Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

THƯỜNG PHẠM

Tiếng mở khóa cửa lạch xạch, tiếng cánh cửa sắt rít lên ken két nặng nề. Mới ba giờ chiều, giờ đi cung thì quá trễ còn giờ cơm chiều thì lại quá sớm, chả biết cái gì đang tới nữa, tôi nghĩ thầm. Từ bên cạnh, Nhân cũng đã bị tiếng động đánh thức, lồm cồm ngồi dậy ghé tai tôi nói nhỏ:
- Người mới đến hay sao ấy anh ạ.
 Chưa nói hết câu,  chúng tôi đã thấy một bóng người to lớn choán gần hết khoảng sáng khung cửa buồng giam. Người mới đến quay người lại phía viên quản giáo nói rõ to: “chào cán bộ, hẹn gặp lại”. Hừm, thật mỉa mai, ở đâu ra một tên phạm nhân hồn nhiên thế cơ chứ. Vào tù mà cứ làm như đi nghỉ mát, nói với cán bộ quản giáo mà cứ như bạn bè vậy. Có lẽ cùng ‎ý nghĩ, nên khi quay sang, tôi đã thấy ánh mắt đầy lo lắng của  Nhân và như một phản xạ tự nhiên, cậu ta ngồi xích lại gần như nép vào người tôi, khiến cho tôi cảm thấy mình phải có bổn phận che chở cho cậu ta.
Phạm nhân mới là một tên cao to lừng lững (ờ đã nói ở trên rồi mà), râu tóc xồm xoàm, đúng dáng anh chị. Dường như chưa quen với bóng tối trong phòng giam nên hắn đứng một lúc lâu ngó nghiêng, sau đó dí sát mặt vào nhìn từng người trong phòng, cuối cùng mới từ từ vác gói hành lý‎ về phía cuối phòng sau khi đã nói bằng giọng bỗ bã : “chào các chiến hữu nhá. May quá được vào đây, thế là hôm nay có thể ngủ yên một giấc rồi”
Nói thế là làm y như thế, hắn lăn quay lên bệ xi măng và chả mấy chốc chúng tôi đã nghe thấy tiếng ngáy pho pho của hắn mặc cho hai chúng tôi bó gối ngồi hết nhìn hắn lại nhìn nhau, đến thở cũng không dám thở mạnh.
 ***
Trong phòng tạm giam này có lẽ tôi là người có “thâm niên” nhất dù rằng tôi thực sự chỉ đến trước Nhân có mấy ngày và đến nay chỉ thiếu vài ngày nữa là tròn tháng. Ngồi trong buồng giam ngần ấy thời gian, đã mấy lần đi cung nhưng cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu lý‎ do chính xác đẩy tôi phải vào đây là vì cái gì. Qua những  câu xét hỏi nửa già dặn, nửa ngây ngô của mấy tay điều tra non choẹt, tôi lờ mờ biết được rằng họ đang nghi ngờ tôi có dính vào đề án tin học hóa của Chính phủ, đề án  này được thực hiện tại các tỉnh thành toàn quốc và đang nổi lên với nhiều tai tiếng tiêu cực khiến cả lãnh đạo cấp bộ cũng phải vào tù. Thực ra, cơ quan chúng tôi cũng là một đơn vị được nhận tài trợ  của dự án và chúng tôi đã sử dụng số tiền đó để xây dựng một phần mềm quản lý‎ hồ sơ công việc mới, khác với phần mềm của dự án bàn giao. Nhờ thế trong khi nhiều tỉnh thành khác “la trời” về rất nhiều tính năng thiếu hợp l‎ý của phần mềm được cung cấp, rồi hệ mã nguồn do các chuyên gia cấp trên “mang đến lại mang về” thì riêng tỉnh tôi vẫn rất ung dung sử dụng phần mềm của chúng tôi với rất nhiều các ứng dụng thực tế và không ngừng được nâng cấp. Tôi thực sự ngán ngẩm với cung cách thẩm vấn của mấy điều tra viên khi họ hầu như chả biết gì về các khái niệm tin học, phần cứng phần mềm, mà cứ loanh quanh “khai thác” mãi chuyện chúng tôi, cụ thể là tôi đã sử dụng tiền dự án chi cho ai, mua cái gì... Tôi càng buồn hơn khi công sức trí tuệ của cả tập thể anh em chúng tôi ráng sức xây dựng một phần mềm hoàn thiện như thế nhưng dưới đôi mắt soi mói của họ thì  nó chỉ được đánh giá không bằng một gói vật chất tầm thường, bị vặn vẹo mãi rằng  sao chi cái này nhiều thế, cái kia ít hơn... Riết hồi, tôi chả còn biết phải trả lời thế nào cho phải nên thôi thì cứ ậm ừ cho họ muốn nói gì thì nói. Nghiền ngẫm thêm, tôi cũng lờ mờ đoán ra khả năng mình bị cuốn vào vòng xoáy của cơn lốc quyền lực và nhanh chóng  bị đánh bật ra ngoài bằng ngón đòn “tin học” này. Chuyện nhân tình thế thái, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè anh em, ai thù ai bạn…cũng nhân khi tôi ở tù mà nhanh chóng bộc lộ ra hết thảy…Cũng may, Vân, vợ tôi là một người đàn bà đảm đang, đoan chính và hai đứa con ngoan chính là niềm an ủi, chỗ dựa vững chắc của tôi trong lúc này. Tuần nào nàng cũng đến thăm tôi và vừa khóc vừa động viên tôi rằng thể nào tôi cũng được ra tù vì tôi không thể nào là một tên tham nhũng được.
 Vào trại được mấy hôm thì Nhân vào. Nhân cao gầy, trắng trẻo, dáng thư sinh khoảng trên ba mươi. Ban đầu cậu ta ngồi thu lu một góc, hết thở ngắn, than dài rồi khóc tu tu như trẻ con. Tối hôm sau cậu ta lên cơn sốt run bần bật, tôi  cũng đành phải thức để canh chừng sau khi đã gọi quản giáo xin khám và thuốc hạ sốt cho cậu ấy. Nhờ vậy mà sau đó Nhân và tôi đã trở nên thân thiết hơn và cậu ta không ngần ngại kể cho tôi nghe chuyện của mình.
Nhân bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác. Nghe to tát thế nhưng thực ra là chuyện cậu ta lật kèo trong một vụ buôn bán nhà đất với một tay đại gia.
- Em tức lắm anh ạ. Chuyến này em mà ra ngoài được em phải chơi cho hắn một trận. Nói trắng ra, chính nó mới là thằng lật kèo trước. Hồi ấy em bán cho nó mảnh đất, nó đã đồng ‎ý với em là hai trăm tỷ nhưng sau lại cù nhầy làm em lỡ mất mấy mối đẹp, rồi cuối cùng khi đất hạ lại chỉ trả cho em có trăm rưởi tỷ. Mẹ cha nhà nó. Thế nên sau này nó bảo bán cái miếng đất ấy em mới giả vờ trả ba mươi tỷ, đặt cọc đấy cho nó không bán được rồi mới chơi lại bài hạ giá nó... Không ngờ nó lại canh ty với mấy thằng khác đẩy em vào đây. Nó bảo em lừa, em lừa gì nó. Em có mấy trăm tỷ trong tay mà lại thèm đi lừa nó vài tỷ à. Mẹ cha nó...
Không đến mức phải ù tai, choáng mắt với những con số hàng chục hàng trăm tỷ từ miệng Nhân phát ra nhưng tôi cũng phải ngạc nhiên khi nghe cậu ta nói đến chúng với một vẻ tỉnh bơ, thản nhiên cứ như không. Không nghi ngờ gì nữa, tôi đã có dịp hiếm hoi để tiếp xúc với “một đại gia thứ thiệt” mà nếu ở ngoài thì chỉ biết đứng xa mà ngó.
Vài chục ngày ở cùng nhau, tôi và Nhân cũng đã trở nên thân thiết. Cậu ta bảo tôi sau này ra tù (chả biết đến bao giờ mới có ngày này) bỏ quách cái cơ quan vớ vẩn của anh đi mà về làm với em. Gì thì gì chứ mỗi tháng em trả bác ít nhất chục chai cho cái bọn tranh giành đấu đá với bác nó trợn trắng mắt ra. Trong cái rủi cũng có cái may bác ạ.
***
“Cơm trưa đến rồi. Nhất, Nhân, Nhật... ơ cái buồng này hay thật nhể, ba tù đều vần nhờ hết nhể, ba người ra nhận cơm nhá.” Tiếng của anh tù tự giác ông ổng bên ngoài và ba đĩa cơm nhanh nhẹn được đầy qua ô cửa nhỏ. Tôi, Nhất, Nhân đại gia và cái người tù mới đến rõ ràng tên là Nhật.
Nhật liếc nhìn sơ qua đĩa cơm, khen không ra khen, chê cũng không ra chê buông một câu: “Hừm, không đến nỗi nào, có rau nhiều tốt rồi.” Sau đó hắn chạy lại chỗ túi đồ của mình lôi ra một hộp nhựa tròn bảo:
- Xin mời các anh em xơi chung với tôi cho vui. Ruốc đấy mà, ruốc thịt con vợ nó chuẩn bị cho tôi đi rừng, nay vào đây thì ăn với cơm tù cũng tốt.
Tôi và Nhân líu ríu ngồi xuống, rõ là không phải sợ hãi nhưng cũng ngại với cái kiểu bặm trợn của Nhật.
Cậu bị gì mà vào đây? Tôi cố gắng gợi chuyện bằng một câu hỏi mà khi nói xong thì cũng là lúc cảm thấy nó thật vô duyên. Vào tù thì chả bị tội này cũng vì tội khác, biết đâu lại gặp tên tù giết người cướp của thì khốn, mà nếu là tù trọng án thì chả nhẽ hắn lại nói thật với mình.
-   Hề hề... , thưa đại ca, thằng em này can tội  lâm tặc ạ. Nhật trả lời, miệng vẫn nhồm nhoàm một miếng to tướng.
   Lâm tặc à. Tôi và Nhân không hẹn mà cùng đưa mắt nhìn nhau. Chẳng biết với cái danh phận đặc biệt của tên tù mới này thì là điều tốt hay điều xấu. Mà cũng có khi chả tốt cũng chả xấu. Tôi là lính văn phòng, suốt ngày chỉ chăm chú với viết lách, máy tính, mạng mẽo ... đã đành, nhưng còn Nhân tuy đã có nhiều năm lăn lộn buôn bán chụp giựt nhưng chắc cũng như tôi khó có thể hiểu hết những  ngóc ngách làm ăn của giới giang hồ, thảo khấu, càng chưa thể ngồi mà ăn cơm cùng với họ như thế này...     
- Nhìn hai anh em đây, cho tôi thử đoán xem có đúng không nhé. Ông anh đây (Nhật chỉ ngay vào tôi) chắc là  quan chức, nhưng chỉ thường thường bậc trung thôi. Còn chú em đây, là đại gia, cá lớn mắc câu hả. Có đúng không nào? Thôi quan chức với đại gia gì vào đây cũng là thằng tù hết, chả ai hơn ai.  
 Trong lòng thừa nhận hắn nói đúng, tuy vẫn còn hơi e dè nhưng đồng thời tôi đã bắt đầu thấy thoải mái hơn với cung cách nói năng bạt mạng của tên lâm tặc mới vào này. Nhìn sang Nhân, tôi thấy cậu ta cũng đã nhìn Nhật với vẻ chăm chú hơn, không còn căng thẳng như ngày trước nữa.
Và thêm một miếng cơm nữa, Nhật thong thả nói tiếp:
- Hai người yên tâm đi, không phải ở đây lâu đâu. Ông anh này, (Nhật hất mặt về phía  tôi) chỉ không đầy tháng nữa được tha. Còn thằng em đây thì hơi lâu hơn chút. Nếu biết điều thì cũng chỉ ra sau ông anh đây vài ngày thôi. 
Tôi nhìn Nhật không giấu được vẻ hoài nghi, riêng Nhân tỏ ra phấn khích hơn, mắt cậu ta đã ánh lên những tia sáng hy vọng.
- Sao hả anh, anh nói chúng em được thả ra à? (Một cái gật đầu của lâm tặc) Anh bảo biết điều là biết điều thế nào ạ?  Anh chỉ cho em với.
- Hờ hờ, thằng em này cứ từ từ. Để anh nói hết đã. Đại ca đây là quan chức nhưng thực ra chỉ suốt ngày cặm cụi cạo giấy, chả có tội lỗi gì, chỉ là do đụt quá mà ra nông nỗi này, bị người ta đổ vấy trách nhiệm lên đầu, thí tốt. Nhưng rồi người ta cũng phải cho ông anh ra ngoài nay mai bởi vì đánh ông anh thì chả được cái gì mà lại mang tiếng “đập chuột vỡ lọ”. Ông anh yên tâm, mai này không khéo ra ngoài lại trở thành “người hùng” cứu nguy, rồi lại được lên chức chứ chả chơi. Thế nên ông anh cứ ậm ừ, à uôm cho qua, đừng có dại mà khai báo tố cáo ầm ĩ làm gì cho nó mệt mình, bực người nhá. Cứ coi như đây  là cái hạn nhưng là để có dịp nghỉ ngơi thư giãn. Ông anh cũng đừng trách họ không tới lui thăm hỏi. Giá như ông anh nằm viện thì chúng sẽ tranh nhau đến thăm chứ giờ  “ủ tờ” thế này thì chúng ngại cũng là lẽ đương nhiên.
Chỉ bằng vài câu nói đầy chất bụi bặm, Nhật như đã moi được đúng vào tim gan,  gốc rễ của đám nhân viên văn phòng chúng tôi. Khi vui thì vỗ tay theo, khi buồn thì sẵn sàng xô đẩy người khác để tránh phiền toái cho mình. Ai đó đã  đưa ra hình ảnh có tính khái quát cao về bản chất đám văn phòng như thể cái giỏ cua đồng lúc nhúc, ai cũng muốn ngoi lên, đạp lên đầu lên cổ con khác nhưng rồi cũng bị chính chân càng của nhau trì kéo lại. Tôi chua chát nghĩ thầm.
Hình như trong lúc tôi đang nghĩ vẩn vơ thì Nhân đã kịp kể cho Nhật về lý do mình bị đẩy vào tù nên khi dứt dòng suy nghĩ, tôi đã thấy tiếng Nhật cười lớn bảo với Nhân:   
- Ông anh đây là người của công việc, ít va chạm đời sống đã đành, nhưng chú em mày cũng bị vạ này thì thật là vô duyên. Nhưng thôi, anh bảo này, chú mày vào đây không phải vì cái lý do vớ vẩn ấy đâu mà là chuyện khác. Cái vụ việc của chú mày, nhìn sơ qua cũng biết là chỉ cần xử lý dân sự, lên tòa cãi nhau ỏm tỏi một trận, cũng chả cần phải đưa tiền cho chúng để xử cho đẹp, chỉ cần cho bọn tòa nó kiếm lệ phí xét xử là chúng nó cũng sướng rồi. Tội nợ là ở chỗ chú mày đúng là loại “dê cõn buồn sừng” húc đâu không húc lại nhè cái thằng cha đó mà húc. Chú có biết đụng đến nó là đụng đến sếp nào không ?. Chú mày cứ cố mà nhớ lại đi, có phải trước đây có lần đã qua mặt, dám trả giá “phổng” hẳn cho món đất nào đấu giá chưa? Có chứ gì? Đấy… đấy…, vấn đề là ở chỗ ấy đấy, thế cho nên mới chọc cho họ giận, họ điên lên họ cho bài học. Hừm, đã thấy ngu chỗ nào chưa hử?
- Thế bây giờ phải làm sao hả anh? Tiếng Nhân líu ríu hỏi, rõ là cậu ta đã bị điểm huyệt …Bao lâu nay, ở với tôi, anh em tâm sự chán chê mê mỏi mà có bao giờ tôi nghe Nhân kể gì về chuyện làm ăn ngoại trừ cái vụ lật kèo khiến cậu ta tức tối nói ra hôm đầu tiên. Ấy vậy mà chỉ có hơn một buổi vào đây, cái thằng cha lâm tặc này lại nói ra vanh vách như thể đang “đi guốc trong bụng” cậu ta vậy.
- Thì sao nữa, cậu phải lần lại ngọn nguồn cái dây “tơ hồng” mà xử. Họ đưa cậu vào đây thứ nhất là dằn mặt cái vụ cậu làm dê cõn kia, thứ hai kiếm cậu ít bạc, thứ ba là buộc cậu phải quì dưới trướng mà nghe lệnh họ. Thế thì mấy bữa nữa, sai mấy thằng đệ ruột đem vài “thùng” tới nhà bác mà năn nỉ, xin lỗi và quy thuận. Đơn giản quá phải không?
- Nhưng báo chí đã đăng họ bảo em phạm tội hình sự, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, quyết tâm xử hình sự rồi mà anh ?
- Tao nói đến thế mà mày vẫn còn ngu lâu thế nhỉ. (giọng Nhật có vẻ cáu). Hình hay dân thì cũng là do mình cả thôi. Nghe gì cái đám báo chí vịt gà ấy. Chú mày có thấy từ hôm vào đây, chúng nó chả hề đả động gì đến mày không?  Anh bảo đảm sau khi mày nghe lời đại ca này thì mày sẽ được thả rẹc đùng, đếch phải lo. Sau đó kiếm anh mà khao bia nhá.
Câu chuyện của chúng tôi hôm ấy còn dài. Buồng giam với sự có mặt của Nhật “lâm tặc” đã trở nên vui vẻ sinh động hẳn lên với những câu chuyện rừng rú huyền bí, chuyện làm ăn đầy chất giang hồ mà cậu ta kể bằng thứ ngôn ngữ chợ búa hơi khó nghe nhưng rất hấp dẫn và rất “bản chất”. Thú thật, tôi chả ưa gì lúc Nhật văng tục và nhổ toẹt mỗi khi nói đến chuyện luật pháp, nhà nước, đến ông nọ bà kia… nhưng khám phá ra thực chất đằng sau cái vẻ phong trần, bặm trợn kia là một cái đầu rất biết người biết ta, có những suy nghĩ rất phong phú và sâu sắc.
Khi vui miệng, Nhân cười cười hỏi Nhật:
- Em thấy bác đúng là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, nhưng hỏi khí không phải, sao bác lại cũng phải vào đây với chúng em ?
- Ha ha ha…
Nhật lớn tiếng cười sảng khoái rồi vừa cười vừa quay sang tôi bảo:
- Chắc đại ca đây cũng thắc mắc như nó chứ gì. Thế này, năm nay em xem tử vi bảo là thể nào cũng có hạn lớn, không vào tù thì mất mạng. Em cũng đang lăn tăn chả biết thế nào thì mẹ kiếp, thằng đệ của em nó phản thùng, xe gỗ của em bị bọn kiểm lâm nó chặn bắt. Cũng may mấy chuyến kia tuyền gỗ quí em thoát hết rồi, còn cái xe này toàn gỗ thường, kể ra dúi cho chúng nó tý thì cũng qua tuốt, nhưng nhớ đến lời ông thầy tử vi nên em giả vờ cãi vã với chúng nó để nó có cớ tống em vào đây. Coi như nghỉ mát. Gặp anh em ta đây thì may quá, đúng là nghỉ mát thật, chứ vô phúc sang buồng khác phải bọn đầu gấu, nửa đêm chúng nó điên điên đóng cho một cái đũa từ tai nọ sang tai kia thì xong om. He he.
  
***
Quả như lời Nhật “phán”, mười ngày sau tôi được trả tự do về cơ quan, được khôi phục lại các chức vụ, lương hướng và cũng không ai nhắc đến chuyện tôi bị ngồi tù oan nữa ngoại trừ một lần, sếp gọi tôi lên và khuyên tôi đừng có làm ầm ĩ lên nữa. Thực ra sếp không khuyên thì tôi cũng chả dại gì để làm những chuyện vớ vẩn đó.
Sau đó ít lâu, tôi nhận được điện thoại của Nhân. Cậu ta mời tôi đi uống cà phê ở “quán của em mới khai trương”. Không còn bộ quần áo tù nhân, Nhân giờ đây ra dáng một ông chủ, một đại gia hẳn. Nhân nhắc lại đề nghị trước đây với tôi, nhấn mạnh mức thù lao đã tăng lên và một cương vị lãnh đạo của Công ty đang bỏ ngỏ để chờ tôi nhận. Tôi cảm ơn và viện cớ từ chối rằng tôi vốn quen với cuộc sống công chức bình thường, tuổi tác đã lớn, khó mà thay đổi,  nữa hơn nữa mọi việc đã quay về với nền nếp cũ rồi, cũng không có gì phải oán trách, bứt rứt.
Chúng tôi ngồi nhắc lại những ngày trong trại, nghe Nhân kể tiếp đoạn sau khi tôi đã được thả ra.
- Đúng y như ông ấy bảo anh ạ. Em sai thằng đệ em đến gặp sếp và nói rõ những việc như ông ấy đã dặn. Thế là chúng thả em ra ngay, cứ như không có chuyện gì xảy ra.  
- Thế sau này em có nhận được tin tức gì của Nhật không?
- Nghe đâu ông ấy cũng được thả ra rồi. Ông ấy mà không được thả mới là sự lạ. Nhưng em nghi lắm anh ạ.
- Nghi sao?
- Em nghi lão này cóc phải lâm tặc lâm tiếc gì đâu anh ạ mà chính là công an, là đặc tình công an ấy anh biết không? Thế nên lão mới vanh vách mọi thứ, cười cợt pha trò với cả quản giáo. Mẹ kiếp, chứ như anh với em, nghe nói vào tù đã sợ vãi đái ra quần rồi ấy chứ. Hờ hờ… Thế thôi, nên em cũng chả thèm quan tâm lão ấy có ra tù chưa, ở đâu thế nào cho nó rách việc…
Sau đó Nhân kể cho tôi nghe về dự án bất động sản mới của mình với một vẻ say sưa, lại “bật mí” rằng cái này cái kia có sếp lớn cổ phần nên từ nay không sợ thằng  nào hết.
Tôi thần người nhìn Nhân, rõ là có sự thay đổi trong cả giọng điệu, ngôn từ, tiếng cười cũng khác… Không biết có phải là sự khác biệt giữa thân phận thằng tù và người tự do, mà là một đại gia tự do nữa.  Hay là sự thay đổi khi từ một đại gia tự do đến chỗ một đại gia “dưới trướng” một đại đại gia khác và đang lấy làm tự hào về việc đó.
Nhớ lại lúc Nhân nép mình vào sau lưng tôi khi còn ở trong tù, tôi chợt thấy chẳng biết mình nên tội nghiệp cho cậu ấy hơn hay là bây giờ.
Dù sao thì tôi cũng có hơn tháng trời để cùng ăn ngủ và cùng làm thường phạm với những người hiếm hoi, để chiêm nghiệm từ họ và từ bản thân mình những giá trị của cuộc sống vốn đầy rẫy những khúc khủyu, cạm bẫy.
 Như giờ đây, nếu không có chuyện ở tù, có lẽ tôi sẽ không cảm thấy sung sướng khi đang hít thở bầu không khí mát rượi từ phía sông vậy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét