp với luật pháp quốc tế; ổn định nguồn thu, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội. Trên quan điểm thu thuế để phục vụ phát triển đất nước, thuế sử dụng đất là một nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước mà hiện nay đang còn “bỏ ngỏ”.
Chúng tôi xin mạn phép dẫn ra một con số theo cách tính “chay” đơn giản như sau: Theo kế hoạch sử dụng đất mà Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất, diện tích đất ở đô thị đến 2010 chỉ chiếm 0,03% đất tự nhiên quốc gia (tương đương 110.000ha). (dẫn theo nguồn http:/www.vietnamnet.com). Nếu bình quân giá đất đô thị là 500.000đồng/m2 (rất khiêm tốn so với thực tế), với mức thuế suất 0,3% (tương đương khoảng 1.500đồng/m2/tháng) thì mỗi tháng Nhà nước sẽ thu khoảng 1500 tỷ đồng, mỗi năm là 18.000 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất ở tại đô thị; nghĩa là gấp gần 45 lần mức thu thuế nhà đất trong một năm như hiện nay. (Hiện nay số thu về thuế nhà đất hiện nay trong cả nước chỉ vào khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm và số thu năm sau so với năm trước tăng khoảng 1%. (dẫn theo  nguồn Diễn đàn doanh nghiệp http:/www.dddn.com.vn) Đó là chưa kể đến các nguồn thu từ thuế sử dụng các loại đất khác.

Với những lợi ích như trên, thiết nghĩ Nhà nước ta cần sớm ban hành Luật Thuế sử  dụng đất với những thay đổi căn bản so với chính sách thuế Nhà đất hiện nay.
 

TẢN MẠN NHỮNG CÁI BIỆT DANH THỜI SINH VIÊN

Học cùng nhau, chơi cùng nhau, ở cùng nhau trong ký túc xá những hơn 4 năm, những tên sinh viên nào không có biệt danh mới coi là sự lạ. Hai mươi năm rồi gặp lại, gọi tên nhau toàn bằng biệt danh hồi ở trường có lẽ là niềm vui hiếm có, phải không mọi người ?.
Chẳng hạn như tớ đây, tên đầy đủ của tớ, đố đứa nào nhớ được? Hầu như chỉ nhớ tớ tên là Mèo, khi yêu quí thì gọi là Mèo Con, khi hơi ghét ghét thì gọi là Con Mèo. Có thể nói, tớ là người được hân hạnh có biệt danh đầu tiên của khoá mình và người đặt cho tớ chính là cậu Nam “xích lô”. Sự tích là hồi đó, tớ cao hứng làm “em xi” cho một chương trình văn nghệ của “các cháu mẫu giáo 18 tuổi trở lên” tại Hội trường C, mời các đấng mày râu là Hải “Bọ ngựa”, Minh “Nhí”, Hải “Đuôi”, Châu “Bờm”… đến chơi. Và thế là tớ “chết” cái tên Mèo con từ đó. Đến nỗi sau này, khi thi vấn đáp, con Bình Hối còn nhầm rằng tên tớ vần M mới chết chứ. Tớ cũng dám cá là bây giờ trên danh bạ điện thoại di động của khá nhiều bạn đều để tớ ở vần M. Nói thật, đến bây giờ dù thân hình đã trở thành Voi con rồi nhưng tớ vẫn khoái cái biệt danh dễ ghét này lắm đó.
Đã có Mèo rồi, y như rằng sau đó có ngay một chú Cún con ra đời là biệt danh của Hoàng Anh. Không chỉ thế mà Xuân Hoà cũng nghiễm nhiên mang luôn cái danh Hoà Mốc để phân biệt cùng Hoà Muối tiêu và Hoà Mít. Rồi thì cái Thị Hà cũng nhanh chóng có tên Hà Chuột bạch, Ngọc Hà là Đà Điểu, Kim Thương là Bọ gậy. Bên con trai có tên Tuấn Anh “Bò con” với đôi mắt giống y chang … mắt bò. Vì thế đến trường Pháp lý, nghe dân K10 mình xưng hô với nhau, chắc chắn mọi người sẽ ngỡ rằng đã lạc vào vườn…cổ tích, hay đơn giản hơn là vườn…thú (!).
Có thú rồi thì cũng có thức ăn, thức uống và thức hút (thuốc lá). Qui tắc đơn giản là người nào thích ăn gì thì gán luôn cái biệt danh đó. Cánh con gái có Khổng Dung khoái Zăm bông liên mang ngay tên Zămbông, khỏi bàn cãi, Thuý Hoà là Muối tiêu, Thanh Hương là Hương Chanh muối; cánh con trai có Dũng Ba số phân biệt với Dũng La Dalat,
Dựa vào hình thức, phong cách thường là yếu tố cấu thành… những cái biệt danh. Anh Thanh Hải cao kều, hồi đó gầy giơ xương nên dĩ nhiên có tên là Bọ Ngựa, Hải Bọ ngựa yêu và lấy Hà Đà điểu rất chi là vừa đôi phải lứa. Lão Phi Hùng nhà ta nom rất chi là “chí thức” với “bốn mắt thường trực” nên có tên là Biết Tuốt. Còn “cụ”  Hoài Nam với bộ ria con kiến (hồi đó mới lún phún) đành đau lòng nhận biệt danh “Nam Xích lô”. Lê Công Định được gọi là Định Ngáo vì trông hắn ta cứ ngáo ngáo (tớ đây chẳng thể giải thích ngáo là như thế nào, chỉ biết là rất ngáo). Đứa nào chơi ác đặt cho Quốc Anh mình cái tên “xì thẩu” nghe sao mà … đúng thế. Bây giờ trông còn được được chứ lúc ấy cậu đen thui, mập ịch, xấu ơi là xấu đó Quốc Anh à (!). Cũng như Đắc Minh bây giờ trông  cao to, “đẹp chai” chứ hồi ấy bé như kẹo kéo nên mới bị mang tên là Minh Nhí (bọn nó vẫn quen gọi là Nhí ơi, Nhí hỡi, quên luôn chữ Minh). Phong Nhom thì đương nhiên là còm nhỏm còm nhom và bây chừ vẫn như rứa (!)như Ngọc Lùn muôn kiếp vẫn lùn. Hoài Sơn không tự ái khi được gọi “yêu” là Hanuman (vì đây là một nhân vật hơi bị … được trong vở ca kịch nàng Si ta). Bột là biệt danh của Thanh Sơn chắc là vì mập mạp nhưng nhão …như bột. Do tình trạng chị em có vẻ phì nhiêu hơn anh em nên cánh con gái chúng tớ có hẳn hai quả mít là Mít lớn (Hiệp Hoà) và Mít nhỏ (Thanh Huyền), thêm hột mít (Xuân Nhuệ), thiếu … mít ướt bởi vì chúng tớ hiếm khi khóc nhè lắm. “Má” Thanh Cò bé nhỏ nhưng chúa… nói bậy. Là con gái mà cứ đòi làm chủ thể của điều 112 Bộ luật hình sự 1985 (tội hiếp dâm). Bình Hít (tên đầy đủ là Bình Hít le) là biệt danh của Thanh Bình (nam), bây giờ là Tiến sĩ Luật nhưng trông vẫn giống Hít le dễ sợ. Các bạn còn nhớ đến một đấng nam nhi nhà mình có một cái tên nghe rất khả ái là Liễu Minh Hoài, người thì cao mà thân hình ốm nhom ốm nhách đến nỗi có cảm tưởng như “làn gió biết mặc áo” không ? Vậy nên  “tiên sinh họ Liễu” nhà ta được mệnh danh là “Liễu tiểu thư” và thường bị cánh con gái chúng tớ mượn tên để viết thư làm quen với các chàng trai có ý định dòm dỏ mà chúng tớ thì muốn chối phắt hậu quả. Ngược lại với “Liễu Tiểu thư” là tên Bình Trọng với vòng 3 khá phì nhiêu, (lại thêm một cái quần ống loe màu kem phủ lên trên đôi giày bata xanh khá đặc trưng) nên bọn con gái chúng tớ cứ lén gọi cậu là Trọng ‘sồ sề”. Còn tên Hiệp “Pi-e”nữa, tên này có bộ tóc quăn rất tây nhưng là “chăm phần chăm” là dân miền …Tây cá “gô” bỏ zdô “gổ”.

Tính cách tạo nên số phận và tính cách cũng tạo nên …biệt danh. Có những biệt danh nghe như chửi nhau nhưng chủ sở hữu nó thì không thấy thế làm buồn, còn người gọi thì cũng quen đi, lâu dần thấy bình thường, có lúc còn thấy hay hay. Mọi người chắc nhớ ngay đến Hà Ngố và Vân Điên. Hà Ngố toàn xưng là Ngố, “Ngố thế này, Ngố thế nọ” (bây giờ 20 năm rồi mà gặp bạn cũ vẫn xưng hô thế mới ngại chứ). Khi cao hứng Ngố còn thêm vào chữ lót Diễm Ngố nghe cho oai (!). Mọi người cũng quen lâu rồi cũng thấy Ngố không ngố nữa, chứ người ngoài nghe được không khéo “lăn đùng ngã ngửa”. Sẽ không mấy ai nhớ đến Hồ Tuấn Anh mà sẽ chỉ nhớ đến Nhắng, hay ca sĩ Kiều Nhắng với bài hát “bèo dạt mây trôi” bất hủ. Bích Hằng có tên là Hằng “vấn đề” bởi vì lúc nào, ở đâu, cái gì nó cũng hay quan trọng “vấn đề”. Cũng như Tân “bôn” là người luôn luôn nghiêm túc, nghiêm chỉnh, nghiêm nghị đúng kiểu … bôn sê vích. Minh đểu thì đã được chứng minh là đểu thật chứ không phải đểu …giả. Thanh Bình (nữ) vốn hay lo lắng, hay hối thúc mọi người nên có ngay tên là Bình Hối. Thi thoảng được lót thêm chữ Mộng thành Mộng Hối để sánh vai cùng Diễm Ngố và Kiều Nhắng. Thanh (Đồng Tháp) như một chú gà con suốt ngày than “khiếp khiếp” nên được gọi là Thanh “Khủng khiếp” mặc dù nó hiền như đất; Vi được gọi là Vi “cau có” (bây giờ thì hình như đã hết cau có rồi). Tuyết “điều” lẽ ra phải đầy đủ là Tuyết “điều điệu” vì chị chàng trông yểu điệu thục nữ như mấy cô đào trên sân khấu Kinh kịch. Quốc Trung có khiếu hài hước, thường tham gia viết báo nên mang tiếng là Hai Cù Nèo- “rất hợp với dáng em”.
Địa danh, quê quán cũng được coi là căn cứ để đặt tên cho các “đương sự”: Loan Tây Ninh (vì quê ở Tây Ninh), Minh Đặc khu (vì hắn ở đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo). Minh Hải được gán thêm chữ Bọ vì có quê ở Quảng Bình.
Một số biệt danh khác vô cùng đơn giản như đang … giỡn. Minh Giặc bởi vì nó như giặc Minh; Tờ rúc thì do cách “chiết tự” tên hắn là Trúc mà; “bà Biện” là ghi nhớ đến cái họ không giống ai của Biện Thị Hoa, không gọi tên Hoa vì sợ trùng tên, cả khoá có 4 đứa tên Hoa; bà Biện trở thành phu nhân của Thạch “sùng” (vì hay nổi sùng hay là hay tiếc của, hay là quen miệng thì tớ không rõ). Anh Đỗ Đức Chín, nhiều tuổi, chưa vợ, có nguy cơ bị ế, nên mấy đứa ranh con gọi lén anh là Chín “lũn” (chín quá nên lũn mất); Anh Mận chỉ còn có 7 ngón tay nên gọi là anh Bảy (không biết có đúng không). Một số tên khác thì phức tạp hơn do gắn với những kỷ niệm đáng nhớ. Liệu “cờ mo” là kết quả của việc hắn ta toàn đọc tiếng Nga bằng tiếng …Việt. Còn Dương “nói lố” là cách phiên âm tiếng Quảng của chữ “nói láo” mà Dương hay sử dụng để chỉ trích một đứa nào đó. Hà “âm” là tên gọi lén của mấy đứa con gái đối với Trần Thanh Hà vì nhân này có vẻ ngoài như con gấu nhưng tâm hồn thì lại rất … “âm lịch”. (Hắn ta nghe được biệt danh này tức lên cho một chưởng chết liền.)
Có những biệt danh nghe qua thì đơn giản nhưng để giải nghĩa lại là cả một quá trình tinh vi, phức tạp; có những biệt danh ai cũng biết nhưng không ai dám giải nghĩa. Ví dụ như đố ai giải nghĩa được chữ “đuôi” trong biệt danh Hải “đuôi”? Tớ biết đấy nhưng tớ không nói đâu, hi hi…
Có những biệt danh hay, có những biệt danh dở; có những biệt danh dễ thương  nên đương sự rất lấy làm khoái chí, có cái biệt danh biến chủ sở hữu trở thành… “khổ chủ”; nhưng tất cả nó đều rất dí dỏm, mang đậm chất sinh viên, xứng đáng đứng hàng thứ ba sau… quỉ và ma.  
Hơn 20 năm đã trôi qua nhanh như một giấc mơ. Có dịp gặp lại nhau, nhớ lại những năm tháng cùng nhau dưới mái trường đại học, nhắc lại những kỷ niệm khó quên của thời sinh viên, gọi nhau bằng những cái biệt danh dí dỏm, ngộ nghĩnh là hạnh phúc vô cùng đó bạn. Ví dụ như Quốc Anh đang đường đường là Chánh Văn phòng SaigonTourist, đố đứa nào dám kêu hắn là “xì thẩu”?, Đại gia Tuấn Anh  đứa nào gọi “ê bò con (!)” chết liền? thì chỉ có bạn bè và bạn bè thôi, đúng không? 
    Tác giả : Mèo con
(đố ai nhớ tên thật của tớ)