Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

TÔI ĐI LUYỆN CHỮ

Nghe tôi tuyên bố đi học viết chữ, viết chữ a, b, c bình thường, chứ không phải luyện thư pháp lằng nhằng đâu nhé, cánh chuyên viên văn phòng chỗ tôi công tác trố mắt nhìn tôi như nhìn “một vật thể lạ”. Có người còn “khẩn trương” sờ tay lên trán xem tôi có “vấn đề” gì không (!). Thế mới biết, cái sự đi học viết chữ  có vẻ như trở nên quá xa lạ đối với hàng ngũ những “kẻ sĩ U40” thời @ như chúng tôi.

Nhập môn
Họ ngạc nhiên cũng phải thôi. Người có vẻ thông cảm, khuyến khích kiểu “Thôi em cứ học viết chữ cho đẹp để viết bằng khen hộ anh”. Bây giờ bằng khen có viết tay đâu (!). Người buông một câu gọn lỏn mà hàm chứa đầy sự mai mỉa, nghe tức anh ách : “rảnh quá hả?”. Không phải nói dóc, chứ chữ tôi viết bình thường cũng vào hàng “hoa hậu” cơ quan này. Công việc của cơ quan nhiều, tốn tiền, tốn công để đi học viết chữ quả thật là xa xỉ.
Thú thật, tôi cũng  sẽ không mấy quan tâm đến việc phải đi học viết chữ cho đến khi nhìn thấy chữ của 2 cậu con quí tử. Không thể gọi là xấu mà là xấu khủng khiếp. Càng lên lớp trên chữ càng tệ hại. Nhiều bài kiểm tra của cậu  bị trừ điểm vì chữ xấu quá. Cuối cùng, tôi đành “áp tải” hai cậu con trai đến lớp học viết chữ và ngồi “làm gương” cho 2 cậu con. Chính ở đây tôi đã học được nhiều điều thú vị.

Phải học mới biết
Hướng dẫn chúng tôi là một cô gái khoảng 25 tuổi. Cô đã tốt nghiệp Đại học sư phạm và học thêm về viết chữ tại Hà Nội. Ngay khi vào lớp cô nói: “Khả năng viết chữ đẹp của mọi người là như nhau và hoàn toàn có thể viết chữ đẹp được. Không nên tự ti rằng chữ mình xấu, không thể sửa chữa được. Ngay cả những người lớn tuổi cũng có thể học để thay đổi cách viết chữ cho đúng và đẹp. Ở đây em đã hướng dẫn cho nhiều người, không chỉ là các em nhỏ lứa tuổi tiểu học, trung học mà còn nhiều người lớn như các anh chị.”
Bài đầu tiên, chúng tôi viết vào vở bài thơ của Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...” để lưu lại nét chữ ban đầu trước khi học, đồng thời cũng là lời tâm niệm cho việc quyết tâm luyện chữ.
Quả thật, cách viết chữ là quan trọng nhất, chứ không phải chữ đẹp hay chữ xấu là do có “hoa tay”. Chúng tôi nghe cô hướng dẫn về cách đặt bút, độ nghiêng của từng chữ cái, các nét móc, nét nhọn và căm cụi làm theo. Tôi cũng dần khám phá ra nhiều điều thú vị. Thì ra, trước đây mình chỉ viết chữ theo bản năng, nhiều chữ vung lên, hạ xuống, đặt bút  tùy tiện. Chữ cái o, chữ cái c đơn giản là thế mà nếu đặt bút không chuẩn sẽ bị lệch cả  các chữ cái dính liền. Chị H. vốn hay hất đuôi chữ g, chữ a lên “để thể hiện ý chí tiến thủ”, giờ phải gò lại cho chuẩn. Chị Th. loay hoay viết đoạn móc của chữ k sao cho song song với nét cao, thay vì chân choãi ra “để đứng tấn cho vững vàng” như trước đây. Anh T. chăm chỉ căng mắt, mím môi để chữ r, chữ s không bị lỗ ở phần móc, hai cậu con trai tôi nghiêng đầu, vặn người như thể làm như vậy thì chữ sẽ nghiêng theo... Nhìn mọi người luyện chữ mới thấy viết chữ không đơn giản chút nào. Trong 2 tiếng đồng hồ chúng tôi luyện khoảng 2 trang giấy. Cuối buổi học, cô giáo giao bài tập về luyện chữ ở nhà khoảng 5 trang, hôm sau sẽ có nhận xét về những nhược điểm trong bài tập của từng người.

Viết chữ - đừng coi là chuyện nhỏ
Trong thời công nghệ thông tin, máy tính trở thành phương tiện chủ yếu trong soạn thảo văn bản, thư tín. Nhiều người cho rằng viết chữ đẹp hay xấu không quan trọng nữa. Cơ quan chúng tôi làm công tác văn phòng, việc viết lách, soạn thảo công văn giấy tờ hầu hết đều dùng máy tính và cũng đồng thời rằng chữ viết của nhiều người, trong đó có không ít chuyên viên, bằng cấp đầy mình, quá xấu, quá cẩu thả và cực kỳ khó đọc. Viết chữ xấu mà dễ đọc còn đỡ, viết chữ vừa xấu vừa khó đọc thì thật là “đại họa”. Dù chỉ là vài chữ “đề nghị anh phê duyệt”, “chuyển anh A, chị B”, “xem lại chỗ này” cũng gây khó chịu cho người đọc. Có câu chuyện dở khóc, dở cười như sau. Khi sếp ghi ý kiến sửa trong văn bản, cánh chuyên viên “luận” mãi không ra chữ,  không hiểu ý, đành phải hỏi lại sếp. Sếp gắt um lên. nhưng khi xem lại chỗ sửa, sếp cũng vò đầu bứt tai vì không biết mình đã viết cái gì. Rồi lính lác cứ truyền miệng nhau nói mỗi lần đọc chữ anh C. là phải mượn cho được quyền “từ điển C. -Việt” để tra chữ của anh. 
Ông bà mình nói rất đúng “nét chữ, nết người”. Nếu tôi là lãnh đạo một cơ quan nào đó thì khi tuyển nhân viên hoặc giảm biên chế tôi sẽ cho viết một bài để khảo sát kỹ năng viết và trình bày văn bản, từ đó sẽ đánh giá được trình độ, tính cách của từng người và xem xét quyết định chọn người. (Nói trộm, nếu sếp tôi làm kiểu đó chắc chắn  giảm biên chế ngay được khoảng hơn nửa cán bộ nhân viên cơ quan tôi). Nhưng hình như không ở đâu tuyển nhân viên kiểu đó cả. Ngay cả cái đơn xin việc cũng được in sẵn rồi mà. Có việc gì quan trọng thì thuê đánh máy vi tính, cần thiết thì thuê người thảo đơn từ, văn bản, viết thư làm gì cho mệt khi đã có e-mail. Có phải vậy không mà chữ viết của chúng ta ngày càng xấu và khó đọc.
Điều khiến tôi băn khoăn nhất là tại các trường học, nhất là các trường cấp trung học trở lên dường như đã không còn coi trọng đến uốn nắn chữ viết của các học sinh hay là bài học quá nhiều, sách bài tập đã in sẵn nên không cần đến học sinh phải động bút nữa. Kiểu chữ viết cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Cậu con lớn của tôi học lớp 8 thì viết chữ theo kiểu cải cách cũ, chữ ngắn tun hủn, nhưng cũng còn may là chưa phải chữ “mì tôm cua” như đợt cải cách năm 1981. Đến cậu thứ hai năm nay học lớp 6, đúng vào năm đầu tiên của cải cách đợt mới đây, chữ viết lại kéo dài hơn theo kiểu chữ truyền thống ngày xưa chúng tôi đã học. Nhờ vậy, tôi có dịp so sánh để biết kiểu chữ của cậu lớp 6 đẹp hơn kiểu chữ của cậu lớp 8.
Vẫn biết đời sống hiện đại, nhiều việc phải lo toan, bận rộn, lại có nhiều phương tiện hỗ trợ nhưng không thể vì thế mà coi nhẹ việc học viết chữ. Như thể chúng ta đã có các phương tiện hiện đại để đun nấu như bếp ga, lò vi sóng nhưng những bữa ăn tốc hành không thể ngon bằng bữa cơm quê bếp củi, gạo quê, cá bống kho mặn. Viết chữ đẹp là gìn giữ một nét văn hóa truyền thống, là biểu hiện rõ ràng nhất của một người có văn hóa, biết tôn trọng cái đẹp. Tôi không tin một người viết chữ xấu, cẩu thả, lại thành đạt và được mọi người kính trọng. Một khi chúng ta viết chữ như gà bới thì  sẽ dạy con em mình như thế nào đây?
Là người lớn, chúng ta đừng tự ti khi đi học viết chữ; đừng chủ quan cho rằng chữ viết của mình đã ổn rồi, không cần trau dồi thêm làm gì. Cũng đừng đổ lỗi cho công việc bận rộn, thời gian không có để không luyện chữ viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét