Giáo viên Văn học trường THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng
Cách nay hơn 20 năm, trong một tiết giảng văn, thầy tôi nói:
- Ông bà ta có câu ca dao rất hay :
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Chúng ta
ai mà chẳng biết câu ca dao ấy nói về tình nghĩa vợ chồng, sự đồng thuận
trong gia đình. Thế nhưng lũ học sinh chúng tôi rất ngạc nhiên và thú
vị khi thầy nói tiếp:
- Câu ca dao ấy rất hay và giàu ý nghĩa. Tuy vậy, có một dị bản mà thầy thấy hay hơn nếu câu thứ hai được viết là:
Chồng chan vợ húp lắc đầu khen ngon
Câu này
hay ở chỗ: vốn dĩ râu tôm và ruột bầu là hai thứ mà người ta gần như bỏ
đi. Của bỏ đi mà hai vợ chồng đem về nấu thì làm sao ngon cho được. Cái
lắc đầu ở đây là ngầm ý chê món ăn dở, nhưng vì tình nghĩa vợ chồng, sự
đồng cam cộng khổ nên cả hai vợ chồng đều vui vẻ chan húp, khen ngon.
Chính do cái không ngon của bát canh mà cái tình cái nghĩa được tô đậm
nét hơn cả. Chính cái không ngon của bát canh (tượng trưng cho cái vật
chất tầm thường) lại làm cho hạnh phúc (tượng trưng cho vẻ đẹp tinh
thần) của gia đình người nông dân xưa được khắc họa một cách trọn vẹn
hơn cả.
Khi còn
nhỏ, tôi chỉ cảm thấy lời thầy có gì đó khác khác với cách người ta hay
nói mà lại hay, mà lại thú vị vì chứa đựng một điều tưởng chừng như
nghịch lý mà lại không hề là nghịch lý. Càng ngày, tôi càng thấm thía
cái câu thầy tôi đã dạy chúng tôi năm ấy. Lớn lên rồi, nhìn ra rộng hơn
lại thấy nhiều điều mang ý nghĩa tương tự. Ấy là tôi muốn đề cập đến sự
đồng thuận xã hội.
Sự đồng
thuận xã hội được hiểu như là sự nhất trí cao trong tư tưởng, sự hưởng
ứng nhiệt tình trong hành động tạo nên sức mạnh thực hiện một mục đích
chung. Sự đồng thuận trong xã hội vốn là yếu tố căn bản, yếu tố gốc cho
sự ổn định xã hội.
Sự đồng
thuận phải được khởi nguồn từ tư tưởng và bằng tư tưởng. “Tư tưởng chưa
thông vác bình không cũng nặng”. Thế nên, đồng thuận không phải và không
hề là sự tuân thủ một cách duy ý chí những mệnh lệnh được ban ra càng
không thể là sự thống nhất dưới ngọn roi của bạo lực, cường quyền. Cái
hành động “lắc đầu khen ngon” của câu ca dao trên phải chăng nhắc nhở
cho chúng ta sự nhận thức đúng đắn vấn đề cần được giải quyết chứ không
nên mù quáng, ảo tưởng. Hai vợ chồng người nông dân vẫn sáng suốt để
nhận ra được cái sự không ngon của bát canh nấu bằng râu tôm, ruột bầu.
Cái lắc đầu của vợ chồng người nông dân cũng đồng thời thể hiện cho việc
hiểu và chấp nhận thực trạng “râu tôm ruột bầu” khi chưa thể thay đổi
ngay được cái thực tế khó khăn ấy. Phải chăng sự đồng thuận trong xã hội
cũng phải đi từ sự hiểu biết rõ thực trạng, những khó khăn, những thử
thách từ thực tế đời sống để xây dựng một mục tiêu phấn đấu đi lên, để
có biện pháp khắc phục các khó khăn tạm thời, để đời sau không còn cảnh
“ruột bầu râu tôm” như cha ông ngày trước.
Nhiều chủ
trương, chính sách mới ban hành thường không thể có ngay sự đồng thuận
kể cả khi nó không đụng chạm đến quyền lợi của một ai trong xã hội. Cũng
có những chủ trương đưa ra nhưng việc thực hiện không hề giản đơn dẫu
có được sự nhất trí của đa số người trong xã hội.
Cần phải
có sự tỉnh táo để nhận thức cái được, cái mất, cái hay, cái dở,…Cần nhận
thức được đằng sau những cánh tay giơ lên biểu quyết đó là gì? Phải
chăng là sự thống nhất toàn tâm toàn ý? hay là thói a dua xu nịnh? hay
tệ hơn là có người đã nhận ra những bất cập, bất hợp lý thậm chí là sai
trái nữa trong chủ trương nhưng đã thờ ơ, vô trách nhiệm với đất nước,
với chính cuộc sống này bằng việc giơ tay như những người xung quanh? Trên
thực tế cũng không phải là không có những ý kiến đóng góp thẳng thắn,
trung thực lại bị đánh giá là trái chiều, là cản bước tiến của xã hội.
Có những sự phản ứng trước những điều nghịch lý lại bị qui chụp bằng đủ
thứ mũ. Có những sự đánh giá vô cùng chủ quan về sự đồng thuận mà không
hề đồng thuận để rồi cuối cùng phải nhận lãnh những hậu quả đáng tiếc từ
sự chủ quan ấy. Đó là tôi chưa nói đến việc lạm dụng đồng thuận hoặc
trá hình đồng thuận cho những mục đích vụ lợi; dùng một lợi ích chung để
hấp dẫn sự biểu quyết của đa số và sau đó lại thực hiện những việc làm
sai trái dưới danh nghĩa “đồng thuận”.
Nếu chúng
ta nhận biết được khó khăn, nếu chúng ta nhận thức rõ được những bất
hợp lý cần phải cải tạo, nếu chúng ta nhận thức được mục tiêu lý tưỏng
chung thì sự đồng thuận thực chất sẽ đến mà không cần phải được yêu cầu
giơ tay biểu quyết.
...Tôi
lại nhớ thầy tôi. Không biết có phải thầy đã tự “sáng tác” cái “lắc đầu
khen ngon” thay cho “gật đầu khen ngon” ấy hay không, nhưng điều đó đã
làm cho cô học trò của thầy dạo ấy là tôi thấm thía đến bây giờ cái chất
nhân văn sâu thẳm từ cái “lắc đầu” ấy. Và có lẽ thầy tôi cũng không
biết được rằng cái câu ca dao dị bản của thầy thuở ấy đã gieo cho tôi
cái tính thích tiếp cận và nhìn nhận những vấn đề từ những góc cạnh khác
với đa số người. Đôi khi điều ấy cũng gây cho tôi ít nhiều phiền toái
nhưng tôi lại cảm giác thật thoải mái và chả bao giờ phải hối hận. Trong
khi đó, nhiều lần tôi đã tự mình xấu hổ khi cứ bị cuốn đi và giơ tay
đồng ý cho những điều mà mình chưa nhất trí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét