Theo qui định về tổ chức cán bộ, ai mà muốn lên chức lên quyền thì phải thông qua một cái gọi là “bỏ phiếu tín nhiệm”. Lẽ thường tình cấp trên muốn cất nhắc ai đó vào một chức vụ nào đó thì phải được “quần chúng tín nhiệm” và cũng là lẽ thường tình "quần chúng" phải tín nhiệm thì mới bỏ phiếu để đề nghị cho ai đó lên chức.
Nhưng đấy chỉ là lý thuyết vậy thôi chứ hình như thường tình thì “nói zậy mà hổng phải zậy”.
- Có anh nọ được cấp trên rất yêu, muốn cất nhắc nhưng đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu, chỉ được chưa quá bán. Thế là nhân một buối họp đông đủ bàn dân thiên hạ, sếp cấp trên mới ra ý chê bai anh nọ theo kiểu: “ cái ông ni làm cũng được việc nhưng có cái thái độ làm người ta ghét. Mà tui thấy cũng ghét. Mà ghét là phải. Ai không biết ổng có tiền nước ngoài gửi về nên sắm sửa đủ thứ, tiêu xài thoải mái. Nhưng mà mình làm cán bộ thì phải khiêm tốn chút.” Nghe qua tưởng sếp chê, ngẫm lại mới thấy sếp nói rứa là thanh minh thanh nga cho anh rằng anh giỏi, rằng anh nhiều tiền mà chả phải tham nhũng gì. Vậy nên lần bỏ phiếu sau, anh này vọt lên trên 90% phiếu tín nhiệm. Cũng nghe đâu khi thất bại ở vòng một anh này tỏ ra biết điều hơn, thường tổ chức liên hoan gặp người nọ người kia, giỡn giỡn đùa đùa chớ không mặt mày sầm sầm như xe tăng nữa. Nói chung cái việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với anh này như vậy cũng coi là đạt hiệu quả nhất định. Sợ nhất là chuyện bỏ phiếu tín nhiệm để dò xem thử đứa nào nó ghét mình, mình trị cho nó tới nơi.
Như đã nói, bỏ phiếu tín nhiệm là để cân đong khả năng tín nhiệm đối với một người. Nhưng cũng có điều trớ trêu như mấy vụ sau đây:
Chuyện xảy ra ở cơ quan nọ. Cơ quan đang yên đang lành thì bị giáng cho một ông sếp mới theo diện luân chuyển cán bộ. Sếp mới vốn ở một đơn vị khác đưa về đấy một thời gian chẳng qua chỉ để làm bàn đạp tấn công đến vị trí cao hơn. Biết vậy nên (hay nhưng) sếp mới tỏ ra rất oai, quan cách, hống hách, hạch sách đủ điều khiến cho cánh nhân viên nín thở, đi nhẹ nói khẽ, không dám ho he. Một thời gian sau, khi được bỏ phiếu tín nhiệm, sếp được 100% phiếu tín nhiệm và ung dung lên chức vụ cao hơn. Cánh nhân viên cơ quan lúc này mới thở phào vì quẳng đi được một tảng đá nặng nên tưng bừng liên hoan, chè chén.
Chuyện tương tự cũng xảy ra ở cơ quan này. Một chàng được 100% số phiếu tín nhiệm để lên một chức vụ cao hơn lấy thế làm vinh hạnh lắm. Ai biết được, bởi lâu nay chàng ở đó bị mọi người ghét cay ghét đắng mà không dám nói nên “chúng nó” làm thế cốt để tống khứ chàng qua bộ phận khác mà thôi. Cái thời mà ghét nhau người ta chửi bới tưng bừng, mặt nặng mày nhẹ, phê bình phê hũ rát mặt... đã qua rồi. Thời hiện đại người ta có khối cách để thực hiện cái sự ghét ấy một cách nhẹ nhàng, thanh tao mà đầy thâm thuý ...
Như vậy việc bỏ phiếu tín nhiệm đã đạt được nhiều mục đích:
- Sếp cấp trên cất nhắc đưa được đệ tử của mình “có chức” thông qua một hình thức rất chi là dân chủ.
- Quần chúng được tỏ ra rất VIP khi được bỏ phiếu tín nhiệm cho anh A, chị B (biết đâu còn được anh chị mời đi nhậu để tra tranh thủ phiếu bầu) lại vừa được hân hạnh “kính mời anh đi chỗ khác hộ em” mà không phải mất công chửi nhau làm gì cho nó tốn ca lo.
- Tất nhiên là anh A, chị B thì đạt được mục đích lên chức đúng theo qui trình cán bộ và nguyện vọng bản thân cũng với một cách rất chi là dân chủ.
Chỉ thương bên tổ chức phải mất công họp, in phiếu, lưu trữ phiếu…
Lại thương những người chả được cất nhắc, lên chức đi chỗ khác bởi vì nếu bỏ phiếu tín nhiệm, họ lại bị quần chúng vì yêu quí quá mà không bỏ phiếu tín nhiệm. Mà phàm cái gì quần chúng đã yêu quí thì lại tỉ lệ nghịch với tình cảm của sếp...
Cũng may là việc bỏ phiếu tín nhiệm hình như chỉ dành cho việc bố trívào những chức vụ có quyền, có thể, có ... rủng rỉnh, chứ còn cái chức quèn quẹt như mình thì hình như chẳng cần phải bỏ phiếu gì, vì có ai thèm làm đâu mà bỏ với bê. Bắt làm thì phải làm thôi chứ. Cũng may mà nhờ đó mình cũng đỡ mất công tìm hiểu xem ai tín nhiệm mình, ai không tín nhiệm mình, rồi lại phải thanh minh thanh nga....Ờ, mà chắc bỏ phiếu tín nhiệm thì mình bị ... "bất tín nhiệm" là cái chắc. He he...