Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Phụ nữ Ả rập Saudi

 “Phụ nữ Arap Saudi sẽ được đi bầu vào năm 2015, và sẽ có đại diện tại hội đồng Shura, tương đương với quốc hội ở các nước khác”. Trên đây là Quyết định của nhà vua Abdullah ( ban hành ngày 25/9/2011) được thế giới coi là một bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước lớn nhất trung đông,  nơi phụ nữ chiếm đến hơn 45% dân số. Đây là kết quả của một chiến dịch diễn ra trong một thời gian dài với nỗ lực của rất nhiều phụ nữ Saudi để nhà vua có thể đi đến quyết định cho phụ nữ đi bầu.
Tại Arap Saudi, từ năm 1990 đã có lệnh cấm chính thức mọi phụ nữ được quyền lái xe trên đường phố. Những phụ nữ nào bị bắt gặp lái xe sẽ  phải chịu phạt. Ở Arap Saudi vẫn còn những người bảo thủ không muốn cho phụ nữ lái xe vì coi đây là một ảnh hưởng không tốt từ các nước phương Tây. Không những bị cấm lái xe, phụ nữ Saudi còn không được lên xe buýt công cộng và đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ Saudi không thể đi làm
Ngoài việc bị cấm lái xe, phụ nữ Arap Saudi còn bị bó buộc bởi một quy định về người giám hộ. Tất cả phụ nữ ở Saudi đều cần phải có một người giám hộ là nam giới trong gia đình khi làm bất cứ điều gì được cho là quan trọng. Phụ nữ Saudi muốn đi ra nước ngoài cũng phải có người giám hộ đi cùng. Một phụ nữ muốn có một phẫu thuật quan trọng ở bệnh viện cũng phải có giấy đồng ý của người giám hộ. Nhiều công ty ở Saudi và các cơ quan chính phủ yêu cầu những phụ nữ Saudi lần đầu tiên đi làm phải xuất trình giấy chứng nhận từ người giám hộ cho phép họ được đi làm. 
Hệ thống giám hộ cũng khiến người phụ nữ ở Saudi không thể kết hôn theo ý muốn của mình. Bất cứ phụ nữ Saudi nào muốn kết hôn với ai đều phải được sự đồng ý của cha mình. Nếu người cha không đồng ý thì ông ta hoàn toàn có thể tới tòa để yêu cầu ngưng đám cưới hoặc thậm chí bắt họ ly dị nếu đã cưới. Đã có những trường hợp người cha không muốn cho con gái kết hôn vì muốn cô tiếp tục đi làm và nộp thu nhập về cho gia đình.
Mặc dù quyền của người phụ nữ ở Arap Saudi bị hạn chế rất nhiều so với các nước khác trên thế giới nhưng phụ nữ Saudi lại có học vấn khá cao. Có khoảng 70% sinh viên đăng ký học tại các trường đại học ở nước này là nữ. Và có khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp hàng năm là nữ. Điều đáng tiếc là phần đông trong số họ dù có học vấn cao nhưng lại không thể đi làm vì những quy định khắt khe trong luật.
Đọc xong mấy thông tin trên đây, cá nhân tui thấy muốn …qua Ả rập định cư quá. Lại chê rằng mấy bà ở bển sướng thấy mồ mà mắc mớ gì phải đấu tranh làm chi cho mệt.
Tui đồng ý phụ nữ nên đi học, học càng nhiều càng tốt (vì rảnh quá nếu không học thì biết làm chi cho "qua ngày đoạn tháng", không học coi chừng lại "vi bất thiện" thì không hay). Nhưng học xong thì ở nhà giữ con, có kiến thức thì ở nhà dạy con, chăm con, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, may mắn hơn nếu sau này có con đẹp thì cho đi làm hoa hậu, nam hậu, làm ca sĩ, người mẫu kiếm tiền nuôi lại mình.
 Phụ nữ đi đâu cũng phải có người giám hộ, có lái xe riêng : sướng quá còn gì nữa. Có người làm cho mình, bảo vệ cho mình, lại nghĩ hộ luôn cho mình thì  càng khỏe mình.
Các việc quốc gia đại sự, cứ để cho các cha đàn ông lo, oánh nhau thì các ông đi mà oánh, phụ nữ chúng tôi đỡ phải suy nghĩ đối phó, đau đầu nhức óc. Mắc mớ gì chúng tôi phải vô ngồi một đống chỉ để làm mấy cái bình hoa di động cho mấy ông, thậm chí tệ hơn lại trở thành mục tiêu cho thiên hạ đàm tiếu, nói ra nói vô, có khi bị đổ lỗi cho là nguyên nhân gây ra xung đột, chiến tranh...
Mà chắc bây chừ, chị em nhà mình cũng “ngộ” ra nhiều điều  rồi nên tui dẫn chứng lời bà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân như sau: "Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu trong tám nước khối ASEAN có nghị viện. Khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục ngày càng được thu hẹp với kết quả là 0,894 so với mức quy định là 1. Chỉ số phát triển con người và chỉ số giới lần lượt đứng vị trí 105 và 109 trong số 177 nước, chỉ số khoảng cách giới đứng vị trí 68/130 nước. Với những thành tựu đạt được, Việt Nam được đánh giá là nước xóa bỏ nhanh nhất khoảng cách giới 20 năm qua ở khu vực Ðông - Nam Á". Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hiện tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thấp hơn nhiệm kỳ trước, chỉ còn 25,7%; trong Ban Chấp hành TW Ðảng từ 10 - 12% các khoá trước, nay chỉ còn 8%, đặc biệt nữ Bộ trưởng bây giờ còn hơn 4%. Hiện nay, nhiều Ban Thường vụ Tỉnh ủy không có nữ, quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới có hàng chục tỉnh không có nữ trong Ban Thường vụ; cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh cũng rất ít.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét