Nếu ai đó hỏi cái gì là niềm tự hào nhất của mình thì mình sẽ nói ngay đó là được cùng chồng vác vợt đi đánh cầu lông mỗi buổi sáng.
Theo các chuyên gia đánh giá, cầu lông là bộ môn thể thao có cường độ vận động cao thứ nhì (chỉ thua môn bóng rổ). Môn bóng đá chạy nhiều là thế nhưng mới chỉ đứng ở vị trí thứ 8 thôi đấy. Đặc điểm của cầu lông là người chơi luôn ở thế bị động, đòi hỏi phải nhanh, nhạy, phán đoán chính xác vị trí lên cầu của đối phương, vị trí đứng của đồng đội mình, động tác phải mạnh (dùng lực cổ tay là chủ yếu) nhưng lại phải kết hợp với sự khéo léo, dẻo dai của cả cơ thể. Cầu lông cũng đòi hỏi sự khôn ngoan, biến hoá trong lối đánh, nhanh nhạy phát hiện những yếu điểm của đối phương để khai thác. Lốp cầu dài để kéo đối phương ra phía sau rồi bất ngờ bỏ nhỏ phía trước, đưa tay bên phải nhưng lại đánh cầu sang trái, dứ dứ cho đối phương tràn lên nhưng lại đẩy cầu ra sau … là những chiêu mà không cầu thủ nào là không biết, biết rồi nhưng vẫn cứ bị lừa, bị thua hoài.
Chơi cầu lông khi đã trở thành thói quen, niềm đam mê thì thật khó mà từ bỏ. Đã gần 10 năm nay, mùa đông cũng như mùa hè, nắng cũng như mưa, sáng nào không dậy sớm đánh cầu là ngày ấy mình cứ bần thần, mỏi mệt, không làm được việc gì cho nên hồn. Triết lý …cầu lông
Mình có ông anh làm giám đốc một doanh nghiệp xây dựng. Trước đây anh cũng chơi cầu lông, nhưng từ khi làm giám đốc thì chuyển sang chơi tennis. Anh em gặp nhau, anh hăng hái rủ mình sang chơi tennis vì “thấy em có dáng người phong độ và có tố chất”. Khi nghe mình từ chối, anh lên tiếng kẻ cả: “ chắc em không muốn vì coi ten nis như môn thể thao quí tộc, tốn kém chớ chi”. Mình bảo: “không phải thế, mà vì em không muốn người khác phải đi nhặt banh cho mình.”
Nghe vậy, ông anh mình trợn mắt: “trời ơi, cái con này, tưởng mày tân tiến hiện đại ra răng chớ bữa ni mà mày còn nghĩ rứa a?. Bây chừ xã hội phân công rồi, ai đánh banh thì đánh, ai lượm banh thì lượm chớ. Mà chúng nó làm thế đều có tiền cả đó, không có làm không công đâu”
Nghe thế, mình mới tức khí lên bảo: “Em nói anh nghe nè. Môn ten nis của anh có khi không tốn tiền bằng môn cầu lông của em đâu đấy nhé. Một hộp banh của anh cũng chỉ ngang giá một hộp cầu lông của em thôi, có khi còn ít tiền hơn đó. Cái vợt của anh cũng thế. Thế nhưng em không muốn chơi tennis vì chỉ đơn giản rằng em không muốn người khác phải đi nhặt banh cho mình. Mình đánh cầu lỗi thì mình đi lượm cầu giống như thể cái gì mình làm sai thì tự mình phải là người phải chịu trách nhiệm. Ít nhất là trong việc chơi”.
Nghe xong, ông anh mình im lặng, không nói tiếng nào. Từ đó hết rủ mình đi đánh tennis cũng như hết ba hoa cái sự thắng thua, rồi các mối quan hệ này nọ trên sân…
Rồi đến một anh bạn khác mới tập chơi cầu cứ bảo “em đánh nhè nhẹ cho anh đỡ nhé”. Mình cũng nói thẳng thừng: “chơi cầu lông em không thích những người cứ nâng niu, đánh nhẹ nhàng với mình. Như vậy mình sẽ không lên tay được. Em muốn họ cứ chơi hết mình, đập mạnh, đánh hiểm… thì mình mới tiến bộ được. Lần thứ nhất không đỡ được, lần thứ ba, thứ tư không đỡ được nhưng lần thứ năm thì mình sẽ phải đỡ được”
Nhí nhố cầu lông
Trên sân cầu lông cũng xảy ra nhiều tình huống ái ố, hỷ nộ không kém gì những sinh hoạt tập thể khác. Trên sân, ông chồng đánh cầu thì chị vợ ở ngoài hò hét: “chồng ơi, cố lên! cố lên!”. Bất kể lãnh đạo hay nhân viên, đã vào sân coi như bằng vai phải lứa, tha hồ hò hét, chỉ chỏ. Có anh Giám đốc, sau khi đỡ hụt quả cầu quay lại mắng anh nhân viên (cùng một bên với mình) rằng: “ Tớ đã bảo “kìa!” rồi mà cậu lại đánh trượt”. Một chị hồn nhiên nói với anh đồng đội: “anh ở trên cứ đẩy sâu sâu vào nhé!”. Có ông Bộ trưởng đạo mạo nhưng vào sân cũng vô tư la hét, nhảy nhót chả kém gì ai. Thể thao đã thực sự kéo xích mọi người trong một niềm đam mê chung. Có những phút giây sảng khoái khi cùng nhau đọc mấy câu thơ vui:
Hoan hô phong trào đánh cầu
Lông cơ quan được đứng đầu toàn tinh (tỉnh)
hoặc
Cơ quan có phong trào cầu
Lông vừa mới nhú lúc đầu còn thưa
hoặc
Chị em mặc váy đánh cầu
Lông bay vun vút qua đầu anh em
Có người tức cảnh sinh tình, tả về khí thế phong trào cầu lông cơ quan mình bằng mấy câu thơ:
Chiều chiều ai nấy quần đùi
Áo thun vác vợt thấy vui dễ sờ (sợ)
Vui vẻ, sảng khoái nhưng trên sân cũng không hiếm những người có máu ăn thua, thích chỉ chỏ bày vẽ, nhăn nhó người khác trong khi bản thân mình thì đánh dở ẹc. Có trường hợp ông chồng tức khí bẻ gãy vợt bà vợ chỉ vì chị này đứng ở phe đối phương mà đánh thắng chồng (!). Rồi không thể nói những tai nạn, rủi ro khi ham cầu mà sái chân, bong gân là chuyện thường ngày hoặc nặng hơn thì bầm mắt vì bị cầu đánh vào, rách mặt vì vị vợt của đồng đội khua trúng. Có bà vợ ham đánh cầu quá nên đôi khi cũng bị đức ông chồng cằn nhằn (hoặc ngược lại) nhưng nói chung, chưa thấy ai phải ly hôn vì ham cầu lông. Nói đến cầu lông không thể không nói đến ông Chủ tịch Liên đoàn cầu lông Huỳnh Văn Chính. Nhắc đến cái tên này mọi người biết ngay bởi đấy là một người nổi tiếng về nhiều lĩnh vực: một giám đốc giỏi của Công ty Dệt may 29-3, một đại biểu Quốc hội tích cực, và là một người có khiếu hài hước đặc biệt. Ông khoe : “mình có mấy câu thơ đọc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Chủ tịch danh dự liên đoàn cầu lông) nghe, Thủ tướng thích lắm:
Chẳng nên cầu danh cầu lời
Cầu lông sẽ kéo vòng đời dài hơn
Từ dân cho chí các quan
Khắp thành đô, khắp thôn làng đều chơi”
Có lẽ cũng nên mượn lời thơ của ông chủ tịch liên đoàn cầu lông để kết thúc bài viết này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét