Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

TRẬN CHIỂN GIỮA BIỂN VÀ NÚI

Ở mãi dưới biển cũng chán, Mẹ Biển quyết định tập hợp lực lượng, dẫn đại quân đi xâm lược Núi. Đại quân bao gồm Mẹ Biển và 4 binh đoàn Biển con
Biết tin, Mẹ Núi cũng đem 1 Núi con ra ngênh chiến.
Hai bên xáp lá cà. Mẹ Biển hất mặt nhìn Mẹ con nhà Núi, (lúc này Núi con thấy lực lượng Mẹ Biển hùng hậu quá nên hãi nấp sau lưng Mẹ). Mẹ Biển quát:
- Bớ quân nhà Núi nhát chết kia, mau mau lại đây mà rinh quà của ta là mấy cân mực một nắng, rồi đến đây nộp mạng, nhanh lên  không thì ta cho một chưởng bây chừ.
Núi con nghe thế cười toe, xung phong bước lên nhận quà, cảm ơn rối rít.
Mẹ Núi thấy con quy phục ngoại bang nhanh như thế thì cũng lấy làm bực tức, chỉ mặt đám quân binh nhà Mẹ Biển quát  lớn:
- Á à, các ngươi dám dở quẻ hử. Đây là xứ sở của ta, ta quyết không để cho các ngươi dễ dàng xâm lấn. Sau đây, các ngươi phải theo ta đi ăn sáng gấp, nếu không lấy đâu sức lực mà xâm chiếm hử.
Chỉ cần nhõn một câu quát như thế,  đại quân binh hùng tướng mạnh nhà Biển nhìn nhau, chấp nhận lủi thủi buông vũ khí đầu hàng vô điều kiện.
Sau khi được nhà Núi dẫn đi tham quan khắp nơi, thấy chỗ nào cũng đẹp đẽ tươi vui, dân tình dễ mến, cơm no rượu say, đại quân nhà Biển bảo nhau thôi thì trở về, không xâm lược nhà Núi nữa. Từ đó hai nhà trở nên thân thiết.   

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

NGAO NGÁN CHO NGƯỜI HÀ NỘI

Đang ngồi cà phê với cô bạn ở Đà Lạt, một toán khách bước vào. Ồn ào, ầm ĩ và …phách tướng. Cô bạn ngừng câu chuyện, nhìn đám người mới đến với vẻ khinh khi và buông một câu:
- Chị này, em cực ghét người Hà Nội chị ạ.
Câu nói này nếu ở một người khác có khi mình đã nghĩ cách trả đũa. Nhưng người nói câu ấy lại là cô bạn mình, quan trọng hơn cô ấy lại là người gốc gác Bắc Ninh, (gần Hà Nội), đã bao năm xa xứ, tuốt tuột lên Tây Nguyên này mà tiếng Bắc cứ trong veo. Mình tuy quê hai cụ đều xứ Quảng, sinh ra lớn lên ở Hà nội đến 10 tuổi thì vào Nam nhưng ai gặp cũng khen tiếng Hà Nội của mình lắm lắm.
Mình cũng không nghĩ mình sẽ ghét người Hà Nội dù đã có lần viết entry buồn cho Hà Nội. Buồn cả cho cảnh vật, thiên nhiên và con người Hà Nội.
Tuy vậy, bây chừ nghe cô bạn nói thế, rồi trước thực tế với những con người Hà Nội đang kéo vào du lịch ở Đà Lạt này, rồi điểm lại những gì mình cũng đã từng gặp từng nghe người Hà Nội ở Đà Nẵng thì mình không thể không đồng tình với cô bạn được. Mình yếu ớt chống chế với cô:
- Ô, cậu ghét thế là ghét cả tớ à, tớ dân Hà Nội chính hiệu đây.
Cô bạn không hề tỏ ra bối rối gì khi nghe mình nói vậy mà lại thẳng thắn bảo:
- Chị thì không thể kể là người Hà Nội được vì nhờ vào nam sớm rồi, tiếp thu toàn cái văn hóa miền Nam kết hợp với cái văn hóa bắc kỳ hồi xưa. Chứ chị nhìn đi, người HN bây giờ tuyền một lũ nếu không hợm hĩnh ngang ngược thì cũng kiểu cách trịch thượng không chịu được. Bọn họ rất thị tiền, đến đây mà cũng cứ đem tiền ra để dọa thiên hạ.
Ngừng một lát cô lại bảo:
- Vừa rồi có đứa ông ổng chửi “dân ngoại tỉnh về làm hỏng Hà Nội”. Nếu Hà Nội nghìn năm văn hiến, nếu người Hà Nội có cái văn hóa vững bền thì làm sao mà bị ngoại lai về làm hỏng được mà đổ thừa cho họ. Người Hà Nội chứ có phải người ngoại tỉnh đâu đi xem hoa thì cướp hoa, ăn nói thì du côn bạt mạng, đụng gì cũng chửi … Em cực chán
Mình nghe cô nói, thấy đúng y rứa. Ở Đà Nẵng cũng khối người Hà Nội vào du lịch,  ăn uống thì vãi rác đầy đường, mình cũng cực ghét những người kêu “ê, tính tiền!” mà đa phần họ là người Hà Nội, ngồi nói chuyện một lúc thì viện dẫn con ông nọ cháu bà kia …
Công bằng mà nói, mình cũng nhiều lần về Hà Nội, đến chơi nhà những người Hà Nội gốc, cũng nói chuyện với những người lớn tuổi ở thủ đô thì thấy rất tử tế lịch sự nhẹ nhàng chứ không băm bổ, trịch thượng. Bây giờ thì chỉ riêng cung cách nói năng, nhất là của đám choai choai đã không chấp nhận nổi. Còn người lớn, tầm thế hệ 6x, 7x hình như luôn thích thể hiện mình hơn người khác bằng đủ thứ ngôn từ bắng nhắng có, hợm hĩnh có … tóm lại là như vãi vào mặt người khác…
Thôi thì còn dính tí sĩ diện là tiếng Hà Nội, chỉ biết thở dài ngao ngán …  

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

HỒI NỚ MỀNH MẦN PHIÊN DỊCH

Năm 2005, tự dưng trên trời vãi  xuống 1 bãi phân chim, rứa là mềnh được  1 xuất đi Trung Quốc học tập 10 ngày về CCHC. Trước khi đi, mềnh nhờ mấy anh chị bày cho mấy câu nói quen thuộc như "xia xìa" (cám ơn), "Tây pu sỉ" (xin lỗi) và học đếm từ 1 đến  10 " i, ơ san, sư, ủ, liu, chi, ba, chiểu sự". Nói chung, nhờ đó mềnh chỉ đứng sau cô phiên dịch  về khoản tiếng Trung mà thôi. À mà nói thêm trong đoàn có mấy chị gái sắp hiu nữa
Ngày cuối cùng, dành cho việc đi chợ, tham quan, mua sắm. Cả ngày đi khắp nơi, tối về mệt đứ đừ. Thế nhưng mấy bà chị vẫn còn tiếc vì chưa mua đủ quà về nhà nên năn nỉ chúng mình (tức là mình và cô phiên dịch). Cô phiên dịch cả ngày đi dịch oải quá nên cáo  ốm chối, thế là mềnh đành lãnh ấn xung phong.
 Đến 1 cửa hàng bán áo, 1 chị chọn 1 chiếc áo cho đứa cháu nhờ mình hỏi giá: Người ta bảo "chiểu sự" tức là 90 đồng nhân dân tệ. Mình nghe thế thì dịch lại cho bà chị. Bà bảo. Mày trả nó tám mươi đi. Mềnh quay sang cô bán hàng  dõng dạc: "Ba sự". Nghe thế, bà chị mình vội kéo mình sang một chỗ bảo: " chị bảo mày trả nó 80, sao mày lại trả có ba xị? Nó lại chửi cho thì chết"
Mềnh buồn cười quá mới lườm bà 1 phát bảo: Nó chửi thì nó nghe chớ mắc chi mà bác phải sợ. Với lại em nói Ba sự là 80 chứ có phải 30 đâu. Tiếng Trung, Ba là Bát, Bát là 8 đó má. Má nghe thế nào lại tưởng em nói tiếng Việt với chúng nó à"
Bà chị hồi này mới giãn mặt ra, toét miệng cười ừ nhỉ, thôi mày quay lại trả giá nữa đi.
Mình quay lại nói: "Ba sự"
Cô bán hàng nói 1 tràng tiếng Trung, chắc ý nói là hàng tốt hàng xịn gì gì đó...thế là mình quay sang kéo mấy bà chị  quay đi và ghé tai nói nhỏ, giọng nghiêm nghị đúng kiểu phát thanh viên: " chương trình phiên dịch của chúng tôi đến đây là hết. Thân ái chào quí vị và các bạn"
Chắc là mấy cô bán hàng tưởng chúng mình bỏ đi, không thèm mua nữa nên gọi lại và bán cho bà  chị cái áo với giá 80 đồng.
Cả lũ ra khỏi cửa hàng cúi gập người  cười rũ rượi

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

CỤ BÔ MÌNH VÀ CÔNG AN

Gia đình mình có truyền thống  nói ...đểu. Mình thì đã đành, 2 cu con học văn cực dốt nhưng nói đểu thì chả thua gì mẹ nó.
Hôm nay viết cái èn này là kể chuyện ông ngoại chúng nó, tức  là cụ bô mềnh thuở sinh thời.

Cụ bô mềnh là bộ đội. Chả hiểu thế nào mà cụ rất "dị  ứng' với các anh Công  an. (đó cũng là lý do vì sao mình từ chối xuất phu nhân Gờ đờ Công an tỉnh).
Một lần cách nay hơn hai mí năm, cụ đạp xe lạch xạch đi chơi. Mắt mũi kèm nhèm thế nào mà đi vào đường ngược chiều và thế là bị 1 anh công an tuýt còi thổi phạt. Sau đây là mẩu đối thoại giữa cụ và anh CA kia được cụ về nhà kể lại:
CA: bác đi vào đường ngược chiều rồi, bác có biết không
Cụ bô: Ủa đường này ngược chiều à, bi chừ tui mới biết, thôi để tui quay xe đi lại là xuôi chiều chớ chi.
CA: Bác không được đi, phải dắt xe lên đây để tui phạt
Cụ bô: ủa, tui quay xe lại xuôi chiều rồi răng còn phạt tui.
CA: Nhưng lúc nãy bác đi ngược chiều
Cụ bô: Ừa thì hùi nãy không biết nên tui đi ngược, chừ chú nói  tui biết nên đi lại cho xuôi chớ phạt chi nữa
CA (cáu): Nhưng không có tui đứng ở đây thì ông đi ngược chiều
Cụ bô: Ủa chú ni nói lạ ghê hè. Không có chú đứng đây thì tui đi ngược chiều chớ răng. Mà nhiệm vụ chú là đứng đường mà. Tui nộp thuế cho nhà nước, nhà nước trả lương cho chú để chú ở nhà ôm vợ con mà ngủ à.
Xung quanh bà con xúm lại coi đông, cười ầm lên làm chú Công an quê độ quá đành... thả cho cụ đi mà không dám phạt
He he
 

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

MƯA THÁNG NĂM

Nàng mạng thủy. Thiên hà  thủy. Dịch từ chữ Hán nghĩa là nước trên trời. Nước trên trời thì gọi ngắn gọn là nước mưa chớ gì nữa.
Nàng được sinh ra vào cuối tháng năm dương lịch, theo âm lịch là tháng tư. Mẹ nàng bảo tháng năm là cái tháng khốn khổ vì nắng hạn. Sau này học địa lý nàng lại biết thêm rằng, vào cái tháng năm khốn khổ đó, miền Bắc, miền Nam thì chưa đến mùa mưa còn miền Trung quê nàng thì mùa mưa cũng đã chấm dứt. Mẹ nàng cũng kể, mấy ngày trước khi nàng oe oe lọt lòng, cả Hà Nội, cả miền Bắc nóng thôi là nóng. Trong không khí hầp hập, hầm hập của buổi chiều muộn, mẹ nàng vác cái bụng to tướng, (không dám nghỉ làm nên cuối giờ chiều mới về đến nhà) ngồi vật vờ, ngáp cá ở cái vòi nước công cộng đầu phố xếp hàng chờ đến lượt hứng cái xô nhỏ vào vòi nước chảy như nhỏ giọt. Hôm nào được ai đó thương tình nhường cho thì đỡ được suất xếp hàng, còn không thì… . Ôi thôi là khổ.
Ấy vậy mà ngay buổi sáng cái hôm nàng chào đời, một trận mưa đã đời đã rầm rầm trút xuống làm thỏa thuê cả đất trời. Nằm trong buồng sinh, mẹ nàng nghe tiếng mưa gõ rầm rầm ngoài cửa sổ mà mát cả tâm can.
- Hồi đó mẹ có mong đẻ được con trai không?
-Ùi xời, cái cô cùng phòng mấy ngày không đẻ được, khóc lên khóc xuống khiến mẹ cũng lo kinh khủng, chỉ mong mày lọt ra cho nhanh, trai gái gì cũng được. Còn bố mày, ông ấy thì mong mày là trai. Ông ấy tính mày sinh vào tháng này nên bảo mẹ: “tháng này ở trong ấy khô hạn khủng khiếp, chỉ mong sao có được cơn mưa cho đã khát. Nếu con trai em đặt tên nó là Vũ nhá”. Ông ấy cứ đinh ninh mày là trai, nên chả dặn đặt tên con gái là gì. Sinh mày ra thôi thì mẹ cứ lấy ước mong của ông ấy mà đặt mày là Mưa cho xong.
- Ô hô,  bắt đền đấy bố mẹ đặt cho con cái tên nhà quê không chịu được để bây giờ mấy đứa bạn suốt ngày chê cười cái tên của con.
Nói xong, nàng rúc đầu vào ngực mẹ và biết là mẹ nàng đang cảm thấy hạnh phúc sau khi đã ném cho nàng một cái lườm yêu. Nàng cũng biết đó là niềm hạnh phúc hiếm hoi nhưng đem lại sức lực không tưởng cho người mẹ già nua gầy guộc, ở vào tuổi xưa nay hiếm mà  vẫn phải oằn lưng gánh vác chuyện đời.
***
 Mười năm trước, thành phố biển xinh đẹp này đã quyến rũ nàng ngay trong lần đầu tiên đến đây công tác. Thời gian hơn một tuần ở đây, nàng được bố trí ở tại nhà khách Tỉnh ủy vì (nói như sếp) ở đây an toàn tuyệt đối, “không có ai nửa đêm đến gõ cửa em đâu”.
Nhà khách nằm ven biển,  khá vắng vẻ, xung quanh bao bọc bởi một rừng phi lao. Nghe đâu sắp phải di dời cho một dự án resort hoành tráng nào đó nên người ta không tính chuyện sửa chữa nâng cấp lại. Những căn phòng có vẻ cũ kỹ, gạch men loại cũ đã nhiều chỗ ố vàng, đồ đạc cũng chỉ là bộ bàn ghế bằng gỗ thô mộc kiểu đã xưa lắm rồi. Bù lại dãy cửa số các căn phòng được quay mặt ra biển để đêm đêm nàng có thể mở ra để đón làn gió trong lành  thổi vào,   được ru bởi tiếng sóng biển dào dạt vỗ bờ và buổi sáng thì được hít thở làn gió mang hơi vị tanh nồng, mằn mặn mà thân thiết.
Không có ai nửa đêm đến gõ cửa phòng nàng ngoại trừ anh. Bảo vệ nhà khách là một người đàn ông mới rời quân đội (nghe đâu với quân hàm đại úy) và trong khi chờ học xong chương trình đại học tại chức đã xin vào làm bảo vệ tại nhà khách này. Nhà khách ở xa trung tâm, lại vắng vẻ nên khi thấy nàng thường thơ thẩn dạo chơi một mình từ chiều muộn cho đến tối, anh đã cười cười dặn nàng phải cảnh giác, “nếu khi nào đi một mình buồn quá thì rủ tôi đi cùng chớ đừng đi một mình nguy hiểm lắm”. Vậy nên nàng mới biết sơ qua về lai lịch của người đàn ông thường cùng nàng lang thang trong đám rừng dương hệt như một đôi tình nhân trung niên đang mơ màng tìm lại tháng ngày xưa cũ.  Đôi lúc nàng mỉm cười khi nghe anh kể những câu chuyện, thấy có vẻ xa lạ với thực tế. Cũng chẳng trách anh được bởi anh đã có hơn chục năm gắn bó với núi rừng An Khê và lại còn ở trong đơn vị bộ đội, nơi chỉ có những hiệu lệnh ngắn gọn, chính xác…
Thôi, có lẽ chẳng cần nói nhiều về người người đàn ông đầu tiên và duy nhất của nàng cũng như cái lý do vì sao trong đêm cuối cùng trước khi rời thành phố này nàng  đã  quyết định lựa chọn anh để làm một cơn mưa bất chợt tháng năm với tất cả cung bậc cảm xúc từ bản năng đến ý thức.
Nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên đầy hối lỗi của anh khi nhận ra những dấu hiệu trinh trắng của nàng, và với bản tính và ý thức trách nhiệm của anh, nàng đoán định được sau đêm ấy, có thể anh sẽ tìm kiếm nàng khắp nơi, và ra về trong thất vọng bởi vì nàng đã không hề muốn cho anh biết tên và địa chỉ thật.
***
Nàng là cơn mưa tháng năm. Niềm khao khát của đất trời cây cỏ vào những ngày khô hạn tháng năm có lẽ còn thua cơn khát của bố mẹ nàng sau gần mười năm lấy nhau mà vẫn chưa có con. Cũng chả thể trách bố nàng biền biệt nơi những cánh rừng già nào đó phía trời xa, dẫu vui sướng vô hạn khi biết vợ mang thai cũng chẳng thể ở lại chờ nhìn mặt đặt tên cho đứa con nhỏ chào đời đã vội vã lên đường đi B để rồi 10 năm sau, khi thống nhất đất nước trở về  mới cho nàng đứa em trai.
Thỏa cơn khát con của bố mẹ, nàng cũng thỏa sự hãnh diện của cả gia đình khi càng lớn càng xinh đẹp và giỏi dang. Thời đó chưa có các cuộc thi người đẹp (và nếu có nàng cũng chả đi thi) nhưng theo đánh giá của đám bạn trai cấp III cũng như Đại học thì giải hoa khôi cấp trường nàng không có đối thủ.
Ra trường, nàng được nhận ngay vào làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước và bằng sự thông minh giỏi dang của mình chả mấy chốc đã có cương vị trong hàng lãnh đạo cấp phòng. Cùng với bước đường công danh thênh thang thì tiền bạc cũng đã rủng rỉnh hơn càng tạo điều kiện cho nàng tôn vinh vẻ rạng ngời bằng các loại áo quần phục trang hàng cao cấp. Nói là cao cấp cho oai chứ so với thời hiện tại thì chả đáng. Nói chung nàng là mẫu người thuộc loại hot girl thời bấy giờ.
Lẽ tất nhiên sự thông minh xinh đẹp, giỏi dang của nàng cùng với mức thu nhập cao, ổn định là thỏi nam châm từ trường mạnh thu hút không biết bao nhiêu ánh mắt ngưỡng mộ của đám người khác giới. Nhưng ánh mắt nàng thì lại dửng dưng lướt qua tất cả …
Đơn giản nàng không muốn lại phải chạm lại cái ánh nhìn kinh khủng đã từng đeo đuổi nàng nhiều năm trời.
***
Khi mở cửa số đón ngọn gió trong lành mang theo vị biển nàng ước gì có mẹ và em ở đây để cùng mình tận hưởng những ngày sung sướng này.
Nàng cũng nhớ và thương ba mình. Ông đã ra đi vì một căn bệnh hiếm gặp và lại vào khi gia đình nàng còn quá khó khăn không thể có điều kiện lo cho ông những ngày cuối đời được sống  sung sướng. Tội nghiệp ông, nàng vẫn nhớ ánh mắt cuối cùng của ông trước khi từ giã cõi đời. Một ánh mắt ngập tràn yêu thương nhưng lại chứa đựng một nỗi vừa đau đớn xót xa, vừa như là có lỗi. Cho dù nàng đã an ủi động viên, rằng nàng tin tưởng mọi việc sẽ trôi chảy, rằng nàng sẽ lo cho mẹ và em chu đáo và chắc chắn cả nhà sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ba nàng lắng nghe những điều nàng nói, gật đầu với nàng, mỉm cười với nàng không hề nhăn mặt nhưng nàng biết tất cả những điều nàng nói với ông như thế cũng chẳng qua chỉ là những cố gắng tuyệt vọng để giúp ông kìm nén cơn đau. Nàng cũng biết nỗi đau thể xác của ông  có lẽ không thấm dữ dội bằng nỗi đau tinh thần, bởi giá mà ông có thể chịu đựng nó một mình, không liên lụy đến vợ con. Nỗi đau ấy đến có lẽ từ ánh mắt của người đàn ông dạo ấy và không ngờ sức phát tác của nó mạnh đến thế. Nó ám ảnh ông hàng đêm, đưa ông vào những giấc mộng mị  rồi đẩy ông vào bệnh viện và ông cũng biết rằng sau khi ông qua đời, cô con gái xinh đẹp của ông cũng sẽ chính là nạn nhân tiếp theo. 
Người đàn ông ấy chính là bố của người yêu nàng hôm ấy dẫn đến để ra mắt. Bố nàng ra tận cổng đón khách, nàng và mẹ tất bật trong nhà để dọn dẹp mọi thứ cho ngăn nắp hơn. Nàng đã tính bảo mẹ bế cậu em vào nhà trong nhưng thấy cậu ta còn ngủ say nên đành thôi. Nghe tiếng cười nói lao xao bên ngoài, tiếng cười ha hả của bố nàng, hai mẹ con nàng mỉm cười nhìn nhau, chắc hẳn bố đang dẫn khách giới thiệu thành quả trồng cây của mình đấy mà.
Người đàn ông, lẽ ra là bố chồng tương lai của nàng là một cán bộ nhà nước. Vào thế hệ 4x, ông cũng như bố nàng có thời gian đi bộ đội nhưng ở lực lượng  pháo binh, phòng không chứ không đi B. Ông là một người vui  tính,  quảng đại dễ gần. Mấy lần đến chơi nhà, nàng đã được nghe ông kể nhiều chuyện tếu táo hồi còn ở bộ đội.
Khi bước vào nhà ánh mắt của ông bố chồng tương lai từ chỗ có vẻ khá hài lòng với nếp nhà thành đạm sạch sẽ của nàng bỗng chuyển sang thảng thốt, sững sờ khi nhìn thấy cậu em nàng đang ngủ ngon lành. Đọc đến đây, bạn đọc chắc sẽ đặt câu hỏi rằng giấc ngủ của một đứa trẻ lẽ nào lại đem đến sự hốt hoảng như vậy. Vâng, đứa trẻ đó 15 tuổi nhưng có một hình hài co quắp, dị dạng…nó đang nằm  ngủ say, một giấc ngủ quí giá sau vài ngày bị những cơn đau co giật hành hạ. Cậu bé em nàng mang di chứng ác nghiệt của một vốc nước trong cơn khát cháy tháng năm mà cha nàng đã uống trong cánh rừng già hai mươi năm trước.
Buồn thay, cha nàng, mẹ nàng, cả nàng đã cùng lúc nhìn thấy ánh mắt hoảng hốt của người đàn ông khi ấy …
Cũng không cần phải kể thêm về những chuyện dài dòng, những ngôn từ đẹp đẽ, dịu dàng của người yêu nàng khi thốt ra cùng với lời chia tay mà nàng hững hờ nghe, hững hờ gật đầu bởi đã biết rõ kết cục ấy.
***
 Chiều xuống, nàng ngồi bên bờ biển và nghĩ … Mắt vẫn dõi theo cậu con trai nhỏ đang loay hoay xây lâu đài trên cát, nàng mỉm cười viên mãn. Con nàng chỉ cần có mẹ, chỉ cần biết về mẹ, tự hào về mẹ và như thế con sẽ luôn ở trong vòng tay bao bọc yêu thương như một cái ô luôn che chở cho con khỏi cơn mưa rào bất chợt của mùa hè nhưng vẫn để cho con cảm nhận được làn hơi nước mát rượi xua tan cái oi ả của mùa. Và anh, anh cũng không cần phải biết sự hiện diện trên đời của một đứa trẻ đã được kết thành từ một đêm mưa tháng năm của 10 năm trước.

***

Phần tác giả:
Sau gần 40 năm kể từ khi chíến tranh kết thúc, mỗi thế hệ (nói đúng hơn ở một lứa tuổi) có một cách nghĩ cách đối xử khi nghĩ về nó. Những người như cha mẹ tôi,  thế hệ 3x, 4x sẽ chỉ là những huyền thoại khi kể về những trận đánh ác liệt, những cơn đói, cơn khát quay quắt đến độ “những bước đi xiêu vẹo cả hoàng hôn”.  
Một nhà văn, như một nhà văn nào đó thuộc thế hệ 5x (đầu đời) trong lúc đang vần vò trên bầu ngực non của một cô gái bán hoa lại nhớ về chiến tranh như nhớ tên cô người yêu cũ đã hy sinh.
Đám 6x như chúng tôi, chiến tranh đã kết thúc khi chưa kịp biết nó là gì, tuổi thơ chỉ nghe người lớn chì chiết bắt phải vét cho sạch những hạt cơm còn dính trên bát (vì ngày xưa bố mẹ nào có được sung sướng như chúng mày bây giờ) rồi lớn lên, đi học đi làm… giờ chỉ biết ngồi nhìn và thầm ước gì được người ta khen là những đại gia giỏi giang như bọn 7x, 8x, thậm chí là 9x.  
  Với những người như nàng (cô gái trong câu chuyện này- ơn trời rằng tôi không phải là cô), đứa em trai dị tật là tất cả nỗi ám ảnh về chiến tranh, cho dù cậu em đã chống nạng bước qua thân xác tật nguyền của mình để bước lên đài vinh quang tôn vinh những hiệp sĩ thông tin. Cái kết cục Hiệp sĩ thông tin cho cậu em tật nguyền của nàng là theo gợi ý của cậu con trai nhỏ của tôi khi nó đọc bản thảo và thở dài bảo: mẹ ơi sao mẹ lại để cho chú ấy là một thân hình co quắp bầy nhầy như thế, thật buồn quá đi. Con đã thấy những người có tật cũng đã trở thành những hiệp sĩ thông tin như anh Nguyễn Công Hùng vậy.
Ôi cậu con trai bé nhỏ, “Hiệp sĩ thông tin” mà con mong muốn là một mầm non nhân văn đã lớn lên trong tâm hồn con, nó cũng chính là cái khung  mạ vàng với nỗ lực làm sáng lên bức tranh với những gam màu xám xịt buồn đau của gia đình nàng. Nhưng con ơi, dẫu có bước lên đài vinh quang hay chỉ là một thân hình co quắp dị dạng thì cậu em trai vẫn là sự hiện diện xương thịt của chiến tranh, của tội ác và nó man rợ ở chỗ là đã biến những người yêu thương nhau không đến được cùng nhau, những đồng chí đồng đội không thể thông cảm cho nhau, những người cha người mẹ luôn cảm thấy có lỗi với con mình trong khi lẽ ra phải là điều ngược lại. Tất cả họ luôn bị ngăn cách với nhau bởi sự ám ảnh của tấm màn vô hình mang tên di truyền…

BẬN

Không phải nói dóc chứ ở cái cơ quan này ai mà nói với mềnh là :"dạo này anh/chị/ tớ bận lắm" thì mềnh phải quay đi giấu một nụ cười đểu.
Hồi trước quản lý cả cái tỉnh to đùng có gần 20 mạng chuyên viên đã chả nghe ai nói bận
Bi chừ gần trăm em chuyên lo tham miu mọi sự từ miếng đất rẻo lên đến cái cống hôi, bận ơi là bận
Bận là khi không sắp xếp được mọi thứ cho khoa học, công việc phân công không được đâu vào đấy
Bận là khi việc người nọ chồng qua người kia mà không phân định được, dẫn đến chồng chéo mâu thuẫn rồi phải đi giải quyết chuyện chồng chéo mâu thuẫn đó .
Bận là khi phải tỏ ra mình là người rất chi là quan trọng để đến nỗi không mần được mấy chuyện mà mình cho là bình thường khác, để tỏ ra mình VIP hơn mấy thèn mình cho là bình thường khác.
Bận là khi mần những chuyện không rõ ràng, minh bạch rồi tới khi có ai thanh tra, kiểm tra đến thì cuống lên lo đối phó giải nọ trình kia...thậm chí là bận đi nhậu với họ để ... mong thông cảm.
Bận là khi không có đủ trình độ thực sự để giải quyết công việc cho ổn, hay nói đúng  hơn là ngồi nhầm chỗ để làm những việc quá sức mình, mà mình cứ tưởng thế là oai...
Việc nhà mình có mấy ai kiu bận đâu, vì thiên hạ cũng không cho đó là cái quan trọng để phải kiu bận. Mềnh thì lại khác. Rằng em  bận ở nhà rửa đ.. cho cụ bô, không ai thay được. Rằng em phải dạy con học thi, không ai thay được...Thậm chí em đang bận ngồi nhậu với mấy người bạn tâm giao, không đi được...
Được bận vì gia đình, vì chồng vì con, vì bạn bè thân thiết là cái bận chính đáng nhất của mỗi con người mà nhiều người lại quên
Còn kiu bận chuyện cơ quan, chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi để đối phó, để tỏ ra mình quan trọng ...
Nói thế chứ hôm nay mềnh cũng đang kiu bận với thèn em con cậu, không về dự đám giỗ ông ngoại mình  được. Ấy là mình nói dối để tránh một chuyện khó xử trong gia đình khi phải lựa chọn hoặc về nhà nó hoặc về nhà mẹ nó. Hơ hờ

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

VIẾT CHO TÍT TRƯỚC NGÀY THI ĐẠI HỌC

Ngày mai cu Tít sẽ lên “đoạn đầu đài”. Nếu việc thi tốt nghiệp theo như lời Tít nói “chả nhẽ lại không đỗ” thì giờ đây Tít sẽ phải đối mặt với một cánh cửa hẹp, rất hẹp (tỷ lệ 1/14, và phải ít nhất phải vượt qua 777 thí sinh khác để đứng  thứ 60) mới có thể bước chân vào trường Đại học chính quy.
Bảo mẹ không hy vọng gì ở Tít thì thật quá đáng, nhưng với trình độ khá “phọt phẹt” của Tít (theo đánh giá của mẹ) thì …tỷ lệ thi đỗ của Tít là 5%.
Nói vậy nhưng mấy ngày nay thấy Tít học căng thẳng quá mẹ cũng thương. Nên tỷ lệ đó có tăng lên chút ít. Nếu Tít đậu ĐH thì coi như bỏ nhận định này nha Tít.
Ngày hôm qua, Tít cũng làm cho mẹ “choáng” 2 phát
Phát thứ nhất là mới được thực mục sở thị các bức tranh Tít vẽ. Theo chuyên môn oánh giá thì thể nào cũng lòi ra một số nhược điểm nhưng đối với mẹ thì Tít thuộc hàng “sư phụ” của mẹ. vì Tít vẽ mà mẹ nhận ngay ra rõ ràng đó là quả na hay quả thanh long, chai rượu hay chai nước mắm. He he, nói thiệt là mẹ khen thật chứ không phải khen đểu đâu.
Phát thứ hai liên quan đến chuyện bác Hai. Hôm rồi gặp bác Hai, bác đang sương sương nên cá độ rằng anh cu Định sẽ cao điểm hơn Tít trong kỳ thi này. Hồi đầu, mẹ cũng không dám cá cược gì nhưng sau thấy bác ý hăng tiết vịt quá nên mới bảo: em cá cu Định không vượt qua được điểm sàn.
Về nhà, mẹ kể lại chuyện ấy với mong muốn “kích động”  tinh thần quyết tâm của Tít. Không ngờ nghe xong, Tít phản pháo ngay: “Ơ mẹ buồn cười thật. Anh cu Định cũng là con cháu nhà mình sao mẹ lại trù ẻo anh ấy không đỗ đại học”.
Mẹ khựng ngay người lại nhận ra Tít nói đúng, nhận ra ngay cái vô duyên, tàn nhẫn của mình cho dù chỉ là vui miệng. Nhưng điều mẹ nhận ra rõ hơn cả là,Tít đã lớn cũng như Tít đã nhận thức được tình cảm và trách nhiệm đối với cuộc sống.
Hôm nay trên facebook, cô bạn mẹ viết: Phụ nữ, sau khi có con thì trở nên khoan dung hơn, can đảm hơn, có thể chấp nhận và chịu đựng nhiều chuyện dù đau đau đớn khổ sở thiệt thòi đến mấy, miễn sao con mình biết sống yêu thương và được thương yêu, phải không nhể chị ”. Cho nên mẹ rất mừng thấy Tít đã biết sống yêu thương.
Có thể Tít sẽ đứng hàng thứ 61 hay đứng thứ 837/837 hồ sơ dự thi để không gõ nổi cánh cửa vào trường Đại học nhưng điều quan trọng là Tít của mẹ đã lớn và đã biết yêu thương để vững vàng bước chân vào trường Đại học cuộc sống con ạ.