Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

BẠN VÀ TA

Đi Sài Gòn công tác, tranh thủ “quả” cuối tuần (suy nghĩ chắc mọi người được nghỉ)  để gặp bạn bè, anh em, bà con. Cuối cùng bị “bể show” gần hết. Con Cún thì đi ra Bắc lo việc đại sự cho chồng, hai ông anh, ông thì đi làm, ông thì đi xuống Cần Thơ, bọn bạn hồi phổ thông hẹn hò cố mạng, đến lúc ta vào thì “thuê bao quí khách vừa gọi…”. Nhưng không sao, bể “show” này thì có  “show”khác và nhờ vậy ta khám phá bao nhiều điều từ bạn, từ ta, từ cuộc sống.
Ta mong bạn có được chút rảnh rang cuối tuần để vi vu lên Bình Phước nhưng bạn bận. Bạn nói như thanh minh nhưng ta cảm thấy (chắc chỉ mình ta cảm thấy) như có gì trách móc: “Tên này nghĩ mình rảnh rỗi lắm à?. Tên này phải biết, chỉ cần bằng một phần 10 chúng nó thôi thì mình đã phải làm việc cật lực gấp 10 lần chúng nó”. Tất nhiên ta hiểu và vô cùng thông cảm với bạn. Cuộc sống ở Sài Gòn đâu có giản đơn, đủng đỉnh “thích thì làm” như cuộc sống của ta…Bạn ví mình như người đạp xe lên dốc, nếu ngừng đạp cũng có nghĩa là tuột dốc
May mắn cho ta khi đang chả biết làm gì thì kiếm được một “nàng xe ôm bất đắc dĩ” sẵn sàng dành cho ta cả một ngày để hai đứa cùng vi vu khắp Sài Gòn. Nàng nhất định “hành hạ, tra tấn” ta, đòi làm “một cuộc cách mạng nhung” để thay đổi thói ăn mặc xuề xòa, vụng về bẩm sinh của ta bằng cách “lôi xềnh xệch” ta đến những cửa hàng thời trang thượng thặng. Ở đó ta “mắt tròn, mắt dẹt” nhìn nàng rút ra những đồng tiền mệnh giá to đùng với một vẻ thản nhiên như ta mua bó rau ngoài chợ. Buổi chiều, hai đứa cùng mấy đứa bạn khác đến nhà con bạn cùng khóa để khen nhà mới của nó, và để chê bà chủ nhà (trước mặt chồng nó) không thương tiếc khiến chủ nhà chỉ biết chửi đổng mà không dám “tiễn khách”.
Ngủ tại nhà bạn, căn nhà thênh thang thiếu bóng dáng một người đàn ông trụ cột, ta hiểu hơn những hẫng hụt của một góa phụ và chỉ biết khuyên bạn “hãy sống cho mình” (chứ không phải sống vì mình)
Khi lên máy bay trở về ta thấy mình còn nợ bạn những lời cảm ơn không thể nói (bởi vì nếu ta nói ra điều đó có lẽ bạn sẽ hiểu khác đi)
