Câu chuyện tình yêu của
hắn kể vào thời buổi này nghe thật phi lí, phi lý đến mức buồn cười. Phi
lý như thể bây giờ, hắn, một người đàn ông ngoài 40, tóc đã điểm bạc,
cao lớn mạnh mẽ, ôm khư khư một con búp bê ngồi trong quán nhỏ.
***
“Hồi còn bé, bác hàng xóm cùng khu tập
thể với em ngoài Hà Nội cứ trêu em là con búp bê”. “Thì bây giờ cũng vẫn
giống con búp bê quá chứ còn gì. Này nhé, mặt tròn, mũi hếch, mắt cũng
tròn và trong veo như hai hòn bi ve. Lại còn 2 cái đuôi sam hai bên, chỉ
khác là không phải tóc vàng mà là tóc đen thôi. Đã thế bây giờ anh cũng
gọi là em là Búp bê luôn”. “Em thích búp bê lắm anh ạ.” “Con gái đứa
nào lại không thích búp bê”. “ Hồi em khoảng 5,6 tuổi, ông anh họ của em
làm bên ngoại giao đi công tác nước ngoài mua về cho thằng con ông ấy
bằng tuổi em một con búp bê Liên Xô to ơi là to. Em thích quá đến mượn
về nhà chơi. Mượn được một buổi tối thì sáng sớm hôm sau ông ấy đến gõ
cửa đòi lại, bảo là thằng con ông ấy khóc lóc đòi về. Mà em biết rồi,
thằng ấy có thiết gì búp bê đâu. Chỉ tại bà chị dâu em quá chắc lép, đay
nghiến ông anh em chịu không nổi... Em tức lắm. Sau này cố gắng học
giỏi, em đi Liên Xô mua về một tá búp bê cho bõ ghét”. Hắn nháy mắt, lè
lưỡi để trêu cô nhưng trong bụng thì vẫn tin là cô sẽ thực hiện được
điều đó. Rốt cục người đi Liên Xô không phải là cô mà lại là hắn.
Hồi ấy là giữa những năm 80. Năm hắn thi đại học, đề cực kỳ khó. Hắn thiếu nửa điểm vào trường Đại học Bách khoa đành đi học trung cấp điện. Năm sau cô ấm ức kể với hắn chỉ vì sơ sểnh một chút, thiếu mất nửa điểm để đi học Liên Xô. Năm sau nữa, hắn tạm biệt cô để đi lao động ở Liên Xô với lời hứa 2 năm sẽ về. Sang đến nơi, gần như việc đầu tiên hắn làm sau khi đã ổn định nơi ăn chỗ ở là tìm mua một con búp bê. Không khó khăn mấy để tìm một con búp bê với hai bím tóc đuôi sam, khuôn mặt tròn và đôi mắt trong veo khiến hắn liên tưởng đến cô. Đã nhiều lần có người về nước và hắn rất muốn gửi nó tặng cho cô nhưng rồi chần chừ giữ lại, để nó lên trên nóc tủ quần áo, đối diện với cánh cửa ra vào. Mỗi khi mở cửa ra là thấy con búp bê như đang nhìn hắn tinh nghịch nháy mắt. Sau hai năm, hắn đăng ký ở lại làm thêm hai năm nữa để có tiền lo cho cuộc sống sau này. Hắn tính toán khi trở về thì cô cũng vừa tốt nghiệp đại học. Đã bao lần hắn hình dung ra cuộc sống tương lai với những đứa con xinh xắn như những con búp bê.
Ngoài công việc ở xưởng, một công việc nhàm chán và hầu như chẳng đem lại cho hắn những kiến thức mà người ta hứa hẹn khi đưa bọn hắn sang bên này, hắn đã tham gia một đường dây buôn bán đồ kim khí điện máy. Ban đầu chỉ là một chân chạy hàng nhưng sau đó thì hắn lao hẳn vào kinh doanh và nhanh chóng lên vai ông chủ. Chẳng có gì lạ, hắn là một đứa thông minh, thích tìm tòi khám phá, kiến thức kỹ thuật của hắn cũng vào hàng siêu đẳng, lại có tài tổ chức, cộng thêm vốn tiếng Nga lưu loát mà hắn đã từng được học ở nhà, sang bên này lại mày mò học thêm. Vào giữa những năm 80, ở Việt Nam, hàng Liên Xô với nồi áp suất, bàn là, áo lông và cả chậu, nồi nhôm… đang là thời thượng. Nhờ vậy nhóm của hắn đã phất lên nhanh chóng. Trong túi hắn đã rủng rỉnh tiền mà là tiền đô chứ không phải là tiền rúp. Hắn lại rất quyết đoán và trọng chữ tín, nói đâu chắc đó, bảo được là được, bảo không là không. Hắn có thể chịu lỗ, lỗ nhiều là đằng khác nhưng hàng hoá của hắn phải đảm bảo đúng hẹn và đúng chất lượng. Cuộc sống nơi xứ người, cuộc mưu sinh của dân Việt nói chung và của hắn nói riêng, không thể gọi là bằng phẳng nhưng hắn khá dễ dàng vượt qua những thử thách mà với người khác cho là khốc liệt. Liền mấy tháng không thấy bọn hắn đến lĩnh lương, bà tài vụ người Nga đã kéo trễ gọng kính xuống mà hỏi: “chúng mày sống bằng gì?”. Tiền lương 90 rúp một tháng chẳng bõ bèn cho bọn hắn đi uống vốtka một bữa nhưng từ đó hắn bảo anh em phải đến nhận lương hàng tháng đầy đủ.
Hắn vẫn giữ cái thói
quen là mở cửa phòng và nháy mắt với cô búp bê trên nóc tủ quần áo dù
rằng ngày càng ít về phòng mình hơn. Chuyện hắn cưng cô búp bê ấy và lý
do tại sao, hắn chỉ thổ lộ với anh Kha, một người bạn vong niên, một
người anh trong nhóm, ở một nơi ẩm ướt, lạnh lẽo, với tâm trạng đầy u ám
và tương lai trước mắt đang mù mịt xám bầm như mùa đông nước Nga, đó là
nhà tù. Hắn và anh Kha bị bắt (ngờ rằng đã bị một nhóm khác có đại ca
là một tay con ông lớn cạnh tranh, vu cáo). Chơi dao lắm có ngày đứt
tay, làm ăn được tất có người cạnh tranh, dòm dỏ, ghanh ghét. Hắn đã
lường trước và né tránh được nhiều cú nhưng cuối cùng cũng bị mắc nạn và
rất có thể nếu ra toà sẽ phải lãnh án nhiều năm. Trong sự cô đơn và
tuyệt vọng, những tâm sự của hắn và của anh Kha có cùng một tần số và sự
thành thật. Nghe chuyện xong, anh Kha thở dài bảo “Mày yêu nó lắm, tao
biết. Tao cũng thế. Tao yêu vợ tao lắm. Nhưng mày thấy đấy. Mày và tao
lao theo cái nghề chó chết này rồi thì cách tốt nhất là nên để cho người
mình yêu tự do, đừng để họ khổ vì mình. Tao đã viết thư về ly dị vợ tao
rồi”. Hắn choáng váng vì nhận ra sự nghiệt ngã của số phận. Cổ họng hắn
bỏng rát như bị đốt cháy. Hắn cố làm tất cả vì người mình yêu nhưng lẽ
nào rốt cục lại chỉ đem lại cho cô sự đau khổ. Giữa hắn và cô đã hình
thành từ bao giờ một bức tường đá xám nặng nề như bức tường trại giam
này ngăn cách. Cô, con một gia đình nền nếp, gia giáo, một sinh viên
trường luật, một luật sư, chánh án tương lai, và hắn một anh chàng “chợ
đen”, một gã giang hồ đã từng nếm mùi tù tội ở một đất
nước được coi là “thành trì của CNXH”? Không, hắn nghĩ rằng cô yêu và có
thể hiểu hắn. Nhưng liệu cô có chịu đựng được sự kỳ thị, đay nghiến của
gia đình và xã hội xung quanh khi đến với hắn? Hắn đã
trượt quá sâu vào con đường buôn lậu này mà không thể dứt ra được. Trong
thư gửi về cho cô, hắn tịnh không nói đến công việc làm ăn thực sự của
mình Làm sao có thể kể về những toan tính
bụi bặm trong khi những bức thư của cô cho hắn lại ngập tràn những lời
lẽ yêu thương, trong trẻo. Những ngày sau đó trong tù, hắn cứ vật vã,
giằng co với những ý nghĩ về hắn và cô, về một thực tại xám xịt như bức
tường đá nhà tù và khuôn mặt tròn với đôi mắt mở to, trong veo hiện ra trong đầu hắn.
Một tháng sau hắn được thả ra cũng bất
ngờ như khi hắn bị bắt. Hắn ngờ ngợ về nguyên nhân của việc này nhưng
chưa thể lần dò ra ngay.
Ra tù, không còn tiền
bạc, công việc bị mất, đám đàn em tan tác, hắn buộc phải hợp tác với một
nhóm khác để gây dựng lại công việc kinh doanh. Hắn gặp Tuyết. Trước
đây hắn có biết Tuyết nhưng không ngờ rằng cô chính là trưởng nhóm buôn
hàng bên cạnh. Tuyết có một vẻ đẹp sắc sảo, cô dường như đã nhanh chóng
nhập cuộc với lối sống châu Âu mạnh mẽ, đam mê và thực dụng. Khi hắn
nhận ra rằng mình gục ngã thì đã quá muộn. Hắn không thể ngờ rằng những
ngày buồn tủi trong nhà giam lạnh lẽo, hắn vẫn còn có niềm hy vọng trên
bức tường đá xám để chống chọi với thực tại, để nuôi dưỡng phần chân
chính thẳm sâu trong tâm hồn, thì giờ đây cái phần nhỏ nhoi đó của hắn
đã bị mất hoàn toàn trong vòng tay mềm mại của một người đàn bà. Hắn
không thể đổ lỗi cho ai khác, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh xô đẩy,
không thể đổ lỗi cho cái bản năng đàn ông mà bao lần hắn đã kìm nén để
mang tiếng là một thằng kiêu căng, mắc bệnh ghét phụ nữ. Hắn sa vào uống
rượu như điên dại bởi không thể tha thứ cho mình. Có một vài lần hắn lê
bước trở về căn phòng nhỏ, cô búp bê không còn nhìn hắn với cái nháy
mắt láu lỉnh trước đây. Không chịu nổi ánh mắt như trách móc của búp bê,
hắn lấy bút ra ghi “Búp bê ơi, anh có lỗi với em. Hãy tha
thứ cho anh” đặt xuống chân cô rồi bước vội ra ngoài. Khoảng một tháng
sau, hắn bàng hoàng khi về phòng thấy búp bê bị vứt lăn lóc, chân tay
rời ra, chiếc váy bị xé toạc và tờ giấy để dưới chân biến mất. Anh Kha
đã đến gặp hắn và kể chuyện. Mấy ngày trước đây, khi về phòng Tuyết
trong trạng thái say mềm, hắn đã ôm lấy Tuyết và thì thầm: “búp bê ơi,
búp bê ơi” vừa nói vừa khóc. Tuyết lấy chìa khoá đến phòng hắn và sau đó
đến gặp anh Kha để hỏi chuyện. Kha bảo thẳng rằng Tuyết đừng hy vọng gì
có hắn bởi toàn bộ tình yêu của hắn đã dành cho cô búp bê ở quê nhà
rồi. Điều hắn ngờ ngợ trước đây giờ đã được giải mã. Tuyết chính là
người đã dựng lên vở kịch khiến cho hắn bị bắt và sau đó lại bỏ tiền ra
thu xếp cho hắn ra tù. Tuyết thèm muốn hắn đã lâu, cả hắn và cả đường
dây buôn bán của hắn nữa nhưng chỉ với cách đó cô ta mới có được hắn.
Hắn lặng lẽ thu dọn, sửa sang lại căn phòng nhỏ của
mình, lắp lại chân tay cho búp bê (cũng may là không bị dập nát). Hắn
nhờ một cô bạn khéo tay may lại cho búp bê một chiếc váy mới màu thiên
thanh, màu áo của cô mặc khi tiễn hắn lên đường.
Một đêm nọ hắn mời anh
Kha đến để đọc cho anh nghe một bức thư của hắn vừa viết cho búp bê.
Trong thư hắn nói hắn đã lấy vợ bên Liên Xô rồi và rất tiếc về điều đó.
Hắn mong búp bê hãy quên hắn đi. Lời lẽ cực kỳ lạnh nhạt, ráo hoảnh. Hắn
lại còn nhờ người đưa thư về cho bố mẹ tuyên bố là hắn đã lấy vợ và ở
luôn bên này. Hắn hình dung ra được gương mặt thất vọng của bố mẹ và đôi
mắt tròn ầng ậc nước của búp bê. Anh Kha và hắn đã cùng nhau cưa hết ba
lít rượu trong cái đêm hôm đó.
Sau đó ít lâu, anh Kha về
nước. Nhà anh cách nhà búp bê của hắn không xa và hắn nhanh chóng nhận
được những tin tức từ quê nhà. “Anh đã nhờ người quen dẫn đến nhà cô bé
chơi rồi. Nó biết anh ở Nga về nhưng anh không nói cùng chỗ với mày. Con
bé dễ thương thật, hồn nhiên lắm. Nó đã đi làm ở Sở Tư pháp tỉnh. Chưa
có người yêu. Anh vẫn thấy nó đi làm và hầu như chẳng đi chơi đâu cả.”
Khoảng một năm sau, thư anh Kha viết: “Thôi mày đừng
buồn nữa. Thằng người yêu của nó tao biết, rất tử tế, đàng hoàng, trí
thức, đang làm bên UBND tỉnh. Con bé biết chọn người lắm. Tao tin là nó
sẽ được hạnh phúc”
Ngày hôm sau, hắn đến
gặp Hường, một cô gái cùng sang bên này và làm việc cùng chỗ với hắn để…
cầu hôn. Hường không tin vào tai mình. Cô đã lăn lóc yêu hắn nhưng nào
hắn có thèm để ý gì đến cô. Hường không đẹp, chỉ được nước da trắng. Cô
rất biết thân biết phận, coi việc được phục vụ hắn như là một ân huệ.
Hắn nghĩ “Không lấy được búp bê thì lấy ai mà chả được”. Đám cưới hắn,
hắn say mèm, suýt đánh nhau to khi Tuyết khinh khỉnh đến bên hắn : “lẽ
ra tôi phải giữ lại cái thai để làm quà mừng cưới. Thôi đành tặng ông
con búp bê này để nửa đêm khỏi giật mình mơ ngủ, gọi tên nó ra làm con
vợ ông buồn”.
Đám cưới của búp bê sau
hắn khoảng một năm. Ngày ấy (hắn đã được anh Kha báo tin trước) hắn cũng
ngồi một mình uống rượu đến say mềm. Vợ hắn không dám nói nặng. Nhìn
dáng đi phục phịch của vợ hắn càng thêm nẫu ruột.
***
Vợ chồng hắn làm ăn cũng khá.
Hắn cũng đã nguôi ngoai dần và chấp nhận số phận của mình. Đang yên
đang lành thì đến đầu năm nay nảy sinh ra việc chính quyền Nga hạn chế
người nước ngoài kinh doanh tại các chợ. Bực mình, lại thêm chuyện gia
đình luôn thúc giục gọi hắn về nước vì ông bố ốm nặng, hắn thu xếp mọi
thứ, lấy một cục tiền quyết định về nước.
Khi thu dọn hành lý, lôi
ra chiếc va ly cũ có để con búp bê và một ít quần áo trẻ con, hắn ngẩn
ngơ nhìn con búp bê. Giờ đây cô búp bê không còn nhìn hắn bằng ánh mắt
trách móc như trước nữa. Cô bình thản nhìn hắn lặng lẽ vẫn bằng đôi mắt
trong trẻo như hai hòn bi ve. Hắn thở dài cất cô trở lại va ly, chèn
thêm vài thứ quần áo cho thật chặt.
Anh Kha ra đón hắn ở sân
bay. Đã 22 Tết rồi. Ngày mai là ngày cúng đưa ông Táo về trời. Anh đã
thu xếp cho cả nhà hắn ở một căn nhà đang bỏ trống của anh. Khi đất đai
đang có giá anh đã tranh thủ dùng vốn mua bán nhà đất, bây giờ anh có
vài lô đất “có đất, cất đó” và chuyển sang kinh doanh cà phê. Quán cà
phê của anh được xây dựng và trang trí theo phong cách thuần Việt, giả
cổ, nhạc toàn là nhạc Trịnh Công Sơn hoặc cổ điển, dịu nhẹ. Có lẽ vì vậy
mà quán này chỉ có toàn là khách trung niên, hiếm khi thấy khách thanh
niên.
Ngày 28
Tết, sau khi lo lắng nhà cửa và thăm thú xong xuôi, anh Kha bảo hắn đến
quán cà phê của anh và dành cho hắn một căn phòng nhỏ. Anh còn dặn hắn
mang theo con búp bê. Hắn hiểu ra vấn đề và hồi hộp chờ. Giờ đây tâm
trạng hắn chẳng khác nào bức tường đá xám nặng nề và lạnh lẽo như trong
nhà tù hồi còn ở Nga.
Cuối cùng thì cô cũng xuất hiện. Theo sau anh Kha là một thiếu phụ với tà áo dài
màu thiên thanh. Mái tóc xoăn tự nhiên nhẹ nhàng rủ xuống vai ôm lấy
khuôn mặt tròn phúc hậu. Từ xa hắn đã nhận ra đôi mắt tròn dù giờ đây
không còn trong veo như trước nữa. Hắn lập cập xô ghế đứng lên. Cô đang
cười bỗng lặng người khi nhìn thấy trên tay hắn là một con búp bê to
bằng một đứa trẻ 2 tuổi với mái tóc tết đuôi sam vàng óng cùng bộ váy áo
đã bạc màu. Cô đổ gục vào vai hắn và hắn cảm nhận được vai mình nóng
hổi và ướt đẫm nước mắt. Bức tường đá xám trong tim hắn cứ lả tả, lả lả
vỡ vụn ra theo dòng chảy của những giọt nước mắt của cả hai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét