Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Phải bìn tĩn, bìn tĩn

Ông anh chồng mềnh định cư, lấy vợ là một chị quê Tây nguyên. Thỉnh thoảng đưa vợ về nhà nội dưới này. Chị dâu có vẻ thân thiện, hoạt bát, không đến nỗi nào trừ cái tội hơi hơi đồng bóng. Thế nhưng nghe anh chồng có hôm vui miệng kể, chị về nhà nói chuyện với anh, chê suốt lượt cả nhà chồng. Mềnh hỏi ông anh, chắc chị không chê gì em đúng không?
Ông anh cười bảo:
- Ồi, nó cũng chê cả mày. Nó bảo mày học Đại học mà …ngu
- ???
- Hôm đến nhà mày đám giỗ, nó về bảo với tao “con ấy ngu thế ai đời lại đem cà chua để lên bàn thờ cúng”
Cả nhà cười vật, mềnh chả biết nên cười hay khóc. Số là hôm đó người ta đem mấy quả hồng đỏ Đà Lạt đến thắp hương cụ nhà mình.(trông giống quả cà chua thật)  
Nhìn ra bên ngoài, âu cũng không ít người như bà chị dâu mình trên đây. Học hành làng nhàng, hiểu biết không đến đầu đến đũa, ấy thế nhưng thích thể hiện, thích hơn người, và tai hại thay là khi không thể hiện được mình giỏi, mình tài hơn người ta thì lại dùng biện pháp “dìm hàng”, nói xấu, chê bai người khác.
Thời bây giờ, mạng mẽo đầy đủ, thông tin cao tốc, người ta càng có điều kiện để cập nhật kiến thức thì lại càng dễ sa vào chuyện “chỉ biết (thậm chí biết rất nhiều) mà không hiểu”. Cái này cũng chả kể mấy anh học hành trường làng (như bà chị mình) mà ngay cả các anh học hàm học vị rổn rẻng cũng không ít người làng nhàng kiến thức, phát vài cái biểu kiểu “trên thế giới cũng chưa từng bao giờ có chuyện zdư lày” hoặc “tôi đọc nhiều, nghe nhiều nhưng chưa bao giờ thấy chuyện vô lý zdư lày” … Cứ như thể các boác ý là biết hết tất tật chuyện thiên hạ.   
Tệ nhất là nhiều vị cứ căn cứ vào thái độ, vào hiện tượng, thậm chí cắt cúp hiện tượng để quy thành bản chất rồi lu loa đủ thứ. (Như kiểu bà chị dâu mềnh là một loại.)
Mềnh mần ziệc văn phòng, thuộc diện “ăn theo nói leo” cũng biết mấy chuyện đại loại thế này: Một anh A được cấp dưới trình lên cụ sếp trên đề nghị bổ nhiệm, tài liệu đã được đặt ngay ngắn trên bàn cụ. Anh B (văn phòng) đi lên, ngó qua vai cụ thấy cái hồ sơ anh A, lại để ý thấy cụ cầm cái bút gõ cạch  cạch trên bàn, mặt suy tư lắm lắm …Thế rồi, chả mấy chốc cái anh A kia sẽ nghe được thông tin “cụ đang “căng” vụ của ông lắm đấy, lo mà “xử” đi nhé. Phải đến gặp ngay anh B, C, D … văn phòng đi”.
Lão A kia không toát mồ hôi hột, sợ đến sun d… mới lạ, lại líu ríu nghe theo lời chỉ bảo này nọ. Nếu được, thì công anh B, C, D quá lớn, giải quyết được chuyện khó thế.
Ai biết, “cụ” gõ bút cành cạch trên bàn là đang tư duy chuyện khác kia. Mặt nhăn nhó thì có khi là cụ đang … đau bụng.
 Nói thật, hồi trước mình thỉnh thoảng cũng hay bị hoang mang ngả bên nọ, vẹo bên kia vì hoa mắt với những thông tin được bảo chứng từ bằng cấp học hàm học vị của các boác “chí thức”. Sau biết là nên chờ thêm một thời gian nữa để lắng nghe thông tin từ phía khác, tốt nhất việc mềnh mình mần, chả xỏ xen gì chuyện thiên hạ.    
He he, thế nên mọi việc cứ phải là bìn tĩn, bìn tĩn nhóa

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

12 ngày đêm ...

Mình ở Hà Nội trọn đủ  12  ngày đêm ác liệt năm 1972.
Lẽ ra mình cũng đi sơ tán ở Nhổn như bà chị mình nhưng rồi má thương mình bé quá nên đưa mình về ở Hà Nội với bà. Không ngờ “ăn” đủ 12 ngày đêm …Ờ nhà được 2 hôm đầu, hôm thứ 3 thì phải dạt sang nhà bà chị họ vì khu vực nhà mình gần ngay Tổng cục chính trị của quân đội.
Đêm nào cũng thế, có hôm chạy xuống hầm báo động  đến mười mấy lần. Chắc tại còn nhỏ nên mình chả thấy khiếp, chả thấy sợ gì , chỉ bực vì đang nằm lơ mơ cứ thấy má khi thì xốc nách khi thì bồng mình chạy báo động. Đến khoảng 7,8 lượt gì đấy thì cả nhà (tuyền phụ nữ trẻ em) mệt phờ rồi nên muốn ra sao thì ra, trải chiếu luôn xuống gầm giường mà ngủ chứ không chịu chạy nữa.
Dấu ấn của chiến tranh đối với mình nói chung cũng như 12 ngày đêm năm ấy có lẽ chỉ còn là tiếng còi báo động và tiếng loa phóng thanh: “đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách xa Hà Nội 20 cây số, các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu…”. Còn việc đi sơ tán, vẫn được chăm lo đầy đủ từng miếng cơm manh áo (tuy có khó khăn hơn bình thường chút),  nên cũng coi như cuộc đi chơi dài ngày mà thôi. Chiến tranh chạm vào thế hệ bọn mình thoảng qua như thế. Hai cụ nhà mình thì khổ thật, nhưng nhờ trời cũng còn nguyên vẹn trở về. Đối với gia đình mình, sự vẹn toàn đó  như thế đã là sự may mắn. Và may mắn lớn hơn chính là việc bởi sự an toàn đó đã giúp cho mình không nặng lòng với những hận thù tương tàn sau cuộc chiến.
Cũng có lẽ vì vậy, và có lẽ vì là trẻ con nên khi trở về quê là miền Nam sau giải phóng mình dễ dàng hòa nhập với bọn trẻ con trong này. Cái khoảng cách xung đột ta-ngụy này nọ cũng chỉ một thời gian đầu rồi lắng xuống. Bọn bạn trong này, kể cả những đứa sau này đã đi Mỹ diện HO giờ mỗi khi về nước vẫn đến thăm lớp trưởng cũ (là mình).
Nhưng …
Ông anh bạn mình có mẹ bị bom Mỹ giết hại năm 1972. Thằng bạn mình có bố là chiến sĩ tự vệ hy sinh bên bệ pháo 12 ly 7 vào năm 1972. Một thằng khác có bố hy sinh tại chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. …
Chiến tranh đã gieo cho họ nỗi đau thương và cùng với đó là nỗi uất hận khó có thể diễn tả bằng lời, khó có thể nguôi ngoai.
Mình biết họ đã rất khó khăn trong cuộc sống kể từ khi mất đi người thân và cũng vì thế không trách họ giờ cũng rất khó khăn khi buộc phải bắt tay với những kẻ trước đây từng ở phía đối phương và đã từng biến họ thành kẻ mồ côi.
Sự tha thứ, không dễ dàng như người ta mong tưởng. Sự hòa hợp không dễ dàng như người ta mong tưởng …
Mình có lúc đã nghĩ mọi người nên quên đi quá khứ, quên đi chiến tranh và thù hận, nhưng có lúc lại tự phê bình mình là đứa mau quên.
Cho nên mình thấy thật khâm phục cho những con người có thể gác lại một bên những hận thù cá nhân để vượt lên trên,  đĩnh đạc đối mặt với cuộc sống với sự vị tha phi thường
 

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Vụn vặt linh tinh theo lời đồn tận thế

           Lẽ dĩ nhiên mình đã biết và biết rất rõ rằng chẳng hề có ngày tận thế như người ta đồn đoán trên cơ sở lịch của người cổ xưa Maya hay là của vị tiên tri nào đó. Đó chẳng qua là một trò đùa như thể năm 2000 đã từng được tiên đoán sẽ là ngày tận thế thôi mà. Nhưng có lẽ cái mình nghĩ không phải là có hay không có ngày tận thế.
      Tự dưng lại nghĩ hay là  mọi người nên tin vào ngày tận thế, tin rằng ngày mai đây mình sẽ không còn có thể làm được những điều  mà mình ước mong sẽ được làm nhất và những ước muốn đó sẽ được đáp ứng một cách miễn phí (nghĩa là chỉ trừ phi họ đã quá yếu để không thể làm được).
         Giả định nếu ngày mai tận thế, các chuyển bay sẽ miễn phí nên ai muốn đi đâu thoải mái. Mai tận thế, các bà vợ không cần phải giữ những ông chồng của mình tại nhà vì bản thân bà còn phải đi thăm tình nhân cũ. Có lẽ người ta cũng sẽ sẵn sàng cho nhau những chiếc iphone 5,6 7, những hòm đựng đầy tiền vàng, những vì ngày mai sẽ không còn cơ hội dùng đến nữa; không có cướp bóc bởi tài sản cướp được chả để làm gì ; không có chuyện  tranh giành cướp ngôi, đoạt vị vì cũng chả có ai còn cần đến chiếc ngai vàng quyền lực khi tất cả cùng hùa nhau ra đường, uống bia say mèm, khoác vai nhau hát nghêu ngao những bài hát mà mình thích. Sách báo, bằng cấp sẽ được chất đống để đốt lửa và người ta sẽ nhảy múa xung quanh để mong ước những thứ đó được gửi lên và xếp gọn vào giá sách thư viện thiên đường trước khi họ lên đến nơi.
     Nhưng nếu giả định có ngày trước ngày tận thế như thế thì rồi cũng sẽ có những bi kịch. Sẽ có cùng một lúc nhiều chàng trai đến cầu hôn một cô gái (hoặc chỉ là thổ lộ tình yêu với cô) và cũng như thể nhiều cô gái cũng sẽ tìm đến  một chàng trai với lý do tương tự. Và gia đình, gia đình của họ bỗng dưng đổ ra những bi kịch được xới lên từ những vết thương đã liền sẹo từ quá khứ.  Biết đâu có người vợ sẽ ném vào mặt ông chồng những cục vàng và đổ lỗi rằng ông ta đã dùng nó để chiếm đoạt mình, còn những ông chồng thì cười khẩy bỏ đi . Biết đâu không phải ngân hàng mà kho vũ khí sẽ bị cướp vì người ta cần nó để  kết thúc cuộc đời kẻ khác và chính cuộc đời mình bởi không chịu đựng nổi những mất mát khi ngày tận thế đến
Bởi cái gì người ta cần, người ta lụy, người ta hận, người ta buồn … cũng sẽ không còn là cái gì cho ngày tận thế
Hạnh phúc, khổ đau, niềm luyến tiếc, tình yêu, bất hạnh… cũng vậy.
    Người ta liệu có nhận ra thực trạng phù du của số phận mình, của thế giới xung quanh mình hay không? có thực sự ngộ ra được những tham vọng trước đây của mình đều chỉ là ảo tưởng?     
   Và nếu có ngày như thế thì … liệu có ai đến tìm mình không nhỉ? Còn mình sẽ đi tìm ai bây giờ ?   

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Giấc mơ "Bà Thủ tướng Ớt"

Em gái  ông Thạc -sỉn, bà  Din - luc sinh ngày 21/6/1967, sau mình đúng ... 4 ngày. Thế mà bả đã là Thủ tướng một nước to đùng là Thái Lan. Hôm trước, nghe tin bả trúng cử,  rảnh rảnh tự nhiên ngồi nghĩ thấy ... tức bà già quá. Hồi ấy đẻ chậm mình 4 ngày, biết đâu bi chừ mình cũng là Din-luc của Việt Nam nhỉ.
Dưng mà chừ nhìn cảnh nước ngập lụt lội ở Băng cốc, thấy bả Din-luc xắn quần lội nước, chỉ đạo cái nọ, quyết định cái kia, lại nghĩ … cám ơn bà già và thấy tội cho bà Din – luc.   
Nhớ lại ngày trước, ông già mình nói vui với moi người: "phải đào tạo con nhỏ này thành như bà INDIRA GANDI , thủ tướng Ấn Độ".  Hồi mới lên 5, "bà Thủ tướng  dỏm" (là mình, gọi tắt là bà TTg) được theo ba đi uống bia hơi (nhà gần trạm bán bia mà), ba 1 vại bia, khách 1 vại bia thì "bà TTg" đây cũng ... 1 vại bia ngang ngửa, không kém. "Bà TTg" từ nhỏ cũng được ngồi hóng hớt đủ thứ chuyện chính trị, chính em của các bậc tiền bối. Lớn hơn tí thì được tham gia "phát vài cái biểu" khiến nhiều người cũng mắt tròn mắt dẹt, khen lấy khen để. Chẳng hạn hồi 5 tuổi, đúng hôm giao thừa, tức tối vì phải đứng bên ngoài không vào được đền Ngọc Sơn, trong khi các ông Tây được công an bảo vệ cho vào thoải mái, "bà TTg" đã phát biểu: "ba này,  đây là nước Việt Nam, Đền Ngọc Sơn là của Việt Nam, cầu Thê Húc cũng là của Việt Nam mà tại sao các chú Công an lại không cho người VN vào mà lại chỉ cho người nước ngoài vào?" . Ông già ngớ người ra vì con bé hỏi câu “già đắng” quá đi mất.
Năm 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3 xong, có lần nghe ông già ngồi nói chuyện với các bác nhớn, mềnh góp chuyện bằng một câu: “Họ nói, dân phương tây là dân duy lý (cứ cái gì có lý là hắn theo), dân Tàu là dân duy ý chí (bắt buộc làm theo ý chí của lãnh đạo bất kể đúng sai); Dân Ấn độ là dân duy linh (chỉ tin vào thánh thần tôn giáo), còn dân Việt ta là … duy tình (chỉ tin vào tình cảm của mình). Các cụ nghe thế gật gù, con bé này ngon đó, ông già mình sướng ra mặt ….
Vào Đại học Luật. Một hôm nghe con bé bạn dân miền Tây trả lời câu hỏi vì sao em chọn học luật, nó trả lời thế này: “em thấy đời bất công quá nên em chọn học ngành này”. Mình bĩu môi buông một câu: sáo, vớ vẩn. Người kia hỏi lại: Thế sao em lại chọn học luật. Mình bảo ngay: Em học để biết luật, để biết luật có kẽ hở nào là em … lách. He he
Đặt giả sử nếu mình là bà TTG thật thì báo chí ta sẽ viết về mềnh thế này: “đồng chí Ớt được sinh ra lớn lên trong một  gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng; được giáo dục  một cách cơ bản và toàn diện (có nhận học bổng) trong nhà trường XHCN, được tiếp cận những nền giáo dục KHKT tiên tiến mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.  Đ/c Ớt cũng đã từng sống những năm tháng chiến tranh ác liệt, những năm đất nước còn nhiều khó khăn nên đ/c đã hun đúc nên ý chí kiên cường, quyết tâm xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phát huy truyền thống gia đình(3 đời củ chuối), đ/c Ớt nhận thức hết sức đúng đắn về tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng….”
Tất nhiên nghe những lời như vậy bà Ớt sẽ rất sung sướng, tự hào, thấy mình cao hơn thiên hạ, thấy mình giỏi hơn thiên hạ, thấy cấp trên quá sáng suốt khi lựa chọn mình làm TTg và tin rằng mình hoàn toàn xứng đáng với vị trí ngất ngưởng ấy.
Nếu mình không được làm Thủ tướng và bị “lợi dụng” thì chắc hẳn các bài báo “lạ” sẽ đưa tin thế này: "Bà Ớt, một người đã từng được nuôi dưỡng và giáo dục trong một gia đình có truyền thống, được học hành bài bản, được đào tạo để có thể nắm giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy. Tuy nhiên bà Ớt đã không được chế độ tôn trọng lựa chọn vì vướng phải những tư tưởng cấp tiến chưa phù hợp với thời đại của nước bà …"
Tất nhiên nghe những lời như vậy bà Ớt sẽ cảm thấy chạnh lòng, sẽ cảm thấy tức tưởi biết bao. Rồi bà Ớt sẽ tự nhủ phải đấu tranh để giành cho được những gì (mà bà tự sướng) cho rằng nó thuộc về mình và phải thuộc về mình.
Nhưng thực ra bà Ớt vẫn chỉ là bà Ớt. May thay, bà Ớt vẫn nhận ra được là mình đang ở chỗ nào, mình là ai và biết bằng lòng với những gì mình đã có. Cho dù, đến nay, bà Ớt vẫn “nuôi dưỡng” giấc mơ thành TTg thì bà biết đó cũng chỉ là giấc mơ mà ai sống trên đời thì cũng nên có. Bà cũng biết nếu  bà ở phương Tây duy lý thì cái  giấc mơ ấy bà có thể nói toang toác ra mà không bị chửi thẳng vào mặt là “đồ con điên” mà thôi

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

GẠCH NỐI CỦA MINH TRỊ

Lịch sử Trung Quốc (dù có thể bị chửi vì biết sử “nó” nhiều hơn sử “ta”, nhưng kệ) triều đại nhà Thanh có hai vị vua có tiếng là minh trị là Khang Hy và Càn Long (lão Càn Long này xua quân sang nước Việt ta bị Nguyễn Huệ oánh cho “chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn” nhưng mà dân TQ thì khoái lắm). Giữa hai triều đại này là triều của Ung Chính, một  vị vua có vẻ mờ nhạt, thậm chí là tai tiếng nhất trong số 13 vị hoàng triều nhà Thanh. Tai tiếng lớn nhất là việc cướp ngôi vua của hoàng tử thứ 14 (thập tứ a ca) người được vua Khang Hy ưu ái nhất và theo đồn đoán sẽ được nối ngôi vua này. Tiếp đó, sau khi Ung Chính lên ngôi lại là nhiều việc động chạm đến quyền lợi của các vị quan quyền, công thần …
Cách nay đã lâu, hơn chục năm, có bộ phim truyền hình Vương triều Ung chính với một cách tiếp cận về nhân vật này khác hơn so với lịch sử. Trong đó Ung Chính vương được xây dựng là một nhân vật có một vai trò quan trọng trong việc củng cố triều đại nhà Thanh.
Về việc soán ngôi vua: theo lịch sử Ung Chính đã sửa trong di chiếu của vua Khang Hy từ chữ “thập tứ” (14) thành “đệ tứ” (thứ 4) để tự đưa mình lên ngôi. Tuy nhiên theo bộ phim thì việc lựa chọn Ung chính là sự chủ định của chính Khang Hy trong bối cảnh nhiều người con của ông ta đã không từ các thủ đoạn nào để đấu đá lẫn nhau cho chiếc ngai vàng quyền lực.
Nhưng thôi, thực hư chuyện soán ngôi này ra sao cũng khó mà biết được.
Phần còn lại bàn về chuyện điều hành của Ung Chính (trong phim).
Sau khi Ung chính lên ngôi, ông phải đối diện với rất nhiều những vấn đề khó khăn (thời chừ người ta gọi là khủng hoảng) . Ngân khố trống rỗng, đời sống nhân dân khổ cực, nội bộ triều thần hỗn loạn, nhiều kẻ bất tuân (do nghi ngờ sự quang minh của vua),  lũ lụt hoành hành …
Việc làm gần như đầu tiên của Ung chính vương sau khi lên ngôi là triệu tập quần thần và …đòi nợ. Số là các quan quân (nhất là đám công thần) trước đó đã được vua Khang Hy dành cho nhiều đặc ân,  cho vay tiền của ngân khố (không hoàn lại), nhiều kẻ tác oai tác quái, nhơn nhơn tự đắc, coi mình bậc công thần khai quốc không ai dám động vào. Bây giờ nghe vua đòi nợ người thì khóc, kẻ thì la, chửi ầm ĩ, có kẻ lại cậy thế công khai thách thức với vua, rồi không ít kẻ ngấm ngầm tụ tập binh mã mong có ngày lật đổ…. Dân tình nghe thấy chủ trương của nhà vua như vậy thì mừng lắm nhưng cũng không tin là vua có thể làm được. Đám sĩ phu có học thì khoanh tay đứng nhìn xem vua làm ăn thế nào. Như vậy thực chất một mình Ung chính vương phải đối mặt với hầu hết quần thần và dân chúng.
Thế nhưng bằng nhiều biện pháp kiên quyết khôn khéo, “đánh” thẳng từ trên xuống, buộc các vị đại lão công thần phải “nôn” hết của cải ra trả nợ, các quan địa phương phải chấp hành lệnh trưng thu tài sản không từ một ai … Có chi tiết thế này: đối với một số vị quan tham, dỗ dành dọa nạt không xong, vua sai người viết vè rồi tung ra cho dân chúng nghêu ngao đầu làng cuối xóm, thế là dân hả dạ, quan tím mặt nhưng chẳng làm được gì vì đã có vua “bật đèn xanh”. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, Ung chính Vương đã thu hồi được hầu hết số nợ, có tiền để chi tiêu cho việc hộ đê chống lụt, cứu dân, nhờ thế đã thu phục được lòng dân chúng và được họ tin tưởng ủng hộ . Riêng các quan lại bị nhà vua dồn ép đòi nợ nên không tránh khỏi việc bất bình và do vậy trong sử sách Trung Quốc, Ung Chính Vương đã bị đám này đặt điều nói xấu, coi như hôn quân bạo chúa(thời nay gọi là một nhà độc tài).
Nhờ có sự quyết đoán mạnh dạn, kiên quyết (có phần độc tài) của Ung Chính Vương mà Càn Long (con của Ung Chính) sau đó lên nối ngôi đã được thừa hưởng một nền kinh tế ổn định vững vàng hơn, đời sống dân tình được cải thiện hơn nên dễ dàng thành công với chính sách trị quốc nhẹ nhàng, thanh tao hơn hẳn cha mình.
Vậy đó, lịch sử có những lúc thăng trầm, trong một triều đại trị vì không tránh khỏi lúc thịnh lúc suy, cho nên tất sẽ có những gạch nối của minh trị như thời Ung Chính Vương để người ta có thể nhìn lại những gì mình làm cho đất nước để đất nước sau thời khủng hoảng lại có thể giữ được sự cân bằng mà tiến lên phía trước.   

