Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

TRÁI ỚT XANH XỨ QUẢNG

Đừng nói là tôi thuộc phường nhàn tản, quanh năm trà dư tửu hậu khi đưa ra cái kết luận về mối liên hệ ngỡ như chẳng có gì gọi là liên hệ giữa trái ớt xanh và người xứ Quảng. Nhưng quả thực càng ngẫm nghĩ càng thấy có lý.
Trái ớt xanh mà tôi muốn nói ở đây là loại ớt to bằng ngón tay, thon dài vốn chẳng phải là hàng hiếm, hàng độc gì ở xứ Quảng này nhưng tôi thấy lạ là hình như chỉ ở xứ Quảng mình mới có. Loại ớt này không cay lắm, vị hơi nồng, vỏ giòn, ít hạt, ai không quen ban đầu thấy hăng hăng, nhưng ăn quen rồi đâm nghiện. Khi mà nước mắm được coi là một loại “quốc hồn quốc túy” xứ ta thì chả ai dám bạo gan để đưa trái ớt xanh quê tôi lên hàng đặc sản. Nhưng tôi dám nói rằng nếu thiếu cái quả ớt xanh thì sẽ giảm đi một nửa cái sự ngon miệng khi ăn những thức quà xứ Quảng. Trên những sợi mì Quảng trắng nổi bật vài lát thịt và con tôm màu đỏ, dường như không thể thiếu được một nửa trái ớt xanh. Còn phải nói, cái nước kho cá ngừ, thêm vào vài quả ớt xanh, rồi tô bánh canh thêm mấy khúc ớt xanh dầm chỉ mới nói đến đã nuốt nước miếng ừng ực. Cái cảnh thực khách lùa mấy cọng mì, cọng bún lại cầm trái ớt xanh cắn cái rụp nghe đã hết xiết. Rồi canh cá bã trầu, canh cá khoai, cá giò, chỉ cần đập dập trái ớt xanh thả vào đã thấy ngon hơn hẳn.   Tôi đã từng chứng kiến bao nhiêu khách đến gánh mì Quảng vỉa hè nhăn nhó bà bán hàng vì sao hôm nay không có ớt xanh, còn bà bán hàng thì nửa như thanh minh, nửa như xin lỗi vì đã không mua được ớt nên không đáp ứng được cái nhu cầu “nhỏ mà không nhỏ” kia của các vị khách sành ăn. Tôi cũng đã từng được mấy người đồng hương giờ sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhờ gửi máy bay đem vào cho họ vài ba ký để ăn dần cho đỡ ghiền.  
Tôi không phải là một người xứ Quảng có cái may mắn được sống lâu đời trên mảnh đất này. Nhưng qua cảm nhận của mình, càng ngẫm lại càng thấy có cái gì đó na ná giữa hai thứ một thứ cụ thể như trái ớt xanh mới nói trên kia, một thứ lại trừu tượng như nét tính cách và văn hóa người xứ Quảng. Người xứ Quảng quê tôi ít coi trọng cái vẻ ngoài hình thức, nên trái ớt xanh cũng không bắt mắt bằng cái màu đỏ chói chang hấp dẫn vốn có của đa số họ hàng nhà ớt. Người xứ Quảng vốn tính cách thật thà, bộc trực, ăn nói thẳng thắn, dễ mất lòng,  chẳng khác gì cái vị hăng nồng như vị ớt xanh. Thế nhưng người xứ Quảng thân thiện, không quá xét nét, không đỏng đảnh, hầu như dễ thích ứng với môi trường, hoàn cảnh, dễ làm bạn với những người cả Nam –Trung –Bắc (kiểu như cực khổ đã quen, giờ sống ở đâu cũng được). Trái ớt xanh vì vậy cũng chẳng cay xè, cay xé họng và cứ thản nhiên, dung dị giữa những bóng bẩy, tỉa tót đời thường.  Người xứ Quảng không kiểu cách như người xứ Bắc và cũng chẳng xề xòa như người miền Nam . Nói kiểu quê tôi là “dễ cũng dễ mà khó thì cũng khó”. Ví dụ như cách ăn uống, họ cũng không sành ăn, kén ăn như món phở Hà Nội nước trong vắt mà “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, họ ăn món mì Quảng với thập cẩm thịt gà, thịt heo, tôm, trứng rau… nhưng lại đòi hỏi phải có quả ớt xanh và món rau thì phải thật nhiều rau bắp chuối hoặc cây cải con.   Nói đến đây, hẳn người đọc nếu có lòng cảm mến cũng sẽ ban cho tôi một nụ cười cảm thông, kiểu “ừ thì chẳng qua, rằng… thì là… tôi cứ muốn cường điệu hóa cái hay cái đẹp của người Quảng quê mình” chứ biết đâu cái chất nhà quê, thật thà thẳng thắn ấy cũng chính là cái thua thiệt mà người Quảng thường gặp phải. Quả nhiên không sai. Người Quảng xứ tôi như những bức tượng đá muối trong bảo tàng Chàm, cứ phơi mình trần thô mộc, qua bao sóng gió bão dông, hết triều đại này đến triều đại khác, chẳng sơn son thếp vàng, và có lẽ vì vậy mà cũng chẳng cần … phục chế.
Khi đưa bài này cho một cô bạn thân đọc chơi. Tôi ngay lập tức nhận được phản hồi qua chát: “Ớt xanh ơi, được đấy”. Lòng chợt vui vì đã có người đồng cảm, lại mừng hơn vì được bạn đặt cho cái biệt danh “Ớt xanh” rất hợp với tính cách của tôi. Như vậy bạn cũng đã nghĩ rằng tôi thấm đẫm chất xứ Quảng nồng nàn mà dung dị. Chắc không có cái biệt danh nào hay hơn thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét