Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

MỘT THOÁNG BA


Người nổi tiếng và người không nổi tiếng
Đều gặp nhau lặng lẽ tại nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong cơn gió heo may

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

SAU BÃO

Nói ra không khéo sẽ bị mắng là đồ vô hậu nhưng mà sao mềnh thích cái khoảng lặng bình yên sau bão thế này lắm lắm. Không khí nhẹ tênh, mưa hết, nắng hửng lên, đường xá vắng hẳn tiếng máy xe, sạch sẽ quang đãng ... Tất nhiên cơn bão vừa rồi không đổ vào Đà Nẵng, nên không có cây đổ, nhà tốc mái, lũ lụt …nên coi như còn chút lãng mạn khùng khùng …
Năm 2006, năm 2009, bão ập vào Đà Nẵng, mình ở trong nhà cố thủ, chả biết chi ngoài trời. Điện tắt toàn thành phố, di động không có sóng, tivi cũng ngỏm…mấy ngày. Sau thấy bao nhiêu cuộc gọi nhỡ của anh em bạn bè hỏi thăm có thiệt hại chi không? Té ra sau này mới biết bão vào ĐN rất khủng …thiên hạ xem TV biết hết trừ người ĐN
Sau cơn bão ra đường cây đổ ngổn ngang, trẻ con kéo hang đàn hàng lũ ra …nghịch nước, người lớn hối hả dọn dẹp, lượm lặt và cả …hôi của.
Ngày hết bão, mất điện, lại nhân lúc chủ trương “khắc phục hậu quả bão lụt” nên tự cho mình lượn lờ phố xá, hoặc ở nhà thư giãn quên công việc, quên cả những sự gầm gừ của sếp hay cú liếc xéo của đồng nghiệp, con người như trỏ về với những bản thể hồn nhiên, thậm chí cả khoảng cách giàu - nghèo, sang- hèn cũng như ngắn lại, điều hay xảy ra khi người ta có chung một nỗi lo, hay một cái gì đó cần chung sức để mà đối phó. Và nếu nỗi lo, điều bận tâm ấy lại đến từ phía thiên nhiên chứ không phải là từ phía con người thì sợi dây đoàn kết sẽ kéo họ lại gần nhau hơn. Cho nên bão, (bão thiên nhiên hay bão xã hội) biết đâu ngoài là kẻ tội đồ phá hoại thì cũng đồng thời là người tái sinh, như vị thần Siva mà người Chăm tôn thờ với cái triết lý đây là vị thần hủy diệt và tái sinh.
Thật bất nhẫn khi ai đó nói ra cái mong ước có bão bởi ở phía đa số chí biết bão là phá hoại. Nhưng nếu coi bão là hiện tượng bất khả kháng, không phụ thuộc vào ý muốn của người ta, nói cách khác là ta buộc phải chấp nhận nó. Nếu muốn khỏi bị thiệt hại  thì buộc phải chằng chống nhà cửa, phải cắt cành tỉa ngọn cho cây, phải gia cố lại các công trình… Nếu bão quá mạnh mà nhà mình quá yếu, lại không chịu chằng chống thì sập cũng là lẽ tất nhiên …
Ờ lại nói lung tung nữa rồi…
Dù sao đa số vẫn không thích bão, lo sợ bão đổ về với những ước đoán thiệt hại,
Và rồi bão vẫn cứ về, vẫn cứ phá, vẫn thiệt hại, không chỗ này thì chỗ khác …
Mình thì ơn trời, không phải vật lộn chằng chéo để chống bão, và vẫn còn cảm xúc để lắng lòng cảm nhận những bình yên sau mỗi mùa bão đi qua. 
 Nói gì thì nói cũng không ngu đến mức nói ra cái ý điên rồ là mong có bão dù mong hay không nó vẫn cứ đến. he he 

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

ÔI ĐÁM CƯỚI

Bây giờ nhận được cái thiệp mời dự đám cưới với tư cách “phụ huynh” nghe ớn tận óc. Là bạn, là đồng nghiệp của bố mẹ cô dâu chú rể, đành rằng thì là thân thiết người ta mới mời, dưng mà cứ thấy sao sao ấy, không đi thì ngại trách mắng, đi thì ngại nắng ngại mưa. Tên cô dâu, chú rể có trên thiệp mời nhưng mấy ai để ý, đến nơi tổ chức thì một nơi có mấy sảnh, mấy đám, cứ lúng ta lúng túng không biết đám nào là của đám nào, có người bỏ nhầm phong bì đám này vào đám khác , nhiều cảnh trớ trêu, vô duyên hết chỗ nói …
Đám cưới con nhà sếp, mâm cao cỗ đầy, rượu xịn . Đám cưới con nhà bình dân làng nhàng, rượu nút lá chuối cũng có. Các nghi lễ nào thì rót rượu, nào thì cắt bánh, hát hò hú hét, khách khứa chờ đến lượt nâng ly, chúc mừng hai nhà, phong bì phong bao mừng cháu…đám nào cũng giống đám nào. Có ngày chạy hai ba sô, hai vợ chồng phân công nhau mỗi người đi mấy đám, mệt chết. Nói thì bẩu quá đáng chứ dân tình bảo mấy cái thiệp mời là “giấy báo nợ”, cỗ cưới là “cơm bụi giá cao” cũng chả oan.
Theo mình, đám cưới chỉ nên mời bà con họ hàng thân thiết, để giới thiệu rằng cháu này là con dâu, con rể nhà tôi đấy cô dì chú bác ạ. Xong rồi, cho chúng ít tiền, chúng mày thích thì mời bạn bè anh em, đồng nghiệp của chúng mày, ở đâu, khi nào, bao giờ… là việc của chúng mày. Xong phim. Bởi cuộc đời là của chúng nó, công ăn việc làm, quan hệ là của chúng nó chứ liên quan gì đến bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ. Mình nói cái này bị chúng nó phản đối rầm rầm…Hờ hờ… bẩu rằng “boác chỉ ní nuận nà rỏi, để chúng em chờ xem boác cứi cho cu Tít ra răng”.
Vậy nên mình là mình ủng hộ ông Hà Nội dù rằng ổng có phần áp đặt khi đưa ra qui định cưới là chỉ được 50 mâm (nghe đâu mới bỏ vụ này rồi) và 300 khách. Ờ chẳng thà qui định mẹ nó thế đi cho đỡ rách việc, để có cớ nà trả lời trả vốn với những người không mời thì trách mà mời thì ngại đi, không muốn đi nhưng gặp thì trách “ơ sao nhà bác không mời cháu” …
Sao mấy boác Hà Nội dát thế nhể, “vừa ấy vừa giun” là thế lào. Boác nên nhớ là hầu hết những người phản đối các boác ý tuyền là các cụ tai to mặt nhớn, đám cưới người ta kinh doanh thu tuyền tiền Ô-bá- mà nên giờ boác cấm thì là làm mất đi cái cơ hội mần giàu của họ nên họ la làng là phải. Còn những đứa chân đất mắt toét như chúng em, thì ủng hộ boác cơ mà mắc mớ chi bóac sợ … Cứ mần tới đi boác. Biết đâu nhân dịp kiểm điểm cuối năm nhờ vụ ni mà loại được nhiều thèn xưa nay thị tiền, đám con buôn -chính - sách, các “đại da”, xê – ô – xê –xê …
 Nói rứa chớ mấy bác mời đám cưới con, em vưỡn phải đi vậy (vì ĐN chúng em chưa bị cấm)

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

QUẢ BÁO

"Hôm nay ôsin đi Trung thu, chồng thì chết cũng phải đi đá bóng (không đá bóng bố nó chết) mình ở nhà làm ôsin cho 2 đứa con, đứa ăn đứa ỉa, đứa đái dầm, đúng là không có từ nào tả được....."
Trên đây là nguyên si đoạn văn của cô cháu dâu (tức là con dâu của bà chị mình) ở Hà Nội viết trên Facebook.
Nhiều người  đọc thì e cũng ngạc nhiên và không thế chấp nhận được cách ăn nói hỗn láo như thế, cho dù như sau này nó đã thanh minh rằng chỉ viết cho bạn bè đọc chơi mà thôi.
Và nhiều người cũng sẽ càng ngạc nhiên hơn về những suy nghĩ của cả hai vợ chồng nhà nó  
Ban đầu thấy nó viết vậy, mềnh điên tiết canh lên mới còm cho nó một đoạn rằng đừng ăn  nói vô hậu như thế bởi không khéo sau này chính con nó lại chửi lại nó như thế.
Cũng hy vọng nó là đứa có ăn học (đã tốt nghiệp đại học) nghe thế thì biết nhận lỗi. Nào ngờ nó lại cho một tràng rằng thì là bố mẹ chồng (tức bà chị và ông anh rể mình) đối xử không công bằng, chỉ lo cho con của thằng anh, con nó không được gì, sau này có chết cũng chẳng thèm đeo tang và có chết cũng không liên quan gì đến nó, rằng chồng  nó làm công ở cửa hàng của bố nó thì bố nó trả lương rẻ mạt …
Ngạc nhiên hơn là thằng chồng nó (tức con anh chị mình) chắc về nhà nghe vợ nói thế cũng nhảy vào bảo: “cháu với thằng C. (anh nó) nhà cháu ko học hành đến nơi đến chốn thì cái người mà sinh ra & nuôi chúng cháu ấy cũng phải tạo điều kiện cho nó có cái vốn ban đầu để mà làm ăn kiếm cái đút vào mồm chứ”.
Đến đây thì mình quá ngán ngẩm nên không thèm viết còm lại cho chúng nó nữa.(nhưng thể nào nó cũng tưởng là nó lý luận thắng mình nên mình tịt. Hờ hờ)
Nhà chúng nó đang ở là của ba má mình để lại cho chị mình, chị mình cho nó ở riêng. Nó làm cửa hàng gương kính với ông anh mình, tiền thuê cửa hàng, thuế má, điện nước ở cửa hàng cũng như ở nhà nó vợ chồng anh chị phải trả … Có đi làm thuê ở đâu mà nằm ngủ đến trưa mới  lè phè ra cửa hàng, thích đi đâu thì đi, khi có việc mới kêu về làm. Lại bảo bán sức lao động để bố trả công cho con rẻ mạt …
Hàng loạt những chuyện khác không kể ra đây làm gì để nói về sự ngu dốt và ích kỷ của chúng nó và có thể là của cả một thế hệ những người như chúng nó. Tâm lý hưởng thụ, ỷ lại, thích chơi trội, luôn muốn thể hiện đẳng cấp của mình, coi thường người khác, kể cả bố mẹ đẻ ra mình, luôn đổ vấy trách nhiệm cho người khác mà quên mất trách nhiệm của chính mình … hình như đang phổ biến trong giới trẻ chúng nó …cả những đứa có học và những đứa vô học.
Mình bảo nó: dì biết mẹ cháu, đúng là không ra gì nên bây giờ đang nhận quả báo từ cháu và dì biết sau này cháu cũng sẽ nhận quả báo từ đâu.
Ngẫm lại cô bạn mình nói thật chí lý: chị ơi, bây giờ người ngoài kia đang phải nhận quả báo từ hồi trước do phá đình chùa miếu mạo, do không còn biết sợ vào cái gì cả . Ai đời đi chùa mà chỉ biết khấn vái rằng phải cho con lên chức lên quyền, nhiều tiền nhiều của … rồi dẫm đạp lên nhau để tranh giành những thứ đó. Thế nên chả trách những chuyện đâm chém, giết nhau, tha hoá, bệnh hoạn và kể cả những căn bệnh xã hội mà bây giờ đang rộ lên ngoài đó là  bệnh tự kỷ ...
Cách nay gần 20 năm, tình cờ một lần gặp chú Nguyễn Chính -nguyên Trưởng ban Tôn giáo chính phủ . Trong lúc chú ngồi ở phòng mình chờ sếp đi họp về, chú cháu ngồi nói chuyện chơi, mềnh hồi nớ mới lơ ngơ ra trường hỏi chú một câu: Chú nè, cháu nghĩ là rất cần có tôn giáo để con người ta tin vào một điều gì đó và để cho con người ta còn biết sợ khi người ta đã không còn biết tin và biết sợ những cái khác. có đúng không chú? " Chú Nguyễn Chính gật gù bảo cháu còn trẻ mà đã nhận thức được thế là rất tốt.