Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

TẾT, BẠN VIỆT KIỀU VÀ CÔ GIÁO CŨ

Thường thì lẽ ra, để thể hiện sự tôn ti trật tự, cái tít này phải theo thứ tự là Tết, cô giáo và thằng bạn Việt kiều. Nhưng rằng thì là cuộc sống cứ tuôn trào, thoắt sớm, thoắt muộn, đầu tóc cứ thoắt đen, thoắt bạc rồi lại … thoắt đen (do nhuộm)… Cũng rằng thì là ta biết chả vì thế mà cô  giáo (mà cô giáo dạy văn hồi cấp III nhé) lại nghĩ là cái con bé học trò ngày xưa (giờ theo nghiệp cô một nửa) lại có ý thiếu tôn trọng với cô khi “giật” cái tít đầy …bụi bặm như thế.

Thằng bạn cũ, giờ là Việt kiều Ukraina bảo về quê ăn Tết, nhưng có thể  là để trốn tránh cái lạnh của băng giá, hoặc trốn tránh một cái gì đó còn lạnh hơn băng giá.  Hoặc cũng có thể là tìm kiếm một cái gì đó từ ở cái thành phố quê hương bé tí tẹo trên bản đồ thế giới, bé tí tẹo so với những nơi mà hơn 20 năm qua nó đã nện gót giày thình thịch (chả khác gì lũ thực dân ngày xưa- đấy là mình ví nó như thế). Tối 28 Tết nó gọi điện thoại bảo: “mày xem thế nào thiết kế gặp mặt, mùng Hai tao đi rồi”. Đúng là cái thằng xa quê lâu quá, chả biết mấy ngày giáp tết bận gần chết, có rủ cũng đố đứa nào đi nổi, có đi cũng chỉ 5, 10 phút rồi biến bởi vì hàng núi công việc không tên, ai nấy cứ tất ta tất tưởi, quần áo đầu tóc như lũ điên. Nói chuyện này với nó thì thể nào cũng sẽ nghe ngay hàng tràng câu “chửi” : “Thời đại này là thời đại nào mà chúng mày cứ long sòng sọc lên thế? Thức ăn ê hề ở siêu thị, bánh chưng thì đã có người gói nấu bán, cứ gọi điện thoại thì dich vụ là nó xong ngay. Cần gặp ai cứ di động mà gọi”. Biết là nó nói đúng, cũng biết là cãi nó thì không khó, nhưng cách tốt nhất để trả lời nó là: “ừ, để tao xem thế nào triệu tập chúng nó” … Thế cho nó xong chuyện, nếu nó có trách thì cứ đổ vấy … cho mấy đứa kia rằng gọi không được thế thôi.
Trưa mùng Một nó gọi điện bảo đến một quán cà phê ở bờ sông để nhậu cùng với nó. Chuyện này thì phải hiểu theo nhiều cách và mình cho rằng cái cách nó bảo cũng như cái địa điểm nó chọn để gặp nhau là rất phù hợp cho tâm trạng của nó và của bạn bè.  
Nó bô lô ba la thế nhưng hình như đang buồn… có thể là rất buồn trong khi lũ bạn thì vui, rất vui. Thì vui như Tết mà lại…Không như những cái buồn khác không thể đem cái vui san sẻ cho cái buồn thì cái buồn của nó, nó lại mong được khoả lấp bằng cái vui vẻ, rộn ràng của lũ bạn. Thế là nhí nhố, chuyện trò, nói xấu nhau thoải mái cho đến khi  nó đi đón cô giáo cũ đến chơi.
Đến đây là chuyện với cô giáo. Cô V. đã 60 tuổi, cô nghỉ hưu đã 5 năm rồi, lên chức bà nội bà ngoại của một lũ cháu nhưng nom chả khác mấy so với ngày xưa. Cô dạy văn bọn mình hồi trước. Cô vẫn nhẹ nhàng, phong thái đúng dân Hà Nội gốc luôn. Hồi trước, lớp mình là lớp chuyên toán, thông minh, học giỏi số 1 ở trường nhưng cũng “nhí nhố” (đúng câu cô nhận xét) vào số 1 luôn. Trong số nhí nhố ấy cô lại có vẻ “ghét” cái thằng Việt kiều này nhất vì nó vào loại “nhí nhố” nhất, vì nó là “chuyên gia” móc máy, vặn vẹo đủ thứ. Hi hi. Rất vui vì cô còn nhớ mình là viết chữ đẹp, nét chữ tròn đều và tất nhiên là viết văn vào loại khá của lớp.
Ngồi một lúc thì lũ bạn thi nhau xin phép cô em phải thế nọ thế kia và … biến. Ừ thì Tết nhất, cũng chả trách chúng nó được. Nó đề nghị mọi người đi hát karaoke. Thì phải chiều nó thôi chứ tự dưng ngày Tết đang vui thế mà lại chui đầu vào cái hộp mỗi chiều mấy mét thế thì chán chết.
Nhạc Trịnh cất lên…Tặng cô bài Nhớ mùa thu Hà Nội nhé, tặng nó bài Một cõi đi về nhé, lại tặng cô bài Em ơi Hà Nội phố nhé, rồi tặng nó bài Quê hương tuổi thơ tôi nhé …
Ánh đèn trong cái hộp mười mấy mét vuông không đủ để nhìn rõ mặt người. Tiếng nhạc ồn ào ầm ĩ át tiếng nói. Biết là cô vui vì thấy cô nhẩm nhẩm hát theo “ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa…ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm” . Biết là nó vui dù chả bao giờ có cái cảnh “… mùa hạ nước lũ … bắt cá giữa đồng”. Nhưng nó cũng hát theo “Ngày ấy đâu rồi… ngày ấy đâu rồi, cho tôi tìm lại,  một ngày ấu thơ…cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày…”
    Có lẽ ít nhất thì nó đang muốn tìm kiếm lại một ngày của xưa cũ. Biết rằng là chả thể nào được nhưng bạn bè đều mong bù đắp cho nó một ngày, một ngày mới của một năm mới. Một ngày mới đầy nắng bên một dòng sông đầy gió…
          Chắc là nó hiểu…