Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

HÀ NỘI ƠI


Phố cổ đỏ xanh cho đại lễ. Mỗi hộ phải nộp 70.000đ cho 1 cây cờ (có cán). Có người bảo: "bố mẹ muốn con đẹp thì phải may áo cho con chứ ai lại bắt con nộp tiền mua áo thế này"
 
Xanh đỏ trong buổi hội tại sân Mỹ Đình, nơi có đến hàng trăm ngàn người đến để... đứng bên ngoài chen nhau xem pháo hoa ...dở ẹc . ( "Phải gọi pháo hoá Đà Nẵng bằng...cụ)

Nhân đại lễ, mấy cụ già rủ nhau ra ... vỉa hè kể chuyện ngày xưa

 Nhân đó mấy thế hệ sau cũng ...ra vỉa hè tán dóc

Một chút hoài niệm về Hà Nội của  ngày xưa

Ước mong về một Hà Nội lặng lẽ bình yên như thế này

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

"ĐỒNG BÀO CHÚ Ý"

Chiến tranh kết thúc lúc mình chưa tròn 10 tuổi. Cái dư âm cuối cùng (nói chính xác hơn là nỗi ám ảnh) của chiến tranh còn đọng lại trong mình là tiếng còi báo động và tiếng loa phát thanh gấp gáp : " Đồng bào chú ý... đồng bào chú ý... máy bay địch cách xa Hà Nội hai mươi cây số....các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu..."  
Mới đây, thằng bạn mình chả biết moi ở đâu ra, cài đặt cái chuông điện thoại di động của nó đúng ngay cái câu phát thanh ấy, làm mọi người (toàn những đứa tuổi mình) chợt sững sờ một chút rồi cười nghiêng cười ngả khi nghe nó giải thích: "Vợ tao gọi đấy"
 Vừa đi Đại lễ về, đang hẫng hụt về những gì nhìn thấy. Bỗng chợt nghĩ ra một ý tưởng. Ý ấy thế này: sẽ cho phát thanh một đoạn như sau:
" Đồng bào chú ý... đồng bào chú ý..., một cơn bão văn hoá lai căng, nô dịch, một lối sống thực dụng, vị kỷ ...đã và đang quét qua Hà Nội của chúng ta, gây những thiệt hại nghiêm trọng cả về thể chất và tình thần của thủ đô văn hiến. Những địa phương khác chuẩn bị ... sẵn sàng chiến đấu"
He he...
Dưng mà phát rứa thì "đồng bào" mình có chịu nghe không? mà "nghe" rùi thì có chịu "sẵn sàng chiến đấu" không hè ?

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

HÀ NỘI VÀ MÌNH

Sáng nay rời Hà Nội vào sáng sớm. Có lẽ thành phố đang vùi sâu trong giấc ngủ vùi mệt mỏi sau những xôn xao của đại lễ. Và cũng có lẽ nhờ vậy mà vớt vát lại phần nào trong mình cái nỗi lo Hà Nội đang dần dần tuột dài theo những sự xôn xao đỏ xanh để không còn là Hà Nội nữa.
Không biết những người là dân Hà Nội gốc, những người có thời gian dài hàng chục năm ở Hà Nội  (gọi chung họ là những người Hà Nội cũ) nghĩ gì trong những ngày này nhưng quả thật “đại lễ” chỉ   “để lại” trong mình những tiếng thở dài tiếc nuối.
Có thể mình chỉ là đứa dù sinh ra ở Hà Nội nhưng xa Hà Nội đã quá lâu, nên Hà Nội đọng lại trong mình toàn những hoài niệm giờ đã trở thành quá vãng. Mình ví nó như tiếng leng keng của tàu điện hầu như chỉ còn lại trong tâm thức của người Hà Nội cũ, chỉ được nhắc đến (hoặc cố tình nhắc đến) mỗi khi người ta nói về Hà Nội xưa và sẽ lạc lõng giữa những tiếng còi của đủ thứ loại xe thời hiện tại. Nó cũng như làn sương mù đặc quánh những sớm mùa thu giờ bị bạt đi bởi những làn khói xe dày đặc. Nó cũng như mùi hoa sữa đặc trưng nồng nàn, mùi cốm vỉa hè hay quả hồng, quả thị, hàng hoa,  giờ đã bị phủ lấp bằng vô số mùi nồng nặc. Còn giọng nói Hà Nội thì giờ đây bị lấm bẩn bằng thứ tiếng nói “ngong níu ngọng no” của đám tuổi teen đang chửi bậy.        
Cả đêm qua cứ nghĩ, có ngớ ngẩn không nhỉ khi mình rủ hai chị em chị Hương và anh Cường đi lang thang Hà Nội nguyên một buổi đêm để tìm lại Hà Nội của chúng mình. Có thể anh chị cũng chiều mình, bởi chị Hương là người của khu tập thể ở Hà Nội đã 50 năm, còn anh Cường hiện đang sống tại nước ngoài và tất nhiên vì cả hai cũng như mình mong tìm về với Hà Nội xưa giờ chỉ còn phảng phất trong đêm vắng.   
Trong mình lảng vảng những câu thơ:
             “Hà Nội thật hơn trong đêm khuya
            Phố cổ nghiêng nghiêng cổ tích
            Cây bàng chìm trong trầm mặc
            Nhớ tiếng còi tàu xa xăm ...
            Thành phố của  một ngàn năm
            cờ hoa, đèn lồng xanh đỏ…
            Ta mải miết tìm hoài trong rêu phong phố cũ
           đâu rồi tàu điện leng keng ?
           đâu rồi em ? Hà Nội ? ”
           Đã hứa sẽ chụp nhiều bức ảnh Hà Nội trong đại lễ nhưng cuối cùng chỉ ưng ý nhất bức ảnh của má mình chụp vào buổi chiều muộn tại vườn hoa Hàng Đậu bởi không thể tìm đâu ra một chỗ vắng người để chụp ảnh.  

