Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

GỬI BẠN LÀ THƯ KÝ ĐOÀN ĐB QUỐC HỘI

Tớ biết cậu là thư ký đoàn Đại biểu Quốc hội của một thành phố trực thuộc trung ương nghe rất chi là oai, nhưng trong chuyện mà tớ sắp nói với cậu sau đây thì tớ mong cậu vui lòng tự nhận là hạng điếu đóm, ăn theo nói leo mấy ông bà là Đại biểu QH của cái xứ sở xa lắc xa lơ nơi miệt vườn, quen ăn trái cây, uống nước sông Hậu.
Nói vậy vì nếu làm chân điếu đóm, ăn theo nói leo, là cái anh nhà quê chân đất mắt toét, thì cậu và cả những đại biểu QH của cậu đỡ phải chịu “cái trách nhiệm” nặng nề trước chúng tớ (với tư cách là 1 phần của những người đóng thuế nuôi các cậu)  khi lỡ quyết định đồng ý cho những vấn đề như mở rộng Hà Nội, trục Thăng Long và dĩ nhiên là cả cái dự án đường sắt cao tốc đang gây sốt mấy ngày nay.
Nếu là đứa điếu đóm, nhà quê (nói nhanh cho nó vuông) thì cậu cũng đỡ phải ra công nghiên cứu để tham mưu cho các ĐBQH của cậu về vấn để chỉ số IQ liên quan thế nào đến đường sắt cao tốc, về chỉ số GDP và những món nợ nước ngoài mà sau này đến đời con cháu nội ngoại của chúng mình chưa chắc đã trả nổi để cho một dự án mà sau này hình như chỉ để cho mấy đứa ăn lương nhà nước (được đóng thuế từ chúng tớ) như cậu đi họp Hà Nội rồi tranh thủ chuồn về cuối tuần với vợ con cho nó nhanh.
Nếu tự xưng “em là dân nhà quê” thì cậu (và các ông bà Quốc hội của cậu) sẽ dễ dàng vượt qua những lời chỉ trích nặng nề từ bà con cử tri mà trước tiên là chúng tớ, những đứa bạn vốn biết cậu từ hồi ở truồng tắm tập thể.
Nếu cứ tự nhận như rứa thì nếu cậu tham mưu cho mấy ông bà Quốc hội của cậu nhấn nút NO với mấy dự án tào lao nêu trên thì cũng không bị mất lòng mấy thủ trưởng Chính phủ, Bộ ngành đang ra sức kỳ kèo cho dự án “trên trời” của họ được thông qua trong khi dân chúng đang đánh giá nó chả khác nào cái cảnh dân mình đang đu dây cáp qua sông Pôkô.
Cái này viết mấy bữa nay rồi, chỉ chờ khi Quốc hội nhấn nút với đa số phiếu YES cho dự án tàu cao tốc là “chửi” ngay thằng bạn khoá mình. May quá, tàu cao tốc bị phanh kịp thời, nhưng cũng post lên cho cậu coi đó mà rút kinh nghiệm, lần sau có dự án nào đưa ra thì biết đường tham mưu cho “chuẩn” để khỏi bị “chỉnh” nghe chửa.
Cậu hiểu cho rằng tớ viết những điều này trên tinh thần vô cùng quí mến cậu đấy dù cậu chỉ là tên “điếu đóm” mà thôi bởi vậy nên khoá mình cũng có Đại biểu Quốc hội đó nhưng không nhắn nhủ, cũng không chỉ trích gì . Vì sao thì chắc “điếu đóm” cũng hiểu      

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

ĐI KÉO GHẾ

Sinh nhật mẹ Bống. Mẹ rủ Bống và bà: “Hôm nay cả nhà mình đừng ăn cơm nhà nữa mà đi kéo ghế đi”. Bống ngơ ngác hỏi: “đi kéo ghế là gì hả mẹ?”   
Bà không đi, hai mẹ con rủ nhau đi ăn phở. Mẹ ngồi ăn và kể cho Bống về chuyện đi kéo ghế.
Hồi còn ở Hà Nội, khoảng đầu những năm 70 thế kỷ trước, (khi ấy mẹ chừng 5,6 tuổi) chiến tranh ác liệt lắm, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng ông bà vẫn có lệ, hễ đến sinh nhật của một người trong gia đình là cả nhà lại rủ nhau “đi kéo ghế”. Đi kéo ghế là cách nói vui của ông bà để chỉ việc cùng nhau đi đến cửa hàng ăn uống mậu dịch để ăn phở.  Mẹ nhớ hồi ấy, ở ngay góc ngã tư gần chợ Hàng Da, Hà Nội có một cửa hàng ăn uống. Thời bao cấp, lại chiến tranh, ở nhà chả mấy khi được ăn thịt, cá nên mỗi khi được “đi kéo ghế” là mừng lắm, ăn cái gì cũng ngon. Kể lại hơi buồn cười, chứ hồi ấy tiếng là đi ăn phở cửa hàng nhưng bao giờ bà ngoại cũng mang theo một cặp lồng đựng …cơm nguội để tận dụng cái nước phở còn thừa sau khi đã ăn hết bánh phở và thịt. Mẹ nhớ như in cái cảm giác vui sướng háo hức khi thấy bà ngoại bê bát phở nóng hổi nghi ngút khói từ trong quầy hàng ra. Mẹ sung sướng, mắt sáng lên khi nhìn vào cái váng mỡ vàng vàng trên bát phở, rồi lại nhắm mắt hít hà cái mùi thịt quyện với mùi hoa hồi thảo quả thơm lừng. Thấy mẹ ăn ngon lành, ông bà ngoại sẻ thêm phở vào bát cho mẹ, chỉ chừa chút nước để ăn với cơm nguội mang theo.
Bát phở hôm nay ăn cùng với Bống, nghĩ lại chuyện xưa vừa ăn vừa buồn, thấy nước phở sao mà đăng đắng. Từ khi rời Hà Nội vào Đà Nẵng, cả nhà không còn cái lệ “đi kéo ghế” như trước, cũng không ai nhắc đến 3 chữ “đi kéo ghế” để gợi nhớ lại chuyện xưa.