Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

ĐOẠN TRƯỜNG THI NÂNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN CHÍNH

ản mạn từ cuộc thi nâng ngạch công chức?
Cuộc thi được nói trong bài viết này là kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính do Bộ Nội vụ tổ chức hàng năm. Mục đích của kỳ thi theo Ban tổ chức là để sát hạch trình độ chuyên môn của cán bộ công chức, làm cơ sở để đánh giá chất lượng công chức, sắp xếp công chức theo trình độ, đồng thời cũng đảm bảo về chế độ chính sách cho anh em thông qua thang bậc lương được hưởng sau khi nâng ngạch. Tham gia cuộc thi có gần 500 công chức từ các tỉnh thành phía nam về thành phố Hồ Chí Minh. Để đến với cuộc thi, các thí sinh đều đã có thâm niên hàng chục năm trở lên “lăn lộn” trên “chiến trường bàn giấy” với đủ các điều kiện bằng cấp về ngoại ngữ, tin học… sẵn sàng ứng thí. Đến cuộc thi mới thấy, số thí sinh U40 chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần là những người tuổi cao, “da mồi tóc bạc”, “chức sắc đầy mình”. Cũng không hiếm người thi xong, có kết quả cũng là lúc “nhận sổ nghỉ hưu”. Chính vì vậy, việc đi thi chuyên viên chính với “các cụ” trớ trêu thay lại trở thành những câu chuyện “dở khóc dở cười”.
Thôi thì được tỉnh xếp cho đi thi đợt này đã là quá may mắn, khối người bằng cấp, trình độ có kém cạnh gì nhưng đâu phải ai cũng được đi thi. Tuy rằng ở cuộc thi này, tính cạnh tranh, đua chen, tỷ lệ đậu rớt, “chọi nhau” không được đặt ra nhưng chính nó lại ngấm ngầm trở thành một áp lực tâm lý nặng nề cho thí sinh khi buộc phải đậu chứ không còn con đường nào khác. Chưa kể đến những thông tin về việc thi cử ở nơi này, nơi kia, về sự khắt khe trong việc ra đề, coi thi … cũng khiến cho đa số thí sinh-công chức nhà ta “đổ mồ hôi hột”.    
Và thế là các “chiêu bài” nhằm đạt điểm đỗ được phát huy tối đa. Đầu tiên là các máy photocopy phía trước cổng trường (địa điểm dự thi) phát huy hết công suất mà vẫn không kịp in sao những bài học trong sách thành những quyển nho nhỏ nằm gọn lòng bàn tay, chữ thì li ti để bán cho các công chức thí sinh nhà ta. Thí sinh tỉnh này “ngó nghiêng” qua tỉnh khác để xem có “thông tin” gì mới và khác không. Chắc vì vậy mà mấy bài topic tiếng Anh của tỉnh này soạn với đặc thù của riêng tỉnh họ thì chẳng mấy chốc đã trở thành đại trà cho thí sinh nhiều tỉnh khác có trong tay. Chưa đủ, thỉnh thoảng trong khu vực nội trú lại có từng nhóm túm năm, tụm ba để bàn bạc, nghe đâu có người quen với ông này, bà nọ trong Hội đồng thi được người ta tiết lộ cho đề thi năm nay sẽ là thế này, thế này… Nhưng có lẽ sôi nổi nhất vẫn là những cuộc thảo luận làm sao đối phó với tình trạng coi thi ngặt nghèo của các giám thị. Có tỉnh lợi dụng chiêu quen biết giáo viên trong trường để đặt vấn đề “bồi dưỡng”, có nơi bàn phương án “điệu hổ li sơn” trong phòng thi hoặc phương án “thả mồi bắt bóng” bằng điện thoại di động… thôi thì đủ kiểu. Có thể nói 100% thí sinh làm “phao” để đem vào phòng thi (còn việc đem vào mà có sử dụng không thì là chuyện khác). Có người làm hai, ba “phao” để dự phòng, mất cái này có ngay cái khác. Tội nghiệp nhất là các bác già, làm “phao” nhỏ, chữ nhỏ quá làm sao đọc. Vậy nên có chuyện cười khi một thí sinh nói: “Tui mà là giám thị, tui cho mang tài liệu vào thoải mái nhưng… không cho mang kiếng”. “Thế thì bó tay luôn. He he”. Đã làm “phao” rồi, lại làm nhiều “phao” thành ra cũng phải nhớ thuộc lòng sơ đồ bố trí “phao” theo kiểu: “công văn túi áo, thông báo túi quần, lý luận chung túi trước, quản lý nhà nước túi sau…”. Cho nên nhiều thí sinh trông như bị thần kinh khi vào đến phòng thi rồi mà còn vừa đi vừa lẩm nhẩm bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau…Cô bạn tôi thật thà thú nhận: “trong đời đi học của mình tôi chưa bao giờ phải giở tài liệu như lần này. Thật xấu hổ quá”. Thôi thì dù sao đi nữa cũng còn có người nhận ra và xấu hổ với hành vi tệ hại của mình.
    
