Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

PHÁO HOA

Những bài viết về lễ hội pháo hoa hàng năm ở Đà Nẵng mình cũng đã viết nhiều rồi. Hay có, dở có. Pháo hoa thì lúc nào mình cũng phải có mặt phần nhiều vì là công việc, vừa phục vụ vừa coi để viết bài.
Nhiều người bạn bè thân quen chưa xem trình diễn pháo hoa thế nào hoặc chỉ xem qua ti vi thì bảo rằng: ồi, thường thôi mà, chỉ là hơn pháo hoa giao thừa là có nhạc. Thế nhưng mình cũng gặp những người đã từng xem pháo hoa ở Đà Nẵng thì họ cho biết là thích vô cùng, có người bảo năm nào cũng quyết đến xem cho được.
Mình xin nói rõ thế này: pháo hoa bạn xem qua ti vi dù đã được quay ở góc độ đẹp nhất nhưng cũng chỉ bằng một phần mười nếu xem tận mắt. Bạn có thể tưởng tượng sông Hàn đã trở thành một sân khấu khổng lồ và khi những chùm pháo hoa rực rỡ thắp sáng bầu trời, nhảy múa tưng bừng theo điệu nhạc, những chùm pháo hoa từ nước ngoi lên như những nàng tiên cá cổ tích bạn sẽ cảm nhận được sự lung linh huyền diệu không gì sánh được. Bạn sẽ thấy pháo hoa không chỉ đánh thức những cảm quan bằng sắc màu, ánh sáng, âm thanh mà còn hơn thế nữa.
Điều tuyệt vời hơn cả là pháo hoa là cuộc trình diễn hoành tráng, rực rỡ nhất nhưng lại không dành riêng cho ai cả, cả những đại biểu uy nghi trên hàng ghế danh dự lẫn cả các vị khách du lịch ngồi trên khán đài (mua vé). Công viên vỉa hè ven sông, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước là những “khán đài” cho hàng chục ngàn người dân bình thường có thể thưởng thức pháo hoa theo nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều có cùng những niềm vui như nhau.  
Đến với lễ hội pháo hoa, bạn cũng sẽ thấy Đà Nẵng của chúng mình đẹp thế nào và thấy chúng mình thật sung sướng khi được sống ở đây. Bãi biển đẹp tuyệt, thành phố sạch sẽ thoáng đãng, giá cả dịch vụ ừ thì có đắt hơn ngày thường chút ít nhưng không bị mang tiếng chặt chém như ở những nơi khác. Bạn có thế yên tâm vì sự an toàn trật tự dù thành phố đón hàng trăm lượt du khách đổ về, bạn cũng không phải bận lòng vì thành phố mình không có người lang thang xin ăn, bạn có thế thoải mái hỏi han, trả giá khi mua hàng mà không sợ bị … chửi như ở những nơi khác. Còn nhiều điều về thành phố chúng mình khiến bạn thêm yêu quý và sẽ níu chân bạn muốn quay lại.
Pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng là thế đấy.
Hai năm đầu tiên thi pháo hoa, người ta thường tổ chức nhân kỷ niệm ngày giải phóng thành phố 29/3 nhưng mấy năm sau thì được làm vào ngày 30/4 để thu hút được nhiều người đi chơi nhân dịp lễ. Vì vậy, những ngày này, chúng mình bận rộn hơn để phục vụ.
Mình nhớ lại ngày 29/3 năm 1975, mình đang ngồi chơi thì ba mình bỗng ôm xốc mình dậy và la to lên mà nước mắt giàn rụa : “con ơi, Đà Nẵng giải phóng rồi, quê mình giải phóng rồi”. Ngày 2/5/1975 ba là một trong những người đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh. Một trong những lá thư ba gửi về kể về giây phút xúc động, ngay trong đêm pháo hoa mừng chiến thắng, ba đã gặp được những người bà con ruột thịt sau mấy chục năm trời xa cách.
Ở Hà Nội, mìnhtham gia trong đội văn nghệ của trường cấp I với tiết mục hát múa “em bay lên trong đêm pháo hoa” để biểu diễn mừng  quốc khánh 2/9/1975.
Cho nên pháo hoa với mình ngoài sự thưởng thức vẫn là hoài niệm tha thiết về quá khứ hào hùng của đất nước, của gia đình.
Tự dưng, mình tin là nếu có những người ghét chế độ này, hay còn hằn học vì nhiều lý do, hay bất đắc chi chí ... thì hãy thử một lần đến Đà Nẵng để xem trình diễn pháo hoa quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét