Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

HỌC LỊCH SỬ

Trưa nay cu Tít mở mục “Ai là triệu phú” trong iphone của ba nó ra chơi. Nó hỏi: Mẹ ơi, năm Nguyên Phong là năm mấy? “1258”. mình trả lời ngay. “Thế Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm nào?” . “938”.  Cu Tít bấm bấm rồi gật gù “mẹ siêu thật đấy. Đúng phóc”
Buổi chiều đọc bản tin về 95% thí sinh thi đại học có điểm môn sử dưới 5, rồi nghe bộ trưởng Bộ giáo  dục phán:“đó là chuyện bình thường”…chỉ biết thở dài cười buồn.
 Mình là dân học chuyên toán trường. Dù không phải là dân khối C, chúa ghét các bài học thuộc lòng, nhưng lại rất khoái môn lịch sử. Cái này có gốc là do ông già mình truyền lại cho mình. Cụ là bộ đội, đi nhiều nơi, oánh nhau ác liệt, sau nhờ có trình độ lại được bồi dưỡng tổng hợp văn nên về làm Tổng cục Chính trị, chuyên gia nghiên cứu tổng kết các chiến dịch, viết thành sách hẳn hoi. Sau ngày đất nước thống nhất, trên đường ra bắc vào nam, mình được cụ chỉ cho chỗ nọ, chỗ kia, đánh nhau thế nào, ông nào làm tướng,  sự tích ra sao …cứ thế nhập tâm.
Mình mê đọc sách, đặc biệt là sách sử Việt Nam. Ba mình biết mình thích nên cũng hay tìm mua cho mình đọc. Hồi bé thì đọc sách, thích nhất cuốn “Những vì sao đất nước”, lớn tí thì mê tít truyện “Ba lần đánh giặc Nguyên”, không nhớ tên tác giả nhưng hồi ấy gần như thuộc lòng câu mở đầu cuốn sách “ Gần như cùng một lúc khi trên thảo nguyên bao la cậu bé Khu-bi-lai cất tiếng khóc chào đời thì …. cậu bé Trần Quốc Tuấn cũng vừa nhìn thấy những tia nắng đầu tiên của cuộc sống Việt Nam”.
Mình thích những cuốn sách lịch sử vì ở đó mình học được nhiều điều. Không đâuu như ở sách sử là cái cách người ta tổng hợp đúc kết vấn đề, nguyên nhân, kết quả rất rõ ràng. Có những điều rất hữu ích để mình có thể vận dụng khi vào học đại học Luật và ngay cả trong cuộc sống sau này.
 Hồi năm nhất Đại học, học triết học, môn đầu tiên đi thi vấn đáp, mình gặp “cụ thầy” cực kỳ nghiêm khắc, lại bốc trúng câu hỏi hóc búa “Vai trò của quần chúng và cá nhân trong cách mạng. Lấy lịch sử Việt Nam làm dẫn chứng?” Trả lời lý thuyết khá trôi, mình lại đọc một đoạn trong Bình Ngô đại cáo (nhờ trời có trí nhớ tốt): “Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời xây nên độc lập, cùng Hán, Đường, Tống Nguyên Minh Thanh mỗi bên hùng cứ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” …
Ông thầy “quần” mình gần 30 phút, hai bên nói qua nói lại (trong khi chúng nó chỉ nhiều nhất là 10 phút), thầy bẻ mình mấy chỗ, mình cũng không chịu thua lại dẫn ra cái khác để chứng minh. Sau này nghe mấy đứa nói lại bảo lúc ấy mình cãi nhau với thầy hăng lắm, làm các thầy cô bàn khác cũng phải dừng hỏi thi để quay sang lắng nghe. Cuối cùng thầy phán “cô chỉ biết ngọn mà không biết gốc” làm mình gần khóc vì tức. Cứ tưởng thầy cho chỉ 4,5 điểm là cùng. Ai dè mình là một trong số rất ít oi được 8 điểm môn ấy.
Mấy năm trước, thấy quyển truyện tranh “Thần đồng đất Việt” tuy là truyện tranh nhưng có nhiều giai thoại hay liên quan đến những nhân vật lịch sử nên mua gần cả trăm cuốn cho mấy đứa nhỏ đọc. Nhưng sau nhận ra chúng nó chỉ chăm chăm đọc phần tranh còn phần nói thêm, kể thêm về nhân vật lịch sử thì chúng nó bỏ qua. Với lại ngôn từ, sự kiện nhiều phần nhố nhăng quá, lại cố gượng ép những chuyện, từ ngữ hiện tại vào nên thôi …không mua nữa
Mình cũng tự nhận ra khả năng “tăm” đề thi môn lịch sử. Thì có khó gì đâu, cứ thấy báo chí ầm ầm vụ gì là biết ngay cần phải học thứ ấy. Chẳng hạn năm 2011 này kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, thì sống chết gì cũng có câu hỏi về vấn đề này.
Học lịch sử đối với mình khá dễ dàng. Chỉ cần xác định theo các dàn bài kiểu như: Nguyên nhân-Diễn biến-ý nghĩa-bài học…là xong. Các  con số thì hơi khó nhớ nhưng mình đã gắn nó với những ngày tháng năm sinh của những người trong gia đình. Ví dụ ông Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm 967 thì trước năm mình sinh đúng 1000 năm...
Áp dụng cách học lịch sử của mình cho các cu con thì … trở thành tai họa cho nó. Đã từng có bài về “bắt đền” giáo sư sử học Dương Trung Quốc, “bắt” ổng phải “xin lỗi” cu Bống về chuyện đem “nhồi nhét” ngôn ngữ hàn lâm vào sách giáo khoa tiểu học rồi nên không nói thêm nữa. Nay lại gặp những suy tư của chính những vị cao niên đúng ý như mình đã viết. Cách dạy và học lịch sử hiện nay không tạo nên hứng thú cho người đọc, thầy cô thì đánh đố, học trò thì "đánh vật"...
Sự yếu kém của học sinh về môn này đã được các nhà giáo dục mổ xẻ nguyên nhân trên nhiều phương diện, báo động trên nhiều mặt của xã hội nhưng riêng mình thấy thật tiếc cho một thế hệ không thích học sử, không biết học sử. Thì rồi đây thế hệ ấy có hơn gì những bộ máy vi tính đã được nạp sẵn những phần mềm với những dãy số trơ khấc, một tư  duy sáo mòn ...Mình khoái cái câu ngâm nga của một thèn cu cơ quan:
Dân ta phải biết sử ta
Cái nào chưa biết thì tra... Gú gồ (google)
Hay là người ta muốn làm ra như thế nhỉ? Ừ có lẽ vậy ông bộ trưởng giáo dục mới coi đó là chuyện thường ngày...      
Chán quá...   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét