Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Bà Ba Sương và danh hiệu Anh hùng

Mấy ngày nay đọc về bà Ba Sương (mình thích gọi là cô Ba Sương hơn là bằng bà) cảm thấy thật thất vọng.
Có phải đây tiếp tục là một vụ Kim Ngọc mới ?. Một vụ Kim Ngọc trong thời đất nước đã đổi mới, dân trí và cả quan trí đã được nâng cao, dân chủ đã được cỏi mở, đường hướng phát triển đã được thông thoáng? Tại phiên toà nghiệt ngã hôm nay, cô Ba Sương đã phải chịu mức án tù 8 năm, lẽ dĩ nhiên cái danh hiệu Anh Hùng của Nhà nước trao tặng cô cũng sẽ phải trả lại cho Nhà nước. Có thế sự nghiệt ngã ấy một ngày nào đó sẽ được phán xét trở lại và biết đâu lại được dựng lại thành phim như ông Kim Ngọc với những lời có cánh nhưng mình tin chắc chắn một điều là cô Ba Sương vẫn là một ANH HÙNG đích thực trong lòng những người nông dân Nông trường Sông Hậu với nhiều năm trước, trong và sau khi cô được phong tặng và bị tước đi danh hiệu này.    
Mình thì mình cho rằng những người đưa đến bản án cho cô Ba Sương cũng là những "anh hùng", những người "anh hùng" phải được đặt trong ngoặc kép với nhiều hàm ý.
Đôi khi  cứ day dứt mãi về những câu hỏi:
Chúng ta có cần thêm một vụ Kim Ngọc như thế nữa chăng?
Phải chăng vì bà Ba Sương chỉ "rót xuống dưới" mà không chịu "rót lên trên" nên mới ra nông nỗi này?   
Chúng ta có cần thêm một  bất công trong xã hội mà chúng ta luôn nói rằng đang hướng đến sự công bằng?
Chúng ta có cần thêm một sự nhẫn tâm trong một xã hội đang hướng đến văn minh?
Chúng ta cần hơn những anh hùng như cô Ba Sương hay cần hơn những anh hùng trong ngoặc kép.
Tản mạn một chút.
Sáng nay đưa cu Tít đi học bảo nó: con cố học kha khá, đến năm 12 ba mẹ cho con đi du học New Zealand.
Tít hỏi:
- sao không qua Singapore cho gần hả mẹ?
- Vì ở New Zealand thanh bình hơn, có nhiều nơi đẹp, tiếp cận được nhiều nguồn học tập hơn và điều quan trọng là sau khi học xong con có thể ở lại làm việc bên đó với mức lương cao.
- Nhưng sao lại ở bên đó mà không về nước hả mẹ?
Mình chưa kịp trả lời thì Tít đã hi hi cười và bảo:
- Nếu học xong con không ở lại đó mà về nước làm việc thì cũng sẽ có nhiều người đến phỏng vấn. (Tít nhại lại giọng một phóng viên) : sao anh lại quyết định về nước làm việc? sao anh ngu thế? he he...
Mình không nhịn được cười. Cũng may vừa đến trường nên Tít vô tư nhảy xuống xe đi vào.
Đem chuyện này ra kể tại quán cà phê sau chuyện cô Ba Sương, mọi người cười ầm lên, anh V. gật gù bảo: "thằng con mày khá đấy" 

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

TÒ MÒ VÀ DỐI TRÁ

Hôm nay mở mắt ra đã thấy nhiều tin chả tốt lành, mẹ của anh H mất, rồi mấy câu hỏi vớ vẩn của các đồng chí dân kính mến... Tức mình viết blog cho thư giãn...Viết cái gì nhỉ? không phải không có chuyện để viết mà thực quá nhiều chuyện nên chả biết viết cái gì trước cái gì sau. Thôi mình viết về một nhân vật T. vậy
T. là con bạn cùng học với mình hồi Đại học Pháp lý. Nhà nó nghèo, ở vùng quê của "gà đi dép cao su" (vùng cát) cũng nghèo xơ xác. T. xét về phía mặt mũi thì không xinh lắm nhưng thân hình thì trắng trẻo, đầy đặn...Nó học hành cũng vào loại thường thường, có điểm cao và cũng bị thi lại như đa số sinh viên. Nói chung, T. không có gì nổi bật nếu không có cái chuyện ấy...
Về mặt yêu đương nhăng nhít trong trường thì cũng là chuyện thường tình . Nên chuyện T. hết yêu anh C., lại sang anh khác cũng chả phải vấn đề khiến mọi người quan tâm. Chỉ hơi lạ là T. hầu như chả chơi được với mấy đứa con gái trong khoá mình (ngay cả bọn con trai cũng ít quan hệ với nó) thì nó có vẻ được lòng cánh con trai khoá khác. Sau đấy, T. được giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng ở huyện uỷ Thủ Đức (trường mình do huyện quản lý), cái này cũng không phải giỏi dang, hay ho gì mà chỉ là có điều kiện (có xe đạp, có thời gian...) thì đi theo giới thiệu thôi. Hai tuần sau khi học xong, T. dẫn về một anh tên là Kh.  nghe nói là ở Ban Tuyên giáo huyện uỷ, là thầy dạy ở lớp cảm tình Đảng của nó. Bọn mình nghe xong, biết vậy, cũng chả lạ khi nhớ đến chuyện mới mấy hôm trước T. khóc lóc dậm chân dậm tay khi đưa tiễn anh C. lên tàu về Nha Trang để chuẩn bị đi nước ngoài.
T. đưa thầy Kh. đến phòng ký túc xá chơi cũng không ai để ý gì, phòng nó có hai người mà chị kia lại hay đi về quê Long An nên hầu như  chỉ có mình nó ở phòng ấy. Nhưng hôm ấy T. dẫn Kh. đến lại nhanh nhảu nói với mọi người là "anh Kh dạy nhảy, anh ấy nhảy giỏi lắm" rồi T. đóng cửa phòng lại.
Cái khoe của T. đã đánh thức tật tò mò bẩm sinh của các nàng sinh viên nhà mình và rồi sau đó lan ra đến các chàng sinh viên như một tất yếu (xuất phát là do lão Ng. sang ăn cơm bên người yêu về thông báo cho lũ con trai đến xem) . Gần hết khoá mình xúm nhau lại chỗ lỗ khoá để được chiêm ngưỡng T. và thầy Kh. đang "nhảy" như thế nào (đại khái là nhảy trên giường).
Mấy ngày hôm sau, cả trường đều biết chuyện, nhiều tên toang toác kể những tư thế nhảy của T. và Kh.
Hội bọn mình có 5 tên, ngồi tán chuyện với nhau thế nào lại dẫn sang chuyện ấy. Mình bảo:
- Tớ không xem. Xem làm gì cái thứ ấy, kinh bỏ mẹ.
Đúng là mình không hề xem thật. Hôm ấy mình có đi ngang qua, thấy chúng nó xùm xít quanh  chỗ cửa phòng rồi rủ mình xem nhưng mình không xem mà chạy xuống tầng dưới xem Ti vi.
Thằng TA nhìn mình bảo:
- Thế nếu để một mình tên này trong 1 phòng với một cái Ti vi chiếu toàn những thứ ấy thì tên này có xem không?
- Cũng không xem. Kinh lắm.
- Tên này nói thế là không đúng.
- Sao lại không?
- Thật ra tên này không là điều ấy chỉ vì sợ mọi người biết được là mình tò mò chứ gì. nhưng tên này phải hiểu TÒ MÒ là một đặc tính cố hữu của con gái và rất dễ được tha thứ. Cho dù tên này không tò mò thì cũng không phải vì thế mà người ta đánh giá tên này cao thượng hơn, tốt đẹp hơn những đứa con gái khác đâu.
 Mình nhớ là mình cãi nhau với nó, cãi nhau hăng lắm, hội mình lại chia thành hai phe, đứa bảo vệ mình và bảo vệ thằng TA.
Có lẽ nhờ sự cãi nhau ấy nên mình mới nhớ chuyện T. học nhảy, nhớ chuyện T. ăn vụng cá của con N. lùn bị nó bắt quả tang thế nào... N. lùn và H. "muối" trước đây ở cùng phòng với T. Hôm ấy tình cờ đi về bắt gặp T. đang giở nắp vung nồi cá kho của chúng nó ra ăn vụng. Hai đứa thấy vậy làm lơ bỏ đi cũng không nói gì.. Nhưng chính T. lại đi thanh minh với con H. "mốc" rằng hôm ấy T. cởi áo, rơi cái nút áo nên phải chui xuống gậm giường để tìm lại bị bọn N. H. nghi oan nói này nói nọ. T. là thế đấy, hình như chả có gì mà nó nói thật cả. Có lẽ vậy nên bọn con gái đặt cho nó cái biệt danh là "con Tắc kè" với hàm ý thay đổi màu sắc theo môi trường.
Ra trường đi làm, T. có lấy chồng nhưng hình như chả cưới xin gì. Kẻ được gọi là chồng T. nghe đâu là một tên du thủ du thực nên đến khi nhìn thấy T. sinh ra một đứa bé có hơi dị dạng thì quất ngựa truy phong. Tội nghiệp T. một mình nuôi con. Sau đấy mình còn nghe nhiều chuyện khác về T. cũng tương tự như chuyện "học nhảy" nhưng nghe thế thì biết thế chứ nói đi nói lại làm gì. Với lại nó độc thân thì quan hệ với ai, như thế nào là quyền của nó. Cũng không rảnh mà đi buôn dưa lê
Bây giờ T. là đại biểu Quốc hội. Con gái của T. hơi dị dạng nhưng chắc là con của ĐBQH nên được đưa vào diện Nạn nhân chất độc da cam.
Hôm họp lớp, (tất nhiên là chả bao giờ có T. đi dự) khoá mình lại xôn xao bàn tán với nhau. Lại chửi rủa, lại lôi những chuyện ngày xưa của T. ra kể. Mình bảo, ngày trước khác, bây giờ khác. Chúng mày học luật biết rồi, đừng có mà nói xấu lãnh đạo nhé. "Tao cứ nói thật chứ nói xấu gì nó". "Chúng mày có nói thật thì ai tin? bây giờ họ là ông này bà nọ, chúng mày nói thì làm sao bằng người đại diện cho 86 triệu dân này nói.  Bây giờ chúng mày biết khôn thì phải vỗ ngực nói: "chúng tôi rất tự hào vì được học chung khoá với ĐBQH T."  Thậm chí thì cứ xưng hẳn: "Hồi ấy ĐBQH T. thân với tôi lắm".
Con H nghe vậy bĩu cái môi dài ra như mỏ vạc buông một câu: "Vậy thì tao nói tao là người yêu của Lê Công Định có khi còn oai hơn là nhận làm bạn thân của ĐBQH này"
Ngồi nghĩ ngợi cười thầm. cười khẩy...lại nhớ lời thằng TA. Không dám nói ra. Nói ra lại mang tiếng nhiều chuyện, buôn dưa lê, dưa chuột, là chuyên nói xấu người khác  
Xét cho cùng tò mò là thuộc tính của phái nữ, nhiều chuyện, hay nói xấu cũng là thuộc tính của phái nữ. Cái đấy cũng dễ tha thứ và nếu giả thử mình không có cái đấy thì cũng chả ai bảo mình tốt hơn
 Hủ hoá và dối lừa có phải là thuộc tính của phái nữ không nhỉ? hay chỉ là thuộc tỉnh của một số người, kể cả là lãnh đạo?
Ôi dào, có ai là thánh cả đâu. Nhưng mình nghĩ là mình không đến nỗi nào để nếu có lỡ làm to thì cũng không bị bọn bạn nói xấu đủ điều như ĐBQH T. và tất nhiên vì vậy mà là được cái hồn nhiên hăng hái xung phong đi họp lớp, không vắng buổi nào.
Thế là được.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

VÀO ĐẢNG

Thằng em con cậu mình năm nay gần 50 tuổi  làm công nhân Công ty cấp nước. Nó là con liệt sĩ, 15 năm liền là chiến sĩ thi đua các cấp, 3 lần được đưa đi học lớp cảm tình Đảng và nguyện vọng bản thân là tha thiết được vào Đảng. Rốt cục ... đến nay Đảng vẫn chưa cho nó vào.
Hôm đám tang nhà mình, ngồi uống rượu với nhau, có ông anh mình ở Ban Dân vận thàng uỷ, với 1 ông anh nữa là trung tá quân đội cứ "mặt tròn mắt dẹt", hết "Ơ!" với "A!", thắc mắc sao lại thế nhỉ.
Mình mới hỏi:
- Cậu mày vào Đảng thì có được lên chức không ?
Nó gãi đầu gãi tai, nhăn nhó khổ sở 
- Dạ đâu có được chị, vẫn là công nhân quèn thôi. Mà tại tụi nó nghĩ nếu em vào Đảng được em lên chức nên tui nó kèn cựa vậy đó chớ. Mà em có mong vào Đảng để mà lên chức đâu chị, có lên thì em cũng là thằng công nhân quèn thôi chớ có hơn gì đâu. Em muốn vào Đảng để cho 2 thằng con em nó có chút hãnh diện, không lẽ bố nó con liệt sĩ  mà lại không được vô Đảng.
- Thế cậu mày sống trong công ty có mất lòng ai không?
- Thì làm răng mà mình được lòng hết mọi người chị. Nhưng mà em cũng được nhiều người quí mến lắm Dễ chi được bầu là chiến sĩ thi đua 15 năm liền đâu chị.
- Ờ vậy thì để chị nói cho nghe. Về phía cậu không cần vào Đảng để lên chức lên quyền, để tăng  thu nhập chi đúng không. Vậy là một. Thứ hai, cậu mi vào Đảng để con cái nó hãnh diện vậy chị hỏi con cậu sẽ hãnh diện  nếu ba nó là Đảng viên hơn hay là hãnh diện khi ba nó là CSTĐ 15 năm liền hơn? Cậu có thấy đứa trẻ con nào vỗ ngực khoe ba tao là Đảng viên không ? trong khi đó sẽ có nhiều đứa khoe ba tao là CSTĐ 15 năm liền đó nghe! Đó là thứ Hai. Thứ Ba là dù cậu có vô Đảng hay không vô Đảng thì cậu cũng vẫn là cậu, là một công nhân tay nghề giỏi, nhiều sáng kiến, được yêu mến và bình chọn là CSTĐ. Chưa chừng, cậu ở ngoài Đảng mà nói những điều ấy lại oai hơn bởi không bị áp lực về trách nhiệm, về phấn đấu, về đủ thứ bình xét năng lực, quá trình ...Còn về phía Đảng, cậu mà được vô Đảng tất nhiên sẽ kéo theo đủ thứ phiền toái cần giải quyết: sẽ có người kèn cựa ganh tị vì cứ tưởng cậu vào Đảng rồi sẽ lên làm sếp họ nên sẽ điều này tiếng nọ; rồi đến cuối năm bình xét cậu làm tốt quá thì cũng chả ai khen cậu,  lại bảo Đảng viên phải thế, nếu cậu có dở dở một chút xíu cũng bị dòm dỏ rằng "Đảng viên mà thế à", nên chưa chắc cậu đã được CSTĐ, mà rút cục cậu cũng chỉ là một công nhân quèn, cũng chẳng ảnh hưởng được đến ai mà cũng chẳng phiền luỵ cho tổ chức. Lại thêm, vì chỉ là công nhân quèn là cậu lỡ có chuyện chi thì người ta cũng chả "nắm đầu" hạ cấp, với giáng chức cậu được. Thế cho nên bao nhiêu năm nay họ không hề kết nạp ai ở xí nghiệp cậu là vì rứa đó 
Cậu em mình nghe xong ngồi thừ người ra, 2 ông anh Đảng viên của mình nghe xong ngồi thần mặt ra... chả biết có "thủng" không...

