Năm mới, lẽ ra mình nên viết môt cái gì thật vui vẻ cho mọi người đọc chơi. Hoặc chí ít cũng là một thông điệp như mọi năm. Nhưng mình thấy mình cần phải viết về một câu chuyện có thật 100% để tự “răn dạy’ mình một bài học về lòng yêu nước.
Câu chuyện này mình đã để dành để viết 1 truyện ngắn, nhưng giờ mình thấy nên viết thật như nó vốn là thế, kể cả tên các nhân vật có trong này.
Tôi có một ông chú họ tên là Nguyễn Đình Trân,. Chú là em ba tôi nhưng lớn hơn ba tôi khoảng gần chục tuổi. Chú Trân nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà, Bí thư huyện ủy Điện Bàn, Bí thư huyện ủy Tiên Phước. Chú chính là người dìu dắt, giác ngộ ba tôi theo đảng làm Cách mạng. Chú đã hy sinh năm 1961 tại nhà ngục Chín Hầm thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tóm tắt về chú như vậy, tôi xin dành thời gian dài hơn để kể về câu chuyện khi chú bị bắt và những tháng ngày trong nguc Chín Hầm. Cũng trong phần này tôi sẽ trích tư liệu là những dòng nhật ký của bác Minh Vân, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhân chứng lịch sử còn sống sót tại địa ngục Chín Hầm. Bác Minh Vân đươc người ta cứu thoát khỏi nhà ngục này năm 1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính.
Sau ngày đất nước bị chia cắt năm 1954, chú Trân được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Trong vai một thợ may, chú hoạt động bí mật ở Huế và bị bọn Ngô Đình Cẩn bắt năm 1958.
Bác Minh Vân viết: “cũng trong mấy tháng đầu năm 1958, Cẩn cho lập ra một trại giam đặc biệt tại tòa Khâm Sứ cũ của thực dân Pháp ngày xưa để giam giữ những người “chuyển hướng” … Số người bị “mời” về trại chuyển hướng đông lên rất nhanh. Mục tiêu đánh phá chủ yếu của chúng trong thời kỳ này là các cấp ủy Đảng bộ khu V và các lưới tình báo của miền Bắc”
Chú Trân tôi cũng đã bị bắt và bị mua chuộc nhưng quyết tâm không khai báo nên chúng xếp chú Trân “vào loại tù chống lại “chính sách” và đưa đến nhốt tai Lao xá Ty Công an vào tháng 8 năm 1958”. Tại đây, chú Trân, bác Minh Vân cùng 4 người nữa bị giam lỏng, để cách ly với các tù nhân khác để dễ bề lung lạc , dụ dỗ lôi kéo. Chính trong thời gian này, chú Trân đã cùng các anh em khác bàn bạc, đề ra nhiệm vụ đấu tranh chống “chuyển hướng”, giữ vững khí tiết cách mạng, đứng vững trước âm mưu, thủ đoạn lừa bịp, tra tấn của địch
Lung lạc không được, địch ra tay giáng đòn trừng phạt. Ngày 15/12/1960, bọn mật vụ đã xích tay chú Trân và 2 đồng chí khác đến nhà ngục Chín Hầm. 8 tháng sau đó, bác Minh Vân cũng bị địch đưa tới và nghe kể về chú Trân tôi ở đó.
“Đó là một cái chuồng tối tăm, bốn bề kín mít, đứng thẳng người lên được nhưng trên đầu là một hàng song sắt to chận ngang. Hầm chỉ có 20 chuồng giam, số tù chỉ có 10 người mà cứ chết dần, nên trong hầm luôn có hơn 10 chuồng trống” Bác Minh Vân đã nghe bác Quí (người bạn tù) lại về sự hy sinh của chú Trân tôi “ Bị địch đưa đến hầm giữa mùa đông, vào những ngày mưa dầm không ngớt, Trân lại nằm phải một cái chuồng bị nước dột rơi xuống nhiều, luôn luôn bị ướt và rét thấu xương nên anh ấy nhiễm lạnh và bị bệnh phổi rất nặng. Anh em muốn đến gần Trân dù không giúp được gì cũng có thể nâng giấc, an ủi cho nhẹ bớt nỗi đau nhưng mỗi người đều bị nhốt chặt trong chuồng nên đành chịu. Chỉ biết nằm nghe từng tràng ho rũ rượi, từng chuỗi nấc liên hồi của anh trong cơn hấp hối mà nhức nhối tâm can, tưởng như chính mình bị hành hình. Trước giờ tắt thở, Trân cũng cố nói lên lời vĩnh biệt bằng những lời thì thào, đứt quãng: “ các đồng chí, hãy cố sống, mong các đồng chí sẽ về được với Đảng trong ngày toàn thắng. Trân xin vĩnh biệt.
Chú tôi đã hy sinh như thế. Hai người con trai của chú cũng đã hy sinh nên thím tôi được phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng chặng đường để đi đến niềm vinh quang ấy của thím tôi, của anh Bình tôi đầy đắng cay và đau khổ. Bạn có thể tưởng tượng, nhiều năm trời, sau giải phóng, anh Bình đã phải chạy đôn đáo khắp nơi để đề nghị xem xét trường hợp hy sinh của cha mình . Có cán bộ cao cấp, khi nghe anh nhắc đến tên chú tôi thì giơ tay chặn lại và nói thế này: “Ba cháu đã vậy, giờ cháu phải …làm lại cuộc đời” Có lẽ có nhiều người vẫn chưa tin là chú tôi đã hy sinh, có những lời đồn đại ác ý cho rằng chú tôi vẫn còn sống và đang ở …Mỹ.
Điều đó khiến anh Bình càng nung nấu quyết tâm tìm cho ra nơi chôn cất chú tôi. May mắn là anh đã tìm được bác Minh Vân và đươc bác kể lại về sự hy sinh anh dũng của cha mình. Bác Minh Vân cũng đã tặng anh tập thơ của bác với nhan đề: “sống trong mồ” kể lại những tháng ngày gian khổ trong ngục Chín Hầm.
Mãi đến năm 1984, gia đình thím tôi mới nhận được Bằng Tổ quốc ghi công của chú. Mới đây, tên của chú đã được đặt cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn.
Năm 1997, với 1 chiếc điện thoai di động mượn được, chúng tôi cùng anh Bình ra Huế, tới khu vực Chín Hầm. Anh Bình chỉ cho tôi những đặc điểm về địa hình, địa vật nơi mà theo nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên đã chỉ chỗ chôn của chú Trân. Và kỳ lạ thay, chính tôi lại là vật làm mốc để tìm được chính xác chỗ chôn của chú Trân khi liên lạc với ông Liên (khi ấy ông đang ở Hải Dương) bằng điện thoại di động. Khi đào lên, thoạt đầu chúng tôi thấy một lớp đất đen, nhưng ông Liên bảo rằng đó chỉ là một lớp mùn gỗ ván, cái thanh ván mà địch đã dung để khiêng thi thể chú tôi ra khỏi hầm, hất chú xuống một cái hố nông đào vội rồi lấp lại. Quả nhiên dưới lớp mùn đất đó, chúng tôi đã tìm thấy chú.
Tôi đã từng nghĩ rằng, thật đáng buồn khi những người đồng chí anh em lại không tin nhau, lại phải nhờ đến một nhà ngoại cảm để xác minh chứng thực. Sự hy sinh của chú thật anh hùng, nhưng sự hy sinh của thím tôi, của các con chú, những người còn sống tuy thầm lặng mà chứa đựng biết bao đớn đau, nghiệt ngã cũng anh hùng không kém...
Tôi cũng đã hiểu cuộc đời có bao nhiêu chuyện nghiệt ngã như vậy …
Chú tôi đã dành trọn cuộc đời mình, cũng như hàng triệu người khác đã hy sinh, dù là dưới làn đạn, dù là trong ngục tù của kẻ thù để làm gì? Để cho ai?
Nếu ta nghĩ được điều đó, ta sẽ biết mình cần phải làm gì.