Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

ĐỂ CÓ THỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI... BÌNH THƯỜNG

Tình cờ đọc được bài này của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Liên Việt, thấy giống y như suy nghĩ của mình. Xin phép "trộm" đem về đây để đọc và nghĩ. 

Trở thành Người bình thường, thấu hiểu được giá trị đích thực của những điều bình thường; với tôi (và không chỉ riêng tôi), đó là bí quyết sống, bởi vì Người bình thường là:
1. Một người như bao nhiêu người khác, dễ hòa nhập và hội nhập được.
2. Làm được tất cả những việc bình thường và vì vậy, có thể làm được cả những việc vĩ đại.
3. Người bình thường là người Luôn biết mình là ai, đang đứng ở đâu, “thành ý – chính tâm – tu thân…” để đi thăng bằng trên mặt đất, không sống viển vông, không bao giờ tự cho mình là siêu nhân; biết:
a. Biết xử sự "theo tuổi" của mình, đó là tự biết mình "đủ tuổi" làm việc gì và "không đủ tuổi" làm việc gì? Đây quả là một điều khó thực hiện, bởi rất nhiều người luôn tự cho mình là "lớn tuổi" khi còn trẻ, nhưng lại nghĩ rằng "còn rất trẻ" khi đã quá già...

b. Biết mình “vác” được bao nhiêu kg trên vai, nếu “cố quá” sẽ “quá cố” vì “gãy” cột sống. Đối với người khác cũng vậy, ta phải biết sức khỏe người đó để nhờ việc, giao việc vì “cái Tâm” thì khó đo lường nhưng “cái Tầm” của con người thì có thể đo đếm được. Biết vui, biết buồn, biết trước, biết sau, biết yêu, biết ghét... Nhưng phải biết đủ, không quá đà mà phải biết dừng...

Đoạn sau này là của tôi.
Tôi vẫn nhớ lời của một người bạn trai hồi còn học đại học, bạn bảo: trở thành người bình thường nhưng đừng ... tầm thường. 
Hình như trong xã hội hiên tại, người ta đang có sự lẫn lộn giữa BÌNH THƯỜNG VÀ TẦM THƯỜNG. 
Ví dụ như đi ăn nhà hàng, thức ăn còn dư nhiều, bệnh sĩ đã khiến nhiều người cảm thấy ngại khi mang những món đồ ăn còn thừa đó về, vì sợ người khác sẽ đánh giá mình là tầm thường. Trong khi đó chính là cách xử sự bình thường của một người khôn ngoan, biết tiết kiệm, đáng quý. 
Cuộc sống thực sự còn nhiều khó khăn, nhu cầu của mỗi người có vẻ như ngày càng lớn. Nhưng thực tế, có lớn đến đâu đi nữa thì cũng vẫn quẩn quanh chuyện cái ăn cái mặc, học hành. Ăn nhiều, ăn ngon, sơn hào hải vị đến mấy đi nữa rồi cũng quay về với bát cơm, chén mắm. Làm to đến đâu thì cũng có ngày về hưu làm phó thường dân. Minh mẫn mãi rồi cũng có lúc dở hơi, lẩn thẩn ... Biết đủ là đủ, biết mình đang ở đâu, biết mình đang tuổi nào, biết mình đang làm gì, biết buông bỏ để sống thản nhiên, biết phúc phận của mình đến đâu thì hưởng đến đấy, không có phúc thì đừng tranh giành ...
(Bận rồi, Rảnh viết tiếp ...)



Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

BÀI AI ĐIẾU CHO MÁ

Ba ra đi ngày 18/9/2009, má qua đời ngày 17/3/2013. Đây là lời ai điếu mình đọc trước linh cữu má trong lễ truy điệu. Ngày vu lan, nhớ ba má nên chép lại.

Ba má kính yêu của chúng con,
Vẫn biết có môt ngày ba má phải lìa xa chúng con, nhưng ai cũng mong ngày ấy đừng bao giờ đến. Bây giờ thì con đã hiểu, dẫu có ở tuổi nào đi nữa, cũng không còn nỗi bất hạnh nào lớn hơn khi trở thành kẻ mồ côi.
Má kính yêu,  
Trong những ngày tang lễ má vừa qua, trong niềm tiếc thương vô hạn, trong nỗi đau đớn khôn cùng khi không còn má nữa, nhưng lòng chúng con vẫn lấp lánh niềm tự hào hãnh diện về má.
Cuộc đời của má, cuộc đời của một người phụ nữ khiêm nhường giản dị; một người vợ đảm đang chung thủy, một người mẹ tảo tần, can đảm; một người bác, người cô nhân hậu, chuẩn mực; một người bà đức cao vọng trọng.

Má kính yêu,
85 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, 40 năm lao động cống hiến, phục vụ Cách mạng, phục vụ đất nước, má xứng đáng được Đảng và nhà nước ghi công, được người đời tin yêu, kính trọng.

Cả một đời chắt chiu dành dụm, cả một đời vất vả lo toan, má xứng đáng được sống những ngày cuối đời đủ đầy hạnh phúc bên con cháu.
Bao nhiêu năm sinh thành nuôi con khôn lớn, bao nhiêu năm dạy dỗ, giáo dục con trưởng thành, ba má đã để lại cho chúng con những tài sản vô giá. Đó là trí tuệ, là sức khỏe, là tâm thế vững vàng để nối tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình, để sẵn sang đối mặt với khó khăn thử thách, để vươn lên cùng thời đại.
Má kính yêu,
Với tất cả tình cảm má đã dành cho chúng con, giờ đây khi nhắm mắt xuôi tay, má hoàn toàn xứng đáng và chúng con cũng đủ khả năng để có thể báo hiếu cho má bằng một đám tang trọng thể, không thua kém bất kỳ một người nổi tiếng nào.
Nhưng chúng con biết má chỉ muốn những gì thật giản đơn, bình dị nhẹ nhàng mà ấm áp nghĩa tình bà con anh em, bạn bè đồng chí, đồng nghiệp. Và bây giờ ở trên cao nhìn xuống hẳn má đang mỉm cười mãn nguyện với sự hiện diện của những người yêu mến và kính trọng má.
Chúng con mong má yên lòng nhắm mắt ra đi thanh thản. Ở nơi ấy có ba con và cậu con đang đón đợi má cùng về.

Vĩnh biệt má của chúng con, bà ngoại của các cháu. 

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

CẢM ƠN CON

Khá chật vật, không vinh dự gì, nhưng cuối cùng con cũng đã đủ điểm để có thể bước chân vào một trường Đại học.
Lệ thường, người sẽ phải cảm ơn ba mẹ chính là con
Nhưng ngược lại, hôm nay, ba mẹ (chủ yếu là mẹ) lại làm một điều trái với lệ thường (hình như việc trái lệ thường này lại chính là lệ thường của nhà mình thì phải) là CẢM ƠN CON.
Nuôi các con ăn học, lớn khôn từ bé đến bây giờ hình như mẹ nhận được nhiều lời chỉ trích hơn là lời khen.
Hồi nhỏ con gầy yếu, mẹ bị chê là không biết nuôi con. Mẹ đã không dám thanh minh, bởi biết việc nuôi con là trách nhiệm của ba mẹ. Bây giờ các con có thể làm cho ba mẹ tự hào khi đứa cao 1,75m, đứa cao 1,78m, nặng trên 65 cân, ừ thì coi như bỏ qua những lời chê bai ngày nọ.
Việc nuôi con là việc của ba mẹ nhưng việc học hành là việc của con, mẹ nghĩ thế vì ngày xưa chính mẹ cũng từng ý thức như thế. Ba mẹ chỉ hỗ trợ cho con về phương tiện, vật chất để đảm bảo cho con có được điều kiện học tập đàng hoàng.
Chính vì vậy mẹ không áp lực buộc con phải đạt loại giỏi, loại xuất sắc.
Năm lên cấp 3, con thi thiếu 1 điểm vào trường loại 1, thì học trường loại 2 có hề gì. Xin chuyển trường cho con đối với mẹ không quá khó khăn, nhưng mẹ không làm.
Xin nâng chút xíu điểm cho con để khỏi phải thi lại, không phải chuyện khó khăn, nhưng mẹ kiên quyết không làm.  
Nói thật với các con, rất nhiều khi mẹ đã hoang mang, không biết sự “cứng rắn” của mẹ có phải là phương pháp đúng đắn và hữu hiệu để dạy con hay không
Nhất là khi xung quanh mẹ luôn có những thông tin về chuyện chạy chọt, nhờ vả, xin xỏ …Nhất là khi vì thế mẹ đã nhận được không ít lời chỉ trích rằng không biết lo cho con.
Điều mẹ e ngại, không phải là từ tác động bên ngoài, không phải là những lời chỉ trích ấy, mà chính là từ con. Mẹ chỉ lo con sẽ lớn lên với tâm lý rằng mẹ không yêu con nên không lo cho con như những bà mẹ khác.
Ngày hôm nay con đã đặt bước chân đầu tiên vào giảng đường trường đại học. Điều ấy chưa phải là niềm vinh quang lớn lao gì, cũng không hẳn nói lên về một tương lại sáng lạn cho con…như điều mà tất cả những ông bố bà mẹ trên đời này mong muốn.
Nhưng có lẽ đó chính là câu trả lời cho những nỗ lực của con, cho phương pháp dạy con cứng rắn và có phần khắc nghiệt của ba mẹ, cũng là sự thể hiện rằng con đã hiểu ba mẹ yêu con đến thế nào.
Và vì thế mà ba mẹ CẢM ƠN CON.





Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

K10 của chúng mình





Vừa trở về từ Cần Thơ sau 3 ngày họp lớp, mệt nhoài mà niềm vui và niềm tự hào cứ mãi dâng tràn. Vâng, có một k10 (tên khóa học đại học của chúng mình ở trường Đại học pháp lý, nay là trường luật, niên khóa 1085-1989) như thế, một K10 để khi nhắc đến tên lại thấy lòng trào lên những cảm xúc thật ấm áp, có người còn cho đó là nguồn năng lượng để 2 năm có thể nạp lại bằng những cuộc họp lớp như thế này.
Họp lớp năm nay với 30 thành viên, ít hơn mọi năm. Lý do thì nhiều, như chuyện đổi lịch, chuyện thông báo muộn, người bận, người ốm … Lớp hơn trăm người, ở rải khắp các tỉnh thành phía nam, chuyện họp hành dù là đã thành thông lệ, đã được nhắn nhe, kêu gọi, hẹn hò nhưng chả bao giờ là đủ, âu cũng là chuyện bình thường. Một số gương mặt đã trở nên quen thuộc, nhiều người chỉ mong ngóng cho thời gian trôi qua mau để đến kỳ họp lớp.
Cuộc họp lớp dẫu thiếu nhiều người nhưng không hề thiếu niềm vui, không thiếu đi sự ấm áp nghĩa tình. Họp lớp, ta biết thêm một vùng đất mới, cho lũ trẻ được có thêm bạn bè anh em, có thêm những ông bố bà mẹ mới luôn yêu thương chăm sóc như bố mẹ mình.
Có bạn ngồi thấy tiếc cho những người không đi họp lớp bởi thay vì mỗi khi họp lớp họ có thể bỏ lại sau lưng 2 tuổi, thì họ lại vác thêm trên vai mình gánh nặng của 2 lần như thế cho đến kỳ họp lớp sau.
Anh Hồng Nga từ Phan Thiết bảo rằng: “chỉ có những người đủ tự tin mới đi họp lớp”. Dù rằng chưa thật đồng ý với anh nhưng có lẽ điều anh nói đúng với nhiều người
Vâng, có lẽ thế thật. Dung ZB không đi họp lần này vì không đủ tự tin với quả tim mới bị mổ tháng trước và bác sĩ không cho phép đi, thế là mất toi gần chục triệu tiền vé máy bay đặt trước từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Sự thiếu tự tin này của nó là một lý do chính đáng cũng như việc Dũng 3 số, má Liên phải đang chăm sóc ông bà cụ thân sinh đang nằm viện…nên tất nhiên được mọi người đồng cảm sâu sắc

Có những người như Định “ngáo”, Kha … lẽ tất nhiên không thể đến cuộc họp lớp sau những ngày “ủ tờ” dù rằng nếu họ có đến thì vẫn được đón tiếp vui vẻ vì chúng ta là bạn. Minh “đểu” thì báo cáo đang phải đi chống bão cho công ty mà … e hèm, cả khóa cũng không ai dám chắc là cái công ty ấy thực sự có đang tồn tại hay không.
Có những người không đủ tự tin để thuyết phục chồng/vợ mình để đến với cuộc họp lớp, có những người không đủ tự tin để thu xếp tài chính cho chuyển đi này…
Có người làm sếp, sếp lớn lắm không đủ tự tin để xếp lịch cho một công việc “quan trọng, quan trọng lắm lắm” để dành 1 ngày nghỉ cuối tuần cho các bạn của mình dù khoảng cách chả bao xa…Sau này đến lúc nghỉ hưu thì ắt hẳn tâm tưởng họ cũng sẽ khó có thể rời xa với chiếc ghế sếp của hiện tại và thêm hoang tưởng với những công việc quan trọng như khi còn tại vị. Ô hô …
Có người không đủ tự tin khi lái chiếc xế hộp mới mua đến cuộc họp lớp đã đành, nhưng cũng không đủ tự tin để bước lên chiếc xe chung 50 chỗ đang rộng rinh mà Ban tổ chức đã thuê sẵn…Ô hô, Hà “chuột” bảo, nếu thế thì lần sau bạn chỉ cần bảo với mọi người “tôi vừa mới mua xe ô tô mới, xịn lắm nhưng mà tôi vẫn đi xe chung với lớp đấy nhé. Thế thôi, là mọi người biết mình có xe mới mà”
Năm nay họp lớp ở Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam bộ. Miền Tây với kênh rạch chằng chịt, những  vườn trái cây trĩu nặng, phiên chợ nổi Cái Răng sáng sớm và đờn ca tài tử lúc chiều tàn.
Mình thích cái cảm giác thật bình yên khi dạo bước trên con đường nhỏ ven sông, dưới bóng cây râm mát, ngắm những con thuyền đang lướt nhẹ xuyên qua những cây cầu nhỏ cong cong hình cánh cung.
Mình thực sự ấn tường với giàn gừa (không phải dừa mà loại cây họ cây si), không chỉ vì đó là một khu di tích lịch sử, một nơi địa điểm văn hóa linh thiêng mà còn bởi vì những cành gừa, thân gừa lâu năm mọc lên đan xen, quấn quýt vào với nhau thành giàn. Gốc cây gừa cái, chắc là cây gừa mẹ, gừa bà đầu tiên giờ đã bị hỏng chỉ còn trơ lại phần gốc to để làm di tích, cũng như một số cành gừa lâu ngày có cái đã bị mục, bị gãy đi. Nhưng giàn gừa vẫn còn những cây chắc khỏe bám đất làm trụ đứng cho hàng hàng lớp lớp cây con khác vịn vào.
K10 của mình cũng như thế, cũng sẽ còn những cây gừa trụ cột, có thể nhỏ bé như Nhuệ, có thế to lớn như Bình, Thành, Cường , có thể dẻo dai như Minh, có thể duyên dáng như Hồng, Hà, Mai hay mạnh mẽ như anh Nga, chị Hà …để đủ sức nâng đỡ, chở che cho mình và những thế hệ sau làm nên một giàn gừa vững vàng vươn lên.