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

MÓN MÌ QUẢNG QUÊ MÌNH

Mặc dù là người Quảng chính cống mình không thích ăn mì Quảng bằng ăn Phở Hà Nội. Điều này ngược hẳn với bà chị mình ở Hà Nội mà vô cùng khoái mì Quảng. Bởi vậy mình mới sẵn sàng giơ cả hai tay nếu đưa Phở vào diện đề nghị UNESCO công nhận là loại di sản văn hoá ẩm thực của Việt Nam. Chứ còn mì Quảng thì ... phải đặt lên đặt xuống bàn cỡ khoảng chục lần trước khi ... dẹp nó sang một bên.
Thật ra thì mình cũng không phải là ghét mì Quảng nhưng nếu mấy cụ bô lão nhà mình mà cứ xơm xơm đòi đưa mì Quảng trở thành "quốc hồn quốc tuý", lại gán cho nó đủ thứ kiểu : "thấm đẫm chất văn hoá", "vô cùng nhân văn, "vô cùng tinh tế"... thì  mình sẽ quay ra ngoài cười khẩy. Cười khẩy thôi chứ không dám nói, bởi mình đã một phen bị cả chục cụ bô lão phản đối ầm ầm về cái phát biểu không giống ai về món mì Quảng mà các cụ đang tâng bốc ấy. Theo mình hiểu thì thế này (cái này chỉ là sự suy diễn của cá nhân chứ không có  nghiên cứu gì đâu nhé ch nên nghe xong để đấy đừng có phản bác) 
Món Mì Quảng là món ăn dân dã của nhà quê mình. Nó là cái thứ mà mấy bà hay gánh gồng đem ra ruộng để đãi thợ cày cấy ăn vào lúc nghỉ giải lao giữa khi lao động, quê mình gọi là "nước nửa buổi". Cái này nghe có lý bởi vì:
- Các chất liệu nấu mì rất đơn giản, dễ kiếm: rau trong vườn, gà trong chuồng, mắm muối trong hũ, bánh tráng cũng dễ kiếm...
- Phương thức chế biến đơn giản, nhanh gọn: Ướp thịt, xào lên, đổ thêm tí nước. (Trong  khi đó thì nồi nước dùng của phở phải được hầm đến mấy ngày đêm, lọc qua lọc lại cầu kỳ)
- Phải gánh gồng từ nhà ra ruộng nên chỉ cần ít nước lèo thôi . Nhiều nước như phở thì làm sao mà gánh được.
Lâu ngày rồi cái món mì này được các quí cô, quí bà tiểu tư sản cho thêm dăm ba cái thứ tiểu tiết để cố tình nâng cấp cho cái  thứ quà dân dã này thành ra đài các kỉểu quí sờ tộc: nào là thêm trứng, nào là thêm tôm...
Mình thì mình nghĩ, giá cứ để nó dân dã , nhà quê như thế lại hay hơn, nó thấm hơn cái chất Người xứ Quảng. Không đài các, hoa mỹ. Nói thì cục mịch, làm thì chắc chắn, ăn thì phải no, đủ chất để cày sâu bừa kỹ. Nói khó nghe một chút cũng được, làm thì xấu xấu một chút cũng không sao, ăn thì không cầu kỳ kiểu cách, đòi hỏi cái nọ cái kia...
Như cái món bánh xèo, cứ tưởng nó được đi Mỹ trình diễn là oai lắm. Thực chất chỉ là do mấy cô mấy chị quê mình, đến mùa nước lụt, ở nhà rảnh quá, chả biết làm gì hè nhau xay bột rồi tôm tép đó, dầu mè đó, rau rác đó, củi lửa đó mà "xèo, xèo". Văn hoá là ở chỗ đó chứ ở mô xa.  
 Mình mang tinh thần của món Mì Quảng, bánh xèo ( dù không khoái lắm) để xung phong vào đời sống dân Quảng và ... bị phản đối ầm ầm.   
 Ôi dân Quảng quê mình. Nhiều khi nghĩ không ra