Đôi lúc ngồi nghĩ lan man, nếu ba mình là một ông tướng hay một ông cỡ bự gì gì đó thì không biết giờ mình sẽ ra sao?
Cách nay hơn 20 năm, khi mới về làm việc tại cơ quan này, mình đã nghe người ta hỏi : “ là con cháu nhà ai mà được vào đây làm việc?” tức anh ách. Hồi ấy trả lời ngay “ba em là bộ đội”. Sau này khôn hơn (nhưng không ai hỏi) nếu ai hỏi thì thể nào cũng được nghe trả lời: “Thế anh/chị không biết à, em là cháu ngoan Bác Hồ đấy”. He He…
Ba mình là đại tá quân đội, má mình là bà già thủ kho, thủ quĩ linh tinh …Tuổi đảng của cả hai đều gấp rưỡi tuổi đời của mình. Như vậy xét về lý lịch thì những đứa như mình thuộc loại “ba đời củ chuối”, chả phải kiểm qua, tra lại, xác minh cho mất thời gian. Thế cho nên rằng tất yếu mình cũng nhanh chóng trở thành “đồng chí” của hai cụ, thêm “đồng chí chồng” nữa thì nhà mình dư tiêu chuẩn thành chi bộ. Nói chung, cuộc đời của mình rõ ràng là chịu ảnh hưởng của hai cụ bô nhưng hầu như cả hai cụ chả phải lo lắng cho mình nhiều. Mà thực ra có điều kiện đâu mà lo lắng cho mình. Thời chiến tranh, ba mình chỉ ghé qua xem mặt con gái xong là đi công tác miền Nam, sau giải phóng vẫn biền biệt cho nên 2 năm sau mới đưa cả nhà về quê. Má mình thì là người thành phố nhưng vào loại “nông dân cày đường nhựa” chỉ biết cắm cúi làm việc, chỉ suốt ngày ki bo, tiết kiệm, than ngắn thở dài chả nghĩ gì được quá cái nhà bếp (mà lại nấu ăn cực dở). Mới đây, vợ chồng thằng cháu biếu bà vài trăm ngàn ăn Tết đã thấp tha thấp thỏm, lo lắng hỏi mình “chớ răng hắn cho má nhiều tiền thế con?”. Thấy tội nghiệp, chả nhẽ lại bảo bà: “nó vừa trúng mánh mấy lô đất lời mấy trăm triệu, chừng đó ăn thua chi”
Từ bé đến lớn, việc học hành, ăn uống, quần áo…hầu như mình toàn tự làm. Lên lớp 6, học ngoại ngữ tiếng Anh, bọn bạn ở miền Nam vốn đã được học từ hồi ngụy nên khá hơn bọn ngoài bắc như mình là cái chắc. Ba mình thì có biết chút ít tiếng …Pháp nên thôi thì … “con cứ cố gắng hỏi bạn bè, chớ ba chịu”. Thế là tự “cày” và cũng tự hào khi ngang ngửa, có lúc còn nhỉnh hơn so với chúng nó. Quần áo thì rõ ràng là tem phiếu, chuyên môn quần “phăng” xanh, áo mặc bính của bà chị, cũng có khi tự may lấy mà mặc. Năm lớp 10, tuyển thẳng vào Phan Chu Trinh mới được có chiếc áo sơ mi trắng đầu tiên do bà chị may cho. Lớn lên đi thi Đại học, sung sướng lắm vì được ba dẫn đi vào Sài Gòn, thi xong cho đi chơi thăm bà con mấy ngày.
Mình nhớ một chuyện, có lẽ là chuyện duy nhất “lợi dụng” danh nghĩa “ông Đại tá” của ba mình. Đó là khi đi thực tập ở Bình Dương. Trong khu vực nhà tập thể nơi mình ở có một ngôi mộ nghe đâu là của ông trung tá ngụy chết hồi tử thủ. Minh và con bạn thân sợ gần chết. Một thằng bạn thấy thế nói khích: “con ông Đại tá Cách mạng mà lại sợ hồn ma của ông Trung tá ngụy”. Nó chỉ nói thế mà mình bỗng dưng thấy hết sợ thật.
Nếu ba mình làm tướng thì sao nhỉ? Tự hỏi mà cũng tự trả lời luôn rằng thì cũng cũng rứa mà thôi. Nếu ba mình làm to hơn nữa, tỷ như ủy viên TW Đảng thì cũng chả bao giờ để mình trở thành một “cô chiêu” được nuôi dưỡng trong các “nhà trẻ TW” rồi tìm cách chen chân vào hàng ngũ các “ủy viên” từ thấp đến cao.
Nhưng mà biết đâu đấy. Nếu ba mình ở vào cương vị bự hơn, thì mình khi ấy dẫu có không muốn (có khi chưa kịp nói gì) thì người ta vẫn cứ phải cố, làm thế nào đó mà “đưa cháu lên để nối tiếp truyền thống của gia đình” cho dù mình chả có tài cán gì, thậm chí mình chỉ là đứa học hành phọt phẹt, đi xuất khẩu lao động về.
Mình cũng nghĩ là họ có lý khi làm như vậy. Còn ai trung thành với “các cụ”, nói chính xác hơn là với quyền lợi các cụ hơn là chính những con cháu nhà các cụ.
Chuyện tản mạn thế này. Mình có ông bác, chồng bà cô mình. Bà và các con đi tập kết ở ngoài bắc, ông quay lại miền Nam chiến đấu trở thành một lãnh đạo nổi tiếng của khu V, đến mức bọn Mỹ Ngụy phải treo giải cái đầu của ông với giá rất cao mà không bắt được ông. Sau giải phóng, bà cô mình đưa các con về mới biết ông có đến mấy bà ở trong nam, trong đó có một bà là em chồng của cô em gái. Bà đành ngậm ngùi câm lặng, chấp nhận thực tế ấy bởi bà cũng biết, nếu không có sự chở che, đùm bọc, trung thành của những người được coi như vợ thì ông đã chẳng sống để đến ngày đoàn viên với bà.
Bây giờ mình ngồi và cám ơn ba má mình không chỉ vì ba má mình đã lo lắng, nuôi dạy mình, mà cảm ơn vì chính ông bà là những người bình thường, đơn giản để cho mình cũng là một người bình thường đơn giản, để có một tuổi thơ hồn nhiên, để làm một người lớn cũng hồn nhiên. Để không ai chửi: “cái con ấy học dốt, đi xuất khẩu lao động về chừ còn lên mặt lãnh đạo. Tao thì tao đ… tin cái ngữ ấy” giống như mình đang …chửi thầm bây chừ