Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

SÂU

Mặc dù có vẻ ngoài và tính cách mạnh mẽ như đàn ông nhưng  mình chúa sợ một thứ. Đó là ....sâu. Eo ôi, những con sâu xanh lè to bằng ngón chân cái, dương đôi mắt tròn như hạt đậu đen...nghĩ mà phát kinh. Nhưng kinh nhất phải kể đến là sâu róm. mới nghĩ đến đã nổi da gà... tởm quá. Rồi có một thứ cũng là sâu, nhưng nó là sự pha trộn giữa sâu xanh to to và sâu róm. Co này gọi là con nái. Con nái này ai vô phúc đụng vào thì ngứa lắm. Nái thường làm tổ trên cây dừa, mình xanh lè, lông xanh lè... 
Ấy vậy mà có lần mình thấy ông bố của con bạn trèo lên cây dừa bắt nái. Lâu lâu, ông lại ném xuống đất một con cho thằng cu con dùng dép đập bẹp bẹp. Mình ngạc nhiên hỏi sao bá không sợ ngứa à. Ông già cười khà khà bảo. cái giống này nếu bu vào người, vào lớp da bên ngoài thì ngứa lắm nhưng nếu dùng tay bắt,  cái lớp da bên trong lòng bàn tay thì không sao cả.
Ái chà. Hay thật đấy. Cái lòng bàn tay con người lại là cái vũ khí lợi hại nhất để chế ngự cái giống vật kinh tởm và quái dị kia. Hay thật nhưng chả bao giờ dám dùng để bắt sâu cả.
Lớn lên đi làm mới hay. Sâu bọ nhung nhúc, chả thấy ai bắt, hay chả ai biết dùng lòng bànn tay để bắt hoặc như mình biết dùng lòng bàn tay để bắt nhưng lại ... kinh quá nên không dám bắt.         
   

CHỌN GIÀY, GIỮ GIÀY

Đang làm việc rất chăm chú, mà khi làm việc chăm chú thì chân thường để …lên ghế. Đến khi, có khách, phải thò chân xuống mang giày vào thì mới không thấy giày đâu. Nhìn quanh thấy đôi giày nào lạ lạ, mới mới, chợt nhớ sực ra mình mới mua nó ngày hôm qua.
Bao lâu nay mình ít khi quan tâm đến chuyện quần áo, giày dép lại càng không để ý. Hầu hết quần áo, giày dép đều được bà chị ngoài Hà Nội trang bị cho sau khi bả đã …thải ra. Hãn hữu lắm, chỉ khi bị rách giày mà bà chị chưa kịp gửi vào thì mới đành phải đi mua cái khác. May mà  không bị “khiêm tốn chiều cao” nên đỡ phải đi mấy đôi giày cao gót  chớ đi vào là … chết liền. Mình cũng không có tính giữ gìn bởi đơn giản cứ nghĩ “nó là cái phục vụ cho mình. Chăm chút, giữ gìn quá đâm ra thành mình đi phục vụ nó” . Thế nên, bà chị và bà già cứ ca cẩm mình mặc quần áo và đi giày dép như …phá. Đôi giày vừa rồi chị cho chắc loại tốt nên đi cũng hơi lâu lâu (vài tháng) đến nay đã rộng và bị trầy xước, bong tróc xấu xí hẳn. Mấy cha cơ quan nhìn thấy kiếm cớ chê lên chê xuống. Mình cười cười và nghĩ bụng: “Thì chả có gì chê nên chê cái chuyện giày dép chớ chi. Cho chê thoải mái luôn”.
Mình bị chê chuyện ăn mặc, giày dép thì cũng là chuyện thường. Chê hoài, chê hoài rồi người ta cũng …chán. Nhưng nói đến chuyện này lại nhớ đến ngày xưa mình mượn chuyện giày dép để phê bình “thẳng cẳng” một ông bạn lớn tuổi khiến ông này nhớ mãi.
Hồi đại học, lão tổ trưởng tổ mình vốn là một anh chàng nhà quê, chân chỉ hạt bột. Anh học hành cũng khá, lại chăm chỉ “điều nghiên” nên được anh em tín nhiệm, sau có lần được bầu thành lớp trưởng  Riêng mình thấy anh chỉn chu một cách thái quá khiến một đứa thích thoải mái như mình đôi khi khó chịu vì cái cách anh cứ hay ý kiến phê bình xét na xét nét, rồi có lúc lại khen lấy khen để làm mình phát ngượng. Thế rồi năm cuối, chả hiểu ma xui quỉ khiến thế nào, anh “bập” ngay vào yêu một chị cùng khoá với những đặc điểm trái ngược hẳn với tiêu chuẩn “người yêu lý tưởng’ mà anh thường kể. Cũng từ ấy, anh thay đổi hẳn tâm tính 180 độ. Anh không thèm tham gia các hoạt động của lớp. Anh trở nên khoái uống rượu, uống rồi lại về quậy ký túc xã chỗ phòng chị em. Nhìn anh lè nhè ngồi phệt dưới đất chỗ phòng “bà xã tương lai”, ai nấy đều ngán ngẩm. Vài đứa con gái phát biểu rằng anh đã làm mất trong nó hình ảnh một người mà nó đã coi là “thần tượng”. Chúng đặt cho anh cái tên Giang Minh Sài (nhân vật trong Thời xa vắng cúa Lê Lựu), ban đầu anh không biết, nhưng sau hiểu ra anh chửi bới, đòi đánh gần hết lũ con gái. Có điều, đối với mình, anh lại có vẻ tử tế. Không bao giờ anh xỉa xói, nói xấu gì mình nên mình cũng không khích bác gì anh, chỉ không nói chuyện với anh vui vẻ như trước nữa.
Đến lúc gần ra trường, tình cờ mình gặp anh trong khuôn viên trường và anh vui vẻ rủ mình đi uống nước. Trong câu chuyện, anh thật thà bày tỏ rằng anh rất quí mến mình và mong mình cho anh những nhận xét thật khách quan về bản thân. Anh hỏi:
- Anh biết em cũng như cả lớp mình bây giờ ghét anh lắm. Mấy đứa kia thì anh không ngại, nó thương ghét anh thì anh cũng không quan tâm. Nhưng dạo này anh thấy em không nói chuyện gì với anh cả nên anh nghĩ chắc giờ đây em khinh ghét em lắm.
Nghe anh nói thế mình cũng thấy tồi tội, không muốn nặng lời với anh. Nhưng nghĩ anh đã nói thế thì mình cũng nên thẳng thắn, hơn nữa gần ra trường rồi, có nói gì thì nói luôn chớ để lại thì hồi nào mời nói. Thế là mình bảo anh:
- Mấy đứa con gái lớp mình coi anh là thần tượng, mẫu người chỉn chu nên khi thấy anh như vậy, chúng nó bị “sốc” thì cũng là chuyện thường. Riêng em thì hồi đó tới giờ chưa bao giờ anh là “thần tượng” của em cả nên chẳng có chuyện sụp đổ thần tượng như tụi nó. Em nhìn anh và nhận ra một điều rằng anh đang giữ cái đạo đức phẩm chất của anh như người ta giữ giày vậy.
Anh trố mắt hỏi:
- giữ giày là sao? Anh không hiểu.
- Thì là như vầy. Ban đầu khi anh có một đôi giày mới mua, anh cẩn thận giữ gìn, đặt từng bước chân, chỉ sợ bẩn giày. Chỉ một vệt bẩn đã khiến anh phải lo lắng, giặt giũ, tẩy rửa cẩn thận. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, khi đôi giày đã cũ cũ chút ít thì anh không ngại ngần mà dẫm đạp thoải mái, thậm chí cho nó vào bùn đất, anh cũng chả quan tâm. Vậy đấy…
Nghe xong, anh không nói gì, chỉ lẳng lặng ngồi yên.

Mươi năm sau gặp lại anh ở Đà Nẵng. Anh lúc này là Thạc sĩ, giảng viên Đại học ra đây dạy lớp tại chức. Anh mời (nói đúng hơn là biểu lớp trưởng tại chức mời) cho bằng được mình ra tiếp. Sai lầm lớn nhất là hôm ấy mình lại bảo ông chồng mình đi cùng bởi hôm đó anh làm mình nhiều lúc thấy quá xấu hổ vì cách cư xử ăn nói của anh. Anh đổ đốn quá. Đổ đốn bê tha một cách không thể tưởng tượng được.
Vài năm sau nghe lũ bạn nói anh ngày càng tệ hơn. Vợ chồng thì chằng chuộc, con cái hư hỏng, bản thân anh cũng bệnh tật. Lại nghe nói anh đi đâu cũng bắt học sinh phải chiều chuộng cung phụng anh cái khoản gái gú. Nghe chỉ muốn lộn mửa….

Mà riêng gì anh, bao nhiêu người xung quanh mình đây, áo quần xông xênh, giày dép hàng tá, suốt ngày chỉ soi gương ngắm vuốt, chỉ sợ người khác chê mình ...ăn mặc xấu, chứ chả sợ người ta nói mình tệ. Ông bà mình bảo đấy là phường "giá áo túi cơm" cũng chả oan tí nào.   
Cũng may, đến giờ mình vẫn chưa bị ai mắng cho là “em giữ gìn cái đạo đức của em như giữ … giày em” mà chỉ bị chê “Người zậy mà sao quần áo giày dép gì mà xấu thế”