Cuối cùng ngày thi cũng đến. Các thí sinh trật tự và “nghiêm trọng” bước vào phòng thi. Ẩn chứa đằng sau các khuôn mặt là sự căng thẳng (không hẳn là do lo sợ nội dung bài thi khó mà là sợ không giở được tài liệu mà chép) đến cực độ. Bài đầu tiên thi viết hành chính. Sau 3 tiếng đồng hồ, bước ra ngoài, là nổi ngay những tiếng lao xao bàn cãi về nội dung đề thi. Phàm đã là đề thi, nội dung tất phải chuẩn mực, nghĩa là phải đem đến cho hầu hết thí sinh cách hiểu giống nhau về một vấn đề. Nhưng đề thi lần này khác hẳn. Cả người giỏi, người dở, 500 người là 500 cách hiểu khác nhau về đề thi nhưng nhận định chung của hầu hết thí sinh là những người ra đề này là những người không trải qua thực tế làm việc. Chính vì vậy nội dung đề thi không chỉ rất dở, không thực tế, mà thậm chí còn sai cả về ngữ nghĩa trong cách thể hiện. Nội dung đề không hợp lý, người ra đề phải chịu trách nhiệm đã đành, nhưng có thể nói người kiểm tra đề cũng tắc trách, quan liêu…Và hậu quả là những thí sinh phải gánh chịu. Phần thi trắc nghiệm hành chính và tin học thì được Chủ tịch Hội đồng thi (khi đi giám sát) ví với “lớp bình dân học vụ” . Ví như thế đã là nhẹ vì nó nháo nhác, hỗn độn chả khác gì cái chợ. Đấy là chưa kể đến yêu cầu về kỹ thuật làm bài thi. Bài thì bảo đánh chéo vào phương án được chọn, khoanh tròn lại là bỏ. Bài thì bảo khoanh tròn lại là chọn, đánh chéo là bỏ. Bài Anh văn, đề bài yêu cầu khoanh tròn (circle) nhưng giám thị lại yêu cầu đánh chéo. Vậy là thí sinh cứ hoang mang chẳng biết đường nào mà lần và chính nó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thí sinh.
  
Không phủ nhận rằng có những người đã vượt qua kỳ thi bằng chính khả năng của mình, nhưng với cuộc thi này số người nói trên thuộc diện hàng hiếm và có thể khẳng định rằng kết quả của họ không cao lắm. Phần lớn những người thi đậu được nhờ sự may mắn (xem được “phao” hoặc có người bên cạnh làm bài được cho chép). Số ít làm bài không được là do kém may mắn. Như vậy cuộc thi chuyển ngạch công chức như trên rốt cục đã đạt được cái gì? Phải chăng đó là kỹ năng thực hành “công nghệ copy” tài liệu hay nói một cách đau xót đó là thói dối trá, là căn bệnh thành tích, thói đạo đức giả mà các công chức thí sinh kia dù biết là xấu nhưng đã không thể không làm. Đó là thói “đi đêm” chạy chọt như một tất yếu để gỡ gạc cho sự dốt nát của mình.  Có cả những thông tin về sự tệ hại của một vài người trong Ban tổ chức kỳ thi khi lên giọng yêu cầu thí sinh phải thế này, thế nọ gây áp lực căng thẳng cho thí sinh với mục đích vụ lợi. Đó là sự luộm thuộm trong tổ chức, gây tốn kém cho nhà nước và xã hội. Vì chỉ tính sơ sơ gần 500 người đi thi, chi phí ăn ở, sinh hoạt trong 10 ngày  không dưới 4 triệu đồng/người thì tính ra đã hàng tỷ. Và kết quả phản ánh có  thực chất không khi người giỏi chuyên môn mà không giỏi chép tài liệu thì có nguy cơ bị rớt và ngược lại người dốt mà chép được tài liệu thì đỗ mà có khi lại đỗ điểm cao. 

Tất nhiên, có rất nhiều cách làm để thực hiện được mục đích kỳ thi đề ra ít tốn kém mà hiệu quả. Hiện nay công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi hầu khắp các công sở và trong nhân dân. Chúng ta có thể giao lưu với cả thế giới qua mạng internet thì hà tất phải lôi hàng trăm người từ hàng trăm, hàng ngàn cây số đến tập trung thi tại một điểm duy nhất, hà tất phải vào đến nơi mới hệ thống hoá, phát đề cương ôn thi, hà tất phải ra một đề thi trắc nghiệm tin học với những câu hỏi về những phím nóng, bật tắt máy… nhiều khi trở thành ngớ ngẩn. Cũng như cách ra đề, chẳng  lẽ bao nhiêu chuyên gia của Bộ Nội vụ lại không đủ sức ra một đề thi tổng hợp kiến thức để anh em khỏi cần phải trình diễn “công nghệ copy” mà vẫn đánh giá được trình độ một cách thực chất.
Băn khoăn trăn trở về những kỳ thi nâng ngạch công chức không chỉ là tâm lý của những thí sinh công chức tham dự đợt này mà của cả những người đã thi và trở thành chuyên viên chính từ nhiều năm trước. Bức xúc, viết rồi nhưng mãi mới gửi đăng không phải vì chúng tôi lo bị soi mói, bị thù dai, đánh rớt mà vì lời nhắn nhủ của các công chức khác: “thôi xin các ông bà đừng có viết nữa, viết họ làm khó, chết chúng tôi đi thi năm sau đó”. Xin lỗi các anh em thi sau. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng sau bài báo này, anh em thí sinh đợt sau không phải gánh chịu những “đoạn trường ấm ức” như những đợt thi trước mà vẫn đảm bảo đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực công chức theo mục đích đẹp đẽ mà kỳ thi đặt ra cũng như mong muốn của người viết bài này là được góp phần làm trong sạch nâng cao chất lượng công chức trong bối cảnh chung của đất nước.   
(Viết sau kỳ thi chuyên viên chính năm 2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét