Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

THÔI ĐỪNG LÀM TO NỮA!

Cu Bống càng lớn lại càng hay hỏi nhiều câu …cắc cớ. Nhiều câu mẹ nó không trả lời được nhưng con số ấy thì rất ít bởi mẹ nó cũng là một nhà …cắc cớ (có khi còn hơn nó) và cũng biết cách để trả lời cho những câu … cắc cớ của nó.
Hôm trước đi lên mộ ông, Bống hỏi: “Mẹ này, sao con thấy có nhiều người khi họ khổ thì họ hiền lành dễ chịu lắm, nhưng tới khi họ có chức có quyền thì con thấy họ ác ác thế nào ấy. Sao thế hả mẹ? Có phải chức quyền làm cho họ ác lên hả mẹ?”
Phải suy nghĩ, tất nhiên là phải suy nghĩ một lúc để trả lời cho Bống. Câu trả lời thế này.
Ví dụ như mẹ nhé. Mẹ bây giờ đang rất bình thường nhé, không ác nhé, rất vui vẻ nhé. Thế rồi tự nhiên mẹ được làm một chức to to, ví dụ như Tổng Giám đốc một công ty lớn chẳng hạn. Cu Bống con mẹ học hành thì lôm côm, lại còn ham chơi đua đòi nhé. (Bống xịu mặt rồi kìa – đây là ví dụ cơ mà, ví dụ như thế chứ ai chả biết Bống ngoan ngoãn, học khá). Mẹ làm lớn, chả nhẽ để Bống nhà mình đi lang thang, nghề ngỗng không có, thế thì mất mặt mẹ quá. Thế là mẹ mới bảo một chú nào đó cấp dưới của mẹ “Chú lo hộ chị 1 chỗ làm vớ vẩn gì đó cho cu Bống cái”. Ấy là mẹ nói thế thôi, chứ cái chú cấp dưới kia “dám”  tìm chỗ vớ vẩn cho Bồng à. Tất nhiên, chú ấy sẽ bố trí cho Bống vào làm một chỗ “thơm tho” (nghĩa là vừa có chức lại vừa có tiền). Rồi thời gian, Bống lại tự cho mình là có quyền (vì là con bà Tổng Giám đốc mà) trong khi Bống vừa dốt lại vừa hư, lại đối xử với người khác không ra gì. Ban đầu họ cũng dễ bỏ qua cho Bống nhưng sau đó thì một số người có ý kiến phản ứng, kiện cáo lên cấp trên. Lúc ấy mẹ phải làm thế nào? Dẹp cu Bống đi, không cho làm chỗ ấy nữa? quá dễ. Nhưng mà như rứa thì mất mặt mẹ quá, chả nhẽ mẹ quyền lực thế này mà thằng con mẹ không có chỗ mà chui à? Mà đâu chỉ mình mẹ mất mặt mà cái người đưa Bống vào làm cũng bị lây chứ. Thế là mẹ phải bảo chú kia (mà có khi chưa kịp bảo chú ấy đã tự làm rồi) giải quyết việc ấy. Giải quyết thế nào? Thì có nhiều cách ví dụ như cho mấy người nào “to mồm” phản ứng ấy ít tiền bảo họ im nếu họ không im thì buộc họ phải “lên bờ xuống ruộng”, hành hạ  ra bã …
- Thế thì thành ra ác hả mẹ?
- Thế nếu không ác với họ thì cu Bống làm sao mà được này được nọ, có chức có quyền, có tiền hở?
 Nghe đến đây, cu Bống ngồi im lặng. Một lúc sau Bống thở dài nói
- Thôi, mẹ ạ. Mẹ làm thế được rồi, đừng làm to nữa mẹ nhé.
Buồn cười thật, rõ là đồ trẻ con. Bống làm như mẹ nó dễ làm to lắm ấy.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

ĐÁM CƯỚI CHỊ

Chiều qua nhận được thiệp mời cưới của bà chị họ (bằng tuổi mình).Nhận xong rồi, cứ ngồi nghĩ mãi về chuyện của chị. 
Chị đang là một người vào loại có chức quyền của tỉnh, là một phó ban quan trọng của Tỉnh ủy. Cỡ mình chưa là cái đinh gì so với chức vụ của chị. 44 tuổi, có 1 con gái đã hai mươi, ông chồng hiền lành...cuộc sống của chị được coi là ổn định, đàng hoàng.
Thú thật, mình không hiểu rõ về cuộc sống gia đình của chị, chỉ nghe loáng thoáng chị với chồng không hợp nhau. Anh N. không những không phải là một người chồng vũ phu, tệ nạn mà trái lại theo đánh giá của mình anh là một người hiền đến mức ...đụt. Có lẽ vì vậy, mà chị chán anh chăng. Mình nghe con em kể lại " Hôm trước, em gặp anh N. thấy ảnh thiệt tội. Ảnh cứ đi theo em, biểu em năn nỉ chị đừng ly dị anh".  
Người chị định lấy làm chồng bây giờ thì mình cũng có biết cách nay vài năm. Anh ta là một người đàn ông lanh lẹ, hoạt bát có dáng của một người làm ăn khá giả. Nhưng nói chuyện với anh thú thật mình có cảm giác kém tin tưởng vì những lời nói của anh cứ trơn trượt, nhầy nhẫy...        
Nhận được thiệp cưới của chị, cảm thấy kỳ kỳ. Tuổi này, lại cưới tập 2 rồi chứ có phải trẻ nỏ gì nữa mà bày đặt ...Tất nhiên chuyện gia đình riêng của chị chả nên bình luận này nọ, nhưng cũng thấy không đồng tình và có phần gì đó lo lắng cho chị. Ông chồng mình thấy mình ngồi thần người ra thì bảo: "em ạ, anh nghĩ rằng rồi chị ấy cũng sẽ thêm một lần hối hận nữa cho mà xem." "sao anh nói thế?" Mình hỏi.  "Chị ấy là người có chức vụ, lại làm công tác tổ chức mà chính ngay cuộc sống của gia đình mình chị ấy còn không tổ chức nổi thì còn nói làm gì. Nếu chị ấy biết cách thì đã lựa chọn đúng người chồng cho mình. Hoặc giả cho dù anh chồng cũ có kém cỏi thì cũng biết cách mà vực người ta lên chứ không phải cái kiểu thất vọng về chồng cũ để lấy một ông chồng khác với những tiêu chuẩn ngược hẳn 180 độ. Như thế anh đoán trước rằng chị ấy sẽ lại thêm 1 lần thất vọng nữa mà thôi."
Dù rất biết là ông chồng mình có lý nhưng mình cũng thầm mong chị đừng sớm thất vọng.
Ngồi chơi nói chuyện, con bạn mình bảo: " đến tuổi này rồi mà còn cưới xin làm gì. Nếu nói giải thoát với chồng cũ thì cứ đi chơi cho nó thoải mái. Dại gì mà đâm đầu vào cưới chồng khác làm gì cho mệt. Lại thêm một lần hầu hạ chồng chứ được ích gì."
Lòng lại lo lo cho chị. Chả biết hạnh phúc là gì...   

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

A! Ô! VÀ ÔI!

Hồi còn nhỏ đọc truyện "Ông Tướng về hưu" của nhà văn Nga mình nhớ mãi cái đoạn tả về hai ông cháu vị tướng vừa xoay trần ra dọn dẹp, lau nhà vừa hát đi hát lại đoạn điệp khúc vui vẻ (cái đoạn này phải thán phục người dịch sang tiếng Việt):
"A!, chúng ta là những tên cướp, những tên cướp, những tên cướp"
"Ô!, chúng ta là những tên cướp, những tên cướp, những tên cướp"
"Ôi!, chúng ta là những tên cướp, những tên cướp, những tên cướp"
Nội dung các câu hát hoàn toàn như nhau, chỉ thay đổi bằng những thán từ A!, Ô! và Ôi! nhưng nó đặc biệt thể hiện được tâm trạng, thái độ của "những tên cướp biển" trong bài hát. Từ sự phấn khởi, hãnh diện khoe khoang về bản thân (A!) đã chuyển dần sang thái độ ngạc nhiên, đầy tự ti  (Ô!) và cuối cùng là sự thất vọng, chán nản cho thân phận mình (Ôi!).
Rảnh rảnh, ngồi nghĩ linh tinh thấy có lẽ các công chức nhà mình cũng nên hát bài ca vui vẻ (hay không vui vẻ nhỉ) ấy. "A! chúng ta là những công chức những công chức những công chức..." rồi đến "Ô!, chúng ta là..." và cuối cùng là "Ôi, chúng ta là ..." cho từng giai đoạn trong đời công chức của mình.  
Ví dụ như mình, hiện nay đang ở giai đoạn cuối của thán từ "Ô !..." và lẽ dĩ nhiên là sắp chuyển sang "Ôi!..." hay có thể nói là đang bắt đầu giai đoạn "Ôi !" thì cũng thế...    

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

TẠI CHỨC VÀ CHÍNH QUY

Hồi còn học ở trường Đại học (ĐH luật hệ chính qui tập trung nhé), mỗi lần nhìn thấy các anh chị Chuyên tu (Tại chức tập trung), tụi "Chính qui" bọn mình ngân nga câu hát:
Nếu không có bác chuyên tu
Lấy đâu ra kẻ ...học ngu hơn mình
Sau này ra trường đi làm, thấy họ đi học mình cũng le te đi học thêm cái bằng Đại học tại chức Kinh tế và mấy cái bằng trung cấp rồi cao cấp ngoại ngữ những mong khi trưng ra mấy cái bằng ấy thì có thể làm bậc thang để bước đến chỗ nọ, chỗ kia cao hơn. Cuối cùng, sau 20 năm làm việc, kết luận có ý nghĩa nhất cho cái mớ bằng cấp ấy là..."để khi nào các bác kiểm tra, lòi ra cái bằng giả, còn lại cái bằng thật...he he". Cái bằng lớn nhất mình thiếu đó là ...bằng ...lòng. Cũng do nhận thức đầy đủ vấn đề bằng cấp như vậy nên kiên quyết không đi học thêm cái bằng cao cấp chính trị bởi như ông xã mình nói vô cùng chí lý: " thôi em ơi, nếu người ta đã không muốn cho em lên chức thì dù em có học mấy cái bằng cao cấp người ta cũng chẳng cho em lên. Còn nếu người ta đã muốn cho em lên chức thì dù em chả học cái gì thì người ta cũng đưa em lên được..."
 Mấy ngày nay dư luận tốn nhiều giấy mực (và cả đất trên mạng) để phê phán vấn đề tại chức với chính qui. Từ chuyện mấy bác ĐN mình có vi phạm luật khi "cấm cửa" Đại học tại chức không? đến chuyện chất lượng đào tạo tại chức "ốt dột" ...Có bà (hay ông) nhà báo "bênh" ĐN thì bảo " Đặt lên bàn cân, cái lợi là có được toàn người tài và loại bỏ những kẻ tiêu cực với một bên là có thể “bỏ sót người tài” học tại chức thì lựa chọn của Đà Nẵng là đúng đắn. Đó mới là hành động coi trọng thực tài chứ không phải chạy theo bệnh thành tích, chạy theo cái vỏ tri thức" Mình nghe mà ... buồn cười quá...
Thứ nhất, cái ĐH chính qui thực ra cũng chả phải "toàn người tài". Bằng chứng là một số trong số những "nhân tài" sinh viên khá giỏi được về làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố những năm qua sau một thời gian làm việc, được hưởng đủ thứ ưu tiên, ưu đãi ... thì bị không ít đơn vị la làng về chất lượng làm việc, kỹ năng sống và tệ hơn là nhân cách sống...Trong khi đó không thiếu những người tuy chỉ Đại học tại chức nhưng kỹ năng làm việc lại hơn hẳn, thật may cho đơn vị khi tiếp nhận những người như vậy. 
Thứ hai, mọi người nghe ĐN nói rứa chớ không phải rứa đâu mà ... nhảy nhót, ì xèo. ĐN tui vẫn vô cùng "trọng dụng"  tại chức đó chớ. Bằng chứng là trong Đại hội Đảng bộ thành phố vừa qua, Đại hội đề ra điều kiện vào Ban chấp hành khóa mới phải là các cán bộ được đào tạo Đại học chính qui. Kết quả cuối cùng cho thấy nhiều đồng chí BCH khóa mới nhà ta dù cố gắng "vận động" cũng không kiếm nổi cái bằng Chính qui trong số "1 rổ" bằng tại chức "loại 1". Đó là chưa kể "chính quy" ngành khác liệu có bằng "tại chức" đúng chuyên ngành hay không.
Thứ Ba, thiên hạ cũng chẳng nên nhảy nhót ỳ xèo mà làm gì bởi vì cơ quan nhà nước cũng không phải là cái chỗ 'thượng đẳng" để mọi người phải "mơ ước, ngước nhìn" mà nuốt nước bọt. Bằng chứng là nhiều người đã bỏ chân nhà nước để ra ngoài làm và hầu hết họ đều là những người giàu bản lĩnh và có thực tài. Những người "nhà nước" (kể cả mình) thật ra chỉ là những người "chả biết đi đâu, làm gì" mà thôi. Khi nói chuyện với anh cu con , mình đã mượn chủ trương này để làm cớ "đe dọa"  về thái độ học tập "nếu không học chính qui con đừng hòng vào cơ quan nhà nước làm việc nhé". Anh cu Tít hồn nhiên trả lời : "Con đâu có cần làm nhà nước như mẹ đâu. Mẹ thấy không, ông Bill Gate ổng đâu có bằng Đại học đâu, ổng toàn thuê tiến sĩ về làm cho ổng thôi đấy chứ". Cu Tít làm mẹ  nó cụt hết cả hứng nhưng nhận ra vấn đề: biết đâu sau này "tại chức" cũng chẳng thèm về làm cho Nhà nước chứ ở đó mà "chảnh"
Cuối cùng vấn đề ở đây là gì, đừng nói về việc "cấm cửa", "mở cửa" gì cả mà lẽ ra nên có một chế đô thi tuyển nghiêm túc, công bằng, công khai cho tất cả mọi đối tượng, trong đó mình đề nghị loại bỏ các điểm ưu tiên (thường có).  
Nhưng mà các "cụ", những người đưa ra  chủ trương và thực hiện chủ trương, có bằng loại gì nhỉ? Tại chức hay chính qui? Liệu có đủ sức đưa ra được cách sàng lọc tuyển dụng đàng hoàng không? Mình e, nếu đã đàng hoàng hẳn không có cái vụ tuyên bố gây ì xèo mấy ngày ni. Cho nên không khéo, cái vụ này lại là một "dẫn chứng hùng hồn" để bộc lộ và xác định rõ ràng trình độ thực tế của chính các "cụ" nhà ta.