Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Cha mẹ chúng ta muốn chúng ta sống tốt

Đầu năm 2013, má mình đã về cõi vĩnh hằng sau 3 năm rưỡi ngày ba mình ra đi.
Năm 2009, khi ba mình ra đi, mình phải mất gần 2 năm mới ra khỏi tình trạng vật vờ, lạng quạng như trong một màn sương mờ đục đầy những ám ảnh tồi tệ. Cùng với đó, trạng thái bất an đã khiến những hành động, lời nói thiếu kiểm soát. Người trong nhà thì thông cảm, nhưng người khác thì không. Nên hậu quả kéo theo là sự lao đao trong công việc, bị kiểm điểm và hàng loạt những hệ lụy khác.
Trong thời gian đó cũng khiến mình suy nghĩ nhiều hơn, viết hay hơn (sau này đọc lại thấy ngạc nhiên hồi đó sao viết hay đến thế).
Má mất đi, buồn lắm chứ. Ước gì mình có thể chết thay má.
Nhưng lạ một điều, không như khi ba mất, mình đã nhanh chóng lấy lại cân bằng, lao vào công việc, các mối quan hệ bạn bè anh em với một tâm thế thanh thản, thoải mái hơn.
Lẽ tất nhiên không phải vì mình không yêu má bằng ba. Nhưng hình như đã có cách nghĩ khác.
Sinh tử là chuyện không tránh khỏi, huống chi các cụ đã vượt quá ngưỡng Thượng Thượng Thọ
Dù có muốn, ta cũng không thể đi thay các cụ được.
Vậy thì khi các cụ còn sống, ta hãy làm tất cả những gì cho các cụ bằng tất cả sự hiếu lễ, kính yêu, cho các cụ được hưởng tất cả những gì mà các cụ xứng đáng được hưởng, làm cho các cụ luôn tự hào về ta như chính chúng ta đã từng tự hào vì các cụ.
Và khi chúng ta sống, hãy sống tiếp cuộc đời của các cụ, nhìn tiếp cuộc sống này cho các cụ, làm tiếp những điều mà các cụ đã tâm huyết, đã trăn trở, đã đam mê …
Ở trên trời cao,ba mẹ chúng ta không muốn chúng ta khổ, không muốn chúng ta buồn, không muốn chúng ta sống cô độc …
Vậy thì sao chúng ta không để cho các cụ thấy con cháu các cụ đang sống an lành, đang bước đi mạnh mẽ với một tâm thế vững vàng, sẵn sàng đối diện với khó khăn thách thức

Dẫu còn nhiều thứ trong cuộc sống khiến ta chạnh lòng, khiến ta xót xa, đau đớn… Nhưng dù sao thì hãy sống tốt vì Ba mẹ ta đã mong ta như vậy. 

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

RAU SẠCH

Cô bạn bác sĩ của mình thật là một người thật thà đến mức ngờ nghệch.
Nói cô bác sĩ, bác sĩ chính quy thì chắc hẳn mọi người đã biết là trình độ học vấn của cô đến đâu.
Hôm qua đi Hội An viếng đám tang (thân phụ thầy giáo cũ) lúc về cô nằng nặc đòi đưa xuống thăm làng rau Trà Quế. Ban đầu mình tưởng cô muốn đi tham quan để biết, sau mới biết cô muốn đến đó để …mua rau sạch. Cô bảo: rau mình mua ở Đà Nẵng không thể nào ăn được vì nó cay quá, lại nghe nói không thơm bằng rau Trà Quế nên lần này đi nhất định phải lùng mua bằng được



Từ lâu, rau thơm Trà Quế (Hội An) đã nổi tiếng về chất lượng thơm ngon. Mà thơm thật, mới bước vào khu ruộng rau đã ngửi thấy ngay mùi hăng hăng, thơm nồng của rau quyện với mùi hương đất. Theo lời những người dân đang lúi húi trồng, rau Trà Quế chỉ đủ dùng trong khu vực Hội An, rau nơi khác dù có mang tiếng Trà Quế nhưng thực ra là rau nơi khác hoặc trộn lẫn, chứ không phải nguyên gốc.
Cô bạn mình xuýt xoa khen rau ngon, rau thơm, lại chê rau thường dùng là hôi, cay và…không thể ăn được. Kết quả, cô cạy cục xin và được họ cắt bán 10.000 đồng rau răm, lại xuýt xoa khen rẻ, trong khi chỗ ấy theo mình (và 1 cô bạn khác) đánh giá chỉ khoảng 2000 đồng nếu mua ở chợ.
Trên đường về, ngồi xe, dường như  vẫn rất hứng khởi với kết quả thu mua, cô bạn mình lại tiếp tục xuýt xoa ca ngợi rau Trà Quế, và chê rau thường. Tới chừng khi có người bảo rằng rau này được bón bằng phân bò thì cô mắt tròn, mắt dẹt kêu lên: ơ sao bảo đây là rau sạch mà.
Có người giải thích với cô về khái niệm rau sạch. Sạch không có nghĩa là không bón phân mà chỉ là việc không  sử dụng quá nhiều thuốc sâu và hóa chất mà thôi. Cô nghe, gật gù ra chiều hiểu biết, sau đó lại tung ra 1 câu …trên trời: Nhưng chắc khi tưới người ta phải tưới dưới gốc thôi chớ hè?
Chả muốn nói xấu bạn bè nhưng cô bạn mình thiệt tình ngờ nghệch hết chỗ nói (có lẽ đây cũng là điểm đáng yêu của cổ). Hình như trình độ học vấn, sự sành sỏi trong tiêu dùng, những đòi hỏi cao và cầu toàn của cổ không có gì là tương đồng với những hiểu biết thực tế xã hội mà cổ có.
Ôi bà bạn của tôi, tôi nghĩ cô không chỉ không thể hiểu được cái khái niệm về rau sạch vốn đơn giản dễ hiểu trên đây đã đành mà chắc sẽ không bao giờ biết được rằng hiện nay từ “rau sạch” còn để chỉ theo nghĩa đen những thứ khác. Ví dụ như chỉ những phụ nữ đã có chồng con, hiện đang làm việc tại văn phòng và đang có mối quan hệ “đặc biệt” với sếp. 
Nhưng ít ra may mắn là cô cũng có thể hiểu được điều đơn giản nhất: sạch không phải là không bẩn.
Cũng may, sự ngây thơ của cô cho đến giờ cũng chưa bắt cô phải trả cái giá nào quá đắt.
Và xã hội thôi thì cũng cần có nhiều sự ngây thơ ấy thì phải, ít ra nó cũng dễ chịu hơn những thứ tệ hại khác, những thứ nhẽ ra phải sạch, tưởng là sạch nhưng lại không hề là sạch. 



Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Hố Sây- ma



Hổm rồi, đi ra Hà Nội, theo ông xã lên tham quan Làng văn hóa  các dân tộc Việt. Điểm đến là ngôi chùa Khơ me mới được khánh thành hôm 23/11. Ngôi chùa rực rỡ, sáng choang nổi bật giữa khung cảnh có vẻ đìu hiu và những ngôi nhà sàn cũ kỹ.
Đứng bên ngoài, chợt nghe lỏm một cô hướng dẫn viên đang thuyết minh với  một nhóm các bác già đi du lịch về một cái gọi là “hố Sây ma”. Ghi lại lời cô thuyết minh như sau:
“ Các bác vào trong chùa sẽ thấy có những nơi mặt sàn gạch lồi lõm, hoặc chưa được lát hết. Đấy không phải là lỗi kỹ thuật đâu ạ, mà đó chính là những cái hố mà người ta gọi là hố Sây ma. Những cái hố này, theo phong tục của người Khơ me, là nơi để ta gửi gắm những ước nguyện của mình. Ví dụ như ai mong muốn có tri thức thì thả vào đó bút mực, ai muốn có sắc đẹp thì gửi gương, lược; ai mong giàu có thì gửi giấy tiền vàng bạc… Cái hố này sẽ được lấp lại vĩnh viễn ngay vào hôm khi khánh thành ngôi chùa”.
Mình đứng nghe (lỏm) ban đầu thấy hay hay. Sau ngẫm nghĩ càng thấy có điều gì đó không ổn lắm. Nghĩ nữa lại càng thấy nhiều điều không ổn.
Này nhé: Con người có ai lại mong chôn chặt những mơ ước, mong muốn của mình vĩnh viễn. 
Hai là người Khơ me rất thật thà chất phác, họ chắc chắn không có chuyện đi lễ để cầu mong tài lộc cho mình một cách thô thiển và thực dụng như người Kinh ta
Vậy nên việc bỏ các thứ vào hố Sây-ma có thể thực sự không phải là để cầu mong, ước muốn cho mình mà thực chất chính là thể hiện tấm lòng thành kính, cúng Phật, thờ Phật, kính dâng lên Phật vậy thôi.
Nếu thế thì việc thuyết minh như nêu trên có phải như đang “bóp méo” văn hóa của đồng bào Khơ me không nhỉ? Cái này thắc mắc quá, không biết hỏi ai. Bạn nào quen các chuyên gia khảo cổ, văn hóa hỏi giùm tui với.

Còn nữa, mình lại nghĩ: ừ thì cứ cho là người ta gửi gắm mơ ước của mình đi nhưng nếu như ta mơ ước đến tình yêu thương và hạnh phúc thì ta sẽ thả xuống hố Sây-ma cái gì nhỉ.
Thiệt là “gắc gối” quá đi đó mà. Hay tại mình cứ nghĩ lung tung nhỉ.   

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

NHÀ HỘI AN CÓ ...

Nhà Hội An có …
Nhà Hội An có mắt cửa. Mắt cửa hình lá đề, hình bát quái, hay âm dương. Ngoài ý nghĩa tâm linh, trừ tà ma, điều ác, những đôi mắt cửa cũng chính là cửa sổ tâm hồn, là linh hồn của ngôi nhà cổ. Những đôi mắt cửa đầy trìu mến khi đón nhận cố nhân và cũng như đang dò xét với người lạ lần đầu đến làm khách nhà mình. Đối diện với những đôi mắt cửa, mỗi người khách đều tự thấy mình cần chỉn chu hơn khi bước vào nhà, chuẩn bị tiếp xúc với người trong nhà thế nào cho phải đạo.
vietnamnay.com doi-mat-cua-linh-hon-cua-moi-can-nha-o-hoi-an-default
Nhà Hội An có ngưỡng cửa. Ngưỡng cửa chỉ là một thanh gỗ đặt cao hơn mặt sàn ngay cửa ra vào. Ngưỡng cửa giản đơn như thế nhưng lại chứa đựng ý nghĩa cao sâu bởi đó chính là cột mốc ranh giới cho hai thế giới, thế giới bên ngoài xã hội và thế giới của gia đình. Bên ngoài, dẫu bạn có là gì đi nữa thì một khi bước qua ngưỡng cửa bạn chỉ đơn giản là thành viên của gia đình, là cháu của ông bà cô bác, là con của bố mẹ. Khi bước qua ngưỡng cửa, dù muốn hay không bạn vẫn buộc phải cúi đầu trước bàn thờ ông bà được đặt ở chính diện như cúi đầu tuân thủ các tôn ti trật tự, nền nếp gia phong trong ngôi nhà đó. Ngưỡng cửa dạy cho ta phép tôn trọng, hiếu nghĩa và biết những giá trị nền tảng dưới chân mình bởi nếu không cúi đầu thì rất có thể bạn sẽ vấp ngã.

Nhà Hội An có giếng trời. Đó là một khoảng sân giữa nhà, không có mái che và thường có một cái giếng ở đấy. Bởi nhà Hội An thường có hình ống, dài thượt, một mặt phố, một mặt sông. Giếng trời là nơi lấy ánh sáng, không khí tự nhiên cho ngôi nhà (theo kiến trúc), cũng là nơi hấp thu được tinh túy đất trời (theo tâm linh). Ở đó lẽ dĩ nhiên sẽ có ánh trăng vàng ngập tràn những ngày rằm và biết đâu  lại chính là nơi người ta có thể gửi gắm lên trời những ước nguyện thầm kín.
Nhà Hội An có những mái ngói rêu phong như thấm đẫm cả những giọt mồ hôi của những năm tháng tảo tần gian khó.

Nhà Hội An có nhiều thứ để ta chiêm nghiệm, để biết nhà không chỉ là một công trình vô tri vô giác. Có mắt cửa để nhìn – thấy, có giếng trời để hít thở, có ít nhất là ngưỡng cửa để chứa đựng những tầng sâu văn hóa. Sao dám bảo nhà Hội An không là một CON NGƯỜI …

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

ĐỂ CÓ THỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI... BÌNH THƯỜNG

Tình cờ đọc được bài này của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Liên Việt, thấy giống y như suy nghĩ của mình. Xin phép "trộm" đem về đây để đọc và nghĩ. 

Trở thành Người bình thường, thấu hiểu được giá trị đích thực của những điều bình thường; với tôi (và không chỉ riêng tôi), đó là bí quyết sống, bởi vì Người bình thường là:
1. Một người như bao nhiêu người khác, dễ hòa nhập và hội nhập được.
2. Làm được tất cả những việc bình thường và vì vậy, có thể làm được cả những việc vĩ đại.
3. Người bình thường là người Luôn biết mình là ai, đang đứng ở đâu, “thành ý – chính tâm – tu thân…” để đi thăng bằng trên mặt đất, không sống viển vông, không bao giờ tự cho mình là siêu nhân; biết:
a. Biết xử sự "theo tuổi" của mình, đó là tự biết mình "đủ tuổi" làm việc gì và "không đủ tuổi" làm việc gì? Đây quả là một điều khó thực hiện, bởi rất nhiều người luôn tự cho mình là "lớn tuổi" khi còn trẻ, nhưng lại nghĩ rằng "còn rất trẻ" khi đã quá già...

b. Biết mình “vác” được bao nhiêu kg trên vai, nếu “cố quá” sẽ “quá cố” vì “gãy” cột sống. Đối với người khác cũng vậy, ta phải biết sức khỏe người đó để nhờ việc, giao việc vì “cái Tâm” thì khó đo lường nhưng “cái Tầm” của con người thì có thể đo đếm được. Biết vui, biết buồn, biết trước, biết sau, biết yêu, biết ghét... Nhưng phải biết đủ, không quá đà mà phải biết dừng...

Đoạn sau này là của tôi.
Tôi vẫn nhớ lời của một người bạn trai hồi còn học đại học, bạn bảo: trở thành người bình thường nhưng đừng ... tầm thường. 
Hình như trong xã hội hiên tại, người ta đang có sự lẫn lộn giữa BÌNH THƯỜNG VÀ TẦM THƯỜNG. 
Ví dụ như đi ăn nhà hàng, thức ăn còn dư nhiều, bệnh sĩ đã khiến nhiều người cảm thấy ngại khi mang những món đồ ăn còn thừa đó về, vì sợ người khác sẽ đánh giá mình là tầm thường. Trong khi đó chính là cách xử sự bình thường của một người khôn ngoan, biết tiết kiệm, đáng quý. 
Cuộc sống thực sự còn nhiều khó khăn, nhu cầu của mỗi người có vẻ như ngày càng lớn. Nhưng thực tế, có lớn đến đâu đi nữa thì cũng vẫn quẩn quanh chuyện cái ăn cái mặc, học hành. Ăn nhiều, ăn ngon, sơn hào hải vị đến mấy đi nữa rồi cũng quay về với bát cơm, chén mắm. Làm to đến đâu thì cũng có ngày về hưu làm phó thường dân. Minh mẫn mãi rồi cũng có lúc dở hơi, lẩn thẩn ... Biết đủ là đủ, biết mình đang ở đâu, biết mình đang tuổi nào, biết mình đang làm gì, biết buông bỏ để sống thản nhiên, biết phúc phận của mình đến đâu thì hưởng đến đấy, không có phúc thì đừng tranh giành ...
(Bận rồi, Rảnh viết tiếp ...)



Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

BÀI AI ĐIẾU CHO MÁ

Ba ra đi ngày 18/9/2009, má qua đời ngày 17/3/2013. Đây là lời ai điếu mình đọc trước linh cữu má trong lễ truy điệu. Ngày vu lan, nhớ ba má nên chép lại.

Ba má kính yêu của chúng con,
Vẫn biết có môt ngày ba má phải lìa xa chúng con, nhưng ai cũng mong ngày ấy đừng bao giờ đến. Bây giờ thì con đã hiểu, dẫu có ở tuổi nào đi nữa, cũng không còn nỗi bất hạnh nào lớn hơn khi trở thành kẻ mồ côi.
Má kính yêu,  
Trong những ngày tang lễ má vừa qua, trong niềm tiếc thương vô hạn, trong nỗi đau đớn khôn cùng khi không còn má nữa, nhưng lòng chúng con vẫn lấp lánh niềm tự hào hãnh diện về má.
Cuộc đời của má, cuộc đời của một người phụ nữ khiêm nhường giản dị; một người vợ đảm đang chung thủy, một người mẹ tảo tần, can đảm; một người bác, người cô nhân hậu, chuẩn mực; một người bà đức cao vọng trọng.

Má kính yêu,
85 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, 40 năm lao động cống hiến, phục vụ Cách mạng, phục vụ đất nước, má xứng đáng được Đảng và nhà nước ghi công, được người đời tin yêu, kính trọng.

Cả một đời chắt chiu dành dụm, cả một đời vất vả lo toan, má xứng đáng được sống những ngày cuối đời đủ đầy hạnh phúc bên con cháu.
Bao nhiêu năm sinh thành nuôi con khôn lớn, bao nhiêu năm dạy dỗ, giáo dục con trưởng thành, ba má đã để lại cho chúng con những tài sản vô giá. Đó là trí tuệ, là sức khỏe, là tâm thế vững vàng để nối tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình, để sẵn sang đối mặt với khó khăn thử thách, để vươn lên cùng thời đại.
Má kính yêu,
Với tất cả tình cảm má đã dành cho chúng con, giờ đây khi nhắm mắt xuôi tay, má hoàn toàn xứng đáng và chúng con cũng đủ khả năng để có thể báo hiếu cho má bằng một đám tang trọng thể, không thua kém bất kỳ một người nổi tiếng nào.
Nhưng chúng con biết má chỉ muốn những gì thật giản đơn, bình dị nhẹ nhàng mà ấm áp nghĩa tình bà con anh em, bạn bè đồng chí, đồng nghiệp. Và bây giờ ở trên cao nhìn xuống hẳn má đang mỉm cười mãn nguyện với sự hiện diện của những người yêu mến và kính trọng má.
Chúng con mong má yên lòng nhắm mắt ra đi thanh thản. Ở nơi ấy có ba con và cậu con đang đón đợi má cùng về.

Vĩnh biệt má của chúng con, bà ngoại của các cháu. 

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

CẢM ƠN CON

Khá chật vật, không vinh dự gì, nhưng cuối cùng con cũng đã đủ điểm để có thể bước chân vào một trường Đại học.
Lệ thường, người sẽ phải cảm ơn ba mẹ chính là con
Nhưng ngược lại, hôm nay, ba mẹ (chủ yếu là mẹ) lại làm một điều trái với lệ thường (hình như việc trái lệ thường này lại chính là lệ thường của nhà mình thì phải) là CẢM ƠN CON.
Nuôi các con ăn học, lớn khôn từ bé đến bây giờ hình như mẹ nhận được nhiều lời chỉ trích hơn là lời khen.
Hồi nhỏ con gầy yếu, mẹ bị chê là không biết nuôi con. Mẹ đã không dám thanh minh, bởi biết việc nuôi con là trách nhiệm của ba mẹ. Bây giờ các con có thể làm cho ba mẹ tự hào khi đứa cao 1,75m, đứa cao 1,78m, nặng trên 65 cân, ừ thì coi như bỏ qua những lời chê bai ngày nọ.
Việc nuôi con là việc của ba mẹ nhưng việc học hành là việc của con, mẹ nghĩ thế vì ngày xưa chính mẹ cũng từng ý thức như thế. Ba mẹ chỉ hỗ trợ cho con về phương tiện, vật chất để đảm bảo cho con có được điều kiện học tập đàng hoàng.
Chính vì vậy mẹ không áp lực buộc con phải đạt loại giỏi, loại xuất sắc.
Năm lên cấp 3, con thi thiếu 1 điểm vào trường loại 1, thì học trường loại 2 có hề gì. Xin chuyển trường cho con đối với mẹ không quá khó khăn, nhưng mẹ không làm.
Xin nâng chút xíu điểm cho con để khỏi phải thi lại, không phải chuyện khó khăn, nhưng mẹ kiên quyết không làm.  
Nói thật với các con, rất nhiều khi mẹ đã hoang mang, không biết sự “cứng rắn” của mẹ có phải là phương pháp đúng đắn và hữu hiệu để dạy con hay không
Nhất là khi xung quanh mẹ luôn có những thông tin về chuyện chạy chọt, nhờ vả, xin xỏ …Nhất là khi vì thế mẹ đã nhận được không ít lời chỉ trích rằng không biết lo cho con.
Điều mẹ e ngại, không phải là từ tác động bên ngoài, không phải là những lời chỉ trích ấy, mà chính là từ con. Mẹ chỉ lo con sẽ lớn lên với tâm lý rằng mẹ không yêu con nên không lo cho con như những bà mẹ khác.
Ngày hôm nay con đã đặt bước chân đầu tiên vào giảng đường trường đại học. Điều ấy chưa phải là niềm vinh quang lớn lao gì, cũng không hẳn nói lên về một tương lại sáng lạn cho con…như điều mà tất cả những ông bố bà mẹ trên đời này mong muốn.
Nhưng có lẽ đó chính là câu trả lời cho những nỗ lực của con, cho phương pháp dạy con cứng rắn và có phần khắc nghiệt của ba mẹ, cũng là sự thể hiện rằng con đã hiểu ba mẹ yêu con đến thế nào.
Và vì thế mà ba mẹ CẢM ƠN CON.





Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

K10 của chúng mình





Vừa trở về từ Cần Thơ sau 3 ngày họp lớp, mệt nhoài mà niềm vui và niềm tự hào cứ mãi dâng tràn. Vâng, có một k10 (tên khóa học đại học của chúng mình ở trường Đại học pháp lý, nay là trường luật, niên khóa 1085-1989) như thế, một K10 để khi nhắc đến tên lại thấy lòng trào lên những cảm xúc thật ấm áp, có người còn cho đó là nguồn năng lượng để 2 năm có thể nạp lại bằng những cuộc họp lớp như thế này.
Họp lớp năm nay với 30 thành viên, ít hơn mọi năm. Lý do thì nhiều, như chuyện đổi lịch, chuyện thông báo muộn, người bận, người ốm … Lớp hơn trăm người, ở rải khắp các tỉnh thành phía nam, chuyện họp hành dù là đã thành thông lệ, đã được nhắn nhe, kêu gọi, hẹn hò nhưng chả bao giờ là đủ, âu cũng là chuyện bình thường. Một số gương mặt đã trở nên quen thuộc, nhiều người chỉ mong ngóng cho thời gian trôi qua mau để đến kỳ họp lớp.
Cuộc họp lớp dẫu thiếu nhiều người nhưng không hề thiếu niềm vui, không thiếu đi sự ấm áp nghĩa tình. Họp lớp, ta biết thêm một vùng đất mới, cho lũ trẻ được có thêm bạn bè anh em, có thêm những ông bố bà mẹ mới luôn yêu thương chăm sóc như bố mẹ mình.
Có bạn ngồi thấy tiếc cho những người không đi họp lớp bởi thay vì mỗi khi họp lớp họ có thể bỏ lại sau lưng 2 tuổi, thì họ lại vác thêm trên vai mình gánh nặng của 2 lần như thế cho đến kỳ họp lớp sau.
Anh Hồng Nga từ Phan Thiết bảo rằng: “chỉ có những người đủ tự tin mới đi họp lớp”. Dù rằng chưa thật đồng ý với anh nhưng có lẽ điều anh nói đúng với nhiều người
Vâng, có lẽ thế thật. Dung ZB không đi họp lần này vì không đủ tự tin với quả tim mới bị mổ tháng trước và bác sĩ không cho phép đi, thế là mất toi gần chục triệu tiền vé máy bay đặt trước từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Sự thiếu tự tin này của nó là một lý do chính đáng cũng như việc Dũng 3 số, má Liên phải đang chăm sóc ông bà cụ thân sinh đang nằm viện…nên tất nhiên được mọi người đồng cảm sâu sắc

Có những người như Định “ngáo”, Kha … lẽ tất nhiên không thể đến cuộc họp lớp sau những ngày “ủ tờ” dù rằng nếu họ có đến thì vẫn được đón tiếp vui vẻ vì chúng ta là bạn. Minh “đểu” thì báo cáo đang phải đi chống bão cho công ty mà … e hèm, cả khóa cũng không ai dám chắc là cái công ty ấy thực sự có đang tồn tại hay không.
Có những người không đủ tự tin để thuyết phục chồng/vợ mình để đến với cuộc họp lớp, có những người không đủ tự tin để thu xếp tài chính cho chuyển đi này…
Có người làm sếp, sếp lớn lắm không đủ tự tin để xếp lịch cho một công việc “quan trọng, quan trọng lắm lắm” để dành 1 ngày nghỉ cuối tuần cho các bạn của mình dù khoảng cách chả bao xa…Sau này đến lúc nghỉ hưu thì ắt hẳn tâm tưởng họ cũng sẽ khó có thể rời xa với chiếc ghế sếp của hiện tại và thêm hoang tưởng với những công việc quan trọng như khi còn tại vị. Ô hô …
Có người không đủ tự tin khi lái chiếc xế hộp mới mua đến cuộc họp lớp đã đành, nhưng cũng không đủ tự tin để bước lên chiếc xe chung 50 chỗ đang rộng rinh mà Ban tổ chức đã thuê sẵn…Ô hô, Hà “chuột” bảo, nếu thế thì lần sau bạn chỉ cần bảo với mọi người “tôi vừa mới mua xe ô tô mới, xịn lắm nhưng mà tôi vẫn đi xe chung với lớp đấy nhé. Thế thôi, là mọi người biết mình có xe mới mà”
Năm nay họp lớp ở Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam bộ. Miền Tây với kênh rạch chằng chịt, những  vườn trái cây trĩu nặng, phiên chợ nổi Cái Răng sáng sớm và đờn ca tài tử lúc chiều tàn.
Mình thích cái cảm giác thật bình yên khi dạo bước trên con đường nhỏ ven sông, dưới bóng cây râm mát, ngắm những con thuyền đang lướt nhẹ xuyên qua những cây cầu nhỏ cong cong hình cánh cung.
Mình thực sự ấn tường với giàn gừa (không phải dừa mà loại cây họ cây si), không chỉ vì đó là một khu di tích lịch sử, một nơi địa điểm văn hóa linh thiêng mà còn bởi vì những cành gừa, thân gừa lâu năm mọc lên đan xen, quấn quýt vào với nhau thành giàn. Gốc cây gừa cái, chắc là cây gừa mẹ, gừa bà đầu tiên giờ đã bị hỏng chỉ còn trơ lại phần gốc to để làm di tích, cũng như một số cành gừa lâu ngày có cái đã bị mục, bị gãy đi. Nhưng giàn gừa vẫn còn những cây chắc khỏe bám đất làm trụ đứng cho hàng hàng lớp lớp cây con khác vịn vào.
K10 của mình cũng như thế, cũng sẽ còn những cây gừa trụ cột, có thể nhỏ bé như Nhuệ, có thế to lớn như Bình, Thành, Cường , có thể dẻo dai như Minh, có thể duyên dáng như Hồng, Hà, Mai hay mạnh mẽ như anh Nga, chị Hà …để đủ sức nâng đỡ, chở che cho mình và những thế hệ sau làm nên một giàn gừa vững vàng vươn lên.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

TẢN MẠN VỀ THI VÀ ĐUA

Mấy hôm trước cu Ti (con chị bạn) đi thi vào lớp 10 và hôm nay đến lượt Tít thi Đại học. Đối với các sĩ tử dù lớp 5, lớp 10 hay đại học, cao học, tiến sĩ thì trải qua các kỳ thi là một sự bắt buộc và cũng không thể nói kỳ thi nào khó hơn kỳ thi nào. Để động viên tinh thần chiến sĩ, và đôi khi cũng là sự an ủi đối với những kết quả được coi là chênh vênh, nhà Ớt đã làm mấy câu thơ vui trên Facebook và được các sĩ tử có vẻ khoái chí:
Một năm mấy chục kỳ thi
Thêm kỳ chuyển cấp còn gì… tròn vo
Được hay không cũng chả lo
Thi xong cứ việc ngủ khò nghe cu …

Hoặc sau khi biết kết quả chiến thắng của các cu cậu thì lại tiếp thêm khí thế bằng mấy câu
Ti ơi Ti hỡi là Ti
Chiến thắng  xong rồi để làm chi
Ngày mai tiếp tục ...vùi đầu học
Học rồi học tiếp để… đi thi
Bao giờ mới hết thi Ti nhỉ
Thoả sức đi chơi với …ngủ khì …

Từ những cuộc thi của lũ nhóc con, lại quay sang chuyện người lớn.
Người lớn thì tuy rằng rất ít hoặc không bao giờ phải thi như lũ nhóc nữa, nhưng có khi còn hơn là thi. Người ta gọi đó là …ĐUA.
Các sĩ tử Bi, Tít, Ti, Bống… sẽ phải trải qua những kỳ thi để đánh giá về trình độ, kiến thức, để xác định rằng "chiến sĩ" này có đủ kiến thức để bước lên bậc học cao hơn hay không. Người lớn đua để khẳng định giá trị năng lực, bản lĩnh của bản thân mình. Đấy là sự xác định mục tiêu theo một cách chính thống và đúng đắn nhất.
Nhưng ...
Trẻ con thi, trong sáng , hồn nhiên chỉ để đạt lên lớp trên và mong sao bạn bè của chúng cũng được lên lớp để cùng học cùng chơi với mình.
Cuộc đua của người lớn chứa đầy những toan tính, thủ đoạn và phần nhiều với mục đích hạ gục các đối thủ cạnh tranh.
Trẻ con thi, đánh vật với những con số, những từ ngữ, câu cú… và đều có ba rem rõ ràng để xác định kết quả theo mức độ xuất sắc, khá, trung bình hay yếu
Cuộc đua của người lớn chả có ai ra đề, chẳng có ba rem chấm điểm và vì vậy dĩ nhiên kết quả sẽ phụ thuộc phần lớn vào … cảm tính của ai đó
Thi xong, dù được hay không được, lũ trẻ con sẽ chả mất gì ngoài việc nếu xui xẻo thì sẽ phải mất thêm thời gian cho việc học lại một hoặc thậm chí vài năm.
Còn cuộc đua của người lớn diễn ra liên tục, kéo dài, đánh đổi bằng nhiều thứ mà phần lớn kết quả chỉ là mất chứ không được. Mất tiền của, mất danh dự, mất tự do…và thậm chí mất cả lương tri chỉ để đổi lấy những thứ cực kỳ phù du là chức vụ, quyền, lợi và đôi khi thật dở hơi khi đua chỉ để chiếm được tình cảm của một người khác. Nhiều người lớn vẫn không nhận ra rằng đôi khi chỉ vì một danh hiệu hão, một thứ sĩ diện hão “hơn đời hơn người” họ đã phải mất đi khá nhiều những thứ quý giá nhất. Có câu chuyện đáng buồn cười nhưng lại trở thành phổ biến ở thủ đô (ngàn năm văn hiến của chúng ta). Anh nọ khoe đã tốn 20 triệu đồng chuyển chỗ cho cô con gái cưng từ 1 trường tiểu học này sang trường tiểu học khác cũng tốt như nhau, cũng ở trung tâm như nhau chỉ vì 1 chữ “sĩ”, để cho mọi người biết là anh có tiền và anh có quyền, anh có thể làm được tất cả những điều mình muốn. Haiza
Trẻ con thi được hay không được thì vẫn có quyền để hô to …STOP. Còn người lớn, cuộc đua của họ chẳng khác nào là một cuộc đạp xe đạp leo dốc, không thể dừng, bởi dừng lại có nghĩa là tuột dốc luôn.
Cuộc thi của lũ trẻ diễn ra ở trường, với bàn ghế, bảng đen, bút giấy. Còn cuộc đua của người lớn là ở bất kỳ đâu, và thật mỉa mai thay có khi còn diễn ra ngay cả trên giường bệnh nữa.
Những tấm giấy khen sau các kỳ thi của trẻ con luôn đem lại những niềm vui, niềm tự hào cho tất cả mọi người bởi điều đó là xứng đáng. Nhưng tiếc thay những bằng khen của người lớn không được như thế.
Nói vậy, nhưng không phải tất cả các cuộc đua của người lớn đều xám xịt một màu.
Vâng, vẫn có những cuộc đua đáng yêu đấy chứ: ví như cuộc đua xe hàng ngày của các ông bố bà mẹ để đưa con đến trường, đưa con đi học thêm và đưa con đi thi …

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

CẢM TÍNH NHÂN NGÀY NHÀ BÁO

Cách nay mấy ngày, báo Lao động và sau đó mấy chục báo đưa tin "văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng điều động hơn 60 cán bộ đi phục vụ đám tang" , một số bài lại giựt tít "đã đến thời cán bộ Văn phòng UBND thành phố đi phục vụ đám tang". Sự việc gây xôn xao, nhiều bạn bè anh em gọi hỏi thăm đủ thứ.
Mình được sếp yêu cầu và hì hục gần 1 ngày trời để viết bài phản hồi, trong tâm trạng tức tối, mặc dù chả hề có tên trong cái danh sách đã được các báo đưa ra minh chứng và cũng chả phải là người liên quan gì vụ này. Thế nhưng vào cuối buổi chiều, mình lại đồng ý ngay với thái độ vui vẻ khi sếp bảo thôi không đăng bài phản hồi ấy nữa cho dù thực sự việc cơ quan mình đã làm hoàn toàn đúng cả về quy định và lương tâm. Mình đồng ý ngay bởi vì thôi thì chịu oan ức một chút còn hơn cứ lôi tên tuổi của người đã khuất ra mà nói đi nói lại.
Trong câu chuyện này, xét cuối cùng thì tất cả đều chỉ là cảm tính mà thôi.
Cảm tính trước hết là của lãnh đạo cơ quan mình và các anh em đi phục vụ đám tang ấy. Tất cả đều vì sự kính trọng, yêu quý đối với người quá cố là cô NTL, một cán bộ hưu trí, 87 tuổi, nhân cách đạo đức tốt đẹp, có nhiều cống hiến ...Đó còn là sự thông cảm với hoàn cảnh éo le, cô mất đột ngột, chồng và con bị liệt nằm một chỗ đã nhiều năm, nhà neo đơn ...Về lý Nghị định 105/2012/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan mình đối với CB đã nghỉ hưu, khẳng định việc làm cơ quan là đúng. Nhưng  chỉ đến khi "cãi nhau" với mấy ông báo chí, thì văn bản này mới được đưa ra khiến mấy ông nhà báo ớ người và buộc phải chấp nhận viết bài nói lại.
Cảm tính của người đọc thông tin. Cũng khó trách họ khi thông tin được báo chí đưa ra theo kiểu giật tít ỡm ờ như thế. 60 cán bộ phục vụ đám tang, nhiều thế, lại ăn cắp giờ nhà nước, lại ảnh hưởng đến công việc tiếp dân... rồi lại như ông nọ ông kia bảo cán bộ đến mấy chục phần trăm ngồi chơi xơi nước... hừm, thế này thì quá thật, quá lắm ...Nhưng ai biết 60 người đó được phân công, chia ca trực trong và cả ngoài giờ hành chính, và trong 3 ngày trực thì chỉ có 1 ngày thứ sáu là ngày làm việc, còn 2 ngày kia là ngày nghỉ cuối tuần. Việc phân công trực trong giờ hành chính cũng đã được sắp xếp cho những người thuộc bộ phận quản trị, hành chính, còn các chuyên viên tham mưu, tổng hợp thì trực ngoài giờ hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật.
Rồi cũng có anh đọc và ra vẻ hiểu biết bảo rằng: thật đáng trách, đáng buồn cười khi cái ông sếp lại đem ký tên, đóng dấu vào danh sách ấy làm gì, lại còn kê ra chuyện lau chùi chén đĩa nữa....Ô hô, nếu nói thế thì người phê phán ấy mới là đáng trách, là anh không hiểu biết gì về hành chính. Cái văn bản ấy chả có gì sai về hành chính cả, ký đóng dấu thì đã sao, là đúng, là chính thức, là yêu cầu nghiêm túc chứ sao nữa. Chuyện rửa ly tách này nọ nghe có vẻ buồn cười nhưng cũng chả có gì sai khi đó là yêu cầu thực hiện những công việc cụ thể, phạm vi cụ thể để không thực hiện những việc của người khác. Nhẽ đâu nếu cũng là phân công rửa chén nhưng cho lễ lạt gì đó thì được, còn đám ma thì không. 
Rồi cảm tính của một số bác cũng là lãnh đạo, khi trả lời báo chí đã một mặt thì cũng muốn bênh vực anh em dưới quyền, nhưng mặt khác cũng cảm thấy lo lắng, kiểu "báo chí nó đã đụng đến thì chắc là quân ta sai rồi" nên "thì là mà, ừ... à ... cái này thật ra cũng không nên thế, thôi để tôi về kiểm điểm lại nghiêm khắc". Và thế là rơi ngay vào cái thòng lọng của mấy anh báo chí , bị họ túm lấy, la lên, đấy thấy chưa, các sếp cũng nói sai mà.
Kết luận của mình trong toàn bộ câu chuyện này, một cách cũng rất cảm tính: báo chí là đồ dã man.
Và như kiểu giựt tít "đã đến thời ..." Mình sẽ buông một câu cám cảnh " đã đến thời báo chí đổ xô vào lóc thịt người chết rồi sao?". Hai za...
Mình đã không dám nhận là nhà báo là vì như thế.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Câu chuyện bịa về con cò và dòng sông

(Làm bài thơ này cách nay đúng 20 năm. Hồi ấy đi thăm Hòn Kẽm - Đá Dừng. Một địa danh đầu nguồn sông Thu Bồn. Đó cũng là 1 căn cứ địa cách mạng)
                                                                 Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng
                                                       Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
                                                                                      (ca dao)

 Ngày ta chưa quen nhau
Con cò trắng ẩn mình trong bụi lác,
Chẳng có dòng sông mênh mông bát ngát,
Chỉ có núi rừng và biển xa thôi.

Ngày ta quen nhau rồi
Con cò trắng vút lên
Chấp chới cánh cò khắc khoải
Con nước quặn mình xẻ đôi ngọn núi
Đưa mít non em hái về kho với cá chuồn
Thành dòng sông xanh mang tên Thu Bồn
Cá chuồn ngược lên theo cánh cò bay lượn
Thành biền dâu xanh và cánh đồng lúa chín
Như lá thư tình anh gửi đến cho em…

Em có thấy không cánh cò chao nghiêng
Nếu em không nói yêu anh
Con cò trắng sẽ lại dỗi hờn trốn mất
Sẽ chẳng còn dòng sông chiều nay nghe em hát
Hòn Kẽm, Đá Dừng chôn chặt nỗi nhớ mong.

                                                                                                                                          1993

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

NGÀY 1.6

Vâng, thì là ngày của các anh chị
Zõ là như thế, ngày này là của các anh các chị, tháng này là dành riêng cho các anh các chị. Chúng em đã nhận thức quán triệt rõ điều ấy nên các anh các chị không cần phải lăn lộn, gào khóc, hoặc chí ít cũng ném về phía chúng em những cái nhìn đầy ý nghĩa.
Vâng, không cần phải như thế thì các anh chị nhỏ thì cũng bánh kẹo đầy mồm, nhớn hơn tý thì búp bê, máy bay, ô tô ...loạn xị, hơn tý nữa thì được cơ số kha khá xèng để nhanh chóng tót ra quán điện tử gần nhà mà các khổ chủ (là chúng em) đừng hòng dám nói một câu với vô lum hơi hơi to to ….
Thôi thì là ngày của các anh chị, nhưng nhân dịp các anh chị túm tụm đông đủ ở đây thì cũng xin các anh chị cho chúng em trần tình vài nỗi niềm.
Các anh các chị thử nghĩ mà xem. Hồi chúng em bằng tuổi các anh chị thay vì được đi tham quan, dã ngoại, pic nic thì chúng em lại phải mũ rơm, sơ tán, đào hầm trú ẩn hoặc không thì cũng phải “đưa cơm cho mẹ em đi cày”; thay vì bấm máy chiu chiu chơi đột kích, chiến tranh giữa các vì sao, võ lâm thì chúng em phải mỗi ngày chạy máy bay hàng chục bận, có người bằng tuổi các anh chị đã làm du kích, liên lạc.... Giờ các anh chị phụng phịu khi nhìn mâm cơm không có món ăn các anh chị thích nhưng hồi trước chúng em  thường xuyên phải mang cái bụng rỗng tuếch rỗng toác để đi bộ đến trường…Thôi, thôi … nói nhiều quá các anh các chị lại cho chúng em là kể nghèo kể khổ, các anh chị coi đó là những chuyện  cổ tích dở nhất trên đời.
E hèm, chúng em cũng biết là các anh chị có những sứ mệnh vô cùng to lớn,  là tương  lai của nước nhà ta, là tất cả cái …”liềm” …hy vọng của  chúng em. Dù có hy vong sau này các anh chị sẽ nhớn lên để trở thành những ông này bà nọ, vênh váo với đời, nhưng thực tình chúng em không dám mong các anh chị sẽ có dịp quay về nuôi nấng chăm sóc cho chúng em như chúng em đã từng chăm sóc các anh chị và ông bà các anh chị. Chỉ mong  sao các anh chị chịu khó học hành cho tử tế, chịu khó nghe lời các bậc tiền bối, sau này lớn lên biết lo toan làm ăn chí thú, kiếm đồng tiền chính đáng.
Bây giờ thì các anh chị đòi, các anh chị “đấu tranh” cho cái quyền mà chả ai trong chúng em dám hó hé nhằm "tước đoạt" gì cả. Tuy nhiên, các anh chị rất ngu (ấy chết, quên, xin lỗi)… rất hạn chế về nhận thức, không hiểu rằng chúng em lỡ có cản trở các quyền của các anh chị là bởi vì muốn bảo vệ các anh chị. Ví dụ như không  cho các anh chị đi chơi, chẳng qua vì quá sợ tai nạn các loại, không mua đồ chơi cho anh chị chỉ vì sợ đồ chơi TQ có chứa chất độc hại, không cho ăn uống la cà vì sợ bao thứ thịt thối thịt ôi…
Giữ được chừng nào thì giữ, chứ cũng khó mà quản được các anh chị nhỉ …
Nói tới đây được chưa? Túm lại, thôi ngày của các anh chị các anh chị muốn làm chi thì làm. Chúng em đã chịu đựng các anh chị mãi rồi nên có thêm một ngày hay một tháng nữa cũng chả sao. nhẻ

Chúng em, các phụ huynh tội nghiệp 

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

PHÁO HOA

Những bài viết về lễ hội pháo hoa hàng năm ở Đà Nẵng mình cũng đã viết nhiều rồi. Hay có, dở có. Pháo hoa thì lúc nào mình cũng phải có mặt phần nhiều vì là công việc, vừa phục vụ vừa coi để viết bài.
Nhiều người bạn bè thân quen chưa xem trình diễn pháo hoa thế nào hoặc chỉ xem qua ti vi thì bảo rằng: ồi, thường thôi mà, chỉ là hơn pháo hoa giao thừa là có nhạc. Thế nhưng mình cũng gặp những người đã từng xem pháo hoa ở Đà Nẵng thì họ cho biết là thích vô cùng, có người bảo năm nào cũng quyết đến xem cho được.
Mình xin nói rõ thế này: pháo hoa bạn xem qua ti vi dù đã được quay ở góc độ đẹp nhất nhưng cũng chỉ bằng một phần mười nếu xem tận mắt. Bạn có thể tưởng tượng sông Hàn đã trở thành một sân khấu khổng lồ và khi những chùm pháo hoa rực rỡ thắp sáng bầu trời, nhảy múa tưng bừng theo điệu nhạc, những chùm pháo hoa từ nước ngoi lên như những nàng tiên cá cổ tích bạn sẽ cảm nhận được sự lung linh huyền diệu không gì sánh được. Bạn sẽ thấy pháo hoa không chỉ đánh thức những cảm quan bằng sắc màu, ánh sáng, âm thanh mà còn hơn thế nữa.
Điều tuyệt vời hơn cả là pháo hoa là cuộc trình diễn hoành tráng, rực rỡ nhất nhưng lại không dành riêng cho ai cả, cả những đại biểu uy nghi trên hàng ghế danh dự lẫn cả các vị khách du lịch ngồi trên khán đài (mua vé). Công viên vỉa hè ven sông, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước là những “khán đài” cho hàng chục ngàn người dân bình thường có thể thưởng thức pháo hoa theo nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều có cùng những niềm vui như nhau.  
Đến với lễ hội pháo hoa, bạn cũng sẽ thấy Đà Nẵng của chúng mình đẹp thế nào và thấy chúng mình thật sung sướng khi được sống ở đây. Bãi biển đẹp tuyệt, thành phố sạch sẽ thoáng đãng, giá cả dịch vụ ừ thì có đắt hơn ngày thường chút ít nhưng không bị mang tiếng chặt chém như ở những nơi khác. Bạn có thế yên tâm vì sự an toàn trật tự dù thành phố đón hàng trăm lượt du khách đổ về, bạn cũng không phải bận lòng vì thành phố mình không có người lang thang xin ăn, bạn có thế thoải mái hỏi han, trả giá khi mua hàng mà không sợ bị … chửi như ở những nơi khác. Còn nhiều điều về thành phố chúng mình khiến bạn thêm yêu quý và sẽ níu chân bạn muốn quay lại.
Pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng là thế đấy.
Hai năm đầu tiên thi pháo hoa, người ta thường tổ chức nhân kỷ niệm ngày giải phóng thành phố 29/3 nhưng mấy năm sau thì được làm vào ngày 30/4 để thu hút được nhiều người đi chơi nhân dịp lễ. Vì vậy, những ngày này, chúng mình bận rộn hơn để phục vụ.
Mình nhớ lại ngày 29/3 năm 1975, mình đang ngồi chơi thì ba mình bỗng ôm xốc mình dậy và la to lên mà nước mắt giàn rụa : “con ơi, Đà Nẵng giải phóng rồi, quê mình giải phóng rồi”. Ngày 2/5/1975 ba là một trong những người đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh. Một trong những lá thư ba gửi về kể về giây phút xúc động, ngay trong đêm pháo hoa mừng chiến thắng, ba đã gặp được những người bà con ruột thịt sau mấy chục năm trời xa cách.
Ở Hà Nội, mìnhtham gia trong đội văn nghệ của trường cấp I với tiết mục hát múa “em bay lên trong đêm pháo hoa” để biểu diễn mừng  quốc khánh 2/9/1975.
Cho nên pháo hoa với mình ngoài sự thưởng thức vẫn là hoài niệm tha thiết về quá khứ hào hùng của đất nước, của gia đình.
Tự dưng, mình tin là nếu có những người ghét chế độ này, hay còn hằn học vì nhiều lý do, hay bất đắc chi chí ... thì hãy thử một lần đến Đà Nẵng để xem trình diễn pháo hoa quốc tế.

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

MÙA SƯA VÀNG




Vẫn biết không thể gọi đó là mùa nếu xét vào những “tiêu chí” rằng thì là mà thời gian phải dài, phải nhiều, phải trở thành thông lệ hàng năm ….

Vả lại nó vẫn chưa phải là một cái gì đó đặc trưng nổi bật, một cái gì đó đủ để đánh thức hoài niệm, một cái gì đó khiến người ta liên tưởng …

Huống hồ ngay cả cái tên của nó cũng gây nhiều bàn cãi.

Nó được người ở đây quen gọi là sưa, nhưng các nhà khoa học, các nhà …(nhiều lắm) không công nhận nó là cây sưa, bởi vì nó có hoa vàng trong khi theo họ thì  sưa chỉ có hai loại hoa trắng và hoa đỏ mà thôi. Còn cây ở đây chỉ là cây hương vườn mà thôi. Nói thế đấy, dứt khoát, như đúng rồi, như thể chỉ có sưa trắng đỏ thì mới là sưa, thì chỉ được gọi là sưa, chỉ được mang cái tính quý giá của sưa (nghe đâu tiền trăm triệu cho một ký sưa, haiza)

Sưa ở Hà Nội trắng muốt, bồng bềnh, lãng mạn …

Sưa đỏ thì quý phái, quý giá …

Bất chợt hôm trước bắt gặp những chùm hoa sưa vàng nghệ rực rỡ gần nhà. Chợt thấy xao xuyến bâng khuâng, chợt thấy lòng mình chùng xuống, chợt thấy nhẹ hơn những đớn đau, và mình đã lại có thể cười được, một nụ cười không còn méo mó gượng gạo khi bắt buộc phải cười. Đã có thể nói đùa một câu, sau nhiều ngày "thâm trầm" khiến mọi người lo lắng.

Chưa kịp chụp ảnh những đám hoa sưa vàng ươm thao thiết ấy thì sáng nay đồng loạt các cây sưa đã không còn hoa nữa. Lục tìm trên google mới biết, sưa chỉ nở hoa trong mấy ngày mà thôi…

Tiếc thật…đành đợi mùa hoa năm sau vậy

Mình vẫn thích được gọi mùa hoa sưa. Cái lý nằm ở chỗ là cái xao xuyến bâng khuâng ấy sẽ theo mình từ năm này đến năm khác.

Có lẽ phải trồng trước nhà 1 cây sưa (hương vườn) này vậy để mỗi tháng tư về lại thao thức chờ ra hoa. 



Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

THƠ BÓNG ĐÁ

Bỗng dưng tự nhiên sáng nay trong đầu lại bật nhớ nguyên si một bài thơ cũ. Hồi ấy (năm mấy không nhớ nữa- hình như world cup thì phải) thèn Paragoay và thèn Pháp ở chung 1 bảng, đá một trận tưng bừng đẹp mắt không chịu được. Sáng sau, mềnh đi ngồi họp thì gặp anh kia. Anh này thì làm chức to, hùi xưa cũng có ý (hoặc do gọi ý của các cụ) tính "cưa cẩm" mình nhưng nhát quá, không dám nói (sau này anh ý có thú nhận như rứa hoặc tương tự như rứa). Cuối cùng thì ai đi tìm nửa người đó. Hôm ấy mềnh tức cảnh sinh bài thơ này để gửi tặng anh đó:

Paragoay đã đá hết mình
Một đội bóng hạng hai bất ngờ toả sáng
Pháp cũng đã đá hết mình
Để có những phút giây cả cầu trường nín lặng ...
Tàn cuộc chơi có kẻ thua, người thắng
Dẫu nuối tiếc muộn màng cũng để lại cho đời những vần thơ
Họ đã làm hết mình để ngẩng cao đầu bước tới
Anh và em ... có như thế ... bao giờ ...

Anh ý nhận bài thơ (qua một anh kia và anh kia thì hình như có "chua" thêm mấy câu bình phẩm gì gì đấy).
Mới đây gặp lại, nhìn mình trìu mến phết (chắc không phải do riêng bài này)

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

THỜI GIAN, THỜI GIAN

Cảm thấy bất ổn, cứ phải giật mình thon thót khi ngồi sau lưng ông chồng vừa vui vẻ vài ba ly bia chúc Tết (tửu lượng lão này vào loại thần sầu, vài ba ly bia chỉ là muỗi)
Cảm thấy thờ ơ với những tin tức mà người khác nói ra như là một lời chúc mừng. Ừ thì sao, lên chức biết đâu lại là cái chuyện chẳng hay ho gì, nhiều tiền - ừ thì biết đâu lại là cái để nuôi dưỡng mầm mống của tai hoạ và cái tai hoạ lớn nhất là sự ỷ lại của hai chú nhóc.
Như hồi trước lẽ ra đã có thể nhảy nhót phản ứng ngay lên nếu ai đó có nhận xét không đúng về mình. Nhưng giờ thì chỉ cười buồn và im lặng khi thấy bạn cho mình tệ đến thế.
Cảm nhận sâu sắc thời gian là thuốc chữa hiệu nghiệm nhất cho mọi thứ tổn thương. Qua thời gian, sự chông chênh sẽ được chèn chống như những hạt bụi nhỏ dần dần khoả lấp những ô trống cuộc đời…
Từ bao giờ, từ bao giờ nhỉ? Có lẽ không xa lắm, đã cảm thấy “trầm ngâm” hơn với những tin tức thời sự được cho là nóng hổi; đã không còn nhanh nhẩu “phát” ra những câu nói đầy cảm tính về một vấn đề thời sự nào đó; lạ thay, đã lại còn khyên lũ em út thôi hãy bình tĩnh chờ đợi chớ đừng vội tung ra những kết luận này nọ; bởi đã thấy cuộc sống hình như đã không còn tuân theo những quy luật nữa rồi; đã thấy ở kẻ khùng cũng có những điều có lý và ở người cao sang quyền quý những sự rất dở hơi. Những thứ tưởng như rõ ràng là thế, hay ho là thế giờ đã có thể hoài nghi. Ngược lại, những thứ tưởng chừng như bỏ đi lại thấy cần nhặt nhạnh thu gom trở lại …
 Không cãi nhau, chán tranh luận, thôi bàn bạc chuyện thế sự này nọ, có nghe nói thì chỉ buông ra một tiếng thở dài hoặc một thái độ khiến người đối diện … muốn hiểu ra sao thì hiểu …
Chỉ có một cách giải thích cho tất cả những điều này …không còn nghi ngờ gì nữa.
Ấy là … ta đã già rồi …

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

GÓP Ý HIẾN PHÁP

Trong khi chưa trở thành tài sản tập thể thì mềnh pot lên đặng giành quyền sở hữu cá nhân cái đã

Nhà nước- quốc gia - đất nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam
Qua nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp, với tư cách công dân, trong bài viết này chúng tôi xin được đi sâu phân tích, góp ý và đề nghị cân nhắc về cách sử dụng một số từ ngữ trong dự thảo. Cụ thể đó là các từ: “quốc gia” “đất nước” “nhà nước”

1/ Từ “Quốc gia” và “đất nước”
Từ quốc gia là từ Hán -Việt, dịch nghĩa tiếng Việt là nước - nhà hoặc có thể là nhà - nước. Trong dự thảo Hiến pháp từ “quốc gia” có 34 lượt sử dụng
a/ Với nghĩa là nước - nhà đồng nghĩa với đất nước: là chỉ phần lãnh thổ, dân số, pháp luật, chế độ chính trị … . Phần lớn từ “quốc gia” được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp mang ý nghĩa này. Cụ thể là
Lời nói đầu: chủ quyền quốc gia
Điều  5: Nước CHXHCNVN là quốc gia độc lập , ngôn ngữ quốc gia
Điều 17, 47, 70, 71,73, 76, 102: an ninh quốc gia,
Điều 16, 57, 59, 65: lợi ích quốc gia
Các điều 76, 102, 123: Tài chính tiền tệ quốc gia, nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia   
Điều 123: nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia
Và với ý nghĩa nước nhà hay đất nước, chúng ta có thể thay thế từ “Quốc gia” bằng từ “Đất nước” trong một số câu, cụm từ thì phù hợp hơn. Mặt khác, thể hiện được ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và tạo nên sự gần gũi thân thiết đối với người dân
Ví dụ như tại điều 5:
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một đất nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Điều 5 qui định như vậy hoàn toàn phù hợp với qui định tại điều 1 “ Nước CHXHCNVN là một nước độc lập dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.”
Tại điều 56: cụm từ “….hợp tác kinh tế với các quốc gia khác” có thể thay bằng: “với các nước khác” . Điều này phù hợp với qui định tại điều 12 “… hợp tác và phát triển với tất cả các nước trên thế giới…”
Tương tự như vậy tại một số điều khoản khác có thể thay thế: lơị ích của đất nước, an ninh của đất nước, nguồn lực tài chính và tài sản của đất nước, đất đai là nguồn tài nguyên của đất nước (điều 59)
Tuy vậy, một số cụm từ khác vẫn có thể sử dụng từ “quốc gia” như:  quốc phòng và an ninh quốc gia (điều 76); dự trữ quốc gia, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (điều 102). Sở dĩ chúng tôi đề nghị giữ lại từ “quốc gia” vì muốn tạo nên hiệu quả tâm lý về sự uy nghiêm tôn trọng đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời chữ “quốc gia” ở đây cũng bao hàm ý nghĩa là có sự quản lý của nhà nước.

b/ “Quốc gia” theo nghĩa Nhà nước: Nhà nước là một bộ máy, công cụ được đặt ra nhằm điều hành đất nước và xã hội.
Với nghĩa này, thể hiện trong dự thảo Hiến pháp tại một số điều khoản như sau: nền hành chính quốc gia (điều 8) Bí mật quốc gia (điều 47), Hội đồng bầu cử quốc gia (điều 76, 102, 121, 122).
Những cụm từ này có thể thay chữ quốc gia bằng chữ Nhà nước để trở thành: nền hành chính nhà nước, bí mật nhà nước
Riêng Hội đồng bầu cử quốc gia thì đề nghị có thể vẫn giữ nguyên tên gọi  với ý nghĩa đây là cơ quan bầu cử cao nhất ở cấp trung ương. Tuy nhiên, các cơ quan khác được thành lập ở cấp trung ương, có sự quản lý của nhà nước cũng nên đặt tên gọi theo hình thức tương tự: như Kiểm toán Nhà nước đổi thành Kiểm toán quốc gia, Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng quốc gia, kho bạc nhà nước thành Kho bạc quốc gia.  
Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đề nghị nên chuyển đổi cụm từ “ngân sách nhà nước” thành “ngân sách quốc gia” vì bao hàm ý nghĩa ngân sách chung của cả đất nước do nhà nước là người đại diện quản lý. 

2/ Từ “Nhà nước”
Khái niệm về nhà  nước được hiểu theo hai dạng. Nói về bản chất thì Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một công cụ nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và duy trì trật tự XH trong XH có giai cấp đối kháng. Đây là cách hiểu trừu tượng.
Với cách hiểu cụ thể: nhà nước là một bộ máy thực hiện chức năng quản lý đất nước và xã hội theo pháp luật.
 Từ “nhà nước” được sử dụng 140 lượt trong dự thảo. So sánh với các từ khác trong cùng một tập hợp các khái niệm có liên quan (quốc gia, đất nước,  nhà nước, công dân…) thì từ này được sử dụng với tần suất lớn nhất. Về mặt hình thức cũng như nội dung, việc sử dụng từ “Nhà nước” với tần suất nhiều như trong dự thảo dễ làm người ta hình dung rằng Nhà nước là chủ thể nắm giữ và sử dụng quyền lực của mình điều hành hầu hết các vấn đề xã hội và như thế có thể  tạo nên sự bất lợi trong quan hệ quốc tế và tâm lý của người dân, nhất là trong các vấn đề liên quan đến tự do dân chủ.  Trong khi đó chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một đất nước dân chủ, các quyền con người được tôn trọng và mở rộng hơn. Hơn nữa, trong một số điều khoản việc sử dụng từ này không cần thiết và không chính xác 
Ví dụ:  
Tại điều 15 của dự thảo viết “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Câu này có thể sửa lại như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (bỏ cụm từ “nhà nước và xã hội”).  
Tại Điều 26 khoản 2 của dự thảo viết “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Nếu bỏ từ “nhà nước” ở đầu khoản và sửa lại như sau: “Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của công dân được tôn trọng và bảo đảm” thì sẽ chính xác hơn với  lý do:  không chỉ riêng nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do này của công dân mà quyền này phải được tất cả mọi người, mọi tổ chức, đoàn thể xã hội tôn trọng và thực hiện. Điều này phù hợp với qui định tại điều 15 của Dự thảo: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”
Tương tự: tại khoản 3, điều 57: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” (bỏ từ “nhà nước”)
Cũng trong một số điều như điều 35, 36, 40, 42… nên cân nhắc lại việc sử dụng  từ “nhà nước” tránh tâm lý cho rằng dồn hết trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý cho nhà nước, không phát huy được sự tham gia của toàn xã hội, vẫn còn nặng cơ chế bao cấp, tâm lý ỷ lại trông chờ vào nhà nước.
   Và với sự cân nhắc thận trọng trong cách dùng từ theo đề nghị như trên, sẽ có thể thấy rõ hơn tính dân chủ của chế độ, tính  pháp quyền của Nhà nước ta và sự thượng tôn pháp luật của xã hội. Đặc biệt, trong một số quan hệ pháp lụât thì người dân và nhà nước xuất hiện với tư cách là hai chủ thể bình đẳng trước pháp luật.


Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

CHUYỆN "CƯỚP" HOA


Cô gái này đang "cướp" giỏ hoa trên tay anh cảnh sát cơ động sáng ngày 17/2/2013 tại đường hoa ĐN


Mấy ngày này, Đà Nẵng "sôi sục" phản ứng với các bài viết trên một  số báo như vnexpress, Người lao động, Thanh Niên khi đưa tin về việc "cướp" hoa, "tranh giành" hoa tại đường hoa Bạch Đằng, Đà Nẵng. Trên mạng xã hội  cũng đã xuất hiện những lời kêu gọi đòi "tẩy chay" các báo này vì cho rằng đã xúc phạm đến danh dự cùa người Đà Nẵng. Thậm chí có cả mẫu đơn gửi Tòa án để khiếu nại việc các báo này sử dụng hình ảnh của các cá nhân, cho rằng họ đã "cướp" hoa trong sự "bất lực" của lực lượng bảo vệ. 
Sự thật cũng đã khá rõ ràng. Bởi ngày 17/2 là ngày thu dọn để trả lại mặt bằng cho thành phố. Các loại hoa đã được Ban tổ chức thu dọn, phân loại để từng khu vực riêng biệt, Một số loại hoa quý được để riêng để đem cho các chùa, đình, trường học... theo kế hoạch. Số còn lại  sẽ cho xe của công ty Môi trường đô thị đem đi đổ. Cùng lúc ấy, nhiều người dân đi qua thấy vậy liền xin một vài chậu đem về nhà. Lực lượng bảo vệ khi ấy chỉ làm nhiệm vụ trông coi để tránh trường hợp người dân lấy các vật dụng trang trí khác. Đám đông hồn nhiên xúm vào một chỗ tất không tránh khỏi những lộn xộn ngoài ý muốn, không đáng có. 
Sự hồn nhiên của người dân, sự "dễ dãi" thiếu lường trước  của Ban tổ chức, và sự ẩu tả của phóng viên trong bài viết ... dẫn đến sự phản ứng của người dân Đà Nẵng
Người Đà Nẵng phản ứng, coi việc báo chí đưa tin như vậy là một sự xúc phạm, một sự sỉ nhục cũng là điều dễ hiểu. Bởi ngoài việc sử dụng từ "cướp", "tranh giành" một cách tùy tiện, cẩu thả, một vài bài đã còn có ý mỉa mai khi "chua" thêm mấy chữ "ở thành phố đáng sống" gây nên sự hiểu lầm, chê bai, thất vọng của bạn đọc cả nước, vốn trước đây đã hết lời khen ngợi cho nếp sống văn mình ở thành phố chúng mình.
Mọi sự rồi cũng sẽ qua mau, sự thật rõ ràng và thực ra sự việc này cũng chẳng phải là chuyện to tát gì và nếu nó ở nơi khác thì chắc cũng chẳng mang lại sự giận dữ như thế. Ở đây, giới truyền thông, nhất là mấy tờ báo nọ có lẽ cũng đã nhận được một bài học đắt giá cho thói ẩu tả của mình.
Nhưng qua đây mới thấy người Đà Nẵng yêu thành phố của mình thế nào. Họ không cho phép sự bôi nhọ (dù nhỏ) đến danh dự của mình và quyết tâm bảo vệ thanh danh của người Đà Nẵng. 
Trong chuyện này, có khi mình chưa hẳn đã đồng tình với các bạn, các anh em về cách phản ứng khá thái quá của họ đối với báo chí nhưng ở mặt khác lại có niềm hơi hơi tự hào khi bằng hành động ấy đã nói lên cái tình yêu của họ đối với thành phố này. Một thông điệp khá thẳng thắn, quyết liệt đưa ra cho bất cứ ai "động" đến Đà Nẵng sẽ phải hối hận về việc làm của mình.
Tại sao vậy? bởi Đà Nẵng đã được xây dựng đàng hoàng, đẹp đẽ như  hôm nay là sự đóng góp chung của mỗi người dân và rõ ràng là mỗi người dân thành phố đều ý thức điều đó. Mình nói không ngoa khi cho rằng, người dân đã cảm thấy trách nhiệm của mình gắn với từng viên gạch lát đường. Còn nhớ  vài năm sau khi cây cầu Sông Hàn được xây dựng xong (năm 2000), một cụ ông khi thể dục qua đây đã gọi điện cho Chủ tịch báo tin việc người ta tháo dỡ 1 đoạn lan can sắt trên cầu. Cuối cùng, họ yên lòng khi nghe giải thích rằng việc này là để sửa chữa lại đoạn lan can đó. 
Chúng mình làm việc ở đây cũng thường xuyên nhận được ý kiến của người dân gọi đến phản ảnh và yêu cầu nhiều việc đôi khi vượt qua chức trách, thẩm quyền của chính quyền. Có người gọi đến để phản ảnh, nói đúng hơn là gọi đến để giãi bày chuyện 1 quán bún bán với giá cắt cổ và ông chủ quán thì thiếu nhã nhặn với khách ... Ông này không bằng lòng với lý do "tôi vừa giới thiệu với bạn tôi về thành phố mình văn minh lịch sự, vậy mà ông chủ quán ăn nói khiếm nhã thế khiến tôi xấu hổ quá"  
Lan man nhiều lại quay sang chuyện "cướp" hoa.
 Tấm hình trên bài viết này có lẽ cũng đã nói lên nhiều điều về sự thật "cướp" hoa ở đường hoa Đà Nẵng, và chắc nó cũng đã xoa dịu được mấy cái đầu nóng hầm hập đòi xử lý mấy tay phóng viên ẩu tả kia.
Thế này thì ai lại không muốn làm "kẻ cướp" nhỉ

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2013


















Năm nay mình phá lệ nhắn tin cho mọi người để chúc tết. Mọi năm thấy nhắn tin nó sến sến sao ấy nên quyết định không nhắn nữa mặc dù năm nào cũng nhận không ít tin nhắn.
Chúc năm mới lẽ dĩ nhiên toàn những điều tốt đẹp và mong muốn những điều tốt đẹp. Nhưng cũng có những sự trớ trêu  khi nhắn hạnh phúc cho một gia đình đang có trục  trặc; chúc mạnh khỏe cho ông đang điều trị ung thư; chúc phát tài phát lộc cho đám công chức như mình thì chả nhẽ mong cho họ … tham nhũng; chúc lên chức lên quyền thì chả hóa ra là xúi họ … đi đêm …Ai cũng phát lộc phát tài, ai cũng lên chức hết thì … như ông Trần Tiến gào lên cái điệp khúc: "Còn ai nữa, còn ai nữa để nghe tôi hát bài ca ngợi loài người …. Trái đất này chỉ còn có hai loài  … vịt và … dê"
Năm Quý Tỵ này sẽ là một năm khó khăn đây. Ấy là mình nghĩ thế ngay khi nhìn bà bạn đem mấy chục triệu tiền mới toanh đổi cho mọi người. Chợ Tết người bán nhiều bằng người mua, ai cũng than ế. Chợ hoa năm nay hoa đẹp, rẻ mà đêm 29 cũng còn đầy. Nhà mình, nhà bạn bè anh  em ai nấy đều bảo nhau kiệm kiệm, chỉ mua những thứ cần thiết. Nói  thì ra là đồ vô hậu bất hiếu chứ có người còn bảo ; anh rước ông bà về vài hôm thôi rồi tiễn các cụ đi sớm hơn mọi năm, chứ ở lại cơm nước ba bữa, toàn phải đồ mới thì lãng phí quá…
Nhiều gia đình không có sự đầy đủ như mình, đi chợ nhìn nhiều cảnh đời cứ thấy chạnh lòng. Hoa cúc năm nay nhiều và rẻ chưa từng thấy. Sáng mùng Hai, ngồi cà phê nghe nói hoa cúc đổ đống, đầy những khu đất trống.  Hỏi ra mới biết nhiều khu vực giải tỏa, đất trống được người ta tận dụng để ươm hoa cúc. Gặp năm nay thời tiêt thuận lợi nên hoa nở đẹp nhưng người trồng hoa cũng méo mặt vì ế hàng
Vậy cho nên năm nay, chúc như bà chị bạn mình về 1 chữ “đủ”
Đủ hạnh phúc để tâm luôn ngọt ngào
Đủ ồn ào để thấy đời không lặng lẽ
Đủ sức khỏe để có thể rong chơi
Đủ thảnh thơi để thấy mình thật sự sống
Đủ hy vọng để giữ được niềm tin
Vừa đủ tự tin và hài hước để thấy đời đáng sống…
Nói vậy chứ không dễ để có một chữ “đủ” nói đúng  hơn là ý thức về chữ “đủ”. Bởi cuộc đời mỗi người luôn ở trạng thái chông chênh, luôn tìm kiếm và khát khao những thứ …không thuộc về mình.
Tiếp xúc với  rất nhiều người, mình nhận ra rằng hầu hết đều không nhận thức được mình là ai, mình ở đâu, mình cần cái gì... Có lúc mình ngồi nhìn và cảm thấy thật tội nghiệp cho 1 anh (hay 1 chị) nào đó đang kể lể về “thành tích” của mình, có khi cái thành tích ấy rất vớ vẩn (ví như chạy mấy chục triệu để con vô trường tiểu học xịn) , hay là “ném” cho thằng phường mấy vé để nó lơ cái vụ lấn chiếm đất công…)
Nhớ xưa ông cụ nhà mình luôn giữ cho mình cái tâm thế độc lập tự chủ. Tuy uống bia rất tốt nhưng trong các cuộc liên hoan cụ rất chừng mực, không bao giờ bị cuốn theo những tiếng cố vũ “zô, zô” của đám đông, càng không bao giờ bị khích bác này nọ dẫn đến những hành vi bốc đồng thiếu kiểm soát.
Mình giờ tự nhủ cũng phải giữ lấy những gì thuộc về bản thân mình, không lệ thuộc vào những thứ không phải của mình. Giả sử như chức quyền, tiền bạc, bằng khen… Chuẩn bị cho mình (và ca gia đình mình nữa) cái tâm thế, cái nền tảng về đạo đức, lối sống, để có thể sẵn sang thích nghi với các thay đổi hoàn cảnh nếu có. Thì ví như nếu có tiền nhiều, ừ thì ta sắm xe máy đi, nếu ít thì mình đi xe đạp hoặc đi bộ, không thành vấn đề…
Và như thế có thể đã là đủ chưa nhỉ ?
Nói vậy chứ năm 2013, cũng đã kịp mua mấy bộ cánh mới, làm lại đầu tóc để đón Tết ...Ờ dù sao cái đó vẫn thuộc về mình mà... 

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

NGỌC TRAI

Cái này viết nhân ý tưởng từ nhà Thuyền Lá tre. (“phản pháo” vụ hôm nọ Thuyền “ăn cắp” ý tưởng nhà mềnh. Éc)
Thuyền tre kể về những cây cúc Đà Lạt, mỗi dịp Tết đến lại , bị dồn ép nên phải sống nhiều hơn, cả ngày lẫn đêm để có thể bung hoa làm đẹp cho đời. Cô chọn cúc để vinh danh cho nghề trồng hoa Đà Lạt và có lẽ cũng là cho người Đà Lạt, cho một sự chịu đựng nhẫn nại âm thầm, dẻo dai, bền bỉ để đến lúc phát lộ ra sắc ra hương, tô điểm cuộc sống bằng đa sắc màu chuyển hoá lung linh.
Thuyền tre cũng gợi cho mình ý tưởng là nên lấy viên ngọc trai nhân tạo làm đại diện cho Đoà Nẽng mềnh.
Cách nay mấy năm, đọc 1 quyển tiểu thuyết Trung Quốc (quên tên rồi) có kể về nghề làm ngọc trai nhân tạo ở một thành phố biển nọ. Công đoạn là phải nuôi trai (con), bắt lên nhét vào đó một dị vật (có thể là hạt cát, hạt nhựa…), để rồi sau đó những con trai đau đớn tiết ra chất xà cừ bao bọc lấy cái dị vật kia làm thành những hạt trai long lanh, lóng lánh 7 sắc cầu vồng đeo lên đầu lên cổ các bà các cô, mang luôn cho họ cả niềm hãnh diện hơn người, hơn đời …Với quá trình đớn đau vật vã như vậy, hạt trai dù nhỏ bé cũng xứng đáng là một thành quả vĩ đại của sức chịu đựng hy sinh và hoàn toàn xứng đáng là đại diện, là biểu tượng cho một địa phương nào đó gần biển với ý nghĩa đẹp đẽ và anh hùng của nó.
Nhưng trong quyển sách ấy mềnh ấn tượng với cách làm ngọc và cũng ấn tượng với chi tiết: khi những viên ngọc long lanh được đưa ra trưng bầy trong những tủ kính lóng lánh thì ở xí nghiệp sản xuất hàng đống, hàng đống vỏ trai, thịt trai không-để-làm-gì được lâu ngày đã bốc lên thứ mùi kinh khủng … (không cần phải tả nữa). Không có vỏ, không có thịt trai hẳn nhiên không thể có ngọc trai. Nhưng nghiệt ngã ở chỗ viên ngọc trai lóng lánh với giá tiền ngất ngưởng kia chưa bao giờ gợi cho người ta nhớ về những thứ vốn dĩ đã nuôi nấng nó để rồi giờ trở thành những thứ không chỉ là vô dụng mà còn là thứ cặn bã, xú uế … đến mức không chịu nổi …  Và cũng chưa bao giờ giá tiền của viên ngọc trai kia được đem so sánh với sự ô nhiễm của môi trường do đám vỏ trai, ruột trai vô dụng kia để lại .
Cho nên ban đầu mềnh nhiệt liệt hưởng ứng ý tưởng nhà Thuyền, nhưng sau nghĩ lại về cái đám vỏ trai ruột trai … lại thấy hắn rất chi là .. vô hậu …
Ví lại Thành phố tớ đang mần cái gọi là “thành phố môi trường” nên mềnh a dua vô đó không chọn cái ngọc trai lóng lánh là đại diện được.
Nhà Thuyền thông sì củm nhoá  

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

KU ANH-KU EM

Chả trách mềnh giờ chừ cũng … sính ngoại …
Hôm rồi đi ăn đám cưới con gái bác T. Con bé này mềnh biết hắn từ hồi tí xíu, xinh xắn, học giỏi đi du học và vớ được 1 anh Mỹ trắng, ngon lành.
Đám cưới, gia đình chú rể bên Mỹ cũng qua. Cả làng choáng ngợp trước ông anh của chú rể, chiều cao "khiêm tốn" chừng 2,2 mét, nặng cỡ 2 tạ. Bố cô dâu đi bên cạnh chả khác mấy anh chuột bên cạnh anh voi.
Đến phần nghi lễ, phát biểu nhà gái, cắt bánh, rót rượu xong, anh trai chú rể xin phép nói. Bài nói (được thông dịch lại) cho cả làng nghe và vỗ tay ầm ĩ thế này:
- Tôi là anh của Matthew, từ nhỏ chúng tôi thường rất hay cùng nhau chơi những trò chơi như siêu nhân, chiến binh … và các bạn thấy đấy, với chiều cao và sức khoẻ của mình, tôi thường là người bảo vệ cho các em trong các trò trận giả đó. Nhưng sau này càng lớn lên, tôi nhận ra rằng chính Matt mới là một chỗ dựa thật vững chắc cho gia đình bởi sự tận tâm, sự sâu sắc và lòng vị tha… Chính vì vậy, Matt đã có thể tìm được một người như U. (tên cô dâu) và tôi mới có thể gặp mặt quý vị tại đây hôm nay …
Mềnh về kể chuyện lại cho Bống và Tít nghe, nói vui với chúng. Sau này khi anh Tít đi lấy vợ, Bống sẽ phát biểu như sau:
- Tui là em của anh ku Tít đây, tui xin kể cho mọi người một câu chuyện. Hồi anh Tít học lớp 1 suýt bị cô giáo đánh vì anh ấy đã không ăn uống hết phần  bánh và sữa của mình nên làm đổ tèm lem ra cặp sách. Sau đấy, cô giáo đã không thể đánh được khi nghe anh Tít tôi vừa khóc vừa bảo là anh ấy chỉ ăn một nửa bánh, uống một nửa hộp sữa vì muốn để dành cho em trai đang ở nhà. Sau này lớn lên nhiều lần anh em tôi có cãi vã thì mẹ tôi thường đem chuyện này ra kể lại và chúng tôi lại thương nhau như không có chuyện gì xảy ra. Vì vậy bây giờ, tôi chúc mừng anh nhưng cũng thấy hơi buồn vì từ nay anh đã theo vợ bỏ cuộc chơi với em mất rồi.
Còn cu Tít sẽ phát biểu thế này trong đám cưới của Bống:
- Tôi là anh trai của Bống. Mẹ tôi kể lại rằng hồi tôi được gần 4 tuổi thì em tôi mới 7-8 tháng. Tôi rất nghịch và nhiều khi khiến ba mẹ tôi rất bực mình. Có lần tôi nghịch làm ba tôi giận lắm. Nhưng thay vì đánh tôi, ba tôi lại phát đôm đốp vào mông em tôi làm nó khóc ré lên. Sau này ba tôi bảo thế là để “dằn mặt” tôi, để tôi vì thương em mà không dám nghịch dại nữa. Từ đó tôi đã hiểu rằng Bống, em tôi đây từ nhỏ đã phải gánh chịu giúp tôi nhiều tội lỗi dù rằng thật là oan uổng cho chú ấy. Tôi cảm ơn ba mẹ đã sinh ra, nuôi lớn và dạy cho anh em chúng tôi biết yêu thương nhau từ khi còn nhỏ xíu.
Hai đứa (à quên, 3 đứa, kể cả bé Phương nữa) cười tít mắt trước bài phát biểu (dự kiến) của mẹ chúng (tất nhiên là có chua thêm mấy câu đểu giả theo đúng phong cách mẹ nó nữa)
Gia đình mình hay có những câu chuyện sinh hoạt vui vẻ như vậy. Mềnh và chồng bất đồng nhiều chuyện nhưng riêng việc dạy dỗ hai nhóc biết yêu thương nhau thì đồng nhất.  À mà phải nói thêm là đồng nhất theo kiểu: mềnh chuyên đóng vai … ác để cho ổng đóng vai hiền.
Ngẫm lại chuyện dạy con cũng chả khác mấy chính trường. (Cái này nói ra thể nào mấy bà bạn cũng nhảy nhót, xon xen vào mắng mỏ đây). Cũng “thủ đoạn” các kiểu ấy chứ. Có khi phải phát vào mông anh này để doạ anh khác, có khi phải giả bộ đá đít anh này mấy cái để ảnh la oai oái cho anh kia xông vào bênh, có khi bố cốc đầu nhưng lại giả bộ ngơ đi cho ảnh tưởng là mẹ cốc, tức mẹ cái chơi; có khi bố thương ảnh, muốn cho ảnh xiền nhưng sợ mẹ la thì bố giả đò cau mặt nghiêm trọng để bắt ảnh phải trả lời (cho bằng được) câu hỏi 1 cộng 1 bằng mấy, đúng thì cho xiền …
Nhân dân (là hai anh cu) chả anh nào bị ghét, chả anh nào bị thua thiệt hết, chỉ mẹ nó nhận vơ hết cái ... ác về mình