Cách nay đã lâu, mình đọc trong truyện Cù Lao Chàm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (hồi đó những tác phẩm của ông này rất hot vì đã động chạm đến những vấn đề thực tế đời sống, những nghịch lý mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói) và rất tâm đắc vấn đề ông đưa ra về chân dung người lãnh đạo.
Người lãnh đạo dạng điển hình mà ông nhà văn nêu trong tác phẩm là một ông chủ tịch huyện. Ông này được đánh giá là một cán bộ sâu sát với dân, sẵn sàng xắn quần, tụt giày lội ruộng kiểm tra từng đám ruộng của dân. Ông dành hầu như thời gian làm việc của mình ở cơ sở, chỉ đạo từng việc một từ nhỏ đến lớn. Đám cán bộ xã sợ ông một phép còn dân thì hỉ hả, nói đến ông với sự quí mến chân thành…
Thế nhưng trong truyện cũng đã nêu lên ý kiến của một người nhận xét về ông Chủ tịch này một cách hoàn toàn khác với những người khác: Người này cho rằng ông Chủ tịch này không biết làm Chủ tịch hoặc cố tình đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng mà thôi. Việc của một ông Chủ tịch (dù chỉ là cỡ huyện, hay thậm chí là xã thôi) cũng là việc tập trung nghiên cứu các chính sách và chỉ đạo việc thực thi các chính sách đó trong cuộc sống theo đúng mục tiêu kế hoạch đã định ra. Ông tiếp xúc với thực tế là điều đáng hoan nghênh, nhưng không phải dành quá nhiều thời gian cho cơ sở, cho những công việc mà ông có thể yêu cầu cấp dưới của mình thực hiện vì đôi khi họ thực hiện điều đó tốt hơn ông. Ví như một vị tướng, nếu thi bắn súng tệ hơn một anh lính quèn là chuyện hết sức bình thường nhưng ông tướng thì vẫn là … ông tướng bởi một ông tướng giỏi thì phải có tầm nhìn chiến lược, phải bố trí điều binh khiển tướng sao cho có thể đem lại thắng lợi cho cuộc chiến. Nhắc đến chuyện ông tướng lại nhớ ba mình hồi trước hay bảo: “Là mộtvị tướng, biết chắc chắn rằng dưới cái vạch đỏ bút chì của mình sẽ là hàng trăm, hàng ngàn người lính phải hy sinh và kéo theo đó là hàng vạn những người cha, mẹ vợ con phải chịu nhiều hệ lụy. Nhưng vị tướng vẫn phải vạch những vạch đỏ bút chì không ngoài mục tiêu chấm dứt càng sớm càng tốt cuộc chiến để cho hàng triệu người khác không bị hy sinh và hệ lụy”. Có lẽ không ai trách vị tướng đã vạch bút chì để người thân của họ phải hy sinh cho chiến thắng. Mỗi người lãnh đạo có phương pháp điều hành riêng, nói cách khác là có cách làm riêng. Cũng không dám phê phán người nọ người kia dở hay hay dở thế nào. Nhưng theo mình đối với người lãnh đạo thì mục tiêu, chính sách và chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu chính sách đó thế nào mới là sự thể hiện tầm vóc và bản lĩnh của lãnh đạo. Điều đó quan trọng hơn rất nhiêu so với việc lãnh đạo suốt ngày lê la với cơ sở và làm những việc luôn của cấp dưới. Khi ông ít xuống cơ sở thì tất sẽ bị đánh giá là thiếu sâu sát, là quan cách, không gần dân nhưng thà như thế để ông làm một Chủ tịch giỏi khi hiểu rằng những chính sách đúng đắn của ông sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho dân hơn là cái việc xắn quần lội ruộng kia.
Gần đây báo chí cũng hay đưa tin về chuyện ông bộ trưởng này phát biểu thế này, ông bộ trưởng kia nói thế kia, làm thế kia rồi đánh giá đúng sai, hay dở … loạn cả lên. Mình cũng cho rằng một số Bộ trưởng mới cũng tự xắn quần, tụt giày để làm một số chuyện hơi ất ơ, vớ vẩn, đưa ra những chính sách nghe thì mạnh bạo nhưng rất bất khả thi…
Hôm nọ đi họp tổ dân phố góp ý cho Chủ tịch và các phó chủ tịch phường, nghe các cụ hưu phê bình gay gắt chuyện ôngchủ tịch chưa bao giờ xuống tổ mình cho bà con gặp mặt, nghe ý kiến của bà con xem sao. Mình phát biểu bênh liền: Các bác ơi, các bác phải lấy làm mừng khi ông ấy không đến tổ mình, bởi vì thứ nhất là tổ mình rất tốt, nhân dân vui vẻ đoàn kết, không có gì phức tạp cả nên ông ấy yên tâm. Thứ hai là lãnh đạo tổ cũng rất tốt nên đã lãnh đạo được tổ mình tốt như rứa. Thứ ba là ông Chủ tịch còn bao nhiêu chuyện quan trọng đau đầu nhức óc ở những chỗ khác cần đến ông ấy giải quyết mà ông ấy giải quyết được như báo cáo thì là ông ấy tốt rồi, các bác còn đòi hỏi gì nữa.
Ối giời, nghe mình “ní nuận” như trên nếu ai đó đọc mà “oánh giá” rằng mình là một nhà lãnh đạo giỏi, thông minh, quyết đoán thì mình khuyên thật lòng là nên … nghĩ ngược hẳn lại. Nhưng có ai cấm một thằng lính bắn dở đi phê bình ông tướng bắn dở không nhỉ?
" Người dân có lẽ cũng chia sẻ khi nghe nói Bộ trưởng Đinh La Thăng và các quan chức trong Bộ rồi đây sẽ đi xe bus tối thiểu một lần trong tuần. Nhưng nhớ, các nhà kinh tế đã từng tính toán, nếu Bill Gates đánh rơi tờ 100 dollars thì thay vì cúi xuống nhặt mà tiếp tục đi thì cái đầu của ông sẽ kiếm được nhiều hơn như thế. Lâu lâu “vi hành” để biết đứng trên xe bus thường dân nó khác với ngồi xe hơi Bộ trưởng như thế nào thì cũng cần. Nhưng, Bộ trưởng nên dành thời gian để tư duy. Mặt khác, một “tư lệnh” mà đến cơ quan với áo xống xộc xệch, mồ hôi nhễ nhại, thì cũng không “uy” cho lắm." (cop py của Huy Đức- Giống y ý mình muốn nói mà không dám nói)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét