Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

TẢN MẠN THẾ HỆ 6X

Không hiểu sao mỗi khi đọc sách, báo, xem truyền hình, về những tấm gương tiêu biểu, những người nổi tiếng, những thế hệ 7x, 8x… tôi cứ có một cảm giác thật tủi tủi vì hình như những người thuộc lứa tuổi 6x chúng tôi (tức là những người sinh vào thập kỷ 60) kém cỏi quá chăng.  Tôi cũng tự tủi thân đến mức không dám viết lũ chúng tôi là “thế hệ 6x” vì e gọi như vậy quá to tát so với những gì chúng tôi đáng nói. Tôi đã nhiều lần gợi ý cho các bạn tôi là cánh nhà báo, viết văn bảo hãy viết một cái gì đó đi về thế hệ tụi mình nhưng họ đều lắc đầu bảo khó quá. Thôi thì tôi cũng cứ mạnh dạn mà viết, không đại diện cho tất cả những người 6x thì khả dĩ cũng để cho mọi người biết thêm một chút về tôi và các bạn tôi,
Quả tình tôi cũng nghĩ là khó thật. Nói chuyện với các đàn anh, đàn chị chúng tôi đều nhận được những lời nửa thật, nửa đùa: “Chúng mày thì có cái gì mà nói. Nứt mắt ra đã hết chiến tranh rồi. Chỉ việc hưởng thụ hoà bình, học tập, làm việc. Ngay cả đến chuyện xin việc chúng mày cũng có khó khăn như bọn trẻ 7x, 8x bây giờ đâu”.(!)
Dường như người ta cũng cố tình không nhắc nhiều đến những năm 60 ngoài việc giảng văn bài “Bài ca xuân 61” của Tố Hữu. Có lẽ bởi những năm 60 gắn liền với những trang bi hùng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Những năm 60, chiến tranh Việt Nam đang trong tình trạng ác liệt nhất. Năm 1964, xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Năm 1965, Mỹ đem quân ồ ạt vào Việt Nam . Bom đạn dội xuống miền Bắc mỗi ngày hàng chục trận. Miền Bắc cũng huy động hầu hết lực lượng quân đội cho miền Nam . Má tôi bảo Hà Nội hồi ấy hầu như không có đàn ông. Tôi đã sinh ra trong hầm trú ẩn, giữa hai trận không kích tại Hà Nội và ba tôi thì đã vào Nam đi chiến trường B từ khi tôi còn nằm trong bụng. Năm 1968, cuộc Tổng tiến công tại miền Nam đã thu được những thắng lợi nhất định nhưng chúng ta cũng tổn thất lực lượng khá nhiều. Năm 1969, Bác Hồ qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam . Tôi nghĩ sở  dĩ chúng tôi ít được nói đến cũng bởi một phần là do những người sinh vào thập kỷ 60 hình như ít hơn so với số lượng người sinh ra trước và sau đó.
Có thể nói chúng tôi là một “lớp người bình yên”bởi vì khi chúng tôi đã biết biết một chút thì đất nước đã được hoàn toàn độc lập.  Tất cả những gì tôi còn nhớ về chiến tranh chỉ còn là tiếng còi báo động và tiếng nói trên đài phát thanh năm 1972: “đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách xa Hà Nội 20 kilômét, các lực lượng phòng không chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”. (hôm rồi nghe anh bạn cài đặt cái thông báo ấy trong điện thoại di động, mỗi khi có ai gọi đến thì phát lên làm mọi người được những trận cười  vui vẻ. Tôi chợt nhớ ngày xưa mà nổi hết gai ốc). Tôi cũng đã được chứng kiến cảnh cha tôi, nước mắt đầm đìa, bế bổng tôi lên mà quay vòng khi nghe được từ chiếc đài bán dẫn bản tin về chiến thắng Đà Nẵng, thành phố quê hương ông. Rồi đêm pháo hoa mừng chiến thắng tại Hà Nội với bài hát “Em bay trong đêm pháo hoa” rộn ràng, lâng lâng cảm xúc…
Sau năm 1975, chúng tôi theo cha mẹ về miền Nam . Vào thời cuối những năm 70, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cùng gia đình đã trải qua những tháng ngày cực nhọc với những bữa bo bo và mỳ sợi thay cho gạo. Bo bo là loại ngũ cốc chủ yếu để đánh lừa dạ dày chứ “đầu vào và đầu ra như nhau”. Điện thì hai tắt một đỏ. Một chiếc ti vi trắng đen cho cả xóm xem nhờ, chương trình quanh quẩn với mấy vở cải lương “Bên cầu dệt lụa” hay “Làm lại cuộc đời”. (buồn cười nhất là có ông Mỹ hát cải lương lơ lớ, lơ lớ). Mặc dù còn một số đứa vẫn mang nặng mặc cảm là con em những gia đình sĩ quan chế độ cũ, chúng tôi sống với nhau thật hồn nhiên. Tôi được phân làm lớp trưởng từ năm lớp 5 đến năm lớp 9. Những năm đầu, bọn bạn còn kỳ thị, phân biệt “bắc, nam”, lũ con trai có lần còn hăm doạ đánh tôi. Thế nhưng, đến năm lớp 8, 9 thì cả lớp chúng tôi trở thành một tập thể đoàn kết, vui nhộn và học giỏi. Đến nay mà chúng vẫn còn tìm thăm tôi mỗi kỳ tết đến, kể cả những đứa đã đi nước ngoài. Thời bao cấp, lũ trẻ chúng tôi sớm tinh ranh hơn bây giờ. Vào sáng Chủ nhật, mấy đứa cùng khu tập thể hò nhau dậy từ 3, 4 giờ  đến cửa hàng thực phẩm, hàng gạo, hàng củi… phân công nhau xếp hàng, đến 8, 9 giờ sáng là chúng tôi đã có một xe cải tiến nào thịt, cá, gạo, củi… đem về cho bố mẹ.  
Nhưng cũng không thể nói chúng tôi không giáp mặt với chiến tranh. Khi chúng tôi còn học phổ thông thì chiến tranh biên giới nổ ra. “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” Nhiều anh chị khóa trước tôi đang học cấp 3 tình nguyện vào bộ đội. Một số bạn tôi sau này cũng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Lũ con gái chúng tôi được phát động thêu khăn tay gửi tặng, viết thư cho bộ đội, phân công nhau đến thăm nom gia đình bạn…
Năm chúng tôi thi đại học là những năm đầu đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới. Các trường đại học chỉ nhận rất ít sinh viên mỗi khoá. Vào được đại học là cả một niềm vinh dự không chỉ của cá nhân mà của cả bà con, thậm chí cả khu phố. Đề thi đại học của chúng tôi vào hàng khó nhất từ trước đến nay (điều này được lũ em tôi xác nhận). Những năm chúng học đại học cũng là những năm khó khăn hết sức. Việc xoá bỏ bao cấp tuy đã được khởi xướng nhưng việc thực hiện chưa triệt để. Biểu hiện rõ nhất là ở trường chúng tôi, vẫn còn chế độ mua gạo theo tiêu chuẩn, ăn nhà ăn tập thể, “cơm toàn cục, canh toàn quốc, nước mắm đại dương”. Hầu như cánh sinh viên nam đều mặc quần âu có hai bên mông là hai miếng vá hình vuông mà chúng tôi gọi đùa là 2 chiếc “ti vi”  to tướng. Tôi nhớ đội bóng lớp tôi đá giao hữu mà hai đội được phân biệt bằng cách cho một bên mặc áo, còn bên kia cởi trần vì không đủ áo mặc. Thằng Sơn “bột” bạn tôi suýt nữa bị liệt vì ăn không đủ chất. Thằng Trung, thằng Tuấn lớp tôi bị kỷ luật, buộc ở lại lớp vì xúc trộm gạo của đứa lớp khác. Chuyện này bây giờ kể lại, nhiều đứa chúng tôi không nén nổi tiếng thở dài xót xa.
Đồng thời, sinh viên chúng tôi thời ấy cũng là trùm của những trò nghịch ngợm, tai quái. Ăn cắp điện của trường để nấu ăn, ăn trộm gạo của nhà bếp, trèo tường, trốn trường ra ngoài chơi, đi xe buýt không mất tiền, cá độ ăn, uống… là “chuyện  nhỏ như con thỏ”. “Cao thủ võ lâm” nhất phải là chuyện cả một đoàn hơn 10 đứa sinh viên chúng tôi đi “cọp vé" tàu Thống Nhất từ thành phố HCM ra Nha Trang chơi không tốn một xu. Cánh con trai đi từ đầu đến cuối tàu rồi ngược lại. Cánh con gái ngồi ngay trong phòng nhân viên để tán tỉnh…mấy anh “nhà tàu”. (Sau này chúng tôi cũng vỡ lẽ ra rằng hồi ấy thực ra “ông Nhà nước” cũng không nỡ làm căng với sinh viên chúng tôi, chỉ doạ dẫm là chủ yếu vì biết chúng tôi có tiền đâu mà đòi…)
Chúng tôi học luật trong thời kỳ Nhà nước ta mới bắt đầu có câu khẩu hiệu “quản lý nhà nước bằng pháp luật”, các văn bản luật thiếu, giáo trình thiếu, giáo viên cũng thiếu nốt. Chúng tôi hầu như học “chay” trong điều kiện như thế. Nhưng tôi có cảm nghĩ rằng dường như ngày ấy chúng tôi bị buộc phải học chay nên kiến thức ăn sâu vào óc hơn, đến bây giờ tôi còn nhớ như in nhiều vấn đề lý thuyết từ hồi ấy.
Phần nhiều các bạn thời phổ thông không được may mắn vào đại học như tôi. Chúng tản mác mỗi đứa một phương. Đứa vào trung cấp, đứa đi học nghề, đứa làm lơ xe… và không ít đứa đã đi vượt biên ra nước ngoài. 
 Nhiều bạn tôi cũng đã thành đạt, thành danh. Nhưng để đến với điều đó là cả một sự cố gắng vượt bậc.  Trong nhà trường chúng tôi chỉ tiếp thu những vấn đề lý luận mang nặng lý thuyết thậm chí giáo điều. Nền kinh tế lúc chúng tôi ra trường vẫn là nền kinh tế lấy kế hoạch hoá làm chủ đạo. Dân chủ chưa được mở rộng như bây giờ. Việc đánh giá con người chủ yếu dựa vào yếu tố dòng dõi gia đình truyền thống “3 đời củ chuối”. Ăn mặc, đi đứng, nói năng phải nhìn trước nhìn sau. Nói điều gì hơi khác lạ là bị e hèm nhắc nhở “coi chừng sai quan điểm đó”.Quả thật chúng tôi rất ngại khi tiếp xúc với các chú, các anh có quá trình công tác lâu năm hoặc “trên núi xuống” mặc dù luôn kính trọng họ. Chúng tôi cảm thấy họ luôn có cái nhìn xét nét, hiếm người có được sự cởi mở chân thành. Tính tôi hơi ngang. Có lần tôi đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trong cuộc họp Đoàn khi yêu cầu Đảng uỷ thay đổi lại cách nhìn nhận đánh giá đối với chúng tôi.  Tôi cho rằng nên bỏ cái khẩu hiệu “phấn đấu vào Đảng” đi. Bởi vì nếu chỉ coi đấy là mục đích thì khi đạt được mục đích tôi sẽ không thèm cố gắng nữa. Phải  đánh giá con người bằng chính bản chất của họ. Tôi sẵn sàng chia xẻ gánh nặng cho một người khác bởi vì tôi thương họ thực sự chứ không phải tôi làm việc đó để được người khác đánh giá khen ngợi, để lót đường cho tôi vào Đảng. Cũng như thể tôi học giỏi, tôi thi tốt, tôi vào đại học vì tôi xứng đáng được như thế, vì tôi muốn tiếp thu kiến thức để làm việc chứ không phải tôi cố gắng học, cố gắng nhồi nhét để vào đại học, vào đại học xong rồi thì chẳng thèm học nữa, lại chơi dài dài…Tôi nói như thế, tụi bạn tôi tán thưởng vỗ tay nhưng Bí thư Đảng uỷ lại trầm ngâm, nhíu mày. Mấy đứa bạn tôi sau đó bảo may là mày con ông Đại tá quân đội ta đấy (!). Cứ như vậy, chúng tôi học tập và bắt đầu  làm việc trong thời buổi giao thời. Học thì bao cấp nhưng làm thì kinh tế thị trường. Mọi thứ hầu như không có tiền lệ. Một vài đứa bạn tôi sau khi học đại học, ở lại thành phố Hồ Chí Minh nhờ vào cái thời buổi giao thời ấy mà phất lên nhanh chóng. Với các mác Luật sư, cử nhân luật đang là hàng hiếm lúc bấy giờ, chúng tham gia làm công tác tư vấn, bào chữa mà hốt bạc. Còn tôi về làm việc tại một cơ quan hành chính “tội nghiệp”, lương ba cọc ba đồng, sống chỉn chu, ổn định, chỉ được cái tiếng đàng hoàng lấy uy khi về nhà chồng (!). Nhưng tại đấy tôi cũng lại chứng kiến những nghịch cảnh thật trớ trêu. Số là cô bạn Hoàng Anh của tôi vốn học rất giỏi, thi Đại học được điểm cao nên được đi Liên Xô (cũ).  Hoàng Anh về nước năm 1991 khi Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ. Với bằng đỏ Kỹ sư Thuỷ âm học- một môn học mà nói đến cái tên người ta cũng không rõ nó là cái gì (tôi thì hiểu nôm na có nghĩa là dùng sóng âm thanh để xác định vị trí, độ lớn, tình trạng… của một vật ở dưới nước)- cô phải mất hai năm đi bán cà phê thuê trước khi cạy cục xin được vào cơ quan chúng tôi làm chân đánh máy (!).Tôi học xoàng hơn nên chỉ đỗ đại học trong nước ra trường năm 1989. Nhưng vào làm việc trước, lại ở chức vụ chuyên viên nên tôi đương nhiên làm “sếp” Hoàng Anh. Mặc dù có bằng kỹ sư nhưng Hoàng Anh phải chấp nhận mức lương kỹ thuật viên đánh máy.  Tôi rất quí trọng Hoàng Anh vì kiến thức uyên bác của cô nhưng nhiều người khác lại chỉ coi cô như là một nhân viên đánh máy thường, thậm chí có người nặng lời với cô nữa. Sau này, Hoàng Anh đã thành lập một doanh nghiệp nhỏ và khá thành công. Gặp lại tôi, cô cười nhắc lại chuyện trước đây và nói đùa: “Giá như sếp của tớ hồi ấy là cậu thì tớ đã không quyết tâm bỏ ra ngoài làm ăn như thế này. Thật là ơn kẻ dữ hơn ơn người lành” 
Ngẫm ra, tuổi chúng tôi bây giờ, người ta gọi là trung niên, trên dưới 40 tuổi, là ông là bà thì chưa xứng nhưng cũng chẳng còn làm anh làm chị nữa rồi. Ở lứa tuổi này, người ta đang bảo là đang sung sức, có kinh nghiệm, từng trải, có thể cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho xã hội. Tôi cũng như phần nhiều bạn bè khác, bây giờ đều chấp nhận sự “bình yên” trong cuộc sống cũng như trong công việc, bắt đầu ngại sự thay đổi bứt phá mặc dầu tự nhận thấy mình hoàn toàn có khả năng làm điều đó. Chúng tôi khó có thể chấp nhận sự mạo hiểm trong công cuộc kinh doanh hay những đổi thay địa vị bởi lẽ chúng tôi không còn trẻ để có thể làm lại từ đầu. Trong khi ấy, chúng tôi gần như phải làm sứ mạng của một lớp người giao thời, thay mặt cho những người trẻ tuổi tuyên chiến với những gì xơ cứng, bảo thủ và trì trệ… của lớp người đi trước và nhanh chóng nhập cuộc với thế hệ 7x, 8x đi sau. Tôi cứ hình dung là chúng tôi mang nặng trên vai cái ba lô chứa đựng những ký ức chiến tranh dắt tay một lũ em nhỏ bước vào máy bay chuẩn bị cất cánh.
Dù sao những người 6x chúng tôi cũng là một thế hệ may mắn và bình yên. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét