Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

CHÚNG TA LÀ PHỤ NỮ


Có lần đã đọc được một câu nói của ai đó (chắc là phụ nữ) bàn về vấn đề Giới và phát triển như sau: "Phụ nữ không chỉ muốn được chia phần miếng bánh mà còn muốn được tham gia vào việc làm bánh nữa".
Vậy nhưng hình hiện nay là các nhân tài nữ hiếm như sao buổi sớm nhưng… rụng nhiều như lá mùa thu, bằng chứng là cả BCH đảng bộ tỉnh chỉ loe ngoe vài mống, rõ là không đạt chỉ tiêu về số lượng và cả chất lượng (cái “chất lượng” này là do cánh nữ nhà báo thở dài mà nói với nhau khi nhìn thấy mấy TUV nữ nhà ta súng sính áo dài áo ngắn lên ra mắt Ban chấp hành). Những chị em vinh dự được đứng trong hàng ngũ Uỷ viên thật ra thì vào dạng “không thể không vào được”. Ví dụ như đố anh trai nào “dám” thay mặt Hội liên hiệp phụ nữ để đại diện cho 50% dân số nói lên tiếng nói của chị em trong hàng ngũ ? Và cũng có lý khi người ta nói: "Chị em như mấy cái bình hoa di động để trên  bàn. Nếu có hoa thì ra bàn tiệc, còn không có thì thành ... bàn nhậu"
Tất nhiên chưa đạt chỉ tiêu thì trách nhiệm trước tiên thuộc về cụ Bí và cụ cũng “vui vẻ” nhận: “chưa làm tròn trách nhiệm, không thể cầm tay từng đại biểu để bảo họ phải bỏ phiếu cho ai”. Cụ “thành khẩn” như rứa thì ai nỡ lòng nào dám “nặng lời” trách móc. Kinh nghiệm để đời để vượt qua các kỳ kiểm điểm ĐV là thành khẩn khai nhận hết những khuyết điểm nho nhỏ của mình để tránh bị bươi móc những khuyết điểm lớn hơn. Nghĩa là “nói thật một ít để nói dối tất cả” còn hơn là “nói dối một ít rồi phải phun hết tất cả”
Và rồi, sau khi cụ Bí đã thành khẩn nhận khuyết điểm nho nhỏ như vậy  thì cái khuyết điểm lớn nhất thuộc về…chị em.
Công bằng mà nói, khi chị em ta không có nhiều người đứng trong hàng ngũ lãnh đạo thì chứng tỏ rằng chị em quá… kém. Chữ “kém” ở đây bao gồm nhiều hàm ý : trình độ năng lực kém, quan hệ kém, thân thế kém, …    
Nếu có dịp “thực mục sở thị”   “thực nhĩ sở thính” những bài ca của chị em trên diễn đàn Đại hội thì nhiều người sẽ cho rằng con số mấy mống uỷ viên  ấy thực ra là còn nhiều, quá nhiều là đằng khác. Bởi lẽ giá trị của những bài “diễn thuyết” ấy rốt cục được đánh dấu bằng …giọng nói ỏn ẻn của chị em chứ không phải là nội dung.  Nói thật, đôi khi cảm thấy hơi xấu hổ khi mình là thành viên của cái Hội liên hiệp chiếm 50% dân số này (nói đến đây mới chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ làm đơn xin vào hội này thì phải. Chỉ thấy được nhận hoa nhân ngày 8/3 hay 20/10 thì nhớ à ra mình là phụ nữ). Của đáng tội. Cái Hội liên hiệp này thực ra gần đây cũng làm được mấy việc được coi là  việc “lớn” như: việc thứ nhất là cho chị em vay xoá đói giảm nghèo, việc thứ hai là xây chuồng xí, việc thứ ba là nhờ bề trên “dằn mặt” hộ mấy ông chồng đánh vợ. Nghĩ đi nghĩ lại thấy mấy việc ấy rất thiết thực, rất hữu ích và tựu trung là đã “tuyên truyền giáo dục” được cho chị em những việc làm để …lo sao cho “đầu vô, đầu ra” của mấy ông chồng được suôn sẻ và để khỏi bị mấy ổng đánh.  Chấm hết.
Thật lòng cảm thấy buồn khi đại diện lãnh đạo của phái nữ là những con số “hẻo” như thế. Nhưng càng buồn hơn khi để lên chức lên quyền, lên làm lãnh đạo, để sánh vai cùng các ông, các chú các anh phái kia thì có những chị em mình đã nếu không phải kê khai (nửa kín nửa hở) cái lý lịch với mối quan hệ thân thiết dày đặc con ông A cháu B, họ hàng nhà anh C cũng đã làm cái chuyện mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói.   
Cũng thật lòng mà nói, cảm thấy tự ái khi nghe những câu đại loại như “nỗ lực phấn đấu để tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan đoàn thể”. Cảm thấy như được ban ơn, như được bố thí. Sao người ta không nói “phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”. Nhưng ai phát hiện? ai đào tạo? đào tạo cho ai? Hay tiếp tục cho những gương mặt đại diện chị em tiếp tục phô diễn giọng nói ỏn ẻn trên diễn đàn với những điệp khúc "nhà xí, xoá đói giảm nghèo"  ?
Hồi xưa đi học, chúa ghét chuyện thua kém bọn con trai. Học để cho chúng nó biết, chơi cho chúng nó biết. Chính vì vậy bị coi là nhiều nam tính. Chả sao, dễ sống. Chứ nếu mình là nam mà bị coi là nhiều nữ tính thì mới ...ẹ  
Cuối cùng, lại thấy mình ngớ ngẩn. Đã chả quan tâm gì cái chuyện làm lãnh đạo  thì thắc mắc làm gì cái chuyện ban ơn của người khác. Không khéo lại mang tiếng “con cáo và chùm nho”.
Dưng mà nhìn mấy mống "ỏn ẻn" lại thấy ngứa mắt.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét