Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

LỊCH HUYẾT

Tháng 9.Ở Kiev tháng 9 cũng là mùa thu, cái màu nắng vàng ươm sóng sánh trong những bức tranh của Lê- vi- tan giờ đây có lẽ quen thuộc với  Bình hơn làn gió mát mơn man đang phả vào người  hương vị biển mằn mặn trên môi và làn da trở nên rin rít sau một ngày thả mình bên sông.
Đang lơ đãng ngắm dòng sông và những chòm cây dừa nước bên bờ, anh chợt giật mình vì tiếng la oai oái của Mai: “ Ối …ối…, mưa rồi,… mưa rồi…, quay về thôi, Bình ơi”.  Anh mỉm cười với cái tính nhanh nhảu, mau mồm của cô bạn gái, Mai lúc nào cũng thế, luýnh quýnh, chộn rộn, luôn ở trạng thái phấn khích…
Mưa đến nhanh hơn sự hối hả của nhóm người đang cố loay hoay đưa thuyền vào bờ dù khoảng cách chỉ là vài chục mét. Tiếng cười rinh rích vang lên, những thân hình ướt đẫm mưa vội vã nhảy lên bờ đất và lao vào mái tôn bên  trong căn nhà nhỏ. Chị Cầm, vợ anh Đông, chủ nhà, cũng là người cháu bà con của Mai cầm mấy cái khăn chạy ra đón xuýt xoa: “Chà mưa quá, tui đã nói rồi mà mấy cô chú không nghe, cứ đòi ra ngoài đó làm chi. Lau người đi rôi vô ngồi trong này cho ấm.”
Căn nhà nhỏ của Đông nằm giữa khu vực thật hiếm có, phía sau là sát mép bờ sông Đế Võng, còn trước mặt lại nhìn ra biển Cửa Đại. Vợ chồng Đông làm nghề đánh cá trên sông, cuộc sống của họ giản đơn, vật dụng sơ sài, chẳng có gì ngoài mấy cái giường nhỏ, nền nhà xi măng trơn mát lạnh, những bức tường vẫn chưa được tô như thấm đẫm hơn cái mùi tanh tanh đặc trưng của biển. Khi định rủ Bình và mấy người bạn về đây chơi, Mai đã tỏ ra khá băn khoăn khi tả về sự tuềnh toàng của căn nhà này, nhưng lại kèm theo những lời úp mở “ nhưng mà đến đấy các cậu sẽ thấy, có nhiều thứ hay lắm…” đầy kích thích tò mò.
Bình hiểu Mai có lý khi e dè kể với anh về sự tuềnh toàng của ngôi nhà mà mình đưa tới chơi hôm nay. Sau hơn 20 năm nay, nói như Mai nửa đùa nửa thật, bảo Bình chẳng khác gì “cái lũ thực dân” đã nện gót giày thìch thịch lên hầu khắp các nước châu Âu:  “cậu cần phải được một lần về lại nhà quê, ở lều mái lá, ăn cơm mắm nêm để nạp lại năng lượng…”.
Đúng là có những bất ngờ thú vị dành cho lũ người lịch sự từ phố về quê. Hội An  không lạ gì với Bình, càng không lạ với đám bạn ở Đà Nẵng  nhưng có lẽ khám phá Hội An theo cái cách của họ hôm nay thật đặc biệt. Thoát ly ra khỏi những con phố nhỏ ngoằn ngoèo, lúp xúp những ngôi nhà cổ trầm mặc, mái ngói rêu phong, những đám người cả Tây cả ta lếch thếch kéo nhau đi bộ ngó nghiêng chụp ảnh, ở ngôi nhà của anh Đông, chị Cầm lại mang một góc cạnh khác, dung dị chân chất, thật hơn…Bình so sánh nó như một bức tranh quê nâu sồng đặt cạnh bức bình phong khảm chạm những chữ tượng hình mạ vàng xanh đỏ lấp lánh quí phái nhưng ít người đọc được.
Mới đặt chân đến nhà, Bình đã sung sướng theo chân anh Đông nhảy ngay ra chiếc thuyền con chèo ra sông Đế Võng để buông câu. Chăm chú nhìn xuống nước, chợt Bình thấy có những vệt sẫm màu loang loáng lướt qua mạn thuyền. Tưởng là con rắn, Bình thoáng chút hốt hoảng. Nhưng anh Đông cười bảo: “Không phải rắn đâu, đó là con lịch đó. À mà hay nghe, chú về đợt ni gặp trúng bữa lịch huyết nó nổi rầm rầm lên. Chà, hay quá, để tui kiếm mấy con về làm bữa nhậu cho các cô chú nhớ đời luôn”. “Mấy con” của anh Đông thành ra là một nửa xô lúc nhúc những con lịch gần giống con lươn nhưng nhỏ hơn, cỡ bằng ngón tay, dài chừng hơn 2 gang tay.    
Vào đến bờ, anh Đông hối con ra ngoài vườn vơ lấy nắm lá lốt về thái nhỏ. Những con lịch được anh chà cho hết nhớt rồi khía thành từng đoạn ngắn chừng nửa lóng tay. Vừa làm anh vừa nhẩn nha nói: “ Cô chú biết không, dân ở đây, chài lưới quanh năm chớ không dễ có mấy người biết được cách ăn con lịch này ra răng đâu. Cái giống lịch thì thường thôi nhưng riêng con lịch huyết thì đặc biệt hết chỗ nói. Giống này ăn tới chỗ mô là biết tới chỗ  nớ. Ngon lắm”
Mưa vẫn không ngớt gõ rầm rầm trên mái tôn, gió thổi thốc từng cơn từ ngoài sông vào, ướt sũng một khoảng sàn nhà. Bình đã cảm thấy lành lạnh nơi cánh tay rồi lan dần vào ngực . Trong khi mấy cô bạn gái ngồi chúi vào với nhau ở một góc nhà, lũ bạn trai thì đang bình luận về tính năng của mấy chiếc điện thoại đời mới, anh nhìn nhanh về phía Mai đang lui cui cùng cô cháu nhỏ bên bếp than, với mấy cái vỉ nướng và từ đó đang tỏa lên một làn khói ấm áp cùng mùi hương thơm của thực phẩm kích thích cái dạ dày cồn cào của mọi người. Một vệt đen, có lẽ là vết nhọ quệt nhẹ trên má Mai và khuôn mặt ửng hồng vì bếp than khiến cô bạn gái có cái gì đó thật hồn nhiên trong trẻo và dễ thương.
Bên cạnh Mai là mấy chiếc vỉ nướng, bên trong  mỗi vỉ là một gói giấy bạc đựng lịch. Những  tờ giấy bạc gói lịch (anh Đông giải thích là thay cho lá chuối ngày xưa) kín hơn lá nhưng không thể ngăn được mùi hương thực phẩm đang phả ra theo từng làn khói từ từ bao trùm cả ngôi nhà khiến Bình tuy không nhận rõ ràng được từng mùi thơm của lá lốt, của lịch, của ớt, sả…nhưng vẫn cảm thấy có gì đó thân thuộc để đánh thức trong anh những hoài niệm từ lâu chỉ còn trong tiềm thức.
***
Ừ, đã lâu lắm rồi, hơn 20 năm  từ cái ngày sang Liên Xô học rồi ở luôn tại Kiev , anh cũng từng đi dự những buổi picnic cùng đám bạn đủ các quốc tịch. Ở đó không thể thiếu được món thịt nướng ngoài trời và dĩ nhiên là cả những chai vodca Nga đặc trưng. Hồi mới sang Liên Xô, vào khoảng giữa những năm 80, dù được ăn thịt cá đến phát ngán,  Bình vẫn nhớ quay quắt những bữa cơm nhà mình. Những bữa cơm hầu hết chẳng có thịt thà gì. Với đồng lương còm cõi của một cô giáo tiểu học, mẹ anh chỉ cố gắng lo được những bữa ăn may lắm thì có cá kho mặn và rau cho 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Với anh, có lẽ cá, thịt, thịt gà hay thịt lợn cũng không khác nhau về mùi vị là mấy bởi mẹ anh luôn phải dùng “chiêu” kho mặn, bỏ thật nhiều ớt để lũ trẻ ăn dè phần thức ăn đạm bạc và uống nhiều nước cho đầy những cái bụng thiếu đói. Sau này, Thủy biết tính chồng, khi nấu ăn thường ướp nhiều ớt đến mức bạn bè nếu có dịp đến nhà Bình ăn cơm thì thường phải dặn “đừng có bỏ ớt đấy nhé”
***
“Thời gian là con đường thẳng mà nỗi nhớ thì cứ đi vòng” , Bình bất giác nhớ lại câu blast trên blog của Mai, một câu châm ngôn chẳng biết là của ai nhưng mỗi khi vào blog của Mai, cái câu đấy lại hiện ra như một lời nhắc nhở cho người đọc. Bình lại buồn cười khi nghĩ cái câu nói đầy thâm trầm và triết lý ấy lại hình như chả có gì ăn nhập với bức ảnh của cô bạn gái đang cười toe toét hồn nhiên ngay bên cạnh. Nhìn Mai, Bình bỗng có cảm giác như mình đã bỏ qua điều gì đó. Mai đúng là một tập hợp của những mâu thuẫn, cái nọ cái kia cứ chan chát đối nhau. Vừa là một người mạnh mẽ đầy cá tính, Mai lại sẵn sàng chảy nước mắt về những chuyện không đâu. Người mới gặp cứ ngỡ Mai ruột để ngoài da, ăn nói bốp chát nhưng khi đọc blog của Mai thì khác hẳn, thâm trầm và sâu sắc, dịu dàng đầy nữ tính khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trong blog của Mai, bằng ngôn ngữ giản dị cô bạn gái như đang nhẩn nha kể với chính mình về những điều đã đến trong cuộc sống chung quanh mình. Cách viết giản đơn, gần gũi  khiến Bình cứ ngỡ như là những khối vật chất đang hiện ra rõ ràng trước mắt có thể nắm lấy, tận tay, nhưng rồi lại chợt vỡ òa ra thành trăm nghìn mảnh, sắc màu lung linh kỳ ảo.
  Bình bật cười khi nhớ một entry của Mai khi  liên tưởng về sự tương đồng giữa thực phẩm với con người. Những loại thực phẩm khác nhau về bản chất nhưng một khi đã được ướp đủ thứ gia vị như mắm muối, mì chính, tiêu hành ớt tỏi… thì rồi khi nấu lên cái nào cũng giống cái nào, khó mà phân biệt được. Như con người bị cuộc sống nhào nặn, thêm vào đủ thứ “gia vị” như  thói tham lam, hám danh, hám lợi, một chút những ganh ghét, một chút của hiểu biết, … lại được đánh bóng bằng chức quyền, tiền của, và trang trí bằng những chiếc tua rua của vô số học hàm học vị để mỗi bước đi kêu lên những tiếng leng keng vô nghĩa … thì rồi chả biết phân biệt ai với ai. Mai đã kể chuyện cô con gái của  Mai dù đang học trường chuyên lại là chuyên văn đã từng có giải quốc gia hẳn hoi nhưng theo Mai đánh giá : “đến cảm xúc mà chúng nó còn vay mượn nữa là…Chán lắm”.
Tuy ở xa, nhưng có khi chính Bình lại là đứa biết nhiều nhất về Mai. Nhìn vẻ mặt tươi tắn, viên mãn của cô, chắc cả đám bạn chắc không thể ngờ rằng Mai đang ở trong một giai đoạn với nhiều biến cố. Mai kể đã làm đơn xin nghỉ việc vì không chịu đựng được sự soi mói, ganh ghét của đám đồng nghiệp được giật dây từ phía một vị tai to mặt lớn mà lòng dạ tiểu nhân. Đôi lúc Mai ví mình như một con lươn muốn thoát ra khỏi cái kiếp bùn đen mà sao khó quá; Bình cảm thấy thương cô bạn gái cứ ngỡ như được thừa hưởng những gì là sung sướng nhất thì cuối cùng lại vướng vào những cái bẫy vô hình mà loay hoay mãi chưa tìm cách thoát được ra ngoài.

***
Bình lại nghĩ đến Thủy và hai cô con gái. Chẳng hiểu giờ này chúng đang làm gì. Đã lâu quá, gia đình anh hiếm có được một bữa tối sum họp cả nhà, ăn cơm chung. Sáng hai đứa trẻ đi học đến tối mới về, cả anh và vợ cũng  lao vào công việc tại cửa hàng. Khủng hoảng kinh tế, những món hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam sang  từ chỗ thời thượng trở thành những vật phẩm xa xỉ, những thứ mà người ta sẵn sàng dẹp qua một bên để nhường chỗ cho những mối bận tâm cơm áo hàng ngày. Nhưng chuyện khó khăn vật chất có lẽ không phải là nguyên nhân dẫn đến xung đột gia đình anh. Bình không biết rõ những xung đột ấy đến từ khi nào, nó không bùng phát như  ngọn lửa nhưng cứ ngấm ngầm cháy trong đầu những kẻ luôn biết mình có hiểu biết. Thủy là mẫu người phụ nữ mà bất cứ người đàn ông nào đều mong muốn có được. Xinh đẹp, dịu hiền, nết na, khéo léo...và anh đã rất tự hào khi có cô làm vợ.  Nhưng kể từ ngày sinh đứa con gái thứ hai, Thủy bỗng dưng trở nên xa cách hơn, lặng lẽ hơn. Ban đầu, anh nghĩ chắc Thủy buồn vì chỉ sinh toàn con gái trong khi Bình là con trai một,  nên anh đã tìm cách xoa dịu, an ủi, rằng thì là “rồi đây chúng mình sẽ có hàng tá con, ở bên này chứ có phải ở Việt Nam đâu mà em lo, thích đẻ bao nhiêu thì đẻ chứ, chỉ sợ em không có sức mà đẻ nữa thôi”. Rồi anh lại hoang mang khi những lời an ủi của mình cứ như rơi vào hư vô và đôi mắt đẹp của Thủy  nhìn anh với cái nhìn cứ ngày càng dần vô cảm. Bình cũng hiểu mình đã có lỗi với Thủy. Cái lỗi không phải là việc anh đã không làm trọn vẹn bổn phận của một người chồng để có thể lo cho gia đình một cuộc sống ấm êm, đầy đủ. Cái  lỗi cũng không phải là sự hoang tàng, phóng túng của anh trong những khi tuyệt vọng với ánh nhìn của vợ. Biết  chồng có mối quan hệ “ngoài luồng” với một cô gái Nga làm việc trong cửa hàng, Thủy chỉ khinh khỉnh nhìn anh với ánh nhìn thương hại trong khi thực tâm Bình chỉ mong cô sẽ làm gì đó để thể hiện thái độ ghen tuông như tất cả những người phụ nữ Việt Nam bình thường khác, để từ đó anh còn nhận ra cô vẫn còn yêu anh như thuở ban đầu.
***
Bữa ăn được dọn lên kịp khi cả lũ đã đói ngấu. Bình gắp một miếng lịch nướng, ngậm như thể nó là một cây kẹo mút sẽ được tan dần  trong miệng. Chà, quả là ngon thật, vị ngon khó tả, nó giống như thịt bò, lại pha lươn, nhưng bùi và béo hơn. Đám bạn xuýt xoa vì cay và cả vì ngon. Không biết những con lịch thường ngon đến cỡ nào nhưng lần đầu được thưởng thức món lịch huyết hôm nay có thể được coi là một dịp sung sướng mà Bình có được.  Ừ thì cuộc sống cũng đã ưu ái cho ta được hưởng những phút giây sung sướng đấy chứ. Anh thần người nhớ lại những lúc được cùng đám bạn  sinh viên đủ các quốc tịch chạy tràn trên những khoảng đồi đầy hoa dại, dang cả hai tay, hít vào mình luồng không khí mát rượi, nồng nồng hương đất, hương cây. Đã có lần nghe Mai nói ước ao của cô là được chạy trên tuyết trắng, Bình đã buồn cười vì với anh, tuyết chỉ là một màu trắng nhạt nhòa, xám ngắt, lạnh lẽo, lặng lẽ  …khiến con người trở nên chán ngắt, đơn điệu.
Vợ chồng anh Đông, chị Cầm ngồi chơi với cả đám, ngồi chơi chứ không ăn. Anh Đông rít một điếu thuốc thong thả nói chuyện đi câu, nói cách làm sao chế biến món nọ, món kia… “Tui nói các cô chú biết, cái con lịch huyết ngó đơn giản rứa chớ không phải hồi mô cũng có nghe. Một năm chỉ có một hai, ngày thôi đó, mà phải đụng bữa nào gần có bão thì hắn mới nổi lên. Con lịch ngày thường màu nâu sẫm, nhưng không biết răng mà khi mưa bão hắn nổi lên màu đỏ bầm như ri, như thể là cái máu huyết của hắn dồn hết cho bữa cuối cùng ngoi lên hay là mưa bão dập vùi hắn quá thành ra rứa… Mà cũng lạ, chỉ đơn giản là cái tương ớt thôi, ở đâu cũng có nhưng chỉ có tương ớt ở đây mới làm cho cái món này ngon hơn. Tui cũng đã thử dùng tương ớt chỗ khác nhưng dở ẹc hà. … Cái nước chấm ni cũng là tuyệt chiêu, không chỗ mô có đâu nghe. Các cô chú ăn có thấy lạ không? Ờ, đậu phụng, nước mắm thường rồi nhưng tui tán nhuyễn thêm quả chuối lùn vô nữa hắn mới ngọt mà thanh. Hồi mô mấy cô chú về đây chơi, cứ gọi trước cho tui, tui nói mấy đứa em hắn để lại cho ghẹ, cua, cá … đảm bảo tươi sống. Ở đời ni cái chi tươi là hắn ngon hà….”
Bình nhìn người đàn ông đen đúa đang khoa tay nói chuyện với mọi người bằng cái giọng Quảng đặc sệt  cảm thấy thật thèm cái vẻ hồn nhiên mộc mạc của anh. Rồi đột nhiên, Bình liên tưởng mình và đám bạn chả khác nào những những con lịch huyết, bị dông bão cuộc đời làm cho bầm dập, nhưng mỗi khi dông bão lại nổi lên để hớp lấy những luồng không khí trong lành, dù cho cái kết cục cuối cùng là bị ướp gia vị và …bị nướng.   
Giá mà mọi việc cứ thật giản đơn, giá mà cuộc sống đừng quá phức tạp với những bận tâm cơm áo, những toan tính danh lợi, những chông chênh được- mất; giá gia đình đừng có  những ánh nhìn vô cảm để mỗi người cứ cảm thấy quắt quay, bứt rứt  … Nhưng như thế thì đâu có còn gọi là cuộc sống, tất cả mọi người sẽ chỉ còn là những thứ hải sản với vô số gia vị ướp vào, tươi sống hay không tươi sống, đắt hay rẻ…cũng mặc kệ 
Nghĩ thêm tí nữa, Bình lại sợ mình sẽ không đủ sức để tiếp tục ngồi chơi với bạn bè và tệ hơn nữa là biến cuộc vui hôm nay trở thành vô nghĩa.
Chiều nay dù sao cũng là một ngày đáng nhớ, một ngày hiếm hoi để trở về với những bản thể hồn nhiên, thả lỏng cơ thể cho làn không khí mát rượi, cho con mưa rào bất chợt ùa vào lấy đi những muộn phiền, bứt rứt …
Mưa vẫn không ngừng gõ trên mái tôn nhưng không ngăn được tiếng nói cười lao xao minh chứng cho một cuộc vui hiếm hoi của những người đã lâu lắm rồi mới thoát khỏi những bận rộn, những cái đầu thoát khỏi những toan tính đối phó …
Bình nhìn sang Mai, bắt gặp ánh mắt cô bạn gái cũng đang nhìn mình với một ánh nhìn trong trẻo…và khi bắt gặp cái nhìn của nhau, cả hai lại bất giác mỉm cười.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét