Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

CẢM TÍNH NHÂN NGÀY NHÀ BÁO

Cách nay mấy ngày, báo Lao động và sau đó mấy chục báo đưa tin "văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng điều động hơn 60 cán bộ đi phục vụ đám tang" , một số bài lại giựt tít "đã đến thời cán bộ Văn phòng UBND thành phố đi phục vụ đám tang". Sự việc gây xôn xao, nhiều bạn bè anh em gọi hỏi thăm đủ thứ.
Mình được sếp yêu cầu và hì hục gần 1 ngày trời để viết bài phản hồi, trong tâm trạng tức tối, mặc dù chả hề có tên trong cái danh sách đã được các báo đưa ra minh chứng và cũng chả phải là người liên quan gì vụ này. Thế nhưng vào cuối buổi chiều, mình lại đồng ý ngay với thái độ vui vẻ khi sếp bảo thôi không đăng bài phản hồi ấy nữa cho dù thực sự việc cơ quan mình đã làm hoàn toàn đúng cả về quy định và lương tâm. Mình đồng ý ngay bởi vì thôi thì chịu oan ức một chút còn hơn cứ lôi tên tuổi của người đã khuất ra mà nói đi nói lại.
Trong câu chuyện này, xét cuối cùng thì tất cả đều chỉ là cảm tính mà thôi.
Cảm tính trước hết là của lãnh đạo cơ quan mình và các anh em đi phục vụ đám tang ấy. Tất cả đều vì sự kính trọng, yêu quý đối với người quá cố là cô NTL, một cán bộ hưu trí, 87 tuổi, nhân cách đạo đức tốt đẹp, có nhiều cống hiến ...Đó còn là sự thông cảm với hoàn cảnh éo le, cô mất đột ngột, chồng và con bị liệt nằm một chỗ đã nhiều năm, nhà neo đơn ...Về lý Nghị định 105/2012/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan mình đối với CB đã nghỉ hưu, khẳng định việc làm cơ quan là đúng. Nhưng  chỉ đến khi "cãi nhau" với mấy ông báo chí, thì văn bản này mới được đưa ra khiến mấy ông nhà báo ớ người và buộc phải chấp nhận viết bài nói lại.
Cảm tính của người đọc thông tin. Cũng khó trách họ khi thông tin được báo chí đưa ra theo kiểu giật tít ỡm ờ như thế. 60 cán bộ phục vụ đám tang, nhiều thế, lại ăn cắp giờ nhà nước, lại ảnh hưởng đến công việc tiếp dân... rồi lại như ông nọ ông kia bảo cán bộ đến mấy chục phần trăm ngồi chơi xơi nước... hừm, thế này thì quá thật, quá lắm ...Nhưng ai biết 60 người đó được phân công, chia ca trực trong và cả ngoài giờ hành chính, và trong 3 ngày trực thì chỉ có 1 ngày thứ sáu là ngày làm việc, còn 2 ngày kia là ngày nghỉ cuối tuần. Việc phân công trực trong giờ hành chính cũng đã được sắp xếp cho những người thuộc bộ phận quản trị, hành chính, còn các chuyên viên tham mưu, tổng hợp thì trực ngoài giờ hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật.
Rồi cũng có anh đọc và ra vẻ hiểu biết bảo rằng: thật đáng trách, đáng buồn cười khi cái ông sếp lại đem ký tên, đóng dấu vào danh sách ấy làm gì, lại còn kê ra chuyện lau chùi chén đĩa nữa....Ô hô, nếu nói thế thì người phê phán ấy mới là đáng trách, là anh không hiểu biết gì về hành chính. Cái văn bản ấy chả có gì sai về hành chính cả, ký đóng dấu thì đã sao, là đúng, là chính thức, là yêu cầu nghiêm túc chứ sao nữa. Chuyện rửa ly tách này nọ nghe có vẻ buồn cười nhưng cũng chả có gì sai khi đó là yêu cầu thực hiện những công việc cụ thể, phạm vi cụ thể để không thực hiện những việc của người khác. Nhẽ đâu nếu cũng là phân công rửa chén nhưng cho lễ lạt gì đó thì được, còn đám ma thì không. 
Rồi cảm tính của một số bác cũng là lãnh đạo, khi trả lời báo chí đã một mặt thì cũng muốn bênh vực anh em dưới quyền, nhưng mặt khác cũng cảm thấy lo lắng, kiểu "báo chí nó đã đụng đến thì chắc là quân ta sai rồi" nên "thì là mà, ừ... à ... cái này thật ra cũng không nên thế, thôi để tôi về kiểm điểm lại nghiêm khắc". Và thế là rơi ngay vào cái thòng lọng của mấy anh báo chí , bị họ túm lấy, la lên, đấy thấy chưa, các sếp cũng nói sai mà.
Kết luận của mình trong toàn bộ câu chuyện này, một cách cũng rất cảm tính: báo chí là đồ dã man.
Và như kiểu giựt tít "đã đến thời ..." Mình sẽ buông một câu cám cảnh " đã đến thời báo chí đổ xô vào lóc thịt người chết rồi sao?". Hai za...
Mình đã không dám nhận là nhà báo là vì như thế.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Câu chuyện bịa về con cò và dòng sông

(Làm bài thơ này cách nay đúng 20 năm. Hồi ấy đi thăm Hòn Kẽm - Đá Dừng. Một địa danh đầu nguồn sông Thu Bồn. Đó cũng là 1 căn cứ địa cách mạng)
                                                                 Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng
                                                       Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
                                                                                      (ca dao)

 Ngày ta chưa quen nhau
Con cò trắng ẩn mình trong bụi lác,
Chẳng có dòng sông mênh mông bát ngát,
Chỉ có núi rừng và biển xa thôi.

Ngày ta quen nhau rồi
Con cò trắng vút lên
Chấp chới cánh cò khắc khoải
Con nước quặn mình xẻ đôi ngọn núi
Đưa mít non em hái về kho với cá chuồn
Thành dòng sông xanh mang tên Thu Bồn
Cá chuồn ngược lên theo cánh cò bay lượn
Thành biền dâu xanh và cánh đồng lúa chín
Như lá thư tình anh gửi đến cho em…

Em có thấy không cánh cò chao nghiêng
Nếu em không nói yêu anh
Con cò trắng sẽ lại dỗi hờn trốn mất
Sẽ chẳng còn dòng sông chiều nay nghe em hát
Hòn Kẽm, Đá Dừng chôn chặt nỗi nhớ mong.

                                                                                                                                          1993

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

NGÀY 1.6

Vâng, thì là ngày của các anh chị
Zõ là như thế, ngày này là của các anh các chị, tháng này là dành riêng cho các anh các chị. Chúng em đã nhận thức quán triệt rõ điều ấy nên các anh các chị không cần phải lăn lộn, gào khóc, hoặc chí ít cũng ném về phía chúng em những cái nhìn đầy ý nghĩa.
Vâng, không cần phải như thế thì các anh chị nhỏ thì cũng bánh kẹo đầy mồm, nhớn hơn tý thì búp bê, máy bay, ô tô ...loạn xị, hơn tý nữa thì được cơ số kha khá xèng để nhanh chóng tót ra quán điện tử gần nhà mà các khổ chủ (là chúng em) đừng hòng dám nói một câu với vô lum hơi hơi to to ….
Thôi thì là ngày của các anh chị, nhưng nhân dịp các anh chị túm tụm đông đủ ở đây thì cũng xin các anh chị cho chúng em trần tình vài nỗi niềm.
Các anh các chị thử nghĩ mà xem. Hồi chúng em bằng tuổi các anh chị thay vì được đi tham quan, dã ngoại, pic nic thì chúng em lại phải mũ rơm, sơ tán, đào hầm trú ẩn hoặc không thì cũng phải “đưa cơm cho mẹ em đi cày”; thay vì bấm máy chiu chiu chơi đột kích, chiến tranh giữa các vì sao, võ lâm thì chúng em phải mỗi ngày chạy máy bay hàng chục bận, có người bằng tuổi các anh chị đã làm du kích, liên lạc.... Giờ các anh chị phụng phịu khi nhìn mâm cơm không có món ăn các anh chị thích nhưng hồi trước chúng em  thường xuyên phải mang cái bụng rỗng tuếch rỗng toác để đi bộ đến trường…Thôi, thôi … nói nhiều quá các anh các chị lại cho chúng em là kể nghèo kể khổ, các anh chị coi đó là những chuyện  cổ tích dở nhất trên đời.
E hèm, chúng em cũng biết là các anh chị có những sứ mệnh vô cùng to lớn,  là tương  lai của nước nhà ta, là tất cả cái …”liềm” …hy vọng của  chúng em. Dù có hy vong sau này các anh chị sẽ nhớn lên để trở thành những ông này bà nọ, vênh váo với đời, nhưng thực tình chúng em không dám mong các anh chị sẽ có dịp quay về nuôi nấng chăm sóc cho chúng em như chúng em đã từng chăm sóc các anh chị và ông bà các anh chị. Chỉ mong  sao các anh chị chịu khó học hành cho tử tế, chịu khó nghe lời các bậc tiền bối, sau này lớn lên biết lo toan làm ăn chí thú, kiếm đồng tiền chính đáng.
Bây giờ thì các anh chị đòi, các anh chị “đấu tranh” cho cái quyền mà chả ai trong chúng em dám hó hé nhằm "tước đoạt" gì cả. Tuy nhiên, các anh chị rất ngu (ấy chết, quên, xin lỗi)… rất hạn chế về nhận thức, không hiểu rằng chúng em lỡ có cản trở các quyền của các anh chị là bởi vì muốn bảo vệ các anh chị. Ví dụ như không  cho các anh chị đi chơi, chẳng qua vì quá sợ tai nạn các loại, không mua đồ chơi cho anh chị chỉ vì sợ đồ chơi TQ có chứa chất độc hại, không cho ăn uống la cà vì sợ bao thứ thịt thối thịt ôi…
Giữ được chừng nào thì giữ, chứ cũng khó mà quản được các anh chị nhỉ …
Nói tới đây được chưa? Túm lại, thôi ngày của các anh chị các anh chị muốn làm chi thì làm. Chúng em đã chịu đựng các anh chị mãi rồi nên có thêm một ngày hay một tháng nữa cũng chả sao. nhẻ

Chúng em, các phụ huynh tội nghiệp