Cách nay mấy ngày, báo Lao động và sau đó mấy chục báo đưa tin "văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng điều động hơn 60 cán bộ đi phục vụ đám tang" , một số bài lại giựt tít "đã đến thời cán bộ Văn phòng UBND thành phố đi phục vụ đám tang". Sự việc gây xôn xao, nhiều bạn bè anh em gọi hỏi thăm đủ thứ.
Mình được sếp yêu cầu và hì hục gần 1 ngày trời để viết bài phản hồi, trong tâm trạng tức tối, mặc dù chả hề có tên trong cái danh sách đã được các báo đưa ra minh chứng và cũng chả phải là người liên quan gì vụ này. Thế nhưng vào cuối buổi chiều, mình lại đồng ý ngay với thái độ vui vẻ khi sếp bảo thôi không đăng bài phản hồi ấy nữa cho dù thực sự việc cơ quan mình đã làm hoàn toàn đúng cả về quy định và lương tâm. Mình đồng ý ngay bởi vì thôi thì chịu oan ức một chút còn hơn cứ lôi tên tuổi của người đã khuất ra mà nói đi nói lại.
Trong câu chuyện này, xét cuối cùng thì tất cả đều chỉ là cảm tính mà thôi.
Cảm tính trước hết là của lãnh đạo cơ quan mình và các anh em đi phục vụ đám tang ấy. Tất cả đều vì sự kính trọng, yêu quý đối với người quá cố là cô NTL, một cán bộ hưu trí, 87 tuổi, nhân cách đạo đức tốt đẹp, có nhiều cống hiến ...Đó còn là sự thông cảm với hoàn cảnh éo le, cô mất đột ngột, chồng và con bị liệt nằm một chỗ đã nhiều năm, nhà neo đơn ...Về lý Nghị định 105/2012/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan mình đối với CB đã nghỉ hưu, khẳng định việc làm cơ quan là đúng. Nhưng chỉ đến khi "cãi nhau" với mấy ông báo chí, thì văn bản này mới được đưa ra khiến mấy ông nhà báo ớ người và buộc phải chấp nhận viết bài nói lại.
Cảm tính của người đọc thông tin. Cũng khó trách họ khi thông tin được báo chí đưa ra theo kiểu giật tít ỡm ờ như thế. 60 cán bộ phục vụ đám tang, nhiều thế, lại ăn cắp giờ nhà nước, lại ảnh hưởng đến công việc tiếp dân... rồi lại như ông nọ ông kia bảo cán bộ đến mấy chục phần trăm ngồi chơi xơi nước... hừm, thế này thì quá thật, quá lắm ...Nhưng ai biết 60 người đó được phân công, chia ca trực trong và cả ngoài giờ hành chính, và trong 3 ngày trực thì chỉ có 1 ngày thứ sáu là ngày làm việc, còn 2 ngày kia là ngày nghỉ cuối tuần. Việc phân công trực trong giờ hành chính cũng đã được sắp xếp cho những người thuộc bộ phận quản trị, hành chính, còn các chuyên viên tham mưu, tổng hợp thì trực ngoài giờ hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật.
Rồi cũng có anh đọc và ra vẻ hiểu biết bảo rằng: thật đáng trách, đáng buồn cười khi cái ông sếp lại đem ký tên, đóng dấu vào danh sách ấy làm gì, lại còn kê ra chuyện lau chùi chén đĩa nữa....Ô hô, nếu nói thế thì người phê phán ấy mới là đáng trách, là anh không hiểu biết gì về hành chính. Cái văn bản ấy chả có gì sai về hành chính cả, ký đóng dấu thì đã sao, là đúng, là chính thức, là yêu cầu nghiêm túc chứ sao nữa. Chuyện rửa ly tách này nọ nghe có vẻ buồn cười nhưng cũng chả có gì sai khi đó là yêu cầu thực hiện những công việc cụ thể, phạm vi cụ thể để không thực hiện những việc của người khác. Nhẽ đâu nếu cũng là phân công rửa chén nhưng cho lễ lạt gì đó thì được, còn đám ma thì không.
Rồi cảm tính của một số bác cũng là lãnh đạo, khi trả lời báo chí đã một mặt thì cũng muốn bênh vực anh em dưới quyền, nhưng mặt khác cũng cảm thấy lo lắng, kiểu "báo chí nó đã đụng đến thì chắc là quân ta sai rồi" nên "thì là mà, ừ... à ... cái này thật ra cũng không nên thế, thôi để tôi về kiểm điểm lại nghiêm khắc". Và thế là rơi ngay vào cái thòng lọng của mấy anh báo chí , bị họ túm lấy, la lên, đấy thấy chưa, các sếp cũng nói sai mà.
Kết luận của mình trong toàn bộ câu chuyện này, một cách cũng rất cảm tính: báo chí là đồ dã man.
Và như kiểu giựt tít "đã đến thời ..." Mình sẽ buông một câu cám cảnh " đã đến thời báo chí đổ xô vào lóc thịt người chết rồi sao?". Hai za...
Mình đã không dám nhận là nhà báo là vì như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét