Trong khi chưa trở thành tài sản tập thể thì mềnh pot lên đặng giành quyền sở hữu cá nhân cái đã
Nhà nước- quốc gia - đất nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam
Qua nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp, với tư cách công dân, trong bài viết này chúng tôi xin được đi sâu phân tích, góp ý và đề nghị cân nhắc về cách sử dụng một số từ ngữ trong dự thảo. Cụ thể đó là các từ: “quốc gia” “đất nước” “nhà nước”
1/ Từ “Quốc gia” và “đất nước”
Từ quốc gia là từ Hán -Việt, dịch nghĩa tiếng Việt là nước - nhà hoặc có thể là nhà - nước. Trong dự thảo Hiến pháp từ “quốc gia” có 34 lượt sử dụng
a/ Với nghĩa là nước - nhà đồng nghĩa với đất nước: là chỉ phần lãnh thổ, dân số, pháp luật, chế độ chính trị … . Phần lớn từ “quốc gia” được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp mang ý nghĩa này. Cụ thể là
Lời nói đầu: chủ quyền quốc gia
Điều 5: Nước CHXHCNVN là quốc gia độc lập , ngôn ngữ quốc gia
Điều 17, 47, 70, 71,73, 76, 102: an ninh quốc gia,
Điều 16, 57, 59, 65: lợi ích quốc gia
Các điều 76, 102, 123: Tài chính tiền tệ quốc gia, nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia
Điều 123: nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia
Và với ý nghĩa nước nhà hay đất nước, chúng ta có thể thay thế từ “Quốc gia” bằng từ “Đất nước” trong một số câu, cụm từ thì phù hợp hơn. Mặt khác, thể hiện được ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và tạo nên sự gần gũi thân thiết đối với người dân
Ví dụ như tại điều 5:
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một đất nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Điều 5 qui định như vậy hoàn toàn phù hợp với qui định tại điều 1 “ Nước CHXHCNVN là một nước độc lập dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.”
Tại điều 56: cụm từ “….hợp tác kinh tế với các quốc gia khác” có thể thay bằng: “với các nước khác” . Điều này phù hợp với qui định tại điều 12 “… hợp tác và phát triển với tất cả các nước trên thế giới…”
Tương tự như vậy tại một số điều khoản khác có thể thay thế: lơị ích của đất nước, an ninh của đất nước, nguồn lực tài chính và tài sản của đất nước, đất đai là nguồn tài nguyên của đất nước (điều 59)
Tuy vậy, một số cụm từ khác vẫn có thể sử dụng từ “quốc gia” như: quốc phòng và an ninh quốc gia (điều 76); dự trữ quốc gia, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (điều 102). Sở dĩ chúng tôi đề nghị giữ lại từ “quốc gia” vì muốn tạo nên hiệu quả tâm lý về sự uy nghiêm tôn trọng đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời chữ “quốc gia” ở đây cũng bao hàm ý nghĩa là có sự quản lý của nhà nước.
b/ “Quốc gia” theo nghĩa Nhà nước: Nhà nước là một bộ máy, công cụ được đặt ra nhằm điều hành đất nước và xã hội.
Với nghĩa này, thể hiện trong dự thảo Hiến pháp tại một số điều khoản như sau: nền hành chính quốc gia (điều 8) Bí mật quốc gia (điều 47), Hội đồng bầu cử quốc gia (điều 76, 102, 121, 122).
Những cụm từ này có thể thay chữ quốc gia bằng chữ Nhà nước để trở thành: nền hành chính nhà nước, bí mật nhà nước…
Riêng Hội đồng bầu cử quốc gia thì đề nghị có thể vẫn giữ nguyên tên gọi với ý nghĩa đây là cơ quan bầu cử cao nhất ở cấp trung ương. Tuy nhiên, các cơ quan khác được thành lập ở cấp trung ương, có sự quản lý của nhà nước cũng nên đặt tên gọi theo hình thức tương tự: như Kiểm toán Nhà nước đổi thành Kiểm toán quốc gia, Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng quốc gia, kho bạc nhà nước thành Kho bạc quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đề nghị nên chuyển đổi cụm từ “ngân sách nhà nước” thành “ngân sách quốc gia” vì bao hàm ý nghĩa ngân sách chung của cả đất nước do nhà nước là người đại diện quản lý.
2/ Từ “Nhà nước”
Khái niệm về nhà nước được hiểu theo hai dạng. Nói về bản chất thì Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một công cụ nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và duy trì trật tự XH trong XH có giai cấp đối kháng. Đây là cách hiểu trừu tượng.
Với cách hiểu cụ thể: nhà nước là một bộ máy thực hiện chức năng quản lý đất nước và xã hội theo pháp luật.
Từ “nhà nước” được sử dụng 140 lượt trong dự thảo. So sánh với các từ khác trong cùng một tập hợp các khái niệm có liên quan (quốc gia, đất nước, nhà nước, công dân…) thì từ này được sử dụng với tần suất lớn nhất. Về mặt hình thức cũng như nội dung, việc sử dụng từ “Nhà nước” với tần suất nhiều như trong dự thảo dễ làm người ta hình dung rằng Nhà nước là chủ thể nắm giữ và sử dụng quyền lực của mình điều hành hầu hết các vấn đề xã hội và như thế có thể tạo nên sự bất lợi trong quan hệ quốc tế và tâm lý của người dân, nhất là trong các vấn đề liên quan đến tự do dân chủ. Trong khi đó chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một đất nước dân chủ, các quyền con người được tôn trọng và mở rộng hơn. Hơn nữa, trong một số điều khoản việc sử dụng từ này không cần thiết và không chính xác
Ví dụ:
Tại điều 15 của dự thảo viết “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Câu này có thể sửa lại như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (bỏ cụm từ “nhà nước và xã hội”).
Tại Điều 26 khoản 2 của dự thảo viết “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Nếu bỏ từ “nhà nước” ở đầu khoản và sửa lại như sau: “Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của công dân được tôn trọng và bảo đảm” thì sẽ chính xác hơn với lý do: không chỉ riêng nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do này của công dân mà quyền này phải được tất cả mọi người, mọi tổ chức, đoàn thể xã hội tôn trọng và thực hiện. Điều này phù hợp với qui định tại điều 15 của Dự thảo: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”
Tương tự: tại khoản 3, điều 57: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” (bỏ từ “nhà nước”)
Cũng trong một số điều như điều 35, 36, 40, 42… nên cân nhắc lại việc sử dụng từ “nhà nước” tránh tâm lý cho rằng dồn hết trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý cho nhà nước, không phát huy được sự tham gia của toàn xã hội, vẫn còn nặng cơ chế bao cấp, tâm lý ỷ lại trông chờ vào nhà nước.
Và với sự cân nhắc thận trọng trong cách dùng từ theo đề nghị như trên, sẽ có thể thấy rõ hơn tính dân chủ của chế độ, tính pháp quyền của Nhà nước ta và sự thượng tôn pháp luật của xã hội. Đặc biệt, trong một số quan hệ pháp lụât thì người dân và nhà nước xuất hiện với tư cách là hai chủ thể bình đẳng trước pháp luật.