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

THƯ GỬI BẠN HB

Ban HB thân mến,
Phải nói ngay là mình rất quý bạn và biết bạn cũng thế. Vậy nên bạn cũng đừng (giả vờ) ngạc nhiên hỏi tại sao mình biết bạn thích nọ hay ghét kia. Những người bạn của bạn tất nhiên trong phạm vi nào đó (ví dụ như trên mạng chẳng hạn) mình tin rằng họ nếu biết thì cũng sẽ dễ dàng làm bạn với mình. Nói vậy để bạn khỏi “lăn tăn” vì những gì mình viết dưới đây nhá.
Hôm rồi, có việc đi vắng, về nhà thấy bạn đã vào xem và xin “bưng” entry của mình về nhà bạn. Tất nhiên, mình biết trước tiên là do bạn quý mình, sau là bạn có đồng tình với (một hoặc một vài) suy nghĩ của mình trên đó.
Sau đó thì mình có xem những còm của các bạn của bạn về entry của mình trên nhà bạn. Ban đầu quả thật mình cũng  có “tối tăm mặt mũi” khi bị nhiều sự chê bai của các bạn (mình quen được người ta khen rùi mà). Sau đó bình tâm lại mình cũng thấy là cái sự chê đó cũng có nhiều điều khiến mình phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và thật may là họ chỉ chê trên blog của bạn chứ không phải trên blog của mình. Hi hi
Bạn HB thân mến,
Bạn biết đấy, thành phố của mình rất gần Quảng Ngãi và do vậy mình đã không dưới 3 lần được đến thăm quan Sơn Mỹ, nơi mà cách nay gần 45  năm đã xảy ra cuộc tàn sát của Mỹ, giết chết gần 500 người dân ở đó. Mình đã đứng rất lâu, đã lạnh người, đã rơi nước mắt trước những tấm ảnh chụp lại những khoảnh khắc khủng khiếp và man rợ mà lính Mỹ đã giáng xuống đầu những người dân vô tội. Âu đó cũng là những “sản phẩm” phải có của mỗi cuộc chiến (mình tự an ủi mình như thế để xua đi trong đầu sự khủng khiếp do tác động của những hình ảnh mang lại)
Nói đến sự thật. Còn có sự thật nào rõ ràng và khủng khiếp hơn sự thật được mô tả trong những bức ảnh chiến tranh như ở Sơn Mỹ không bạn nhỉ? Nhưng nói thật với bạn là những bức ảnh mô tả sự thật  đó chỉ tạo nên trong mình sự ghê rợn, đau lòng …
Còn những sự thật trong những ví dụ mà mình đã dẫn tại entry đó lại làm mình ghê tởm.
Mình biết bạn và các bạn của bạn (một vài người mà mình biết) là những  người cầm bút  hoặc có liên quan đến nghề cầm bút nên cũng không tránh khỏi sự tự ái nghề nghiệp khi bị chỉ trích. Nhưng chắc các bạn cũng đồng ý với mình rằng sự ghê tởm là cấp độ cao hơn (nếu không nói là cao nhất) của thái độ ghét, sợ, khủng khiếp, căm phẫn …
Ví dụ (lại ví dụ) thế này: Nếu một người trong phút giây nóng giận, rút dao ra và lụi cho đối phương một nhát chết tươi: điều ấy khiến ai cũng căm giận. Thế nhưng nếu có ai mô tả lại thêm thắt vào đó những chi tiết để tăng độ giật gân của sự việc thì điều đó sẽ dần trở thành sự ghê tớm hơn cái bản chất ban đầu của sự việc phải không bạn?
Dạo này mình nghĩ nhiều đến tính nhân văn của vấn đề, cố gắng phân tích ý nghĩa nhân văn của từng câu chuyện mà mình đã đọc và thực sự có bị ảnh hưởng bởi tư tưởng nhân đạo của … nhà Phật. (Hi Hi). Còn về “hơi hướng tuyên giáo” như bạn Thuyền đã bảo thì chính bạn ấy cũng đã cười hi hi với mình và thú nhận “chúng mình cùng 1 lò như nhau, em cũng có khác chi chị đâu” dù thực lòng chính mình không muốn liên quan "lọ chai" đến mấy anh tuyên giáo đó.    
Cuối cùng, bạn bảo mình hiền (mừng quá) nhưng thực ra là mình không hiền đâu bạn. Mình đã tốt nghiệp Đại học luật và hiện đang nhăm nhe xung vào lực lượng Hội thẩm nhân dân của tòa án nhân dân thành phố đây (nói trước là sẵn sàng xử tù những tên mình ghét và xử tử hình những tên khiến mình ghê tởm nhá).
Vài dòng “trình bày hoàn cảnh” với bạn và các bạn như vậy với sự cầu thị chân thành.
Chúc các bạn vui vẻ.