Trưa nay về lại Đà Nẵng, trong lúc chờ đón cu Bống, bỗng phát hiện ra một điều thú vị: Nắng Đà Nẵng sáng trắng không thể là thứ nắng vàng ươm sóng sánh màu mật ong rót lên những cây cơm nguội vàng như ở Hà Nội.
Thì ra, Hà Nội vẫn luôn là nắng vàng trong tâm hồn mình.  

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

VỀ LẠI PHỐ XƯA NGÀY ĐẠI LỄ

Thật ra mình về lại Hà Nội không phải vì Đại lễ nghìn năm nhưng dù sao đây cũng là cái cớ cho sự có mặt của mình tại Hà Nội.
Nhà mình ngày xưa ở khu tập thể quân đội phố Cửa Đông, ngay khu phố cổ Hà Nội. Nói đến điều này mình cũng có chút tự hào dẫu chỉ ở đó từ khi còn bé tí, 10 tuổi đã đi vào Đà Nẵng rồi. Thế nhưng những xúc cảm về con phố cổ, về những sớm mùa thu heo may, về những tiếng rao hàng, về hương hoa sữa...hay chỉ đơn giản (và hơi tệ) một chút về cái mùi bếp dầu hoả ... cứ tràn vào tâm khảm mình mỗi khi có dịp trở về Hà Nội. Cho nên với mình cái xôn xao xanh đỏ ngày đại lễ 1000 năm hay không phải là đại lễ cũng vẫn vậy thôi.
Các anh chị thuộc thế hệ thứ 2 của khu tập thể (toàn thế hệ 6X ) dù đã ở xa có sáng kiến mời mọi người đã từng ở đây đến họp mặt. Ôi cái khu tập thể bé nhỏ gần 30 gia đình ngày trước, như một cái xã hội thu nhỏ của thủ đô,  nghĩa là đủ mọi thành phần xã .hội. Công chức có, buôn bán có, đi nước ngoài có, giàu nghèo sang hèn đủ cả. Nếu là nhà văn, mình sẽ viết  những câu chuyện về những nhân vật của khu tập thể nhỏ bé này. Họ xứng đáng là những đại diện của cả một thời đầy gian lao và thách thức. Trong những câu chuyện của bữa gặp mặt, mình cảm động nhận ra những tình cảm ấm áp và chân thành của họ. Có vài anh thuộc loại "rách giời rơi xuống", tù đày đủ cả, cứ hồn nhiên kể lại những chuyện phá phách ngày trước. Có những người ngày trước ghét nhau cay đắng, giờ lại bô lô ba la cậu tớ như không. Cũng có thể hầu như đã biết quá rõ về đời sống của nhau, chả cần phải giấu diếm, che đậy làm gì nên cũng  cứ thế hồn nhiên mà nói . Nhưng cũng có thể đây chính là cái "chất" Hà Nội thẳng thắn, hồn hậu, tự nhiên... như người Hà Nội.
Khu tập thể nhà mình vẫn chen chúc, bí ri như ngày trước. Vẫn còn 2 cái bể nước to đùng hơn 40 năm (lớn tuổi hơn cả mình) nằm chình ình giữa sân mà không ai dám đập đi dù 2 cái bể này đã không còn giá trị sử dụng mà chỉ còn giá trị ... di tích của một thời bao cấp. Không ai dám đập đi, nói đúng hơn là không ai đứng ra để vận động đập nó đi bởi không biết sẽ có những rắc rối nào sẽ xảy ra sau đấy.  Giữa lòng Hà Nội tấc đất tấc kim cương, ai biết được việc đập cái bể nước ấy đi biết đâu sẽ làm phát sinh thêm ... mấy cái nhà nữa. Đây cũng chính là một tâm lý chung tồn tại như một thứ "kinh điển" đến mức khó hiểu, nhưng có lẽ đó cũng là một nét tính cách của Người Hà Nội (phố cổ) chăng?
Tất nhiên, mình sẽ chẳng tìm về Hà nội trong những đỏ xanh của đại lễ nghìn năm, nên sẽ lang thang tìm những vẻ lặng thầm khuất sau đó vậy. Hôm nọ đi qua con đường PHan Đình Phùng thấy lá rụng đầy vỉa hè, tiếc là không mang máy ảnh theo. Thôi,  còn mấy ngày nữa sẽ có những bức ảnh riêng về HN của mình.