Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

TẢN MẠN VỀ THI VÀ ĐUA

Mấy hôm trước cu Ti (con chị bạn) đi thi vào lớp 10 và hôm nay đến lượt Tít thi Đại học. Đối với các sĩ tử dù lớp 5, lớp 10 hay đại học, cao học, tiến sĩ thì trải qua các kỳ thi là một sự bắt buộc và cũng không thể nói kỳ thi nào khó hơn kỳ thi nào. Để động viên tinh thần chiến sĩ, và đôi khi cũng là sự an ủi đối với những kết quả được coi là chênh vênh, nhà Ớt đã làm mấy câu thơ vui trên Facebook và được các sĩ tử có vẻ khoái chí:
Một năm mấy chục kỳ thi
Thêm kỳ chuyển cấp còn gì… tròn vo
Được hay không cũng chả lo
Thi xong cứ việc ngủ khò nghe cu …

Hoặc sau khi biết kết quả chiến thắng của các cu cậu thì lại tiếp thêm khí thế bằng mấy câu
Ti ơi Ti hỡi là Ti
Chiến thắng  xong rồi để làm chi
Ngày mai tiếp tục ...vùi đầu học
Học rồi học tiếp để… đi thi
Bao giờ mới hết thi Ti nhỉ
Thoả sức đi chơi với …ngủ khì …

Từ những cuộc thi của lũ nhóc con, lại quay sang chuyện người lớn.
Người lớn thì tuy rằng rất ít hoặc không bao giờ phải thi như lũ nhóc nữa, nhưng có khi còn hơn là thi. Người ta gọi đó là …ĐUA.
Các sĩ tử Bi, Tít, Ti, Bống… sẽ phải trải qua những kỳ thi để đánh giá về trình độ, kiến thức, để xác định rằng "chiến sĩ" này có đủ kiến thức để bước lên bậc học cao hơn hay không. Người lớn đua để khẳng định giá trị năng lực, bản lĩnh của bản thân mình. Đấy là sự xác định mục tiêu theo một cách chính thống và đúng đắn nhất.
Nhưng ...
Trẻ con thi, trong sáng , hồn nhiên chỉ để đạt lên lớp trên và mong sao bạn bè của chúng cũng được lên lớp để cùng học cùng chơi với mình.
Cuộc đua của người lớn chứa đầy những toan tính, thủ đoạn và phần nhiều với mục đích hạ gục các đối thủ cạnh tranh.
Trẻ con thi, đánh vật với những con số, những từ ngữ, câu cú… và đều có ba rem rõ ràng để xác định kết quả theo mức độ xuất sắc, khá, trung bình hay yếu
Cuộc đua của người lớn chả có ai ra đề, chẳng có ba rem chấm điểm và vì vậy dĩ nhiên kết quả sẽ phụ thuộc phần lớn vào … cảm tính của ai đó
Thi xong, dù được hay không được, lũ trẻ con sẽ chả mất gì ngoài việc nếu xui xẻo thì sẽ phải mất thêm thời gian cho việc học lại một hoặc thậm chí vài năm.
Còn cuộc đua của người lớn diễn ra liên tục, kéo dài, đánh đổi bằng nhiều thứ mà phần lớn kết quả chỉ là mất chứ không được. Mất tiền của, mất danh dự, mất tự do…và thậm chí mất cả lương tri chỉ để đổi lấy những thứ cực kỳ phù du là chức vụ, quyền, lợi và đôi khi thật dở hơi khi đua chỉ để chiếm được tình cảm của một người khác. Nhiều người lớn vẫn không nhận ra rằng đôi khi chỉ vì một danh hiệu hão, một thứ sĩ diện hão “hơn đời hơn người” họ đã phải mất đi khá nhiều những thứ quý giá nhất. Có câu chuyện đáng buồn cười nhưng lại trở thành phổ biến ở thủ đô (ngàn năm văn hiến của chúng ta). Anh nọ khoe đã tốn 20 triệu đồng chuyển chỗ cho cô con gái cưng từ 1 trường tiểu học này sang trường tiểu học khác cũng tốt như nhau, cũng ở trung tâm như nhau chỉ vì 1 chữ “sĩ”, để cho mọi người biết là anh có tiền và anh có quyền, anh có thể làm được tất cả những điều mình muốn. Haiza
Trẻ con thi được hay không được thì vẫn có quyền để hô to …STOP. Còn người lớn, cuộc đua của họ chẳng khác nào là một cuộc đạp xe đạp leo dốc, không thể dừng, bởi dừng lại có nghĩa là tuột dốc luôn.
Cuộc thi của lũ trẻ diễn ra ở trường, với bàn ghế, bảng đen, bút giấy. Còn cuộc đua của người lớn là ở bất kỳ đâu, và thật mỉa mai thay có khi còn diễn ra ngay cả trên giường bệnh nữa.
Những tấm giấy khen sau các kỳ thi của trẻ con luôn đem lại những niềm vui, niềm tự hào cho tất cả mọi người bởi điều đó là xứng đáng. Nhưng tiếc thay những bằng khen của người lớn không được như thế.
Nói vậy, nhưng không phải tất cả các cuộc đua của người lớn đều xám xịt một màu.
Vâng, vẫn có những cuộc đua đáng yêu đấy chứ: ví như cuộc đua xe hàng ngày của các ông bố bà mẹ để đưa con đến trường, đưa con đi học thêm và đưa con đi thi …

2 nhận xét:

  1. http://trelangblogspotcom.blogspot.com/2012/04/manila-phan-oi-trung-quoc-quay-roi-o.html

    Trả lờiXóa
  2. http://trelangblogspotcom.blogspot.com/2012/04/manila-phan-oi-trung-quoc-quay-roi-o.html

    Trả lờiXóa