Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

NẮNG CUỐI THU

Cuộc điện thoại với những câu vu vơ, nghĩa đen nghĩa bóng lẫn lộn, ngỡ như vô thưởng vô phạt sáng nay không ngờ lại có ý nghĩa với cô như thế. Bỗng dưng cô lại nhận  ra mình, ở một góc khác, chợt cảm thấy những gì vừa trải qua, những gì đã làm cô như biến thành một kẻ nanh độc, đay nghiến hoặc luôn ở tư thế gườm gườm, xù lông, nhe nanh canh chừng đối thủ … tiêu biến đâu mất
***
Đã lâu họ không gặp nhau…
Nhưng cô biết hầu hết những điều về anh    biết anh cũng như thế…
Cô không gặp anh bởi rất nhiều lý do. Nhưng có lẽ cái lý do lớn nhất, khó nói nhất là cô không muốn anh nhìn thấy mình trong một bộ dạng “xuống cấp” thế này.
Mà quả là cô đang ở trong những tháng ngày “khó ở” dù bên ngoài vẫn “thơn thớt nói cười”…
***
Phải mất hơn một năm sau ngày ba cô qua đời, cô mới dần dần lấy lại được sức sống để có thể làm việc bình thường. Đôi khi nghĩ lại, cô cũng không ngờ sức ảnh hưởng của ông đối với mình lớn như thế. Cô đi làm, cô nói năng, cô suy nghĩ … hầu như trong một màn sương mờ đục, lạng quạng, vật vờ …
Sau khi gần thoát được màn sương ấy, cô lại rơi vào một chuyện tai nạn nghề nghiệp khiến trái tim mình như bị bóp nghẹt. Từ lâu, cô vốn bàng quan với những chuyện thi đua, khen thưởng, chuỵện lên chức lên quyền, đã tự dặn mình tránh xa khỏi những thứ xanh đỏ nhố nhăng, chỉ chuyên tâm vào lo cho gia đình và làm tròn chức trách ở cơ quan. Cô đã cảm thấy mình thật sung sướng khi sáng sáng cùng chồng đi đánh cầu lông, thích những buổi cuối tuần cùng đám bạn bè “buôn dưa lê” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, thích gì làm nấy.
Rồi xảy ra chuyện. Người ta bắt cô kiểm điểm vì những chuyện ất ơ, vì những suy nghĩ ất ơ vì những dòng nhật ký trên mạng mà cô luôn theo kiểu nghĩ gì viết nấy.
Cô đau về chuyện bị kiểm điểm thì ít …
Đau chuyện đời, chuyện  người… qua chuyện kiểm điểm nhiều hơn…
Cô căng đầu óc ra để đối phó. Cô vận hết khả năng hoạt ngôn của mình ra để viết kiểm điểm, để trả lời những câu cật vấn mà đa số chúng là những trò rẻ tiền chỉ dọa nạt được những kẻ yếu bóng vía. Rồi cô hả hê khi thấy không những họ không làm gì được mình mà còn bị mình “trả đòn”. Cú “trả đòn” đã đẩy một tên vốn trước đây là anh em nay thành đối phương, gặp nhau không thèm chào, khiến cho cô thấy mình “hoành tráng” hẳn lên, thấy mình đứng lên trên đám đông để nhìn thấy đám đông lúc nhúc (dù hồi trước chính cô cũng ở ngay trong đám đông ấy), thấy mình “chiến thắng” một cách ngoạn mục. Hơn bao giờ hết cô tin ở trí tuệ của mình và tin mình đã chiến thắng là hoàn toàn xứng đáng.
Cô có bà chị ruột, do điều kiện hoàn cảnh không đi học đến nơi đến chốn, lo lấy chồng nuôi con rồi kinh doanh buôn bán. Cuộc sống xô bồ, thân cô thế cô xa gia đình đã biến chị cô thành một mụ nạ dòng nanh độc, không ai dám dây vào. Người khác coi chuyện trình độ thấp kém là cái xấu cần che đậy, lấp liếm thì chị cô lại coi đó như một thứ vũ khí lợi hại để ăn vạ đối với bất cứ ai. Nếu điều gì đó là tích cực thì chị cô bảo “cái đứa tôi là kẻ vô học mà còn xử sự được như thế nữa là…”. Còn nếu là chuyện gì tệ hại thì chị lại bảo: “tao dốt tao cứ làm thế đấy, chúng mày cứ thử động vào bà xem, bà cho chúng mày biết tay”. Đôi lúc cô  thấy mình có lẽ cũng nên sử dụng “chiêu bài” của bà chị để đối phó với những kẻ tiểu nhân “giết người không dao” này. 
Cuối cùng thì dường như những người mưu toan hại cô cũng đã nhận ra sự kém khôn ngoan khi xử sự với cô, dồn ép cô đến bước phải vùng lên trả đòn quyết liệt như thế. Sau khi hùng hổ bắt cô làm kiểm điểm và kiểm điểm thì họ đã chả hề đả động gì đến chuyện này nữa. Hoặc giả họ đã gặp được “thứ dữ” là cô, không ngờ đã bị cô “phản đòn” khó đỡ. Hoặc giả họ chỉ cần dọa cô một trận cho cô nhớ đời như dứ dứ một cái roi để cho cô sợ bớt đi chứ thực tình họ cũng thấy rằng những việc cô làm, chả đáng phải chịu một mức án kỷ luật. Hơn nữa, cô mà chịu kỷ luật thì chẳng qua cũng là “thằng” đầu trọc, có cái gì mà cách chức với hạ cấp, trong khi cơ quan cô thì nguy cơ tụt hạng đã hiển hiện trước mắt. Đập chuột, vỡ lọ thì rõ là không khôn ngoan rồi. Cô cũng có tiếng là kẻ hoạt ngôn, ăn nói chữ nghĩa khá, không dễ gì bắt nạt, ép quá, cô hóa khùng mà lu loa lên thì cũng “xấu mặt chủ nhà”.
Chẳng khó khăn gì để cả cô và họ cùng nhận ra rằng trò chơi phải kết thúc, bên dọa dẫm và bên “nổi khùng” mỗi bên đều đạt được một phần hai mục đích và có lẽ đều tự an ủi và bằng lòng với một nửa mục đích đó.
***
Má cô vào bệnh viện, cô phải ở nhiều đêm trong đó với bà.
Người ta bảo: đã bước chân qua cổng bệnh viện thì chẳng còn muốn bon chen làm gì nữa.
Ừ cũng phải. Những ông cụ bà cụ 70, 80 tuổi giờ đây nhìn cô đi lại thoăn thoắt với ánh mắt nuối tiếc đến tội nghiệp. Những bi hài kịch chuyện đời, chuyện người cứ hồn nhiên phơi bày cả trong bệnh viện. Vào bệnh viện má cô được cảm thấy sung sướng, tự hào ra mặt vì được các cụ khác khen: “bà có phước quá, có cô con gái giỏi dang chăm sóc đêm ngày. Đó, cần chi phải đẻ cho nhiều con đến lúc ốm đau chúng tị nạnh nhau, bỏ mặc mẹ cha ”
 Một cô bạn học trên cô tình cờ hiện là bác sĩ điều trị cho má cô, khi ở lại trực đêm đã cùng với cô nói chuyện tâm tình cả đêm, câu chuyện nhắc đến anh như là một người quen biết cũ.
Sáng ra cô gọi cho anh, lâu rồi không gặp nên nghĩ sẽ có nhiều chuyện muốn nói.
Nhưng khi ở đầu bên kia cất tiếng “ anh nghe đây, em” …cô lại cảm thấy lúng túng. Câu chuyện của cả hai nhạt toẹt, toàn những thứ vu vơ, hỏi thăm nhau như chỉ là hỏi thăm bè bạn bình thường, hết sức bình thường.
Thế nhưng sau cuộc trò chuyện ấy cô chợt cảm thấy lòng mình chùng xuống.
***
Đã có thời, dù cho ở trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất họ cũng nghĩ sẽ không thể nào xa nhau được…
Rồi đến khi cơn ác mộng đó xảy ra, nhiều năm sau cả hai vẫn ngơ ngác chung một câu hỏi không có lời giải thích nào trọn vẹn nên đành đổ cho duyên số…
Cô ngại không muốn gặp nhiều dù trong lòng rất muốn, lý giải rằng “không muốn vợ anh ghen tuông” nhưng thực tâm cứ mỗi lần gặp anh là mỗi lần cô cảm thấy một nỗi day dứt, một món nợ mà suốt đời này cô không trả nổi. Mâu thuẫn lại là ở chỗ dù day dứt như thế nhưng mỗi khi gặp anh, cô lại muốn anh nhìn thấy ở cô một hình ảnh rỡ ràng, viên mãn, đầy tự tin như anh đã từng nhìn thấy hồi cả hai còn trẻ và cũng là mong muốn của anh mãi mãi về sau. Cô biết nếu cô tỏ ra buồn bã, chán chường thì người buồn hơn cả có lẽ sẽ là anh, dù cho trong  cuộc đời mình anh gặp nhiều thứ còn tệ hại hơn cô gấp nghìn lần. 
Cô nhớ, ngày trước có lần tự tay cô viết thư pháp tặng anh một chữ “Nhẫn” với lời giải thích ý nghĩa theo kiểu chiết tự: “Chữ nhẫn gồm có chữ tâm là quả tim ở dưới, chữ đao là con dao ở trên. Nghĩa là con dao kề lên trên trái tim mà vẫn phải chịu đựng đó.”
“Hãy biết nhẫn nại và chịu đựng”, là thông điệp cô dành cho anh, cũng là để cho cô vợi đi những day dứt, những lo lắng của cô mỗi khi nghĩ tới anh.
 Rồi bỗng dưng cô nhận ra cái chữ “Nhẫn” cô tặng anh hôm nào lẽ ra nên để cho chính cô. Cái thứ mà cô coi như là cuộc chiến mà mình đã chiến thắng ấy hóa ra lại trở nên vô nghĩa. Cứ như sau cuộc chiến, chàng dũng sĩ còn lại một mình đứng lên nhìn lại những xác chết ngổn ngang của cả hai bên, những ngọn giáo, khiên gãy vỡ, xác những chiến binh ngổn ngang, máu chảy tràn lan…khiến chiến thắng của chàng chả còn ý nghĩa gì nữa.  Giống như thể cả hai bên húc đầu vào nhau để rồi cùng ngã ngửa ra, tay ôm lấy trán xuýt xoa, rồi cùng nhìn nhau ngỡ ngàng: “mắc mớ gì mà mình phải húc đầu vào nó nhỉ?”      
Những gì xảy ra vừa qua chẳng qua cũng là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn cho những thứ phù du chả ai cần dùng đến đó sao?
Cái mà cô tự cho mình chiến thắng, lấy đi của cô biết bao sức lực rút cục chỉ mang thêm những nỗi bận tâm, ám ảnh cô bằng những chiêu trò đối phó, dẫu có thuyết phục cô rằng nếu cô không làm thế thì sẽ bị nọ bị kia, rằng phải cho bọn họ biết tay, phải cho họ biết cô là ai, phải cho họ “gục ngã” dưới nụ cười ngạo nghễ của cô rốt cục để làm gì nhỉ?
Cô chợt sáng ra, bắt đầu nhìn lại. Ờ, đã không coi những thứ chức quyền tiền bạc là cái quái gì thì hà tất phải “nhảy nhót”, ông ổng lên rằng thế nọ, rằng thế kia. Cứ như thể một cô nàng luôn miệng bảo rằng “Tôi không yêu anh, không yêu anh đâu”, cứ nói mãi thì ai cũng biết là cô yêu anh ấy gần chết. Hừm
Thật may cô không nói gì với anh, cũng không hề hẹn gặp nhau dù đã mấy năm rồi từ cuộc gặp gần nhất. Nếu gặp nhau không biết cô sẽ nói gì với anh.
Bỗng dưng trong lòng cô trào lên một mong muốn, giản đơn thôi, ước gì được đặt bàn tay bé nhỏ của mình trong bàn tay to lớn của anh…  
***
Giờ thì họ đang ngồi bên nhau ở một góc bệnh viện. Cái góc nhỏ ấy hầu như ít người biết vì nó khá khuất và gần khu hành chính của bệnh viện nên hầu như không người qua lại. Khi Quang đến thăm mẹ Trâm, tôi  đã chỉ cho họ chỗ ấy.
Đứng ở phòng làm việc tầng ba nhìn xuống thấy Trâm búi tóc cao để lộ cái gáy trắng nõn như con gái. Bên trái cô là Quang, một người đàn ông cao to, gồ ghề. Tuy cả hai quay lưng về phía tôi nhưng Quang thường hay quay ngang về phía người phụ nữ nên tôi thấy gương mặt anh dạo này xuất hiện khá nhiều nếp nhăn.
Không giấu lòng mình, hồi học cùng lớp, chính tôi cũng đã từng có thời yêu Quang nhưng không được anh đáp lại. Sau này là bạn thân, Quang đã kể hết cho tôi bi kịch tình yêu của mình.         
Hai người nói chuyện với một vẻ nhẹ nhàng, khá thoải mái như không có gì cần che đậy. Gương mặt người đàn ông như giãn ra sau mỗi nụ cười.
Hình như Trâm nói một câu gì đó và tôi thấy Quang líu ríu xòe tay phải của mình ra. Trâm đặt bàn tay trái của mình lên tay anh và cả hai đan bàn tay vào với nhau. Trong cái nắm tay ấy tôi nhận ra sự chân thành, tin cậy, không hề là một chút tình cảm gượng ép, cũng không hề là sự lãng mạn theo kiểu của những người đàn ông đàn bà đến tuổi “hồi xuân” chợt bùng lên rồi vụt tắt…
 Chiều cuối thu. Cơn mưa nhỏ mỏng manh mấy hôm nay như muốn vớt vát, níu giữ lại những ngày lãng mạn cuối cùng của mùa cũng đã ngừng hẳn. Một vạt nắng hanh hao hửng lên gần phía góc họ ngồi. Dưới tán lá bàng, vài đốm nắng tinh nghịch nhảy nhót và trùng hợp làm sao, đúng vào ngay đôi bàn tay đang đan vào nhau.
Nắng cuối thu thật lạ   

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

TÁI CƠ CẤU

Sáng nay uống cà phê, ông anh hỏi “dạo này mày có biết từ  nào được coi là “hot” nhất không?” “???” “ từ “TÁI CƠ CẤU” đó. Mày không thấy à, tất tật, từ hồi Vinashin tới giờ cái gì cũng đang tái cơ cấu hết. hết doanh nghiệp nhà nước sang Ngân hàng nhé rồi sắp tới là EVN (điện lực) cũng đang “đau lòng” với thu nhập bình quân 7,3 triệu, rồi tiếp theo sẽ là giáo dục, y tế. Hễ cứ chuyện gì lùng nhùng, thua lỗ là tái cơ cấu hết …”
Bác nói em mới  sáng ý ra. Nhà em bây chừ đang nhiều chuyện lúng túng quá, chả biết giải quyết thế nào nên chắc tới đây em phải nghiên cứu “tái cơ cấu” lại  gia đình em thôi. Thôi thì cứ lấy quyền người “đứng đầu” quản lý “hành chính tổng hợp” của cả nhà, em đưa ra mấy phương án tái cơ cấu này bác xem có được không nhé.
Một là: bà cụ bô em năm nay 83 tuổi, cán bộ hưu trí, đau ốm liên miên, huyết áp, đường huyết lên xuống lung tung, tai thì nghễnh ngãng, chữ được chữ mất… kiếu này em “cơ cấu” cụ vào “thường trực” tại …bệnh viện, “cơ cấu” hắn một vài bác sĩ, y tá quan tâm chăm sóc cụ. Để yên tâm làm việc kiếm xiền, em cơ cấu luôn một kho … bỉm để cụ tiện sinh hoạt, đỡ mất vệ sinh khi mình vắng mặt.
Hai là, hai đồng chí cu con. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ và tầm quan trọng và khả năng thực tế của từng thèn một để tái cơ cấu cho ổn. Cu Tít học 12 được ưu tiên hơn về thời gian trong gia đình và tiền  bạc, chuyên tâm “cơ cấu” vào việc học tập chuẩn bị cho mấy kỳ thi quan trọng sắp tới. Cu Bống  ổn hơn, đầu tư ngay từ đầu khi bước chân vào cấp 3, tranh thủ 1 buổi học, một buổi nghỉ “cơ cấu”vào trông bà ngoại.
 Đến lượt  đồng chí xã mà em gọi đểu là “cái máy làm tình làm tiền của mình” là quan trọng nhất. Không thể “điều chuyển” tái cấu trúc” theo kiểu cơ học được ( nói thế cho nó có vẻ hiểu biết chứ thực chất là không thể đưa sang nhà đứa khác ở được) nên phải cơ cấu nhưng mục đích là phải đảm bảo nắm giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cả nhà. “Cơ cấu” ở tầm cao hơn là quản lý các khoản thu ngay từ nguồn  chứ không đợi “khai báo” như trước nay nữa. Hừm.  
Riêng về phần em, cũng nên cơ cấu lại chuyện chi tiêu với tinh thần thực dụng hơn trước. Không cần đẹp, không cần sang, chỉ dùng được đúng tính năng, đúng nhu cầu mới mua. Kèm theo đó là “giải tán” những đồ thừa thãi, hết giá trị sử dụng, chật nhà, bẩn nhà. Nhưng trước hết cần nghiên cứu “tái cơ cấu” bữa ăn gia đình. Trong tình hình giá cả đang đi lên theo “cầu thang máy” thì …tăng rau, bớt thịt, giảm dầu … là những việc cần làm ngay. Thỉnh thoảng (nhưng càng nhiều càng tốt) lấy cớ nọ cớ kia, "cơ cấu" cả nhà sang ăn ké nhà bà nội (hoặc nhà ai đó) cho đỡ tốn. He he
Bác nghe em cơ cấu thế có ổn không. Có gì bác cho thêm ý kiến.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

XIN CHỮ


Cách nay mấy năm xem một bộ phim miền Bắc đóng, có cảnh một bà cụ già nhà cửa đàng hoàng, con cái làm ăn khá thành đạt nhưng bận bịu làm ăn buôn bán quá, nhất là dịp gần Tết. Đến giờ cơm trưa, chúng sai người mang cơm hộp về cho bà mẹ, suốt ngày ngồi ngoài bậc thềm nhà cầm cái quạt giấy phe phẩy.
Gần Tết, bà cụ ấy đã đến chùa để xin chữ về treo trong nhà đúng  theo truyền thống. Bà đến gặp một ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ…” chắc cũng là ông đồ quen biết lâu nay. Ông đồ nheo mắt cười hỏi: “thế năm nay bà định xin chữ gì đây?”. Bà cụ thần người ra hồi lâu trước các chữ “Phúc” “Đức”, “tâm” … ông đang bày trước mặt. Hồi lâu bà mới nói: “. Hồi còn trẻ mong được chữ Phúc để cho con cháu đầy đàn, gia đình ấm cúng.  Còn bây giờ nếu xin chữ Phúc thì e không thật cho lắm, bởi con cháu thì nhiều nhưng đã chắc gì là Phúc. Xin chữ Đức, chữ Tâm, chẳng hóa ra mình lâu nay thiếu Tâm, thiếu Đức nên đành phải xin… Thật khó quá ông ạ”. Ông cụ đồ vuốt râu cười khà, lấy tờ giấy điều viết một chữ lên đó rồi đưa cho bà cụ: “ Tôi biếu bà chữ Nhẫn. Chữ Nhẫn này ở phía dưới là chữ Tâm (là quả tim), ở trên có chữ Đao (là con dao). Con dao kề lên trên quả tim nhưng vẫn phải chịu đựng bà ạ”. Bà cụ đón tờ giấy  điều có chữ Nhẫn mà mắt rưng rưng…
Đã lâu rồi, việc xin chữ không  còn là lệ, ở miền Nam càng không có lệ xin chữ đầu năm. Nhưng câu chuyện bà già đi xin chữ vẫn lặng lẽ theo mình. Đúng là đi xin chữ Tâm chữ Đức về treo trên tường nhà cứ ngỡ rằng người ta đến nhà thấy mình là người có Tâm có Đức. Biết đâu rằng người hiểu biết người ta đang cười khẩy rằng “nhà này đang thiếu Tâm, thiếu Đức nên phải kiếm cái mà treo lên theo lý thuyết Người ta chỉ cần cái mà người ta thiếu thôi mà”.
Chao ôi, trên đời bao nhiêu kẻ nhố nhăng, tiểu nhân, chỉ rình chực chờ là đâm dao sau lưng người khác nhưng lúc nào cũng ông ổng bài hát “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”
Đành dành cho mình một chữ Nhẫn để mà chịu đựng, chịu không nổi thì “bùng”       

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

NGỤ NGÔN CŨ NGƯỜI MỚI TA

1. Thấy Quạ ngồi trên cây cả ngày mà ko làm gì, Thỏ bèn hỏi: - Bác Quạ ơi tôi có thể ngồi cả ngày ko làm gì như bác được ko?
- Tất nhiên, sao lại ko? Quạ trả lời
Vậy là Thỏ cũng ngồi yên dưới gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng sói từ đâu nhảy ra, vồ lấy thỏ và ăn thịt.
Để được ngồi không, bạn phải ở vị trí cao, rất cao! 
2. Gà Tây nói với Bò tót: Tôi muốn nhảy lên ngọn cây cao nhưng tôi ko đủ sức.
- Vậy thì bạn hãy rỉa phân của tôi đi. Bò tót khuyên.
Gà tây mổ phân Bò tót và thấy khỏe ra, đủ sức nhảy lên cành cây thấp nhất. Ngày hôm sau cũng ăn phân Bò tót và nhảy được lên cành cao hơn. Cứ thế, đến một ngày kia Gà tây đã bay lên được ngọn cây cao. Chưa kịp vỗ cánh mừng thì bị một người nông dân bắn rơi.
Sự ngu ngốc có thể đưa bạn lên đỉnh cao nhưng ko thể giữ bạn ở đó. 
3. Chim non bay về phía Nam tránh rét. Không đủ sức nên bị rét cóng và rơi xuống đất. Một con bò cái đi qua vô tình ỉa trúng người chim non. Đang chết cóng, bãi phân bò làm chim non ấm lân và tỉnh lại. Nó sung sướng hót véo von. Một con mèo nghe thấy bèn mò đến và lôi chú chim ra khỏi đám phân bò, ăn thịt.
- Không phải ai vấy bẩn vào bạn cũng đều là kẻ thù.
- Không phải ai kéo bạn ra khỏi chỗ bẩn thỉu cũng đều là bạn.
- Và, khi đang ở trong chốn dơ bẩn thì tốt nhất là nên im lặng!