Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Cảm nhận “bên lề” du lịch Thái Lan

Vừa đi du lịch Thái từ ngày 21-25/7 viết lung tung cho vui 

Nhân dịp Đà Nẵng mở lại đường bay trực tiếp đi Băng Cốc - Thái Lan, xin chia sẻ với các bạn một số cảm nhận của mình về đất nước Thái Lan. Đây chỉ là những cảm nhận mang tính chất “bên lề” của tour du lịch.
“ Chây Zen zen” – Hãy bình tĩnh
Sau phần chào hỏi, làm quen khi gặp mặt, Châu, anh chàng hướng dẫn viên người Thái gốc Việt đã dạy cho chúng tôi những câu nói thông thường bằng tiếng Thái. Theo Châu, chỉ cần học hai câu. Câu đầu tiên là lời chào “sawadikha” và câu thứ hai là “Chay zen zen” nghĩa là “hãy bình tĩnh”. Châu cho biết “chây zen zen” chính là câu cửa miệng của người Thái cũng là cách ứng xử truyền thống của người dân xứ chùa Vàng. Châu kể: ở Thái Lan, giả sử có một vụ hai xe ô tô va chạm, thì người lái xe sẽ ngồi nguyên sau tay lái khoảng 5 phút, vừa để bớt đi sự hoảng sợ nhưng cũng là để giữ cho mình thật bình tĩnh. Sau đó hai bên bước ra khỏi xe, chắp tay chào nhau, mời vào trong lề đường nói chuyện, coi nhau như bạn bè, không nói lỗi - phải, mắng mỏ gì nhau mà mỗi bên tự gọi điện cho … hãng bảo hiểm của mình đến làm việc. Tại các điểm du lịch, các nhà hàng, với hàng ngàn khách du lịch trong mỗi suất diễn (ăn) mọi người đều xếp hàng từ tốn, sẵn sàng nhường  nhau dùng trước. Tại các điểm bán hàng, người ta  đon đả mời chào nhưng không chèo kéo, tận tình chỉ dẫn khách, dù cho khách chọn lựa trả giá đã đời nhưng không mua thì cũng không bực mình, chửi mắng. Có thể nói ở Thái Lan, cách cư xử điềm đạm, từ tốn, thói quen nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt mình, không to tiếng, không xô đẩy, chen chúc … dường như là điều rất đỗi bình thường, từ trẻ em đến người lớn. Điều này có được phải chăng là từ nền tảng của một nền Phật học lâu đời, cộng với truyền thống tôn trọng đến mức sùng kính các giá trị tâm linh cùng nếp sống giản dị, khiêm cung.
Nhà cửa bên Thái không đẹp bằng các thành phố nước ta. Có vẻ như người dân Thái không quá chú trọng cho ngôi nhà của mình, quan niệm đó chỉ đơn giản là một chỗ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc là đủ. Đây cũng thể hiện một thái độ không bon chen kiểu cách, không sĩ diện hình thức, lúc nào cũng muốn tỏ ra ta đây “hơn người hơn đời” như xứ ta.  
Có lẽ  văn hóa Phật giáo quan niệm cuộc sống hiện tại chỉ là cõi tạm, kiếp sau mới là vĩnh hằng nên người dân cũng như các bậc vua chúa đều cố gắng sống thật tốt, đem lại nhiều lợi ích hơn  cho cộng đồng. Ở Thái, các sản phẩm tiêu dùng dễ dàng đem đến niềm tin cho khách hàng, một phần vì giá cả phải chăng, người bán thường không nói thách, khó lòng tìm được hàng giả, hàng nhái và ngay cả hàng xuất xứ từ Trung Quốc cũng không thấy. Các trung tâm sản xuất vàng bạc, trung tâm dược phẩm, các cơ sở sản xuất lớn cũng được gắn với thương hiệu “Hoàng Gia” như một bảo đảm về uy tín, chất lượng. Và ngay cả chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ chuyển giới (pede) trình diễn cũng được người hướng dẫn viên cho chúng tôi  nói với vẻ tự hào đầy cung kính rằng đó là “món quà mà Hoàng Gia của chúng tôi muốn gửi tặng đến du khách các nước khi đến với đất nước Thái Lan” 
Nét nhân văn từ “thành phố ma quỷ”
Trong chương trình Tour, chúng tôi được xem một suất diễn do các nghệ sĩ chuyển giới biểu diễn. Nói thật, ban đầu, dù đã được giải thích khá kỹ lưỡng nhưng chỉ nghe nhắc đến chữ “pê đê” đã khiến chúng tôi không mấy mặn mà, nếu không nói là khá ác cảm. Hướng dẫn viên kể cho chúng tôi nghe về quá trình chuyển giới đầy đau đớn và nguy hiểm của những người này. Họ đã phải chấp nhận không chỉ rủi ro phẫu thuật mà còn là sự tổn thọ, suốt đời phải phụ thuộc vào những loại thuốc uống để duy trì trạng thái cơ thể …
Chỉ đến khi thực sự mục kích màn biểu diễn của các nghệ sĩ chúng tôi mới thực sự thoát khỏi những định kiến đối với người chuyển giới. Shaw diễn rất hoành tráng, đầy màu sắc tổ chức chuyên nghiệp, thiết kế dàn dựng độc đáo, thông minh… Nhưng trên hết cả là sự lao động nghệ thuật rất xuất sắc của các nghệ sĩ thực thụ. Qua đây, chúng tôi đã hiểu thêm được một nét nhân văn từ một thành phố được mệnh danh là “ma quỷ” này. Không ở đâu như ở Thái, nơi mà những người chuyển giới, hay còn gọi là những người giới tính thứ ba, được xã hội công nhận, được sống và làm việc như những người bình thường, và quan trọng là họ được tôn trọng với tất cả các giá trị con người mà không hề có bất cứ sự kỳ thị nào trong cộng đồng.
Đối với du khách lần đầu đến với Thái Lan, khó mà hình dung ra được một đất nước thấm đẫm tinh thần Phật giáo lại có  thành phố Pattaya, nơi mệnh danh là “thành phố ăn chơi”, “thành phố ma quỷ” bởi đây là một thành phố sống chủ yếu là ban đêm với tất cả những gì bụi bặm, gai góc và tăm tối (theo quan niệm của nhiều người) . Khu phố đi bộ Walk Street nhộn nhịp, tấp nập với đủ loại người, đủ  thứ hình thức mời chào, đủ thứ âm thanh hỗn tạp, đủ thứ mùi vị nồng nặc … Những cô gái ăn mặc mát mẻ, đứng đong đưa chào mời khách công khai dưới tán lá dừa ven biển, những cô gái thân hình bốc lửa, uốn éo trong các quán bar … làm cho nhiều người trong số chúng tôi khá “dị ứng”. Nhưng như giải thích, đây là Pattaya, một thành phố ăn chơi, chỉ dành cho ăn chơi, và đã tồn tại mấy chục năm nay rồi nên đã đến đây thì bạn nên thừa nhận điều đó như một sự hiển nhiên, không bàn cãi gì.      
Không thể nói luật pháp không có giá trị lớn ở Thái, nhưng dường như ở đây các quy ước cộng đồng, các quy tắc đạo đức và cá những quy định bất thành văn của các khu vực, nhà hàng, quán xá … có ý nghĩa bắt buộc tuân thủ nhiều hơn. Với người Thái, cướp bóc, trộm cắp, gian dối, đâm chém … là những việc làm tội lỗi, đáng xấu hổ. Còn ngoài ra, những việc gì có sự thỏa thuận của đôi bên đều là công việc và họ làm công việc được thuê với tất cả sự cần mẫn, trách nhiệm cho dù là những việc nặng nhọc, thậm chí là bẩn thỉu nhất. Nhưng khi hết việc, hoặc đã hết giờ làm theo thỏa thuận, họ dứt khoát không làm thêm, làm cố để lấy thêm tiền.
Từ Thái Lan thêm tự hào về đất nước mình
Tôi có thể đoan chắc với bạn là nỗi nhớ về quê nhà sẽ đến ngay bữa ăn đầu tiên trên đất Thái. Vâng, thì cũng vẫn là cơm, là phở, là hủ tiếu, là rau xào và cả nước mắm nữa … không khác mấy so với Việt Nam nhưng món ăn Thái vẫn có một thứ mùi đặc trưng như mùi ngũ vị hương làm lấn át cả mùi thực phẩm. Tiếng là xứ xuất khẩu gạo nhiều và ngon nhất thế giới nhưng cả đoàn tôi đều nhất trí là gạo Thái không ngon bằng gạo Việt Nam (không biết có phải là tính tự hào dân tộc quá lớn hay là do chỉ được ăn thứ gạo quá thường của nước bạn). Rau của Thái thì cũng được nhưng không phong phú như bên xứ mình. Mang tiếng là thành phố biển, nhưng ở Pattaya chúng tôi không thấy bày bán hải sản phong phú như ở ta. Các bữa ăn cũng chỉ thấy món cá diêu hồng thường trực, thảng lắm mới được vài lát mực  tẩm bột chiên. Nhớ những bữa ăn cá tôm, cua ghẹ … ở nhà mà thèm. 
Một anh trong đoàn chúng tôi đưa ra nhận xét: Ở Thái Lan, cái gì cũng là nhân tạo. Quả thật, đi trên đất Thái, mới thấy họ không có phong cảnh thiên nhiên đẹp như Việt Nam ta. Hai bên tuyến đường cao tốc hầu như không có làng mạc, ruộng đồng xanh ngút ngát như ở bên mình. Như đã nói ở trên, kiến trúc nhà cửa cũng không đẹp bằng, chỉ có màu sắc trang trí trong hoàng cung và của các chùa chiền là sặc sỡ hơn xứ ta mà thôi. Các khách sạn nơi chúng tôi nghỉ lại, tiếng là 3,4 sao nhưng cũng không hiện đại như ở ta, có lẽ là do trải qua thời gian sử dụng đã khá lâu. Qua Thái, các thiết bị liên lạc điện tử của bạn có nguy cơ bị bỏ xó vì khách sạn không có wiffi, nên bạn phải mua SIM và 3G để sử dụng riêng với giá dịch vụ viễn thông đắt gấp mấy lần so với Việt Nam. Nói đến đây lại thấy sung sướng khi ở xứ mình khách sạn tha hồ wifi miễn phí, miễn phí cả ở nội đô nữa.   
Chúng tôi nói vui với nhau: “Biển ở Pattaya thì phải gọi biển của Đà Nẵng bằng … cụ.” Đảo San Hô thì cũng chỉ như … Cù Lao Chàm mà thôi. Trong khi giá cả dịch vụ như dù bay, ca nô trượt nước, và cả ghế ngồi trên bãi biển … đều rất đắt. Cho nên với người Đà Nẵng chúng tôi bảo đi chơi biển đảo thành ra chỉ là đi để biết, để thấy biển nhà mình “ngon lành” hơn xứ họ gấp nhiều lần.
Khen chê xứ người thì chắc còn nhiều điều nữa đang đón chờ các bạn cảm nhận và khám phá. Dù không có nhiều phong cảnh đẹp, dù không có bờ biển dài và giàu như Việt Nam, nhưng chúng ta phải thán phục Thái Lan về sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của họ, về cách làm du lịch chuyên nghiệp của họ, cả về lối sống, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đất nước này. Khám phá cảnh quan, tiếp thu những điều tốt đẹp, chiêm nghiệm những giá trị nhân văn cao cả, để “biết mình biết người”… đó cũng là mục đích và lý do thôi thúc của mỗi người khi tìm đến với những chuyến đi du lịch.     
  


Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

HẠT TÁO, CÂY TÁO VÀ ... CUỘC SỐNG

Một anh bạn (trên FB thôi) kể một câu chuyện mà mình cho là nó mang nhiều ý nghĩa nhất đối với mình trong năm nay.
Anh bạn kể chuyện, ngày Tết đến thăm thầy giáo cũ. Ngồi nói chuyện, anh kể với thầy về những suy nghĩ, tâm tư cùng những bức xúc trong cuộc sống mà mình đã nếm trải. Thầy anh lắng nghe chăm chú. Sau đó thầy bảo anh làm một việc rất lạ lùng. Thầy chỉ vào đám hạt táo trên bàn (đĩa táo thầy đem ra mời anh) và bảo anh hãy ném từng hạt qua song cửa sổ ra ngoài vườn sau. Hơi ngạc nhiên, nhưng anh cũng làm theo lời thầy. Hạt thứ nhất va vào song cửa rơi xuống. Hạt thứ hai… rồi mấy hạt sau cũng bị va vào song cửa mà không có hạt nào rơi ra được phía ngoài, dù anh đã thử bằng nhiều cách, mạnh hơn, nhẹ hơn …
Thầy nhìn anh cười bảo: con thấy chưa? Một việc cứ ngỡ là đơn giản nhưng thực ra lại không đơn giản chút nào. Cuộc sống là như vậy đấy …
Mình chắc thầy còn nói chuyện nhiều nữa với anh nhưng câu chuyện của anh chỉ dừng lại ở đó, với một loạt câu hỏi: sao thầy mình lại dùng cách này để dạy anh? Tại sao những hạt táo nhỏ lại không chui qua được song sắt vốn rất rộng hơn gấp nhiều lần? Làm thế nào để hạt táo lọt qua được khe song sắt ?
Mình đã  còm vào FB của anh rằng trước tiên là anh đã có một người thầy rất tuyệt vời. Chỉ bằng một việc đơn giản, ông đã giúp anh có một hiểu biết sâu sắc và toàn diện bất ngờ.
Đem câu chuyện của anh kể với đám con cháu, mình cũng mạn phép giải thích thêm về mặt vật lý (chả biết có đúng không).
Khi chúng ta tác động vào hạt táo một lực, tạo nên vận tốc theo một  hướng, trong quỹ đạo chuyển động,  hạt táo sẽ chịu tác động từ nhiều lực và có sự dao động chứ không bay thẳng như ta tưởng (như mắt thường ta nhìn thấy). Và chính vì vậy hạt táo sẽ va đập vào song sắt, may mắn lắm mới có hạt lọt qua được khe song sắt để ra ngoài. Có 3 trường hợp để có được hạt táo lọt qua song sắt: 1 là phải được tác động với một lực làm nên vận tốc lớn, thắng được ảnh hưởng của các lực khác gây cản trở chuyển động. 2. nếu muốn chỉ tác động nhẹ thôi thì  là phải ở cự ly rất gần. Đơn giản là bạn đến gần song cử và thả hạt táo ra ngoài. Còn cách thứ 3 là … ném cả nắm hạt táo ra ngoài, thể nào cũng có hạt lọt qua khe cửa …
Vậy thì bài học thầy dạy bằng những hạt táo là gì? Mình hiểu thế này (và cũng dạy cho đám con ở nhà) không biết có hết ý không:
Nếu chúng ta là những hạt táo và đều mong muốn được chui lọt qua song cửa sổ để ra ngoài. Nhưng phần lớn chúng ta, nếu không nói là tuyệt đại đa số, đều không có được một sự tác động để tạo nên vận tốc cực lớn để bay theo quỹ đạo thẳng như mong muốn. Một số người khôn ngoan, hoặc may mắn được ở gần hơn với khung cửa sổ và vì thế dễ dàng hơn trong việc chui lọt ra ngoài. Số còn lại là đám đông được ném cùng một lúc, may mắn hơn sẽ có anh hạt táo lọt được ra ngoài.
Kể xong cu con hỏi cắc cớ:
- Mẹ, Hạt táo ra ngoài làm được cái chi hả mẹ?
- Thì để gặp đất và có cơ hội mọc lên cây táo mới.
- Thế có phải hạt nào ra ngoài cũng mọc được thành cây táo mới không hả mẹ?
- Chỉ là có cơ hội mọc lên thành cây táo thôi. Không phải hạt nào cũng mọc được thành cây.
- Con nghĩ  ngay cả những hạt không lọt được ra ngoài, nhưng được thầy vứt vào đống rác, biết đâu có khi nó cũng mọc thành cây chứ chẳng cần ra ngoài vườn. Mà không chừng mấy hạt táo ra được ngoài vườn, mọc lên cây nhiều quá thì thầy cũng phải nhổ bỏ bớt đi chứ …
Hừm … cái thèn cu này "ní nuận" nhiều quá, nói chặp hồi "trớt guớt" hết trơn. Nhưng mà đúng, đó chính là cuộc sống, cả hạt táo và cây táo con ạ.
Nhưng chuyện mẹ nói chỉ là đến hạt táo thôi, còn cây táo sẽ là những chuyện sau này con kể tiếp vậy
 Điều này mình muốn nói với anh bạn đã kể chuyện hạt táo kia: Bạn ơi, cuộc sống chúng ta luôn sẽ gặp rất nhiều vật cản, nhiều tác động khiến chúng ta phải va đập, bức xúc và sẽ đến lúc mình quên mất quỹ đạo, mục đích của mình. Tôi mong bạn hãy bình tâm, đừng tha vào đầu mình  những rác rưởi của cuộc sống.  Nếu biết mình đã không thể có được vận tốc lớn, thì hãy biết bình thản mà nhẹ nhàng thả hạt táo qua khung cửa sổ, bạn nhé.    



Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

TRONG ÂM THẦM NẮNG GIÓ LÝ SƠN


Tôi muốn mở đầu bài viết của mình về Lý Sơn bằng cái mùi vị mằn mặn, tanh tao xộc vào mũi ngay khi con tầu cập cảng hòn đảo nhỏ này. Với tôi, một người  sống ở biển đã lâu, cũng không dễ làm quen với cái mùi đó. Huống chi là các chị bạn tôi ở Bắc mới đến đây lần đầu, lại vừa trải qua một sự vật vã kinh hoàng trên chuyến tàu cao tốc ra đảo. “Đi xe (ô tô) ngồi đầu, đi tầu (thủy) ngồi cuối”, bài học kinh nghiệm  đầu tiên chúng tôi học được từ cô bạn “thổ dân” dù hơi muộn màng nhưng thật thấm thía.


Tôi chưa từng đặt chân đến Lũng Cú (Hà Giang) đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng nơi địa đầu Tổ Quốc, nhưng ngay ở Lý Sơn, ngắm lá cờ đỏ đang phần phật tung bay  trên nền biển và cả nền trời xanh ngắt, trong mênh mang gió cát, bỗng nghe trong mình trào lên một niềm xúc động tự hào vô bờ bến. Khi đăng tấm hình chụp này lên facebook, lập tức  đã có nhiều lời bình cảm thán: exciting Vietnam! Tự hào quá Việt Nam!
Lý Sơn quả nhiên không phụ sự háo hức mong đợi của chúng tôi trong chuyển tác nghiệp này. Ở đây hình như tồn tại song hành cả những điều xưa cũ và những mới mẻ, mà chả hề có sự va chạm hay mâu thuẫn với nhau. Bên cạnh một khách sạn mới xây là cảng cá, mỗi sớm đều có những chuyến tàu về, những mẹt cá mực tươi rói lấp lánh và cả cái mùi nằng nặng đặc trưng của biển. Dân cư xung quanh khu trung tâm đảo dường như ít quan tâm đến những ông bà khách du lịch ngó nghiêng khắp nơi mà chỉ chăm chú làm công việc của mình. Chân chất, dung dị, không đon đả chào mời, không níu tay chèo kéo mà chỉ bằng nụ cười, ánh mắt họ đã kéo chúng tôi lê la xem và ăn những đặc sản quê mình với giá bình dân.

 Đang vào mùa, hành tỏi chất đống và rẻ bằng nửa giá mọi khi. Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Nguyên, với 300 ha trồng hành tỏi, hàng năm huyện đảo cung cấp 2000tấn hành tỏi chothị trường. Tỏi Lý Sơn là đặc sản nổi tiếng có lẽ nhờ hương vị thơm dịu chứ không phải cay nồng như nhiều người nghĩ. Điều làm nên thương hiệu tỏi Lý Sơn chính là nhờ loại đất trồng đặc biệt. Đó là loại đất đỏ từ miệng núi lửa cũ cách nay hàng nghìn năm, được phủ lên lớp đất bồi trộn giữa cát và san hô. Dường như  núi và biển, nước và lửa lại cùng nhau kết tinh thành một sản phẩm đôc đáo, dịu dàng như thế đấy. Nhìn những thửa ruộng hành tỏi trên đảo, chợt liên tưởng đến những thửa ruộng bậc thang ở vùng cao Tây bắc. Tất cả được tạo nên nhờ sự nhẫn nại nhiều đời nhặt đá, xếp đá ... mà thành. Từ tháng 9/2014, nguồn điện cáp ngầm dẫn từ đất liền ra đã làm đổi thay khá nhiều đời sống của cư dân trên đảo. Nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm sức người và cũng để tiết kiệm nước. Nước ngọt trên đảo quý hiếm lắm bởi cả đảo rộng chừng trên 10km2 không có rừng che phủ, chỉ toàn núi đá trơ trọi là di tích của núi lửa còn lại sau hàng ngàn năm. Nghe nói hiện nay, đảo đã có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt với công suất chừng 200m3/ngày đêm  nhưng cũng không thấm gì so với nhu cầu sử dụng nước của người dân chứ chưa nói đến chuyện tưới tiêu. Những ngày này, hạn nặng, những cái giếng càng ngày phải càng được đào sâu hơn, rộng hơn nhưng hình như chỉ là để khoét sâu thêm nỗi lo thiếu nước mà thôi.
Đến Lý Sơn, bạn sẽ được giới thiệu rất nhiều sản vật địa phương độc đáo. Nhưng cho đến khi rời đảo, đọng lại trong tôi vấn là loại ốc biển có tên Ốc Cừ (hay là Ốc Xà Cừ). Ban đầu, khi được giới thiệu về loài ốc này trên mâm thức ăn, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy thịt ốc được gắn với một vật nhỏ hình tròn, nhỏ xinh và dày như một chiếc cúc áo mà chả hề thấy vỏ ốc bên ngoài. Mãi sau mới biết, Ốc Cừ là loại ốc  to cỡ như con ốc bươu, vỏ xù xì nâu sẫm có gai. Cái “cúc áo” thực ra chính là phần nắp đậy mồm ốc. À thì ra … ngẫm lại mới thấy, hình như có một sự tương đồng nào đó giữa những con ốc Cừ với phẩm chất của người dân Lý Sơn. Không màu mè, khoa trương nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp huyền ảo của bảy sắc cầu vồng phía bên trong lớp vỏ xù xì. Sự thầm lặng, dung dị, tự thân vận động, tự thân bảo vệ song hành cùng sự can trường quả cảm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy …

Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn. Chúng tôi đã ngạc nhiên và dường như có chút gì cảm thấy chưa được thoả đáng khi những ngôi mộ của các chiến binh ngày xưa đi bảo vệ Hoàng Sa dù có được chăm sóc, đắp điếm khá chu đáo  nhưng vẫn chỉ là những những nấm mồ đất, không được xây cất như chúng tôi tưởng. Sau này mới vỡ lẽ, thực ra đây chỉ là những ngôi mộ gió mà người dân đảo đắp lên để tưởng nhớ ông bà , những người trong đội hùng binh năm xưa đã ra đi giữ đất và gửi lại nắm xương mình đâu đó ngoài trùng khơi xa tít. Có lẽ những ngôi mộ gió mộc mạc ở quê nhà, khi không xây bằng xi măng, gạch đá, không tô trát phượng rồng lại có sức cuốn hút nhiều hơn với linh hồn người đã khuất, và nhân lên bội phần niềm cảm phục của những người đang sống đối với cha ông mình.


Ôi Lý Sơn. Nếu nói về hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc này, chúng tôi không thể nào viết nhiều hơn những khúc tráng ca của những đội hùng binh ngày xưa vượt biển bảo vệ Hoàng Sa, mãi mãi không trở về; không thể viết hơn những dòng tư liệu lịch sử như những bằng chứng hùng  hùng hồn về  chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc đối với quần  đảo Hoàng Sa xa hàng trăm hải lý
Vậy nên, chỉ là những cảm nhận loanh quanh, những cảm xúc chợt ùa đến nhưng đã ở lại rất lâu trong chúng tôi.
Dù là đã hơn ba tuần kể từ khi rời đó ….


Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Cho con ngày 18 tuổi


Ngày hôm qua là sinh nhật con tròn 18 tuổi. Sinh vào tháng 6, đúng ngày hạ chí, cái nóng bức gay gắt của ngày nóng nhất của mùa hè cộng với  kỳ thi Đại học đang cận kề khiến ngày sinh nhật của con có vẻ như hơi sơ sài quá .Cuối ngày mới có một cái bánh sinh nhật tí tẹo, một lẵng hoa mẹ cắm, 1 ký kem. Đó cũng là thiệt thòi chút chút của con và hình như con cũng đã dần quen với những sự thiệt thòi chút chút kiểu này nhỉ.
Cu Bống cưng, dù chỉ là đơn giản nhưng có lẽ con cũng cảm nhận được sự quan tâm, ấm áp của cả gia đình đối với mình, và điều đó lớn hơn tất cả. Sau này, đến chừng như tuổi của ba mẹ, con sẽ thấy rõ gia đình mới thực sự là nền tảng cho mọi thành công và thành công lớn nhất là có một gia đình yên ấm. Những thứ vật chất, những danh hiệu, chức vụ … là những thứ không thuộc về mình nên chả đáng phải quan tâm con ạ.
Mẹ và cả Ba nữa không phải không mong các con trở thành những nhân tài, những người nổi tiếng, nhưng thực tế đều nuôi dạy các con theo những “tiêu chuẩn” của người …bình thường, thậm chí còn có phần “khắt khe” hơn người thường. Với phương châm “ba mẹ cho con những thứ con cần chứ không phải cho con những thứ con muốn” nên các con từ nhỏ đã không nhõng nhẽo, đòi hỏi cho kỳ được những món đồ mình thích, vì biết ba mẹ không chiều theo mọi đòi hỏi của mình khi điều ấy không cần thiết. Ba mẹ nào lại không muốn con mình được đạt các danh hiệu học sinh giỏi này nọ, nhưng ba mẹ không cố ép các con phải đạt được bằng mọi giá, càng không bao giờ phải chạy chọt, nhờ vả để cho các con có được những thứ phù du đó. Và sau này tương lai của các con cũng chính do con quyết định. 
Ở nhà ta, mỗi người đều tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Đấy là cách nói hơi cao xa nhưng thực ra rất gần gũi. Thế này nhé, ví dụ như việc học đó là việc của con. Học như thế nào là do con quyết định. Ba mẹ chỉ là người hỗ trợ tối đa cho con về vật chất tinh thần để có thế học tốt hơn nhưng không thể học thay con được. Con phải học bằng chính thực lực của mình. Bài học mà ba mẹ dạy các con là việc các con phải tự “trả giá” cho mỗi sai lầm của mình. Sai lầm của con bây giờ nếu có thì chỉ là  nhỏ, cái giá phải trả còn rất thấp nhưng thà như thế để sau này con đỡ phải trả những cái giá đắt hơn.
Con đã 18 tuổi. Hôm qua con đăng fb rằng sẽ làm những gì mà 18 năm qua chưa dám làm và 1 bạn nào đó đã hài hước bảo: “đắng lòng thanh niên quyết tâm vào …tù”. Chỉ là hài hước thôi nhưng thực sự ba mẹ cần nhắc con là khoảng cách giữa trong và ngoài song sắt cũng không phải là quá lớn. Cho nên, quay lại câu chuyện “trả giá” bên trên, hãy cẩn trọng con nhé.
Chỉ 10 ngày nữa con sẽ tham dự kỳ thi đại học. Đó sẽ là một trong những thử thách lớn nhất đời của con, rất khó khăn và hầu như chả có gì chắc chắn cả. Hãy cố gắng hết mình dù kết quả có là thế nào đi nữa con nhé. Khi ta làm hết mình thì chẳng có gì phải hối tiếc cả. 
18 tuổi, nói thế đủ rồi  con nhỉ. 

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

TÔI THƯƠNG BẠN MÌNH

Tôi là người rất … cảm tính.
Cảm tính nên tôi thương và ghét ai đó thì thường bằng một hoặc một vài lý do rất đơn giản, đôi khi là vớ vẩn.
Mấy hôm nay ngồi đọc trên mạng, tự dưng tui thấy thương mấy ông bà bạn tôi, những người đang mần tòa án.
Ngày xưa tôi đi học luật cùng họ nhưng đã tự rẽ ngang để không mần việc ở tòa. Bạn tôi, nhiều người làm ở đó.
Tôi đã đọc, đã biết, đã đắng đót, đã cười nhạo biết bao lần cho những phiên tòa phải hoặc không phải bạn tôi làm chủ tọa.
Tôi đã nhiều lần nghe kể chuyện ông/bà tòa nọ/kia nhận tiền đương sự công khai, trắng trợn ra sao, phải chung chi thế nào để có được bản án có lợi hơn …
Tôi đã từng tự hào khi bạn tôi đã dám xử vô tội cho một bị can 5 lần trước đó bị kết án tử hình
Tôi cũng đã không dám nhận mình là bạn của bà thẩm phán khi bà ta ấm ớ, ậm ừ trong phiên tòa mà bị cáo cao giọng hơn chủ tọa.
Hôm nay tôi chợt thương ông bạn mình, đang phải gánh những búa rìu dư luận, vì không thể nói và làm khác, vì vẫn thiệt thà chân chất khi trả lời báo chí rằng ông không thể nói và làm khác đi.
Tôi biết những ông bạn, bà bạn thẩm phán, chánh án này
Cũng như tôi, nếu ngoài đời họ sẵn sàng ném giày vào mõm những thằng nhân danh pháp luật đã dùng nhục hình cướp đi mạng sống người dân, giờ đang nở nụ cười trước vành móng ngựa. (cái vụ cười này bạn tôi đã nói, có khi chả phải hắn coi thường luật pháp hay công đường, mà đơn giản có khi đang gặp người thân đến thăm)
Cũng như tôi, ông chánh án bạn tôi có thể sẽ xót lòng khi thấy em bé (con nạn nhân) hồn nhiên đến ôm hôn di ảnh bố mình. Có khi lại ngẩn ngơ nghĩ đến con mình đang ở nhà bị lên cơn sốt.
Lẽ tất nhiên, nếu là tôi, nếu là bạn tôi chỉ là ông ấy thôi chứ không phải là chánh án, sẽ đưa hết lũ nhục hình kia lên giá treo cổ, hoặc nếu không thì cho chịu lại những vết thương để cảm nhận được nỗi đớn đau trên thể xác nạn nhân …
5 năm, 10 năm … là quá nhẹ, là tát vào dư luận, là gây thêm những nát chém trong lòng gia đình nạn nhân, những nhát chém không phải là sẹo trên cơ thể…
Phiên tòa kết thúc rồi, dư luận gào lên tức tưởi: công lý thế à? Lương tâm thẩm phán vứt cho chó tha rồi chắc ?
Có thể sau phiên tòa, bạn tôi cúi gục mặt, trước câu tự vấn: Lương tâm mày để ở đâu?
Tôi, thản nhiên, ơ hờ, đi làm những chuyện hay ho, không chút bận tâm rằng ai chết, ai tù, ai buồn ai khóc…
Nếu có biết, có được đọc ở đâu đó những phiên tòa đắng đót thế này thì cũng tự cho là mình khôn ngoan khi đã không chọn tòa án để làm việc.
Nếu phải đối diện với những chuyện thế này, e rằng tôi phải nhập viện tâm thần

Vì vậy tôi thương bạn mình …

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Cha mẹ chúng ta muốn chúng ta sống tốt

Đầu năm 2013, má mình đã về cõi vĩnh hằng sau 3 năm rưỡi ngày ba mình ra đi.
Năm 2009, khi ba mình ra đi, mình phải mất gần 2 năm mới ra khỏi tình trạng vật vờ, lạng quạng như trong một màn sương mờ đục đầy những ám ảnh tồi tệ. Cùng với đó, trạng thái bất an đã khiến những hành động, lời nói thiếu kiểm soát. Người trong nhà thì thông cảm, nhưng người khác thì không. Nên hậu quả kéo theo là sự lao đao trong công việc, bị kiểm điểm và hàng loạt những hệ lụy khác.
Trong thời gian đó cũng khiến mình suy nghĩ nhiều hơn, viết hay hơn (sau này đọc lại thấy ngạc nhiên hồi đó sao viết hay đến thế).
Má mất đi, buồn lắm chứ. Ước gì mình có thể chết thay má.
Nhưng lạ một điều, không như khi ba mất, mình đã nhanh chóng lấy lại cân bằng, lao vào công việc, các mối quan hệ bạn bè anh em với một tâm thế thanh thản, thoải mái hơn.
Lẽ tất nhiên không phải vì mình không yêu má bằng ba. Nhưng hình như đã có cách nghĩ khác.
Sinh tử là chuyện không tránh khỏi, huống chi các cụ đã vượt quá ngưỡng Thượng Thượng Thọ
Dù có muốn, ta cũng không thể đi thay các cụ được.
Vậy thì khi các cụ còn sống, ta hãy làm tất cả những gì cho các cụ bằng tất cả sự hiếu lễ, kính yêu, cho các cụ được hưởng tất cả những gì mà các cụ xứng đáng được hưởng, làm cho các cụ luôn tự hào về ta như chính chúng ta đã từng tự hào vì các cụ.
Và khi chúng ta sống, hãy sống tiếp cuộc đời của các cụ, nhìn tiếp cuộc sống này cho các cụ, làm tiếp những điều mà các cụ đã tâm huyết, đã trăn trở, đã đam mê …
Ở trên trời cao,ba mẹ chúng ta không muốn chúng ta khổ, không muốn chúng ta buồn, không muốn chúng ta sống cô độc …
Vậy thì sao chúng ta không để cho các cụ thấy con cháu các cụ đang sống an lành, đang bước đi mạnh mẽ với một tâm thế vững vàng, sẵn sàng đối diện với khó khăn thách thức

Dẫu còn nhiều thứ trong cuộc sống khiến ta chạnh lòng, khiến ta xót xa, đau đớn… Nhưng dù sao thì hãy sống tốt vì Ba mẹ ta đã mong ta như vậy. 

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

RAU SẠCH

Cô bạn bác sĩ của mình thật là một người thật thà đến mức ngờ nghệch.
Nói cô bác sĩ, bác sĩ chính quy thì chắc hẳn mọi người đã biết là trình độ học vấn của cô đến đâu.
Hôm qua đi Hội An viếng đám tang (thân phụ thầy giáo cũ) lúc về cô nằng nặc đòi đưa xuống thăm làng rau Trà Quế. Ban đầu mình tưởng cô muốn đi tham quan để biết, sau mới biết cô muốn đến đó để …mua rau sạch. Cô bảo: rau mình mua ở Đà Nẵng không thể nào ăn được vì nó cay quá, lại nghe nói không thơm bằng rau Trà Quế nên lần này đi nhất định phải lùng mua bằng được



Từ lâu, rau thơm Trà Quế (Hội An) đã nổi tiếng về chất lượng thơm ngon. Mà thơm thật, mới bước vào khu ruộng rau đã ngửi thấy ngay mùi hăng hăng, thơm nồng của rau quyện với mùi hương đất. Theo lời những người dân đang lúi húi trồng, rau Trà Quế chỉ đủ dùng trong khu vực Hội An, rau nơi khác dù có mang tiếng Trà Quế nhưng thực ra là rau nơi khác hoặc trộn lẫn, chứ không phải nguyên gốc.
Cô bạn mình xuýt xoa khen rau ngon, rau thơm, lại chê rau thường dùng là hôi, cay và…không thể ăn được. Kết quả, cô cạy cục xin và được họ cắt bán 10.000 đồng rau răm, lại xuýt xoa khen rẻ, trong khi chỗ ấy theo mình (và 1 cô bạn khác) đánh giá chỉ khoảng 2000 đồng nếu mua ở chợ.
Trên đường về, ngồi xe, dường như  vẫn rất hứng khởi với kết quả thu mua, cô bạn mình lại tiếp tục xuýt xoa ca ngợi rau Trà Quế, và chê rau thường. Tới chừng khi có người bảo rằng rau này được bón bằng phân bò thì cô mắt tròn, mắt dẹt kêu lên: ơ sao bảo đây là rau sạch mà.
Có người giải thích với cô về khái niệm rau sạch. Sạch không có nghĩa là không bón phân mà chỉ là việc không  sử dụng quá nhiều thuốc sâu và hóa chất mà thôi. Cô nghe, gật gù ra chiều hiểu biết, sau đó lại tung ra 1 câu …trên trời: Nhưng chắc khi tưới người ta phải tưới dưới gốc thôi chớ hè?
Chả muốn nói xấu bạn bè nhưng cô bạn mình thiệt tình ngờ nghệch hết chỗ nói (có lẽ đây cũng là điểm đáng yêu của cổ). Hình như trình độ học vấn, sự sành sỏi trong tiêu dùng, những đòi hỏi cao và cầu toàn của cổ không có gì là tương đồng với những hiểu biết thực tế xã hội mà cổ có.
Ôi bà bạn của tôi, tôi nghĩ cô không chỉ không thể hiểu được cái khái niệm về rau sạch vốn đơn giản dễ hiểu trên đây đã đành mà chắc sẽ không bao giờ biết được rằng hiện nay từ “rau sạch” còn để chỉ theo nghĩa đen những thứ khác. Ví dụ như chỉ những phụ nữ đã có chồng con, hiện đang làm việc tại văn phòng và đang có mối quan hệ “đặc biệt” với sếp. 
Nhưng ít ra may mắn là cô cũng có thể hiểu được điều đơn giản nhất: sạch không phải là không bẩn.
Cũng may, sự ngây thơ của cô cho đến giờ cũng chưa bắt cô phải trả cái giá nào quá đắt.
Và xã hội thôi thì cũng cần có nhiều sự ngây thơ ấy thì phải, ít ra nó cũng dễ chịu hơn những thứ tệ hại khác, những thứ nhẽ ra phải sạch, tưởng là sạch nhưng lại không hề là sạch.