Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

SÂM CẦM NGƠ NGÁC


Có lẽ đến bây giờ tôi mới hiểu sâu sắc vì sao Vũ lại đặt cho tôi cái tên “sâm cầm”
Gần hai mươi năm, kể từ ngày chúng tôi cùng ngồi bên bờ Hồ Tây vào một chiều cuối thu - đầu đông, lãng đãng heo may, Vũ đã gọi tôi như thế với cái nheo mắt hóm hỉnh. Tôi mỉm cười, cảm thấy cái tên ấy thật  phù hợp không gian lãng mạn quanh mình. Dù rất lơ mơ hiểu biết về sâm cầm nhưng ai có thể từ chối được một “biệt danh” mang ý nghĩa về một loài chim quý (như lời giải thích của Vũ), một loài chim tượng trưng cho mùa thu Hà Nội như chim én tượng trưng cho mùa xuân vậy. Khi tôi hỏi anh về sâm cầm, những câu giải thích sau đó của Vũ lại càng cho tôi tin tưởng rằng mình đã nhận được sự trân trọng nâng niu từ anh.
 - Em biết không. Sâm cầm là một loài chim sống ở phương bắc lạnh lẽo chỉ về phương nam tránh rét mỗi độ cuối thu. Ở phương bắc, sâm cầm chỉ ăn sâm, sâm cầm có nghĩa là chim sâm đó mà. Vì  thịt chim rất bổ dưỡng nên ngày xưa các vua chúa nhà Nguyễn có lệ sai bắt sâm cầm để cúng tiến hàng năm nữa. Còn bây giờ, các quan chức cũng đua nhau mua sâm cầm để dầm rượu uống       
- Thảo nào mà sâm cầm càng ngày càng ít đi anh nhỉ.
- Ừ cái gì càng ít thì lại càng quí em à. Giống như em vậy.
Lại một cái nheo mắt hóm hỉnh nhìn tôi đang thả hồn mơ màng theo những con sâm cầm bay vào chiều cuối thu lãng  đãng mờ sương
***
Tôi xa Hà Nội, xa Vũ, xa cả  giấc mơ sâm cầm buổi cuối thu…
Khôi, chồng tôi bây giờ là người miền Trung hiền lành cục mịch, khác hẳn những anh chàng Hà Nội gốc lém lỉnh, hoạt ngôn. Anh chả hề hay biết gì về loài sâm cầm cũng như cái biệt danh mà tôi đã cố tình cất giữ kỹ càng trong ký ức và phủ lên đó một lớp bụi thời gian. Miệt mài với công việc giảng dạy tại một trường đại học, Khôi là người chuyên tâm vào khoa học. Mọi thứ anh nghĩ, anh làm đều phải dựa vào những cứ liệu khoa học xác đáng. Cuộc sống của chúng tôi khá hơn nhiều so với những ngày trước đây, khi mức lương giảng viên bèo bọt của anh khiến chính anh cũng phải thở dài xót xa khi nhìn thấy tôi ngồi gỡ từng miếng nạc trong mớ cá liệt (long hội-lôi họng) để đút cho con ăn. Khôi đã hể hả (hể hả một cách hồn nhiên) đưa về cho tôi những xấp tiền thù lao dạy thêm tại chức và gia đình tôi đã khá lên trong sự vun vén của cả hai vợ chồng. Còn tôi, luôn bằng lòng với công việc của một công chức nhà nước ba cọc ba đồng nhưng nhàn tản, dễ chịu (cũng cần nói thêm là nếu bạn đừng quá bận tâm với những chuyện chức quyền). Giờ đây, sự quan tâm lớn nhất của chúng tôi là dành cho hai cậu con đang đến tuổi trưởng thành.
Nói cho đúng, tôi không thể quên Vũ, cũng như không thể quên được cái biệt danh sâm cầm độc đáo kia.
Di động của tôi có một số máy mang tên Sâm cầm. Đó là số máy của Vũ. Số máy đó chỉ hiện lên 2 lần trong khoảng thời gian gần 10 năm kể từ ngày tôi có chiếc máy điện thoại di động đầu tiên và nó như là một trong những số máy đầu tiên được lưu cố định trong Sim. Cuộc gọi đầu, Vũ muốn tôi xác nhận về số máy của mình . Trong khi tôi rất ngạc nhiên chưa kịp hỏi vì sao tôi mới dùng máy di động này có mấy ngày mà Vũ đã biết thì anh đã cười (tôi đoán là kèm thêm một cái nháy mắt nữa) bảo: “em lưu số máy này của anh và đừng đổi số máy nhé. Hẹn gặp em sau” rồi cúp máy.
Cuộc gọi thứ hai đến sau cuộc gọi đầu những mấy năm, khi mà tôi đã quên rằng trong Sim của mình còn lưu số máy của Vũ thì lại hiện lên chữ “samcam”. Vũ nói tên một nhà hàng bậc nhất của thành phố tôi ở và bảo tôi đến chơi trước khi anh ra sân bay về Hà Nội. “Anh mời cả chồng em đến nữa nhé”. Hôm ấy là buổi chiều đầu tháng 10 cuối thu, đầu đông, hơi se lạnh và lất phất mưa.
Vợ chồng tôi bước đến nhà hàng, chưa kịp hỏi thăm thì một cô gái tiếp tân xinh đẹp đã bước đến cúi chào: “ Anh Vũ, Tổng giám đốc, mời anh chị vào phòng VIP ạ, xin anh chị đi theo em.”
“Tổng giám đốc, phòng Vip…” Những câu nói của cô nhân viên khiến tôi bất giác nhìn lại mình. Một bộ quần áo xám hơi cũ, một chiếc khăn quàng cổ (vật bất ly thân bảo hiểm cho cái họng hay bị viêm vào những khi thời tiết giao mùa), bên cạnh là ông chồng với cặp kính cận dày cộp …khiến tôi đánh mất một nửa sự tự tin vốn có. Thôi lỡ rồi, tôi chặc lưỡi, cố lấy lại sự bình thản bước nhanh qua một lối đi hai bên đầy hoa cỏ.
Vũ ra tận cửa đón vợ chồng tôi vào bàn và vui vẻ giới thiệu chúng tôi với những người bạn anh: “Đây là vợ chồng cô bạn gái của anh hồi đại học”. Câu chuyện chung ban đầu hơi tẻ nhạt mang tính chất xã giao nhưng sau đó đã sôi nổi hẳn khi xoay quanh đề tài qui hoạch, kiến trúc thuộc chuyên ngành giảng dạy của chồng tôi. Cũng nhờ đó tôi mới biết Vũ đã là Tổng giám đốc một công ty chuyên về bất động sản và đang có những dự án lớn đầu tư tại thành phố quê tôi
Được hơn một tiếng, chồng tôi xin phép về trước để chuẩn bị cho tiết dạy buổi tối và được Vũ hóm hỉnh hứa sẽ “đưa "tù binh" về nhà không thiếu một cọng lông”. Lát sau, mấy cậu bạn cùng bàn cũng ý nhị rời bàn với nhiều lý do. Căn phòng sang trọng chỉ còn hai chúng tôi với chiếc ti vi đang bật lên những giai điệu nhạc dành cho karaoke.
- Người ta đối xử với em không tốt lắm phải không ? Vũ phá tan im lặng giữa hai chúng tôi bằng một câu hỏi và kèm theo đó tôi đã thâý khuôn mặt anh rát rạt bên má mình?
- Ai cơ ạ? Chồng em tốt lắm mà. Tôi giật mình, né ánh mắt và khuôn mặt của Vũ.
- Anh không nói cuộc sống gia đình của em. Anh nói đến công việc của em.
- Công việc của em thì bình thường thôi mà.
- Không bình thường đâu. Với trình độ, khả năng của em, nếu em ở ngoài ấy với anh thì bây giờ em đã có một vị trí xứng đáng…  
Chúng tôi ngồi với nhau khá lâu, tôi ngạc nhiên khi Vũ đã biết hết những chuyện cơ quan, chuyện công việc, chuyện gia đình và cả những chuyện rắc rối gần đây của tôi. Vũ cười với tôi vẻ cảm thông và nói nhỏ
- Anh thật ngạc nhiên vì cho đến giờ em vẫn là một chú chim sâm cầm ngơ ngác. Ngơ ngác thật đấy. Nếu là người khác thì anh sẽ không tin những điều mà họ nói đâu.
Thấy vẻ hoài nghi của tôi, Vũ cười nói:
- Đây này, anh chỉ ví dụ cho em thấy một chuyện nhỏ mà em kể thôi nhé. Em bảo thằng con em chỉ thiếu 1 điểm nữa để vào trường loại 1 đúng không mà em thừa khả năng để xin cho nó nhưng em đã không xin vì em muốn cho nó phải “trả giá” cho việc học hành không ra gì, đúng không? Trong chuyện này anh không nói là em đã sai,  nhưng chỉ là về lý thuyết thôi em ạ. Nhưng nếu anh là chồng em và giả thử hồi ấy nếu em xin cho con vào trường tốt thì có khi anh sẽ đỡ được hai mối lo: thứ nhất là lo tương lai của con khi ở môi trường học tập không tốt, và  hai là nỗi lo rằng nó lớn lên với tâm lý mẹ không quan tâm và không yêu nó em à. Em thấy cái nào là quan trọng hơn. Đấy là anh chưa kể đến chuyện người ngoài người ta sẽ coi thường em, “cô ấy làm ở chỗ ấy mà không xin được cho con…”
- Em không quan tâm đến họ nghĩ gì, em chỉ muốn làm điều mà em cho là đúng thôi…   
- Em vẫn bướng bỉnh chả khác ngày xưa…
Rồi Vũ với tay lấy cái điều khiển chọn bài trên ti vi…
- Anh sẽ tặng em bài Nhớ mùa thu Hà Nội nhé: “… chiều thu hồ Tây ….bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời …”
Hát đến đây, Vũ nhìn tôi bảo: 
          - Em có còn mong được vỗ cánh mặt trời không hả cô bé? 
Cuối buổi, Vũ chỉ tay vào một hộp lớn và bảo:
- Đây là bình rượu ngâm sâm cầm rất quí, rất bổ, anh phải thuê người lùng mãi mới săn được. Anh nhờ em ngày mai đem đến cho anh A. Chủ tịch hộ anh, nói là anh bận quá không đến được. Em giúp anh được chứ ? À mà này, nhớ diện đèm đẹp chút nhé.
Tôi đem bình rượu về nhà, sáng hôm sau thức dậy thấy Khôi đang ngắm nghía cái bình rượu của Vũ nên giải thích:
- Của Vũ nhờ em đem biếu sếp. Rượu ngâm sâm cầm đấy, bổ lắm.
- Sâm cầm à? Có phải là con chim trong bài hát “ sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” không nhỉ?  Khôi hỏi lại.
- Đúng rồi đấy. Loài chim này sống ở bên Hàn Quốc chuyên môn ăn sâm nên thịt nó bổ lắm. Hồi xưa vua quan toàn bắt người ta nộp cống sâm cầm đó.
- Em bảo con chim này ăm sâm à? Chồng tôi mân mê cái lọ vẻ hoài nghi. – Anh thì nghĩ không phải, em có thấy con này chân nó có màng không, vậy thì làm sao nó có thể bới củ sâm lên mà ăn được. Có khi nó chỉ là một con le le hay vịt nước ở quê anh có đầy chớ sâm cầm chi. 
Ờ nhỉ, sao tôi lại không nhận ra điều này, mà tôi có bao giờ biết con sâm cầm là như thế nào đâu. Nhưng, thôi, tôi quay sang gắt nhỏ:
- Anh buồn cười thật, anh Vũ là dân Hà Nội gốc, nhà anh ấy ở gần Hồ Tây, anh ấy bảo thế thì chắc là đúng thế. Với lại của anh ấy đi biếu người ta thì kệ họ. Mình quan tâm làm gì.  
***
Hồi ấy, ngoài những lý do về hoàn cảnh gia đình, về nỗi mặc cảm là dân miền Trung nhọc nhằn, còn một điều mơ hồ về Vũ khiến tôi đã bỏ lại anh và Hà Nội sau lưng để về quê.
Vũ có thể được coi là một hình mẫu lý tưởng cho những cô gái trẻ như tôi vào thời giữa những năm 80. Cao to, đẹp trai anh có cái vẻ phong trần nhưng lịch lãm của người Hà Nội gốc. Xe máy (hồi ấy chỉ có loại xe Cúp Hon đa là nhất) anh thường làm đám bạn gái tôi ghen tị mỗi lúc thấy anh đến trường đón tôi đi chơi. Vũ học năm cuối Đại học Kiến trúc. Anh bảo anh quyết tâm “tấn công” tôi bằng được ngay lần đầu tiên thấy tôi trên sân khấu làm MC cho chương trình giao lưu giữa hai trường Đại học.
Không thể nói là tôi không xốn xang trước Vũ nhưng tôi tự biết tính mình ngang bướng, khó chiều, đã thế lại luôn đa nghi trước những chàng trai có vẻ ngoài bắt mắt mà tâm hồn rỗng tuếch, rồi bao lũ bạn gái đã cho tôi những bài học kinh nghiệm đau đớn trên tình trường của chúng khiến cho tôi luôn biết kìm nén trái tim mình.
Có thể biết con đường chinh phục trái tim tôi không dễ dàng bằng vật chất hoặc những lời nói hoa mỹ, Vũ đã chọn cách “mưa dầm thấm lâu”, rủ các bạn tôi và tôi đi chơi đây đó, sau đó là rủ tôi cùng anh lang thang những đình chùa, miếu mạo, những thắng cảnh gần Hà Nội vào những ngày chủ nhật mà chúng tôi được nghỉ. Vũ giải thích là để lấy tư liệu cho đồ án tốt nghiệp của anh. Trong những lúc lang thang như thế, anh tỏ ra là một người có phong cách cư xử nhẹ nhàng, chu đáo, lịch sự nên đi với Vũ tôi cảm thấy rất yên tâm. Với nhiều người chúng tôi đã là “một cặp trời sinh”   
Có lẽ tôi cũng đã ngã vào vòng tay của Vũ nếu không có một lần nọ…
Tối hôm ấy, tôi đi học thêm ngoại ngữ trở về bằng xe đạp. Vũ đã đến chờ tôi bên ngoài. Biết tính tôi không thích phụ thuộc nên anh đi xe máy chầm chậm ngay bên cạnh vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ.
Bỗng chốc, một đám con gái  đi xe đạp vượt qua phía bên phải tôi và khi chao tay lái, xe tôi đã mắc vào bánh sau xe đạp của một cô gái làm tôi lạng quạng ngã nhào. Vũ lo lắng, dừng xe chạy lại đỡ tôi dậy. Biết tôi không sao, anh dắt xe, đưa tôi vào lề đường và dặn tôi đứng  đó chờ. Lát sau Vũ quay lại hí hửng bảo tôi:
- Anh vừa cho chúng nó một trận, cho chúng nó hết nhí nhố với em.
- Anh làm thế nào?
- Anh tông xe vào chúng nó
- Chết, sao anh lại làm thế? Nhỡ ai biết được người ta báo công an thì sao?
- Em yên tâm, anh đã có cách đối phó. Đơn giản là không ai được phép động đến một sợi lông của người anh yêu…
Tôi im lặng đi bên cạnh Vũ, cảm thấy một sự ngột ngạt khó tả.
Sau đó, tôi đã nhìn Vũ với đôi mắt khác. Tôi không thể nêu lý do để chia tay với Vũ bởi dù sao đó cũng chỉ là những cảm nhận mơ hồ của tôi về sự ích kỷ của anh. Khi gọi đó là sự ích kỷ, có vẻ như tôi đã nặng lời, nhất là khi đem so sánh với những điều anh  đã làm cho tôi, vì tôi. Nhưng nếu không nghĩ như thế tôi sẽ khó lòng có thể dứt bỏ anh được.    
****
Ít lâu sau ngày tôi đem món quà rượu sâm cầm Vũ đưa lên biếu sếp, tôi đã được sếp gọi lên và đề nghị tôi làm thư ký cho ông. Sau đó chỉ một thời gian ngắn tôi đã được đề bạt làm Phó chánh Văn phòng. Dù có hơi ngạc nhiên vì tại sao mọi việc có vẻ hanh thông như thế khác hẳn với những qui định và thủ tục thường thấy, kể cả thái độ của những người trước đây luôn xét nét nhìn tôi bằng đôi mắt nghi ngại, thì nay lại nói về tôi với những lời có cánh. Nhưng tôi cũng không hề nghĩ rằng có mối liên hệ gì giữa món quà của Vũ với việc này.
 Thật ra những công việc mà tôi được giao rất phù hợp với chuyên môn sở trường của tôi và vì vậy trong vai trò này tôi có thể tự đánh giá là mình làm khá tốt.  Tôi càng tin hơn rằng cuối cùng người ta đã nhận ra được chân giá trị của tôi và đã biết sử dụng người một cách đúng chỗ. Tôi cũng đã tin và tràn trề hy vong một ngày nào đó sẽ vươn xa đến một vị trí mà theo như người ta bảo: “khó có ai xứng đáng hơn chị”.
Trong một cuộc họp giao ban hàng tuần, khi thảo luận đến dự án đầu tư của công ty X. tôi đã  nêu ý kiến cho rằng không nên giao dự án này cho công ty đó bởi lẽ đây là một vị trí đẹp, giáp ngay bờ biển gần trung tâm thành phố nên để làm khu vực bãi tắm công cộng cho dân. Hơn nữa, công ty X. đã có nhiều dự án đầu tư nhưng hình như họ dây dưa, không khởi công, tôi cũng cho rằng họ là những nhà đầu cơ đất và ngờ rằng họ đang cố tình kéo dài thời gian để bán lại dự án. Sau khi tôi nói xong, cả cuộc họp không có ý kiến gì cả. Câu chuyện này tôi cũng dần quên vì thực ra không thuộc lĩnh vực mình phụ trách
Bẵng đi một thời gian, một tờ báo trung ương  bỗng dưng đăng tin về hàng loạt những vụ việc liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất ở tỉnh tôi, trong đó có dự án công ty X. đang thực hiện tại bãi biển. Trong bài báo, không hiểu phóng viên khai thác ở đâu ra ý kiến của tôi đã phát biểu về việc đề nghị không đồng ý cho dự án này. Rồi một loạt những báo khác cũng đăng thông tin và có báo đã đến trực tiếp phỏng vấn tôi như một người có ý kiến trái chiều về chuyện này. Dù rất cẩn trọng trong chuyện phát biểu với giới báo chí nhưng tôi vẫn bị họ xáo xào những lời nói của mình theo hướng của họ và những chuyện phiền toái đã đến với tôi như một kết cục không thể khác. Rồi tự dưng tôi trở nên như một nhân vật “dám nói dám chịu trách nhiệm” trong bối cảnh nhiều chuyện rắc rối về đất đai đã trở thành tâm điểm của dư luận. Không biết bên ngoài họ hiểu về tôi thế nào nhưng ở cơ quan tôi đã nhận thấy nhiều ánh mắt nghi ngờ của sếp và đồng nghiệp. Tôi không thể thanh minh mọi chuyện cho mình bởi có nói gì đi nữa thì người ta cũng cho là khác. Một cậu nhỏ thuộc loại đệ tử của tôi chả biết nghe ngóng ở đâu rỉ tai tôi nói rằng: “Hôm nọ các sếp họp có đặt vấn đề tại sao chị không nhận phần đất của Công ty X. bố trí, người ta đang nghi chị chơi lật kèo gì họ đó. Chị lo mà cẩn thận”   
Giữa lúc mọi sự đang rối beng thì tôi lại nhận được điện thoại của Vũ. Thêm một lần ngạc nhiên khi anh nói đã biết mọi chuyện rắc rối. Nhưng những điều anh nói sau đó đã khiến tôi choáng váng:
- Anh không ngờ em vẫn còn ngu ngơ như thế. Chả nhẽ em không biết Công ty X. chính là con của Công ty anh à? Mà em cũng đừng tưởng rằng tự nhiên em lại được lên chức lên quyền như thế là do năng lực trình độ của bản thân. Tất cả, tất cả là do anh đã dàn dựng cho em, làm cho em đẹp mặt. Vậy mà bây giờ em lại trở mặt chống lại anh. Anh thật không còn hiểu em ra làm sao nữa         
***
Tôi cay đắng nhận ra. Thì ra tôi cũng chỉ là một con sâm cầm ngâm rượu. Một con sâm cầm mà Vũ biết rõ nó chỉ là một trong những giống loài le le vịt nước bình thường nhưng đã được người đời tô vẽ bằng những huyền thoại để biến nó trở nên quí giá. Vũ đã thành công trong công cuộc làm giàu, thành công cả trong việc chinh phục những đỉnh cao quyền lực nhờ vào việc biết cách hiến tế những con sâm cầm đã được khoác lên những lớp áo của huyền thoại để tạo dựng những mối quan hệ cần thiết. Chỉ có những người như Khôi, đã nhận ra cái chân có màng của những con sâm cầm nhưng anh chỉ đơn thuần là một nhà khoa học, không tham gia vào chuyện chính trị chính em, chỉ có tôi là kẻ ngu ngơ suốt đời ngơ ngác trước những quan  hệ đầy toan tính vụ lợi …        
Tôi thở dài cầm lá đơn xin thôi việc lên gặp Chánh Văn phòng...
 Sâm cầm lại thêm một lần nữa ngơ ngác…

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

CHỒNG

Hum qua viết èn Tổng kết blog, tự hứa rằng thôi chấm dứt cay cú nanh độc (một cách tự làm khổ mình) để lãng mạn hơn. Nhưng chuyển từ trạng thái này sang trạng thái đối nghịch cũng không đơn giản, phải nên có một bước đệm. Tự dưng hôm qua, ngủ không được, nghĩ đến chuyện viết entry cho đồng chí chồng.
Theo tướng số học thì rõ ràng mềnh và chồng chả hợp nhau tẹo nào. Chồng mạng Thổ, mình mạng Thủy, nước thì làm trôi đất, đất thì đắp lên cao chặn nước (truyền thuyết Sơn-Thủy tinh đó). Nhưng thầy cũng bảo là mạng chồng mình là  Bích Thượng Thổ (đất vách nhà) còn mình là Thiên Hà Thủy (nước trên trời- nước mưa), mưa thì cố lắm cũng chỉ làm ướt vách đất thôi chớ không làm hỏng được. Chính vì vậy mềnh và chồng vẫn “chịu đựng” nhau suốt gần  hai chục năm nay, thỉnh thoảng cũng có bong tróc ngấm ẩm tí chút nhưng cũng không đến nỗi sập tường. Hè hè
Thầy cũng phán, mà không đợi thầy phán, mềnh cũng nghiệm ra rằng hễ chuyện chi hai đứa mềnh cùng quyết thì bể tè le, cho nên tốt nhất việc ai người đó mần, không xỏ xen vô chuyện của nhau.
Một hôm, tự dưng chồng cười hí hí (rất trái tính cách ngày thường) bảo: anh buồn cười quá vì em bảo anh là “cái máy làm tình làm tiền của mình”. Hờ hờ, cái này mềnh nói "đểu" cho hội cầu lông buổi sáng nghe làm cả hội cười vật.
Không chỉ là cái máy nớ thôi, mềnh thấy chồng còn như một cái phanh cho chiếc xe ô tô “điên” đang hung hăng lao xuống dốc (là mềnh); chồng còn là gáo nước lạnh dội vào cái đầu có quá nhiều những thứ bỏng giẫy là mềnh; chồng là một cánh cửa ở phía sau lưng mềnh sẵn sàng mở ra cho mềnh một lối thoát mỗi khi ở phía trước mặt bị vây hãm;  không có chồng phía sau thì đố dám to mồm, gầm gào, hung hăng như những ngày trước đây?
Mình đối với chồng không tệ, được chồng iu quý nhưng mà hình như mình chả phải là bà vợ tốt lắm. Sống với mình, lão ấy phải quen với việc mặc giản dị (nói cách khác là lôi thôi), ăn không ngon, nhà không sạch, không ngăn nắp, lại bị nghe “tra tấn” vì tội lắm mồm của vợ, mà tòan chuyện ất ơ chả đầu chả cuối, rồi cái tính tình “xác cô hồn cậu”…  nói chung là phải chịu đựng.
Chồng mình cũng quen rồi, nên nếu thiếu mình hình như cũng nhớ.
 Mấy hôm vừa rồi lăn lóc với bà già ở bệnh viện. Tự dưng một khuya thấy tin nhắn của chồng: “em ơi anh nhớ em quá.” (câu này đang nghi là nhắn lộn đứa nào) . Tiếp là câu sau:  “Sau này lỡ em chết trước thì anh làm sao sống một mình được” (biết ngay là nói về vợ ) Chả biết nên cười hay nên khóc.  
Má mình ra viện. Để an ủi chồng, mềnh tuyên bố: “từ hôm nay, em ngủ ½ đêm với má, còn ½ đêm với anh nhé”. Chồng mềnh cười thiểu não: “nửa trước hay nửa sau hả em?” . Nói rứa cho nó có tình chớ  từ hôm bà về nhà tới giờ vẫn chưa thực hiện được lời tuyên bố ấy.  
Cái èn này là một thứ gạch nối giữa hung hăng và lãng mạn (dù hình như nó chả có cái gì thuộc về cả hai loại này) có được không nhỉ? Nhưng nó nhẹ được cái đầu

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

TỔNG KẾT BLOG CUỐI NĂM 2011

Cuối năm đọc lại mấy bài trên blog của mình, thấy
Năm 2009: Đầu năm hăm hở, cuối năm buồn
Năm 2010: Chán chường, mệt mỏi, buồn bã ...như một tiếng thở dài
Năm 2011: Hùng hổ, hung hăng, cay cú ...như những tiếng gầm gừ
Năm 2012: Chủ nghĩa lãng mạn có vẻ như đang manh nha từ cuối năm này đây...
Chả biết có lãng mạn nổi không khi mà sắp tới đang đối diện với những biến động về tổ chức.
Thật ra cũng không cần cố mà lãng mạn, chỉ cần nghe nhạc Trịnh thấy yêu đời ngay
Cứ lấy ngày 1.1.2012 để bắt đầu cho "công cuộc đổi mới" nhé
Nghe nói ngày 21.12.2012 là tận thế, chả biết còn được bao nhiêu ngày nữa để mà lãng mạn nhỉ?

CỐT BẦN

Sáng nay con bạn ở HP chat vào mắng xơi xơi: “sao mà mày khổ thế hả con?”
“khổ bao giờ? Tao sướng hơn chúng mày ngàn lần ấy chứ” mình gân cổ lên cãi.
 “Sướng gì cái con hà tiện như mày.  Mày hà tiện nó vừa vừa thôi nhé. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Quần áo chả có cái nào ra hồn. Nhà to không ở, đi ở cái nhà rách. Điện thoại thì phập phà phập phù, nay hỏng mai hóc…Hở ra là cứ tiền, tiền, ghét không chịu được”.
Nó mắng được một lúc lại bảo: “tao thương mày lắm mày có biết không”. Nó chat thế nhưng nếu ở ngòai thì là nó đang chảy nước mắt đó, mình biết.
Hôm trước nó chat kể chuyện nó đi đánh móng chân, móng tay về bị ông xã nó vặn vẹo, tức lắm, rồi hỏi mình xem lão chồng mình có thế không. Mình bảo nó “tao có đánh móng chân móng tay bao giờ đâu mà biết”. Nó cụt hết cả hứng, mắng thêm một trận cái tội phọt phẹt, hà tiện rồi thôi.  
Nhiều người gặp cứ hỏi: chị có cạc không, cho em một cái. Bảo không có, thì lại nghe nguýt dài: Giám đốc gì mà không có lấy cái cạc. Rút kinh nghiệm, lần sau ai hỏi thì cứ giả vờ bảo để quên ở nhà rùi cho họ hết hỏi. Cạc với chả cạc
Mình là người thoải mái nên nếu cứ bắt đóng bộ com pờ lê là thấy khó chịu ngay. Giá cơ quan cho mặc quần lửng, áo thun đi làm thì mình khoái phải biết. Từ lâu rồi có thói quen lục kiếm đồ bành, đến độ cái cô bán đồ bành quen gu, cứ có đợt hàng mới xổ là lục tìm đem đến cho mấy cái “mặc được thì lấy, không thì trả cho em”. Đã thế lại còn tỏ vẻ khoái chí khi nghe họ đặt biệt danh “người mẫu …đồ bành”.   
 Giải thích với bạn bè: tao là xác cô, hồn cậu, cốt bần. Giờ có ở nhung lụa bạc vàng cũng chỉ quần đùi, áo cánh là thấy sướng. Quan trọng là mình thấy mình sướng, chớ  như người ta ăn ngon mặc đẹp đã chắc gì là sướng. Lý thuyết thế thì họ nói đầy (mà mình cũng thấy mình y như lý thuyết) nhưng nói ra chỉ tổ họ ghét thêm.
Giải thích với cu Bống: “mẹ không son phấn nên mẹ …rửa mặt được nhiều lần trong ngày hơn, nên mẹ …ít bị mụn hơn. Còn mấy cô kia son phấn nhiều quá, khó rửa mặt nhiều như mẹ.” Trẻ con ấy mà, nghe mẹ nói thế thì tin thế.  
Khi cho đến cái điện thoại thứ 3 vào …máy giặt (để ở chế độ giặt ngâm nữa chứ) thì thèn cu em kết luận: bà đại gia quá thành đa …dại. Hừm. Thế là bảo đồng chí xã mua cho em cái ĐT vài trăm thôi, nhỡ có cho vào máy giặt hay mất cũng đỡ tiếc. Rồi mang tiếng đại gia mà hà tiện.  
Nhà có xe máy Piagio hẳn hòi, nhưng khoái nhất là đi cái xe cuptum đời 90 của ông ngoại để lại bởi đơn giản là muốn vứt đâu cũng được, lại khỏi phải lăn tăn chuyện đổ xăng.
Nói thiệt (mà họ không tin) là trong nhà, khi cần khoảng độ dăm triệu là gãi đầu gãi tai vặn vẹo ngay. Cũng có lúc cầm trên tay tiền chục triệu, trăm triệu nhưng toàn là có kế hoạch lớn làm nhà, sửa nhà hết cho mình thì  nội ngoại, mồ mả, bà con… Nhưng sướng cái là chả bao giờ thiếu tiền cả, mà nếu có thiếu mà vay mượn thì họ cũng cho mượn ngay.
Hôm nọ tự dưng được sếp nhớn khen (trước mặt vợ sếp nhé): “cô này xinh gái nhất cơ quan anh đấy”. Lại phải thêm một câu cho đỡ ngượng “nhưng cũng “đầu gấu” nhất cơ quan đấy chị ạ” . Sếp bảo: “Ừ đúng rồi, “đầu gấu” lắm, nên anh gọi nó là con mẹ Đốp đấy”
 Chả phải mình là đứa hà tiện như con bạn mình nói (thì nó nói thế chứ mình biết nó nghĩ khác) nhưng quả thật mình rất ngại chuyện se sua, quần áo, son phấn … Cứ tưởng lão chồng mình cảm ơn vì nhờ thế cũng bớt khoản chi phí cho vợ. Dè đâu lão ý đã không lấy thế làm mừng mà lại còn trách ngược: “anh có cấm em phấn son, làm đẹp đâu chớ. Mà em đẹp thì anh cũng thơm lây” . Mình bảo: “em thì trọng cái tâm cái hồn, không trọng hình thức”. Lão “xì” một tiếng rồi nói: “Cái tâm hồn của em xấu đẹp thế nào, anh ở với em gần hai chục năm còn chả biết thì làm sao người ta biết. Người ta chỉ biết là biết đến cái hình thức bên ngoài. Mà cái ấy thì em chả quan tâm để ý gì cả”   
Cũng may, tới giờ chừ chỉ có con bạn thân mắng mỏ là "lão hà tiện" chớ thiên hạ cũng chưa có ai bảo là "đồ hèn", "đồ nọ, đồ kia" (hay là họ mắng sau lưng mà mình hỏng biết).
 Ở chi bộ kiểm điểm bị phê bình là: ăn mặc lôi thôi, mình gân cổ cãi bảo đấy là tui học tập Bác ở mục tiết kiệm, mọi người phải cười xòa bảo "học tập quá đà " (!)
Nói thế chứ để rồi hôm nào cũng phải cho mọi người “ngạc nhiên chưa” với mình chớ.
Nhưng hôm nào là hôm nào, để nghĩ đã …

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

NẮNG CUỐI THU

Cuộc điện thoại với những câu vu vơ, nghĩa đen nghĩa bóng lẫn lộn, ngỡ như vô thưởng vô phạt sáng nay không ngờ lại có ý nghĩa với cô như thế. Bỗng dưng cô lại nhận  ra mình, ở một góc khác, chợt cảm thấy những gì vừa trải qua, những gì đã làm cô như biến thành một kẻ nanh độc, đay nghiến hoặc luôn ở tư thế gườm gườm, xù lông, nhe nanh canh chừng đối thủ … tiêu biến đâu mất
***
Đã lâu họ không gặp nhau…
Nhưng cô biết hầu hết những điều về anh    biết anh cũng như thế…
Cô không gặp anh bởi rất nhiều lý do. Nhưng có lẽ cái lý do lớn nhất, khó nói nhất là cô không muốn anh nhìn thấy mình trong một bộ dạng “xuống cấp” thế này.
Mà quả là cô đang ở trong những tháng ngày “khó ở” dù bên ngoài vẫn “thơn thớt nói cười”…
***
Phải mất hơn một năm sau ngày ba cô qua đời, cô mới dần dần lấy lại được sức sống để có thể làm việc bình thường. Đôi khi nghĩ lại, cô cũng không ngờ sức ảnh hưởng của ông đối với mình lớn như thế. Cô đi làm, cô nói năng, cô suy nghĩ … hầu như trong một màn sương mờ đục, lạng quạng, vật vờ …
Sau khi gần thoát được màn sương ấy, cô lại rơi vào một chuyện tai nạn nghề nghiệp khiến trái tim mình như bị bóp nghẹt. Từ lâu, cô vốn bàng quan với những chuyện thi đua, khen thưởng, chuỵện lên chức lên quyền, đã tự dặn mình tránh xa khỏi những thứ xanh đỏ nhố nhăng, chỉ chuyên tâm vào lo cho gia đình và làm tròn chức trách ở cơ quan. Cô đã cảm thấy mình thật sung sướng khi sáng sáng cùng chồng đi đánh cầu lông, thích những buổi cuối tuần cùng đám bạn bè “buôn dưa lê” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, thích gì làm nấy.
Rồi xảy ra chuyện. Người ta bắt cô kiểm điểm vì những chuyện ất ơ, vì những suy nghĩ ất ơ vì những dòng nhật ký trên mạng mà cô luôn theo kiểu nghĩ gì viết nấy.
Cô đau về chuyện bị kiểm điểm thì ít …
Đau chuyện đời, chuyện  người… qua chuyện kiểm điểm nhiều hơn…
Cô căng đầu óc ra để đối phó. Cô vận hết khả năng hoạt ngôn của mình ra để viết kiểm điểm, để trả lời những câu cật vấn mà đa số chúng là những trò rẻ tiền chỉ dọa nạt được những kẻ yếu bóng vía. Rồi cô hả hê khi thấy không những họ không làm gì được mình mà còn bị mình “trả đòn”. Cú “trả đòn” đã đẩy một tên vốn trước đây là anh em nay thành đối phương, gặp nhau không thèm chào, khiến cho cô thấy mình “hoành tráng” hẳn lên, thấy mình đứng lên trên đám đông để nhìn thấy đám đông lúc nhúc (dù hồi trước chính cô cũng ở ngay trong đám đông ấy), thấy mình “chiến thắng” một cách ngoạn mục. Hơn bao giờ hết cô tin ở trí tuệ của mình và tin mình đã chiến thắng là hoàn toàn xứng đáng.
Cô có bà chị ruột, do điều kiện hoàn cảnh không đi học đến nơi đến chốn, lo lấy chồng nuôi con rồi kinh doanh buôn bán. Cuộc sống xô bồ, thân cô thế cô xa gia đình đã biến chị cô thành một mụ nạ dòng nanh độc, không ai dám dây vào. Người khác coi chuyện trình độ thấp kém là cái xấu cần che đậy, lấp liếm thì chị cô lại coi đó như một thứ vũ khí lợi hại để ăn vạ đối với bất cứ ai. Nếu điều gì đó là tích cực thì chị cô bảo “cái đứa tôi là kẻ vô học mà còn xử sự được như thế nữa là…”. Còn nếu là chuyện gì tệ hại thì chị lại bảo: “tao dốt tao cứ làm thế đấy, chúng mày cứ thử động vào bà xem, bà cho chúng mày biết tay”. Đôi lúc cô  thấy mình có lẽ cũng nên sử dụng “chiêu bài” của bà chị để đối phó với những kẻ tiểu nhân “giết người không dao” này. 
Cuối cùng thì dường như những người mưu toan hại cô cũng đã nhận ra sự kém khôn ngoan khi xử sự với cô, dồn ép cô đến bước phải vùng lên trả đòn quyết liệt như thế. Sau khi hùng hổ bắt cô làm kiểm điểm và kiểm điểm thì họ đã chả hề đả động gì đến chuyện này nữa. Hoặc giả họ đã gặp được “thứ dữ” là cô, không ngờ đã bị cô “phản đòn” khó đỡ. Hoặc giả họ chỉ cần dọa cô một trận cho cô nhớ đời như dứ dứ một cái roi để cho cô sợ bớt đi chứ thực tình họ cũng thấy rằng những việc cô làm, chả đáng phải chịu một mức án kỷ luật. Hơn nữa, cô mà chịu kỷ luật thì chẳng qua cũng là “thằng” đầu trọc, có cái gì mà cách chức với hạ cấp, trong khi cơ quan cô thì nguy cơ tụt hạng đã hiển hiện trước mắt. Đập chuột, vỡ lọ thì rõ là không khôn ngoan rồi. Cô cũng có tiếng là kẻ hoạt ngôn, ăn nói chữ nghĩa khá, không dễ gì bắt nạt, ép quá, cô hóa khùng mà lu loa lên thì cũng “xấu mặt chủ nhà”.
Chẳng khó khăn gì để cả cô và họ cùng nhận ra rằng trò chơi phải kết thúc, bên dọa dẫm và bên “nổi khùng” mỗi bên đều đạt được một phần hai mục đích và có lẽ đều tự an ủi và bằng lòng với một nửa mục đích đó.
***
Má cô vào bệnh viện, cô phải ở nhiều đêm trong đó với bà.
Người ta bảo: đã bước chân qua cổng bệnh viện thì chẳng còn muốn bon chen làm gì nữa.
Ừ cũng phải. Những ông cụ bà cụ 70, 80 tuổi giờ đây nhìn cô đi lại thoăn thoắt với ánh mắt nuối tiếc đến tội nghiệp. Những bi hài kịch chuyện đời, chuyện người cứ hồn nhiên phơi bày cả trong bệnh viện. Vào bệnh viện má cô được cảm thấy sung sướng, tự hào ra mặt vì được các cụ khác khen: “bà có phước quá, có cô con gái giỏi dang chăm sóc đêm ngày. Đó, cần chi phải đẻ cho nhiều con đến lúc ốm đau chúng tị nạnh nhau, bỏ mặc mẹ cha ”
 Một cô bạn học trên cô tình cờ hiện là bác sĩ điều trị cho má cô, khi ở lại trực đêm đã cùng với cô nói chuyện tâm tình cả đêm, câu chuyện nhắc đến anh như là một người quen biết cũ.
Sáng ra cô gọi cho anh, lâu rồi không gặp nên nghĩ sẽ có nhiều chuyện muốn nói.
Nhưng khi ở đầu bên kia cất tiếng “ anh nghe đây, em” …cô lại cảm thấy lúng túng. Câu chuyện của cả hai nhạt toẹt, toàn những thứ vu vơ, hỏi thăm nhau như chỉ là hỏi thăm bè bạn bình thường, hết sức bình thường.
Thế nhưng sau cuộc trò chuyện ấy cô chợt cảm thấy lòng mình chùng xuống.
***
Đã có thời, dù cho ở trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất họ cũng nghĩ sẽ không thể nào xa nhau được…
Rồi đến khi cơn ác mộng đó xảy ra, nhiều năm sau cả hai vẫn ngơ ngác chung một câu hỏi không có lời giải thích nào trọn vẹn nên đành đổ cho duyên số…
Cô ngại không muốn gặp nhiều dù trong lòng rất muốn, lý giải rằng “không muốn vợ anh ghen tuông” nhưng thực tâm cứ mỗi lần gặp anh là mỗi lần cô cảm thấy một nỗi day dứt, một món nợ mà suốt đời này cô không trả nổi. Mâu thuẫn lại là ở chỗ dù day dứt như thế nhưng mỗi khi gặp anh, cô lại muốn anh nhìn thấy ở cô một hình ảnh rỡ ràng, viên mãn, đầy tự tin như anh đã từng nhìn thấy hồi cả hai còn trẻ và cũng là mong muốn của anh mãi mãi về sau. Cô biết nếu cô tỏ ra buồn bã, chán chường thì người buồn hơn cả có lẽ sẽ là anh, dù cho trong  cuộc đời mình anh gặp nhiều thứ còn tệ hại hơn cô gấp nghìn lần. 
Cô nhớ, ngày trước có lần tự tay cô viết thư pháp tặng anh một chữ “Nhẫn” với lời giải thích ý nghĩa theo kiểu chiết tự: “Chữ nhẫn gồm có chữ tâm là quả tim ở dưới, chữ đao là con dao ở trên. Nghĩa là con dao kề lên trên trái tim mà vẫn phải chịu đựng đó.”
“Hãy biết nhẫn nại và chịu đựng”, là thông điệp cô dành cho anh, cũng là để cho cô vợi đi những day dứt, những lo lắng của cô mỗi khi nghĩ tới anh.
 Rồi bỗng dưng cô nhận ra cái chữ “Nhẫn” cô tặng anh hôm nào lẽ ra nên để cho chính cô. Cái thứ mà cô coi như là cuộc chiến mà mình đã chiến thắng ấy hóa ra lại trở nên vô nghĩa. Cứ như sau cuộc chiến, chàng dũng sĩ còn lại một mình đứng lên nhìn lại những xác chết ngổn ngang của cả hai bên, những ngọn giáo, khiên gãy vỡ, xác những chiến binh ngổn ngang, máu chảy tràn lan…khiến chiến thắng của chàng chả còn ý nghĩa gì nữa.  Giống như thể cả hai bên húc đầu vào nhau để rồi cùng ngã ngửa ra, tay ôm lấy trán xuýt xoa, rồi cùng nhìn nhau ngỡ ngàng: “mắc mớ gì mà mình phải húc đầu vào nó nhỉ?”      
Những gì xảy ra vừa qua chẳng qua cũng là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn cho những thứ phù du chả ai cần dùng đến đó sao?
Cái mà cô tự cho mình chiến thắng, lấy đi của cô biết bao sức lực rút cục chỉ mang thêm những nỗi bận tâm, ám ảnh cô bằng những chiêu trò đối phó, dẫu có thuyết phục cô rằng nếu cô không làm thế thì sẽ bị nọ bị kia, rằng phải cho bọn họ biết tay, phải cho họ biết cô là ai, phải cho họ “gục ngã” dưới nụ cười ngạo nghễ của cô rốt cục để làm gì nhỉ?
Cô chợt sáng ra, bắt đầu nhìn lại. Ờ, đã không coi những thứ chức quyền tiền bạc là cái quái gì thì hà tất phải “nhảy nhót”, ông ổng lên rằng thế nọ, rằng thế kia. Cứ như thể một cô nàng luôn miệng bảo rằng “Tôi không yêu anh, không yêu anh đâu”, cứ nói mãi thì ai cũng biết là cô yêu anh ấy gần chết. Hừm
Thật may cô không nói gì với anh, cũng không hề hẹn gặp nhau dù đã mấy năm rồi từ cuộc gặp gần nhất. Nếu gặp nhau không biết cô sẽ nói gì với anh.
Bỗng dưng trong lòng cô trào lên một mong muốn, giản đơn thôi, ước gì được đặt bàn tay bé nhỏ của mình trong bàn tay to lớn của anh…  
***
Giờ thì họ đang ngồi bên nhau ở một góc bệnh viện. Cái góc nhỏ ấy hầu như ít người biết vì nó khá khuất và gần khu hành chính của bệnh viện nên hầu như không người qua lại. Khi Quang đến thăm mẹ Trâm, tôi  đã chỉ cho họ chỗ ấy.
Đứng ở phòng làm việc tầng ba nhìn xuống thấy Trâm búi tóc cao để lộ cái gáy trắng nõn như con gái. Bên trái cô là Quang, một người đàn ông cao to, gồ ghề. Tuy cả hai quay lưng về phía tôi nhưng Quang thường hay quay ngang về phía người phụ nữ nên tôi thấy gương mặt anh dạo này xuất hiện khá nhiều nếp nhăn.
Không giấu lòng mình, hồi học cùng lớp, chính tôi cũng đã từng có thời yêu Quang nhưng không được anh đáp lại. Sau này là bạn thân, Quang đã kể hết cho tôi bi kịch tình yêu của mình.         
Hai người nói chuyện với một vẻ nhẹ nhàng, khá thoải mái như không có gì cần che đậy. Gương mặt người đàn ông như giãn ra sau mỗi nụ cười.
Hình như Trâm nói một câu gì đó và tôi thấy Quang líu ríu xòe tay phải của mình ra. Trâm đặt bàn tay trái của mình lên tay anh và cả hai đan bàn tay vào với nhau. Trong cái nắm tay ấy tôi nhận ra sự chân thành, tin cậy, không hề là một chút tình cảm gượng ép, cũng không hề là sự lãng mạn theo kiểu của những người đàn ông đàn bà đến tuổi “hồi xuân” chợt bùng lên rồi vụt tắt…
 Chiều cuối thu. Cơn mưa nhỏ mỏng manh mấy hôm nay như muốn vớt vát, níu giữ lại những ngày lãng mạn cuối cùng của mùa cũng đã ngừng hẳn. Một vạt nắng hanh hao hửng lên gần phía góc họ ngồi. Dưới tán lá bàng, vài đốm nắng tinh nghịch nhảy nhót và trùng hợp làm sao, đúng vào ngay đôi bàn tay đang đan vào nhau.
Nắng cuối thu thật lạ   

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

TÁI CƠ CẤU

Sáng nay uống cà phê, ông anh hỏi “dạo này mày có biết từ  nào được coi là “hot” nhất không?” “???” “ từ “TÁI CƠ CẤU” đó. Mày không thấy à, tất tật, từ hồi Vinashin tới giờ cái gì cũng đang tái cơ cấu hết. hết doanh nghiệp nhà nước sang Ngân hàng nhé rồi sắp tới là EVN (điện lực) cũng đang “đau lòng” với thu nhập bình quân 7,3 triệu, rồi tiếp theo sẽ là giáo dục, y tế. Hễ cứ chuyện gì lùng nhùng, thua lỗ là tái cơ cấu hết …”
Bác nói em mới  sáng ý ra. Nhà em bây chừ đang nhiều chuyện lúng túng quá, chả biết giải quyết thế nào nên chắc tới đây em phải nghiên cứu “tái cơ cấu” lại  gia đình em thôi. Thôi thì cứ lấy quyền người “đứng đầu” quản lý “hành chính tổng hợp” của cả nhà, em đưa ra mấy phương án tái cơ cấu này bác xem có được không nhé.
Một là: bà cụ bô em năm nay 83 tuổi, cán bộ hưu trí, đau ốm liên miên, huyết áp, đường huyết lên xuống lung tung, tai thì nghễnh ngãng, chữ được chữ mất… kiếu này em “cơ cấu” cụ vào “thường trực” tại …bệnh viện, “cơ cấu” hắn một vài bác sĩ, y tá quan tâm chăm sóc cụ. Để yên tâm làm việc kiếm xiền, em cơ cấu luôn một kho … bỉm để cụ tiện sinh hoạt, đỡ mất vệ sinh khi mình vắng mặt.
Hai là, hai đồng chí cu con. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ và tầm quan trọng và khả năng thực tế của từng thèn một để tái cơ cấu cho ổn. Cu Tít học 12 được ưu tiên hơn về thời gian trong gia đình và tiền  bạc, chuyên tâm “cơ cấu” vào việc học tập chuẩn bị cho mấy kỳ thi quan trọng sắp tới. Cu Bống  ổn hơn, đầu tư ngay từ đầu khi bước chân vào cấp 3, tranh thủ 1 buổi học, một buổi nghỉ “cơ cấu”vào trông bà ngoại.
 Đến lượt  đồng chí xã mà em gọi đểu là “cái máy làm tình làm tiền của mình” là quan trọng nhất. Không thể “điều chuyển” tái cấu trúc” theo kiểu cơ học được ( nói thế cho nó có vẻ hiểu biết chứ thực chất là không thể đưa sang nhà đứa khác ở được) nên phải cơ cấu nhưng mục đích là phải đảm bảo nắm giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cả nhà. “Cơ cấu” ở tầm cao hơn là quản lý các khoản thu ngay từ nguồn  chứ không đợi “khai báo” như trước nay nữa. Hừm.  
Riêng về phần em, cũng nên cơ cấu lại chuyện chi tiêu với tinh thần thực dụng hơn trước. Không cần đẹp, không cần sang, chỉ dùng được đúng tính năng, đúng nhu cầu mới mua. Kèm theo đó là “giải tán” những đồ thừa thãi, hết giá trị sử dụng, chật nhà, bẩn nhà. Nhưng trước hết cần nghiên cứu “tái cơ cấu” bữa ăn gia đình. Trong tình hình giá cả đang đi lên theo “cầu thang máy” thì …tăng rau, bớt thịt, giảm dầu … là những việc cần làm ngay. Thỉnh thoảng (nhưng càng nhiều càng tốt) lấy cớ nọ cớ kia, "cơ cấu" cả nhà sang ăn ké nhà bà nội (hoặc nhà ai đó) cho đỡ tốn. He he
Bác nghe em cơ cấu thế có ổn không. Có gì bác cho thêm ý kiến.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

XIN CHỮ


Cách nay mấy năm xem một bộ phim miền Bắc đóng, có cảnh một bà cụ già nhà cửa đàng hoàng, con cái làm ăn khá thành đạt nhưng bận bịu làm ăn buôn bán quá, nhất là dịp gần Tết. Đến giờ cơm trưa, chúng sai người mang cơm hộp về cho bà mẹ, suốt ngày ngồi ngoài bậc thềm nhà cầm cái quạt giấy phe phẩy.
Gần Tết, bà cụ ấy đã đến chùa để xin chữ về treo trong nhà đúng  theo truyền thống. Bà đến gặp một ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ…” chắc cũng là ông đồ quen biết lâu nay. Ông đồ nheo mắt cười hỏi: “thế năm nay bà định xin chữ gì đây?”. Bà cụ thần người ra hồi lâu trước các chữ “Phúc” “Đức”, “tâm” … ông đang bày trước mặt. Hồi lâu bà mới nói: “. Hồi còn trẻ mong được chữ Phúc để cho con cháu đầy đàn, gia đình ấm cúng.  Còn bây giờ nếu xin chữ Phúc thì e không thật cho lắm, bởi con cháu thì nhiều nhưng đã chắc gì là Phúc. Xin chữ Đức, chữ Tâm, chẳng hóa ra mình lâu nay thiếu Tâm, thiếu Đức nên đành phải xin… Thật khó quá ông ạ”. Ông cụ đồ vuốt râu cười khà, lấy tờ giấy điều viết một chữ lên đó rồi đưa cho bà cụ: “ Tôi biếu bà chữ Nhẫn. Chữ Nhẫn này ở phía dưới là chữ Tâm (là quả tim), ở trên có chữ Đao (là con dao). Con dao kề lên trên quả tim nhưng vẫn phải chịu đựng bà ạ”. Bà cụ đón tờ giấy  điều có chữ Nhẫn mà mắt rưng rưng…
Đã lâu rồi, việc xin chữ không  còn là lệ, ở miền Nam càng không có lệ xin chữ đầu năm. Nhưng câu chuyện bà già đi xin chữ vẫn lặng lẽ theo mình. Đúng là đi xin chữ Tâm chữ Đức về treo trên tường nhà cứ ngỡ rằng người ta đến nhà thấy mình là người có Tâm có Đức. Biết đâu rằng người hiểu biết người ta đang cười khẩy rằng “nhà này đang thiếu Tâm, thiếu Đức nên phải kiếm cái mà treo lên theo lý thuyết Người ta chỉ cần cái mà người ta thiếu thôi mà”.
Chao ôi, trên đời bao nhiêu kẻ nhố nhăng, tiểu nhân, chỉ rình chực chờ là đâm dao sau lưng người khác nhưng lúc nào cũng ông ổng bài hát “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”
Đành dành cho mình một chữ Nhẫn để mà chịu đựng, chịu không nổi thì “bùng”       

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

NGỤ NGÔN CŨ NGƯỜI MỚI TA

1. Thấy Quạ ngồi trên cây cả ngày mà ko làm gì, Thỏ bèn hỏi: - Bác Quạ ơi tôi có thể ngồi cả ngày ko làm gì như bác được ko?
- Tất nhiên, sao lại ko? Quạ trả lời
Vậy là Thỏ cũng ngồi yên dưới gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng sói từ đâu nhảy ra, vồ lấy thỏ và ăn thịt.
Để được ngồi không, bạn phải ở vị trí cao, rất cao! 
2. Gà Tây nói với Bò tót: Tôi muốn nhảy lên ngọn cây cao nhưng tôi ko đủ sức.
- Vậy thì bạn hãy rỉa phân của tôi đi. Bò tót khuyên.
Gà tây mổ phân Bò tót và thấy khỏe ra, đủ sức nhảy lên cành cây thấp nhất. Ngày hôm sau cũng ăn phân Bò tót và nhảy được lên cành cao hơn. Cứ thế, đến một ngày kia Gà tây đã bay lên được ngọn cây cao. Chưa kịp vỗ cánh mừng thì bị một người nông dân bắn rơi.
Sự ngu ngốc có thể đưa bạn lên đỉnh cao nhưng ko thể giữ bạn ở đó. 
3. Chim non bay về phía Nam tránh rét. Không đủ sức nên bị rét cóng và rơi xuống đất. Một con bò cái đi qua vô tình ỉa trúng người chim non. Đang chết cóng, bãi phân bò làm chim non ấm lân và tỉnh lại. Nó sung sướng hót véo von. Một con mèo nghe thấy bèn mò đến và lôi chú chim ra khỏi đám phân bò, ăn thịt.
- Không phải ai vấy bẩn vào bạn cũng đều là kẻ thù.
- Không phải ai kéo bạn ra khỏi chỗ bẩn thỉu cũng đều là bạn.
- Và, khi đang ở trong chốn dơ bẩn thì tốt nhất là nên im lặng!   

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

CÁI GIÁ CỦA NIỀM TIN

Hôm trước tình cờ đọc được bài viết này. Đọc xong lặng cả người. Mấy ngày sau vẫn thấy bần thần, từng dòng từng dòng chữ . Xin chép lại để giữ cho mình, cho con
Thái Bá Tân

Mùa đông năm ngoái tôi có việc lên Cao Bằng công tác. Khi ô tô đến thị xã thì trời đã tối, không còn xe đi Bảo Lộc, là huyện tôi phải đến. Ðành  thức chờ đến sáng vậy. Bến xe lúc này vắng người. Tôi chọn một góc vắng, rồi trải tấm ni-lông xuống đất, thầm lo không biết làm gì cho hết cái đêm lạnh lẽo, dài và buồn chán này.
Bên cạnh, ngồi quay lưng về phía tôi là một đồng chí bộ đội mặc quần áo sĩ quan, mũ kéo tùm hụp xuống tận mắt. Tôi tìm cách bắt chuyện. Một lát sau, vì không có việc gì làm, chúng tôi đã thoải mái trò chuyện với nhau. Hóa ra anh đi cùng xe với tôi từ Hà Nội lên, và như tôi, cũng phải ngồi chờ sáng để đi tiếp, có điều không phải đi Bảo Lộc, mà về Hạ Lang, quê anh. Tuy không nhìn rõ mặt, không phân biệt được quân hàm, quân hiệu, nhưng qua giọng nói tôi đoán anh là một sĩ quan từng trải và có lẽ không dưới bốn mươi lăm tuổi. Tôi yêu cầu anh có chuyện gì hay kể cho nghe, và anh đã kể. Trái với điều tôi mong đợi, chuyện anh kể không về những kỉ niệm chiến đấu ở chiến trường, mà về những con chim hải âu hiền lành sống trên những hòn đảo nhỏ xa tít ngoài đại dương mênh mông mà trong đợt tổng tấn công mùa xuân năm 1975, anh và đồng đội được lệnh ra giải phóng.
“Mấy ngày sau khi ta chiếm Dinh Ðộc Lập, chúng tôi được lệnh hỏa tốc ra đảo X. Trên danh nghĩa, chúng tôi là một tiểu đoàn, nhưng quân số thực tế chỉ hơn trăm người, lại toàn lính mới chưa dày dặn sóng nước, nên khi tới nơi, phần lớn phải nằm bất động vì say sóng. Cũng may chẳng phải đánh đấm gì mấy, vì bọn địch chốt trên đảo nghe tin đất liền thất thủ, tinh thần đã sa sút tột độ và chỉ chờ có người để đầu hàng. Việc tiếp quản, ổn định cuộc sống trên đảo được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi..
Thật khó nói hết sự ngỡ ngàng của chúng tôi những ngày đầu đặt chân lên đảo. Anh thử tưởng tượng xem – những doi cát nhỏ nhoi giữa biển cả mênh mông sóng dữ, suốt đêm ngày gió thổi như bão. Chúng tôi đã hốt hoảng thực sự khi đêm đầu tiên ngủ dậy – như trong câu chuyện thần thoại – chợt thấy trước mặt mình nhú dần lên những hòn đảo thoạt nhìn tưởng tàu địch. Thì ra ở đây có những hòn đảo quá thấp, đến mức thủy triều lên bị ngập hẳn dưới nước và chỉ khi nước rút mới xuất hiện trở lại.
Tuy nhiên, điều làm chúng tôi ngạc nhiên và thú vị hơn cả là chim hải âu. Xưa nay chúng ta chỉ thấy hải âu trong phim, trong các bài hát trữ tình, thế mà bây giờ, kia, chúng kia, hàng nghìn, có thể hàng chục nghìn con đang bay nhao nhác trước mặt. Chúng kêu những tiếng đơn điệu, nghe có cái gì buồn buồn trong đó. Tôi có cảm giác như đây là điểm hội tụ của tất cả loài hải âu trên biển. Từ đây, chúng tỏa đi kiếm ăn khắp nơi, chao lượn không mỏi trên những ngọn sóng, khi trở lại, chúng đậu kín bề mặt hòn đảo chúng tôi đang ở và cả những hòn nhỏ lân cận. Vì đảo trần trụi không cây cối, không hang đá, nên chúng ngủ, làm tổ và đẻ trứng ngay trên mặt cát, lẫn với những vón phân khô, những mẩu cá chúng ăn sót lại, phảng phất mùi tanh nồng.
Như anh biết, ở đất liền bao đời nay quan hệ giữa con người và con chim là thù địch. Thấy chim, con người luôn tìm cách bắt, bẫy hoặc xua đuổi. Phần mình, như phản xạ tự vệ hình thành qua hàng nghìn năm, thấy người là chim liền xa lánh. Còn ở đây, trong tiềm thức những con chim hải âu này, cái phản xạ tự vệ ấy không có, vì lí do đơn giản là không cần thiết, hay chính xác hơn là chúng chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ mối đe dọa nào từ phía những con người chúng gặp. Vâng, đúng như thế. Chúng đậu ngay trước mặt chúng tôi, xung quanh chúng tôi, thậm chí cả trên vai và đầu chúng tôi. Mà chúng tôi là ai thì anh đã biết. Sau những phút ngỡ ngàng đầy thi vị ban đầu trước sự cả tin thơ ngây của bầy chim kì lạ, chúng tôi nhanh chóng trở lại với thói quen bản năng thực dụng mang theo từ đất liền.
Việc đầu tiên là chúng tôi nhặt trứng luộc ăn. Không ngon lắm, nhưng cũng tàm tạm, ít nhất đối với những người luôn phải sống trong cảnh kham khổ. Tiếp đến là ăn thịt chim. Rất đơn giản: một người đứng thẳng chìa tay về phía trước. Sẽ có một con đến đậu với đôi mắt mở to háo hức nhìn xung quanh. Nó sẽ được bàn tay còn lại của anh ta vỗ vỗ vào lưng, rồi vặn cổ, vứt sang cạnh cho người khác vặt lông, đưa lên lửa nướng. Tiếp theo là con khác, rồi một con khác nữa, cũng với những đôi mắt mở to ươn ướt như thế. Và cũng như thế, chúng được vỗ vỗ vào lưng, bị vặn cổ vứt xuống đất. Chứng kiến cái cảnh độc đáo ấy là chúng tôi, những chàng trai vô tư ngồi quanh đống lửa, vừa nhồm nhoàm nhai thịt chim, vừa nói cười vui vẻ, quá ư vui vẻ.
Chẳng bao lâu sau, cái trò ấy cũng chán, phần vì thịt chim hải âu tanh, khác hẳn thịt các loài chim đất liền. Nhàn rỗi, chúng tôi lang thang đi trên đảo, dẫm nát dưới gót giày những quả trứng màu xanh lơ xinh đẹp, hay tiện chân đá bay những con chim khờ khạo nằm ngáng đường đi. Một cậu nổi tiếng tinh nghịch còn lấy gậy đánh vào chúng. Ôi, những con chim ngu ngốc tội nghiệp. Anh biết không, cứ con này bị đánh chết là con khác lại sa vào, không chút ý thức về mối nguy hiểm đang đe dọa. Cũng rất vô tư, chúng tôi thi nhau trổ tài thiện xạ. Tất nhiên mục tiêu vẫn lại là những con chim đang đậu phía trước, xa hay gần tùy khả năng từng người.
Tiếng súng quả có làm bầy chim hoảng sợ, nhưng là cái sợ mơ hồ không cắt nghĩa nổi. Chúng giật mình bay lên cao, nghiêng ngó nhìn quanh rồi lại ngỡ ngàng đậu xuống. Chúng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Có thể lúc ấy trong chúng đã hình thành mầm mống đầu tiên của sự ngờ vực đối với con người như cách đây hàng vạn, hàng triệu năm tổ tiên loài chim trên đất liền xa xôi đã ngờ vực con người khi con người bắt đầu đối xử thô bạo với chúng.
Hai ngày tiếp theo, vẫn những cảnh ấy xảy ra.
Sang ngày thứ tư thì một điều kỳ lạ đã đến. Anh có thể tin hoặc không, nhưng mờ sáng hôm ấy, ngủ dậy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy trên hòn đảo chúng tôi đóng quân không hề thấy bóng con chim nào. Xin nhắc lại: không một con nào! Dấu vết duy nhất còn lại của chúng là những vỏ trứng vỡ ngổn ngang và những túm lông chim gió thổi bay vật vờ trên cát. Ðang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì bỗng có lệnh báo động. Sau đó là lệnh tập hợp toàn đơn vị. Chúng tôi nhanh chóng đứng thành ba hàng, thấp thỏm chờ đợi.
Ðại úy tiểu đoàn trưởng Lâm của chúng tôi là người nhỏ bé, khắc khổ, đã trên năm mươi tuổi. Ông ít nói, hiền từ (lúc vui chúng tôi quen gọi “Bố Lâm”), nhưng dễ nổi nóng. Bản chất nông dân, hàng ngày ông thích mặc xuềnh xoàng, dễ dãi, nên hôm nay thấy ông bước ra trước hàng quân trong bộ đồ sĩ quan mới, đủ giày mũ và quân hàm, chúng tôi biết có chuyện khác thường. Sau khi hô “nghiêm” toàn đơn vị, ông bắt đầu nói, giọng trang nghiêm, run run vì xúc động và giận dữ:
- Các đồng chí… các đồng chí đã làm một việc cực kì nghiêm trọng… một việc xấu xa. Các đồng chí đã làm cả đàn chim hoảng sợ bỏ đảo bay đi… Bao năm nay chúng yên ổn sống hòa thuận với con người, với giặc, những tên lính ngụy, kẻ thù của chúng ta, các đồng chí hiểu chưa, với kẻ thù của chúng ta, thế mà nay, các đồng chí, những chiến sĩ cách mạng… chỉ trong ba ngày, các đồng chí đã… đã… Thật tôi không còn biết nói thế nào nữa. Tự các đồng chí phải hiểu lấy…Thật xấu hổ! Xấu hổ! – Ðôi mắt ông chớp chớp. Rồi im lặng một lúc, ông nhìn thẳng vào chúng tôi, nói tiếp với vẻ cương quyết hiếm thấy: – Từ bây giờ, tôi ra lệnh các đồng chí phải bằng mọi cách đưa đàn chim trở lại đảo. Thời hạn một tuần! Giải tán!
Ðấy, anh xem, câu chuyện hóa ra thế đấy. Ðến bây giờ chúng tôi mới ý thức hết việc mình làm. Mọi người lặng lẽ ai về vị trí người ấy, xấu hổ không dám nhìn vào mắt nhau. Liền sau đó, chi bộ họp. Tôi là đảng viên, tôi có dự. Tiểu đoàn trưởng hồi lâu nhắc lại những điều đã nói trước toàn đơn vị, và theo đề nghị của ông, chi bộ đã thông qua những điểm sau (nguyên văn):
1 – Bằng mọi cách đưa đàn chim trở lại đảo trong thời gian ngắn nhất.
2 – Các trung đội họp tự kiểm điểm một cách nghiêm túc.
3 – Từ nay cấm không được ăn thịt chim, trứng chim, cấm không được làm phương hại đến chim và trứng chim dưới bất kì hình thức nào.
4 – Cấm không được nổ súng, trừ trường hợp chiến đấu.
5 – Báo cáo về đất liền.
Tiếp đến là những ngày nặng nề, căng thẳng của chúng tôi. Toàn bộ sự chú ý của đơn vị chỉ nhằm vào một việc là đưa đàn chim trở lại đảo. Nhưng bằng cách nào? Chúng tôi đã thử mọi cách có thể nghĩ ra được. Trước hết là dọn sạch lông chim và vỏ trứng vỡ. Tuyệt đối không gây một tiếng động nào có thể làm chim sợ, và hạn chế đến mức tối thiểu sự xuất hiện của người trên mặt đảo.
Anh thử tưởng tượng xem, hơn trăm con người lặng lẽ, rón rén đi lại như những thằng ăn trộm. Một trăm con người ấy, một trăm chiến sĩ từng vào sống ra chết trên những chiến trường ác liệt nhất, một trăm chàng trai khỏe mạnh, đáng yêu và vô tư – thậm chí quá vô tư đến mức đã có một hành động lầm lỡ, nay thực tình hối hận muốn chuộc lỗi. Nếu cùng là người với nhau thì đơn giản hơn nhiều! Tôi cư xử không tốt với anh ư? Thế thì xin lỗi, và chúng ta sẽ lại chung sống với nhau như những người bạn. Còn nếu anh vì lí do nào đấy không thể tha thứ, ít ra cũng cho được nói rằng tôi làm việc ấy hoàn toàn không vì xấu bụng, mà chỉ do lầm lỡ! Ðấy, với con người có thể nói với nhau như thế. Nhưng với con chim thì không được. Chim chỉ hiểu chúng ta qua ngôn ngữ của hành động, mà hành động bao giờ cũng chỉ bộc lộ ở bề nổi của nó, phần quan trọng hơn, phần nguyên nhân thì không dễ nhận thấy nếu thiếu bộ óc suy diễn lô-gích. Chúng tôi đã làm một hành động xấu, con chim hiểu điều đó và đã xa lánh chúng tôi, nhưng nay chúng tôi đang có một hành động khác ngược lại, là sự hối hận và xấu hổ. Ðiều đó nằm sâu trong suy nghĩ của con người. Làm sao chim thấy được?
Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua mà vẫn không một con nào trở lại. Chúng chen chúc nhau chật chội trên những hòn đảo bé nhỏ khác, hoặc cam chịu cảnh ướt át bất tiện trên các doi cát khi ẩn khi hiện theo con nước. Kể ra câu chuyện sẽ không trở nên quan trọng mức ấy, nếu tiểu đoàn trưởng không cho phát lệnh báo động cả đơn vị. Chính việc đó làm thay đổi hẳn tính chất của vấn đề. Lúc này, trong việc lấy lại niềm tin của bầy chim, chúng tôi  hiểu còn có cái gì đấy trừu tượng nhưng to lớn và quan trọng hơn.
Vẫn không thấy bóng con chim nào xuất hiện. Mọi phương pháp, mọi mưu kế đều được đem ra thử. Tôi, với tư cách người dân tộc có kinh nghiệm săn bẫy muông thú cũng được hỏi ý kiến. Một anh chàng theo đạo Cơ Ðốc được yêu cầu cầu Chúa cho loài chim trở lại. Anh ta đã thành tâm cầu Chúa, nhưng tạm thời lời cầu chưa màu nhiệm. Một cậu còn đem cả bát cơm đang ăn tung lên nhử, quên rằng hải âu chỉ ăn cá…
Bầy chim vẫn lạnh lùng bay cao trên đầu chúng tôi, nghiêng ngó nhìn một cách cảnh giác rồi xuống đậu các đảo lân cận, dù đảo chúng tôi là nơi khô ráo, thuận tiện nhất, dù trên đó đang chờ đợi chúng là những con người đã hối cải, những người bạn thật sự.
Thêm một tuần, rồi một tuần nữa trôi qua…
Bỗng một sáng nọ, có cậu vừa bước ra khỏi hầm đã kêu to sung sướng:
- Kìa, chúng trở lại rồi kìa!
Cả bọn chúng tôi ùa ra xem. Trên một mô đất cao cách chúng tôi ba trăm mét, quả có mấy con đang đứng với nhiều tư thế khác nhau. Nhưng nhìn mãi vẫn thấy chúng đứng yên, mọi người sinh nghi, bèn rón rén đến xem. Hóa ra đó là những con chim nhồi! Mọi người nhìn nhau thở dài thất vọng. Nhưng ai đã làm những con chim nhồi đó? Vì sao? Cả đơn vị căn vặn nhau mãi vẫn không tìm ra thủ phạm. Vâng, thủ phạm, vì dù với mục đích gì chăng nữa, làm thế cũng là vi phạm lệnh giết chim đã được công bố.
Tuy thế, phải nói rằng chính nhờ những con chim nhồi kia chúng tôi mới thoát khỏi cái thế bất lực khổ sở của mình. Bay trên cao, thấy có bạn đậu yên ổn trên đảo, đàn chim hải âu bắt đầu thay đổi thái độ. Một vài con rụt rè bay xuống nhập bọn. Núp trong hầm, chúng tôi nín thở theo dõi. Hôm sau số chim xuống đậu đã nhiều. Hôm tiếp theo nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã có thể đi lại trên đảo, có điều phải rất cẩn thận và nhất là phải thật tự nhiên như không hề quan tâm tới chúng. Cuối cùng, sau hai tháng, tất cả trở lại như cũ, nghĩa là đàn chim lại có thể đậu lên vai, lên tay chúng tôi mà không hề lo sợ. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Anh biết không, ngoài ra chúng tôi còn có thêm cái cảm giác ấm áp của tình bạn, vì suy cho cùng, sống chơ vơ một mình giữa biển trời, có được con chim làm bạn mà nó bỏ đi, kể cũng buồn lắm chứ!…
Toàn bộ câu chuyện là thế. Nghĩ thật chua xót – chỉ trong vài ngày, mấy anh lính trẻ vô tư đã dễ dàng đánh mất niềm tin của những con chim bé nhỏ vào con người, và để lấy lại niềm tin ấy, cả một tiểu đoàn phải vất vả, khổ sở trong hai tháng liền. Biết làm sao được… Cái cần trả giá phải được trả giá, không còn cách nào khác!”
*
Anh bộ đội ngừng kể. Chúng tôi cùng ngồi im hút thuốc. Cuối cùng tôi lên tiếng:
- Tôi hỏi thật nhé, có phải anh nghĩ ra mấy con chim nhồi kia không?
- Không, – anh đáp sau một phút trầm ngâm. – Ðó là sáng kiến của  bố  Lâm. “Bố” quê ở một vùng chiêm trũng Thanh Hóa. Ở đấy người ta hay bẫy cò, nên “bố” mới biết cái kinh nghiệm ấy. Vả lại, hôm “bố” lén lút chèo thuyền sang đảo khác bắt hải âu là hôm tôi trực gác, nên tôi nhìn thấy hết. “Bố” bắt tôi thề không nói lộ với ai. Tôi không nghĩ “bố” sợ bị xem là vi phạm lệnh cấm, mà chỉ sợ mang tiếng lừa dối những con chim ngây thơ. Thế mà sau này, do tính bép xép, tôi đem kể hết với mọi người. Tuy nhiên, vì sợ “bố” buồn, toàn tiểu đoàn ai cũng vờ như chẳng hay gì. Có lẽ đến bây giờ “bố” vẫn nghĩ chỉ mình  bố” và tôi biết điều đó. Tội nghiệp ông già.
Cao Bằng, 1980

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

CÔNG LẬP, DÂN LẬP VÀ GÓC NHÌN

Mấy hôm ni báo chí cứ ì xèo chuyện Nam Định không nhận sinh viên dân lập, y như năm ngoái khi ĐN mềnh tuyên bố không nhận sinh viên  tại  chức.
Báo chí đa số phê phán các đơn vị này là phân biệt đối xử, là đi ngược với luật vì luật đã không phân biệt đối xử, thậm chí “vì các phôi bằng đại học đều do Bộ GD-ĐT quy định” (Nói thiệt chớ phôi bằng ni làm giả dễ òm hà, mà thực ra cũng chả cần phải giả)
Đã từng ziết một bài trước đây về  “chính quy và tại chức” (nhưng khóa ngay lại rùi vì động chạm quá)      
Sáng ni uống café, một bác hỏi: Mày thấy thế nào? Đúng hay sai .
 Trả lời, em chả nói đúng sai gì hết. Em  cũng hỏng khen chê gì người ta. Em thì em cứ nêu ý kiến của em về vấn đề này bác xem có đúng không nhé.
Thứ nhất: Đờ Nờ (Đà Nẵng) hay Nờ Đờ ( Nam Định) tuyên bố như vậy, gây sốc như vậy vì nó khác với suy nghĩ của đám đông. Đám đông luôn nghĩ rằng Luật Giáo dục nó không phân biệt bằng cấp dân lập hay không dân lập thì có nghĩa rằng thì là việc tuyển dụng cũng phải không được phân biệt chuyện này. Nhưng đám đông cũng quên rằng cơ quan nhà nước cũng là một nơi có quyền tuyển  dụng như tất cả những nơi có quyền tuyển dụng khác. Ví dụ như mấy cô mắt lé, miệng méo thì không được tuyển dụng vào ngành giáo dục mầm non vì làm cho trẻ dễ bắt chước (chẳng nhẽ tuyên bố không nhận mấy cô mắt lé thì hội khuyết tật sẽ lên tiếng rằng các ông bà nói thế là vi phạm luật bảo vệ người khuyết tật), Bộ đội Trường Sa thì chỉ tuyển nam thôi, chẳng lẽ Hội LH Phụ nữ lại nhảy nhót lên rằng các ông quốc phòng làm thế là phân biệt đối xử, chúng tôi cũng có quyền ra đảo đánh nhau chứ…. Tôi là người tuyển dụng, tôi có quyền đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn để tuyển chọn người làm việc cho mình. Tôi cứ bảo rằng chỗ tôi chỉ tuyển chính qui công lập chứ  không tuyển dân lập. Tôi cũng đâu có cản trở những người tốt nghiệp dân lập khi họ đi làm việc tại nơi khác, đầu quân cho những đơn vị kể cả đơn vị nhà nước  thuộc trung ương hay  doanh nghiệp địa phương. ĐN và NĐ cả hai đều là những địa phương có truyền thống học tập tốt, là “vựa” nhân tài cho nên việc tuyển chọn cho nhà nước những người giỏi nhất trong số nhiều người giỏi cũng là việc khó khăn gì, đâu cần phải "vơ bèo vạt tép" như một số địa phương, ngành khác.
Nói như thế thì cả Đờ Nờ hay Nờ Đờ đều chả có gì là sai cả. Mà thực ra mấy đ/c Nờ Đờ hay Đờ Nờ này lẽ ra chỉ nên đưa ra qui định thế thôi, đừng nói năng, giải thích rằng đầu vào với đầu ra thấp kém, rồi chuyện chất lượng đào tạo này nọ …để rồi bị dư luận xúm vào ném đá, đánh hội đồng…
Thứ hai: Xét từ góc độ một người đã tốt nghiệp ĐH (chính qui xịn hẳn hòi nhé), vào ĐH từ cái hồi đi học được nhà nước chu cấp tiền ăn học, đã và đang làm cơ quan nhà nước từ hồi bao cấp đến thời hết bao cấp, thậm chí đã từng vinh dự ngồi vào ghế sát hạch khi tuyển dụng CBCC cơ quan (vòng ngoài thôi) thấy rằng và nói thật rằng hình như người ta đang bỏ qua vấn đề là mấu chốt trong câu chuyện tuyển dụng đó là cách tuyển dụng như thế nào. Nếu có một phương pháp, một chế định, một cách làm khoa học hợp lý, công bằng trong việc tuyển dụng các ứng cử viên thì cũng chả cần đến những tuyên bố chọc ngoáy vào dư luận thế kia. Nói thì dễ đụng chạm chứ việc tuyên bố thế này không khéo lại chính là “gậy ông lại đập lưng ông” và dư luận phản ứng rằng có khi chính các cụ vì ở trình độ “dân lập”, không biết đưa ra những cách tuyển dụng thế nào cho tốt nên thôi thì cứ gạt một phát cho xong.
Thứ Ba: đứng ở “góc độ” của Cu Tít, Cu Bống, cu Bi... thì chuyện công lập hay dân lập cũng … chả là vấn đề gì đáng quan tâm. Cu Tít luôn lấy “thần tượng” Bill Gate và Steven Jobs ra để đối phó sự “hù dọa” của mẹ nó về tương lai. Đơn giản tương lai của Tít là “mở ga ra sửa xe ô tô” vì “mẹ không thấy người ta đi ô tô ngày càng nhiều sao. Đi nhiều thì phải hỏng, hỏng thì phải có đứa sửa chứ”. Trong khi ba nó gầm gừ “mày thích làm thợ hơn làm thầy à” thì mẹ (trái với sự đối đầu thường xuyên với nó) liền ủng hộ. "Ừ như thế cũng tốt con ạ, làm gì cũng được ở đâu cũng được, miễn là lương thiện và … có nhìu  xiền. He he". Cu Tít đang trong thế thắng lại bảo tiếp: "Mẹ cứ tưởng cái công chức nhà nước là quan trọng lắm ấy. Con nói thật nó chả khác gì cái bà cô vừa già, vừa xấu mà còn ... chảnh nữa." 
Mẹ nó giơ tay đầu hàng thằng cu con lớp 12 đang yên tâm với dự án Garage xe ô tô. Có thể như thế hiện thực hơn, khả thi hơn ấy chứ. Hừm                 

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

TUA DU LỊCH MỚI

Chúng tôi xin hân hạnh gửi đến quí vị một sản phẩm du lịch mới với nhiều trải nghiệm mới lạ thú vị (và có thể không thú vị tùy thuộc vào đánh giá của quí vị). Tua du lịch này có chi phí hơi đắt (cỡ trên dưới 100 triệu đồng /người), đòi hỏi tiêu chuẩn phải là những quí khách đã tốt nghiệp Đại học trở lên. Thời gian sẽ được kéo dài khoảng hai năm, không phải đi xa.
 Những điểm làm nên sự khác biệt, nổi trội sovới những tua du lịch khác:
- Chỉ cần là một thành viên của tua du lịch này, quí vị có thể tự hào, được xã hội nhìn với đôi mắt đầy ngưỡng mộ bởi trình độ học vấn và khả năng làm ra tiền mà biết tiêu tiền một cách hữu ích
- Quí vị sẽ được trải qua những giây phút căng thẳng, tâm trạng hồi hộp, lo lắng, những thách thức sơ sơ và vỡ òa vì sung sướng vì đã vượt qua những thách thức đó
- Quí vị sẽ được sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu đã  xa ngỡ như không còn cách nào về lại; được sống lại với niềm lãng mạn của đời sống học trò, của những tình cảm đầy ắp yêu thương hờn giận … “ai cũng hiểu nhưng người cần hiểu lại không chịu hiểu”;      
- Có cơ hội làm quen, kết thân và sánh vai với những thành viên vào hàng đại gia, quan chức rất VIP để thấy mình cũng rất VIP;
- Được tận hưởng những giây phút sung sướng vì đã lừa được người khác, và luôn canh chừng để khỏi bị người khác lừa (nhưng cuối cùng tất cả đều bị lừa một cách ngoạn mục)
- Được tự do sử dụng những phương tiện nghe nhìn hiện đại nhất, thả sức thư giãn trong  một môi trường được tạo điều kiện tối đa cho thư giãn; 
- Thời gian kéo dài nên lúc nào thích thì tham gia, không thích thì ở nhà ngủ khỏe, trốn tránh được sự giao việc của cơ quan và những công việc linh tinh của vợ/chồng một cách hợp pháp  
Đặc biệt nhất của tua du lịch này mà không có bất cứ một hãng du lịch nào có thể có được:
Cuối tua du lịch quí vị sẽ được cấp một CHỨNG CHỈ CÓ GIÁ TRỊ VĨNH VIỄN, có thể giúp quí khách mở toang cánh cửa tương lai và nếu may mắn thì được lên chức lên quyền.
Địa chỉ liên hệ: tất cả các trung tâm đào tạo thuộc CHƯƠNG TRÌNH PHỔ CẬP THẠC SĨ trên toàn quốc.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

PHỎNG VẤN MỘT VỊ ĐẠI DIỆN PHỤ HUYNH


Phỏng vấn một vị đại diện phụ huynh học sinh
PV: Thưa anh, trước hết xin được chúc mừng anh vì đã đắc cử chức Hội trưởng hội phụ huynh của lớp cháu
PH: Ôi giời ơi cô ơi, cái chức ấy có ai thèm tranh cử với tôi đâu mà cô phải chúc mừng.
PV: Dạ thưa anh, lớp có 50 cháu, 50 phụ huynh học sinh, bầu được một người như anh làm hội trưởng tức là người ta cũng cân nhắc, chọn mặt  gửi vàng lắm đấy chứ anh.
PH: Thì thế, đúng là người ta thấy tôi có tiền và cả có vàng nữa nên người ta mới đưa tôi lên.
PV: Anh nói cứ như là kinh doanh, phải có tiền mới lên làm giám đốc được.
PH: Ấy cái này còn coi trọng tiền hơn cả kinh doanh ấy chứ. Làm đại diện phụ huynh phải có lắm tiền thì mới chi được bao nhiêu khoản của lớp của trường.
PV: Nhưng em thấy là những khoản ấy đều gói trong chỗ học phí rồi mà.
PH: Tôi đoán chắc là cô chưa có con.
PV: Dạ vâng
PH: Đấy, học phí làm sao đủ được.
PV: Vâng, em cũng biết là phải chi nhiều khoản lắm nhưng nếu có chi gì thì các vị phụ huynh kia phải tham gia chứ mỗi mình anh thì làm sao đủ được.
PH: Ừ thì tất nhiên là phải chung chi nhưng tớ có tiền nên tớ hô xung phong thì mọi người phải theo.
PV: À ha. Thế nhưng đâu phải mỗi chuyện đóng tiền. Làm đại diện phụ huynh thì phải là cầu nối giữa phụ huynh với trường lớp, giáo viên…
PH: À, cái đấy tớ giải quyết rất tốt, cực tốt nữa là đằng khác. Lớp con tớ là lớp xịn nhất trường đấy.
PV: Xịn là sao hả anh, là không có học sinh học kém, không có học sinh cá biệt à?
PH: Không phải, lớp con tớ là lớp chọn…
PV: À lớp chọn toàn học sinh giỏi.
PH: Không phải lớp con tớ là lớp chọn …toàn giáo viên giỏi.
PV: Sao lại toàn là giáo viên giỏi?
PH: Thì cũng nhờ tiền cả thôi. Đầu năm tớ đến gặp cô giáo vụ, biếu cô ấy ít tiền, nhờ cô ấy tuyển cho một đội ngũ giáo viên từ môn chính đến môn phụ toàn là giáo viên giỏi nhất trường. 
PV: À ha,
PH: Lớp con tớ  được các thầy cô cưng như cưng trứng, không thầy cô nào dám làm mếch lòng chúng nó.
PV: vậy nhưng lũ học sinh học hành có nghiêm túc không?
PH: Cuối năm không có đứa nào thi lại, không có đứa nào bị hạnh kiểm khá.
PV: Thế không có em nào bị kỷ luật vì nói chuyện trong giờ học à?
PH: Ngay cả cái đấy cũng không hề
PV: lạ nhỉ, chắc thầy cô dạy hay lắm.
PH: Ồ không. Tất nhiên cũng có đứa nói chuyện, quay cóp chứ nhưng không như những lớp khác hễ nói chuyện là hạ hạnh kiểm.
PV: Vâng, thường thì thế mà.
PH: Lớp này cũng có lần bị cô giáo hạ hạnh kiểm vài đứa vì nói chuyện.
PV: Rồi sao hả anh.
PH: Thì tôi lên gặp hiệu trưởng yêu cầu xem xét lại, tại cô giáo ấy dạy dở quá nên con chúng tôi ngủ gật hoặc nói chuyện riêng. Thầy hiệu trưởng nhất trí xem lại "hạnh kiểm" cô giáo và thế là phát hiện ra rằng cô ấy cũng đã “buôn dưa lê” trong giờ học chính trị và người phải chịu kỷ luật là cô giáo kia.  
PV: À vâng, cách làm mới.
PH: Từ đó không có giáo viên nào dám giở trò với lớp con tớ hết
PV: Anh đúng là đại diện xứng đáng cho phụ huynh học sinh.
PH: Ừ thì mình  phải thể hiện cái quyền của những người có tiền chứ
PV: (ngập ngừng) nhưng nói như thế có dễ bị mang tiếng thị tiền không thưa anh?
 PH: Đấy, nhà báo các cô đúng là chỉ chuyên nghĩ theo kiểu một chiều. Khi tôi nói như thế cô hiểu ngay ra chuyện tôi thị tiền. Thưa cô, tôi nói là chúng tôi, chúng tôi là phụ huynh là những người đóng tiền học phí cho con mình thì chúng tôi cũng có quyền đòi hỏi nhà trường phải dạy dỗ con chúng tôi cho tử tế. Nói thật với cô, lâu nay hình như người ta quên mất chúng tôi là người đóng học phí hay sao ấy. 
PV: nhưng như anh nói học phí đâu có đủ?
PH: Thì ít nhất học phí là cái tối thiểu để chúng tôi đòi hỏi những quyền lợi tối thiểu. Còn quyền lợi hơn thì như tôi đã nói lúc nãy là tiền ngòai học phí.
PV: Ô vậy ngành giáo dục của chúng ta chả khác gì kinh doanh à?
PH: Cá nhân tôi nghĩ có lẽ nên đặt vấn đề kinh doanh giáo dục có khi hay hơn là kiểu bao cấp giáo dục như hiện tại. Có thể nó sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh (tôi nghĩ rằng nó sẽ chẳng hề lệch lạc tí nào đâu) giữa các nhà trường.   
PV: Thì bây giờ người ta cho phép thành lập đầy các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đấy anh ạ. Nhiều trường còn tranh nhau sinh viên nữa cơ. Điểm thấp mấy cũng nhận
PH: Tôi cũng thấy làm lạ là trong khi những trường ĐH,CĐ,Trung cấp dân lập có, tư thục có, quốc tế có … mọc đầy như nấm sau mưa thì các trường học ở cấp phổ thông lại rất ít. Mà những trường học phổ thông thì mới  là gốc, là nền tảng cho giáo dục ở các bậc học khác. Cô có thấy thế không?
PV: Vâng anh nói đúng đấy ạ. Nhưng học phổ thông được nhà nước bao cấp thì cũng tốt chứ. Học phí thấp hơn nhiều mà anh
PH: Vâng thì học phí thấp nhưng cô lại chưa tính đến những chuyện như kiến thức bị nhồi nhét, con em chúng tôi thì bị mắng chửi, chưa tính đến khoản tiền học thêm mà hầu như học sinh nào cũng phải học.
PV: Hừm…
PH: Cho nên nói thật với cô là tôi đang tính làm một dự án mở trường THCS, THPT chất lượng tốt, học phí vừa phải và cô biết không, slogan của tôi sẽ là: “Học sinh ở đây không phải học thêm”
 PV: Ấn tượng đấy anh ạ.
PH: Chứ sao nữa. 
PV: Rất cảm ơn anh về buổi phỏng vấn này. Em đã nhận được nhiều điều rất thú vị.  
PH: Nhưng tôi khuyên cô là không nên đưa báo chí. Chả hay gì cho cô đâu
PV: Vâng, em sẽ suy nghĩ thêm về điều này. Một lần nữa xin cảm ơn anh .
Trên đây là toàn văn cuộc phỏng vấn tưởng tượng giữa phóng viên và trưởng ban phụ huynh của lớp “Hai trong một” .

TRỌNG THỦY GẶP MỴ CHÂU DƯỚI THỦY CUNG

Đề văn lớp 10: Hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ của Mị ChâuTrọng Thuỷ dưới thuỷ cung.
Sau đây là bài viết  của mẹ Bống  cho Bống mà không dùng nên cho bạn nào dùng đực thì dùng.
Trong chúng ta không ai là không ngậm ngùi mỗi khi nhớ đến bài học giữ nước từ An Dương Vương và bi kịch đau buồn về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thuỷ. Sau đây là phần tiếp theo của câu chuyện khi Trong Thuỷ gieo mình xuống giếng ngọc ở Loa Thành.
Chàng biết là mình đã chết. Dẫu rằng cái chết của chàng không nhẹ nhàng, thanh thản chút nào vì trong lòng chàng canh cánh nỗi nhớ Mị Châu cùng nỗi hối hận về tội lỗi của bản thân mình. Ngắm lại thể xác mình dưới giếng lần cuối cùng, linh hồn Trọng Thuỷ thở dài lặng lẽ thoát ra theo một đường hầm mà ở đó có một luồng sáng như mời gọi chàng. Trong Thuỷ hiểu chàng đang ở Thuỷ cung khi đến cuối  đường hầm là một vùng nước non xanh thẳm, với những rặng san hô nhấp nhô, những bầy cá tung tăng bơi lội... Một con rùa biển bơi đến bên chàng và lạ thay, từ miệng rùa mấp máy thành những thanh âm kỳ lạ vọng vào tai chàng chứ không phải ngân thành tiếng nói như người:
- Ta là thần Kim Qui đây, ta đã đợi chàng từ rất lâu rồi. Hãy theo ta vào chầu Long Vương.
Trọng Thuỷ cúi đầu đi , nói đúng hơn là lướt qua những đám rong rêu, hải quì san hô, những đàn cá đủ màu để đến một cung điện nguy nga lộng lẫy. Thần Kim Qui dẫn chàng vào một căn phòng lớn và đẹp đẽ rồi bảo chàng hãy đợi ở đó.
Trọng Thuỷ nhìn quanh, ánh sáng mờ ảo của căn phòng cũng giúp cho chàng nhận diện được chắc đây là nơi thiết triều của Long vương và giờ này chưa phải là lúc thiết triều nên ở nơi này hoang vắng lạ thường.
Bỗng, Trọng Thuỷ nghe thấy tiếng hình như là tiếng khóc của 1 cô gái. Ban đầu chàng ngỡ như là tiếng nước chảy mơ hồ nhưng càng lúc tiếng khóc càng rõ ràng hơn. Rón rén Trọng Thuỷ tiến lại gần chỗ có tiếng khóc. Chàng choáng váng khi nhận ra dáng hình quen thuộc. Chàng kêu lên thảng thốt:
- Mỵ Châu! Mỵ Châu! Ta đã đi tìm nàng khắp nơi.
Không thấy Mị Châu ngẩng đầu lên, chàng ngỡ nàng không nhận ra mình nên cuống quýt:
- Mỵ Châu, ta đây, là ta, Trong Thuỷ đây mà…
Bất ngờ Mỵ Châu ngẩng phắt đầu và bằng một giọng nói dù còn trong nước mắt nhưng vẫn rõ ràng và gay gắt:
- Chàng còn đến tìm ta để làm gì?  
- Mỵ Châu ơi, ta đây, ta nhớ nàng, ta muốn tìm nàng để tạ tội.
- Chàng nghĩ rằng ta có thể tha lỗi cho chàng được chăng khi giờ đây chính ta cũng đang là tội đồ của đất nước ta, là kẻ phản bội của dân Âu Lạc, là đứa con bất hiếu bất nghĩa của cha ta. Ta thật ngây thơ, thật cả tin khi trao cho chàng cả trái tim và cả bí mật của Loa Thành. Chàng hãy nhìn đi, nhìn ra ngoài kia để thấy bao nhiêu oan hồn người dân  Âu Lạc bị chết thảm dưới tay của Triệu Đà, cha chàng, thấy máu chảy đầy sông, đầy biển. Họ đang tìm đến đây để đòi ta phải trả nợ này.
- Mỵ Châu ơi, nhưng nàng cũng đã trả giá bằng cái chết trắng trong của mình và ta cũng đã theo nàng đến đây để cùng nàng tạ lỗi ...
- Trọng Thuỷ! cái chết của ta và của chàng ngàn đời cũng không thể rửa được nỗi nhục bán nước này đâu.
Trọng Thuỷ cúi đầu. Chàng đã hiểu nỗi đau của Mỵ Châu. Nhưng chàng vẫn mong nàng có thể hiểu được cho tình cảm của mình. Chàng khẩn khoản nói:
- Nhưng ta yêu nàng, ta đã đi tìm nàng và đã gieo mình xuống giếng để mong có ngày gặp nàng ở Thủy cung này.
Mỵ Châu nhìn Trọng Thuỷ cười buồn:
- Ta hiểu chàng yêu ta, ta hiểu chàng hối hận về hành động của mình. Bản thân ta cũng đã yêu chàng, rất mực yêu chàng, yêu chàng cho đến phút cuối cùng khi cha ta phát hiện ra vết lông ngỗng và chém đầu ta trước biển. Nhưng giờ đây, ở dưới thuỷ cung này ta mới hiểu ra: tình yêu  lứa đôi có nghĩa gì đâu khi đất nước mình đang bị chà đạp, giày xéo, khi nhân dân mình đang lầm than, chết chóc. Điều cuối cùng ta muốn là chàng hãy đi đi, hãy làm gì đó để ngăn cản tham vọng ngông cuồng của cha chàng, để chặn bàn tay độc ác của ông ta đối với xứ sở Âu Lạc cuả ta. Trọng Thuỷ ơi, ta cũng muốn nói rằng dù có thể giờ đây cha chàng đã chiếm được đất Âu Lạc nhưng sẽ không bao giờ có thể chiếm được lòng dân Âu Lạc. Hãy đi đi và kể lại cho muôn đời con cháu sau này về bi kịch tình yêu giữa ta và chàng.
Nói đến đây Mỵ Châu dừng lại một lát rồi nhẹ nhàng rướn người vươn lên phía trước, trông nàng khi ấy thật đẹp đẽ với mái tóc dài tha thướt bồng bềnh và chiếc áo dài đỏ rực màu máu nổi bật giữa làn nước trong xanh.
Trọng Thuỷ ngồi lại, mái đầu cúi xuống, thiểu não. Một lát sau chàng từ từ đứng lên đi từng bước nặng nề quay lại phía sau, nơi mà chàng nghĩ rằng có đường hầm đã đưa chàng đến nơi này.
Trọng Thuỷ không thể quay về dương gian được nữa nhưng chắc hẳn  chàng đã xin cùng Long Vương cho linh hồn chàng được ở lại với Loa Thành, và mong rằng nước giếng ở đó sẽ dần dần gột rửa cho những tội lỗi của chàng đối với nhân dân Âu Lạc. Những viên ngọc trai quí giá như tình yêu của Trọng Thuỷ - Mị Châu sẽ được nước giếng Loa Thành làm cho sáng bóng đẹp đẽ vô cùng