Hồi ấy, tôi, một nữ sinh
viên năm thứ 3 đại học Pháp lý tại thành phố Hồ Chí Minh. Hồi ấy mọi thứ
còn khó khăn. Cả trường có một chiếc ti vi đen trắng 19 inches mà màn
ảnh thì đầy “muỗi”. Lẽ dĩ nhiên, bóng đá
chưa bao giờ là niềm yêu thích của số đông con gái như tôi, huống chi
cái điều kiện khó khăn về vật chất, cộng thêm mùa thi cử đang cận kề
khiến cho tôi đã tự xác định rằng chả việc gì mà phải đua theo cái lũ
con trai để đến đêm thức trắng, hò hét như lũ điên. Nhưng rồi chả hiểu
sao, chính tôi lại trở thành “tín đồ của túc cầu giáo” lúc nào không
biết.
Có lẽ cái lý do đầu tiên
khiến tôi say mê Ơ rô (EURO)’ 88 (nói ra thì hơi xấu hổ) chính là vì tôi
quá “ghiền” anh chàng thủ môn đội tuyển Liên Xô đẹp trai Dasaev. Cũng
may là cái lý do này tôi cứ bô bô nói mà không sợ mất lòng ông xã, bởi
chính ổng cũng say mê chàng chả kém gì tôi. Thật ra Dasaev đã kéo tôi
đến với bóng đá từ hồi Mehico 86 cơ. Từ Dasaev, đến cuối kỳ Euro’ 88,
tôi đã thuộc lòng tên, mặt và số áo của từng cầu thủ đội Liên Xô. Số 2
Khiliaturin với cái đầu hói luôn là một hậu vệ “thép”, số 4 Kuzonhetxov,
hậu vệ “thòng” quá chuẩn, số 6 Rat cùng với Dasaev làm nên điều kì diệu
ngày trong trận khai mạc thắng Hà Lan 1-0; số 7 Alaynhikov, số 8
Belanov, người đã đem lại thất vọng não nề cho đội Liên Xô trong trận
chung kết với Hà Lan khi đá trật quá penalty; số 9 Protasov khuôn mặt
xương xương rắn rỏi; và Mikhalichenko, một cậu trẻ tinh ranh chuyên môn
ngã trong vòng cấm địa để đội mình được hưởng quả penalty…. Không chỉ
riêng tôi mà hầu như những người xem Euro 88 đều ủng hộ đội Liên Xô vì
khi ấy Liên Xô còn đang là người bạn thân thiết nhất của Việt Nam và
cũng bởi vì chính Liên Xô đã cho chúng ta được truyền hình trực tiếp các
trận đấu tại Euro 88 thông qua hệ thống vệ tinh.
Thế rồi, cũng như những
thằng con trai khác từ luc 7 giờ tối, tôi đã nhong nhóng chiếm lĩnh ngay
vị trí bàn đầu của hội trường, đối diện ti vi, ngồi chóc
ngóc tại đó chờ cho chương trình ti vi hàng đêm kết thúc lúc hơn 9 giờ,
rồi từ đó lại phải ngồi “bình loạn” với cánh con trai chờ cho đến khoảng
11 giờ mới được xem bóng đá. Đang ngon trớn bình luận, chợt ngó quanh
thấy có mỗi mình mình là “thằng con gái” ngồi giữa các đấng mày râu trong đó có cả thầy giáo tôi nữa. Thế nhưng tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, giả vờ không hay biết, ra
sức tranh cãi “đầy vẻ hiểu biết” với tui bạn trai. Thầy tôi chỉ cười
nhưng mấy năm sau gặp lại, ông bảo tôi đã gây ấn tượng với ông bởi cách
bình luận sắc sảo có vẻ rất “nhà nghề” đó. Ông đâu có biết tôi thu lượm
mỗi nơi mỗi tí, góp nhặt, kết nối lại rồi đưa ra “buôn” chứ nào có hay
ho gì. Tôi làm quen và dần dần sử dụng đến mức “điêu luyện” tên gọi lóng
của các đội tuyển: Cỗ xe tăng Đức, Cơn lốc màu da cam Hà Lan, Đại bàng
trắng Ba Lan, Những con quỉ đỏ Bỉ, gấu Misha Nga… Như mấy tay ghiền
khác, tôi sung sướng hò reo mỗi khi đội tuyển tôi yêu thích làm bàn; tôi
chống cằm cắn móng tay y như Kuzonhesov ngồi ngoài khu kỹ thuật vì bị
thẻ đỏ trận trước đó; tôi ngộp thở, che mắt không dám nhìn Belanov sút
phạt penalty để rồi sau đó đạp cho thằng bạn ngồi đằng trước một cái rõ
đau vì quả ấy bị hỏng… Bao nhiêu ái ố, hỷ, nộ cứ hồn nhiên chảy tràn ra
khỏi người tôi, biến tôi thành một con người khác hẳn, hoạt bát, tinh nghịch, khác hẳn với vẻ nhút nhát hàng ngày.
Tuy ủng hộ đội tuyển
Liên Xô nhưng công bằng mà nói tôi cũng nhiều phen tức anh ách cho mấy
anh chàng Nga “ngố”. Nếu ban đầu anh ta thắng một quả thì trận đấu trở
nên sôi động hấp dẫn với các màn biểu diễn xuất thần. Ấy thế nhưng chỉ
một bàn thua thì đội Liên Xô trở nên bệ rạc, các cầu thủ như chạy trên
đôi chân người khác, thật chẳng ra làm sao. Đội Hà Lan thì tôi công nhận
là họ đá rất đẹp nhưng mấy anh chàng Ruud Gullit đem nhẻm, tóc quấn
thành từng lọn nhỏ và Van Basten cao lòng khòng dù có đá hay mấy tôi
cũng không khen (con gái mà!). Tôi cũng thích mấy chàng trai Ytalia với
lối chơi phòng ngự chặt, các đường bóng kiến thiết mỹ miều như tranh vẽ
trên nhà thờ, và tất nhiên cả vì mấy chàng Maldini, Gianluca Vialli,
Roberto Mancini …đẹp trai, hào hoa nữa. Đội chủ nhà Đức với Matthäus, Klinsmann,
Kohler và Voller cũng gây ấn tượng mặc dù họ đã bị cơn lốc màu da cam
thổi bay bằng một trận đấu kích tính đến phút cuối.
Ì ạch nhưng may mắn, cuối cùng thì đội Liên Xô cũng vào đến trận
chung kết. Tôi nhớ mãi cái cảm giác buồn bã tê tái khi Liên Xô thất
bại, nhưng hình như họ chẳng buồn mấy, vì nói cho cùng đó có lẽ là thành
tích tốt nhất tại các kỳ thi đấu quốc tế của đội này.
Thức đêm để xem Euro, dĩ
nhiên ngày hôm sau chúng tôi phải lên lớp với khuôn mặt thẫn thờ vì
thiếu ngủ. Cũng may sao, chúng tôi vượt qua các kỳ thi trót lọt (riêng
tôi chắc nhờ có sự để ý thông cảm của thầy vì chả gì thầy cũng biết tôi
là nhân vật nữ duy nhất xem bóng đá tại hội trường mà).
Tôi nhớ có lần, trong khi ngồi chờ trận banh khi chương trình của đài truyền hình Việt Nam đã hết, tôi chảnh chọe hỏi bọn bạn
trai: “Việt vị là gì?”. Thế là chúng nó nhao nhao lên giải thích cho
tôi. Nào là cầu thủ tiền đạo chạy trước bóng, nào là cầu thủ chạy trước
bóng và chạy trước hậu vệ đối phương, đứa kia cãi lại bảo không phải…
Chúng nó làm tôi hết ngoảnh qua trái lại qua phải. Cuối cùng tôi chỉ vào
màn hình bảo: “Kìa!Việt vị!”. “Chà chà, con này hay quá ta, sao cậu
biết?” Mấy đứa cùng hỏi. “Tại tớ thấy trọng tài biên phất cờ và trọng
tài chính thổi còi là biết ngay là việt vị (!)”.
20
năm trôi qua cũng là 5 kỳ Euro nữa đã được tổ chức, nhưng có lẽ kỳ
Euro’88 vẫn để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong tôi, một kỷ niệm hồn nhiên
và trong sáng của lứa tuổi học trò. Hỏi rằng bóng đá có đem lại gì cho
tôi e là khó trả lời nhưng tôi biết bóng đá sẽ là một trong những niềm
ham mê chân thành nhất của tôi.