1. Có một chị cùng làm với mình, hơn mình vài tuổi. Sau này thì nhiều chuyên viên nữ chứ hồi mình mới vào làm, khoảng năm 90, cả cơ quan tỉnh có hai đứa nữ được gọi là chuyên viên. Mỗi buối họp giao ban đầu tuần được “sánh vai” cùng các chuyên viên nam gạo cội nghe các cụ lãnh đạo nói này nói nọ là oai lắm. Hồi ấy chị gầy gầy, mặt mũi cũng tươi tỉnh. Có hôm tan giờ làm, thấy chị mặc chiếc áo thun xanh bạc màu, hai bên xe đạp là hai thùng gánh nước, nói là đi lấy nước cơm về cho heo ăn. Hồi ấy khó khăn, hai vợ chồng trẻ, nuôi con nhỏ, lại không có ai thân thích gì, chuyện ấy cũng là chuyện thường. Nghe chị nói thế, mình tự thấy hơi ngượng vì hai mấy tuổi đầu còn trông vào Liên Xô (tức là ông bà già mình), chả làm gì nên hồn. Mình với chị nói chung quan hệ tốt, dù không thân lắm nhưng cũng đủ thoải mái với nhau, nhất là cả hai cùng phải hợp sức để “đối phó” với mấy “thằng cha” chuyên viên vốn “mồm năm miệng mười”, lơ tơ mơ là bị “bắt nạt” không thương tiếc.
Rồi sau đó, người ta thành lập một phòng công chứng. Thuở khởi đầu nan, chị được coi là có nghề luật nên được (hay bị) chuyển sang bên đó là công chứng viên, phụ trách luôn phòng. Công chứng là ngành “hot”, lại mới được mở ra nên cũng không lạ khi chẳng bao lâu sau nghe nói chị làm ăn nên nổi, mua được cả đất, cả nhà hai ba cái…lại thấy trên báo chí phỏng vấn chị về các thủ tục, luật lệ này nọ… rất oai. Mình thực lòng mừng cho chị. Thôi thế cũng qua những tháng ngày cực khổ, chở nước gạo nuôi heo mà lại thấy chị đi lên từ cái gốc nghèo khó thì thật đáng phục, đáng quí. Mừng vậy nhưng cũng lo lo…
Sau đó vài năm, chị bỗng xuất hiện trên báo nhưng giờ là nghi can trong một vụ án, lằng nhằng chuyện nhà đất, lừa đảo gì gì đó. Chị cũng ra toà nhưng hình như được tuyên không tội. Chị cũng thôi không làm công chứng nữa mà chuyển qua cơ quan khác. Sau đó, chị im lìm chẳng thấy tiếng tăm, còn mình cũng không còn thời gian để nhớ về chị. Bẵng đi mấy năm, nghe nói chị đã chuyển vào TPHCM làm chuyên gia pháp luật cho công ty nào đó, chị cũng đã ly hôn nên giờ sống một mình…
2. Cũng là một chị. Chị này đẹp lắm. Ngoài 50 tuổi rồi mà mắt vẫn long lanh. Chị đẹp, làm ăn giỏi dang, nhà cao cửa rộng mấy cái, con cái đề huề…dù trình độ chuyên môn thì không vượt qua được trung cấp. Có lần đi nước ngoài cùng chị, đến đoạn khai báo hải quan, chị bảo mình: “em xem điền vào tờ khai giúp chị cái, mắt chị mờ quá nhìn không rõ”. Mình cười nghĩ thầm: “mắt chị có rõ thì chị cũng chả biết cái gì mà điền vì người ta toàn viết bằng tiếng Anh. Không biết thì nói không biết cho nó nhanh, lại còn văn vẹo, “mắt chị nhìn không rõ”.
Nói thế để biết căn bệnh sĩ của chị thế nào. Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ thôi so với chuyện dưới đây.
Có lần, mình tình cờ thấy trong kho lưu trữ một bức ảnh trắng đen của chị khi mới ở trên núi xuống sau ngày giải phóng. Trong đó chị (cùng một chị nữa) mặc bộ đồ bà ba đen, tóc thắt hai bím, nụ cười tươi tắn nổi bật dưới vành mũ tai bèo. Với tất cả lòng ngưỡng mộ, mình le te đem bức ảnh ấy đến cho chị, để làm quà mà cũng để lấy lòng…Nào ngờ, khi nhận được tấm ảnh từ tay mình, chị chỉ nhìn qua, cười gượng rồi …thản nhiên cầm tấm ảnh xé vụn ra, vừa xé vừa nói: “ảnh ngày xưa của chị trông ngố quá nhỉ”. Mình mất cả hứng, quay đi, không nói được cái câu mình định nói :”em thấy hồi ấy chị mới đúng là đẹp”. Ờ, mà hồi ấy có nói chắc chi chị đã hiểu.
Còn mấy chị nữa và mấy anh nữa nhưng để viết sau. Ở cơ quan mình đúng là nhiều chuyện, nhiều mảnh đời. Có nhũng người sống đến mấy cuộc đời mà cuộc đời này lại đối chan chát cuộc đời kia của chính họ. Có người hôm nay gặp thì thấy tươi tắn bắt tay chào hỏi tử tế, ngày hôm sau đã thấy quay mặt đi. Có những người nhầm tưởng họ đúng như những điều người ta nói về mình còn ngược lại có những người lại không bao giờ đến xỉa đến điều người khác nói. Có những người luôn nói bằng giọng người khác mà tưởng là của mình, trong khi có những người lại tưởng mình vào vị trí của người khác. Có những người trước đây luôn tươi cười nhưng họ lại đánh mất nụ cười của mình ngay sau khi được lên làm sếp.
Khi viết về họ, nghĩ về họ mình bỗng thấy ... mừng và hơi hơi tự hào. Vì dù sao (cho đến giờ) mình cũng sống bằng chính cuộc đời mình và ... giữ được nụ cười của mình.