Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

GÀI ĐỘ

Hôm qua, được nghe Bí Thư Thành ủy nói chuyện với các cán bộ xã phường. Nói chuyện với các CB xã phường nên cách nói cũng rất... xã phường. Bí thư đề nghị các chủ tịch xã, phường phải nâng cao trách nhiệm, bằng nhiều biện pháp sáng tạo tạo điều kiện cho nhân dân xóa đói giảm nghèo. Cao hứng (mà Bí thư thì hay cao hứng lắm) Bí thư kể chuyện ông đã làm "cò", "gài độ" để một đại gia mê cờ tướng ngoài Hà Nội vào đánh cờ tướng với một Kiện tướng quốc gia, trưởng bộ môn cờ tướng của Sở TDTT. Tất nhiên vị đại gia kia thua te tua và Kiện tướng nhà ta có được mấy triệu bạc để dẫn quân ra Hà Nội thi đấu giải cơ tướng toàn quốc. Câu chuyện khiến cả hội trường cười ngả nghiêng, lòng ai nấy đều thấy BT thật quả thương dân, lo cho dân. Thấy xã hội chúng ta thật ưu việt...vì có những BT như thế. 
Nói chuyện vui vậy nhưng mấy ai làm được như vậy. Mấy ông Bí thư, chủ tịch xã phường có cố mấy đi nữa thì cũng đừng hòng mon men đến chỗ phòng của mấy đại gia kia chứ nói gì đến chuyện "gài độ", và tên đại gia kia chắc cũng là "thua trên thế thắng" mà thôi. Bỏ mấy triệu bạc để "mua" cái danh "thua BTTU" cũng sướng chứ. Nếu là mẹ cu Bống thì cũng sẽ không làm khác. He he.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

NHỮNG VÌ SAO ĐẤT NƯỚC

Chiều hôm qua chở cu Bống đi lên cơ quan làm việc. Có lẽ tại trời nắng quá nên Bống mình ngắm sông Hàn rồi tự dưng tức cảnh ngâm nga: " Nước trong leo lẻo cá đớp cá. Trời nắng chang chang người trói người". mẹ Bống hỏi: Con có biết câu ấy của ai không? Bống ta hồn nhiên trả lời: Của Trạng Tí. - Trạng Tí nào? - Thì của Trạng Tí trong truyện tranh Thần đồng Đất Việt ấy mà. Bống trả lời đầy vẻ hiểu biết.
Nghe xong, Mẹ Bống không biết nên khóc hay nên cười. Tất nhiên phải giảng giải cho Bống hiểu câu ấy là của Cao Bá Quát, một nhà chính trị văn hóa, một con người tài hoa, một ý chí mạnh mẽ ...cùng bối cảnh khi Cao Bá Quát làm đôi câu đối ấy. Cao hứng, mẹ còn kể cho Bống nghe những giai thoại về Lương Thế Vinh, Mạc Đĩnh Chi...
Bống có vẻ khoái khi nghe chuyện của mẹ. Nghe xong Bống hỏi: mẹ ơi, sao mẹ biết nhiều thế?- À tại hồi còn nhỏ hơn con bây giờ mẹ đã đọc tập truyện Những vì sao đất nước, một tập truyện rất hay về các danh nhân văn hóa, lịch sử nước ta. Sau này, để phù hợp với thị hiếu của các độc giả nên người ta đã chuyển thể nó thành những dạng sách như truyện tranh Thần Đồng Đất Việt mà mẹ mua cho Bống đọc. Người ta đã đem những cái hay ho của các danh nhân  gán cho nhân vật chính như Trạng Tí  làm đại diện và  tạo sự hấp dẫn, sinh động thôi. Cho nên đọc xong cái phần tranh thì Bống phải chịu khó đọc cái phần sau giải thích đầy đủ về những giai thoại về nhân vật lịch sử, văn hóa. 
- Mẹ mua cái quyển những Vì sao đất nước cho con đi.
- Ừ, nhất định rồi.
Sáng hôm nay lên mạng tìm xem ở đâu bán quyển sách này để tìm mua cho Bống. Không gặp sách lại gặp ngay một người cũng đang băn khoăn giống y chang mẹ Bống rằng : Hồi nhỏ tôi có đọc quyển sách này nhưng bây giờ tìm không thấy. Có ai biết sách được bán ở đâu không chỉ cho tôi với.? Không có ai chỉ, không có ai biết sách này được bán ở đâu. Trên website của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch có bài viết về việc thiếu những hình tượng văn học cho thiếu nhi (http://www.cinet.gov.vn/?ctl=usc_NewsViewsdetail&zoneid=58&rootId=4&newsid=21310) trong đó có dẫn ra ví dụ về cuốn sách này với sự khen ngợi rằng đây là những tác phẩm có "những hình tượng văn học đẹp đẽ làm rung động tâm hồn thiếu nhi Việt Nam qua nhiều thế hệ của các lớp nhà văn đi trước".
  Biết là hay, biết là đúng, biết là cái chúng ta cần thì sao không tái bản đi, còn nói làm gì. Hay là các nhà văn ngày xưa sẵn sàng viết chung quyển sách hay ho ấy bây giờ thấy cần phải tách ra để viết những thứ mà mình cho là hay ho nhỉ. Biết là hỏi chả ai trả lởi nhưng cứ hỏi cho nó đỡ tức.  
Mẹ Bống cũng như nhiều vị làm cha làm mẹ khác đang rất cần những quyển sách như Những vì sao đất nước. .

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

ĂN THỊT CHÓ

A lô, mày ở đâu đấy? - Tao đang ở quán thịt chó. – Với ai ? Mấy đứa cơ quan. - Thế tao đến đấy có được không? – Ok, đến đi   
Thế là 5 phút sau nó có mặt chỗ chúng tôi với một vẻ tí tửng rất đáng “ghét”.
Chả bao giờ tôi nghĩ rằng có cái ngày mà tôi với nó cùng ngồi ăn thịt chó và tán đủ thứ chuyện thế này.
Ăn thịt chó là cái chuyện quá thường, (Thậm chí là tầm thường nữa) nhưng về nghĩ lại thấy cũng chả thường tí nào, nhất là ngồi cùng nó thế này.
Thứ nhất, cái sự ăn thịt chó là phải đi với những người thích thịt chó, cùng coi chó là món khoái khẩu. Lại phải đi với những người bạn bè thân hữu “chí tử” với nhau, yêu quí nhau lắm mới mời nhau đi ăn thịt chó. Ấy thế nhưng một khi đã đặt mông xuống quán thịt chó rồi thì chả ai đem cái chuyện yêu đương tình cảm gì ra bàn ở đấy cả. Nhưng đến quán thịt chó thì cứ vô tư mà tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với tất cả những ái ố hỷ nộ cứ phơi bày lồ lộ như mấy lát thịt chó luộc trên đĩa. Tôi cũng đồ chừng rằng ở nơi ấy hầu như chả có gì giấu nhau được, chả có gì giả dối với nhau được như cái  mùi mắm tôm đặc trưng 3 ngày sau vẫn còn ngửi thấy.
Thứ hai, là nó. Nó là thằng bạn học phổ thông với tôi, ngồi bàn trên tôi. Nó là cái thằng mà hồi ấy tôi liệt vào dạng ghét không chịu được và đã có lần suýt cầm cái thanh ghế gãy để choảng nhau với nó. Mà đâu chỉ mình tôi, nó cũng là đứa chuyên gây sự với những đứa khác trong lớp. Nó còn “hành hạ”, “ tra tấn” các thầy cô, làm cháy giáo án của họ bằng những câu hỏi liên tục không ngớt, những câu hỏi hình như nó đã biết câu trả lời rồi nhưng vẫn hỏi, đã được trả lời rồi nhưng nó lại dẫn ngay ra một câu khác để chứng minh cái câu trả lời ấy không đúng. Không ít lần nó làm cho các thầy cô điên tiết cấm cửa nó vào tiết mình. Lẽ tất nhiên chúng tôi cũng về phía thầy cô mà lên án nó trong các cuộc họp lớp, họp tổ nhưng có lúc cũng thầm cám ơn nó vì nhờ nó hỏi nên mình thoát được nạn dò bài.
Dù ghét chúng tôi cũng phải công nhận là nó thông minh.( Thông minh nên mới “quay” được các thầy cô đấy chứ). Nên chẳng ai ngạc nhiên khi nó thi đại học được điểm cao và đi học Liên Xô ngay trong năm đầu tiên. Sau đó nó lấy ngay cô bạn cùng lớp và ở lại Ukraina, rồi trở thành một “đại gia”. (nghe nói thế chứ tôi cũng chả quan tâm chuyện nó kinh doanh cái gì, gặp lại thì tay bắt mặt mừng, bô lô ba la nhắc lại chuyện ngày xưa tao ghét mày thế nào, hồi ấy mà  biết thế này thì …)
Bây giờ thì nó, một Việt Kiều, một đại gia đang ngồi đây, gắp lấy gắp để, miệng vừa nhai nhồm nhoàm, vừa khen: "sướng, sướng thế, lần sau tao về mày lại rủ tao đi nữa nhé". Không biết nó có biết không chứ lúc ấy tôi cũng cảm thấy sướng khi lén nhìn sang mấy em cơ quan đang mắt chữ A, mồm chữ O đầy vẻ thán phục "sếp có ông bạn thế chứ lị !". Hà hà. 
Thứ ba, ăn thịt chó thì phải nói toàn chuyện linh tinh, lang tang trên trời dưới bể, hổ lốn tả pí lù … Ấy nên tôi không bất ngờ khi nó chuyển sang chủ đề chả liên quan gì đến thịt chó. Nó bảo: sao chúng mày chả có một động thái gì về Hoàng Sa thế ?. Nó đánh mình như thế mà chúng mày ở đây cũng ngồi yên. Ở bên ấy con gái tao mới học lớp 10 cũng có hẳn mấy bài về Hoàng Sa đấy. Tao mà ở đây như mày tao biểu tình ấy chứ.
- Ôi ôi, tao xin mày, tao muốn yên thân, không muốn “ủ tờ” đâu.
- Cái lớp mình chỉ được mỗi cái học giỏi. Rồi bây giờ đứa nào cũng là công dân kiểu mẫu. Nhưng nói thật tao thấy bọn mày nhạt như nước ốc. Chúng mày chả dám nói điều chúng mày nghĩ là đúng. Chúng mày chả dám hỏi những điều chúng mày chưa hiểu. Chúng mày chỉ làm theo những điều người ta muốn. Đến bao giờ chúng mày mới làm những điều chúng mày muốn.? Nói thật, chúng mày đ… ra làm sao.
Thế rồi chí chóe, rồi cãi nhau, rồi cười ha hả ngả nghiêng. Chấp làm gì cái lũ ăn thịt chó, ăn thịt chó uống rượu có tí men vào nên nói khoác, nói bậy.
Lúc ấy rồi về sau, tôi phải “viện dẫn” những cái đáng ghét ngày xưa của nó ra để cố làm giảm cái sự quí mến nó đang mỗi lúc một tăng lên, để cảm ơn nó vì đã … ăn thịt chó với mình. 

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

ĐỪNG BUỒN HOA XUYẾN CHI

Hầu như ai được tôi hỏi đều lắc đầu không biết hoa Xuyến Chi. Có người nghe tên hình dung ấy hẳn là một loài hoa có vẻ đẹp lộng lẫy như hoa hồng, cao sang như hoa Liz hay đài các như hoa kèn. Không ai tin rằng cái tên xinh xẻo ấy lại thuộc về một loài hoa cúc dại, màu trắng, cỡ bằng đồng xu mọc đầy tại hai bên đường sắt, bên hàng rào, bên vệ đường hoặc những khu đất bỏ hoang hoá lâu ngày. Hoa Xuyến Chi sáng nở, chiều tàn nên chẳng bao giờ được người ta hái chứ nói chi đến mang về cắm vào lọ để chưng. Và loài hoa này đương nhiên cũng không có tên trong những bài hát hay câu thơ nào cả…
Ở Đà Nẵng, hoa Xuyến Chi mọc nhiều lắm. Ngay cả trên những vùng đất trồng hoa như Phước Mỹ, Hoà Cường…khi những bông hoa hồng, hoa cúc trong vườn được trồng theo luống theo hàng, được người chăm sóc cẩn thận đang nở rộ khoe hương thắm sắc thì xung quanh những vạt đất ấy, hoa Xuyến Chi vẫn cứ thầm lặng như biết thân biết phận mình chỉ khiêm tốn điểm những đốm trắng trên nền lá xanh; trên những bãi đất trống ở Khuê Trung, Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, Hoà Khánh …hoa Xuyến Chi vô tư ngập tràn tạo thành một vùng hoa đồng nội dù không ngút ngàn như trong phim nước ngoài nhưng cũng đủ làm nao lòng người có tâm hồn nhạy cảm… Có những khi đứng trên dốc Hoà Cầm, nhìn xuống cánh đồng toàn hoa xuyến chi, lại cảm giác như một giấc mơ nào đó vừa xa xôi, vừa mong manh như thể hàng triệu ngôi sao trắng tan vụn vào mênh mông…
Còn bây giờ…
Những vạt hoa Xuyến Chi lặng thầm ấy đang dần dần nhỏ đi, nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng thoắt thoắt hiện ra như từ những giấc mơ. Chẳng ai cần để ý nơi cánh đồng hoa Xuyến Chi ngày đó giờ đã thành một siêu thị hiện đại hay một khách sạn tráng lệ. Làm sao còn ai nhớ đến những đốm trắng li ti nổi bật trên nền lá xanh mướt khi giờ đây những chùm đèn trang trí đang lung linh mời gọi. Hoa Xuyến Chi mơ màng đang lùi dần… lùi dần…để nhường chỗ những khu dân cư mới, những công trình hiện đại, những công viên đầy hoa ... Giấc mơ hoa Xuyến Chi cứ thế lặng
thầm và dịu dàng dâng hiến cho những hiện thực kỳ vĩ, sinh động.
Tôi ngồi bên vệ đường, có thể đây là nơi cánh đồng hoa Xuyến Chi ngày trước. Dịu dàng đậu vào tay tôi một cánh hoa trắng mong manh. Không biết có phải là Xuyến Chi đang an ủi tôi về sự nuối tiếc cho những giấc mơ vì đã trở thành hiện thực? Vậy mà tôi lại muốn an ủi : Xuyến Chi ơi đừng buồn. 

TRẦN PHÚ HAY TÔN THẤT TÙNG

Chả có gì khập khiễng hơn khi  so sánh giữa một đồng chí Cố Tổng Bí thư Đảng năm 1930 (TBT) với một ông giáo sư bác sĩ mổ tim (GSMT) nhưng mấy ngày qua 2 cái tên ấy cứ ám ảnh mẹ cu Bống mãi.
Chả là cu Tít thi lớp 10, nguyện vọng 1 vào trường của TBT, rớt chỏng vó với 38 điểm (trong khi TBT “đòi” 40,5 điểm), nhưng với số điểm ấy thì “dư xăng” đến với GSMT dù là nguyện vọng 2 dành cho những đứa vào loại học hành thì ít chơi game thì nhiều.
Nếu là con nhà đi biển thì cu Tít chả còn vấn vương tư tưởng, tiếc nuối gì mà đương nhiên yên tâm xung phong tiến thẳng vào với BSMT với niềm phấn khởi vì dù sao mình cũng đỡ …dốt hơn những đưá khác (thi đột biến anh văn đến 9 điểm cơ mà) và biết đâu lại được may mắn vào hắn lớp chọn. Mà hình như hắn cũng yên tâm thật, thi xong, biết điểm, cười hi hi, đi… chơi game tiếp.
Chỉ có mẹ nó là vấn vương mãi, thở dài, than ngắn, tức tối, hy vọng…vì nghe đâu mấy năm trước con anh nọ chị kia cơ quan thiếu vài ba điểm cũng xin được vào trường TBT. Đã thế, đi ra ngoài thì mấy người quen lại bảo Mẹ cu Tít làm thế nọ thế kia mà không xin được cho Tít vào trường TBT à? Sốt hết cả ruột, đau hết cả đầu. Đúng lúc ấy, ba Tít lại nhận lệnh đi công tác Hà Nội. Trách nhiệm rõ ràng thuộc về …mẹ Tít.
Nói cho đúng, mẹ cu Tít cũng có thể có được cái diễm phúc là mon men đến phòng làm việc của Giám đốc Sở giáo dục để mà thỏ thẻ cái nguyện vọng vô cùng chính đáng là xin cho cậu quí tử vào trường TBT mà không bị bảo vệ đuổi ra khỏi cổng và Giám đốc Sở thì cũng thẽ thọt mà khuyên răn chứ không mắng mỏ gì. Cũng chả phải xấu hổ gì thêm vì lâu nay thì mẹ cũng đã quá xấu hổ với cái thành tích học tập tại trường của cu Tít rồi.
Có lẽ bây giờ cu Tít mới chỉ thấm hiểu sơ sơ rằng chỉ cần cố gắng một chút thôi trong quá trình học hành thì giờ đâu đến nỗi phải đi học ở trường … “sơ tán” của GSMT thế này. (mẹ nghe Tít than thở với Cún rằng “tao mà được học sinh tiên tiến mấy năm như mi thì tao dư điểm vào TP rồi” còn thằng Cún thì bảo “mi tưởng tao suốt ngày game gủng, ăn chơi như mi mà được HSTT à. Tao cũng phải học mửa mật ra đấy chứ”). Nhưng để cu Tít thấm hơn cái vị đắng  khi bị rớt chỏng vó NV1 thế này và cũng như trong cuộc đời sau này khi bản thân không chịu cố gắng thì có vẻ như hơi …xa vời quá. Trong khi ấy mẹ Tít sẽ phải ngậm đắng nhiều hơn trước những lời chỉ trích rằng không biết lo cho con, chỉ nói thánh nói tướng là giỏi, toàn đi làm chuyện “vãi mèo” giúp cho thiên hạ mà không giúp được cho chính con mình. 
Nhưng thôi, mẹ Tít quyết tâm, nghiến răng, ngậm đắng nộp hồ sơ cho Tít “tuyển thẳng” vào GSMT với một niềm hy vọng (dù hơi mong manh) rằng sau này Tít sẽ hiểu mẹ làm thế vì không muốn Tít cho rằng có thể dựa vào ba mẹ suốt cuộc đời này. Tit như một cái cây mà ba mẹ chỉ là người chăm ươm khi còn ở trong bọc ni lông mà thôi. Bây giờ cái cây ấy được bứng ra ngoài đất trồng rồi đấy nhé, phải tự mình vươn lên thôi.

CHỬI

Tổ cha tụi bay. Chớ mi ác chi mà ác rứa. Anh em với nhau mà mi làm rứa à. Đánh cho hắn lên bờ xuống ruộng phải trốn chui chạy nhủi rồi mà mi còn lôi hắn về mà đánh, mà trụt quần, trụt áo trước mặt bà con thiên hạ ra rứa trời. Chớ mi tưởng mi là anh mi ưng hành hạ hắn răng thì mi hành hả?. Ờ thì hắn ngu, hắn sai . Mi tưởng mi làm rứa cho lòi cái sai của hắn ra là mi đúng hả  Hắn sai, mi đúng ở đâu không thấy, tau đây hàng xóm chỉ thấy mi làm rứa là quá đáng.  Mi có biết mi làm rứa thì người ta nói mi là đồ dã man không? Ờ mà cái mặt mi dày như mặt thớt rứa thì họ có nói rứa chứ nói nữa cũng không ngứa chi mà. Lạ thiệt, ba má tụi hắn đâu mà để anh em cật ruột nhà hắn đánh nhau tơi tả chổi cùn ra rứa mà cũng không thèm nói năng chi. Tau hàng xóm còn thấy nhức mắt không nói không được, mà nói thì bay ghét chớ cái lũ tụi bay anh em với nhau mà còn như rứa thì rồi đây tui bay đối xử với người khác ra răng?. Sau này rồi tụi bay cũng lo mà tìm đường đi khỏi cái đất này đi chớ ở đây cũng mang tiếng cho làng mình sinh ra mấy cái thằng mất dạy, lưu manh, vô đạo, ăn cướp, phá làng phá xóm mà thôi. Còn mấy cái thằng ranh con kia, tụi bay còn đứng đó chống mắt vỗ tay coi hai anh em hắn đánh nhau hả? Mau cút ngay không tao cho mấy cán chổi bây chừ. Hừm, tổ cha cái lũ hậu sinh khả ố.