Ta cám ơn bạn không chỉ vì những bộ quần áo đắt tiền mà bạn đã mua tặng, không chỉ vì những bữa ăn đắt tiền mà bạn đã thanh toán… mà còn bởi vì bạn đã cho ta những bài học từ cuộc sống của chính bạn (điều này có lẽ bạn cũng không nghĩ rằng nó có thể gây ấn tượng với ta sâu đến thế. Ta thấy bạn (có lẽ không chỉ mình ta thấy bạn) giờ tiêu tiền thoải mái, mở mồm là nỏi đến tiền tỷ,  nhưng có mấy ai được như ta nghe bạn kể về cái mái tôn lỗ chỗ trong căn chòi nhỏ nơi vợ chồng bạn khi mới cưới đêm đêm nhìn trời và hỏi nhau “liệu đến bao giờ mình có một mái nhà không dột nát?”. Ta tự hỏi và tự trả lời: “Không. Không. Chắc chắn là ta không bao giờ có thể chịu bó mình chui rúc trong những căn chòi như thế cho dù ngày sau có thể như bạn bây giờ.” Cuộc sống của ta dù không là nhung lụa bạc vàng nhưng luôn được trải thảm, luôn được bao bọc và có thể nói là thuận lợi. Bởi vậy ta sống nhởn nhơ, sung sướng, quen được yêu thương chiều chuộng nên cũng sẽ không thể chịu khó lăn lưng ra để “cày bừa” như bạn và giờ đây đang bằng lòng với chính mình. Như người đã no nê không phải nuốt nước bọt trước mâm cơm của người khác, ta chưa hề cố gắng, chưa hề có khái niệm về sự nỗ lực, ta không có những khát khao, những quyết tâm để đạt được cái này, cái nọ bởi mọi thứ hầu như đã được “lập trình” rồi mà. Tất nhiên, vì vậy ta chưa hề nếm trải vị đắng của thất bại và cũng không tự hào, hãnh diện với thành công (ờ mà ta có thành công không nhỉ). Đã vậy, ta lại chảnh chọt tự phong cho mình “sự thượng đẳng” để sẵn sàng nhìn người khác bằng nửa con mắt  (điều này không phải ai cũng biết bởi ai ai cũng thấy ta rất vui vẻ dễ gần).
Cảm ơn bạn đã cho ta hiểu thêm mỗi chúng ta đều có những cuộc đời riêng, những ngả đường riêng, những hạnh phúc và bất hạnh riêng không ai có thể sẻ chia cho ai. Cảm ơn bạn đã cho ta hiểu rằng ta được quí mến thế nào, và điều này chính là niềm tự hào của ta đó bạn. Ta vui khi đã đem lại cho bạn những tiếng cười đùa, những ký ức vụn vặt, những câu chuyện không đầu không cuối ...Ta vui khi được bạn chăm sóc, mắng mỏ và được mắng mỏ lại bạn một cách đầy yêu thương…
Hình như ông Trời cũng phú cho ta cái khả năng diễn đạt được suy nghĩ của mình một cách tương đối …tốt , nên ta đã sử dụng nó để nói lời cảm ơn chân thành với bạn, với các bạn…

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

CHÚNG TA LÀ PHỤ NỮ


Có lần đã đọc được một câu nói của ai đó (chắc là phụ nữ) bàn về vấn đề Giới và phát triển như sau: "Phụ nữ không chỉ muốn được chia phần miếng bánh mà còn muốn được tham gia vào việc làm bánh nữa".
Vậy nhưng hình hiện nay là các nhân tài nữ hiếm như sao buổi sớm nhưng… rụng nhiều như lá mùa thu, bằng chứng là cả BCH đảng bộ tỉnh chỉ loe ngoe vài mống, rõ là không đạt chỉ tiêu về số lượng và cả chất lượng (cái “chất lượng” này là do cánh nữ nhà báo thở dài mà nói với nhau khi nhìn thấy mấy TUV nữ nhà ta súng sính áo dài áo ngắn lên ra mắt Ban chấp hành). Những chị em vinh dự được đứng trong hàng ngũ Uỷ viên thật ra thì vào dạng “không thể không vào được”. Ví dụ như đố anh trai nào “dám” thay mặt Hội liên hiệp phụ nữ để đại diện cho 50% dân số nói lên tiếng nói của chị em trong hàng ngũ ? Và cũng có lý khi người ta nói: "Chị em như mấy cái bình hoa di động để trên  bàn. Nếu có hoa thì ra bàn tiệc, còn không có thì thành ... bàn nhậu"
Tất nhiên chưa đạt chỉ tiêu thì trách nhiệm trước tiên thuộc về cụ Bí và cụ cũng “vui vẻ” nhận: “chưa làm tròn trách nhiệm, không thể cầm tay từng đại biểu để bảo họ phải bỏ phiếu cho ai”. Cụ “thành khẩn” như rứa thì ai nỡ lòng nào dám “nặng lời” trách móc. Kinh nghiệm để đời để vượt qua các kỳ kiểm điểm ĐV là thành khẩn khai nhận hết những khuyết điểm nho nhỏ của mình để tránh bị bươi móc những khuyết điểm lớn hơn. Nghĩa là “nói thật một ít để nói dối tất cả” còn hơn là “nói dối một ít rồi phải phun hết tất cả”
Và rồi, sau khi cụ Bí đã thành khẩn nhận khuyết điểm nho nhỏ như vậy  thì cái khuyết điểm lớn nhất thuộc về…chị em.
Công bằng mà nói, khi chị em ta không có nhiều người đứng trong hàng ngũ lãnh đạo thì chứng tỏ rằng chị em quá… kém. Chữ “kém” ở đây bao gồm nhiều hàm ý : trình độ năng lực kém, quan hệ kém, thân thế kém, …    
Nếu có dịp “thực mục sở thị”   “thực nhĩ sở thính” những bài ca của chị em trên diễn đàn Đại hội thì nhiều người sẽ cho rằng con số mấy mống uỷ viên  ấy thực ra là còn nhiều, quá nhiều là đằng khác. Bởi lẽ giá trị của những bài “diễn thuyết” ấy rốt cục được đánh dấu bằng …giọng nói ỏn ẻn của chị em chứ không phải là nội dung.  Nói thật, đôi khi cảm thấy hơi xấu hổ khi mình là thành viên của cái Hội liên hiệp chiếm 50% dân số này (nói đến đây mới chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ làm đơn xin vào hội này thì phải. Chỉ thấy được nhận hoa nhân ngày 8/3 hay 20/10 thì nhớ à ra mình là phụ nữ). Của đáng tội. Cái Hội liên hiệp này thực ra gần đây cũng làm được mấy việc được coi là  việc “lớn” như: việc thứ nhất là cho chị em vay xoá đói giảm nghèo, việc thứ hai là xây chuồng xí, việc thứ ba là nhờ bề trên “dằn mặt” hộ mấy ông chồng đánh vợ. Nghĩ đi nghĩ lại thấy mấy việc ấy rất thiết thực, rất hữu ích và tựu trung là đã “tuyên truyền giáo dục” được cho chị em những việc làm để …lo sao cho “đầu vô, đầu ra” của mấy ông chồng được suôn sẻ và để khỏi bị mấy ổng đánh.  Chấm hết.
Thật lòng cảm thấy buồn khi đại diện lãnh đạo của phái nữ là những con số “hẻo” như thế. Nhưng càng buồn hơn khi để lên chức lên quyền, lên làm lãnh đạo, để sánh vai cùng các ông, các chú các anh phái kia thì có những chị em mình đã nếu không phải kê khai (nửa kín nửa hở) cái lý lịch với mối quan hệ thân thiết dày đặc con ông A cháu B, họ hàng nhà anh C cũng đã làm cái chuyện mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói.   
Cũng thật lòng mà nói, cảm thấy tự ái khi nghe những câu đại loại như “nỗ lực phấn đấu để tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan đoàn thể”. Cảm thấy như được ban ơn, như được bố thí. Sao người ta không nói “phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”. Nhưng ai phát hiện? ai đào tạo? đào tạo cho ai? Hay tiếp tục cho những gương mặt đại diện chị em tiếp tục phô diễn giọng nói ỏn ẻn trên diễn đàn với những điệp khúc "nhà xí, xoá đói giảm nghèo"  ?
Hồi xưa đi học, chúa ghét chuyện thua kém bọn con trai. Học để cho chúng nó biết, chơi cho chúng nó biết. Chính vì vậy bị coi là nhiều nam tính. Chả sao, dễ sống. Chứ nếu mình là nam mà bị coi là nhiều nữ tính thì mới ...ẹ  
Cuối cùng, lại thấy mình ngớ ngẩn. Đã chả quan tâm gì cái chuyện làm lãnh đạo  thì thắc mắc làm gì cái chuyện ban ơn của người khác. Không khéo lại mang tiếng “con cáo và chùm nho”.
Dưng mà nhìn mấy mống "ỏn ẻn" lại thấy ngứa mắt.